Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Theo Max Weber, tính chính đáng của quyền lực thường dựa trên các cơ sở như: từ truyền thống, theo các chuẩn mực, thông lệ đã được thiết lập từ trong lịch sử; từ sự cuốn hút, hấp dẫn và các phẩm chất cá nhân đặc biệt; và từ hệ thống luật pháp - duy lý đã được xã hội quy định(1). Ở Việt Nam hiện nay chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền. Vậy tính chính đáng cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là gì? Bài viết này sẽ tập trung phân tích một số yếu tố tạo nên tính chính đáng cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
1. Các yếu tố tạo nên tính chính đáng cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trong xã hội hiện đại, một đảng chính trị muốn đảm bảo vị thế cầm quyền của mình cần phải được chấp thuận từ phía người dân, tức là đảng cầm quyền phải có tính chính đáng. Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền. Vị thế cầm quyền của Đảng cũng nằm trong logic chung đó. Có thể đưa ra một số yếu tố tạo nên tính chính đáng cầm quyền của Đảng ta hiện nay như: tính truyền thống, tính đại diện lợi ích, tính hợp pháp trong giành quyền lực và tính hiệu quả trong thực thi quyền lực.
- Tính truyền thống - Đảng cầm quyền vì đã lãnh đạo nhân dân giành độc lập cho dân tộc
Trong lịch sử Việt Nam, có một thực tế được ghi nhận: độc lập dân tộc luôn là một giá trị xuyên suốt. Qua mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã liên tục trải qua ách đô hộ ngoại bang. Nhưng người Việt Nam vốn có tinh thần quật khởi, luôn tìm cách để giành độc lập cho dân tộc mình, dù không ít lần cái giá phải trả cho nền độc lập của dân tộc không hề rẻ. Do đề cao giá trị độc lập dân tộc, những cá nhân, những lực lượng có công giành được độc lập cho dân tộc luôn được nhân dân tôn vinh, đề cao, và từ đó họ có tính chính đáng để cầm quyền. Nhiều triều đại phong kiến Việt Nam có được địa vị cầm quyền nhờ một phần quan trọng vào công lao giành độc lập cho dân tộc, hoặc chiến thắng trong các cuộc chiến tranh chống ngoại bang. Qua thời gian, điều này đã trở thành một giá trị truyền thống.
Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dân tộc Việt Nam chìm đắm dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân trong suốt một thời gian dài. Các phong trào yêu nước dường như chưa tìm được con đường cứu nước đúng đắn. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời và lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập cho dân tộc, đánh dấu bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta. Sau đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ và giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước vào năm 1975. Một cách tự nhiên, những công lao đó đã đem lại cho Đảng một tính chính đáng để cầm quyền theo truyền thống văn hóa chính trị Việt Nam.
Hiện nay, khi luận giải về vai trò cầm quyền duy nhất của Đảng, nhiều người vẫn tiếp tục đề cao quan điểm này và trên thực tế, vị thế cầm quyền của Đảng còn được khẳng định do đa số nhân dân tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và ủng hộ vị thế cầm quyền của Đảng.
- Tính đại diện lợi ích: Đảng hoạt động vì lợi ích của nhân dân, dân tộc
Có thể nói, tính đại diện lợi ích được coi là nền tảng quan trọng nhất của tính chính đáng quyền lực. Chủ thể quyền lực đại diện cho lợi ích của ai, sử dụng quyền lực vì mục đích gì, sẽ quy định mệnh lệnh mà họ đưa ra có chính đáng hay không. Thông thường, nếu chủ thể quyền lực sử dụng quyền lực công để phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng, của người dân, thì tính chính đáng của quyền lực sẽ cao. Nếu chủ thể quyền lực lạm quyền, dùng quyền lực công để phục vụ cho lợi ích cá nhân, để “vinh thân, phì gia”, hoặc phục vụ cho “lợi ích nhóm”, thì đều được coi là không chính đáng.
Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện cho lợi ích của nhân dân và của toàn thể dân tộc. Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam đều thể hiện rõ chân lý: Đảng luôn vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc và của các tầng lớp nhân dân. Trong cương lĩnh, đường lối, cũng như thực tiễn hoạt động của Đảng từ khi ra đời đến nay đều phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhà nước của dân, coi nhân dân là chủ thể quyền lực; nhà nước là công cụ của nhân dân, là hình thức để tập hợp, quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc vào sự nghiệp chung, chứ nhà nước không phải là nơi để “thăng quan, phát tài”, để cho các cán bộ, đảng viên chia nhau quyền lực, lợi ích và bổng lộc. Điều đó định vị vai trò lãnh đạo của Đảng trong đời sống chính trị Việt Nam.
- Tính hợp pháp, hợp lý trong cách thức đạt quyền lực
Thông thường, để có tính chính đáng cầm quyền, một lực lượng chính trị phải giành được quyền lực thông qua các quy trình và thủ tục đã được xã hội chấp nhận. Tức là quyền lực đó phải được lập nên một cách hợp pháp và hợp lý. Trong các xã hội phong kiến, quyền lực thường được chuyển giao thông qua con đường thế tục, cha truyền con nối. Đó là một thủ tục hợp pháp. Tuy nhiên, việc giành quyền lực bằng con đường bạo lực đôi khi cũng diễn ra. Đó có thể là một cuộc cách mạng xã hội, hoặc một cuộc đảo chính cung đình. Cách thức giành quyền lực bằng bạo lực có thể là bất hợp pháp đối với trật tự xã hội đương thời, nhưng có thể là hợp lý do thể chế chính trị bị lật đổ đã không còn khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Trong thế giới hiện đại, việc giành quyền lực thông qua các biện pháp cạnh tranh hòa bình, thông qua các cuộc bầu cử dân chủ đã trở nên phổ biến. Các đảng chính trị, các cá nhân cùng cạnh tranh với nhau để giành được phiếu bầu của người dân, từ đó giành quyền kiểm soát các vị trí quyền lực nhà nước. Có thể nói, nhận sự ủy quyền từ nhân dân để trở thành đảng cầm quyền trở thành một thông lệ chính trị trong các nền chính trị hiện đại.
Như đã phân tích, Đảng Cộng sản Việt Nam giành được quyền lãnh đạo đất nước thông qua cuộc Cách mạng Tháng Tám. Việc giành quyền lực đó là hoàn toàn hợp lý do các chủ thể cầm quyền (chính quyền thực dân Pháp và chế độ phong kiến nhà Nguyễn) đã không còn tính chính đáng để tiếp tục duy trì quyền lực. Sau khi giành chính quyền, dù trong tình huống hết sức khó khăn, “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta vẫn quyết định tiến hành tổ chức Tổng tuyển cử, trao cho nhân dân quyền lựa chọn những người lãnh đạo đất nước.
Tại thời điểm đó, trong cuộc cạnh tranh với nhiều đảng phái chính trị khác, Đảng vẫn giành được sự tín nhiệm của đông đảo nhân dân và trở thành đảng giành được số ghế nhiều nhất trong Quốc hội. Ngay sau đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong điều kiện chiến tranh, chúng ta không thể tổ chức các cuộc bầu cử, trao cho người dân các quyền dân chủ của mình. Sau khi chiến tranh kết thúc, đặc biệt là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, các cuộc bầu cử đã được tổ chức để người dân bầu chọn những người xứng đáng vào các cơ quan quyền lực nhà nước.
Hiện nay, do điều kiện đặc thù, ở Việt Nam không tiến hành các cuộc bầu cử cạnh tranh giữa các đảng phái giống như các quốc gia phương Tây. Đảng tuyên bố là đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân và của cả dân tộc, do vậy, ở Việt Nam không cần thêm bất kỳ một đảng chính trị nào khác. Nhận thức này đã được thể chế hóa thành một điều khoản mang tính hiến định (Điều 4 trong Hiến pháp 2013)(2). Tất nhiên, để cầm quyền, Đảng vẫn phải tiến hành các cuộc bầu cử, trao cho người dân quyền lựa chọn các ứng cử viên do Đảng giới thiệu vào các vị trí của cơ quan quyền lực công.
Cách thức tổ chức bầu cử chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính chính đáng cầm quyền của Đảng. Bởi dù tuyên bố là lực lượng đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân, thì bản thân Đảng cũng chỉ là tổ chức của một nhóm người được đánh giá là ưu tú trong xã hội, trong khi đối tượng của sự cầm quyền lại là đa số nhân dân. Do vậy, cách thức giải quyết hài hòa mối quan hệ này sẽ góp phần đảm bảo các cuộc bầu cử mang tính thực chất hơn, trao cho người dân những cơ hội lựa chọn thực sự.
Xét từ phương diện lý luận, cũng như từ kinh nghiệm thực tiễn của hoạt động đảng phái cho thấy, dù việc lựa chọn cán bộ chủ yếu nằm trong đảng, do đảng kiểm soát, nhưng để đảm bảo tính dân chủ, thì kiểm nghiệm sự đúng đắn của những lựa chọn đó lại phải chủ yếu từ phía xã hội(3). Với sự tham gia và sự lựa chọn của người dân trong quá trình bầu cử, tính chính đáng cầm quyền của Đảng đối với xã hội cũng sẽ được thừa nhận rộng rãi.
- Tính hiệu quả trong sử dụng quyền lực
Thực tế lịch sử cho thấy, việc giành chính quyền đã khó, nhưng việc giữ chính quyền còn khó hơn. Người ta có thể giành chính quyền thông qua các biện pháp bạo lực, nhưng để đảm bảo sự ổn định và phát triển của chế độ, chủ thể cầm quyền phải xây dựng tính chính đáng của quyền lực mà mình giành được thông qua việc sử dụng quyền lực đúng đắn và hiệu quả để chinh phục người dân và xã hội. Trong các nền chính trị thế giới, có đảng chính trị giành chiến thắng vang dội trong các cuộc bầu cử và trở thành đảng cầm quyền, nhưng sau đó lại bị người dân tẩy chay do năng lực cầm quyền yếu kém. Để duy trì được sự tín nhiệm trong dân chúng, các đảng phải chứng tỏ được năng lực và hiệu quả cầm quyền của bản thân.
Hiệu quả cầm quyền của một đảng có thể được đo lường bằng các tiêu chí như: mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, sự ổn định của đời sống xã hội, khả năng giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân… Trong các yếu tố kể trên, sự tăng trưởng kinh tế có thể là thước đo quan trọng nhất. Nếu các khó khăn của nền kinh tế không được giải quyết, nếu xã hội rơi vào trạng thái bất ổn, tình trạng tham nhũng tràn lan, thì tính chính đáng của đảng cầm quyền sẽ bị xói mòn.
Ở Việt Nam, kể từ năm 1986, Đảng ta đã tiến hành đổi mới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ những thành tích trong phát triển kinh tế, ổn định an ninh trật tự xã hội, Đảng đã khôi phục lại tính chính đáng cầm quyền, vốn đã bị suy giảm trong giai đoạn 1975 - 1985 - thời kỳ nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.
Trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành những thành tựu quan trọng về mặt kinh tế, làm thay đổi bộ mặt xã hội. Mức độ tăng trưởng GDP luôn đảm bảo mức tăng khá; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Cùng với kinh tế, quyền dân chủ của người dân cũng được mở rộng. Các cải cách về chính trị cũng đã mở đường cho sự phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân phát huy tiềm năng và trí tuệ của mình. Những kết quả trên giúp Đảng củng cố được tính chính đáng cầm quyền của mình.
2. Các vấn đề và giải pháp nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
- Về yếu tố truyền thống văn hóa
Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến, giành độc lập cho dân tộc, và do vậy, Đảng có tính chính đáng để cầm quyền. Điều đó đúng, nhưng sức thuyết phục sẽ không mạnh trong bối cảnh mới. Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm. Thế hệ người Việt Nam sinh ra sau chiến tranh đã chiếm quá nửa dân số. Đất nước đã mở cửa, hội nhập mạnh mẽ với thế giới bên ngoài. Các thông lệ chính trị toàn cầu đã được truyền bá đến hầu khắp các vùng miền, kể cả vùng sâu, vùng xa trên thế giới. Do vậy, tính chính đáng cầm quyền xét từ yếu tố truyền thống, lịch sử sẽ ngày càng giảm đi trong bối cảnh hiện tại. Điều này đòi hỏi Đảng ta phải nỗ lực củng cố địa vị cầm quyền của mình thông qua các yếu tố khác, bên cạnh, đồng thời với yếu tố văn hóa truyền thống.
Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc tăng cường giáo dục các giá trị văn hóa của dân tộc, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng(4), thì việc tiếp tục xây dựng và củng cố các yếu tố khác nhằm nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng có vai trò cực kỳ quan trọng.
- Về tính đại diện lợi ích
Trong thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta cũng nhận thức được tình trạng tha hóa, biến chất diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Điều này thể hiện ở việc trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các cán bộ, đảng viên đã không đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Trong nhiều trường hợp, có không ít các quyết định, chính sách còn chà đạp lên lợi ích chính đáng của người dân. Tình trạng tham nhũng, lãng phí ngày càng trở nên phổ biến. Quy mô tài sản của các vụ án tham nhũng bị phát hiện ngày càng lớn; thủ đoạn tham nhũng của các đối tượng ngày càng tinh vi. Điều này dẫn đến sự suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng, làm suy giảm tính chính đáng cầm quyền của Đảng.
Để củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng, nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng, cần thiết phải xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực, các sai phạm của các tổ chức, cá nhân và đảng viên theo tinh thần “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”(5); hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước, cơ chế kiểm soát quyền lực qua chế định bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ; thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với đảng viên trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt, các tổ chức đảng và đảng viên phải thực sự đặt mình dưới sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Thông qua các biện pháp đó, Đảng mới kiểm soát được tình trạng tham nhũng, lạm quyền, đảm bảo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Lúc đó, Đảng mới thực sự đại diện cho lợi ích của nhân dân, củng cố tính chính đáng cầm quyền của mình.
- Về vấn đề bầu cử
Trên thực tế, các cuộc bầu cử ở Việt Nam trong thời gian qua đã thể hiện được tính dân chủ của chế độ xã hội, trao cho người dân quyền lựa chọn những người sẽ đại diện cho mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, thường thì đa số các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử cũng là đảng viên và do Đảng lựa chọn. Tỷ lệ người ngoài Đảng tham gia tranh cử và thắng cử là khá khiêm tốn. Tình trạng “cơ cấu đại biểu”, “quân xanh, quân đỏ” trong các cuộc bầu cử cũng là vấn đề cần nghiên cứu. Các thực tế này có thể làm cho các cuộc bầu cử trở nên hình thức.
Để nâng cao tính chính đáng của sự cầm quyền của Đảng, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bầu cử ở nước ta, trong đó, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa quá trình tuyển chọn, sàng lọc cán bộ có tính chất nội bộ của Đảng với quá trình thẩm định rộng rãi từ phía người dân. Để làm tăng thêm các khả năng lựa chọn cho người dân, các cuộc bầu cử phải đảm bảo số dư cần thiết (ít nhất là số ứng cử viên gấp đôi số đại biểu cần bầu) để tăng thêm tính cạnh tranh ngay trong nội bộ Đảng. Trong một chừng mực nhất định, phải đảm bảo sự cạnh tranh giữa các ứng cử viên trong Đảng với các ứng cử viên ngoài Đảng. Việc cơ cấu ứng cử viên theo kiểu “quân xanh, quân đỏ” cần được giảm thiểu để đảm bảo tính dân chủ của cuộc bầu cử. Khi đó, những người được bầu cũng cảm nhận rõ hơn trách nhiệm của bản thân trước nhân dân, vì họ nhận được sự ủy quyền từ phía nhân dân thông qua cuộc bầu cử.
Cách thức kiểm nghiệm sự lựa chọn cán bộ của Đảng từ phía người dân như vậy là cần thiết trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền. Đối với một đảng có cơ sở sâu rộng trong lòng dân, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân và dân tộc, thì không có lý do gì để không trao cho người dân quyền lựa chọn thực sự. Có như vậy, “ý Đảng và lòng Dân” mới đồng nhất với nhau.
- Về hiệu quả cầm quyền
Một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, đời sống xã hội ổn định là yếu tố quan trọng để duy trì tính chính đáng cầm quyền của Đảng. Trong thời gian tới, Đảng cần nâng cao hiệu quả lãnh đạo đối với hoạt động kinh tế của Nhà nước, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế. Một trong những vấn đề cần quan tâm khác trong thời gian tới là chủ trương, đường lối của Đảng cần đảm bảo sự phát triển bền vững, tận dụng cơ hội phát triển kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình dịch bệnh Covid - 19 có những diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả cầm quyền, Đảng cần tiếp tục nghiên cứu hợp lý hóa tổ chức và vận hành của hệ thống chính trị, đảm bảo bộ máy phải được thiết kế gọn nhẹ, vận hành một cách thông suốt và hiệu quả. Các chức năng của từng tổ chức trong bộ máy được phân định rõ ràng, không có sự trùng chéo; thẩm quyền giữa các tổ chức, của từng cá nhân trong tổ chức được phân định rạch ròi.
Với các biện pháp đồng bộ như vậy, Đảng sẽ củng cố được lòng tin của người dân đối với Đảng, nâng cao được tính chính đáng cầm quyền của mình trong điều kiện hiện nay./.
___________________________________________________
(1) Max Weber (1978), Economy and Society: An outline of interpretive sociology, The Regents of the University of California, California, p.215.
(2) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, tr10.
(3) Ngô Huy Đức (2009), Tính chính đáng của Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền (Kỷ yếu đề tài khoa học cấp Nhà nước: Đảng Cộng sản cầm quyền, nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng (KX.04.31.06.10) do GS,TS Nguyễn Văn Huyên làm chủ nhiệm).
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.2, tr233.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.2, tr250-253.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 01/2023
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
- Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
- Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
- Một số vấn đề về nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới, góp phần củng cố vững chắc định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
- Xây dựng Đảng về đạo đức nhằm thực hiện mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Đối với công tác xây dựng Đảng, Đồng chí giữ vai trò là ngọn cờ lý luận, là người truyền cảm hứng, là nhà lãnh đạo xuất sắc trong thực hành công tác xây dựng Đảng, là người cộng sản mẫu mực, là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện.
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình thực thi quyền lực chính trị, tính chính đáng cầm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tính chính đáng được xây dựng dựa trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chủ thể cầm quyền, là sự thừa nhận rằng, chủ thể đó xứng đáng được cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền có tính chính đáng cao, khi đưa ra các quyết định, các mệnh lệnh, mức độ chấp hành của người dân cũng cao. Điều này quy định tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một chủ trương mới, được đưa ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021. Tuy nhiên, nội dung, phương thức, bản chất của quản trị quốc gia là vấn đề còn khá mới mẻ và có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quản trị quốc gia như thế nào? Bài viết góp phần thảo luận và phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến những vấn đề đó.
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa, vận dụng xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt giá trị chân lý trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Bình luận