Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
1. Định hướng dư luận xã hội và các phương pháp định hướng dư luận xã hội đang được sử dụng ở Việt Nam hiện nay
Dư luận xã hội là một hiện tượng đặc thù thuộc về ý thức xã hội, biểu thị quan điểm, thái độ của các nhóm xã hội đối với những sự hiện, hiện tượng, quá trình xã hội đang diễn ra. Đây là một hiện tượng đa chiều, tham gia và có mặt ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua các kết quả điều tra dư luận xã hội, các nhà lãnh đạo, quản lý sẽ biết được người dân có tâm trạng thế nào, phản ứng ra sao trước những quyết sách của chính phủ, những trăn trở, băn khoăn của người dân trước những vấn đề của địa phương hay của quốc gia.
Nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội là một nhiệm vụ trong công tác tư tưởng của Đảng. Do đó, để thực hiện công tác tư tưởng có hiệu quả, các nhà lãnh đạo, quản lý cần phải được cung cấp những thông tin chính xác về dư luận xã hội, từ đó kịp thời phát hiện và giải quyết các điểm nóng về tư tưởng, giải toả những căng thẳng và xung đột xã hội tiềm tàng. Không phải lúc nào quá trình hoạch định và ban hành các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương cũng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân. Để quá trình này được thực hiện có hiệu quả, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm nắm bắt và định hướng dư luận xã hội về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, lợi ích của người dân.
Nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội chính là thực hiện quan điểm “lấy dân làm gốc”, định hướng dư luận xã hội là thực hiện quan điểm “thống nhất ý Đảng lòng dân”, thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đây là một nội dung trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng. Đất nước ta đang đón nhận nhiều cơ hội, thuận lợi nhưng cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến động. Chúng ta đang phải giải quyết nhiều vấn đề xã hội nảy sinh như: tranh chấp đất đai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tham nhũng, thất nghiệp, thiên tai, dịch bệnh...
Đôi khi, có những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành không nhận được sự đón nhận, ủng hộ hoàn toàn của người dân, tạo ra nhiều luồng tâm trạng, nhiều quan điểm, nhiều thái độ xã hội khác nhau. Lợi dụng những tâm trạng xã hội đó, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã không ngừng công kích, kích động, chống phá Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận tư tưởng với mục đích gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây bạo loạn lật đổ, đòi xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ nhà nước ta.
Do đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân. Đây là sự nghiệp cách mạng đòi hỏi sự bản lĩnh, kiên quyết, lòng kiên trì và không được chủ quan. Trong bối cảnh này, định hướng dư luận xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng bởi nó góp phần làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành động của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Theo tác giả Nguyễn Đình Gấm (2003) “Định hướng dư luận xã hội là một quá trình tác động hợp quy luật vào diễn biến của nó nhằm xác định phương hướng đúng để hướng dẫn, thúc đẩy sự hình thành dư luận xã hội tích cực, có tính tư tưởng cao, khách quan, chân thực, tập trung thống nhất và có tác động giáo dục”(1). Tác giả Nguyễn Văn Dững lại cho rằng, định hướng dư luận xã hội “là quá trình “bắt mạch” tâm lý, nguyện vọng của nhân dân để từ đó định hướng nhận thức và hành động hướng tới tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội lớn đang đặt ra, mang lại lợi ích cho cộng đồng và cho mỗi người”(2).
Trong cuốn “Tài liệu nghiệp vụ công tác nghiên cứu dư luận xã hội” (1998) của Viện Dư luận xã hội – Ban Tuyên giáo Trung ương, các tác giả cũng đã chỉ ra: Sử dụng các kết quả nghiên cứu lý luận về cơ chế hình thành dư luận xã hội để định hướng dư luận xã hội. Dư luận xã hội chính là thước đo hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Công tác thông tin, tuyên truyền sẽ thành công nếu hình thành dư luận xã hội chín chắn, trưởng thành, có phán xét đánh giá, hành vi phát ngôn đúng đắn và hợp lý về các sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội... Nếu công tác thông tin, tuyên truyền nói một đằng, dư luận xã hội diễn biến một nẻo thì đó là sự thất bại(3).
Như vậy, dưới góc độ công tác tư tưởng, có thể hiểu: định hướng dư luận xã hội là quá trình tác động vào giai đoạn hình thành và biến đổi của nó để tạo lập dư luận xã hội đúng đắn, tích cực, đảm bảo sự đồng thuận xã hội. Vai trò của định hướng dư luận xã hội đối với hoạt động lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta thể hiện ở chỗ nó góp phần trang bị nhận thức đúng đắn, hướng tới làm thay đổi thái độ, hành vi của các nhóm xã hội về các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội theo hướng tích cực.
Để định hướng dư luận xã hội, các cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước thường sử dụng các phương pháp: định hướng dư luận xã hội bằng uy tín người lãnh đạo, thủ lĩnh nhóm xã hội, người có ảnh hưởng trong cộng đồng; định hướng dư luận xã hội trong sinh hoạt hội họp của các cơ quan, tổ chức; định hướng dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, định hướng dư luận xã hội bằng cách sử dụng dư luận xã hội và định hướng dư luận xã hội trên mạng xã hội. Thực tiễn công tác định hướng dư luận xã hội thời gian qua cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: cách hiểu về “định hướng dư luận xã hội” còn chưa đúng bản chất, khả năng dự báo “điểm nóng” để định hướng dư luận xã hội còn chậm, việc sử dụng các phương pháp, công cụ để định hướng dư luận xã hội còn chưa linh hoạt; chưa có sự phối hợp đa dạng, đồng bộ các phương pháp; việc định hướng dư luận xã hội trên mạng xã hội chưa được quan tâm đúng mức…
Đã có những đổi mới về phương pháp định hướng dư luận xã hội, tuy nhiên sự đổi mới này còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tư tưởng đặt ra trong bối cảnh hiện nay… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi khách quan, tất yếu trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, vừa góp phần tạo ra sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân vừa đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Nói cách khác, đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Do đó, nghiên cứu đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội không chỉ xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện lý luận về định hướng dư luận xã hội, mà còn là vấn đề thực tiễn cấp bách trong công tác tư tưởng ở nước ta hiện nay.
2. Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một quá trình quan trọng nhằm thay đổi và nâng cao hiệu quả trong việc hình thành, điều chỉnh nhận thức, thái độ và hành vi của cộng đồng. Các yếu tố tác động đến quá trình này rất đa dạng, từ các yếu tố văn hóa, xã hội, chính trị đến sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông… Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, dư luận xã hội ngày càng trở nên phức tạp và dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều nguồn thông tin khác nhau. Để định hướng dư luận một cách hiệu quả, các phương pháp cũ cần được đổi mới, không chỉ dựa vào các kênh truyền thống mà còn phải tận dụng sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội và dữ liệu lớn, nhằm tiếp cận và thuyết phục được những nhóm đối tượng đa dạng trong xã hội. Dưới đây là một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay:
Thứ nhất, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác định hướng dư luận xã hội đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu và định hướng dư luận xã hội đã và đang được thể chế hóa bằng những văn bản pháp luật và về mặt tổ chức. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác tư tưởng, trong đó có công tác định hướng dư luận xã hội, là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trước hết, Đảng đóng vai trò chủ đạo trong việc xác định đường lối, chủ trương, chính sách, đồng thời chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện nhiệm vụ định hướng dư luận xã hội. Sự lãnh đạo này giúp định hình nhận thức và hành động của người dân, từ đó ngăn chặn những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia.
Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc "Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội"(4) là một văn bản quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh đất nước đang trải qua nhiều thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc nắm bắt chính xác và kịp thời dư luận xã hội trở thành yếu tố then chốt để định hướng đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Kết luận đặt ra yêu cầu: “Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội phải bám sát thực tiễn xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc về những vấn đề Nhân dân quan tâm để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền các cấp.
Đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, trước khi xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và sau một thời gian tổ chức thực hiện phải tiến hành điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”. Kết luận này nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội để có được những thông tin chính xác, toàn diện và kịp thời về tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Điều này không chỉ giúp Đảng và Nhà nước hiểu rõ hơn về tình hình xã hội, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để điều chỉnh chính sách, giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Một trong những điểm đáng chú ý trong Kết luận này là việc nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng các phương pháp khoa học hiện đại, kết hợp với việc phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc thu thập, phân tích thông tin và định hướng dư luận xã hội. Với tầm quan trọng đó, Kết luận số 100-KL/TW không chỉ là một chỉ đạo sâu sắc về công tác tư tưởng, mà còn là một bước đi quan trọng trong việc nâng cao năng lực dự báo, phản ứng nhanh chóng trước các vấn đề xã hội, từ đó bảo vệ vững chắc sự ổn định chính trị và phát triển đất nước.
Nghị quyết số 35-NQ/TW, được Bộ Chính trị ban hành ngày 22 tháng 10 năm 2018, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”(5) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh hiện nay. Trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ, các quan điểm sai trái, thù địch và thông tin lệch lạc dễ dàng lan rộng, gây tác động tiêu cực đến nhận thức và niềm tin của nhân dân. Nghị quyết đã chỉ rõ yêu cầu cấp thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời xây dựng các phương pháp đấu tranh, phản bác kịp thời các luận điệu sai trái, thù địch nhằm bảo vệ sự ổn định chính trị, xã hội.
Để thực hiện yêu cầu này, một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra là nâng cao hiệu quả công tác định hướng dư luận xã hội, sử dụng các phương tiện truyền thông chính thống, truyền thông mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, giúp nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời phản bác các thông tin sai lệch. Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự đồng thuận xã hội và ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền chống phá.
Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ở phần XIV – Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đã đề cập đến việc cần “…nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội…”, thể hiện tầm quan trọng chiến lược của công tác tư tưởng trong việc duy trì sự ổn định chính trị và xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, việc "chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội" được coi là một yếu tố quyết định trong việc xây dựng một môi trường chính trị lành mạnh, bảo đảm sự thống nhất tư tưởng trong Đảng và đồng thuận cao trong xã hội(6).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, khi các thông tin, quan điểm, và xu hướng xã hội biến đổi nhanh chóng, việc nắm bắt và dự báo đúng tình hình tư tưởng trong Đảng và xã hội trở nên càng quan trọng. Dư luận xã hội, đặc biệt là trong thời đại số, có thể bị chi phối mạnh mẽ bởi thông tin sai lệch, xuyên tạc từ các thế lực thù địch. Do đó, việc định hướng dư luận xã hội một cách chủ động, chính xác và kịp thời không chỉ giúp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng, giữ vững sự đoàn kết và đồng thuận trong xã hội. Nội dung trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội XIII nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới công tác tư tưởng, trong đó có công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội một cách sâu sắc, chủ động, và linh hoạt, nhằm ứng phó với các thách thức mới trong công tác lãnh đạo, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và giữ vững sự đoàn kết, đồng thuận trong xã hội.
Nhà nước, thông qua các cơ quan quản lý nhà nước, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Đảng, thiết lập hệ thống các quy định pháp lý, chính sách về truyền thông, đồng thời xây dựng các kênh thông tin chính thức, bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân. Các cơ quan báo chí và truyền thông quốc gia, được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, có trách nhiệm tích cực tham gia vào công tác định hướng dư luận, giải thích các vấn đề xã hội, chính trị một cách rõ ràng và dễ hiểu, giúp tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin và tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài ra, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước cũng cũng cần chú trọng đến việc phát triển các nền tảng thông tin điện tử, mạng xã hội chính thức, sử dụng các công nghệ tiên tiến để truyền tải thông tin nhanh chóng, chính xác và kịp thời, qua đó đấu tranh, ngăn chặn các thông tin sai lệch, xuyên tạc từ các thế lực thù địch. Điều này giúp duy trì sự ổn định của xã hội và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Thứ hai, mức độ dân chủ hóa các mặt của đời sống xã hội
Hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam là một chỉnh thể thống nhất và gắn bó chặt chẽ, bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Tất cả các tổ chức này đều hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Định hướng dư luận xã hội cần phải nhạy bén trước tình hình chính trị ở mỗi khu vực địa lý, cần sớm có dự báo diễn biến chính trị trên phạm vi quốc gia, khu vực và thế giới để có cách thức ứng phó phù hợp, kịp thời. Trên cơ sở đó, chủ thể định hướng dư luận xã hội lựa chọn nội dung, phương pháp, phương tiện, công cụ định hướng phù hợp với đặc điểm chính trị, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đồng thời cần nghiên cứu đặc điểm chính trị khu vực và thế giới để nâng cao hiệu quả định hướng, tạo nên nhiều sự đồng thuận, hạn chế “điểm vênh” trong quá trình đất nước hội nhập quốc tế.
Các yếu tố như thể chế chính trị, sự ổn định hay biến động về chính trị tại quốc gia, khu vực là tín hiệu ban đầu giúp chủ thể định hướng dư luận xã hội nhận diện thuận lợi và khó khăn, thách thức để ra quyết định phù hợp, đảm bảo tính thực thi, đem lại hiệu quả, đạt mục đích đề ra. Quá trình dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ tạo ra động lực to lớn cho sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần quan trọng đem lại những thành tựu to lớn, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việc quyền tự do ngôn luận của người dân được thúc đẩy và đảm bảo, người dân “được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát, được thụ hưởng” chắc chắn sẽ tác động lớn đến định hướng dư luận xã hội, thể hiện rõ ở chỗ đòi hỏi cao tính khách quan, minh bạch, nhanh nhạy về thông tin; tránh tình trạng áp đặt một chiều, mệnh lệnh theo ý chí của chủ thể định hướng; đòi hỏi chủ thể định hướng phải chú ý lắng nghe, nắm bắt dư luận xã hội, tiếp nhận và xử lý phản hồi từ phía đối tượng định hướng. Vì thế, tất yếu cần phải thay đổi nhận thức từ chỗ định hướng theo mệnh lệnh, áp đặt là chủ yếu sang cơ chế tác động hai chiều, chú ý lắng nghe ý kiến phản hồi từ đối tượng, kết hợp định hướng dư luận xã hội với truyền thông chính sách, thậm chí cần nhấn mạnh yếu tố truyền thông chính trị.
Quá trình dân chủ hóa đòi hỏi chủ thể phải đổi mới định hướng dư luận xã hội theo hướng vừa đạt mục tiêu định hướng của chế độ chính trị ở Việt Nam, vừa tạo ra sự hài hòa, “ăn khớp” với sự phát triển chung của thời đại, thế giới, nhân loại. Trong nội dung định hướng, rất cần những lý giải có cơ sở khoa học (lý luận, pháp luật, thực tiễn) đủ tính thuyết phục nhằm làm cho đối tượng định hướng yên tâm, tin tưởng, một lòng đi theo Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ. Do đó, trong định hướng dư luận xã hội ngày càng yêu cầu tăng cường đối thoại với nhân dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức, lắng nghe và xử lý tốt các ý kiến phản biện, đóng góp xây dựng vào đường lối chính trị, nhất là qua kênh mạng xã hội như facebook, zalo...
Tránh hiện tượng áp đặt tư tưởng, quy chụp quan điểm một cách thiếu cơ sở đối với các ý kiến phản biện, phân biệt rõ ranh giới giữa ý kiến phản biện, ý kiến khác để không cản trở quá trình dân chủ hóa. Một mặt cần có cách thức kích thích sự đóng góp ý kiến của nhân dân vào công tác xây dựng Đảng, Nhà nước; mặt khác cần có cách thức kịp thời, hiệu quả ngăn chặn các hiện tượng phản dân chủ và lợi dụng dân chủ để chống phá, kích động, biểu tình, đi ngược với đường lối chính trị, vi phạm pháp luật. Cùng với các yếu tố trên thì yếu tố tâm lý - xã hội cũng có tác động, chi phối nhất định đến định hướng dư luận xã hội. Sự hưng phấn, cường độ chú ý, nhiệt tình, trách nhiệm, cũng như tâm trạng, tâm lý, thái độ và tâm thế của công chúng hoặc nhóm đối tượng tiếp nhận thông tin đều có tác động trực tiếp đến chất lượng của công tác định hướng dư luận xã hội.
Thứ ba, trình độ học vấn, trình độ dân trí của người dân
Sự nghiệp đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của đất nước. Một trong những thành tựu đó là người dân được tạo điều kiện, cơ hội tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị của đất nước. Tính tích cực chính trị - xã hội của nhân dân ngày càng được nâng cao. Cán bộ, đảng viên, nhân dân có trình độ nhận thức cao hơn, tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đa chiều hơn, đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu chính đáng về thông tin về các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội diễn ra trong nước và trên thế giới. Trình độ học vấn, trình độ dân trí của người dân là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến sự hình thành dư luận xã hội. Sự nâng cao mặt bằng dân trí ngày càng rõ rệt đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và tham gia mạnh mẽ vào việc phản ánh, đánh giá, bình luận các vấn đề này thông qua việc khen – chê, yêu – ghét, vui mừng – phẫn nộ, đồng tình – phản đối,… Trình độ dân trí của người dân ngày càng cao có tác động sâu sắc và phức tạp đến công tác định hướng dư luận xã hội. Khi người dân có kiến thức, khả năng tư duy phản biện và tiếp cận thông tin đa chiều tốt hơn, việc định hướng dư luận xã hội cũng gặp phải những thách thức mới, nhưng đồng thời cũng mở ra những cơ hội mới để xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh và hiệu quả hơn. Người dân có trình độ dân trí cao sẽ có khả năng tiếp nhận và phân tích thông tin một cách sâu sắc và độc lập hơn.
Điều này có nghĩa là các chiến lược định hướng dư luận truyền thống sẽ phải được điều chỉnh để đáp ứng sự sáng suốt và yêu cầu về tính minh bạch, đáng tin cậy từ công chúng. Dân trí cao cũng đồng nghĩa với việc người dân có khả năng tham gia vào các cuộc tranh luận, thảo luận và phản biện các vấn đề xã hội một cách có lý lẽ và thông minh hơn. Điều này khiến cho việc định hướng dư luận trở nên khó khăn hơn vì các quan điểm đa dạng và mâu thuẫn có thể xuất hiện.
Trình độ dân trí càng cao, người dân càng yêu cầu được biết về tình hình thời sự, những sự kiện và vấn đề của đất nước đang xảy ra và tham gia đóng góp tích cực vào quá trình thay đổi và phát triển của đất nước. Khi dân trí cao, công chúng yêu cầu các cơ quan nhà nước, tổ chức, và các phương tiện truyền thông phải có trách nhiệm giải trình, công khai thông tin và minh bạch trong mọi hoạt động. Vì vậy, việc phản ánh và lan truyền dư luận xã hội một cách chân thực, đầy đủ, minh bạch, việc định hướng dư luận xã hội một cách kịp thời được Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm. Điều này cũng trở thành nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ. Thực tế đã ghi nhận sự tham gia tích cực hơn của người dân vào việc đánh giá, giám sát, tư vấn, phản biện các sự kiện, quá trình xã hội. Điều này dẫn đến đòi hỏi tất yếu phải đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội để đáp ứng sự thay đổi trên, góp phần mang lại hiệu quả cho hoạt động này.
Thứ tư, Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của hệ thống truyền thông
Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G, Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa… đã tác động sâu sắc đến hệ thống truyền thông trên toàn cầu, qua đó ảnh hưởng đến công tác dư luận xã hội. Các công nghệ này không chỉ thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh, mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách mà thông tin được truyền tải, tiếp nhận và phản ứng trong xã hội. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”(7). Một số ảnh hưởng chính của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực công tác tư tưởng có thể kể đến:
Công nghệ AI đang được sử dụng để tự động hóa quá trình sản xuất nội dung, từ việc viết bài báo đến tạo video hoặc thậm chí phát thanh viên ảo… Các công cụ AI và Big Data có thể theo dõi và phân tích hàng triệu dữ liệu từ người dùng, giúp các cơ quan truyền thông hiểu rõ hơn về nhu cầu và xu hướng của công chúng, từ đó tạo ra các nội dung phù hợp một cách nhanh chóng và chính xác. AI và Big Data cũng có khả năng dự báo xu hướng của dư luận bằng cách phân tích khối lượng lớn dữ liệu từ mạng xã hội, truyền thông và các nguồn khác để xác định các xu hướng đang nổi lên trong xã hội. Mọi người có thể dễ dàng bày tỏ quan điểm và tham gia vào các cuộc thảo luận công cộng thông qua các nền tảng trực tuyến, nơi AI và Big Data giúp xác định các chủ đề thảo luận nóng, nâng cao mức độ tham gia và tạo ra các không gian phản biện trực tuyến. Các hệ thống AI có thể "học" và dự đoán phản ứng của công chúng đối với các sự kiện hoặc vấn đề cụ thể, từ đó dự báo các xu hướng nổi bật trong xã hội, hỗ trợ Đảng và Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội hiệu quả hơn.
Các công cụ truyền thông tự động như Chat GPT, Bing Chat, AI TensorFlow, Amazon Machine Learning… dựa trên AI có thể tiếp cận công chúng một cách trực tiếp, từ đó ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của họ. Các nền tảng này hiện nay rất được giới trẻ ưa chuộng vì có thể dễ dàng tra cứu thông tin, giải đáp thắc mắc, thực hiện các bài luận, nghiên cứu, cũng như tìm kiếm ý tưởng. Nếu các công cụ này thu thập thông tin từ những nguồn dữ liệu đáng tin cậy, kết quả mà chúng cung cấp sẽ có giá trị tham khảo cao.
Tuy nhiên, nếu AI dựa vào những nguồn thiếu chính xác, hoặc thậm chí là các trang web phản động, nội dung mà nó đưa ra có thể sai lệch. AI có thể được sử dụng để tạo ra thông tin giả một cách tinh vi. Điều này khiến dư luận dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin không chính xác, làm suy yếu sự tin tưởng vào các nguồn tin cậy truyền thống và tạo ra môi trường bất ổn trong xã hội. Các nền tảng này không chỉ phản ánh dư luận mà còn tạo ra những "bong bóng thông tin", nơi người dùng chỉ nhận được thông tin phù hợp với những gì họ đã tin tưởng hoặc quan tâm, qua đó làm sâu sắc thêm các phân hóa xã hội.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra sự phát triển vượt bậc của các mạng xã hội, từ Facebook, Twitter đến TikTok và Instagram, với khả năng kết nối và chia sẻ thông tin nhanh chóng. Các công nghệ mới giúp truyền tải thông tin trong thời gian thực, tạo ra các cuộc thảo luận và phản hồi ngay lập tức giữa các cá nhân, tổ chức và công chúng. Điều này đã thay đổi cách thức và tốc độ truyền thông, khiến các tổ chức phải điều chỉnh chiến lược truyền thông để phản ứng kịp thời với các sự kiện và thông tin. Với sự phát triển của Internet băng thông rộng và mạng 5G, video trực tuyến và các hình thức nội dung tương tác (livestream, podcast, v.v.) ngày càng trở nên phổ biến.
Truyền thông trực tuyến và các nền tảng streaming trở thành kênh chủ yếu để tiếp cận khán giả, thay đổi cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng. Theo số liệu nghiên cứu mới nhất, tính đến quý 1 năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet, trong đó tỷ lệ truy cập ở mức 79,1%. Bên cạnh đó, số lượng người dùng mạng xã hội đã đạt 72,3 triệu người, tương đương với 73,3% tổng dân số(8), đây là tốc độ tăng trưởng người dùng internet nhanh nhất trong khu vực.
Các loại hình truyền thông đa phương tiện đã phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội, phục vụ lợi ích của nhân dân và đất nước. Thông qua các nền tảng mạng xã hội, thông tin có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến dư luận và xã hội. Trước đây, chúng ta thường nghe quan niệm “Một đài phát thanh có thể bình định xong một đất nước”(9) thì ngày nay, một thông tin xấu trên mạng xã hội có thể làm sụp đổ một thương hiệu, ảnh hưởng đến uy tín, lấy đi tính mạng con người. Vì lẽ đó, người làm công tác định hướng dư luận xã hội cần nhận thức rõ điểm mạnh, yếu của mạng xã hội và biết sử dụng nó hiệu quả trong định hướng dư luận xã hội.
Trong khi chúng ta chưa phát huy hết tính năng, tác dụng của phương tiện truyền thông mới này, thì các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã biết tận dụng triệt để nó vào mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ. Có những cư dân mạng đã nhầm lẫn thông tin trái chiều với thông tin chính thống, dẫn đến có nhận thức lệch lạc về chính trị, thậm chí bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào hành động trái pháp luật. Do đó, nếu chúng ta biết cách định hướng dư luận xã hội trên mạng xã hội một cách phù hợp thì sẽ nhanh chóng lan tỏa thông tin tốt, có thể tạo ra và tăng thêm uy tín cá nhân, uy tín tổ chức, tăng niềm tin chính trị, kích thích tự chủ, tự cường dân tộc, tình yêu Tổ quốc.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thành tựu của nó đang làm thay đổi cách thức xã hội hình thành và phản ứng với thông tin. Chúng có thể thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng trong dư luận, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro như việc lan truyền thông tin sai lệch, sự phân tán dư luận và nguy cơ người dân bị thao túng thông qua các chiến dịch truyền thông có chủ đích. Vì vậy, việc quản lý và sử dụng các công nghệ này một cách có trách nhiệm, minh bạch là rất quan trọng để đảm bảo chúng phục vụ lợi ích chung của xã hội. Thực tiễn đó sẽ tác động mạnh mẽ đối với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công tác tư tưởng, đặc biệt là định hướng DLXH, đòi hỏi cần phải đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội đáp ứng những tác động mạnh mẽ này.
Thứ năm, tác động của tin giả, tin đồn, thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội
Internet, đặc biệt là mạng xã hội, đã thay đổi sâu sắc cuộc sống con người. Các nền tảng như Facebook, Tiktok, Instagram thu hút đông đảo người dùng nhờ tính dễ dàng truy cập và khả năng bày tỏ ý kiến cá nhân mọi lúc, mọi nơi. Việc đăng ký tài khoản chỉ cần số điện thoại, email và chấp nhận chính sách cộng đồng. Mạng xã hội không chỉ tương tác cao, kết nối không giới hạn mà còn cung cấp thông tin thời gian thực, đa dạng, phong phú, trở thành môi trường sáng tạo và quảng bá sản phẩm, dịch vụ.
Chính vì thế, mạng xã hội ngày càng thu hút nhiều người dùng và phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo của Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam, tính đến quý 01 năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng internet, số người dùng mạng xã hội là 72,70 triệu người, tương đương với 73,3% tổng dân số. Phân tích của Kepios cho thấy người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đã tăng thêm 6,5 triệu (tăng 9,8%) từ đầu năm 2023 đến đầu năm 2024. Về nhu cầu của người dùng mạng xã hội từ 16 - 64 tuổi rất đa dạng như: Để liên lạc với bạn bè, gia đình (55%), cập nhật tin tức (48,5), xem live stream (31,1%), tìm kiếm sản phẩm và mua bán trao đổi (29,6%)…
Trong khi đó, dữ liệu được công bố trong các công cụ lập kế hoạch quảng cáo của các nền tảng mạng xã hội hàng đầu chỉ ra rằng có 72,55 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam vào đầu năm 2024, tương đương với 99,2% tổng dân số từ 18 tuổi trở lên(8). Các nền tảng mạng xã hội được dùng nhiều nhất là Facebook (89,7%), Zalo (88,5%), Tiktok (77,8%). Mạng xã hội còn là môi trường sáng tạo nội dung, phục vụ mục đích kinh doanh, thu hút quảng cáo.
Một trong những thách thức lớn mà công tác tư tưởng hiện nay phải đối mặt là tình trạng ô nhiễm thông tin, đặc trưng của xã hội hiện đại. Thực tế cho thấy, tin giả và thông tin sai lệch đang lan tràn nhanh chóng trên mạng xã hội nhờ vào các tính năng như bình luận, chia sẻ, và livestream. Chỉ trong một thời gian ngắn, những thông tin này đã có thể tác động trực tiếp đến nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người dùng. Với 73% dân số sử dụng mạng xã hội, việc lan truyền tin giả sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý và đời sống cộng đồng. Đặc biệt trong bối cảnh trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, sự hoang mang và lo sợ thái quá có thể tạo ra phản ứng tiêu cực dây chuyền, làm tình hình khó kiểm soát và kéo theo những hậu quả khó lường. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, tin giả có thể làm suy giảm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận và dẫn đến các điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Với sự phát triển vượt bậc của Internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch đã lợi dụng những nền tảng này để triển khai các chiến dịch thông tin xuyên tạc. Chúng chủ động phát tán thông tin sai lệch nhằm tạo ra sự hoài nghi và hoang mang dư luận, đồng thời khoét sâu mâu thuẫn và làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Các tin giả sai sự thật nếu được giả tạo một cách “bài bản”, có tổ chức, có nguồn lực hỗ trợ sẽ gây ra tác động tiêu cực về nhận thức, thái độ, hành vi của người đọc, thậm chí dẫn đến các hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, xã hội. Trong bối cảnh này, các tổ chức và cá nhân không chỉ trở thành mục tiêu của các chiến dịch thông tin sai lệch mà còn dễ bị lôi kéo vào các tranh cãi và tình huống thông tin phức tạp, dẫn đến những thảm họa thông tin khó lường.
Trong cuốn sách “Năm 1999 - chiến thắng không cần chiến tranh”, nguyên Tổng thống Mỹ R. Nixon đã tuyên bố: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất”, “toàn bộ vũ khí của Mỹ, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”, “Cái sẽ có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng, chứ không phải là vũ khí”, “một đô-la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng”, “kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị”…(10).
Các phương pháp nắm bắt và định hướng dư luận xã hội truyền thống, trong bối cảnh này, đang ngày càng giảm hiệu quả và trở nên thiếu kịp thời. Việc dự báo và đề xuất các giải pháp để định hướng dư luận xã hội, cũng như đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, không còn giữ được độ chính xác và hiệu quả cao như trước đây. Từ thực tiễn hiện tại, việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội càng trở nên cấp thiết.
3. Kết luận
Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin lan truyền nhanh chóng và khó kiểm soát, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội. Để đảm bảo sự ổn định xã hội và xây dựng lòng tin của công chúng, các phương pháp định hướng dư luận xã hội truyền thống cần phải được nâng cấp, không chỉ tập trung vào việc cung cấp thông tin chính xác mà còn phải tạo ra sự tương tác, thấu hiểu và phản hồi kịp thời từ cộng đồng. Các cơ quan, tổ chức cần nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác định hướng dư luận xã hội. Đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội sẽ giúp định hướng dư luận một cách tích cực, xây dựng sự đồng thuận xã hội vững chắc và duy trì trật tự, ổn định trong xã hội đồng thời góp phần vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch mà Đảng ta đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay./.
________________________________________________
(1) Nguyễn Đình Gấm (2003), Những vấn đề tâm lý xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2003, tr.16.
(2) Đỗ Hải Hoàn (2021), “Vai trò của báo chí – truyền thông trong việc tạo lập và định hướng DLXH ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân, số 5(48) (2021), tr.155-163.
(3) Phạm Chiến Khu, Vũ Hào Quang, Đỗ Thị Thanh Hà, Nxb Thông tin và truyền thông Hà Nội (2011), Tài liệu nghiệp vụ công tác nghiên cứu dư luận xã hội, Nxb. Thông tin và truyền thông Hà Nội.
(4) Ban Bí thư Trung ương Đảng (2014), Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18 tháng 8 năm 2014 về việc "Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội".
(5) Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 35-NQ/TW ban hành ngày 22 tháng 10 năm 2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.78.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II.
(8) Báo cáo về Kỹ thuật số Việt Nam 2024
(9), (10) Lê Đức Cảnh, Ngô Thanh Long (2023), “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, Tạp chí Tuyên giáo điện tử (tuyengiao.vn), 22/5/2023.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
- Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- Một số vấn đề đặt ra với chuyên ngành Báo ảnh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Yêu cầu rèn luyện phong cách, tác phong của giảng viên đại học
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước
- 4 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 5 Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
- 6 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Sáng 24/10/ 2024, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024)”.
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Cận ngôn ngữ trong phát biểu trước công chúng
Khi phát biểu trước công chúng, người nói không chỉ dùng ngôn từ tác động đến người nghe mà còn dùng giọng nói, trọng âm, tốc độ… để góp phần chuyển tải thông điệp. Những yếu tố ấy chính là cận ngôn ngữ. Bài viết này nhận diện các yếu tố cận ngôn ngữ và vai trò của chúng trong phát biểu trước công chúng.
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
Giám sát và phản biện xã hội là chức năng cơ bản của báo chí. Để thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, người làm báo cần có khả năng phản biện tốt. Trong môi trường thông tin mở, vai trò giám sát và phản biện xã hội càng trở nên quan trọng, đòi hỏi người làm báo nâng cao năng lực hoạt động, trong đó có năng lực phản biện xã hội. Cơ sở và điều kiện của năng lực này là khả năng tư duy phản biện của đội ngũ người làm báo. Bài viết bàn về nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong quá trình đào tạo sinh viên chuyên ngành báo chí ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
Những ngày qua, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong mọi điều bình an đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Thật buồn, khi tôi đang viết bài này thì phép màu nhiệm đã không đến... Vào lúc 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của nước Việt đã ngừng đập…
Bình luận