Một số kinh nghiệm lãnh đạo phát triển kinh tế biển của Tỉnh ủy Thái Bình
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề cập đến một số chủ trương lớn, trong đó phát triển các ngành kinh tế biển đã nhấn mạnh: “Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới”(1).
Với 54km chiều dài đường bờ biển được ví như “mặt tiền biển Đông” và 5 cửa sông lớn đổ ra biển tạo ra vùng bãi triều trên 16.000ha, Thái Bình có không gian phát triển đầy tiềm năng. Không gian vùng biển 6 hải lý của Thái Bình có diện tích 487 km2, với 8 vùng chức năng là: vùng an ninh - quốc phòng; cảng biển, giao thông và logistics; nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; bảo tồn thiên nhiên và nghiên cứu khoa học; khai thác tài nguyên biển; khai thác năng lượng tái tạo; phát triển du lịch, dịch vụ biển; vùng lấn biển phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị lớn trong phát triển kinh tế biển nhờ vào vị trí địa lý, nguồn tài nguyên phong phú và các dự án đầu tư chiến lược mà Đảng và Nhà nước đang triển khai tại địa phương.
1. Tiềm năng và thực trạng phát triển kinh tế biển tỉnh Thái Bình
Một là, tiềm năng du lịch và dịch vụ biển.
Thái Bình có nhiều bãi biển tự nhiên như Cồn Đen, Cồn Vành, Đồng Châu, biển vô cực, biển Diêm Điền (nằm ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy) mang vẻ đẹp hoang sơ, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Các khu vực này có hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững. Những năm gần đây, tỉnh Thái Bình chủ trương phát triển tổng thể du lịch biển đa ngành và đa sản phẩm như du lịch sinh thái rừng ngập mặn Thụy Trường; du lịch nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ; du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Cồn Đen; khu du lịch phố biển Đồng Châu... Khu du lịch sinh thái Cồn Vành - Cồn Thủ là một điểm nhấn quan trọng về đô thị hiện đại hướng biển kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp trong Khu kinh tế Thái Bình với các hoạt động như tắm biển, khám phá rừng ngập mặn, câu cá... Biển Cồn Đen (huyện Thái Thụy) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.
Tỉnh cũng đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú, khu nghỉ dưỡng và các hoạt động du lịch trải nghiệm như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái biển. Tuyến đường bộ ven biển có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển thành phố Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định, dài 34,42 km, tổng mức đầu tư khoảng 3.872 tỷ đồng, giúp kết nối du lịch biển với các địa phương khác như Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Hệ thống cửa sông như Trà Lý, Ba Lạt, Diêm Điền… góp phần hình thành các tuyến du lịch sông nước, kết hợp du lịch biển với du lịch văn hóa, tâm linh. Bên cạnh cảnh quan biển, Thái Bình có nhiều di tích văn hóa, lịch sử như chùa Keo, đền Đồng Bằng, lễ hội Tiên La, tạo điều kiện phát triển các tour du lịch kết hợp giữa du lịch biển và du lịch tâm linh.
Hai là, tiềm năng kinh tế hàng hải.
Đường bờ biển Thái Bình kéo dài từ cửa Thái Bình đến cửa Ba Lạt, có cảng Diêm Ðiền, cảng cá Tân Sơn và cảng cá Nam Thịnh. Thái Bình được đánh giá là tỉnh có năng lực vận tải biển khá mạnh với 203 tàu vận tải biển, tổng tải trọng trên 802.000 tấn.
Dù chưa có cảng biển nước sâu, nhưng Thái Bình có nhiều tuyến giao thông kết nối quan trọng, hỗ trợ vận tải hàng hải và logistics như quốc lộ 37, 37B, 39, tỉnh lộ 456 đi qua và đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển (được khởi công xây dựng từ đầu năm 2019 theo chủ trương của Chính phủ), giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách và thời gian di chuyển từ khu vực ven biển Thái Bình đến cảng biển nước sâu Đình Vũ, Lạch Huyện và sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), sân bay Vân Đồn, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Bắc Bộ. Tuyến đường cao tốc CT.08 đoạn qua Thái Bình giúp tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa đến cảng biển ở khu vực lân cận. Theo Quy hoạch phát triển của tỉnh, Thái Bình sẽ có 3 tuyến cao tốc, trong đó tuyến CT.16 kết nối Khu kinh tế Thái Bình - Khu đô thị Trà Giang và thành phố Thái Bình với Vùng kinh tế Tây Bắc Thủ đô và các vùng miền Trung, miền Nam. Sau năm 2030, khi đã hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái, khu thương mại dịch vụ logistics ven biển, Thái Bình sẽ hình thành khu cảng hàng không lưỡng dụng với các điểm đáp trực thăng, bãi đáp thủy phi cơ ven biển.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Thái Bình thuộc nhóm 1 cùng với cảng biển của Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định và Ninh Bình. Đến năm 2030, hàng hóa thông qua nhóm cảng biển nhóm 1 là từ 305 đến 367 triệu; tấn hành khách từ 162.000 đến 160.000 lượt; tầm nhìn đến năm 2050 là đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5 đến 5,3% /1 năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,5 đến 1,6% /1 năm.
Thái Bình chủ trương xây dựng 3 khu bến cảng là Khu bến Diêm Điền, Khu bến Trà Lý và Khu bến Ba Lạt, phát triển cảng biển Thái Bình, trọng tâm là khu bến cảng ngoài cửa sông tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn; xây dựng 2 cảng cạn ở phía Bắc và phía Nam Khu kinh tế. Quy hoạch cảng Ba Lạt bao gồm hệ thống các công trình với một thể thống nhất đó là: bến cập tàu và khu nước trước bến, hệ thống đường bãi và kho, các công trình phụ trợ, hệ thống cây xanh cách ly… Khi hoàn thành đầu tư xây dựng, cảng Ba Lạt sẽ là 1 trong những cảng đầu mối của khu vực, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ Khu kinh tế Thái Bình và các vùng lân cận. Khu bến Trà Lý được quy hoạch có bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng/khí cho tàu đến 150.000 tấn phục vụ Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình phù hợp với quy hoạch tổng thể về năng lượng và quy hoạch phát triển điện lực.
Ba là, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác.
Mặc dù không phải là khu vực trọng điểm khai thác dầu khí của Việt Nam, nhưng Thái Bình được coi là “cái nôi” của ngành Dầu khí Việt Nam với việc phát hiện mỏ dầu khí đầu tiên của đất nước vào ngày 18/3/1975 tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tiềm năng dầu khí của tỉnh Thái Bình chủ yếu tập trung vào hệ thống mỏ khí Hàm Rồng - Thái Bình, một phần của bể Sông Hồng. Đây là khu vực có trữ lượng khí đáng kể, góp phần quan trọng trong việc cung cấp nhiên liệu cho khu vực phía Bắc Việt Nam. Hệ thống khí Hàm Rồng - Thái Bình có sản lượng khoảng 560.000 m³ khí/ngày đêm, tương đương trên 200 triệu m³ khí/năm. Nguồn khí này chủ yếu phục vụ Khu công nghiệp Tiền Hải và các tỉnh lân cận, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Việc khai thác và phân phối khí tự nhiên giúp nhiều doanh nghiệp tại Thái Bình, đặc biệt là các nhà máy gốm sứ, vật liệu xây dựng chuyển đổi từ nhiên liệu than đá sang khí tự nhiên, giảm phát thải và tăng hiệu quả sản xuất. Hệ thống khí này đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường khí ra phía Bắc, giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho khu vực.
Thái Bình còn có một số tài nguyên khoáng sản biển đáng chú ý như than nâu tập trung chủ yếu ở vùng Đông Hưng - Tiền Hải với trữ lượng khoảng 6,7 tỷ tấn trên diện tích 265 km², với độ sâu khai thác có thể đạt đến 1.100m; mỏ nước khoáng Tiền Hải ở độ sâu 450m có trữ lượng tĩnh khoảng 12 triệu m3, được khai thác từ năm 1992... Cát biển dọc theo vùng ven biển cũng là một nguồn tài nguyên quan trọng, có thể khai thác phục vụ xây dựng, công nghiệp chế biến thủy tinh hoặc vật liệu chịu lửa. Ngoài than nâu và cát biển, vùng biển Thái Bình có tiềm năng về các khoáng sản như quặng titan và các loại trầm tích có giá trị kinh tế khác.
Đáng chú ý, nước biển là nguồn tài nguyên quan trọng cho nghề làm muối truyền thống tại Thái Bình, đặc biệt là ở khu vực Diêm Điền. Diêm Điền sở hữu bãi bồi ven biển rộng lớn với nguồn nước biển phong phú, có độ mặn ổn định, là yếu tố quan trọng cho việc tạo ra muối chất lượng cao. Muối Diêm Điền được biết đến là sản phẩm có giá trị, có tiềm năng xuất khẩu. Ngoài việc tiêu thụ trong nước, muối của Diêm Điền còn được xuất khẩu sang một số quốc gia, đặc biệt là các sản phẩm muối sạch phục vụ cho chế biến thực phẩm. Diêm Điền cũng có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, đặc biệt là du lịch trải nghiệm nghề làm muối. Các du khách có thể tham gia vào quy trình sản xuất muối truyền thống, tìm hiểu về văn hóa làng nghề và thưởng thức các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Bốn là, tiềm năng nuôi trồng và khai thác hải sản.
Tỉnh Thái Bình có điều kiện thuận lợi để nuôi các loài thủy sản ở 3 loại hình nuôi nước ngọt, nước lợ và nước mặn, với diện tích hằng năm đạt hơn 14.090 ha, sản lượng khoảng 160.000 tấn. Theo Chi cục Thủy sản Thái Bình, năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 15.665,11 ha. Toàn tỉnh có 692 lồng nuôi cá và 700 bè nuôi hàu cửa sông; có 26 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 289.493 tấn, chủ yếu là các loại như tôm, cua, cá, ngao, hàu, đặc biệt là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, các loài hải sản có giá trị kinh tế cao(2). Các khu vực nuôi trồng như ở huyện Thái Thụy, Tiền Hải, đều có diện tích rộng lớn, thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.
Vùng biển Thái Bình giàu tài nguyên hải sản, với các loài như cá, tôm, ngao, sò, cua, là nguồn lợi lớn cho ngư dân trong khu vực. Đặc biệt, với việc kết hợp giữa khai thác thủy sản tự nhiên và nuôi trồng, Thái Bình có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỉnh tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu, thuyền; nhờ đó, các hộ ngư dân đã tích cực đóng mới, sửa chữa, nâng cấp, tăng công suất tàu, thuyền. Năng lực và sản lượng khai thác hải sản được nâng cao. Hiện nay, tỉnh có 1.045 phương tiện tàu thuyền các loại với 2.952 lao động. Trong đó, hoạt động nghề cá là 1.004 phương tiện với 2.704 lao động trực tiếp và khoảng 6.000 lao động gián tiếp. Tổng số tàu cá đã được đăng ký cập nhật trên phần mềm dữ liệu tàu cá Quốc gia Vnfishbase là 725 tàu, trong đó, có 175 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên ; 201 tàu cá có chiều dài từ 12 mét đến 15 mét và 349 tàu có chiều dài từ 6 mét đến 12 mét(3).
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình, tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 đạt 215,3 nghìn tấn, tăng 2,7% so với năm 2023 và đạt 72,4% so với kế hoạch năm, trong đó: sản lượng khai thác đạt 80,1 nghìn tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 135,1 nghìn tấn. Giá trị sản xuất đạt 4.260 tỷ đồng(4). Các cảng cá, bến cá được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh, trú bão cho tàu, thuyền và tiêu thụ hải sản, góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt và phòng, chống bão. Đã hình thành một số doanh nghiệp, đầu mối chế biến thủy sản và cung cấp sản phẩm thủy sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu; hiện có trên 108 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản hoạt động theo mô hình hộ gia đình và 8 doanh nghiệp chế biến thủy sản. Ngoài ra, có khoảng 30 cơ sở làm dịch vụ cung cấp về giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, cung ứng xăng dầu, nước đá, nước ngọt... phục vụ nhu cầu nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Năm là, tiềm năng công nghiệp ven biển.
Tỉnh Thái Bình quy hoạch khoanh vùng huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải nằm trong Khu kinh tế là vùng động lực chủ đạo của tỉnh Thái Bình; trong đó, tập trung phát triển kinh tế biển, cảng biển, dịch vụ thương mại, du lịch và thủy - hải sản; khai thác chế biến dầu khí, khí mỏ; hạ tầng đô thị và nhà ở; nông nghiệp công nghệ cao… Các dự án phát triển hạ tầng khu kinh tế Thái Bình như Khu công nghiệp Liên Hà Thái, Khu công nghiệp Hải Long, Khu công nghiệp VSIP Thái Bình cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động vận tải và logistics đường biển. Khu công nghiệp Tiền Hải với tổng diện tích 466 ha của chủ đầu tư Tổng Công ty Viglacera; khu công nghiệp Bảo Long với tổng diện tích 319 ha của chủ đầu tư CTCP đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh; hay cụm công nghiệp An Ninh với tổng diện tích 50ha của chủ đầu tư Công ty cổ phần sợi EIFFEL là các cụm, khu công nghiệp có nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm đầu, miễn phí thuế thuê đất phi nông nghiệp hàng năm, miễn phí xin cấp giấy chứng nhận đăng doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... Bên cạnh đó các khu công nghiệp này cũng có ngành nghề đầu tư đa dạng, phù hợp với phát triển kinh tế biển.
Sáu là, tiềm năng về năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Thực hiện Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 456 công trình điện mặt trời mái nhà xưởng, trang trại thực hiện ký hợp đồng bán điện với Công ty Điện lực Thái Bình, tổng công suất lắp đặt của các công trình đã nối lưới là 11.893,005 kWp; trong đó có 13 hệ thống điện mặt trời có công suất từ 100 - 1089 kWp.
Theo Quyết định số 1596/QĐ-BCT ngày 24/5/2016 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Thái Bình giai đoạn đến 2020 có xét đến năm 2030, tỉnh Thái Bình được quy hoạch phát triển điện gió công suất 70MW, gồm 02 giai đoạn: Giai đoạn I (2020 - 2025) quy hoạch dự án điện gió Tiền Hải công suất 40MW; giai đoạn II (2025 - 2030) quy hoạch dự án điện gió Tiền Hải công suất 30MW. Khu kinh tế Thái Bình đã quy hoạch khoảng 600 ha phát triển điện gió; đến nay đang thực hiện dự án Nhà máy điện gió Tiền Hải, Thái Bình - giai đoạn I với quy mô công suất 40MW tại khu vực biển các xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú huyện Tiền Hải.
Theo Sở Công Thương Thái Bình, với lợi thế về tiềm năng gió và diện tích khu vực ngoài khơi khoảng 3.160 km2, diện tích để phát triển dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình đạt công suất khoảng trên 10.000 MW.
Tỉnh cũng đã đề nghị Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) Dự án Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình, tổng công suất khoảng 4.500 MW.
Dự án điện khí LNG này gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 công suất 1.500 MW, vận hành năm 2028-2029; giai đoạn 2 công suất 3.000 MW, vận hành năm 2031-2035. Đồng thời tỉnh cũng đề xuất Bộ Công thương thẩm định đưa dự án điện rác tỉnh Thái Bình công suất khoảng 20 MW vào Quy hoạch Điện VIII(5).
2. Những kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo phát triển kinh tế biển của Tỉnh ủy Thái Bình
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thái Bình đã đưa ra 3 kịch bản phát triển trong thời kỳ 2021-2030: Kịch bản 1 - Phát triển nhanh, bền vững theo trọng tâm; Kịch bản 2 - Tăng trưởng vừa phải; Kịch bản 3 - Tăng trưởng cao và phát triển đột phá. Căn cứ thực trạng, định hướng phát triển và quyết tâm, Thái Bình lựa chọn Kịch bản 3 là phương án cơ sở cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, thể hiện sự quyết tâm cao và khát vọng phát triển của tỉnh Thái Bình. Để hiện thực hóa Kịch bản phát triển này, định hướng quy hoạch không gian biển được Thái Bình xác định là 1 trong 8 nhóm quy hoạch; phương án phát triển không gian biển cũng là 1 trong 12 phương án nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chiến lược đột phá trong quy hoạch phát triển tỉnh.
Một là, xác định đúng và trúng về vai trò, vị trí và định hướng phát triển kinh tế biển trong phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Xác định rõ kinh tế biển là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế tỉnh, góp phần tạo động lực tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng - an ninh, Tỉnh ủy Thái Bình coi phát triển kinh tế biển không chỉ đơn thuần là khai thác tài nguyên biển mà còn phải kết hợp với các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch để hình thành một nền kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, biến khu vực này thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ - đô thị ven biển của tỉnh, định hướng phát triển Khu kinh tế theo mô hình tổng hợp, tận dụng nguồn khí thiên nhiên, tài nguyên biển để phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp nặng và năng lượng tái tạo, đồng thời kết hợp giữa phát triển khu công nghiệp với mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn hệ sinh thái ven biển để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội vào phát triển kinh tế biển, xây dựng các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển, trong đó có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào các dự án ven biển.Tỉnh cũng chú trọng đến sự tham gia của cộng đồng ngư dân, hợp tác xã nghề cá để đảm bảo phát triển kinh tế biển gắn với sinh kế bền vững của người dân ven biển.
Tỉnh ủy chủ trương kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, đặc biệt là tại các vùng biển xa bờ, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ, đồng thời phát triển các tổ đội sản xuất gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.Việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng ven biển với các khu vực trọng điểm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển kết hợp với an ninh - quốc phòng.
Chủ trương tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào các hoạt động kinh tế biển, Tỉnh ủy khuyến khích phát triển các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phát triển các mô hình năng lượng tái tạo trên biển, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, để khai thác tiềm năng từ không gian biển,khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trong chế biến thủy sản, logistics biển để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh.
Hai là, lãnh đạo phát triển kinh tế biển toàn diện nhưng có trọng tâm trọng điểm căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Với các tiềm năng, thế mạnh cụ thể của tỉnh như đã đề cập ở trên, Tỉnh ủy Thái Bình xác định tránh dàn trải nguồn lực mà tập trung vào những lĩnh vực có khả năng mang lại giá trị gia tăng cao, tạo động lực tăng trưởng bền vững.
Thứ nhất, phát triển thủy sản theo hướng công nghệ cao, bền vững là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Thái Bình. Sự lựa chọn này không chỉ dựa trên lợi thế tự nhiên mà còn nhằm thích ứng với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển bền vững trong ngành thủy sản. Tỉnh có diện tích bãi triều rộng lớn (~16.000 ha), đặc điểm thủy văn và địa chất phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, hệ sinh thái rừng ngập mặn và bãi bồi ven biển đa dạng, tạo môi trường tự nhiên thuận lợi cho các loài thủy sản sinh trưởng. Nguồn nước ven biển tương đối sạch, ít chịu ảnh hưởng từ hoạt động công nghiệp nặng, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản chất lượng cao.
Tận dụng những lợi thế này, tỉnh chủ trương ứng dụng công nghệ nuôi trồng trong ao nổi và ao bán nổi, giảm rủi ro từ thủy triều và thiên tai, phát triển hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) để kiểm soát chất lượng nước, tối ưu hóa môi trường nuôi, đồng thời mở rộng mô hình nuôi lồng bè trên biển để khai thác tối đa lợi thế mặt nước và nâng cao năng suất.
Nhiều hộ nuôi trồng tại Thái Bình đã chuyển từ nuôi truyền thống sang công nghệ cao, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng, cá song, cá hồng Mỹ. Tỉnh đã hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các vùng nuôi thủy sản trọng điểm, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Việc phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao sẽ giúp đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu. Thái Bình có thể tận dụng cảng biển Hải Phòng để xuất khẩu thuận lợi, giảm chi phí logistics.
Thứ hai, lựa chọn phát triển khu kinh tế ven biển Thái Bình thành động lực tăng trưởng. Diện tích khu kinh tế rộng 30.583 ha, có tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến, logistics biển và năng lượng tái tạo, lại có vị trí nằm gần Hải Phòng và Nam Định, có thể tận dụng cơ sở hạ tầng cảng biển để kết nối xuất nhập khẩu, có khả năng thu hút đầu tư lớn vào công nghiệp ven biển, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tạo thuận lợi cho việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến thủy sản, logistics biển; kết nối hạ tầng khu kinh tế với tuyến đường bộ ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa.
Thứ ba, phát triển năng lượng tái tạo ven biển (điện gió, điện mặt trời). Đón đầu chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, tận dụng tiềm năng lớn về điện gió ven biển Thái Bình với tốc độ gió trung bình cao, thích hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi, Tỉnh ủy chủ trương quy hoạch và thu hút đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi, tận dụng tiềm năng tự nhiên, đồng thời phối hợp với các tỉnh lân cận (Quảng Ninh, Hải Phòng) để phát triển lưới điện liên kết vùng, tối ưu hóa công suất phát điện.
Thứ tư, phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường. Trọng tâm phát triển này không chỉ dựa trên tiềm năng tự nhiên mà còn phù hợp với xu hướng phát triển du lịch hiện đại, trong đó du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch bền vững ngày càng được ưa chuộng.
Tỉnh chủ trương định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù gắn với bảo vệ thiên nhiên, như du lịch khám phá rừng ngập mặn tại Cồn Vành, Cồn Đen, trải nghiệm cuộc sống ngư dân, du lịch làng chài ven biển, du lịch quan sát chim di trú, tận dụng lợi thế khu vực cửa sông ven biển có nhiều loài chim quý hiếm. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng ngập mặn và đa dạng sinh học, kết hợp phát triển du lịch sinh thái bằng thuyền, đi bộ trên cầu gỗ xuyên rừng, tạo các tuyến du lịch xanh có sự tham gia của cộng đồng, khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ khai thác thủy sản sang dịch vụ du lịch bền vững. Xây dựng cơ chế thu gom và xử lý rác thải ven biển, đảm bảo các bãi biển luôn sạch đẹp, tuyên truyền nâng cao ý thức du khách và người dân về bảo vệ môi trường biển, hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần. Hạn chế xây dựng hạ tầng bê tông hóa ven biển, thay vào đó sử dụng vật liệu thân thiện môi trường để phát triển khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Tỉnh cũng kết nối du lịch biển với các tỉnh lân cận để mở rộng thị trường thông qua việc liên kết với Hải Phòng, Quảng Ninh để tạo tour du lịch liên vùng, giúp thu hút khách du lịch từ các khu du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Đồ Sơn, kết hợp du lịch biển với du lịch tâm linh, khai thác các di tích lịch sử ven biển như đền Tiên La, chùa Keo.
Ba là, chú trọng liên kết với các tỉnh ven biển trong khu vực phía Bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định) để tối đa hóa lợi thế.
Xác định liên kết vùng là xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế biển, Tỉnh ủy Thái Bình chủ trương phát triển kinh tế biển Thái Bình trong tổng thể phát triển của vùng duyên hải Bắc Bộ, gắn với chuỗi giá trị kinh tế biển khu vực. Việc liên kết giúp tận dụng lợi thế địa lý và nguồn lực của từng tỉnh, tạo nên chuỗi cung ứng đồng bộ cho các ngành khai thác, chế biến thủy sản, logistics biển, du lịch biển và năng lượng tái tạo.
Thái Bình có vị trí trung gian giữa Hải Phòng - Quảng Ninh (trung tâm kinh tế biển lớn) và Nam Định (địa phương có thế mạnh nuôi trồng thủy sản, du lịch biển), do đó cần tận dụng lợi thế này để kết nối. Do chưa có cảng biển nước sâu, Thái Bình cần liên kết với Hải Phòng để phát triển logistics biển và công nghiệp cảng. Vì vậy, tỉnh chủ trương đầu tư phát triển các tuyến giao thông kết nối giữa Thái Bình và các tỉnh ven biển nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa và dịch vụ thuận tiện, hợp tác phát triển hạ tầng logistics biển, tạo điều kiện cho thương mại, du lịch và công nghiệp ven biển, kết nối giao thông đường bộ với các cảng lớn như Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Lân (Quảng Ninh) để nâng cao năng lực xuất nhập khẩu thủy sản, hàng hóa. Dự án đường bộ ven biển kết nối Thái Bình - Hải Phòng - Nam Định, tạo động lực phát triển vùng kinh tế ven biển. Việc liên kết với Hải Phòng tận dụng được cảng nước sâu Lạch Huyện, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Thái Bình tiếp cận thị trường quốc tế thuận lợi hơn. Tuyến đường kết nối với Quảng Ninh, giúp du khách và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các khu du lịch biển của Thái Bình.
Bên cạnh đó, hợp tác trong khai thác và chế biến thủy hải sản tạo chuỗi cung ứng thủy sản liên kết giữa các tỉnh, tận dụng thế mạnh của từng địa phương, góp phần chia sẻ dữ liệu về nguồn lợi thủy sản và hợp tác kiểm soát khai thác hải sản bền vững, đặc biệt trong việc chống khai thác bất hợp pháp (IUU). Thái Bình có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản (tôm, cá song, cá lăng), Nam Định có hệ thống đầm phá lớn, còn Hải Phòng - Quảng Ninh mạnh về chế biến và xuất khẩu, việc liên kết với 2 địa phương này trong chế biến thủy sản xuất khẩu sẽ nâng cao giá trị sản phẩm của tỉnh.
Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh - Nam Định cũng có thể liên kết để tạo sản phẩm du lịch biển chung, hợp tác phát triển tour tuyến, kết nối du lịch biển giữa các tỉnh, tận dụng ưu thế của từng địa phương, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch liên vùng, hướng đến phát triển du lịch biển bền vững. Đơn cử như liên kết với Hải Phòng để đưa du khách từ Cát Bà, Đồ Sơn đến các bãi biển của Thái Bình; hoặc hợp tác với Quảng Ninh để kết nối tuyến du lịch tâm linh - sinh thái biển, kết hợp với các điểm du lịch ven biển Thái Bình.
Phát triển năng lượng tái tạo ven biển cũng có thể được triển khai theo hướng liên kết vùng, tối ưu hóa hạ tầng truyền tải và công suất điện. Quy hoạch điện gió ven biển Thái Bình gắn với lưới điện khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh để đảm bảo tính đồng bộ, liên kết với Nam Định trong phát triển điện gió ngoài khơi, chia sẻ hạ tầng và kinh nghiệm quản lý.
Có thể thấy dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy Thái Bình trong việc xác định đúng đắn vai trò, vị trí, định hướng phát triển, Thái Bình đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển. Những kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo, đặc biệt là việc lựa chọn phát triển có trọng tâm, trọng điểm dựa trên lợi thế cạnh tranh, chú trọng liên kết vùng và bảo vệ môi trường, đã và đang tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững và đột phá của kinh tế biển Thái Bình trong những năm tới, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
____________________________
(1) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2018), Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(2) Nam Cường (2023), “Thái Bình: năm 2023 nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định”, Tạp chí Thủy sản Việt Nam điện tử, https://thuysanvietnam.com.vn/thai-binh-nam-2023-nuoi-trong-thuy-san-phat-trien-on-dinh/.
(3) Mai Tú, “Thái Bình triển khai cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp”, Nhân dân điện tử ngày 15/02/2024, https://nhandan.vn/thai-binh-trien-khai-cao-diem-chong-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-post796287.html.
(4) Mạnh Thắng, “Thái Bình: Tổng giá trị đánh bắt, nuôi trồng thủy sản 9 tháng đạt 4.260 tỷ đồng”, Báo Thái Bình ngày 10/10/2024.
(5) Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực, “Đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm năng lượng của đồng bằng sông Hồng”, https://www.erav.vn/tin-tuc/t36623/dua-thai-binh-tro-thanh-mot-trong-nhung-trung-tam-nang-luong-cua-dong-bang-song-hong.html.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Bình đẳng giới trong các cơ quan báo chí và bài học kinh nghiệm
- Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ của công an phường
- Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Tỉnh uỷ Tây Ninh trong công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh
- Nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Nghị định số 154/2024/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/11/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú
- Tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang hiện nay
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội nghị Tuyên dương điển hình tiên tiến lần thứ VI (2025-2030)
-
3
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
4
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
5
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
6
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đại hội Chi bộ Ban Quản lý khoa học nhiệm kỳ 2025-2027: Đoàn kết – Dân chủ - Kỷ cương – Sáng tạo – Đột phá – Phát triển
Sáng 06/03/2025, tại phòng họp số 1001, tầng 11, Nhà A1, Chi bộ Ban Quản lý khoa học tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027.
Bình đẳng giới trong các cơ quan báo chí và bài học kinh nghiệm
Bình đẳng giới trong các cơ quan báo chí và bài học kinh nghiệm
Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thái độ của xã hội đối với bình đẳng giới, bằng cách vừa làm nổi bật những vấn đề bất bình đẳng đang tồn tại trong xã hội, vừa thúc đẩy sự thay đổi những định kiến hiện có. Cộng đồng phát triển quốc tế đã nhấn mạnh vai trò của truyền thông như một công cụ quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới, cụ thể là Kế hoạch Hành động Bắc Kinh - bản kế hoạch toàn diện nhất nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực truyền thông - đã được 189 quốc gia, trong đó có Việt Nam, thông qua tại Hội nghị Thế giới lần thứ tư về Phụ nữ của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, bất chấp những cam kết quốc tế này, việc thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực truyền thông vẫn diễn ra chậm chạp, mặc dù đã đạt được những những bước tiến mới, nhưng kết quả vẫn còn rời rạc. Để thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới trong báo chí, bài viết này tác giả phân tích một số vấn đề về sự bất bình đẳng trong các cơ quan báo chí – truyền thông trên thế giới, đồng thời đưa ra một số bài học kinh nghiệm từ tổ chức báo chí lớn trên thế giới như The New York Times và Nation Media Group, các chính sách của các quốc gia như Anh, Argentina…Từ đó chỉ ra rằng để thúc đẩy bình đẳng giới trong báo chí, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức báo chí.
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ của công an phường
Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ của công an phường
Thời gian qua, các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội đã thu hút một lượng lớn người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, công an các phường trên địa bàn quận Hà Đông đã huy động các lực lượng, sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới và đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, bài viết đưa ra dự báo và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự cho người nước ngoài tại các khu đô thị mới trên địa bàn quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội theo chức năng, nhiệm vụ của công an phường.
Một số kinh nghiệm lãnh đạo phát triển kinh tế biển của Tỉnh ủy Thái Bình
Một số kinh nghiệm lãnh đạo phát triển kinh tế biển của Tỉnh ủy Thái Bình
Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, những năm gần đây Thái Bình đã khai thác một cách hiệu quả các tiềm năng kinh tế biển để tạo đà cho phát triển bền vững, hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX “Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng”. Bài viết khái quát những thành công trong lãnh đạo phát triển kinh tế biển và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lãnh đạo của Tỉnh ủy Thái Bình thời gian qua.
Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Tỉnh uỷ Tây Ninh trong công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh
Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Tỉnh uỷ Tây Ninh trong công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh
Công tác cán bộ nữ có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà những yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ nữ lại càng trở nên quan trọng hơn. Nếu làm tốt công tác này, sẽ tạo ra môi trường, cơ hội để đội ngũ này phát huy tài năng, trí tuệ của mình; đồng thời sự tham gia của cán bộ nữ trong bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ giúp xây dựng những chính sách thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Do đó, việc quan tâm đến công tác cán bộ nữ trong giai đoạn hiện nay không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển công bằng, tiến bộ và thịnh vượng của xã hội.
Bình luận