Người giao hòa “lửa báo với hơi văn”
Cây bút chính luận dào dạt cảm xúc
Cây bút chính luận Hồng Vinh vẫn rất “có duyên” và đầy bản lĩnh trong việc chuyển tải các thông điệp chính trị trọng đại của đất nước, bằng một văn phong rất gần với đời sống thực, dào dạt cảm xúc, lấp lánh hình ảnh và giàu chất thơ. Đọc xong hai cuốn “Giữ lửa” (Nxb Văn học, tập 1 - 2014, tập 2 - 2017) của nhà báo - PGS,TS Nguyễn Hồng Vinh, với 183 bài chọn lọc, tôi thật sự bị thuyết phục bởi nhận xét sâu sắc của nhà văn nhà báo lão thành Phan Quang, khi ông viết, Hồng Vinh là “một nhà báo, nhà thơ luôn cố gắng giao hòa lửa báo với hơi văn”.
“Giữ lửa” một chuyên mục trên Báo Nhân Dân” như tên tập sách, là chuyên mục Vấn đề tháng này trên Báo Nhân Dân hằng tháng; ra đời theo sáng kiến của chính Tổng Biên tập Hồng Vinh và ông đã “gác” chuyên mục này suốt 18 năm ròng.
Quả thật, không nhiều nhà báo, tờ báo giữ được, nuôi được một chuyên mục lâu như thế, vững bền như thế, nếu không có “lửa nghề” và “tay nghề” như nhà báo Hồng Vinh. Chuyên mục được viết ở dạng thể luận (xã luận, bình luận, chuyên luận) - một dạng thể khó viết trong nghề báo, đòi hỏi không những tri thức, tầm nhìn và ý thức thời sự nhạy bén chính trị trong cách tiếp cận, phân tích vấn đề, mà còn cả sự dài hơi trong cách nghĩ, cách “nuôi”, cách viết. Cái khó của viết chính luận là “đem đến cho người đọc, người nghe không phải chỉ có cái sự thật, mà còn mang theo thái độ, tâm huyết của tác giả” (Lê Xuân Thại, 1989) và “Sự phản ánh của chính luận bao giờ cũng đậm đà sự xúc cảm. Biên độ xúc cảm của nhà chính luận rất lớn. Đó là sức hấp dẫn trong việc phân tích sự kiện và đánh giá chính trị về các sự kiện đó” (D.M.Pri-ljuk- Chính luận trong báo chí - theo Vũ Quang Hào, 2007).
“Lửa báo” (chữ dùng của nhà báo Phan Quang) của Hồng Vinh chính là nhiệt huyết, là tính định hướng của người viết trong từng bài luận chỉ chừng 500 chữ đề cập một cách nóng hổi một vấn đề thời sự, trọng tâm của đất nước trong tháng. “Hơi văn” của Hồng Vinh trong từng bài viết là cảm xúc chính trị, mạch văn tùy bút chính luận, là cách nói, cách diễn đạt thuyết phục để truyền lửa của một nhà báo - nhà thơ...
Tôi đọc và cố tìm hiểu, bí quyết gì để ông giữ được và truyền được nhiệt huyết “lửa báo” ấy trong ngần ấy năm?
Thứ nhất, đưa tư liệu mới, cách nhìn, cách tiếp cận mới vào những đề tài cũ, đề tài lặp lại.
Viết bài luận đón Xuân là một ví dụ. Đây là đề tài lặp đi lặp lại hằng năm, thường dễ nhàm chán, sáo rỗng, lên gân, khó viết hay. Hồng Vinh khéo léo đưa những chi tiết đặc sắc của thời sự trong năm, dễ đi vào lòng người, về những thành tựu, những nỗ lực của Nhà nước và nhân dân, lấy hứng khởi, cảm xúc cho việc truyền lửa.
Đón Xuân Mậu Dần (gần 20 năm trước), trong bài luận Cho sắc Xuân thắm mãi!, ông viết: Xuân Mậu Dần đã về trong rộn ràng đồng ruộng vừa thêm những mùa gặt bội thu, trong phấn chấn lòng người trước những thành tựu được kết tinh bằng nghị lực lao động kiên cường và trí thông minh, sáng tạo của một năm phấn đấu cam go, nhất là với đồng bào Nam bộ phải chịu đựng sự tàn phá khốc liệt của cơn bão số 5... Mùa Xuân chắp cánh tin yêu và hi vọng; đồng thời cũng nhắc nhở mọi người chỉ có thể giữ mãi và tô thắm sắc xuân độc lập, tự do của đất nước bằng chính sức lao động của mình; bằng sự chắt chiu đồng tiền, bát gạo...”.
Cách đây 2 năm, cũng đề tài này, ông viết: Xuân Ất Mùi về, trả màu xanh cho những cánh rừng vừa héo lá bởi tuyết trắng của đợt rét đậm trong năm; phủ rộng các non tơ của lúa, rau, khoai, sắn... trên những cánh đồng miền Trung vừa chìm trong biển nước mùa mưa lũ... (“Chào Xuân Ất Mùi - 2015”). Nói như nhà báo Phan Quang, trong tình huống đề tài lặp lại, Hồng Vinh “vẫn chọn được điểm nhấn đắt giá, phù hợp tình hình thời cuộc vào đúng thời điểm ấy, từ đó khơi gợi cảm nhận của độc giả, góp phần định hướng công tác tư tưởng. Đặc sắc của cây bút Nguyễn Hồng Vinh tại chuyên mục này, theo tôi, vẫn là ở điểm sáng ấy trong ngọn lửa bền”.
Thứ hai, cách viết gần gũi, thuyết phục, viết ngắn, chính trị mà không lên gân, thời sự mà không thô mộc...
Các bài luận của Hồng Vinh thường “bàn” và “luận” để bày tỏ trực tiếp quan điểm, thái độ, chính kiến của tác giả, thông qua các luận điểm, luận cứ, luận chứng, tư duy theo lối quy nạp hoặc diễn dịch. Cái khó là phải viết ngắn.
Viết ngắn tốn nhiều thời gian và công sức, vì như Blaise Pascal - nhà toán học thiên tài, nhà vật lí học nổi tiếng người Pháp, nhà văn, nhà tư tưởng lớn của nhân loại, từng viết cho bạn ông “Xin lỗi vì tôi không có nhiều thì giờ để viết ngắn hơn”. Nói thế để hiểu rằng, Hồng Vinh đã phải dày công khi cố nén thông tin đầy chất “lửa báo” vào trong cái khuôn 500 chữ, làm sao để thuyết phục người đọc. Phải chăng, đó là cách ông chọn lối viết gần gũi, viết gợi là chính.
Viết về đề tài khô khan “Dân làm chủ từ cơ sở”, sau khi dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, ông dẫn chứng “Hàng trăm, hàng nghìn “làng văn hóa”, “ấp văn hóa”,”phường văn hóa”... xuất hiện trên khắp mọi miền đất nước, là kết quả ý thức làm chủ của các tầng lớp nhân dân về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh - quốc phòng”. Và tác giả luận “Thực tiễn đó khẳng định rõ sức mạnh to lớn của nhân dân sẽ được tạo dựng một khi cấp ủy đảng và chính quyền ở từng cơ sở có giải pháp thiết thực, biến khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành hành động cụ thể trong cuộc sống, quyền hành và lực lượng của nhân dân ngày càng được tăng cường và phát huy sức mạnh”.
Viết gợi trong cách đặt vấn đề, trong kết thúc bài luận, nhưng trước hết là trong từng tít bài. Tác giả thường dùng tít gợi là một câu ngắn, chỉ nêu ý nghĩa có tính luận đề, tính biểu trưng, dùng động từ mạnh, để khơi gợi, kích thích người đọc. Có tới hơn trăm tít gợi như thế trong hai tập Giữ lửa: Nội lực, mãi là yếu tố hàng đầu; Vẻ vang thay những người làm báo cách mạng!; Vững tin đổi mới; Cùng góp sức làm đẹp cuộc đời mình, quê hương mình; Tiếp nối con đường Tháng Tám; Sức mạnh từ nhân dân; Lao động với ý chí kiên cường và sáng tạo; Mạnh bước vào năm mới; Dân làm chủ từ cơ sở; Sáng mãi những mùa xuân tuổi trẻ; Chữ tâm đi liền với chữ tầm; Hãy làm cho hoa thơm át đi cỏ dại; Những trang nhật kí thắp sáng tin yêu và hi vọng; Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công; Hiến pháp mới kết tinh ý chí và trí tuệ của toàn dân, toàn Đảng;v.v...
Truyền lửa đam mê
Nhà báo Phan Quang gọi những bài luận của Hồng Vinh trên chuyên mục Vấn đề tháng này là các bài viết “gọn gàng, nhỏ nhẹ”. Quả thật, tôi thấy gọn gàng vì gói được những ý tưởng lớn, định hướng lớn trong một bài viết nhỏ. Nhỏ nhẹ vì tác giả viết như một lời bộc bạch, kể chuyện, gửi gắm...
Bài đầu tiên là “Lựa chọn người có đức, có tài cho đất nước” trên Vấn đề tháng này (tháng 6/1997), vỏn vẹn hơn 430 chữ, vừa định hướng tư tưởng công tác bầu cử Quốc hội Khóa X, vừa liên hệ nhắc nhở một cách nhẹ nhàng trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Trong bài “Cội nguồn sức mạnh và niềm tin”, ông đưa một chi tiết gửi gắm những thông điệp từ trái tim: “Trên bàn thờ tổ tiên của không ít gia đình Việt kiều ở các nước, đều có đĩa đất và chai nước lấy từ Đền Hùng. Mỗi người, mỗi gia đình sống xa đất nước, tuy có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết đều có chung tình yêu Tổ quốc, tình thương đồng bào, mong muốn góp công, góp sức xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ trước lúc đi xa”. Viết như thế, khơi dậy được cả sức mạnh tâm linh và sức mạnh lịch sử của dân tộc, gắn kết được cá nhân với cộng đồng, ở trong cũng như ngoài nước.
Trong “Giữ lửa” (tập 2), bên cạnh những bài trong chuyên mục Vấn đề tháng này là các bài chọn từ chuyên mục Vấn đề quan tâm (đăng ở Tạp chí Tuyên giáo) và nhiều bài nghiên cứu về công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Theo nhà báo Phan Quang, đây là “những chính luận có giá trị”, “những công trình nghiên cứu công phu”, “đầy thông tin cập nhật và có định hướng xử lí vấn đề sáng rõ”. Những bài về văn hóa, tinh thần, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật “bài nào cũng ngồn ngộn thông tin, cho phép người đọc tiếp cận ý kiến nhiều chiều”, “Tôi tin sẽ có những bài tồn tại vượt qua sự ác nghiệt của thời gian”.
183 bài luận giao hòa được “lửa báo” với “hơi văn”, có lẽ bởi tác giả kết hợp được sự nhạy bén chính trị với tay nghề vững vàng trên nền cảm xúc cách mạng của một nhà báo dạn dày kinh nghiệm. Trong khi các cây bút xã luận, bình luận... của các báo có xu hướng giảm, “Giữ lửa” thực sự sẽ truyền lửa chính luận cho các nhà báo đam mê./.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Người Làm Báo điện tử ngày 30.06.2017
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận