Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
1. Đặc điểm của tư duy phản biện
Tư duy phản biện “Critial Thinking” được bàn đến từ hơn 2000 năm trước trong triết học Sôcrat. Nhà triết học này quan tâm đến quá trình nhận thức chân lý, cho rằng trước khi chấp nhận một ý kiến, thừa nhận một vấn đề cần suy nghĩ sâu sắc. Phương pháp mà ông đề xuất là việc đặt các câu hỏi xung quanh vấn đề cần nhận thức, tìm kiếm bằng chứng, xem xét tỉ mỉ thông tin, nêu các giả định… Ông coi đây là cách nhận thức bản chất, định hướng và đưa ra quyết định giải quyết một vấn đề.
Thuật ngữ tư duy phản biện được khá nhiều học giả bàn đến từ góc độ triết học, logic học, tâm lý học… Tư duy là quá trình nhận thức của con người, phản ánh những thuộc tính, mối liên hệ của sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, đem lại hiểu biết. Hoạt động nhận thức của con người được thực hiện bằng nhiều hình thức, cấp độ tư duy khác nhau: tư duy cảm tính, tư duy lý tính, tư duy kinh nghiệm, tư duy lý luận, tư duy sáng tạo…
Tư duy phản biện, xét về thuật ngữ, “phản” là nghĩ lại, xem lại, “biện” là biện bác, tranh biện. Phản biện là phân biệt tốt xấu trên cơ sở phân tích, biện luận. Tư duy phản biện được hiểu khá thống nhất là quá trình nhận thức của con người trên cơ sở sự suy luận cẩn trọng, chủ động, theo hướng mở để đi đến niềm tin. Tư duy phản biện bao gồm trong nó quá trình suy xét, các điều kiện, quan điểm, các giả định để đi đến kết luận hay một niềm tin của chủ thể. Người có tư duy phản biện không vì những ý kiến, quan điểm hay giải pháp đã có, từ bên ngoài mà bị định chế tư tưởng. Tư duy phản biện xuất phát từ khả năng suy luận và đánh giá suy luận một cách chủ động, chặt chẽ trước khi đưa ra kết luận.
Tư duy phản biện có các đặc điểm cơ bản:
Thứ nhất, tư duy phản biện là tư duy logic, tuân thủ các quy tắc logic. Tư duy phản biện thực hiện phân tích - tổng hợp, quy nạp - diễn dịch, lịch sử - logic, so sánh, cụ thể và trừu tượng... Người có tư duy phản biện luôn hướng tới làm rõ bản chất của sự vật hiện tượng hay vấn đề. Từ chỗ tìm hiểu sâu từng khía cạnh cụ thể, đặt chúng trong mối quan hệ, liên hệ với các sự vật hiện tượng, so sánh, đánh giá để đưa ra quan điểm. Do vậy, các quan điểm được trình bày thường thể hiện trong đó niềm tin của chủ thể. Tư duy phản biện đại diện cho lối suy nghĩ thấu đáo, dựa trên những căn cứ rõ ràng, thuyết phục. Người có tư duy phản biện luôn xem xét nhiều chiều cạnh một vấn đề. Tư duy phản biện ngược với tư duy cảm tính và khác với lối tư duy phiến diện, nhìn nhận vấn đề theo lối áp đặt suy nghĩ chủ quan nhưng lại dùng lý lẽ để bảo lưu ý kiến.
Tư duy phản biện khác với lối phê phán, phản bác thiếu căn cứ vì mục đích nhất định. Tư duy phản biện hàm chứa trong đó tư duy phê phán, nhưng sự phê phán không nhằm vào duy nhất mục đích bác bỏ, phủ định mà vẫn khẳng định được cái ưu điểm, cái đúng, cái tốt, cái hay. Phản bác là một mặt của tư duy phản biện. Song sự phản bác trong phản biện bao giờ cũng dựa trên những căn cứ khách quan và hướng tới mục đích trình bày tri thức hoàn thiện hơn. Người có tư duy phản biện khác với người theo chủ nghĩa hoài nghi, mặc dù hoài nghi là yếu tố tất yếu, là điều kiện của tư duy phản biện. Do nghi ngờ tất cả kết quả nhận thức, hoài nghi cả khả năng nhận thức của con người, người theo chủ nghĩa hoài nghi không cố gắng để tìm ra chân lý. Trong khi đó, người có tư duy phản biện chỉ coi sự hoài nghi là động cơ để tìm ra chân lý và biểu đạt nó một cách thuyết phục.
Thứ hai, tư duy phản biện gắn với tư duy sáng tạo, là cơ sở và điều kiện của tư duy sáng tạo.
Tư duy sáng tạo là tư duy hướng tới cái mới, tạo ra cái mới. Biểu hiện của tư duy sáng tạo là hình thành ý tưởng mới, hướng giải quyết vấn đề mới và suy nghĩ về cách thức mới trong giải quyết các vấn đề hiện thực. Tư duy sáng tạo không thể không dựa trên nền tảng của sự phản biện - không chấp nhận hoàn toàn cái cũ, không bằng lòng với tri thức đang có.
Sự sáng tạo của tư duy đạt ở ngưỡng cao trong tư duy khoa học. Dựa trên cơ sở tri thức khoa học (tri thức đóng vai trò nền tảng để tiến hành quá trình nhận thức khoa học), tư duy sáng tạo khoa học, cùng với các phương pháp tư duy logic, tư duy lý luận và quá trình nghiên cứu khoa học, phương pháp tư duy sáng tạo khoa học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển khoa học và đời sống xã hội. Phản biện trong tư duy sáng tạo khoa học được thực hiện trên cơ sở tri thức khoa học, lập luận khoa học và trình bày kết quả nhận thức bằng những hình thức khoa học.
Xét về cấu trúc, tư duy phản biện được hình thành và phát triển trên cơ sở mối quan hệ biện chứng giữa tri thức, thái độ và phương pháp.
Trong đó, số lượng và trình độ tri thức đóng vai trò quan trọng trong tư duy phản biện. Là hình thức cao của tư duy, tư duy phản biện trên cơ sở nắm bắt, tái hiện hiện thực khách quan trên cơ sở những khái niệm, phạm trù, quy luật. Tư duy phản biện nâng nhận thức của con người lên một trình độ nhận thức mới về chất. Mức độ và trình độ tri thức đã có, tri thức được tiếp nhận là cơ sở của tư duy phản biện. Thái độ và tinh thần phản biện. Tư duy phản biện được hiểu như là phong cách, cách thức, phương thức tư duy. Ở phương diện này, tư duy phản biện chính là cách nhìn nhận đánh giá hiện thực một cách biện chứng duy vật, khoa học và logic. Theo nghĩa này, tư duy lý luận đối lập với tư duy siêu hình, phi khoa học, duy ý chí... Phương pháp phản biện là cách thức thể hiện của tư duy phản biện, bao gồm cả hình thức, kỹ năng phản biện trong quá trình nhận thức của chủ thể.
2. Vai trò của tư duy phản biện trong hoạt động của người làm báo
Tư duy phản biện có vai trò quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp của người làm báo. Trong đó, muốn báo chí phát huy được vai trò giám sát và phản biện xã hội thì người làm báo trước hết phải có tư duy phản biện.
Sản phẩm của người làm báo phản ánh trình độ và năng lực tư duy của họ. Xã hội là thực thể phức tạp, trong đó, các sự kiện được thể hiện ra bằng các hiện tượng phong phú và đôi khi không đúng bản chất, thậm chí bị khuếch xạ, khác xa, trái với bản chất. Tư duy phản biện giúp nhà báo khi xem xét, phản ánh một vấn đề xã hội đều có sự cẩn trọng trong thái độ, sự phân tích thấu đáo trong nhận thức, có khả năng lập luận chặt chẽ để sản phẩm nghề nghiệp phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội được biểu hiện cụ thể thông qua quan điểm, chính kiến… mà người làm báo thể hiện trong tác phẩm của mình. Cách thức, trình độ tư duy phản biện của người làm báo phản ánh đặc điểm và trình độ phát triển của báo chí. Muốn phát huy vai trò phản biện của báo chí, không thể không nâng cao năng lực tư duy phản biện của người làm báo.
Năng lực tư duy phản biện, ở một khía cạnh nhất định, có thể phụ thuộc vào đặc điểm tâm lý bẩm sinh của con người. Song giống như mọi hình thức tư duy, năng lực tư duy phản biện của người làm báo được hình thành và phát triển chủ yếu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, quá trình đào tạo ở bậc đại học có ý nghĩa quan trọng trong hình thành và phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ này.
Bước chuyển mạnh mẽ của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của các loại hình truyền thông đang đặt ra nhiều thách thức cho báo chí. Bối cảnh xã hội đòi hỏi cao về năng lực hoạt động nói chung và năng lực tư duy phản biện nói riêng của người làm báo. Để đáp ứng yêu cầu xã hội, đào tạo báo chí truyền thông ở bậc đại học hướng vào phát triển năng lực cho người học. Trong đó, năng lực tư duy phản biện là một trong những năng lực cần được chú ý trong quá trình đào tạo cử nhân báo chí ở nước ta hiện nay.
Mặc dù các cơ sở đào tạo báo chí đã có những nỗ lực trong đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, song hiện nay, năng lực phản biện của người làm báo trong và sau quá trình đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Biểu hiện khả năng phản biện xã hội của một số sinh viên báo chí còn yếu. Người học hoặc còn thụ động, một chiều, ngại đưa quan điểm, chính kiến khi nhìn nhận, đánh giá các vấn đề xã hội, hoặc cách thức phản biện thô, năng lực phản biện thấp dẫn đến tình trạng xem xét vấn đề thiếu tính khách quan, thiếu cơ sở khoa học, thiếu sự chặt chẽ trong quá trình lập luận, phản bác hoặc nghi ngờ chính các vấn đề họ phản ánh, làm sai lệch bản chất của sự vật, sự việc…
Nguyên nhân của thực trạng đó cần được xem xét trước hết ở quá trình đào tạo người làm báo của các trường đại học. Nếu xét ở phương diện mục tiêu đào tạo, chúng ta còn nhiều vấn đề trong trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ khi hướng tới phát triển năng lực phản biện cho sinh viên báo chí.
Chương trình đào tạo cử nhân báo chí hiện nay đã và đang được đổi mới, cập nhật theo yêu cầu xã hội. Việc rà soát, phát triển chương trình được các cơ sở đào tạo tiến hành thường xuyên, nhiều nội dung, môn học mới được bổ sung nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo. Song trong quá trình xây dựng chương trình các môn học đại cương, nhiều môn học đóng vai trò tạo lập kiến thức nền tảng cho người học được rút gọn đáng kể. Chương trình đào tạo các môn lý luận chính trị qua nhiều lần đổi mới theo hướng ít thời lượng hơn. Song tình trạng thu gọn nội dung chương trình còn mang tính cơ học mà chưa đạt được tính tinh gọn và hiệu quả.
Trong khi đó, để thực hiện vai trò thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của quần chúng nhân dân, qua đó góp phần xây dựng, phản biện chính sách, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước, mở rộng dân chủ, giữ vững ổn định chính trị, phát triển xã hội, người làm báo cần có kiến thức lý luận chính trị dày dặn, chắc chắn. Việc hiểu chưa thấu đáo các nguyên lý lý luận làm cho sinh viên thiếu vững vàng, thiếu cơ sở để phát triển năng lực tư duy phản biện, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi đứng trước các vấn đề phức tạp của xã hội, các luồng thông tin đa chiều, các thông tin chống phá của các thế lực thù địch… Kiến thức nền tảng chưa tốt là lý do khiến nhiều sinh viên thể hiện sự lúng túng ngay cả trong việc nêu chính kiến cá nhân về một sự kiện.
Bên cạnh đó, trong hệ thống các môn học ở chương trình đại cương ở các cơ sở đào tạo báo chí chưa thật chú ý đến những môn học trang bị kiến thức, kỹ năng là cơ sở và điều kiện của tư duy phản biện. Năng lực phân tích, tổng hợp, so sánh, năng lực trừu tượng hóa, khái quát hóa… của nhiều sinh viên ngành báo chí còn yếu. Biểu hiện ở không ít sinh viên là cách tư duy còn đơn giản, cảm tính, một chiều… khi xem xét, đánh giá một hiện tượng xã hội.
Kỹ năng và thái độ phản biện xã hội của sinh viên cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Nhiều sinh viên còn biểu hiện tư duy thụ động, phụ thuộc (nghĩ theo cách nghĩ của người khác, dè dặt khi buộc phải phê phán hay phản biện xã hội) thiếu sự chủ động, tích cực trong trình bày ý kiến cá nhân. Sự thụ động trong chính quá trình học tập chắc chắn sẽ dẫn đến sự thụ động trong hoạt động nghề nghiệp sau này. Các em ngại nói, ngại viết, ngại nêu ý kiến trái chiều với thầy cô là hiện tượng khá phổ biến. Kỹ năng phản biện của người học chưa cao, cá biệt có em thiếu kỹ năng phản biện. Khả năng sử dụng ngôn ngữ trong phản biện còn nhiều vấn đề bất cập, năng lực lập luận, thuyết phục của nhiều sinh viên hiện nay còn thấp.
Những hạn chế về kỹ năng và thái độ phản biện xã hội của sinh viên có nguyên nhân chủ yếu từ phương pháp giảng dạy và hình thức tổ chức dạy học của nhà trường. Dù đã có những nỗ lực trong đổi mới phương pháp dạy học, song hiện nay, phương pháp thuyết giảng một chiều vẫn chiếm tỷ trọng lớn do áp lực lượng kiến thức của thầy cô phải truyền tải để đáp ứng yêu cầu thi, kiểm tra đánh giá hiện nay. Các phương pháp dạy học có ưu thế để phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên như thảo luận nhóm, nêu vấn đề, hỏi đáp… ngày càng được chú ý hơn. Song cách thức triển khai các phương pháp này chưa thật hiệu quả.
Mặt khác, do ảnh hưởng của triết lý giáo dục truyền thống, giảng viên chưa thực sự thoải mái khi đón nhận sự phản biện của người học trong chính giờ học của mình. Quá trình dạy học hiện nay ở bậc đại học vẫn chủ yếu tổ chức tập trung trên giảng đường. Các phương thức dạy học như tham quan, thâm nhập thực tế hay dạy học qua hình thức nghiên cứu khoa học được triển khai còn hạn chế. Hoạt động kiểm tra đánh giá hiện nay cũng chưa thực sự khuyến khích được năng lực tư duy phản biện của sinh viên báo chí. Thang điểm nặng về kiểm tra đánh giá tri thức, và chủ yếu dừng ở yêu cầu nhắc lại, phân tích nội dung kiến thức đã học theo cách phân tích của giảng viên. Phần so sánh, liên hệ, vận dụng, đánh giá một vấn đề hay hiện tượng xã hội chưa được thể hiện nhiều và được đánh giá với tỷ trọng thấp trong thang điểm. Những nguyên nhân trên dẫn đến năng lực tư duy phản biện của người làm báo tương lai chưa được chú ý phát triển trong quá trình đào tạo ở trường đại học.
3. Giải pháp cơ bản nhằm nâng cao năng lực phản biện trong đào tạo người làm báo ở Việt Nam hiện nay
Để có thể nâng cao năng lực phản biện xã hội của người làm báo, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp cơ bản:
Một là, các trường đại học cần nhận thức đúng tầm quan trọng, ý nghĩa của việc hình thành tư duy phản biện cho người học. Quan tâm và có biện pháp đủ mạnh để nâng cao năng lực tư duy phản biện hướng tới đào tạo đội ngũ năng động trong tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi phải được coi là một nội dung trong triết lý đào tạo của các trường đại học nói chung, các cơ sở đào tạo báo chí nói riêng. Trong bối cảnh truyền thông xã hội hiện nay, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo là điều kiện để người làm báo làm tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Trong đó, nhận thức và thái độ của nhà trường, của giảng viên về tư duy phản biện và trước sự phản biện xã hội của sinh viên là nhân tố quyết định mức độ xây dựng và phát huy được năng lực tư duy phản biện cho người học. Bởi lẽ, người học chỉ có thể phát triển năng lực tư duy phản biện khi được khích lệ, động viên, tạo điều kiện cho họ được thể hiện sự phản biện xã hội. Muốn vậy, cần xây dựng nhà trường thực sự dân chủ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người học. Song, muốn có được môi trường tốt nhất để xây dựng và phát triển năng lực phản biện cho người học, chính người giảng viên cần thể hiện được năng lực phản biện xã hội của mình. Người giảng viên phải thể hiện được nhân cách con người mới năng động, có chính kiến và bảo vệ chân lý.
Hai là, nội dung, chương trình đào tạo cần đổi mới theo hướng chú ý kiến thức cơ bản, hệ thống, đóng vai trò kiến thức xã hội nền tảng cho người học. Đồng thời, cần bổ sung thời lượng các môn học có vai trò giúp người học hình thành và phát triển tư duy logic, tư duy lý luận khoa học.
Ba là, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Trong đó, chú ý đến các phương pháp như nêu vấn đề, phương pháp phát vấn, thảo luận nhóm… Đa dạng hóa các hình thức dạy học, tăng cường các hình thức tham quan, ngoại khóa… Trong quá trình đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, giảng viên cần chú ý rèn luyện các phương pháp và kỹ năng phản biện. Đó là khả năng quan sát, năng lực tiếp cận, tiếp nhận và xử lý thông tin, năng lực phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá; khả năng đặt câu hỏi, nêu vấn đề, trình bày quan điểm; năng lực ngôn ngữ, khả năng lập luận, thuyết minh… Đây là các kỹ năng cần thiết trong tập hợp những kỹ năng phản biện xã hội cho người học.
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nghiên cứu khoa học vừa là hình thức học tập hiệu quả, giúp sinh viên phát hiện những vấn đề của đời sống hiện thực, vận dụng tri thức lý luận để giải quyết vấn đề xã hội; vừa là phương thức phát triển tư duy phản biện xã hội, tư duy sáng tạo một cách hiệu quả. Đồng thời, quá trình triển khai nghiên cứu, với các phương pháp thu thập, xử lý thông tin, phương pháp luận chứng khoa học, sinh viên được rèn luyện, từng bước nâng cao năng lực tư duy phản biện.
Tổ chức các diễn đàn, các hội thảo khoa học sinh viên cũng là hình thức phát triển tư duy phản biện của sinh viên hiệu quả. Tạo cho sinh viên “sân chơi”, nơi các em có thể rèn luyện khả năng lắng nghe, kỹ năng tranh luận, năng lực thể hiện và bảo vệ quan điểm khoa học… về các vấn đề xã hội, các vấn đề chuyên môn nghiệp vụ.
Năm là, đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá từ kiểm tra đánh giá tri thức sang đánh giá năng lực là chủ yếu, trong đó có năng lực phản biện xã hội của sinh viên báo chí./.
_________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Thị Thanh Hà, Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta, Tạp chí Cộng sản 2017, Số 124, tr.31-35.
2. Nguyễn Thị Hòa (2017), Bàn về tư duy phản biện trọng giáo dục đại học, Tạp chí Khoa học (Đại học Đồng Nai), Số 5, tr.23-30.
3. Nguyễn Thị Tuyết Mai (2016), Sự cần thiết phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông, Số 11, tr.24-28
4. Đỗ Kiên Trung, (2012), “Về vai trò của tư duy phản biện và những yêu cầu cho việc giảng dạy ở Việt Nam”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông Số 3 - 2023
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận