Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Phát biểu trước công chúng là hoạt động dùng lời nói trực tiếp tác động vào một nhóm đối tượng cụ thể tại một thời gian và không gian xác định nhằm thay đổi nhận thức, thái độ và hướng tới thay đổi hành vi của nhóm đối tượng đó.
Theo Nguyễn Thiện Giáp, “Lời nói là kết quả của việc áp dụng các phương pháp khác nhau của ngôn ngữ để truyền đạt thông tin, kêu gọi người nghe có hành động tương ứng”(1). Cũng theo tác giả này: “Ngôn ngữ là một hệ thống những đơn vị vật chất phục vụ cho việc giao tiếp của con người và được phản ánh trong ý thức của tập thể một cách độc lập với ý tưởng, tình cảm và nguyện vọng cụ thể của con người, cũng như trừu tượng hoá khỏi những tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng đó. Như vậy, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp ở dạng khả năng tiềm tàng, trừu tượng hoá khỏi bất kỳ một sự áp dụng cụ thể nào. Còn lời nói là phương tiện giao tiếp ở dạng hiện thực hoá, tức là ở dạng hoạt động, gắn liền với những nội dung cụ thể”(2).
Theo cách định nghĩa trên đây, lời nói chính là ngôn ngữ ở dạng hoạt động, hiện thực. Lời nói trực tiếp tức là ngôn ngữ của người nói tác động trực tiếp lên người nghe, người nói và người nghe mặt đối mặt nhau trong hoạt động phát ra và tiếp nhận thông điệp. Ngôn ngữ trong giao tiếp trực tiếp có thể phân chia theo nhiều tiêu chí nhưng căn cứ vào chất liệu tác động đến đối tượng có thể lưỡng phân thành ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Để tránh nhầm lẫn giữa ngôn ngữ trước và sau khi lưỡng phân, gọi ngôn ngữ sau khi lưỡng phân là “ngôn từ”. Phi ngôn ngữ tiếp tục được lưỡng phân thành “cận ngôn ngữ” và “ngoại ngôn ngữ”.
Ngôn từ là đơn vị cơ bản nhất của ngôn ngữ được sử dụng để biểu đạt ý nghĩa và thông tin. Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, câu là đơn vị nhỏ nhất có chức năng thông báo. Ngôn từ có thể hiểu là các đơn vị và quy tắc cấu tạo từ đơn vị nhỏ đến đơn vị lớn hơn: từ, cụm từ, câu, đoạn văn, phát ngôn, diễn ngôn/ văn bản. Như vậy có thể gọi ngôn từ của bài phát biểu chính là nội dung.
Cận ngôn ngữ là những yếu tố luôn đi kèm ngôn từ, dùng để biểu thị thái độ hoặc cảm xúc của người nói. Các yếu tố này bao gồm: ngữ điệu, cường độ lời nói, cao độ, tốc độ nói, sự ngừng nghỉ, chất giọng, trọng âm.
“Ngoại ngôn ngữ là những yếu tố mang thông điệp nhưng không được mã hoá bằng ngôn từ”(3). Ngoại ngôn ngữ gồm: ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ vật thể và ngôn ngữ môi trường.
Bài viết này tập trung vào giải mã cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng.
Cận ngôn ngữ (paralanguage) là một bộ phận cấu thành của ngôn ngữ trong giao tiếp trực tiếp, là phương tiện giao tiếp ở dạng hoạt động, luôn đi kèm ngôn từ, có vai trò quan trọng trong việc biểu thị thái độ hoặc cảm xúc của chủ thể giao tiếp trực tiếp – người nói. Các yếu tố này bao gồm: ngữ điệu, cường độ lời nói, cao độ, tốc độ nói, sự ngừng nghỉ, chất giọng, trọng âm.
1. Ngữ điệu lời nói (intonation)
Ngữ điệu lời nói trong phát biểu trước công chúng là sự biến đổi cao độ của giọng nói khi truyền tải thông điệp, giúp nhấn mạnh, thể hiện cảm xúc, làm cho bài phát biểu trở nên sinh động, cuốn hút hơn. Trong giao tiếp, ngữ điệu là một phần quan trọng vì nó không chỉ giúp người nói thể hiện rõ ràng thái độ, cảm xúc mà còn giúp kết nối cảm xúc với người nghe. Một số loại ngữ điệu thông thường:
Ngữ điệu tăng (rising intonation): Cao độ của giọng nói tăng lên ở cuối câu.
Điều này thường được sử dụng trong các câu hỏi, đặc biệt là câu hỏi đóng, hoặc để thể hiện sự nghi ngờ, không chắc chắn hoặc chờ đợi sự xác nhận ở đối tượng.
Ví dụ: "Bạn có muốn đi xem phim không?"
Ngữ điệu giảm (falling intonation): Cao độ của giọng nói giảm xuống ở cuối câu. Loại ngữ điệu này thường được dùng trong câu khẳng định, câu hỏi ai, tại sao, khi nào, cái gì, ở đâu, như thế nào hoặc các câu kết luận, thể hiện sự chắc chắn, hoàn thành ý tưởng.
Ví dụ: "Tôi sẽ có mặt ở cuộc họp vào chiều nay."
Ngữ điệu giảm - tăng (fall-rise intonation): Giọng điệu giảm rồi tăng nhẹ, thường được dùng để biểu đạt sự do dự, lịch sự, hoặc thể hiện rằng vẫn còn điều gì đó chưa được nói ra hết.
Ví dụ: "Tôi nghĩ rằng... phía các anh nên cung cấp thêm thông tin cho bản hợp đồng này."
Ngữ điệu tăng - giảm (rise-fall intonation): Giọng nói tăng lên rồi giảm xuống, thể hiện sự tự tin, quyết đoán hoặc thái độ chắc chắn. Nó thường xuất hiện trong các câu cảm thán hoặc trong việc nhấn mạnh một ý kiến nào đó.
Ví dụ: "Tuyệt vời!"
Trong giao tiếp, ngữ điệu có vai trò truyền tải cảm xúc, tạo sự rõ ràng về ý nghĩa, tạo sự kết nối, nhấn mạnh thông tin. Ngữ điệu giúp truyền tải cảm xúc như vui vẻ, buồn bã, tức giận hay lo lắng. Một câu nói với ngữ điệu khác nhau sẽ mang lại cảm giác và ý nghĩa khác nhau, ngay cả khi nội dung là giống nhau. Ngữ điệu giúp phân biệt giữa các câu hỏi, câu khẳng định và các câu phủ định; giúp người nghe hiểu được thái độ của người nói. Chẳng hạn người nói đang tự tin hay không chắc chắn về điều gì đó. Ngữ điệu là cách tạo nên sự kết nối giữa người nói và người nghe, làm cho cuộc trò chuyện trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Ngữ điệu giúp nhấn mạnh vào các phần quan trọng của phát ngôn, giúp người nghe dễ dàng nhận biết đâu là điểm chính mà người nói muốn người nghe chú ý.
Ngữ điệu trong lời nói không chỉ giúp diễn đạt ý nghĩa mà còn tạo nên sự thú vị và thuyết phục trong giao tiếp.
2. Cường độ lời nói (volume)
Cường độ lời nói trong phát biểu trước công chúng là mức độ mạnh yếu của âm lượng mà người nói sử dụng để truyền đạt thông điệp. Cường độ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của bài phát biểu, đến cách mà thông điệp được tiếp nhận, và cảm xúc mà nó gợi lên cho công chúng. Điều chỉnh cường độ phù hợp giúp bài phát biểu trở nên cuốn hút và thuyết phục hơn.
Cường độ lời nói có vai trò truyền tải cảm xúc và sức mạnh, nhấn mạnh ý tưởng chính, giữ sự chú ý của công chúng, tạo không khí và cảm xúc trong phát biểu trước công chúng.
Âm lượng lớn: Khi giọng nói to, rõ ràng thể hiện sự tự tin, mạnh mẽ và quyết tâm. Âm lượng lớn thường được dùng để nhấn mạnh những ý tưởng quan trọng, tạo sự thu hút hoặc kích thích cảm xúc của người nghe.
Ví dụ: Trong các phần kêu gọi hành động hoặc những đoạn cảm xúc cao trào, giọng nói có thể cần phải lớn và mạnh mẽ để truyền tải sự nhiệt huyết.
Âm lượng nhỏ: Giọng nói nhỏ hơn có thể tạo ra không khí thân mật, gần gũi và thậm chí giúp thu hút sự chú ý khi công chúng phải lắng nghe kỹ. Nó thường được sử dụng trong những phần thông điệp quan trọng hoặc cảm xúc tinh tế.
Ví dụ: Trong một bài phát biểu xúc động hoặc khi chia sẻ một câu chuyện cá nhân, cường độ nhỏ có thể tạo cảm giác chân thật, gần gũi.
Điều chỉnh cường độ giọng nói phù hợp với từng phần của bài phát biểu giúp làm nổi bật các ý tưởng quan trọng. Những điểm chính cần sự tập trung của công chúng có thể được nhấn mạnh bằng cách nói to hơn, trong khi những đoạn chuyển tiếp hoặc dẫn nhập có thể được nói với cường độ vừa phải.
Thay đổi cường độ giọng nói giúp duy trì sự chú ý của công chúng. Nếu duy trì một âm lượng cố định trong suốt bài nói, công chúng có thể cảm thấy nhàm chán và mất tập trung. Bằng cách linh hoạt thay đổi cường độ, người nói có thể tạo ra sự tương tác và khiến công chúng tập trung hơn.
Cường độ giọng nói có thể điều chỉnh để phù hợp với không khí chung của sự kiện. Trong các sự kiện trang trọng, âm lượng thường cần giữ ở mức vừa phải để không làm mất sự nghiêm túc. Trong khi đó, ở các buổi diễn thuyết có tính chất cổ vũ hoặc động viên, cường độ lớn giúp tạo sự sôi động, kích thích tinh thần của công chúng
Nói quá to trong một thời gian dài có thể khiến công chúng cảm thấy khó chịu hoặc làm mất đi sự nhạy cảm trong thông điệp. Nói to quá mức cũng có thể khiến người nói có vẻ hung hăng hoặc căng thẳng. Nói quá nhỏ có thể khiến công chúng không nghe rõ hoặc làm giảm sự chú ý. Nếu giọng nói quá yếu, người nói có thể bị đánh giá là thiếu tự tin hoặc không nắm chắc chủ đề.
Cường độ lời nói là một trong những công cụ quan trọng giúp người nói kiểm soát thông điệp và cách công chúng tiếp nhận bài phát biểu. Việc điều chỉnh cường độ linh hoạt sẽ tạo nên sức hấp dẫn, giữ vững sự chú ý của công chúng và giúp thông điệp được truyền tải hiệu quả.
3. Tốc độ lời nói (speech rate)
Tốc độ lời nói trong phát biểu trước công chúng là độ nhanh chậm mà người nói truyền đạt thông điệp, được đo bằng số từ nói ra trong một khoảng thời gian nhất định. Tốc độ nói đóng vai trò quan trọng trong việc giúp công chúng dễ dàng hiểu và tiếp nhận thông điệp, đồng thời cũng là biểu hiện của sự tự tin và tính chuyên nghiệp của người nói.
Các kiểu tốc độ lời nói trong phát biểu trước công chúng có những ưu thế và hạn chế riêng. Nói nhanh có thể tạo cảm giác hứng khởi, nhiệt tình và tạo năng lượng cho bài phát biểu. Nó đặc biệt hiệu quả khi người nói muốn truyền đạt sự gấp rút, cấp bách hoặc động lực mạnh mẽ. Nói quá nhanh có thể khiến công chúng khó theo kịp, đặc biệt là khi họ cần thời gian để suy nghĩ về thông tin phức tạp.
Điều này có thể dẫn đến việc người nghe bị bỏ sót thông tin quan trọng, làm giảm hiệu quả giao tiếp; Nói chậm giúp công chúng có thời gian suy ngẫm về nội dung, đặc biệt khi thông điệp phức tạp hoặc cần sự tập trung cao. Nó cũng có thể giúp nhấn mạnh các ý tưởng quan trọng, làm rõ ràng và dễ hiểu hơn. Nói quá chậm có thể làm công chúng mất kiên nhẫn hoặc cảm thấy nhàm chán. Nó có thể khiến người nghe nghĩ rằng người nói thiếu tự tin hoặc thiếu nhiệt huyết. Tốc độ trung bình được coi là hiệu quả nhất trong phát biểu trước công chúng, khoảng 120-150 từ/phút. Điều này cho phép người nghe có đủ thời gian để tiếp thu thông tin mà không cảm thấy bị quá tải hoặc nhàm chán. Tốc độ lý tưởng phụ thuộc vào loại thông điệp, đối tượng công chúng và ngữ cảnh cụ thể.
Khi phát biểu trước công chúng, cần Điều chỉnh tốc độ theo nội dung và ngữ cảnh một cách linh hoạt, Tốc độ lời nói cần phù hợp với đối tượng công chúng, Sử dụng sự ngừng nghỉ và khoảng lặng để tối ưu hoá tốc độ
Khi nói về ý tưởng quan trọng hoặc phức tạp: Người nói nên giảm tốc độ để giúp công chúng có thời gian suy nghĩ và hiểu rõ hơn. Khi kể chuyện hoặc tạo cao trào: Tốc độ có thể nhanh hơn để tạo ra sự phấn khích hoặc nhấn mạnh sự gấp rút, tạo ra nhịp độ linh hoạt cho bài phát biểu. Khi kết thúc câu quan trọng: Người nói nên dừng lại một chút sau khi kết thúc những câu hoặc ý chính, giúp công chúng có thời gian tiêu hóa thông tin. Điều quan trọng không chỉ là nói ở một tốc độ nhất định mà còn biết điều chỉnh tốc độ một cách linh hoạt để duy trì sự chú ý và tạo nhịp độ cho bài nói.
Sự thay đổi tốc độ giúp giữ công chúng tập trung và tạo sự đa dạng cho bài phát biểu. Công chúng trẻ tuổi hoặc quen thuộc với chủ đề có thể dễ dàng tiếp thu thông tin nhanh hơn, trong khi công chúng lớn tuổi hoặc không quen thuộc với chủ đề cần tốc độ nói chậm hơn để dễ dàng nắm bắt. Khi phát biểu trước những người có nền tảng văn hóa hoặc ngôn ngữ khác nhau, việc điều chỉnh tốc độ nói để họ có thể theo dõi là điều cần thiết. Ngừng nghỉ (pausing) là một yếu tố quan trọng trong tốc độ nói. Nó giúp làm rõ các điểm chính, cho phép công chúng có thời gian để hiểu và tạo cảm giác cân bằng cho bài phát biểu. Sử dụng các khoảng lặng đúng lúc có thể tạo ra sự nhấn mạnh hoặc tăng cường sự chú ý từ công chúng, đồng thời giúp người nói có thời gian điều chỉnh tốc độ và suy nghĩ trước khi tiếp tục.
Tốc độ nói trong phát biểu trước công chúng cần được điều chỉnh phù hợp với nội dung, đối tượng công chúng và ngữ cảnh. Sự linh hoạt trong tốc độ, kết hợp với các yếu tố cận ngôn ngữ khác như cường độ, ngữ điệu và ngừng nghỉ, sẽ giúp người nói truyền tải thông điệp một cách hiệu quả và tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với công chúng.
4. Cao độ (pitch)
Cao độ là một đặc tính của tri giác, cho phép người ta có thể sắp xếp những âm thanh khác nhau thành một chuỗi những âm có mối tương quan với nhau về tần số dao động, tức cao độ là độ cao thấp của âm thanh phụ thuộc vào tần số dao động. tần số dao động càng lớn thì âm thanh càng cao và ngược lại. Cao độ trong phát biểu trước công chúng là độ cao thấp của giọng nói, phụ thuộc vào tần số dao động của dây thanh. Cao độ là một yếu tố quan trọng trong phát biểu, giúp tạo nên giọng điệu, dấu ấn cá nhân của người nói, giúp phân biệt giọng của người này với người khác. Hiểu biết về cao độ và cách điều chỉnh nó có thể giúp người nói cải thiện kỹ năng nói và phát biểu một cách hiệu quả hơn.
5. Sự ngừng giọng (pausing)
Sự ngừng giọng trong phát biểu trước công chúng là một yếu tố quan trọng trong việc quản lý nhịp độ và cách truyền đạt thông tin. Ngừng nghỉ không chỉ đơn thuần là những khoảnh khắc im lặng mà còn là một công cụ giao tiếp mạnh mẽ, giúp bài phát biểu trở nên rõ ràng và ấn tượng hơn.
Sự ngừng giọng có tầm quan trọng đối với việc tạo thời gian để công chúng hiểu và tiêu hóa thông tin, nhấn mạnh và làm nổi bật ý tưởng chính, tạo không gian cho cảm xúc, tăng sự tự tin và kiểm soát bài phát biểu, tránh sự đơn điệu, tạo sự tương tác với công chúng
Khi bạn ngừng nghỉ sau những điểm quan trọng, công chúng có cơ hội để suy ngẫm về những gì vừa được nghe. Điều này giúp họ hiểu sâu hơn và ghi nhớ thông tin tốt hơn. Các khoảng lặng giúp phân chia thông điệp thành những phần dễ hiểu, không khiến công chúng bị quá tải thông tin. Ngừng nghỉ trước hoặc sau khi nói một ý quan trọng giúp tạo điểm nhấn, làm cho thông điệp đó trở nên đáng chú ý hơn. Khoảng lặng có thể giúp công chúng tập trung vào các điểm chính, tăng tính thuyết phục cho bài phát biểu.
Khi truyền tải các nội dung cảm xúc, ngừng nghỉ giúp tạo không gian và thời gian cho cảm xúc được diễn tả một cách rõ rang, đầy đủ và chân thực. Những khoảng lặng tạo điều kiện để công chúng cảm nhận và tương tác, tiếp nối dòng cảm xúc của người nói.
Khi sử dụng các khoảng lặng một cách hợp lý, người nói thể hiện được sự tự tin và khả năng kiểm soát tình huống. Ngừng nghỉ cho phép người nói có thời gian hít thở, điều chỉnh lại ý tưởng và giọng điệu, giúp bài phát biểu mạch lạc hơn.
Việc nói liên tục mà không có các khoảng ngừng nghỉ có thể khiến giọng điệu trở nên đơn điệu và làm công chúng mất tập trung. Sự thay đổi nhịp độ bằng cách ngừng nghỉ giúp tạo sự sinh động cho bài nói.
Khi người nói dừng lại tức là tạo cơ hội cho công chúng suy nghĩ hoặc phản ứng. Điều này đặc biệt quan trọng trong những buổi diễn thuyết cần sự phản hồi từ người nghe. Khoảng lặng cũng có thể được dùng để khuyến khích công chúng đặt câu hỏi hoặc tham gia vào cuộc thảo luận. Ngừng nghỉ cần được thực hiện một cách tự nhiên và có chủ đích, không nên quá ngắn hoặc quá dài để tránh làm gián đoạn sự liên kết trong bài phát biểu. Luyện tập trước khi phát biểu giúp người nói biết cách sử dụng các khoảng lặng hiệu quả, đảm bảo rằng chúng sẽ làm tăng giá trị của thông điệp thay vì làm mất mạch bài nói.
Ngừng nghỉ đúng lúc khi phát biểu sẽ làm tăng cường tính thuyết phục, sự chuyên nghiệp và khả năng thu hút của một bài phát biểu trước công chúng.
6. Chất giọng (voice quality)
Chất giọng trong phát biểu trước công chúng là một yếu tố quan trọng giúp người nói truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng và tạo dấu ấn cá nhân. Chất giọng phản ánh không chỉ âm thanh của giọng nói mà còn bao gồm các yếu tố như âm sắc, độ vang, độ rõ ràng và cảm xúc trong giọng nói.
Chất giọng trong phát biểu trước công chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sự hấp dẫn và truyền tải thông điệp hiệu quả. Việc luyện tập để có giọng nói rõ ràng, kiểm soát tốt các yếu tố như âm lượng, âm sắc, nhịp điệu và cảm xúc sẽ giúp người nói xây dựng được phong cách riêng và ghi dấu ấn trong lòng công chúng.
7. Trọng âm (stress/emphasis)
Trọng âm trong phát biểu trước công chúng là một kỹ thuật ngôn ngữ quan trọng giúp nhấn mạnh những từ hoặc cụm từ chứa đựng thông tin cần được đánh dấu trong bài nói. Sử dụng trọng âm đúng cách có thể làm cho thông điệp trở nên rõ ràng, dễ hiểu và thuyết phục hơn. Nó giúp công chúng nhận ra những ý tưởng chính và tạo cảm xúc mạnh mẽ hơn trong bài phát biểu.
Trọng âm trong phát biểu trước công chúng có vai trò nhấn mạnh các ý chính, Truyền tải cảm xúc và ý định, tạo sự sinh động và tránh đơn điệu, làm rõ nghĩa trong các thông tin phức tạp, tạo sự kịch tính và thu hút công chúng, tương tác với ngôn ngữ cơ thể.
Khi người nói nhấn mạnh một từ hoặc cụm từ cụ thể, họ đang hướng sự chú ý của công chúng vào những phần quan trọng nhất của thông điệp. Trọng âm giúp làm nổi bật những thông điệp cốt lõi, khiến chúng dễ nhớ hơn. Ví dụ: Trong câu “Tôi rất vinh dự có mặt ở đây hôm nay.”, từ "vinh dự" được nhấn mạnh để làm rõ cảm xúc của người nói. Trọng âm không chỉ giúp truyền đạt ý nghĩa mà còn giúp thể hiện cảm xúc và thái độ của người nói. Nhấn mạnh đúng chỗ giúp người nói bày tỏ được sự nhiệt tình, quyết tâm hoặc sự lo lắng, sợ hãi, tùy thuộc vào nội dung. Ví dụ: “Tôi không thể tin rằng điều này đã xảy ra!” – từ "không thể" có thể được nhấn mạnh để diễn tả sự ngạc nhiên hoặc thất vọng.
Một bài phát biểu với giọng điệu đều đều, không có sự thay đổi trọng âm sẽ dễ gây nhàm chán cho công chúng. Bằng cách sử dụng trọng âm để nhấn mạnh, bài phát biểu sẽ trở nên sinh động, thu hút sự chú ý và giữ sự tập trung của công chúng. Trọng âm có thể kết hợp với sự thay đổi về ngữ điệu, tốc độ nói và cường độ giọng để tạo ra những điểm nhấn thú vị.
Trong những nội dung phức tạp hoặc có nhiều thông tin, việc sử dụng trọng âm sẽ giúp phân biệt những phần quan trọng và làm rõ nghĩa của phát ngôn. Điều này rất hữu ích khi giải thích các khái niệm hoặc hướng dẫn hoạt động cụ thể. Ví dụ: Khi giải thích về một quy trình, người nói có thể nhấn mạnh những bước quan trọng hoặc những từ chỉ định hướng dẫn chính xác.
Trọng âm có thể được sử dụng để tạo cao trào hoặc kịch tính trong bài phát biểu, đặc biệt là khi kể chuyện hoặc truyền tải các thông điệp cảm xúc. Việc nhấn mạnh đúng lúc tạo ra những khoảnh khắc mạnh mẽ, kích thích sự quan tâm và cảm xúc của công chúng.
Trọng âm thường đi kèm với ngôn ngữ cơ thể như cử chỉ, ánh mắt và biểu cảm. Khi người nói nhấn mạnh một từ hoặc cụm từ, họ có thể đồng thời sử dụng cử chỉ tay, thay đổi ánh mắt hoặc tư thế để làm tăng sức mạnh của thông điệp.
Trọng âm là một công cụ ngôn ngữ mạnh mẽ giúp người nói truyền đạt thông điệp hiệu quả hơn trong các bài phát biểu trước công chúng. Việc sử dụng trọng âm một cách có chủ đích không chỉ làm rõ ràng các ý tưởng quan trọng mà còn tạo sự hấp dẫn và cảm xúc cho bài nói, giúp công chúng dễ dàng nắm bắt và ghi nhớ thông điệp chính.
Cận ngôn ngữ là một bộ phận của ngôn ngữ ở dạng hiện thực hoá, gồm ngữ điệu, cường độ lời nói, cao độ, tốc độ nói, sự ngừng nghỉ, chất giọng, trọng âm. Chúng đóng vai trò bổ trợ cho nội dung lời nói, giúp tăng cường hiệu quả giao tiếp trong phát biểu trước công chúng. Người phát biểu cần khai thác triệt để những thế mạnh của cận ngôn ngữ để mang lại hiệu quả cao cho hoạt động giao tiếp./.
______________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Nguyễn Thiện Giáp (1998) (chủ biên) Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
(2) Vũ Hoài Phương (2022) “Kỹ năng chuẩn bị cho hoạt động tuyên truyền miệng – Yếu tố dẫn đến thành công của báo cáo viên”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử đăng tải 2/11/2022, Hà Nội.
(3) Nguyễn Quang (2007) “Giao tiếp phi ngôn từ”, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, Ngoại ngữ 23.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí
Chuyển đổi số báo chí là sự thay đổi toàn diện, cả về phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, kỹ năng sáng tạo và truyền tải thông tin báo chí, đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức, thái độ từ các nhà lãnh đạo đến mỗi nhà báo trong các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số cũng là điều kiện phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ... Quá trình đó cũng tác động sâu sắc và toàn diện đến hoạt động đào tạo báo chí để tạo dựng nguồn nhân lực thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận