Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Pháp quyền Hồ Chí Minh
Pháp quyền Hồ Chí Minh là khái niệm có nội hàm rộng, bao gồm cả tư tưởng và thực tiễn hoạt động của Người về xây dựng nền pháp quyền của chế độ mới. Pháp quyền Hồ Chí Minh thể hiện ở nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong mọi hoạt động đời sống xã hội của tất cả các tổ chức và mỗi người dân - “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”(1). Điểm cốt lõi của pháp quyền Hồ Chí Minh là xây dựng nhà nước pháp quyền “mạnh mẽ và sáng suốt” của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Pháp quyền Hồ Chí Minh hướng tới một xã hội pháp quyền với tôn chỉ mọi người sống và làm việc theo pháp luật, trong đó Nhà nước đứng ở vị trí trung tâm.
Pháp quyền Hồ Chí Minh được hình thành từ nhiều cơ sở thực tiễn và lý luận. Trước hết, khởi nguồn của pháp quyền Hồ Chí Minh là khát vọng tìm kiếm nền công lý cho nhân dân Việt Nam trong tình cảnh sống kiếp nô lệ dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến. Hồ Chí Minh nhận thấy sự đối lập giữa thực tiễn thượng tôn pháp quyền ở chính quốc với tình trạng hoàn toàn ngược lại ở các thuộc địa: “Ở Đông Dương có hai thứ công lý. Một thứ cho người Pháp, một thứ cho người bản xứ. Người Pháp thì được xử như ở Pháp... Nếu có vụ kiện cáo giữa người An Nam với người Pháp thì lúc nào người Pháp cũng có lý cả, mặc dù tên này ăn cướp hay giết người”(2). Sự căm phẫn trước tình cảnh bất công đó không chỉ là động lực thôi thúc Hồ Chí Minh tìm con đường giải phóng dân tộc mà còn hướng đến xây dựng một chế độ xã hội trong đó mọi người đều được bình đẳng trước công lý - một nguyên tắc chủ đạo của pháp quyền.
Những tư tưởng và mô hình pháp quyền hiện thực tác động đến Hồ Chí Minh trong suốt thời gian dài ở Âu - Mỹ trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước. Chủ nghĩa yêu nước là động lực tư tưởng - tình cảm dẫn dắt Hồ Chí Minh đến với tinh hoa văn hóa nhân loại, trong đó có các giá trị pháp quyền. Được thôi thúc bởi khát vọng giải phóng dân tộc và mưu cầu công lý cho nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh quan tâm tìm hiểu lý thuyết và khảo nghiệm thực tiễn nhà nước, pháp luật ở nhiều quốc gia. Nhiều giá trị tiến bộ về pháp quyền ở các nước được xem như là cái nôi, có thành tựu rực rỡ như Anh, Pháp, Mỹ được Hồ Chí Minh biết đến và chọn lọc tiếp thu.
Nền pháp quyền ở châu Âu (Anh, Pháp) và Mỹ chịu nhiều ảnh hưởng của thuyết pháp quyền tự nhiên hiện đại. Theo đó, nhà nước, khi được nhân dân ủy quyền, phải thực thi quyền hướng đến sự bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Quyền con người chính là quyền tự nhiên vốn có, là nguồn gốc của mọi quyền(3), được xem là nguyên tắc nền tảng của pháp quyền. Các quyền con người được thể hiện trong tuyên ngôn và hiến pháp của nhiều nước phản ánh điều đó. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (năm 1776) viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(4). Ở Pháp, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền (năm 1791) có đoạn: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”(5). Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng bởi các tư tưởng này và từ cơ sở đó Người hướng đến một nền pháp quyền trong chế độ mới không chỉ bảo đảm quyền con người mà “suy rộng ra” còn là quyền tự nhiên của các quốc gia dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(6).
Sau khi trở thành người cộng sản (năm 1920), Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển nhận thức về pháp quyền bằng những nghiên cứu lý luận mácxít và khảo nghiệm mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô. Nền pháp quyền Xôviết chủ trương xóa bỏ “phép luật... lợi cho tư bản mà hại cho công, nông”(7); xây dựng và thực thi pháp luật dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tất cả mọi người mà nền tảng là công nhân - nông dân. Không chỉ như vậy, Liên Xô còn hướng đến nền pháp quyền quốc tế với “Những nguyên tắc của Lênin về quyền dân tộc tự quyết, về chung sống hòa bình, không can thiệp vào việc nội bộ của các nước khác, về quyền bình đẳng và quan hệ hai bên cùng có lợi giữa tất cả các nước”(8).
Pháp quyền Hồ Chí Minh được hình thành từ những cơ sở rất đa dạng, toàn diện, từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đến những giá trị phổ quát về pháp quyền mà nhân loại đạt được dưới cả chế độ TBCN và XHCN. Sự gắn kết giữa các giá trị pháp quyền phổ quát với CNXH là một trong những căn cứ chủ yếu để khẳng định bản chất của pháp quyền Hồ Chí Minh là pháp quyền XHCN. Đó là tinh thần thượng tôn pháp luật trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
Hồ Chí Minh không phải là nhà luật học, cả ở khía cạnh nghiên cứu lý thuyết lẫn hoạt động thực tiễn. Hồ Chí Minh nổi bật là một nhà cách mạng, nhà lãnh đạo chính trị và nhà văn hóa. Là nhà cách mạng, Hồ Chí Minh phê phán sự bất công trong chế độ bóc lột và hướng tới xây dựng nền công lý mới; xác định các giá trị pháp quyền vừa là mục tiêu, vừa là nội dung và động lực của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Là nhà lãnh đạo chính trị, Hồ Chí Minh đưa ra các quyết sách và lãnh đạo xây dựng nền pháp quyền của chế độ mới, trong đó tập trung ở xây dựng một nhà nước hợp pháp, hợp hiến và hệ thống pháp luật dân chủ.
Trên cương vị Chủ tịch Nước (1945 - 1969) và Chủ tịch Đảng (1951 - 1969), Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ quá trình xây dựng pháp luật của nước Việt Nam mới trong hơn hai thập niên đầu: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, 16 đạo luật và nhiều văn bản liên quan khác. Là nhà văn hóa, Hồ Chí Minh hướng xây dựng nền pháp quyền kết tinh các giá trị cao đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc và văn minh nhân loại; bản thân Nhà nước và pháp luật trong chế độ mới phải phù hợp với sự phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại; tinh thần thượng tôn pháp luật của mọi chủ thể trong xã hội chính là biểu hiện của lối sống mới trong chế độ mới.
Pháp quyền Hồ Chí Minh hàm chứa tư tưởng và hoạt động thực tiễn biểu hiện tính chất lãnh đạo quá trình xây dựng nền pháp quyền của chế độ mới ở Việt Nam. Giá trị nổi bật của pháp quyền Hồ Chí Minh không thể hiện ở những đóng góp cho nội dung cụ thể của các văn bản luật hay lý thuyết về luật học, mà ở định hướng các nguyên tắc cho quá trình nhận thức và thực tiễn xây dựng, thực thi pháp luật. Với tính chất này, pháp quyền Hồ Chí Minh có giá trị “soi đường” trong hoạch định đường lối và lãnh đạo, quản lý quá trình tổ chức thực tiễn xây dựng nền pháp quyền Việt Nam.
2. “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” - Từ ý nghĩa to lớn đến những chỉ dẫn trong pháp quyền Hồ Chí Minh
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Đại hội XIII xác định 12 định hướng phát triển đất nước, trong đó nội dung thứ 10 là: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”(9).
Thực hiện quan điểm của Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) chủ trương nghiên cứu, ban hành “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” (viết tắt là Chiến lược) với 3 cấu phần: (1) Xây dựng hệ thống pháp luật; (2) Xây dựng nền hành chính nhà nước; (3) Xây dựng nền tư pháp.
Đề án Chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong nhiều thập kỷ tới. Để bảo đảm chất lượng nội dung và hiệu quả hiện thực của Chiến lược, Trung ương đã thực hiện các bước chuẩn bị về tổ chức với việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng ban. Phát biểu khai mạc phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo (ngày 03.7.2021), đồng chí Chủ tịch nước quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền với tư cách là lý luận khoa học, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam soi đường cho toàn bộ nhận thức và hoạt động xây dựng, ban hành Chiến lược. Thấm nhuần quán triệt đó, từ nội dung và giá trị của pháp quyền Hồ Chí Minh, bước đầu khái quát một số chỉ dẫn định hướng cho việc xây dựng và ban hành Chiến lược:
Trước hết, nhất quán tầm quan trọng của xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là “việc cách mạng”. Hồ Chí Minh khẳng định, “Công việc cách mạng là nghìn điều muôn loại phức tạp, khó khăn”(10). Để bảo đảm thắng lợi, một trong những bài học được khái quát từ tư tưởng và thực tiễn của Hồ Chí Minh là nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng. Điều đó quyết định tư tưởng của chủ thể thực hiện - “tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”(11).
Giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước trong tiến trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là một trong những mối quan tâm hàng đầu và xuyên suốt của Hồ Chí Minh. Đó phải là nhà nước hợp hiến, hợp pháp ngay từ khi ra đời lẫn trong toàn bộ quá trình tồn tại và hoạt động sau đó, để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển đất nước, tiếp tục thực hiện các mục tiêu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những hoạt động của Hồ Chí Minh, cả đối nội và đối ngoại, ngay sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập (năm 1945), cho thấy Người xác định rất rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một nhà nước hợp pháp và hợp hiến đối với sự vận động phát triển của sự nghiệp cách mạng và dân tộc Việt Nam.
Suốt thời gian dài trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định đó là nhiệm vụ cấp bách, hệ trọng. Với nhận thức ấy, Hồ Chí Minh dồn tâm sức để lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, góp phần to lớn vào thực hiện mục tiêu vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Chủ trương ban hành Chiến lược xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của Nhà nước pháp quyền đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp đổi mới hiện nay nói riêng. Đại hội XIII khẳng định tính chất quan trọng của xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xem là “nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”, là một trong 12 nội dung định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Nhận thức này phải luôn được quán triệt xuyên suốt quá trình xây dựng, ban hành Chiến lược, giống như đã thể hiện trong toàn bộ tư tưởng và thực tiễn lãnh đạo xây dựng Nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ hai, bảo đảm bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn của xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Pháp quyền Hồ Chí Minh có bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn. Bản chất cách mạng của pháp quyền Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ hướng phục vụ mục tiêu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, rõ nét tính đổi mới trong quá trình hình thành và phát triển. Pháp quyền Hồ Chí Minh được hình thành dựa trên những cơ sở khoa học, được thực tiễn cách mạng Việt Nam đón nhận và khẳng định tính đúng đắn.
Mục tiêu pháp quyền Hồ Chí Minh hướng đến là góp phần giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; thượng tôn, chăm lo bảo vệ, phát triển quyền và giá trị sống của con người. Nhà nước pháp quyền được xây dựng trên nền tảng tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh, do vậy, cũng mang bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn. Đó là tôn chỉ mà tất cả các hoạt động xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải hướng đến.
“Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” trước hết là văn kiện phản ánh quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chiến lược này được xây dựng xuất phát từ thực tiễn hiện nay vốn có không ít điểm khác so với đương thời Hồ Chí Minh. Sẽ có nhiều nội dung mới so với trước được đề cập trong Chiến lược. Tuy nhiên, xét cho cùng, những điểm mới đó phải luôn hướng đến bảo đảm bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn. Bản chất ấy phải luôn là tôn chỉ, mục tiêu, định hướng cho quá trình xây dựng, ban hành và triển khai hiện thực hóa Chiến lược.
Thứ ba, nhận thức và giải quyết tốt một số mối quan hệ chủ yếu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Thực tiễn tồn tại đa dạng các mối quan hệ. Xác định rõ và giải quyết tốt các mối quan hệ mang lại thành công cho “việc cách mạng”. Quá trình xây dựng và ban hành Chiến lược cần nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn đặt ra theo những chỉ dẫn từ pháp quyền Hồ Chí Minh.
Trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển Nhà nước, Hồ Chí Minh đã giải quyết nhiều mối quan hệ chủ yếu:
Mối quan hệ giữa CNXH và các giá trị pháp quyền phổ quát: Đây là mối quan hệ biện chứng rất chặt chẽ. CNXH hướng đến các giá trị tiến bộ và nhân văn trong đó có bảo đảm quyền và sự phát triển của con người bằng tinh thần thượng tôn pháp luật; thực hiện các giá trị pháp quyền phổ quát chính là bảo đảm sự phát triển tiến bộ, công bằng, văn minh của cuộc sống con người - một trong những đặc trưng, mục tiêu mà CNXH hướng đến.
Mối quan hệ giữa dân chủ và pháp quyền: Lịch sử ghi nhận pháp quyền ra đời gắn liền với dân chủ. Nhà nước pháp quyền trước hết phải là nhà nước dân chủ; ngược lại, nhà nước dân chủ phải được bảo đảm bằng pháp quyền. Hồ Chí Minh xây dựng nhà nước hợp hiến, hợp pháp, thượng tôn pháp luật trong tổ chức và hoạt động cũng nhằm hướng đến bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân là chủ và dân làm chủ phải được bảo đảm thông qua Nhà nước pháp quyền.
Mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền và xã hội pháp quyền: Pháp quyền Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng một xã hội pháp quyền, trong đó Nhà nước pháp quyền là trụ cột. Xã hội pháp quyền thể hiện tập trung ở tinh thần và hành động sống và làm việc theo pháp luật của mọi người dân: “Để hoan nghênh Hiến pháp một cách xứng đáng và thiết thực thì nhân dân ta phải thi hành Hiến pháp một cách nghiêm chỉnh”; các lĩnh vực của đời sống “phải có thần linh pháp quyền”(12). Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng pháp luật không phải chỉ để hoàn thiện công cụ quản lý của Nhà nước mà còn là nội dung để nhân dân điều chỉnh nhận thức và hành động một cách nền nếp, tự giác. Xây dựng Nhà nước pháp quyền là chủ đạo, là trụ cột để hướng đến xây dựng được một xã hội pháp quyền.
Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật: Đạo đức và pháp luật cùng có chức năng điều chỉnh nhận thức và hành động của con người theo các chuẩn mực được thừa nhận. Một trong những đặc điểm của đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật. Hồ Chí Minh thường yêu cầu cán bộ, đảng viên và nhắc nhở nhân dân phải sống và làm việc có lý, có tình. Pháp luật phải có tính nhân văn, hướng con người làm điều thiện, tránh điều ác: “Nghĩ cho cùng vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời, và làm người”(13).
Mối quan hệ giữa luật pháp Việt Nam và quốc tế: Hồ Chí Minh hướng xây dựng Nhà nước phù hợp với xu thế và giá trị phổ quát của nhân loại. Việc trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (năm 1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (năm 1791) ngay ở phần mở đầu của Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là minh chứng rõ nét. Hồ Chí Minh bày tỏ: “Đối với tất cả các nước trên thế giới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”(14). Vì lẽ đó, Người gắn Việt Nam với các giá trị pháp quyền quốc tế; tỏ rõ mong muốn Việt Nam là một thành viên hiểu biết và thượng tôn luật pháp quốc tế. Người cũng lên án chủ nghĩa đế quốc và tay sai chà đạp thô bạo lên luật pháp quốc tế.
Thứ tư, kiểm soát tốt quyền lực nhà nước theo tinh thần pháp quyền.
Một trong những lý do ra đời của pháp quyền là kiểm soát quyền lực nhà nước. Mục tiêu xây dựng Nhà nước và pháp luật của Hồ Chí Minh nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi đúng đắn, được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế các nguy cơ bị tha hóa, gây tác hại. Sử dụng pháp quyền để kiểm soát quyền lực nhà nước là điều Hồ Chí Minh hướng đến và thể hiện rõ trong thực tiễn hoạt động lãnh đạo xây dựng chế độ mới. Hiện nay, kiểm soát quyền lực là yêu cầu đang đặt ra rất cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với xây dựng Nhà nước nói riêng, bảo vệ chế độ XHCN và đổi mới, phát triển đất nước nói chung.
Thứ năm, tổ chức tốt lực lượng xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược.
Có đường lối đúng nhưng không tổ chức tốt lực lượng triển khai thực hiện thì hiệu quả mang lại trong thực tiễn sẽ hạn chế. Tính đúng đắn của “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, phải được thể hiện bằng hiệu quả thực hiện trong thực tiễn. Pháp quyền Hồ Chí Minh luôn biểu hiện sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá lý luận. Lãnh đạo xây dựng và ban hành Hiến pháp, Hồ Chí Minh thành lập bộ phận phụ trách với nhiều cán bộ lãnh đạo và chuyên gia làm nòng cốt, đồng thời huy động sự tham gia rộng rãi của nhân dân. Sau khi được ban hành, Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ gương mẫu và tổ chức nhân dân thực hiện pháp luật: “Riêng các đại biểu Hội đồng nhân dân và các cán bộ thì phải phổ biến Hiến pháp một cách kỹ lưỡng và rộng khắp trong nhân dân và gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp và các luật lệ”(15). Vì vậy, quá trình xây dựng Chiến lược cũng phải tổ chức tốt lực lượng thực hiện theo ba nhóm (người lãnh đạo - chuyên gia - nhân dân) như chỉ dẫn của Hồ Chí Minh.
Thực tiễn xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta khái quát bài học: Khi nào trung thành, vận dụng đúng đắn, sáng tạo pháp quyền Hồ Chí Minh thì quá trình thực hiện được soi đường để diễn ra thuận lợi và gặt hái thành quả. Với quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, trước yêu cầu ngày càng cao hiện nay cũng như trong tương lai, quá trình xây dựng và ban hành “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” hơn lúc nào hết phải tiếp tục quán triệt những chỉ dẫn từ pháp quyền Hồ Chí Minh.
___________________________________________________
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.473, 445.
(3) Theo John Locke, trích lại trong: Nguyễn Đăng Dung, Vũ Thành Cự: Pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp,Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 03+04 (427+428), tháng 2-2021.
(4), (5), (6), (7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.4, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.1, 1, 1, 303, 410.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, T.1, tr.118.
(10), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.11, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.610, 269.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.9, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.309
(12), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.12, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.427.
(13) Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1990, tr.174.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 4.7.2022
Bài liên quan
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng - điều kiện để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng”, tăng cường xây dựng văn hoá Đảng
- Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
- Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao dân trí
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Nhà báo Nguyễn Phú Trọng
- 3 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 4 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách hành động hướng đông của Ấn Độ
Năm 2024 đánh dấu chặng đường 10 năm Ấn Độ điều chỉnh từ chính sách Hướng Đông sang Chính sách Hành động hướng Đông (AEP) kể từ lần đầu tiên Thủ tướng N. Modi đề cập trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2014 ở Myanmar. Đối với Trung Quốc, trong quá trình Ấn Độ triển khai AEP, mặc dù chính phủ nước này không đưa ra các tuyên bố chính thức nhưng từ thực tế quan hệ Ấn - Trung, có thể thấy Trung Quốc có các động thái kiềm chế sự điều chỉnh, mở rộng về phạm vi địa lý, lĩnh vực hợp tác và đối tác của Ấn Độ. Theo đó, Trung Quốc đã triển khai chính sách vừa hợp tác, vừa phòng ngừa rủi ro với Ấn Độ để phân tán sự triển khai và hiệu quả của AEP. Thông qua việc phân tích đánh giá phản ứng của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ, kết quả nghiên cứu cho thấy, phản ứng của Trung Quốc đối với AEP là một phần trong chuỗi chiến lược toàn cầu nhằm kiềm toả sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của Ấn Độ không những ở Đông Nam Á, Đông Á mà còn toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các động thái này của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ cũng phần nào ảnh hưởng đến Việt Nam nói riêng và quan hệ Việt - Ấn nói chung.
Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công trình lý luận kết tinh trí tuệ của Đảng và nhân dân Việt Nam; là sự quán triệt, thể hiện và khẳng định nội dung, giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuốn sách cũng đồng thời hàm chứa những chỉ dẫn sâu sắc, quý báu đối với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng - điều kiện để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng - điều kiện để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Là người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Người, xây dựng, chỉnh đốn Đảng không tách rời cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là cuộc đấu tranh không kém phần cam go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng”, tăng cường xây dựng văn hoá Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng”, tăng cường xây dựng văn hoá Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, xây dựng và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cách mạng giành độc lập, thống nhất nước nhà xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhấn mạnh đến sự lớn mạnh của Đảng, trong bài phát biểu kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát và khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(1). Điều này có ý nghĩa khẳng định, rằng những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam giành được trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó, với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước 35 năm qua, cũng chính là thành tựu to lớn có được từ việc luôn củng cố và xây dựng một Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện trên cơ sở của việc không ngừng “đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng (2) nền tảng của xây dựng văn hoá Đảng, tạo nên sức mạnh nội sinh cho năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt chặng đường hơn 90 năm kể từ khi thành lập đến nay.
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Xuất phát từ vai trò, vị thế, sứ mệnh lãnh đạo giai cấp và dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiên phong là “thuộc tính” hàng đầu của người đảng viên chân chính. Yêu cầu phát triển của cách mạng nước ta hiện nay đòi hỏi sự nêu gương, tiên phong của mỗi đảng viên phải trở thành ý thức tự giác cao độ. Trên cơ sở phân tích quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương và thực trạng vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay, tác giả đề xuất nội dung và giải pháp thực hiện nhằm đưa phương thức nêu gương trở thành văn hóa của Đảng, để Đảng mãi mãi đồng hành và xứng đáng là lực lượng tiên phong lãnh đạo toàn dân tộc.
Bình luận