Nâng cao hiệu quả công tác truyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay
1. Bối cảnh mới và yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Trong những năm gần đây, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi nhanh chóng, tác động trực tiếp, nhiều chiều đến công tác tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Về bối cảnh quốc tế, thế giới “đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự đoán… Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan”(2). Xung đột vũ trang xảy ra ở một số nơi, nhất là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động trực tiếp đến môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới. Xung đột về quyền lực quốc tế giữa các nước lớn có xu hướng ngày càng gay gắt, quyết liệt. Các thế lực chống đối, thù địch đã lợi dụng tình hình này để công kích, phê phán, lên án mô hình chủ nghĩa xã hội hoặc cổ vũ cho mọi yêu sách ly khai; tán dương nền dân chủ phương Tây như mẫu hình ưu việt cho toàn thế giới hoặc tung hô các khuynh hướng chính trị thân phương Tây.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Đây là cuộc cách mạng gắn liền với sự phát triển của không gian mạng, kết hợp giữa công nghệ vật lý, kỹ thuật số và sinh học, giữa hệ thống ảo và thực, làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cuộc cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất - giá trị đã mở ra những triển vọng mới, thúc đẩy các quốc gia tham gia mạnh mẽ vào quá trình hội nhập, phát triển nhưng chính quá trình này cũng đang tạo ra những phương tiện, công cụ hiện đại cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.
Về bối cảnh trong nước, Việt Nam đang ở trong giai đoạn đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm đổi mới đã giúp “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy vậy, thời gian vừa qua, công tác xây dựng Đảng bên cạnh những chuyển biến tích cực thì “những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn diễn biến phức tạp.
Nghiêm trọng hơn, “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(3).
Trong khi đó, “sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”(4). Ngoài việc chống phá những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch còn ra sức truyền bá tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống tư sản vào xã hội Việt Nam, đặc biệt là tìm cách truyền bá, tác động vào thế hệ trẻ. Gần đây, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng những “điểm nóng” trên các lĩnh vực của Việt Nam nhằm xuyên tạc tình hình phát triển của đất nước, hướng lái những tư tưởng và hành động sai trái, chống đối, bất tuân, bạo lực và bạo động; từ đó, lôi kéo, tập hợp những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước can dự vào công việc nội bộ của Việt Nam. Sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, tâm lý, thái độ của một bộ phận quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên. Bối cảnh đó đang đặt ra yêu cầu cần phải đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
2. Thực trạng công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam thời gian qua
Trước sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch, Bộ Chính trị khóa XII đã kịp thời ban hành Nghị quyết về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Ban Chỉ đạo 35 đã được thành lập từ Trung ương đến cấp huyện và ở các bộ, ban, ngành với vai trò trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tiến hành khá bài bản, hệ thống, được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức phong phú. Nhiều đảng bộ, chi bộ cơ sở đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thông qua đó, phổ biến, lan tỏa những nội dung cơ bản của Nghị quyết đến đông đảo cán bộ, đảng viên.
Ban Chỉ đạo 35 Trung ương đã chỉ đạo các đơn vị đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng kênh truyền thông, kết hợp giữa truyền thông truyền thống và truyền thông hiện đại, giữa truyền thông chính thống và phi chính thống. Các hoạt động tuyên truyền trên sách, báo, tạp chí tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều tạp chí khoa học xây dựng chuyên mục phù hợp, chuyên sâu để đăng tải những bài viết có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó tiêu biểu là: Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân... Các nhà xuất bản như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân... cũng đẩy mạnh việc xuất bản, phát hành các ấn phẩm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tính trong giai đoạn 2019-2021, cả nước có hơn 200 đầu sách tham khảo, chuyên khảo có nội dung liên quan đến Nghị quyết 35-NQ/TW, trong đó có nhiều cuốn sách có nội dung đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, thù địch(5); “báo chí, xuất bản đã góp phần to lớn phát huy vai trò là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong năm 2022”(6).
Các đài truyền hình quốc gia và địa phương đã xây dựng các chương trình chính luận có nội dung liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với chương trình “Đối diện”, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với chương trình “Nhìn thẳng, nói thật”… Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 35 các cấp cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên Internet và mạng xã hội.
Từ năm 2019 đến nay, nhiều địa phương, bộ, ngành đã sử dụng các kênh truyền thông mới với nhiều hình thức đa dạng như: trang thông tin điện tử, website, fanpage, facebook, youtube, zalo… để đăng tải thông tin tích cực, phản bác những thông tin xấu độc, kịp thời định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều kênh truyền thông có lượng người theo dõi, tương tác lớn; có tính lan tỏa rộng trong cộng đồng và đóng vai trò tích cực trong việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Hương Sen Việt, Việt Nam Thịnh Vượng…
Đáng chú ý, trên cơ sở thành công của “Cuộc thi viết chính luận khoa học về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương đã giao Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức “Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022”. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và một số học giả, chính khách nước ngoài, tạo ra sự ảnh hưởng và lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Cuộc thi là hình thức tuyên truyền sáng tạo, thiết thực, hiệu quả về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài các hoạt động tuyên truyền mang tính đại chúng, theo bề rộng, hoạt động tuyên truyền về nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn được tiến hành theo chiều sâu với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực. Điển hình là một số Ban Chỉ đạo 35 các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, xuất bản và phát hành các cuốn sổ tay hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát hành “Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát hành cuốn “Sổ tay hỏi đáp sinh viên với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”… Sau khi phát hành, các cuốn sổ tay đã trở thành cẩm nang thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, phương pháp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 35.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nội dung tuyên truyền, định hướng, nhất là trên Internet và mạng xã hội chưa thật phong phú, việc tuyên truyền còn thiếu chiều sâu, hình thức, phương pháp có lúc chưa thật phù hợp, mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Đúng như Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”(7).
Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về hoạt động tuyên truyền trên báo chí, các phương tiện truyền thông đôi khi còn lỏng lẻo, thiếu kiểm soát, một số báo và mạng truyền thông chưa bám sát tôn chỉ mục đích hoạt động và định hướng của Đảng, Nhà nước… Một bộ phận không nhỏ cán bộ làm công tác tuyên truyền do hạn chế về nhận thức, năng lực hoặc do chạy theo lợi nhuận, lợi ích vật chất nên chỉ chú tâm đến việc đăng các thông tin giật gân nhằm “câu like”, “câu view”, chạy theo tâm lý đám đông mà không tuân theo quy định của các cơ quan quản lý nhà nước… Những hạn chế đó đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thời gian qua.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và Ban Chỉ đạo 35 các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo. Đây là yếu tố đóng vai trò tiên quyết đến chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, làm cho công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên, liên tục, với nội dung và hình thức phù hợp, với các điều kiện bảo đảm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Hai là, đổi mới, cập nhật nội dung tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gắn với những biến đổi nhanh chóng của thực tiễn. Xuất phát từ những thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó dự đoán của thực tiễn, nội dung tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay ngoài những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng; nhận diện đầy đủ những cơ hội, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức trong những năm tới; chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch gắn với bảo vệ những quan điểm, chủ trương, chính sách, sự kiện, sự việc cụ thể và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm “lấy xây làm chính”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Việc đổi mới, cập nhật nội dung tuyên truyền theo hướng này sẽ làm cho đường lối, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống của nhân dân, trở thành phương châm chỉ đạo đúng đắn, tránh được những sai lầm, mất phương hướng để các thế lực thù địch có cơ hội lôi kéo, mua chuộc.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng thiết thực, hiệu quả. Các hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, gắn với đặc điểm của từng bộ phận quần chúng nhân dân. Ngoài việc tuyên truyền theo những cách thức truyền thống như quán triệt, học tập nghị quyết, viết tin bài trên báo chí, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên Internet và mạng xã hội. Cách thức tuyên truyền cần có sự đổi mới linh hoạt gắn với nhu cầu, thị hiếu và xu hướng của xã hội; chú trọng “Đổi mới phương thức, nâng cao tính thuyết phục của công tác tuyên truyền, cổ động theo hướng đa dạng hóa, sinh động về hình thức, ngắn gọn, thiết thực, gần gũi với cuộc sống, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với từng đối tượng”(8).
Ngoài ra, cần xây dựng các chiến dịch truyền thông chủ động trong các dịp đất nước có các sự kiện chính trị lớn hay trong những thời điểm khó khăn, nhiều thử thách để các dòng thông tin tích cực trở thành chủ lưu, tránh để các thế lực thù địch có cơ hội chiếm lĩnh trận địa thông tin để tung ra các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật hòng dẫn dắt, hướng lái dư luận theo ý đồ của chúng. Chú trọng tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Bốn là, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với các hoạt động tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Với những hạn chế, bất cập trong công tác tuyên truyền về vấn đề này trong thời gian qua, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, trong đó chú trọng đến việc “xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có cơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội”(9). Do đó, các cơ quan nhà nước cần tăng cường kỷ cương trong quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông…
Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường quản lý và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng và tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”(10). Giải pháp này giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền sẽ truyền tải đúng đường lối, chủ trương của Đảng, tinh thần của nghị quyết; khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ do yếu kém về năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm hay vì lợi ích vật chất mà tuyên truyền không đúng, xa rời đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng chạy theo tâm lý đám đông mà bỏ qua tính đảng, tính chính trị trong các hoạt động tuyên truyền nên dễ dàng bị các thế lực thù địch mua chuộc, lôi kéo, đưa các thông tin tuyên truyền đi ngược lại với đường lối, chủ trương của Đảng.
Đồng thời, cần tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” thông qua việc “đẩy mạnh rà soát, kiểm tra việc thực hiện định hướng tư tưởng chính trị, mục đích, hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí theo tinh thần tạo điều kiện để báo chí phát triển nhưng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”(11).
Sáu là, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, xây dựng, phát triển và tăng cường phối hợp các lực lượng trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong bối cảnh phát triển của truyền thông hiện đại, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhất thiết phải chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, đẩy mạnh chuyển đổi số để hiện đại hóa các cơ quan, phương tiện truyền thông, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Ngoài lực lượng cán bộ chuyên trách ở ban tuyên giáo các cấp, cần xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, lực lượng xung kích để tạo thành mạng lưới tuyên truyền rộng khắp. Bên cạnh đó, các cơ quan tuyên truyền cần có sự phối hợp chặt chẽ để kết nối, lan tỏa những nội dung liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sẽ góp phần tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
____________________________________________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, H., tr.21.
(2), (7) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H., T.I, tr.105,91.
(3), (4), (9), (10) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG, H., T.II, tr.168, 164, 234, 234.
(5) Lê Mạnh Hùng (2021), Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nghị quyết của Đảng, Tạp chí Tuyên giáo, số 4, tr.16.
(6), (8), (11) Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, H., tháng 12.2022, tr.9-10, 19, 20.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông số 01/2023
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận