Lồng ghép truyền thông về biến đổi khí hậu trong những chủ đề phổ biến trên báo chí
Biến đổi khí hậu là một chủ đề truyền thông toàn cầu, nhưng là một lĩnh vực truyền thông đầy thách thức. Trong truyền thông, việc lặp đi lặp lại một vấn đề mang tính dự báo lại phức tạp, không có những câu chuyện và tình tiết mới, rất dễ làm gây nên sự bão hòa và từ chối từ phía công chúng. Tuy nhiên, có một cách thức để khai thác chủ đề này là lồng ghép vào những vấn đề tự nhiên, kinh tế, xã hội và sự phát triển nói chung, thúc đẩy nhận thức và hành động khí hậu một cách gần gũi và hiệu quả. Bản thân biến đổi khí hậu không phải là câu chuyện, nó là bối cảnh của nhiều câu chuyện. Nội dung dưới đây vừa là đề xuất giải pháp truyền thông, vừa nêu ra khuyến nghị cần phải đặt mọi vấn đề thiết yếu hiện nay dưới lăng kính biến đổi khí hậu, bởi những tác động của biến đổi khí hậu đã trở nên sâu rộng và bắt đầu đe dọa sự tồn vong của loài người.
Truyền thông về năng lượng
Năng lượng là nhu cầu thiết yếu của con người nhưng cũng là nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu. Các cuộc đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu hàng năm giữa các quốc gia thực chất là xoay quanh vấn đề năng lượng và phát thải khí nhà kính, và gần đây là vấn đề chuyển dịch năng lượng công bằng. Trong suốt các kỳ hội nghị COP, những điều sau đã được các quốc gia cùng công nhận:
+ Năng lượng từ nguồn hóa thạch (chủ yếu là than đá) là loại năng lượng gây ô nhiễm môi trường và tác nhân gây biến đổi khí hậu lớn nhất;
+ Cần tiết giảm việc sử dụng năng lượng để giảm tải cho môi trường;
+ Cần chuyển dịch sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo vì sớm muộn gì năng lượng từ nguồn hóa thạch cũng sẽ cạn kiệt.
Truyền thông về năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu sẽ cần có những thay đổi so với trước đây. Những biểu tượng ống khói vươn cao, hay biến sông thành điện rất tích cực một thời cần nhường chỗ cho câu chuyện về sự trân trọng những nguồn tài nguyên và sử dụng hợp lý.
Thứ nhất, báo chí truyền thông về chủ đề năng lượng cần nhấn mạnh về vấn đề tiết kiệm năng lượng. Dù đang sử dụng nguồn năng lượng nào cũng phải nhận thức được là không có hoạt động sử dụng năng lượng nào không gây ra các tác động môi trường. Cho đến bây giờ, chúng ta đang chịu hậu quả của lớp khí nhà kính tích tụ trong khí quyển từ cuộc Cách mạng công nghiệp 1.0, và những gì tích tụ hôm nay sẽ đè nặng lên thế hệ tương lai. Cần phải tiết giảm sử dụng năng lượng bằng cả các giải pháp chính sách đến thay đổi thói quen, lối sống của người dân.
Thứ hai, báo chí cần phân tích trả lời câu hỏi: “Lựa chọn nguồn năng lượng nào cho tương lai?”. Ở đây, chỉ có một con đường là chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Việc phân tích và tranh luận về ưu điểm và hạn chế của từng loại năng lượng và kế hoạch phát triển năng lượng tiếp theo như thế nào phải rõ ràng và minh bạch, có sự tham gia của các nhà khoa học, có đầy đủ các số liệu minh chứng.
Thứ ba, các bài viết trên báo chí cần đóng vai trò cầu nối thông tin và thúc đẩy sự đổi mới. Báo chí cần tìm hiểu và phản ánh về các mô hình năng lượng tích cực, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và các cơ quan doanh nghiệp. Những cái nhìn tích cực đó sẽ đóng góp cho sự chuyển dịch năng lượng công bằng, thực hiện các giải pháp văn minh về năng lượng.
Truyền thông về nông nghiệp hữu cơ
Các hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng hóa chất, phân bón tổng hợp, các thiết bị công nghiệp (tạm gọi là nông nghiệp hóa chất) là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính quan trọng, gây ra biến đổi khí hậu. Sự tác động tiêu cực qua lại giữa nông nghiệp hóa chất và biến đổi khí hậu sẽ nhanh chóng dẫn đến một kịch bản đáng sợ, đó là nguy cơ thiếu hụt lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Nhưng nông nghiệp hữu cơ chính là một giải pháp thích hợp để tập trung vào sức khỏe môi trường, tôn trọng đa dạng sinh học, tối ưu hóa các qui trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng trong nông nghiệp, đồng thời cũng là hạn chế phát thải khí nhà kính một cách đáng kể. Nông nghiệp hữu cơ đã được xem là rất hữu ích trong việc giảm tác động của biến đổi khí hậu hiện nay.
Một số đề xuất trong hoạt động báo chí truyền thông về nông nghiệp hữu cơ:
Thứ nhất, báo chí truyền thông về nông nghiệp hữu cơ cần truyền đạt cho mọi người triết lý ổn định bền vững của loại hình nông nghiệp này. Đây là phương thức canh tác vừa bảo đảm an toàn cho con người vừa cho hệ sinh thái. Rào cản hiện nay có thể đang là nhận thức còn chưa rõ ràng, lòng tin chưa được xây dựng đầy đủ, các sản phẩm chưa được phân phối rộng rãi và giá thành còn cao. Nếu truyền thông có thể dỡ bỏ các rào cản này thì nông nghiệp hữu cơ sẽ tiếp cận được đến người tiêu dùng.
Thứ hai, báo chí truyền thông nên cung cấp kịp thời các số liệu phản ánh bức tranh nông nghiệp hữu cơ đang phát triển dần khắp toàn cầu. Các số liệu này được Viện Nghiên cứu NNHC FiBL (Research Institute of Organic Agriculture FiBL) và IFOAM công bố hàng năm, và có thể thấy các biểu đồ đều đang theo xu hướng đi lên, 73% diện tích đất nông nghiệp hữu cơ trên toàn thế giới thuộc về 10 nước dẫn đầu, điều đó cho thấy có thể dự đoán xu hướng nông nghiệp hữu cơ ngày càng trở nên vững chắc. Những tin tức này có thể là nguồn khích lệ to lớn với các cơ sở sản xuất nông nghiệp, giúp họ có những quyết định đầu tư, tham gia sớm vào hệ thống canh tác này.
Thứ ba, báo chí truyền thông cần giúp đỡ người tiêu dùng nhận diện các sản phẩm hữu cơ. Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Bộ tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11041-1:2017) dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Báo chí có thể làm cầu nối để cung cấp kỹ năng nhận diện sản phẩm, tiếp cận được các kênh sản xuất và phân phối. Báo chí cũng có thể trở thành một lực lượng giám sát sắc bén, kịp thời phát hiện ra các sai phạm trong hệ thống sản xuất và phân phối, giữ cho thị trường có uy tín, không bị méo mó, không làm xã hội bị mất lòng tin, làm mất đi thành quả của những nỗ lực bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Truyền thông về ứng phó nước biển dâng do biến đổi khí hậu
Nước biển dâng là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của biến đổi khí hậu. Khi nền nhiệt độ trung bình trên toàn cầu cao lên, băng ở hai cực tan ra, mỗi năm diện tích băng lại thu hẹp lại, nước biển tăng thể tích, mực nước trung bình của các đại dương tăng lên, đã được các số liệu đo đạc khoa học ghi nhận. Hơn 40% dân số thế giới (tương đương 2,8 tỷ người) sống trong phạm vi 100km từ bờ biển, và chịu tác động của nước biển dâng do biến đổi khí hậu(1). Theo nghiên cứu do các trường Đại học Amsterdam, Đại học Melbourne và Diễn đàn Khí hậu toàn cầu tiến hành , nếu các nước trên thế giới không đầu tư vào các biện pháp phòng chống lũ hoặc giảm khí thải toàn cầu, diện tích đất bị ngập sẽ tăng 48%, dân số bị ảnh hưởng tăng 52% và cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng sẽ tăng 46%, thiệt hại tương đương khoảng 20% GDP của thế giới vào cuối thế kỷ này(2). Đây không còn là tương lai xa nữa, mà là những mối nguy đã rất gần kề.
Điều cần chú ý thứ nhất trong hoạt động báo chí truyền thông về ứng phó nước biển dâng do biến đổi khí hậu là chú trọng vào các giải pháp ứng phó. Báo chí truyền thông nên chú trọng tìm hiểu các dự án ứng phó nước biển dâng đã và đang được thực hiện tại các vùng ven biển. Ví dụ như Chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện tại vùng đồng bằng sông Cửu long. Dự án đi theo hướng tiếp cận bảo vệ đường bờ biển dựa vào hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng của người dân và gắn kết các địa phương, thể chế hóa để những giải pháp đó có thể thực hiện một cách bền vững.
Thứ hai, truyền thông cần đưa ra những kinh nghiệm và hướng dẫn cụ thể cho bà con hơn là những lý thuyết dự báo chung chung. Ví dụ như trồng rừng ngập mặn, làm hàng rào chữ T trên bãi bồi, làm chống lũ, nuôi trồng thủy sản quảng canh, các giống lúa nước lợ…
Thứ ba, truyền thông về ứng phó nước biển dâng nên trở thành các ý kiến tham mưu và tác động vào các chính sách quản lý. Các sản phẩm truyền thông nên mô tả những hoạt động thực tiễn, những thành công cũng như các bất cập, khó khăn, thách thức, phân tích sự cần thiết được trợ giúp từ chính sách phù hợp, từ đó có giá trị tham mưu, tác động vào sự hoàn thiện của các chính sách quản lý.
Truyền thông về phòng chống thiên tai và thời tiết cực đoan
Cùng với sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng, thiên tai và thời tiết cực đoan được các nhà khoa học khí hậu xếp vào một trong ba biểu hiện lớn nhất của biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng rõ ràng, thiên tai và thời tiết cực đoan xuất hiện liên tục, ngày càng mạnh. Việt Nam là một trong những quốc gia có thời tiết cực đoan và rủi ro thiên tai cao nhất và đứng thứ 16 trong số các nước liên quan đến khí hậu cực đoan.
Một nhà nghiên cứu đến từ Đại học Miami, ông Brian McNoldy cho rằng hậu quả của hành động của con người "đóng góp" khoảng 80% vào các thảm họa thiên nhiên xảy ra trên thế giới(3). Truyền thông cần phải góp phần để con người nhận thức và hành động phù hợp trong một hệ thống giải pháp về phòng chống thiên tai và thời tiết cực đoan.
Thứ nhất, cần tăng cường dung lượng phân tích, kiến giải khoa học, để nhìn ra trách nhiệm của con người trong các vấn đề, hiện tượng thiên tai. Truyền thông về chủ đề này không nên chỉ dừng lại ở việc đưa những thông tin về sự tàn khốc của thiên tai hay những con số kỷ lục của thời tiết cực đoan. Đó đều là những chi tiết thu hút ở góc độ truyền thông, nhưng ngoài những cảm xúc mạnh mà nó mang lại, những thông tin đó không làm thay đổi điều gì ở nhận thức, hành vi con người.
Thứ hai, tăng cường truyền thông về những kỹ năng ứng phó cần thiết để phòng chống, trước và trong khi xảy ra thiên tai. Các dấu hiệu nhận biết thiên tai, cách tìm nơi an toàn, các địa chỉ cần biết để tìm kiếm sự giúp đỡ, chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền... và các kỹ năng khác, cần được truyền thông thông qua các câu chuyện sinh động chứ không phải là các khuyến cáo, liệt kê thông thường.
Thứ ba, những thông tin chủ đề này nên được tiếp cận đến mọi đối tượng, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp, người có nền tri thức yếu hơn, người dân tộc thiểu số không thành thạo tiếng Kinh, người vùng sâu, vùng xa, hay đi biển dài ngày… Đây đều là những đối tượng sẽ bị ảnh hưởng thiên tai nhiều nhất và cần có nhiều kỹ năng phòng tránh thiên tai nhất. Các sản phẩm báo chí phải có hình thức, ngôn ngữ, câu chuyện, và cả cách phát hành thích hợp để bảo đảm công bằng cho các đối tượng dễ bị tổn thương, hỗ trợ họ tiếp cận thông tin.
Truyền thông về đa dạng sinh học và bảo tồn động vật hoang dã
Sự cân bằng sinh thái là một loại kiến trúc tuyệt vời của tự nhiên, làm biến đổi nó đồng nghĩa với làm đảo lộn tự nhiên và một trong những hệ quả quan trọng là biến đổi khí hậu. Sự mất cân bằng sinh thái có thể gây ra những hậu quả thảm khốc trước cả khi biến đổi khí hậu đạt đến ngưỡng tiêu diệt con người.
Trong khoảng 300 năm qua, rừng trên trái đất đã bị giảm đến 40% diện tích. Có khoảng 130 loài đang biến mất khỏi trái đất mỗi ngày(4). Khoảng 1 triệu loài sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng(5). Lời cảnh báo của các nhà khoa học cực kỳ đáng lo ngại. Theo Giáo sư Trương Quang Học: “Đối với một hệ sinh thái hoàn thiện, những gì đã mất đi là vô cùng khó hồi phục. Nhiều nhà khoa học thế giới đã cảnh báo, con người chỉ tồn tại được đến cuối thế kỷ này, kỳ đại tuyệt chủng lần thứ sáu đã bắt đầu từ năm 2017… Nói điều đó thì hơi khủng khiếp, nhưng đó sẽ là sự thật nếu loài người chúng ta không thay đổi.”(6)
Những điều đáng chú ý trong truyền thông về đa dạng sinh học là:
Thứ nhất, truyền thông cần nhấn mạnh lợi ích vô giá của đa dạng sinh học đối với con người và việc mất đi mỗi loài trên Trái đất là không còn cách nào khôi phục được loài đó. Con người cần phải nhận thức ra được mình chỉ là một loài trong tự nhiên, trong chuỗi cộng sinh có mối quan hệ sống còn mật thiết với nhau. Việc chà đạp tiêu diệt loài khác cũng không khác gì tiêu diệt chính bản thân mình.
Thứ hai, cần có sự phân tích sâu về nguyên nhân và giải pháp ứng phó đối với sự suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra. Không thể chỉ dừng lại ở việc phê phán người dân đi tìm những lợi ích kinh tế cho họ, mà cần phân tích sự bất cập của hệ thống quản lý, tìm ra các giải pháp vừa bảo đảm sinh kế cho người dân vừa gìn giữ môi trường và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ ba, truyền thông bảo vệ đa dạng sinh học phải đưa ra được nhận thức đúng và sâu sắc về bảo tồn đa dạng sinh học. Việc bảo tồn trá hình diễn ra nhất nhiều (nuôi thú trong vườn cảnh, gây nuôi ở các trang trại nhằm mục đích thương mại…), đó chính là hình thức cầm tù và khai thác sinh vật chứ không phải là bảo tồn các loài có giá trị đa dạng sinh học thực sự.
Thứ tư, truyền thông về đa dạng sinh học cần gắn liền việc bảo vệ đa dạng sinh học với phát triển bền vững. Truyền thông chỉ hiệu quả khi phân tích và chỉ ra các giải pháp khai thác hợp lý, chỉ ra cho người dân lợi ích lâu dài của họ, và nâng cao ý thức tự giác, trao quyền cho họ tham gia bảo vệ nguồn tài nguyên lâu dài của mình. Các giải pháp quản lý phải đạt được sự hài hòa cân đối giữa các lợi ích, mới trở nên giàu sức thuyết phục với người dân.
Truyền thông về giới
Môi trường và khí hậu thuộc về tự nhiên, nhưng những tác động của nó rất sâu sắc tới con người và tới công bằng xã hội. Theo TS. Trần Thị Vân Anh(7), biến đổi khí hậu có những đặc điểm giới như sau:
- Do các vai trò xã hội, phân biệt đối xử và nghèo đói, phụ nữ chịu ảnh hưởng của các tác động do biến đổi khí hậu gây ra theo các cách khác nhau;
- Phụ nữ không đủ năng lực để tham gia vào quá trình ra quyết định về biến đổi khí hậu hoặc trong việc hoạch định các chiến lược về ứng phó và giảm nhẹ;
- Phụ nữ phải được tham gia vào trong các tiến trình và chiến lược ứng phó và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu bởi vì họ có quyền, họ là nhóm đối tượng "dễ bị tổn thương hơn", và bởi vì họ có những quan điểm và kinh nghiệm khác nhau về những gì họ có thể đóng góp,... để thực hiện những biện pháp ứng phó đó.
Như vậy, giới có mối liên hệ không thể tách rời với những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và ảnh hưởng tới hiệu quả của các biện pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã làm các vấn đề bất bình đẳng giới thêm trầm trọng, và ngược lại, bất bình đẳng giới làm hạn chế những nguồn năng lực có thể đóng góp cho tiến trình thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Lồng ghép giới và truyền thông cả về giới và môi trường, biến đổi khí hậu là một thách thức kép với các nhà báo.
Thứ nhất, truyền thông về giới với môi trường và biến đổi khí hậu cần phân tích và làm nổi bật giải pháp hành động khí hậu toàn diện. Đây không phải là những vấn đề đơn giản, và có thể phải tham vấn các chuyên gia về giới và biến đổi khí hậu khi xử lý các đề tài, nhưng điều đó sẽ làm tăng chất lượng khoa học cho các sản phẩm báo chí.
Thứ hai, các tác phẩm báo chí cũng cần hướng tới mục tiêu đưa ra được các khuyến nghị chính sách. Trong lĩnh vực nông nghiệp và quản lý chất thải, các văn bản chính sách liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu có đề cập rõ ràng tới yếu tố giới. Tuy nhiên, không có mục tiêu hoặc biện pháp đảm bảo bình đẳng giới cụ thể nào được xác định để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương hoặc thiếu quyền ra quyết định của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, vấn đề giới chưa được đề cập trong các chính sách liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước và năng lượng tái tạo. Điều này dẫn đến việc chưa có các hướng dẫn lồng ghép giới và cơ chế giám sát, việc đánh giá lồng ghép giới vẫn còn thiếu và cần được xây dựng.
Truyền thông về quy hoạch đô thị
Đô thị nơi có mật độ dân cư đông đúc, tập trung nhiều hoạt động phát triển kinh tế, giao thông đi lại, tiêu thụ năng lượng, xả chất thải, và là nguồn phát thải khí nhà kính đặc biệt lớn. Có khoảng 50% dân số trên thế giới hiện nay đang sống tại đô thị, và tỷ lệ này đang tăng nhanh, dự báo sẽ tăng tới 70% vào năm 2050 (UN, 2007). Đô thị cũng là khu vực tiêu thụ tới 80% năng lượng của toàn cầu. Theo nghiên cứu của cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) khu vực đô thị đóng góp tới 67% năng lượng có liên quan tới phát thải khí nhà kính và có khả năng tăng lên 74% vào năm 2030(8).
Bên cạnh việc tác động vào môi trường và là tác nhân biến đổi khí hậu, các đô thị cũng là nơi chịu các ảnh hưởng môi trường và biến đổi khí hậu nặng nề hơn so với các vùng nông thôn. Càng tập trung đông đúc và phát triển mạnh mẽ thì những thiệt hại càng có xu hướng lớn.
Báo chí có thể làm được gì?
Thứ nhất, báo chí cần đem lại một nhận thức rõ ràng cho công chúng về hiện trạng, nguyên nhân của những vấn đề đô thị với môi trường và biến đổi khí hậu. Thông thường sau những sự cố như mưa lớn, ngập lụt, ô nhiễm sông ngòi, ô nhiễm khói bụi, không khí… thì xu hướng phê phán chỉ trích các cơ quan quản lý và ý thức của người dân lên cao, mà không có những kiến giải khoa học về bối cảnh biến đổi khí hậu hiện tại. Đây chính là lúc câu chuyện về biến đổi khí hậu và những hậu quả nặng nề của nó nên được nhận thức cụ thể, chân thực, trong bối cảnh địa phương.
Thứ hai, báo chí báo chí về quy hoạch đô thị với môi trường và biến đổi khí hậu phân tích, gợi mở những giải pháp. Đó phải là những thông tin đa dạng về giải pháp chung, và các giải pháp cụ thể như chống ngập lụt, thiết lập các không gian xanh, trả lại các khoảng thở cho đất, chuyển đổi năng lượng tái tạo… Một điều cần lưu ý là không có giải pháp chung, mô hình chung về quy hoạch đô thị cho mọi nơi, mà mỗi địa phương cụ thể cần có những diễn biến đặc thù và những phân tích kiến giải phù hợp.
Thứ ba, báo chí về quy hoạch đô thị với môi trường và biến đổi khí hậu cần đảm nhận vai trò giáo dục cộng đồng, huy động sự tham gia của cộng đồng vào quy hoạch đô thị và phát triển bền vững. Báo chí có thể đưa thông tin hướng dẫn, cung cấp cho cộng đồng kiến thức và công nghệ kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp. Ví dụ như việc xây dựng nhà cửa cần có không gian cho nước và tạo điều kiện thẩm thấu nước tại chỗ, hoặc các hình thức quản lý nước mưa, xây bể ngầm chứa nước và dùng nước mưa vào việc tưới cây hay các hoạt động khác… giúp người dân hiểu được vai trò, trách nhiệm, những gì mình có thể làm được để giảm thiểu ngập lụt, hơn là chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng và Nhà nước.
Truyền thông về quản lý chất thải
Quản lý chất thải có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và biến đổi khí hậu. Các loại chất thải và hoạt động thu gom, xử lý đều gây phát thải khí nhà kính. Tác động của khí thải là rõ nhất. Có đến 80% năng lượng trên thế giới được tạo ra thông qua quá trình đốt cháy hoặc khí hóa, thải ra khí thải. Ngoài ra, mọi quá trình quản lý chất thải đều phát sinh khí nhà kính dẫn đến biến đổi khí hậu.
Các vấn đề liên quan đến chất thải, rác thải rất cận kề với đời sống nên thường xuyên xuất hiện trên báo chí. Nhưng để lồng ghép biến đổi khí hậu thì cần chú ý một số chi tiết:
Thứ nhất, báo chí truyền thông cần phải nhấn mạnh mục đích “không chất thải”. Cần phải hình thành nguyên tắc, quan điểm, thói quen từ cá nhân cho đến các cơ sở sản xuất, là hạn chế chất thải ngay từ đầu nguồn, từ lúc phát sinh mọi hoạt động. Khá nhiều sản phẩm báo chí chỉ tập trung phản ánh hiện tượng rác thải mất vệ sinh, chỉ trích khâu thu gom và quản lý, khuyến khích mạnh mẽ các hành động tích cực làm sạch, như biến rác thành hoa, làm sạch biển… Những chủ đề này không sai, nhưng dễ dẫn đến cách hiểu, cách tư duy là chỉ cần đưa rác về đúng nơi tập kết xử lý, là bảo vệ môi trường. Sau đó lại có thể yên tâm tiêu dùng và tiếp tục xả rác.
Thứ hai, báo chí truyền thông nên hình thành một nhận thức và một văn hóa tránh việc sử dụng các đồ dùng một lần. Khối lượng rác khổng lồ do việc sử dụng các đồ dùng một lần gây gánh nặng lớn cho môi trường, và tốn kém tài chính cho các khâu xử lý rác. Việc tìm một giải pháp thay thế đồ dùng một lần này bằng một đồ dùng một lần khác (ví dụ dùng uống hút giấy thay cho ống hút nhựa) là một nhận thức sai lầm nhưng lại khá phổ biến. Bên cạnh đó, xu hướng đào thải non các sản phẩm tiêu dùng (thay điện thoại, quần áo, xe cộ đời mới hơn, thời trang hơn) cũng là một lối tiêu dùng không thân thiện môi trường.
Thứ ba, cần tích cực truyền thông về các giải pháp sáng tạo nhằm mục đích không xả rác, tái chế, và tiết kiệm tiêu dùng. Ở Việt Nam, nhiều nhóm hoạt động môi trường đã đề xuất những sáng kiến phong phú về việc từ chối đồ dùng một lần, tích cực trao đổi đồ cũ, tái chế, xem đó là lối sống mới, phong cách mới. Đó là những câu chuyện, những đề tài tích cực cho báo chí truyền thông.
Môi trường và biến đổi khí hậu sẽ là mảng đề tài lớn của báo chí trong rất nhiều năm nữa. Báo chí truyền thông hiệu quả về đề tài này, chính là góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng, phục hồi môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tám chủ đề phổ biến ở trên đây cũng là những lĩnh vực quan trọng, và sự lồng ghép trên cơ sở mối quan hệ giữa các chủ đề cũng là cách tác nghiệp khoa học, hiệu quả, và đem lại sự hoàn chỉnh, sâu sắc cần thiết trong hoạt động truyền thông./.
______________________________________________
(1) Nước biển dâng sẽ nhấn chìm nhiều quốc gia, thành phố, 22/11/2017, báo điện tử Thế giới và Việt Nam
https://baoquocte.vn/nuoc-bien-dang-se-nhan-chim-nhieu-quoc-gia-thanh-pho-61262.html
(2) Ngập lụt ven biển có thể “cuốn trôi” 20% GDP toàn cầu vào cuối thế kỷ, 31/7/2020, báo điện tử Vietnamplus.
https://www.vietnamplus.vn/ngap-lut-ven-bien-co-the-cuon-troi-20-gdp-toan-cau-vao-cuoi-the-ky/654849.vnp
(3) Nhận định về các nguyên nhân gây ra thảm họa thiên tai, báo điện tử Vietnam+,12/11/2013.
https://www.vietnamplus.vn/nhan-dinh-ve-cac-nguyen-nhan-gay-ra-tham-hoa-thien-tai/229738.vnp
(4) Võ Quí, 1993, Bảo tồn tính đa dạng sinh học và tài nguyên rừng Việt Nam, Tạp chí Lâm nghiệp, số 1,2, Bộ Lâm nghiệp.
(5) Một triệu loài sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, 8/5/2019, Báo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/video/the-gioi/mot-trieu-loai-sinh-vat-dang-co-nguy-co-tuyet-chung-133095.html
(6) Kịch bản cho suy giảm đa dạng sinh học – bao giờ, 9/12/2019, Nhân dân cuối tuần
https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi/kich-ban-cho-suy-giam-da-dang-sinh-hoc-bao-gio-379333/
(7) TS. Trần Thị Vân Anh, 2010, Tổng quan về Giới và Biến đổi khí hậu tại Việt Nam, tạp chí Khoa học Lao động và Xã hội.
(8) ThS. Nguyễn Việt Dũng, Thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch và quản lý đô thị, tạp chí QHXD, https://www.viup.vn/vn/Su-co-moi-truong-va-vai-tro-cua-QHDT-n131-Thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-trong-quy-hoach-va-quan-ly-do-thi-d13521.html
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
- Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
- Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
- Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Xem nhiều
- 1 Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- 2 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 3 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 4 Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
- 5 Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- 6 Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
Truyền thông thương hiệu trong lĩnh vực xuất bản (Nghiên cứu trường hợp Nhà xuất bản Kim Đồng)
Trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị xuất bản muốn thu hút độc giả thì công tác truyền thông thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những phương tiện truyền thông mới đặt ra những cơ hội và thách thức mới trong công tác truyền thông thương hiệu xuất bản. Bài viết tập trung phân tích hoạt động truyền thông thương hiệu của NXB Kim Đồng nhằm rút ra những bài học cho các NXB trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Bình luận