Mối quan hệ giữa đa nguyên chính trị và dân chủ
“Đa nguyên chính trị”, “dân chủ” cũng như mối quan hệ giữa chúng thực chất không quá khó hiểu nhưng thực tiễn cho thấy, không phải ở nước nào, cá nhân nào cũng hiểu và hành xử vấn đề mối quan hệ giữa đa nguyên chính trị với dân chủ cho đúng.
Có hai cách hiểu về vấn đề này như sau:
Một là, coi đa nguyên chính trị là một điều kiện tiên quyết, là sự khai mở cho một nền dân chủ của xã hội. Số người có ý kiến này cho rằng, đa nguyên chính trị đối nghịch với nhất nguyên, chứ không phải chúng thuộc phạm trù triết học cái riêng - cái chung, cũng không phải là cái “nhất” nằm trong cái “đa” hay cái “đa” bao chứa cái “nhất”. Họ cho rằng, xã hội nào mà có đa nguyên chính trị thì xã hội ấy tất yếu đi liền với hiện trạng đa đảng chính trị, thậm chí là có nhiều đảng đối lập với đảng cầm quyền; rằng, đã đa nguyên chính trị là phải có đa ý thức hệ, là sự thống nhất trong đa dạng; rằng, đa nguyên chính trị là biểu hiện sự năng động của nền dân chủ trong xã hội; đa nguyên chính trị là một điều kiện tiên quyết và chính đó là sự khai mở cần thiết cho việc xây dựng một nền dân chủ cho xã hội, v.v..
Số người có ý kiến này còn cho rằng, đa nguyên chính trị là một giá trị văn hóa tốt đẹp phổ quát của nhân loại, khi nhân loại tiến bước mạnh mẽ trên con đường dân chủ, mà đã là dân chủ thì xã hội mới có sự phát triển được, chứ nhất nguyên chính trị chỉ dẫn đến sự kìm hãm và bóp nghẹt sự phát triển của xã hội, thậm chí dẫn xã hội đến chỗ nghẹt thở của chế độ độc tài mà thôi.
Xung quanh vấn đề này, có hai nhóm ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất là của một số nhà khoa học, một số nhà hoạt động chính trị trong và ngoài nước có sự khác nhau về nhận thức chứ không phải là muốn phủ nhận chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam. Nhóm ý kiến thứ hai muốn nhân vấn đề mối quan hệ giữa đa nguyên chính trị với dân chủ để chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, muốn xóa bỏ chính thể hiện hành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, rắp tâm bẻ lái, đưa Việt Nam rẽ sang mục tiêu và con đường phát triển tư bản chủ nghĩa.
Hai là, xã hội không nhất thiết phải có đa nguyên chính trị thì mới có dân chủ. Đã có một số công trình nghiên cứu của Việt Nam công bố trên một số tạp chí và báo trong nước, chủ yếu là ở trong các lực lượng vũ trang, nêu lên lập luận liên quan vấn đề này. Nhiều bài viết rất công phu, phân tích chặt chẽ. Nhưng cũng có không ít bài lại dùng lý lẽ Mác - Lênin để đối thoại với cả những người “phá bĩnh”, trích dẫn cả C.Mác viết như thế này, Ph.Ăngghen viết như thế kia, rồi V.I.Lênin đã lập luận như vậy, Hồ Chí Minh nói như thế, như thế… Phương pháp này không hiệu quả.
Sở dĩ xã hội không nhất thiết phải có đa nguyên chính trị thì mới có dân chủ là vì:
1. Đa nguyên chính trị, và thậm chí trong đó có cả đa đảng (đối lập), không phải là một giá trị phổ quát của nhân loại, đồng thời không phải là thực tế hiện hữu trong tất cả các thời kỳ của một quốc gia - dân tộc
Nói như thế để thấy rằng, đa nguyên chính trị có thể đúng và phù hợp với quốc gia - dân tộc này nhưng cũng có thể không đúng và không phù hợp với quốc gia - dân tộc khác. Cũng như vậy, trong một quốc gia - dân tộc hiện đang có đa nguyên chính trị thì có khi trong quá khứ và trong tương lai chưa chắc đã có hoặc phải cần đến đa nguyên chính trị, nó có thể tồn tại trong một thời gian nào đó mà thôi; do đó, nó không phải là một giá trị vĩnh cửu. Hiện trạng này đang biểu đạt sự phong phú quá trình vận động của thế giới. Mỗi một quốc gia - dân tộc đều có hoàn cảnh và điều kiện phát triển riêng; và vì vậy đều có quyền lựa chọn mục tiêu và con đường phát triển cho quốc gia - dân tộc mình tùy vào những điều kiện nhất định.
Một số nhà khoa học Ấn Độ cho rằng đa nguyên chính trị là điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng một nền dân chủ. Đó là điều kiện và quan điểm của họ. Ấn Độ hiện có khoảng gần 1.800 đảng chính trị (số đăng ký ngay trước mỗi lần tiến hành bầu cử gần đây nhất). Ở Ấn Độ hiện có nhiều đảng với tên gọi là “đảng cộng sản” (hiện nay có ít nhất hai đảng: Đảng Cộng sản Ấn Độ - CPI và Đảng Cộng sản Ấn Độ (mácxít) - CPI-M). Như thế thì lại là có đa nguyên chính trị ngay trong quá trình vận hành của ý thức hệ cộng sản. Đó cũng là việc của Ấn Độ. Ở một quốc gia cùng một lúc có nhiều đảng cộng sản thì ngay việc này thôi cũng đã không phù hợp với những nguyên lý xây dựng đảng vô sản rồi. Việt Nam đã có một thời gian như thế cuối những năm 20 đầu những năm 30 thế kỷ XX và trên thực tế đã tiến hành hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930.
Việt Nam cũng đã có thời kỳ đa đảng chính trị, và thậm chí là đa đảng đối lập những năm 1945-1946. Do đó, có người cho rằng, ở Việt Nam trong lịch sử chưa bao giờ có đa đảng, và thậm chí có cả đa đảng đối lập, với Đảng Cộng sản cầm quyền là không đúng. Thực tế là, những năm 1945-1946, bên cạnh Đảng Cộng sản Đông Dương, còn có Việt Nam Quốc dân đảng (gọi tắt là Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (gọi tắt là Việt Cách) vốn lưu vong ở Nam Trung Quốc, lúc này theo chân quân đội Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch) vào giải giáp quân đội Nhật Bản đang đóng ở Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra theo sự phân công quốc tế (riêng quân của Trung Hoa Dân quốc và thế lực chính trị lưu vong Việt Quốc, Việt Cách còn lợi dụng tình hình này để thực thi âm mưu “Diệt cộng, cầm Hồ”. Ngay cả bản thân Đảng Xã hội cũng như Đảng Dân chủ cũng được lập ra do sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1946. Đã có Chính phủ liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm nhiều lực lượng chính trị khác nhau được lập ra ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tuy nhiên, lịch sử đã lựa chọn, sau đó xã hội Việt Nam không cần đa đảng chính trị, khi các đảng chính trị đối lập (Việt Quốc, Việt Cách) vốn là tay sai của chính quyền Tưởng Giới Thạch theo chân quân đội Tưởng Giới Thạch trở về Trung Quốc năm 1946. Còn hai Đảng Xã hội và Dân chủ với điều kiện hoạt động và hoàn cảnh của mình đã tự giải tán vào năm 1988.
Điều kiện lịch sử của Việt Nam giai đoạn sau đó và hiện nay cũng như trong tương lai không bao chứa những điều kiện giống như trước đây (những năm 1945 - 1946). Đó là những điều kiện của thời kỳ ngay khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập, nhiều tổ chức chính trị tồn tại trên đất nước, tất cả các lực lượng đối lập chống lại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương tìm mọi cách kiếm chác quyền lực đối với xã hội với sự giúp đỡ của nhiều thế lực quốc tế.
Việc lập Chính phủ liên hiệp trong một xã hội nhiều đảng phái diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt lúc đó để tập hợp lực lượng rộng rãi, đoàn kết toàn dân tộc xây dựng chế độ mới trong những buổi đầu của thể chế chính trị mới. Hiện nay, những điều kiện ấy không còn. Không có lý do gì hiện nay, và chắc chắn trong cả tương lai, Việt Nam lại áp dụng một cơ chế đa nguyên chính trị và đa đảng, trong đó có những đảng đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam. Không, lịch sử Việt Nam không lặp lại những điều kiện và hoàn cảnh như thế. Do đó, nếu ai cứ đòi hiện nay ở Việt Nam phải thực hiện đa nguyên chính trị và đa đảng thì không những người đó có cái tâm không lành, mà còn có cái trí không minh và bản lĩnh chính trị thấp. Muốn có dân chủ thực sự cho đất nước Việt Nam mà lại gắn với đa nguyên chính trị thì đó là phi thực tế, không phù hợp với điều kiện đất nước.
Bài học nhãn tiền của Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản cầm quyền ở Đông Âu trong những năm 80-90 thế kỷ trước đang soi rọi vào tư duy chính trị này. Những đảng cộng sản đó đã trượt dài trong việc làm xói mòn bản lĩnh chính trị vốn có của một đảng cộng sản cầm quyền, tự mình xóa bỏ sự lãnh đạo của bản thân mình để tạo ra lực lượng chính trị đối lập trỗi dậy lấn lướt để triệt tiêu sinh lực chính trị của bản thân. Những mong cải tổ để có nhiều chủ nghĩa xã hội hơn, công khai, dân chủ nhiều hơn, nhưng hại thay và nguy hiểm thay, lại tạo ra những giá trị ảo, mù mờ để rồi đảng cộng sản không tìm thấy lối ra trong cơn khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng. Sự sụp đổ của các đảng cộng sản cầm quyền ở Liên Xô và ở các nước Đông Âu vào thời kỳ đó do nhiều nguyên nhân khác nữa, cả nguyên nhân sâu xa, khách quan và chủ quan nhưng điểm mấu chốt nhất vẫn là từ tư duy chính trị sai lệch trong quan niệm về đa nguyên chính trị và dân chủ.
2. Một đảng duy nhất trong xã hội và đảng đó đóng vai trò cầm quyền vẫn bảo đảm và phát huy được dân chủ trong xã hội
Thực tế cho thấy, số lượng các chính đảng, mà nhiều người hay lấy đó làm tiêu chí để xác định xã hội đó có đa nguyên chính trị, dân chủ hay không, không ảnh hưởng gì tới nền dân chủ của một xã hội. Việt Nam hiện nay đang thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đang hội nhập ngày càng sâu và đầy đủ hơn vào quá trình toàn cầu hóa. Với tình hình đó, ở Việt Nam đang có nhiều thành phần kinh tế khác nhau, tôn trọng các quyền và nghĩa vụ của công dân, tôn trọng quyền con người, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, v.v.. Tất cả những điều đó đã được ghi nhận trong Hiến pháp và được thể chế hóa trong các luật.
Trong xã hội Việt Nam, tuy vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về con đường phát triển của dân tộc nhưng đa số đều đồng thuận với sự lựa chọn của Đảng. Tuy có những ý kiến khác nhau nhưng điều này không phản ánh bản chất của chế độ chính trị. Do đó, ở Việt Nam hiện nay không có đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập. Cũng đã có những nhận thức khác nhau về dân chủ, cả ở phạm vi quốc tế và ở cả trong nước. Dân chủ gắn liền với thiết chế nhà nước và xác định quyền của người dân. Quan điểm của Hồ Chí Minh là phù hợp nhất đối với Việt Nam: dân chủ có nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ.
Dân chủ là tự do. Hai giá trị này là khát vọng chung của cả xã hội loài người. Tự do cũng là một yếu tố mà Hồ Chí Minh đã ghi vào tiêu đề văn bản nhà nước (Độc lập - Tự do - Hạnh phúc). Nhưng tự do là gì thì không phải ai cũng dễ có sự thống nhất. Tự do là sự nhận thức và hành động theo cái tất yếu. Khi con người ta đã nhận thức đúng cái tất yếu và làm theo đúng cái tất yếu đó thì mới có tự do đích thực. Như vậy, đến lúc đó, tự do của cá nhân này không làm phương hại đến tự do của cá nhân khác và tự do cho cả cộng đồng. Không có thứ tự do tuyệt đối hiểu theo nghĩa muốn làm gì thì làm, bất chấp cái tất yếu, bất chấp quy luật của tự nhiên và xã hội. Mỹ là nước được nhiều người coi là tự do nhất. Nhưng bản thân cái giá trị tự do của nước Mỹ là tự do trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật toàn liên bang và của từng bang. Do đó, tự do chỉ được bảo đảm trong mối quan hệ với pháp luật. Thái độ ứng xử của nhiều cộng đồng trên thế giới trong đại dịch COVID-19 đã phản ánh rất rõ điều đó. Một số cộng đồng mà ở đó thành viên đưa ra và thực hành quan niệm tôn trọng tự do của con người theo nghĩa là không thực hiện biện pháp “cách ly xã hội” cho nên đã dẫn đến dịch bệnh lan tràn. Những người này đã hiểu và thực hành cái tự do cực đoan, tự do không khuôn phép, không theo quy luật cách ly cộng đồng để ứng phó với sự truyền nhiễm lây lan của virus bệnh. Xem thế để thấy rằng, không có và không bao giờ có thứ tự do tuyệt đối theo nghĩa muốn làm gì thì làm, đó là tự do vô chính phủ, vô nguyên tắc.
Ngoài giá trị chung, mỗi một quốc gia - dân tộc lại có những quy định riêng, ngay cả trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa cũng vậy, không thể bắt quốc gia - dân tộc này phải theo cái chuẩn mực của quốc gia - dân tộc khác. Chế định của Hiến pháp và pháp luật làm nên hành lang mà mọi người hành xử để có tự do đích thực. Vì vậy, ở Việt Nam, và ở các nước khác nữa, ai vi phạm luật pháp thì người đó mất tự do, vì người đó không nhận thức được cái tất yếu và hành xử không theo cái tất yếu (cái tất yếu ở đây là luật định). Ra đường, mọi người khi tham gia giao thông chẳng hạn, phải tuân thủ luật giao thông. Nếu cứ nghĩ rằng, mình là người có quyền tự do, tự do tuyệt đối, do đó “đường ta ta cứ đi”, đi lung tung thì một là làm cản trở giao thông, làm mất tự do của người khác, hai là vi phạm luật. Đến lúc đó thì hoặc là bản thân mình bị tai nạn giao thông (mất tự do) hoặc là bị cảnh sát giao thông xử phạt (cũng mất tự do). Nhận thức được giá trị tự do, dân chủ và từ đó hiểu về đa nguyên chính trị là việc làm không hề đơn giản. Đa nguyên chính trị không nhất thiết dẫn tới dân chủ. Thậm chí, nếu ở nước nào đó có đa nguyên chính trị, nhưng hệ thống luật pháp không phản ánh đúng sự nhận thức theo cái tất yếu để có những điều luật quy định hành xử của con người trong xã hội không theo những điều tất yếu thì dân chủ cũng không được bảo đảm.
Nhà văn hóa Hồ Chí Minh đề cập đến quyền tự do rất hay trong quan hệ với chân lý: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”(1). Tự do là sự phục tùng chân lý. Đó là quan niệm tuyệt vời của bậc đại nhân, đại trí Hồ Chí Minh!
3. Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay
Việt Nam hiện nay không chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng. Đây là quyết định sáng suốt, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, logic khách quan của đời sống chính trị nước ta, vừa phản ánh bản lĩnh chính trị vững vàng cũng như trí tuệ sáng suốt của nhân dân Việt Nam mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm bắt, đại diện được. Để giữ vững bản chất của Đảng đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền, cần chú ý đến những vấn đề sau:
Một là, cần khẳng định vị thế, hay tính chính đáng, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự lãnh đạo nói chung và vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền mà Đảng Cộng sản Việt Nam có được là do kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài của toàn Đảng. Đảng đã tập hợp và xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc đứng lên giành được chính quyền, lập nên chế độ chính trị mới và vừa xây dựng, vừa bảo vệ Tổ quốc Việt Nam với chính thể mà mục tiêu là chủ nghĩa cộng sản; con đường để đạt mục tiêu là độc lập dân tộc đi liền với chủ nghĩa xã hội. Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xứng đáng được nhân dân trao cho trách nhiệm cầm quyền. Đảng đã biến cái có thể thành hiện thực. Do vậy, về mặt nào đó mà xét thì vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và toàn xã hội là một tất yếu. Nhưng, cái điều tất yếu này là được xác định với điều kiện nhất định. Muốn giữ được tính tất yếu đó thì bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn luôn trong sạch, vững mạnh đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/…Đảng ta là đạo đức, là văn minh/Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”(2). Và, “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(3). Chính vì thế, tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam phải được gắn với việc Đảng phải luôn luôn xứng đáng với điều mà V.I.Lênin đã nói là đảng phải là lương tâm, trí tuệ, danh dự của dân tộc.
Hai là, dân chủ còn đi liền với phản biện xã hội.
Một đảng duy nhất trong xã hội và đang cầm quyền, điều này lợi thế cũng có và nguy cơ cũng có, nếu xét trên quá trình lãnh đạo và xét trên lĩnh vực bảo đảm và phát huy dân chủ trong toàn xã hội. Trước hết, trong bản thân Đảng phải bảo đảm dân chủ (đặc biệt là trong khi thực thi nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng là tập trung dân chủ). Có bảo đảm được dân chủ trong Đảng thì mới có dân chủ ở xã hội. Do vậy, dân chủ trong Đảng chính là điều kiện tiên quyết để bảo đảm và phát huy dân chủ ngoài xã hội. Trình độ dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam được đo bằng chất lượng thể chế (Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết và các chủ trương khác) và đồng thời được đo bằng chất lượng hoạt động của mỗi tổ chức Đảng và của toàn Đảng, kể cả chất lượng của cả đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một Đảng mà không có phản biện thì xuất hiện nguy cơ Đảng không nhận rõ được một cách thực chất những mặt tốt và những mặt hạn chế, yếu kém của bản thân mình, sẽ dễ mắc căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” như V.I.Lênin có lúc cảnh báo. Vì thế, phản biện xã hội, hay nói một cách trực diện là phản biện về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là rất quan trọng.
Để thực hiện được phản biện xã hội, trước hết, Đảng tự nhận thức, tự phê bình và phê bình bản thân mình. Điều này có cái khó là tự mình nhận thức về mình. Trong ba quan hệ cơ bản của con người - đối với người, đối với việc, đối với mình - thì xử lý quan hệ thứ ba tự mình đối với bản thân mình là khó khăn nhất. Mục đích của tự phê bình và phê bình là ở chỗ vươn lên đạt những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Muốn đạt mục đích thì phải có phương pháp tốt, phù hợp, với cái tâm trong sáng.
Hơn nữa, cần tiến hành phản biện của toàn xã hội. Hiện nay, nguồn này trước hết là từ các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác. Đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước phải hướng véctơ lực phát triển cho đất nước và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, chúng phải được soạn thảo phù hợp với thực tế đó. Đáng tiếc là vừa qua có không ít chính sách bị chết yểu, có luật mặc dù đã được Quốc hội thông qua rồi, chưa kịp ban hành thì đã phát hiện ra rất nhiều điều quy định sai; nhiều chính sách vừa mới đưa ra thực thi thì bị thực tế bác bỏ; nhiều nơi ban hành những văn bản trái luật. Tình trạng đáng buồn này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là thiếu sự phản biện của toàn xã hội.
Sự phản biện từ nhân dân là vô cùng trân quý. Đương nhiên, sự phản biện này cũng phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, nghĩa là với động cơ lành mạnh. Sự cảnh giác là hết sức cần thiết để đề phòng và chống lại các phần tử xấu lợi dụng vấn đề phản biện để chống lại sự lãnh đạo của Đảng và sự chống đối này chính là phản dân chủ. Đảng cần xử lý thật đúng và thật khéo những ý kiến phản biện thuộc nguồn này. Thật đúng và thật khéo ở đây cũng phản ánh trình độ dân chủ của xã hội. Thời hiện đại, “đức trị” và “pháp trị” là đồng hành, đúng hơn là “hai trong một”; trong “pháp” có “đức” và trong “đức” có “pháp”, tách chúng ra là siêu hình, là không đúng với bản chất sự vận động của xã hội đương đại, không phản ánh đúng bản chất của quá trình xây dựng một nhà nước pháp quyền. Chính vì thế, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật tức là bảo đảm cái đức và bảo đảm được dân chủ.
Các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam là những bộ phận hợp thành của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam làm hạt nhân lãnh đạo. Đây là một tất yếu lịch sử, không phải là do áp đặt như một số người hay rêu rao. Cơ chế vận hành đúng đắn nhất của hệ thống chính trị hay của toàn xã hội Việt Nam hiện nay vẫn là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đảng cầm quyền trên cái nền nhân dân giao phó; Nhà nước là nhà nước phục vụ nhân dân, trong đó có cơ quan hành chính cao nhất là Chính phủ kiến tạo; nhân dân làm chủ với sự giác ngộ chính trị tiên tiến. Đó là những điều kiện bảo đảm cho đất nước phát triển, cũng là điều bảo đảm vững chắc cho nền dân chủ thực sự của đất nước. Nhân dân, chính là nhân dân, mới là nhân tố cơ bản để bảo đảm cho dân chủ đúng đắn. Vì thế, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã ghi điều “Toàn dân phúc quyết” những vấn đề quan trọng của quốc kế dân sinh và Hiến pháp năm 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) cũng xác nhận lại điều “trưng cầu dân ý”. Nhân dân không những đứng ở vị trí trung tâm của quyền lực nhà nước mà còn đứng ở tầm tối cao trong hệ thống quyền lực của đất nước.
Xem thế để thấy rằng, dân chủ ở Việt Nam hoàn toàn không phụ thuộc vào việc đất nước có thực hiện đa nguyên chính trị và đa đảng hay không./.
___________________________________
(1) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb.CTQG, H., T.10, tr.378.
(2) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.12, tr.403.
(3) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.15, tr.672.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 19.4.2021
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
- Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
- Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
- Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
- Một số vấn đề về nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới, góp phần củng cố vững chắc định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Đối với công tác xây dựng Đảng, Đồng chí giữ vai trò là ngọn cờ lý luận, là người truyền cảm hứng, là nhà lãnh đạo xuất sắc trong thực hành công tác xây dựng Đảng, là người cộng sản mẫu mực, là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện.
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình thực thi quyền lực chính trị, tính chính đáng cầm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tính chính đáng được xây dựng dựa trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chủ thể cầm quyền, là sự thừa nhận rằng, chủ thể đó xứng đáng được cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền có tính chính đáng cao, khi đưa ra các quyết định, các mệnh lệnh, mức độ chấp hành của người dân cũng cao. Điều này quy định tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một chủ trương mới, được đưa ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021. Tuy nhiên, nội dung, phương thức, bản chất của quản trị quốc gia là vấn đề còn khá mới mẻ và có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quản trị quốc gia như thế nào? Bài viết góp phần thảo luận và phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến những vấn đề đó.
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa, vận dụng xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt giá trị chân lý trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Bình luận