(LLCT&TT) Hoạt động lãnh đạo, quản lý nói chung, lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông nói riêng được xác định là hoạt động có tính tổng hợp, tính xã hội cao, là hoạt động gắn liền với quyền lực và sự tín nhiệm, mang tính gián tiếp, tính sáng tạo, tính khoa học và tính nghệ thuật, đồng thời là hoạt động hao tốn thần kinh, không xác định về thời gian, không gian(1) . Nhà lãnh đạo, quản lý báo chí, truyền thông cần phải hội đủ tiêu chuẩn, điều kiện về năng lực lãnh đạo, quản lý để có sức ảnh hưởng, thể hiện uy tín trong việc điều hành, dẫn dắt người khác, tìm ra phương pháp truyền cảm hứng, kích thích hành động, thu hút nhiều người cùng tham gia, cùng chí hướng để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
1. Năng lực trí tuệ của người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông
Trí tuệ là kết quả của quá trình hoạt động tri thức, là sự vận dụng tổng hợp của lý luận, khái niệm, ngôn từ và bao gồm cả những kinh nghiệm, kiến thức và hiểu biết tích lũy được. Năng lực trí tuệ giúp hình thành tư duy, giúp nhà lãnh đạo, quản lý thực hiện vai trò của mình, đồng thời đây cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các nhà lãnh đạo, quản lý.
Trí tuệ là phẩm chất quan trọng hàng đầu của người lãnh đạo, quản lý. Bởi lẽ, trí tuệ giúp người lãnh đạo, quản lý có khả năng phân tích tình huống một cách chính xác, khả năng giải quyết các tình huống xuất hiện một cách kịp thời cũng như khả năng thích nghi với những biến đổi của hoàn cảnh xã hội. Nói đến năng lực trí tuệ của người lãnh đạo, quản lý là nói đến sự năng động của trí tuệ, nói đến chiều sâu, tầm xa và khả năng huy động trí lực của tập thể.
Trí tuệ năng động, có độ sâu, tầm xa giúp người lãnh đạo, quản lý nhanh chóng thích nghi với những hoàn cảnh mới, tình huống mới và những thách thức mới. Để cơ quan báo chí - truyền thông có thể tiến kịp và hoà nhập với trình độ phát triển về kinh tế và khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu mới, đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải năng động, sáng tạo trong dẫn dắt, điều hành đội ngũ nhân viên. Trí tuệ giúp người lãnh đạo, quản lý nhanh chóng nhận thức được nguyên nhân của những trở ngại, khó khăn mà cơ quan báo chí gặp phải, tìm ra những biện pháp để khắc phục chúng. Một trí tuệ tốt còn giúp người lãnh đạo, quản lý cảm nhận, dự tính được những hậu quả có thể xảy ra trong hoạt động thực tiễn của cơ quan báo chí và những biện pháp để ứng phó. Một trí tuệ sáng suốt, năng động, sâu rộng còn làm cho người lãnh đạo, quản lý tự tin, quyết đoán hơn khi ra các quyết định quản lý, cũng như thực hiện chúng, đồng thời cho phép họ đổi mới, sáng tạo, thậm chí tạo ra những bước phát triển đột phá cho cơ quan báo chí.
Báo chí là người lính xung kích trên mặt trận chính trị - tư tưởng. Sự chống phá của các thế lực thù địch tạo nên tính chất phức tạp ở mặt trận này, đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải nỗ lực phát triển trí tuệ của mình để nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và có nhiều tri thức xã hội, nhân văn, tự nhiên và công nghệ. Người lãnh đạo, quản lý nắm vững và am hiểu sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận dụng trong chỉ đạo tổ chức sản xuất nội dung các tờ báo, các chương trình phát thanh, truyền hình. Về kiến thức, người lãnh đạo, quản lý cần có phông kiến thức đúng tầm của một “người đứng đầu”, có kiến thức chuyên sâu thuộc lĩnh vực của đơn vị được giao phụ trách, có kiến thức về khoa học quản lý nhà nước, về nghiệp vụ hành chính, chính trị, am hiểu chính sách và pháp luật...
Sự kiên trì học tập, tu dưỡng, tiếp thu được những tri thức mới giúp người lãnh đạo, quản lý kiên định niềm tin và lý tưởng của mình, vững vàng trong dẫn dắt, điều hành tập thể, thực hiện tốt nhiệm vụ “là người đứng đầu cơ quan báo chí, lãnh đạo và quản lý cơ quan báo chí về mọi mặt, đảm bảo thực hiện tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và chịu trách nhiệm trước thủ trưởng cơ quan và pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí”(2) như luật định.
2. Năng lực tổ chức của người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông
Đối với người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông, cần có sự nhạy cảm về tổ chức, sự tinh nhạy về tâm lý để nhận biết những phẩm chất và năng lực của từng thành viên trong tập thể, đồng cảm với họ. Bên cạnh đó, sự khéo léo ứng xử về mặt tâm lý và có đầu óc tâm lý - thực tế, tức là biết đặt mỗi người vào vị trí thích hợp để đóng góp tốt nhất, nhiều nhất cho công việc chung của cơ quan báo chí.
Người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông thể hiện năng lực tổ chức qua việc xây dựng kế hoạch toàn diện cho bộ máy, bao gồm các hoạt động, các mối quan hệ và các nguồn nhân lực như: nhân sự, chuyên môn, cơ sở vật chất, phân công lao động, xác định các điều kiện thực hiện và thiết lập các quan hệ trong và ngoài, trên và dưới nhằm tranh thủ tối đa sự hợp tác của các bộ phận cũng như bộ máy với các cơ quan đơn vị khác.
Người có năng lực tổ chức thường luôn bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu, hoạt động chung để điều chỉnh và triển khai kế hoạch, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của các thành viên bằng nhiều hình thức và phương pháp khác nhau. Họ tạo mọi điều kiện để ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào công tác tổ chức. Họ quan tâm đến các mối quan hệ đa dạng trong các cơ quan, đơn vị mình nhằm đảm bảo cho các bộ phận, các cá nhân có sự phối hợp với nhau một cách tốt nhất trong khi thực hiện các hoạt động chung.
3. Năng lực chuyên môn của người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông
Năng lực chuyên môn là yêu cầu quan trọng đối với người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông, họ là những người trực tiếp nhận diện, giám sát, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, phân công chuyên môn cho cấp dưới. Vì vậy, đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải có năng lực và quan trọng hơn là phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn cao mới bảo đảm cho việc huấn luyện, phát triển cấp dưới nâng cao chuyên môn, phân công đúng người đúng việc nhằm thực hiện tốt công việc, nhiệm vụ của đơn vị.
Năng lực chuyên môn của người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông còn trực tiếp tác động đến chất lượng chuyên môn của cơ quan, đơn vị, bởi họ là người định hướng và tổ chức chuyên môn cả về mục tiêu tầm xa, mục tiêu ngắn hạn và công việc chuyên môn hàng ngày. Nghề báo đòi hỏi tính chuyên môn cao nên có người lãnh đạo, quản lý am hiểu chuyên môn sẽ khiến cho đội ngũ nhà báo trong đơn vị “tâm phục, khẩu phục”, tạo được sự yên tâm làm việc, phát triển chuyên môn.
Thực tế cũng cho thấy, lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông có chuyên môn giỏi là một lợi thế, thuận lợi cho trường hợp giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong đơn vị. Ngược lại người lãnh đạo, quản lý có kiến thức chuyên môn hạn hẹp thì kết quả hoạt động của đơn vị có thể bị ảnh hưởng và không đạt yêu cầu. Những xung đột giữa các thành viên có thể giải quyết một cách nhanh chóng bởi cấp dưới luôn dễ dàng đồng thuận với cấp trên hơn nếu họ có chuyên môn vững vàng, có sự phân tích thuyết phục cả về mặt tổ chức và chuyên môn. Do đó, người lãnh đạo, quản lý có chuyên môn cao thường thuận lợi hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Người người lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí cũng là một nhà báo, họ vừa làm công việc của người viết báo vừa làm công việc của người phụ trách tờ báo - quản trị tòa soạn. Người đứng đầu cơ quan báo cần viết báo, làm báo giỏi, đặc biệt có khả năng viết tốt thể loại nghị luận, bình luận bởi đây là những thể loại có tính định hướng cao. Người lãnh đạo, quản lý còn phải làm tốt công việc chỉ đạo, biên tập, duyệt bài. Khi làm công việc biên tập, cần tôn trọng phong cách của người viết, tránh biên tập quá nhiều, không nên can thiệp thô bạo vào bài viết của phóng viên, cộng tác viên, nhất là với các phóng viên giỏi, các cộng tác viên là chuyên gia đầu ngành. Sự biên tập thô bạo sẽ không còn phong cách riêng, không cẩn thận còn có thể làm sai lệch diễn đạt của người viết. Người lãnh đạo, quản lý trong cơ quan báo chí nếu không giỏi nghề, không giỏi viết báo, làm báo sẽ khó lòng biên tập hay và trúng.
4. Năng lực giao tiếp của người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông
Đối với người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông, giao tiếp vừa là một nhiệm vụ vừa là một nội dung của công tác lãnh đạo, quản lý mà họ vừa là nhân tố tham gia vừa có trách nhiệm tổ chức. Giao tiếp là công cụ để họ thực hiện sự lãnh đạo, quản lý của mình vì tất cả các hoạt động như lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, đánh giá hiệu quả thực hiện kế hoạch nhà lãnh đạo, quản lý đều thực hiện thông qua giao tiếp. Giao tiếp giúp nhà lãnh đạo, quản lý gây ảnh hưởng đến những người dưới quyền, chịu sự lãnh đạo, quản lý. Nhờ năng lực giao tiếp, người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông đạt được mục tiêu trao đổi hoặc tiếp nhận thông tin về những vấn đề của đơn vị mình, đạt hiệu quả cao khi phân tích, lý giải, động viên, thuyết phục các cá nhân trong tập thể hướng về một mục đích, một nhận thức hay một thỏa thuận chung, từ đó tạo ra hiệu quả hoạt động, đồng thời làm tăng sự tín nhiệm của tập thể đối với người lãnh đạo, quản lý.
Năng lực giao tiếp còn là công cụ để của người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông gây ảnh hưởng. Người lãnh đạo, quản lý cần tạo lập các mối quan hệ, tạo sự ảnh hưởng nhất định đối với đối tượng cần giao tiếp, mục đích là để họ tin mình, hợp tác với mình và được nhân viên tôn trọng, đề cao, ủng hộ. Tâm huyết, trí tuệ, sự tận tâm vì tập thể, vì tổ chức, vì công việc của người lãnh đạo, quản lý được thể hiện thông qua giao tiếp. Bởi thế, giao tiếp là một trong những cách để duy trì và thể hiện phẩm chất của người lãnh đạo, quản lý.
Trong quan hệ giao tiếp với cấp dưới, người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông phải lắng nghe, cảm nhận, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng và trân trọng những đóng góp của cấp dưới là các nhà báo. Giao tiếp cởi mở nhưng không dễ dãi, nghiêm khắc nhưng không độc đoán, giao tiếp để tạo ra môi trường làm việc tốt, từ đó tạo động lực cho các nhà báo phát huy sáng tạo, thực hiện các sản phẩm báo chí chất lượng, thu hút công chúng.
Trong mối quan hệ giao tiếp với lãnh đạo cấp trên, người lãnh đạo, quản lý cần phải giao tiếp tốt để thúc đẩy mối quan hệ xã hội, phát triển hoạt động báo chí - truyền thông. Giao tiếp tốt giúp nắm bắt nhanh ý đồ tuyên truyền, quan điểm chủ đạo xử lý các sự kiện, vụ việc với góc nhìn toàn cục, không xa rời tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Một người lãnh đạo, quản lý có năng lực giao tiếp tốt có thể sử dụng năng lực giao tiếp để xử lý các mối quan hệ với các đối tác để phối kết hợp, liên kết sản xuất các chương trình, các hoạt động truyền thông, kêu gọi tài trợ theo đúng quy định. Điều này góp phần vào hiệu quả kinh tế báo chí của cơ quan. Bên cạnh đó, người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông cần có năng lực giao tiếp với với công chúng - khách hàng - lực lượng quyết định uy thế của tờ báo.
5. Năng lực kiểm tra, giám sát của người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông
Người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện của từng bộ phận và các thành viên trong tập thể. Điều này giúp cho người lãnh đạo, quản lý nhanh chóng xác định được ưu điểm, hạn chế, thuận lợi, khó khăn trong từng giai đoạn, từng công việc của quá trình thực hiện nhiệm vụ báo chí - truyền thông, phân tích được kết quả, từ đó đánh giá được mức độ, kết quả thực hiện mục tiêu ở từng chặng, giai đoạn, con người, bộ phận. Nếu có những điều thiếu sót, sai lệch có thể rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời. Thực tế cho thấy, nhiều kế hoạch, công việc được triển khai tốt ban đầu nhưng trong quá trình thực hiện ở những con người, những khâu khác nhau đã có sự chuệch choạc, đình trệ, thậm chí chệch hướng. Với cái nhìn bao quát, người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông thực hiện kiểm gia, giám sát để đảm bảo mục tiêu cuối cùng được thực hiện. Qua kiểm tra, giám sát, người lãnh đạo, quản lý còn phát hiện những yếu tố tốt, việc tốt để tuyên dương, động viên, khen thưởng, nhân rộng sự tích cực, đồng thời phát hiện những khả năng chưa sử dụng, những lệch lạc cần uốn nắn, nhắc nhở.
Khi triển khai các quyết định, người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông cần kiểm tra, giám sát thường xuyên và toàn diện trong suốt quá trình diễn biến thực hiện các quyết định. Có thể kiểm tra đột xuất có trọng điểm, nhằm vào một số khâu nhất định hoặc kiểm tra tổng kết kết quả thực hiện quyết định. Qua công tác kiểm tra, căn cứ vào kết quả kiểm tra, người đứng đầu cơ quan báo chí xử lý kết quả kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, bổ sung quyết định cần thiết, khen thưởng người tốt, việc tốt, xử lý sai phạm và sơ kết, tổng kết việc thực hiện quyết định.
6. Năng lực ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định của người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông
Để đảm bảo cho quyết định lãnh đạo, quản lý đạt hiệu quả, hiệu lực, tạo ra được những thay đổi tích cực trong cơ quan báo chí, góp phần vào sự tiến bộ xã hội, người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông cần có sự trải nghiệm. Chính kinh nghiệm sống, trải nghiệm thực tế của họ mang lại cho người lãnh đạo, quản lý tri thức ẩn, tạo cơ sở để phát triển tri thức mới, nảy sinh những ý tưởng, giải pháp sáng tạo, đột phá. Người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông cần thực hành tư duy hệ thống, tức xem xét các sự vật, hiện tượng trong tính toàn thể của nó, nắm bắt được tổng thể vấn đề trong bối cảnh phức hợp của các biến lượng. Thực hành tư duy hệ thống trong quá trình ra quyết định giúp người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông nhận thức các vấn để lãnh đạo một cách toàn diện. Bên cạnh đó, người lãnh đạo, quản lý báo chí - truyền thông cần quan sát, học hỏi và lắng nghe. Tinh thần cầu thị, học hỏi càng quan trọng trong kỷ nguyên thông tin và sự tăng trưởng nhanh chóng của kiến thức. Cần phát triển kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư duy để có thể quan sát, học hỏi và lắng nghe, từ đó làm phong phú thêm chất liệu cần thiết cho quyết định sáng suốt.
Một lưu ý là trong thể hiện năng lực ra quyết định, nhà lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan báo chí - truyền thông thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; phải biết phát huy trí tuệ tập thể thông qua lắng nghe, ghi nhận, cầu thị trước ý kiến của tập thể trước khi ra quyết định. Đây là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhằm tránh chủ nghĩa cá nhân, độc đoán, độc quyền và độc tài trong quá trình xây dựng và ban hành quyết định.
Sau khi quyết định được ban hành và có hiệu lực, người lãnh đạo, quản lý tiến hành chỉ đạo, tổ chức triển khai thực quyết định. Họ chỉ đạo xây dựng kế hoạch về nhân sự, tài chính, phương tiện, trang thiết bị, lộ trình, mục tiêu đạt được, dự báo tình hình,... Họ phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi nội dung quyết định, xử lý tình huống phát sinh, những khó khăn, bất lợi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến vụ việc, vấn đề trong nội dung quyết định, tổ chức đánh giá việc thực thi quyết định và điều chỉnh, bổ sung quyết định kịp thời nếu cần.
Người lãnh đạo, quản lý có năng lực sẽ ra quyết định đúng đắn, sáng suốt và có tính khả thi cao. Tuy nhiên, để quyết định đó đi vào thực tiễn đạt hiệu quả như mong đợi, đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải có tư duy hành động, biết sắp xếp, tổ chức, phân công nhiệm vụ rõ ràng, khoa học, thường xuyên kiểm tra, giám sát, điều chỉnh, bổ sung và xử lý những vấn đề phát sinh. Đặc biệt, một quyết định được tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt phải có sự “đồng thuận, đồng lòng, đồng hành động” từ lãnh đạo, quản lý đến các ban, phòng và đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kĩ thuật viên và các thành viên khác trong cơ quan báo chí.
Dưới góc nhìn tâm lý học, người lãnh đạo, quản lý muốn thành công phải là người có kiến thức nền tảng, hiểu biết pháp luật, tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm sống, có tư duy, sáng tạo, có tầm nhìn xa, có đạo đức trong sáng, có thái độ, hành vi đúng mực, có sự quyết đoán, bản lĩnh trong xử lý vấn đề, biết cách điều hành, tổ chức, thấu hiểu tâm lý cá nhân, tập thể để lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị, bộ phận mình phụ trách. Hội đủ các yếu tố này, người lãnh đạo, quản lý sẽ biết cách ra quyết định như thế nào cho đúng đắn, khả thi, hợp với số đông, vì lợi ích tập thể và có khả năng đưa vào thực hiện một cách tốt nhất.
Quyết định đúng đắn và tổ chức thực hiện thành công sẽ là đòn bẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan báo chí - truyền thông. Ngược lại, sẽ trở nên trì trệ, kìm hãm sự phát triển, thậm chí dẫn đến thụt lùi. Vấn đề này, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định của nhà lãnh đạo, quản lý cũng như yếu tố tâm lý mà người lãnh đạo, quản lý vận dụng./.
___________________________________________
(1) Bài soạn giảng: Những khía cạnh tâm lý trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, TS. Nguyễn Thanh Giang, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
(2) Luật Báo chí 2016.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Báo chí 2016.
2. Giáo trình Tâm lý học lãnh đạo, quản lý (2010), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Văn Dững (2011), Báo chí truyền thông hiện đại (Từ Hàn lâm đến đời thường), Nxb. Đại học Quốc gia.
4. Đỗ Thị Thu Hằng (2013), Tâm lý học báo chí, Nxb. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Ngọc Bích (1998), Tâm lý học nhân cách. Nxb. CTQG.
Bình luận