Nâng cao đạo đức công vụ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
Đạo đức công vụ là những tiêu chí, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Trong quá trình đổi mới đất nước, do chịu sự tác động tiêu cực từ sự thay đổi các quan hệ xã hội, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái đạo đức, quan liêu, tham nhũng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bất bình trong nhân dân. Vì vậy, cần nghiên cứu, đề ra và thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao đạo đức công vụ vì sự phát triển bền vững của đất nước.
1. Nội dung cơ bản của đạo đức công vụ
Có nhiều cách tiếp cận, nhiều quan niệm khác nhau về đạo đức nhưng chung nhất có thể hiểu đạo đức là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh các hành vi của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, sức mạnh truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội. Đạo đức là một loại quy phạm xã hội hiện diện trong tất cả các quan hệ xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, giáo dục, gia đình, cộng đồng..., thay đổi và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Đạo đức tuy không mang tính cưỡng chế như pháp luật nhưng có tác động sâu sắc tới lương tâm con người và ảnh hưởng lâu dài, rộng rãi trong xã hội. Do đó, cùng với pháp luật, đạo đức có vai trò quan trọng để góp phần xây dựng một xã hội quy củ, chuẩn mực, dân chủ, trật tự, kỷ cương, văn minh, tiến bộ, nhân văn và vì con người.
Đạo đức công vụ là những tiêu chí, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho. Đạo đức công vụ được tạo nên bởi hai thành tố cơ bản là: đạo đức cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động công vụ được pháp luật quy định. Đạo đức công vụ bao gồm ý thức đạo đức và hành vi đạo đức. Ý thức đạo đức là nhận thức, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức đối với những chuẩn mực đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Hành vi đạo đức chỉ được thực hiện trên thực tế nếu cán bộ, công chức, viên chức có nhận thức đầy đủ và thái độ đúng đắn đối với các chuẩn mực đạo đức công vụ, từ đó họ có hành vi, xử sự phù hợp với chuẩn mực, không coi thường, không làm trái các chuẩn mực đó, thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định, nhiều văn bản pháp luật về đạo đức công vụ và chuẩn mực văn hóa ứng xử của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt luôn là vấn đề được Đảng ta rất quan tâm, chú trọng thực hiện ngay từ khi thành lập Đảng và đã được thể hiện trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng qua các thời kỳ, trong đó, chỉ tính riêng từ Đại hội XI (năm 2011) tới nay, Đảng ta đã ban hành hai Nghị quyết về đẩy mạnh tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII gồm: Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16.1.2012 về Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30.10.2016 về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ) và ba Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp (đó là: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7.6.2012 của Ban Bí thư, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19.12.2016 của Bộ Chính trị và Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương).
Thể chế hóa các quy định, định hướng của Đảng, trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010, đạo đức công vụ được thể hiện ở nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; thể hiện ở nghĩa vụ và những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Ngoài ra, đạo đức công vụ còn được thể hiện trong văn hóa ứng xử, trong giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với đồng nghiệp, với cấp trên, cấp dưới và với công dân, tổ chức. Trong Luật Tiếp công dân năm 2013, trong Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27.12.2018 về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ và trong quy định của chính quyền hầu hết các địa phương trong cả nước đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thi hành công vụ và xây dựng công sở, cơ quan văn hóa(1). Ở nhiều địa phương, nhiều bộ, ngành, những chuẩn mực giao tiếp, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ đã được khái quát thành những cụm từ, những bài thơ dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và còn được niêm yết công khai tại nhiều công sở như: “4 xin, 4 luôn” (Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ). Trong giao tiếp với công dân, tổ chức đến làm việc thì cán bộ, công chức phải thực hiện “10 nên” (Khách đến, được chào hỏi. Khách ở, luôn tươi cười. Khách hỏi, được trả lời. Khách yêu cầu, phải tận tâm. Khách cần, được thông báo. Khách vội, giải quyết nhanh. Khách chờ, được xin lỗi. Khách phàn nàn, phải lắng nghe. Khách nhờ, luôn chu đáo. Khách về, được hài lòng) được treo bảng niêm yết công khai tại phòng tiếp dân, tại bộ phận “một cửa” của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn ở Thành phố Hà Nội ...
Nội dung của đạo đức công vụ có thể được khái quát ở những điểm sau đây:
Một là, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói và làm đúng với chủ trương, đường lối của Đảng. Luôn tin tưởng, ủng hộ sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta. Bài trừ, phản bác các quan điểm, luận điệu chống phá của các thế lực thù địch để bảo vệ uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Hai là, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân. Phải luôn gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Trong quan hệ giải quyết công việc với nhân dân không được sách nhiễu, không được tự ý đặt ra các yêu cầu, thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân. Phải luôn lấy việc giúp đỡ nhân dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, làm cho nhân dân hài lòng, tin yêu là mục tiêu và tôn chỉ hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức.
Ba là, luôn chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước. Nếu như công dân được làm những gì pháp luật không cấm thì cán bộ, công chức, viên chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép trong thực thi công vụ. Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay thì thượng tôn pháp luật là yêu cầu đặt lên hàng đầu đối với hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện pháp luật là tiêu chuẩn tiên quyết để đánh giá phẩm chất đạo đức công vụ của họ, đồng thời đó cũng là hình ảnh, tấm gương để nhân dân soi vào và noi theo.
Bốn là, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong đó:
“Cần” không chỉ là cần cù, siêng năng, chăm chỉ mà trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay còn đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải làm việc một cách khoa học, sáng tạo, luôn cải tiến, đổi mới để nâng cao năng suất lao động, không ngừng học tập nâng cao trình độ, phấn đấu vươn lên trong công tác. “Cần” không thể tách rời “Trí”.
“Kiệm” là tiết kiệm, sử dụng hợp lý, hiệu quả của cải, vật chất và thời gian, công sức,...của Nhà nước, của tập thể, của người khác và của bản thân không xa hoa, lãng phí nhưng cũng không hà tiện, keo kiệt.
“Liêm” là trong sạch, không tham lam tiền của, địa vị, danh lợi... “Liêm” phải đi kèm với “Dũng”, không chỉ riêng bản thân mình trong sạch mà còn phải luôn có ý thức xây dựng tập thể, cơ quan, đơn vị trong sạch, phải dũng cảm đấu tranh với những hành vi tiêu cực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân...
“Chính” là ngay thẳng, trung thực, trọng danh dự, nhân văn, lời nói đi đôi với việc làm, luôn có ý thức giữ gìn uy tín của Đảng, Nhà nước, của cơ quan, đơn vị và cá nhân trong mọi hoạt động. Như vậy, “Chính” phải song hành cùng với “Nhân, Nghĩa, Tín”.
“Chí công vô tư” là luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; tận tụy, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Năm là, tính nguyên tắc và ý thức tổ chức kỷ luật trong thực thi công vụ. Cấp dưới phải phục tùng cấp trên, cá nhân phải phục tùng tổ chức trong mọi phát ngôn và hành động khi thực thi công vụ. Bảo đảm tuân thủ đúng các nguyên tắc, thứ bậc hành chính và có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc trong thực hiện công việc được giao. Phát huy dân chủ, tính sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng phải trên cơ sở đảm bảo tính nguyên tắc và kỷ luật, phối hợp tốt với đồng chí, đồng nghiệp và xây dựng khối đoàn kết trong tập thể.
2. Những vấn đề đặt ra đối với đạo đức công vụ trong bối cảnh hiện nay
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội bị quyết định bởi tồn tại xã hội nên cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xã hội ngày càng phát triển thì các chuẩn mực đạo đức cũng có sự thay đổi tương ứng. Đạo đức công vụ cũng không ở ngoài quy luật đó. Sự thay đổi phương pháp, cách thức quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường mở cửa, trong xu thế toàn cầu hóa dẫn đến nhiều quy tắc giao tiếp, hành vi ứng xử trong thực thi công vụ truyền từ nền hành chính tập trung, bao cấp đến nay không còn phù hợp nữa. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, Hà Nội và nhiều thành phố khác đang tiến tới xây dựng thành phố thông minh thì giao tiếp trực tiếp giữa người dân với cán bộ, công chức và giữa cán bộ, công chức, viên chức với nhau sẽ giảm đi nhưng giao tiếp gián tiếp thông qua hệ thống truyền thông, qua mạng internet, điện thoại... và tính chất quốc tế hóa trong giao tiếp lại tăng lên. Mỗi người dân có thể giám sát trực tiếp, thường xuyên, liên tục hoạt động của từng khâu trong quy trình quản lý nhà nước. Không những thế, thời gian giải quyết công việc ngày càng được rút ngắn trong kỷ nguyên kỹ thuật số sử dụng công nghệ cao và bùng nổ thông tin(2) đòi hỏi cán bộ, công chức phải đổi mới phong cách làm việc, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, nắm vững quy trình hoạt động, có kỹ năng thành thạo trong thu thập, xử lý thông tin mới có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, cùng với sự phát triển của xã hội tất yếu sẽ hình thành những chuẩn mực mới trong cách thức giao tiếp và hành vi đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Sự phát triển của kinh tế thị trường ở nước ta những năm qua bên cạnh những thành tựu, kết quả tích cực cũng bộc lộ những mặt trái, tiêu cực, trong đó nổi lên là tâm lý coi trọng quá mức đồng tiền, kiếm tiền bằng mọi giá làm cho đạo đức xã hội có nhiều biểu hiện xuống cấp, tình trạng làm ăn gian dối, cố ý làm trái pháp luật, tham nhũng, gây sách nhiễu, phiền hà cho người dân để trục lợi diễn ra ở nhiều nơi...làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, làm mất niềm tin trong nhân dân và tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Vì thế, củng cố, nâng cao đạo đức công vụ nói riêng và đạo đức xã hội nói chung là yêu cầu quan trọng góp phần bảo vệ những thành quả chúng ta đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước theo hướng bền vững và xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Mặt khác, cùng với sự phát triển kinh tế thì trình độ dân trí của người dân cũng ngày càng được nâng cao, từ đó nhu cầu dân chủ của nhân dân cũng tăng lên không ngừng đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải điều chỉnh hoạt động theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ hóa để bảo đảm cho mọi người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Vì thế, trong thời gian qua, các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước được ban hành ngày càng đầy đủ, rõ ràng, chặt chẽ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, quy tắc ứng xử, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự là “công bộc” của nhân dân. Ngày nay, không thể tồn tại trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị những “ông quan cách mạng” tự coi mình là thượng cấp, là bề trên với tác phong xử sự lạnh lùng theo kiểu chuyên quyền, độc đoán, hách dịch đối với cấp dưới, đối với người dân mà mọi cán bộ, công chức, viên chức phải có phong cách dân chủ, khiêm tốn, cầu thị và trách nhiệm trong công tác, gần gũi với nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
Đứng trước những đòi hỏi cấp bách của sự phát triển xã hội như vậy nhưng hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn nhiều lúng túng trong nhận thức và thực hiện đạo đức công vụ. Tình trạng vi phạm pháp luật, thiếu chuẩn mực trong hành vi ứng xử vẫn còn xảy ra ở nhiều cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước. Các quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn về đạo đức công vụ chưa được cụ thể hóa vào từng ngành nghề, lĩnh vực mà chủ yếu mới dừng lại ở quy định chung nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khó thực hiện trên thực tế cũng như khó đánh giá kết quả. Cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện đạo đức công vụ chưa thực sự hiệu quả, chế tài quy định không rõ ràng nên xử lý thiếu kịp thời, chưa nghiêm minh, còn bỏ lọt nhiều cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức dẫn đến gây dư luận xấu, bức xúc trong nhân dân. Chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay còn nhiều bất cập, đồng lương không đủ sống nên phần lớn không thể toàn tâm, toàn ý vào công việc, thậm chí một bộ phận còn nảy sinh tâm lý và hành vi tiêu cực, tham nhũng...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu kết luận tại phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp ngày 15.1.2020 tại Hà Nội đã nhấn mạnh: Mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (hai Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Qua thanh tra, kiểm toán đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 135.816 tỷ đồng và hơn 897ha đất, đã thu hồi hơn 35.000 tỷ đồng; riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị gần 24.000 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 98 vụ việc, 121 đối tượng), Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành rất nhiều văn bản về đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí để triển khai thực hiện trên thực tế, nhất là từ Đại hội XII tới nay, nhưng tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nghiêm trọng, do đó, công tác phòng chống tham nhũng không được dừng lại, thỏa mãn với những kết quả đạt được mà cần phải tiếp tục thực hiện tốt hơn, với quyết tâm cao hơn(3).
Như vậy, hoàn thiện chế độ đạo đức công vụ, nêu cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu tất yếu khách quan để đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển đất nước trong tình hình mới.
3. Một số giải pháp nâng cao đạo đức công vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới
Một là, cần đổi mới hình thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức công vụ, trong đó cần tận dụng, phát huy vai trò của mạng lưới truyền thông chính thống, của mạng xã hội để giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tuyên truyền những điển hình tốt, những tấm gương đạo đức trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần định hướng xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức mới, tiến bộ, phù hợp với thời đại. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường nắm bắt thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm đạo đức trong thực thi công vụ cũng như những luận điệu phản tuyên truyền, những thông tin bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt được phát tán trên internet làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động công vụ bằng nhiều hình thức khác nhau như: kiểm tra, thanh tra công vụ định kỳ và đột xuất, giám sát thường xuyên qua camera, lấy ý kiến nhân dân qua hòm thư góp ý, qua phiếu điều tra, khảo sát trên diện rộng, qua nút bấm hài lòng, qua đường dây nóng,... Phải lấy sự hài lòng của nhân dân trong giải quyết công việc với cơ quan nhà nước làm thước đo, làm tiêu chí đánh giá chất lượng thực thi công vụ để từ đó nâng cao đạo đức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác. Mặt khác, cần xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai những trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức trong thực thi công vụ, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người suy thoái về phẩm chất đạo đức, yếu kém về năng lực công tác, không đáp ứng yêu cầu công việc và không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Ba là, cần xây dựng hệ thống giá trị chuẩn mực đạo đức công vụ riêng cho từng ngành nghề (giáo dục, y tế, công an, quân đội...), cho từng vị trí, chức vụ (cán bộ lãnh đạo, cán bộ dân cử, công chức chuyên môn nghiệp vụ, nhân viên thừa hành, lao động hợp đồng,...) bên cạnh hệ thống tiêu chí chung hiện có, bởi vì mỗi ngành nghề, mỗi công việc, mỗi vị trí có đặc thù và yêu cầu về chuẩn mực đạo đức công vụ khác nhau, nhất là cần quy định rõ chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện đạo đức công vụ ở cơ quan, đơn vị mình phụ trách bởi vì văn hóa, đạo đức của người đứng đầu có ảnh hưởng quyết định đến hành vi đạo đức, văn hóa ứng xử của tổ chức và các thành viên. Hệ thống các chuẩn mực, tiêu chí đạo đức cần cụ thể, rõ ràng, phù hợp với yêu cầu đặc thù của từng ngành nghề, từng nhóm vị trí việc làm để cán bộ, công chức, viên chức có thể áp dụng vào công việc của mình, trên cơ sở đó phấn đấu, rèn luyện và đánh giá kết quả thực hiện trong thực tế. Mặt khác, hệ thống các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức công vụ cũng cần đề cập toàn diện cả “đức” và “tài” vì để đạt hiệu quả trong thực thi công vụ, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì người có đức cũng phải có tài mới làm được việc, không thể xây dựng đội ngũ chỉ có đức mà không có tài và ngược lại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Có tài mà không có đức là vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức đạo đức và đảm bảo cho các chuẩn mực đạo đức được tôn trọng, thực hiện trên thực tế thì không những phải thể chế hóa các quy phạm đạo đức thành pháp luật mà còn cần phải xây dựng hệ thống chế tài phù hợp, kết hợp giữa tác động của dư luận xã hội, giáo dục, thuyết phục, răn đe với các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.
Bốn là, công tác đánh giá, tuyển dụng và bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay cần được đổi mới về hình thức, phương pháp, quy trình thực hiện để đảm bảo được cả hai tiêu chí “đức” và “tài”, trong đó “đạo đức công vụ” là gốc. Đồng thời, mỗi người lãnh đạo, quản lý phải là tấm gương sáng trong thực hành đạo đức để cấp dưới noi theo. Khi cán bộ “tâm phục, khẩu phục” với tài năng và đức độ của người lãnh đạo, quản lý và được đánh giá, sử dụng “đúng người, đúng việc”, được phát huy sở trường trong công tác thì họ sẽ có niềm tin vào công lý, vào lẽ công bằng, từ đó sẽ hình thành ý thức tự nguyện, tự giác thực hiện đạo đức công vụ. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu, tìm tòi, học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến để xây dựng cơ chế hữu hiệu, chặt chẽ nhằm khắc phục tính chủ quan, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm trong đánh giá, tuyển dụng, sử dụng cán bộ.
Ngoài ra, trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần thực hiện thực sự nghiêm túc, đồng bộ cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đa chiều, toàn diện, liên tục, lấy phẩm chất chính trị, đạo đức làm gốc, dựa trên chất lượng, hiệu quả công việc là thước đo chủ yếu theo đúng tinh thần Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8.3.2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Đánh giá cán bộ có vai trò rất quan trọng, là cơ sở của công tác cán bộ nhưng trong hệ thống chính trị nước ta thời gian qua ở nhiều nơi, nhiều lúc, công tác đánh giá cán bộ còn được thực hiện thiếu chính xác, qua loa, mang nặng tính chủ quan, hình thức,... dẫn đến bố trí, sử dụng cán bộ không phù hợp với yêu cầu công việc. Do vậy, kết quả đánh giá cán bộ cần đúng thực chất, đảm bảo tính khách quan, toàn diện, chính xác và phải được dùng làm căn cứ cho việc quy hoạch, bố trí, sử dụng, miễn nhiệm cán bộ trên thực tế.
Năm là, cần xây dựng chế độ lương, chính sách đãi ngộ thỏa đáng để đảm bảo cho cán bộ, công chức, viên chức và gia đình đủ sống, từ đó họ mới có thể yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cho công việc, dốc lòng, dốc sức phục vụ nhân dân. Ngoài ra cần có chế độ khen thưởng kịp thời cho những hành vi đẹp, những tấm gương tốt trong thực thi công vụ để ghi nhận và động viên, khích lệ mọi người cố gắng.
Sáu là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống các trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ trung ương đến địa phương đối với công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Hệ thống các trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không chỉ có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cần đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến cơ sở, nhất là những học viên đang nắm giữ cương vị lãnh đạo, quản lý hoặc nguồn lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong tương lai để góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử trong công sở từ cấp trên lan tỏa xuống cấp dưới.
Tuy nhiên, giáo dục đạo đức công vụ ở các trường chính trị, trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ không giống như giáo dục công dân trong các trường phổ thông hiện nay mà phải ở mức độ cao hơn, sâu sắc hơn, phải trên cơ sở kết hợp cả lý luận với thực tiễn bằng những phương pháp giáo dục phù hợp với người lớn, người có kinh nghiệm trong công tác. Thông qua các lớp học, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, các trường cần lồng ghép hoặc xây dựng chuyên đề riêng để tuyên truyền cho học viên nắm được những quy định của Đảng, Nhà nước về yêu cầu của đạo đức công vụ trong từng giai đoạn, những chuẩn mực đạo đức công vụ mà cán bộ, công chức, viên chức cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện, cũng như trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và các chế tài phải chịu nếu họ vi phạm đạo đức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Ngoài ra, trong tuyên truyền, giáo dục, bên cạnh việc ca ngợi, phổ biến những điển hình tốt, những tấm gương sáng về đạo đức công vụ, các giảng viên cũng cần mạnh dạn phê phán những hành vi không đẹp, những thái độ không đúng đắn trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, nhất là tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí còn đang xảy ra ở không ít các cơ quan của hệ thống chính trị làm xấu đi hình ảnh của đội ngũ cán bộ, gây bức xúc trong nhân dân và làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ...
Bên cạnh hoạt động giáo dục, tuyên truyền, mỗi người giảng viên trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng phải luôn rèn luyện đạo đức, tác phong của mình, thực sự mẫu mực trong công tác, trong giao tiếp, ứng xử với học viên, với đồng nghiệp và nhân dân... để xứng đáng với vai trò là người thầy, là tấm gương sáng cho học viên học tập, làm theo, qua đó góp phần nâng cao ý thức đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ các cấp tham gia học tập tại trường, chung tay xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tóm lại, để hoàn thiện chế độ đạo đức công vụ, nâng cao ý thức đạo đức và hành vi đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức được những yếu tố tác động cả tích cực và tiêu cực đến đạo đức công vụ trong bối cảnh hiện nay để từ đó đề ra và thực hiện đồng bộ những giải pháp hữu hiệu, phù hợp trong từng giai đoạn. Nâng cao đạo đức công vụ không thể thực hiện ngay xong trong một sớm, một chiều, một lần là được mà phải coi vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị vì sự phát triển bền vững của đất nước./.
__________________
(1) Ngày 25.1.2017, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 522/QĐ-UBND về việc ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.
(2) Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1.1.2019 của Chính phủ và Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 27.3.2019 của UBND Thành phố Hà Nội về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
(3) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 17, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 15.1.2020.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10.2020
Bài liên quan
- Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
- Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
- Bồi dưỡng phong cách công tác của chính ủy, chính trị viên ở Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
Sách tinh gọn, hay sách tóm tắt, là một sản phẩm tuy không mới nhưng do sự phát triển của các nền tảng số cũng như mạng xã hội mà đang trở thành xu hướng ở Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này còn có nhiều vấn đề, như chưa tạo ra được lợi nhuận trực tiếp, dễ bị vi phạm bản quyền, các chế tài và quy định pháp luật tuy đã có nhưng chưa được cập nhật với tình hình thực tế, các đơn vị xuất bản vẫn còn e dè chưa phát triển mạnh. Do vậy, cần nâng cao vai trò của Cục Xuất bản, In và Phát hành - trung gian kết nối các yếu tố trong hoạt động khai thác sách tinh gọn cũng như những sản phẩm phái sinh. Đồng thời, các đơn vị xuất bản cũng cần đi đầu trong khai thác bản quyền, xây dựng hệ thống nhân sự chuyên nghiệp, giáo dục và tuyên truyền đến các tác giả nhằm phát triển hoạt động khai sách tinh gọn cho thị trường xuất bản Việt Nam.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Việc sử dụng ChatGPT để cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích. Công cụ này giúp tăng cường tương tác, cá nhân hóa học tập và cung cấp tài liệu phong phú cho cả giáo viên và sinh viên. Sinh viên có thể tiếp cận ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng viết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT một cách có ý thức, khuyến khích tư duy độc lập và tự đánh giá.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở được đánh giá cao trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành báo chí, truyền thông trong nhiều năm qua. Nhưng trước những thay đổi mạnh mẽ của cách mạng 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, những yêu cầu mới đã được đặt ra đối với lĩnh vực này, đòi hỏi nhân lực cũng phải có những phẩm chất và kỹ năng tương ứng. Từ việc khảo sát nhu cầu của người học, một số vấn đề đã được đặt ra và có thể trở thành cơ sở quan trọng để điều chỉnh hướng phát triển trong đào tạo ngành báo chí, truyền thông tại Học viện trong thời gian tới.
Bình luận