(LLCT&TT) Trong bối cảnh các thế lực thù địch ngày càng đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng, trong đó đặc biệt nhắm đến thế hệ sinh viên - chủ nhân tương lai của đất nước, cũng là những người thường xuyên tiếp cận và sử dụng mạng Internet, việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, hình thành “sức đề kháng” cho sinh viên trước những thông tin xấu độc trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bộ phận then chốt trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, một nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đang đứng trước những khó khăn mới khi các thế lực thù địch tận dụng mọi kẽ hở của không gian mạng để xâm nhập, tung ra những thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc, tác động đến tư tưởng, nhận thức của nhân dân, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đi liền với xu hướng phủ sóng của mạng xã hội trên toàn thế giới, tại Việt Nam, các mạng xã hội không chỉ tăng trưởng về lượng mà đã có sự thay đổi mạnh cả về chất. Theo thống kê từ Báo cáo Việt Nam Digital năm 2021, tính đến tháng 1/2021, có đến 68,72 triệu người dùng Internet ở Việt Nam, chiếm tỷ lệ 70,3% dân số, trong đó tỷ lệ người Việt sử dụng các trang mạng xã hội là 73,7%(1). Và lực lượng chiếm ưu thế áp đảo với tư cách “công dân mạng”, “cư dân mạng” hoạt động trên nền tảng đó chủ yếu là thế hệ trẻ, mà phần đa là đội ngũ sinh viên.
1. Thực trạng sinh viên tiếp cận thông tin xấu độc trên không gian mạng
Trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, sinh viên có nhiều điều kiện, cơ hội để phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của các thế hệ đi trước, vươn lên khẳng định mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Song điều kiện mới cũng đặt ra cho thế hệ trẻ không ít những thách thức, nhất là tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, khi sự trải nghiệm cuộc sống của họ chưa đủ để có thể sàng lọc, miễn dịch trước những tiêu cực xã hội đa chiều, phức tạp. Lợi dụng đặc điểm tâm lý của lứa tuổi ham khám phá, tìm hiểu cái mới, muốn khẳng định bản thân, song còn hạn chế về nhận thức, bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, các thế lực thù địch triệt để lôi kéo, dụ dỗ, kích động sinh viên tham gia các hoạt động hạ bệ uy tín của Đảng, Nhà nước, chống phá chính quyền. Đồng thời, chúng tiêm nhiễm những luồng văn hóa lai căng, “dân chủ”, xét lại quá khứ, gieo rắc sự hoài nghi, chán nản,… nhằm tác động đến tư tưởng của sinh viên, khiến sinh viên có những suy nghĩ lệch lạc, hoang mang, tiếp nhận các thông tin xấu độc một cách thụ động, từ đó mất niềm tin vào Đảng, vào chế độ. Cũng giống như cơ thể con người, để có thể phòng chống các loại bệnh dịch, đẩy lùi tác nhân nguy hiểm từ bên ngoài, chính từ bên trong mỗi cá nhân phải được hình thành “sức đề kháng”, “hệ miễn dịch” đủ vững vàng. Trong bối cảnh các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng như một thứ vũ khí đắc lực để chống phá Đảng, Nhà nước, việc tăng cường sức đề kháng cho mỗi sinh viên là vô cùng quan trọng.
Thời gian vừa qua, các thế lực thù địch không ngừng sử dụng các thủ đoạn khác nhau để kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong sinh viên. Điều đáng nói là chúng tận dụng mọi kẽ hở của không gian mạng, liên tục thay đổi các hình thức, thủ đoạn khiến cho công tác quản lý, nắm bắt của các cơ quan có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn. Các thế lực thù địch núp bóng dưới những trang mạng với tên gọi thoạt nhìn có vẻ như chính thống: “Thanh niên Công giáo”, “Nhật ký yêu nước”, “Luật sư X”, “Tin Mừng Cho Người Nghèo”, “Tuổi Trẻ Lòng Nhân Ái”,... Các video đăng tải trên những trang mạng này được cắt ghép công phu, dòng tiêu đề lớn và giật gân để thu hút sự chú ý của cộng đồng. Đáng lo ngại hơn, chúng sử dụng chính những bài viết và hình ảnh trên các trang chính thống, chỉ sửa chữa một vài nội dung để định hướng dư luận, khiến người đọc nếu chỉ đọc qua thì không thể nhận diện được đây là những thông tin xuyên tạc, sai lệch. Từ việc không phân biệt được, người dùng vô tình chia sẻ những thông tin xấu độc đó đến với rất nhiều người khác, dẫn đến những quan điểm thù địch được lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đưa lên các thông tin hạ thấp, bôi nhọ danh dự cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, khoét sâu vào những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong xã hội để hướng luồng dư luận và kích động sinh viên tỏ thái độ bất mãn với cái mà chúng gọi là “thảm kịch của đất nước”. Chúng thường sử dụng hình thức “giật tít” để thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nội dung bài viết là luận điệu xuyên tạc, định hướng dư luận, ca ngợi dân chủ, tự do ở các nước tư sản, hạ bệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bày tỏ sự phản đối với con đường đi lên xã hội chủ nghĩa. Những người trẻ như sinh viên, với tầm nhìn đa chiều, tiến bộ song nhận thức chính trị - xã hội còn hạn chế, bản lĩnh chính trị chưa vững vàng sẽ rất dễ dàng bị ảnh hưởng, tác động, lệch lạc trong suy nghĩ và hành động khi tiếp cận tiêu đề và các nội dung bài viết như đã nêu trên.
Tận dụng triệt để những kẽ hở của không gian mạng, các thế lực thù địch mà chủ yếu là ở nước ngoài còn thành lập hội nhóm, sự kiện để lôi kéo, tập hợp sinh viên tham gia các hoạt động biểu tình, bạo loạn, gây mất an ninh trật tự. Một trong những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tổ chức phản động Việt Tân là kích động biểu tình phá rối an ninh, tập dượt cho “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” ở Việt Nam. Chúng lợi dụng thông tin về Quốc hội đưa ra thảo luận dự thảo luật Đặc khu, ô nhiễm biển ở Formosa, các vụ tập trung gây rối xảy ra ở Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tâm,... để kích động biểu tình, bạo loạn. Trong nhiều vụ việc, chúng còn trả tiền cho những sinh viên nhẹ dạ cả tin để xuống đường biểu tình. Nếu không đủ tỉnh táo và hiểu biết về pháp luật, sinh viên sẽ lập tức mắc bẫy và vô tình “nối giáo cho giặc”, gây hậu quả khó lường.
2. Một số giải pháp nâng cao “sức đề kháng” cho sinh viên trước những thông tin xấu độc trên không gian mạng
Đối với cơ thể, để hình thành một hệ miễn dịch, sức đề kháng đủ mạnh mẽ có thể đẩy lùi những bệnh dịch nguy hiểm bên ngoài, cần có một liều vacxin đặc hiệu phòng chống được tác nhân đó. Vậy đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, liều vacxin hữu hiệu nhất chính là nâng cao nhận thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Chỉ khi có đủ tri thức và năng lực, mỗi sinh viên mới có khả năng để chắt lọc thông tin, lựa chọn nguồn tin chính thống và cao hơn là phản biện, phản bác lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Vì vậy trong thời gian tới, nhằm nâng cao sức đề kháng cho sinh viên, góp phần đấu tranh có hiệu quả trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, tự bản thân mỗi sinh viên phải rèn luyện lối sống, đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao nhận thức khi sử dụng mạng xã hội.
Đây là giải pháp mang tính chất quyết định tính hiệu quả trong việc nâng cao sức đề kháng của sinh viên nhằm chống lại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Sinh viên hiện nay cần tự nâng cao trình độ lý luận chính trị, nắm vững nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, sinh viên phải không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao vốn tri thức, có tư duy phản biện, có niềm đam mê và hiểu biết sâu sắc về nền văn hóa dân tộc. Ngoài ra, cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động do Đoàn Thanh niên tổ chức để trang bị thêm trải nghiệm, nâng cao vốn sống. Đây chính là những “vũ khí” mà mỗi sinh viên cần tự trang bị cho mình để có thể hình thành “sức đề kháng” trước những thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Khi sử dụng mạng xã hội, sinh viên phải luôn cảnh giác, tỉnh táo bởi các thế lực thù địch có rất nhiều phương thức và thủ đoạn ngày một tinh vi để dụ dỗ, lôi kéo thế hệ trẻ. Trước khi tiếp nhận thông tin, sinh viên cần chọn lọc nguồn thông tin chính thống, đã được xác minh, kiểm chứng. Khi phát hiện ra các luận điệu xuyên tạc, thù địch, cần có hành động cụ thể như báo cáo cho cơ quan chức năng, tranh biện, phản bác, song cần giữ một thái độ văn minh, lịch sự.
Hai là, cấp ủy đảng các cấp, ban lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng cần quan tâm đổi mới, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội trong sinh viên.
Các cấp ủy đảng các cấp, ban lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn đối với việc giáo dục chính trị - tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho sinh viên. Cần xây dựng các kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng cho sinh viên và đưa vào các nghị quyết, chương trình công tác hàng năm để triển khai thực hiện có hiệu quả. Quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế cũng như kinh phí hoạt động đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên, tạo môi trường phù hợp để sinh viên rèn luyện, phấn đấu. Đảng ủy, ban lãnh đạo nhà trường thường xuyên tổ chức các diễn đàn, đối thoại, trao đổi với sinh viên để nắm bắt được tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn cho sinh viên, đồng thời xây dựng môi trường học tập và làm việc dân chủ, công khai.
Công tác giáo dục các bộ môn lý luận chính trị như Triết học Mác - Lênin, Đường lối cách mạng của của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh,... cần được chú trọng hơn nữa. Thường xuyên cập nhật tình hình thời sự trong và ngoài nước, các thông tin về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và bầu cử Quốc hội khóa XV của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào chương trình chính khóa cũng như ngoại khóa.
Ba là, phát huy vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải thật thường xuyên chú trọng tuyên truyền, giáo dục đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước thông qua các công trình, phần việc cụ thể. Mỗi tổ chức Đoàn cần phải quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Đoàn, đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong thu hút đoàn viên, thanh niên, sinh viên vào các hoạt động bổ ích, nhằm bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Tăng cường tổ chức các hoạt động “về nguồn” đến các địa chỉ đỏ, các hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội. Các trang thông tin của Đoàn cần liên tục cập nhật tấm gương người tốt, việc tốt, đoàn viên ưu tú, vì nước vì dân để truyền cảm hứng, lan tỏa những giá trị tích cực, đồng thời có những bài viết mang tính chiến đấu, nâng cao nhận thức của sinh viên. Các cấp bộ Đoàn cần tích cực, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm lý của đoàn viên, sinh viên trước những âm mưu thủ đoạn của các thế lực chống phá. Ngoài ra, Đoàn tiếp tục phát huy vai trò của các câu lạc bộ, đội nhóm, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, gắn liền với hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp.
Bốn là, tăng cường giao lưu giữa các đơn vị trường học, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng không thể là việc của một cá nhân, một tổ chức mà đòi hỏi cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng. Đặc biệt, mạng xã hội là một không gian đặc thù với sự kết nối rất rộng, để quản lý đạt hiệu quả cao nhất thì cần có sự liên kết giữa các đơn vị trường học, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với nhau.
Cần xây dựng phong trào thi đua học tập lẫn nhau, biểu dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu, mô hình hoạt động hiệu quả nhằm khuyến khích, nhân rộng những điển hình tốt. Phối hợp xây dựng các ấn phẩm về nộ dung, phương thức tuyên truyền hiệu quả về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội trong sinh viên. Các đơn vị trường học, tổ chức đoàn chia sẻ kinh nghiệm, thông tin lẫn nhau, từ đó có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn, đưa ra những giải pháp mới, góp phần điều chỉnh nội dung, phương thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả.
Tóm lại, cuộc đấu tranh trên không gian mạng của trận địa tư tưởng tuy thầm lặng nhưng ngày càng cam go, quyết liệt, đòi hỏi sự chung tay của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Khi tham gia vào không gian mạng, mỗi sinh viên cần tự ý thức được trách nhiệm giữ vai trò then chốt, xung kích trong trực diện đấu tranh với thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Qua đó, góp phần quan trọng vào đấu tranh, ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, nỗ lực học tập, rèn luyện để trở thành công dân tốt, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Bình luận