Những thách thức và giải pháp tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng ở các trường cao đẳng, đại học
Công tác tư tưởng là bộ phận cốt lõi của công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X của Đảng đã khẳng định tầm quan trọng của công tác tư tưởng. "Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"(1). Môn học lý luận chính trị trong các trường cao đẳng, đại học là kênh chủ yếu để Đảng và Nhà nước ta triển khai công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin cho sinh viên, những người kế tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phát huy vai trò của môn học lý luận chính trị, tạo điều kiện cho sinh viên vững vàng lý tưởng và niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu cơ bản của đường lối giáo dục của Đảng ta.
1. Sự cần thiết của việc tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng ở các trường cao đẳng, đại học
Lý luận chính trị là tên gọi chung của các môn khoa học thuộc nền tảng tư tưởng của Đảng, bao gồm các môn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lý luận nhà nước, pháp luật... Lý luận chính trị là một môn học cơ bản trong các trường đại học, góp phần giáo dục, tuyên truyền nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng bản lĩnh, ý chí, niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và coi trọng việc giáo dục lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng. Bộ Chính trị (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết về công tác lý luận, khẳng định: "Đổi mới nội dung, chương trình giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên. Gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật kiến thức mới, khắc phục sự trùng lắp, khép kín, thiếu liên thông giữa các chương trình, các cấp học, bậc học. Tăng cường giáo dục, rèn luyện kỹ năng thực hành, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn"(2).
Trong giai đoạn hiện nay, công tác tư tưởng của Đảng là củng cố vai trò chỉ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin trong lĩnh vực tư tưởng, củng cố nền tảng tư tưởng chung cho sự đoàn kết và đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân. Các trường cao đẳng và đại học không chỉ đảm nhận nhiệm vụ truyền đạt kiến thức mà còn gánh vác trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của sinh viên. Các trường cao đẳng, đại học luôn đi đầu trong công tác tư tưởng, nếu chủ nghĩa Mác - Lênin không được chiếm giữ ở trận địa này thì các loại tư tưởng phi mácxít, thậm chí chống chủ nghĩa Mác sẽ chiếm lĩnh, bởi lẽ học sinh, sinh viên luôn là một trong những trọng tâm của cuộc đấu tranh giữa các thế lực thù địch với ta, được ưu tiên hàng đầu trong cuộc đấu tranh này.
Mục đích của việc đào tạo các môn lý luận chính trị trong các trường cao đẳng, đại học là giáo dục tư tưởng mácxít cho sinh viên, chỉ ra phương hướng phát triển về tư tưởng cho sinh viên, để họ trở thành những người kế tục đáng tin cậy của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước những thách thức mới của thời đại, trong bối cảnh đất nước đứng trước tình hình mới, nhiệm vụ mới và yêu cầu mới, các trường cao đẳng, đại học cần phải tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên.
2. Những thách thức đối với các môn học lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, đại học
Nhiệm vụ chính của các môn lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, đại học là trang bị cho sinh viên hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội. Đây là biện pháp quan trọng để xây dựng đội ngũ kế cận cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cũng là đặc trưng của các trường cao đẳng, đại học ở một nước xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong bối cảnh những cuộc đấu tranh tư tưởng ngày càng gay gắt và phức tạp trên phạm vi quốc tế, cũng như sự thay đổi nhanh chóng của môi trường trong nước, đã đặt ra một loạt thách thức đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở các trường cao đẳng và đại học.
Thứ nhất, tác động của sự thâm nhập các giá trị phương Tây.
Toàn cầu hóa là đặc điểm chủ đạo của thế giới ngày nay. Xung đột và sự đan xen các hệ tư tưởng của các quốc gia khác nhau đã mang đến những thách thức đối với việc xây dựng hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các quốc gia phát triển phương Tây dựa vào thực lực kinh tế lớn mạnh của họ đã thâm nhập và làm xói mòn các giá trị chính trị, mô hình chính trị, giá trị văn hóa và các sản phẩm văn hóa mới ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và sinh viên đại học đã trở thành đối tượng quan trọng tiếp thu hệ tư tưởng và các giá trị văn hóa của họ.
Hệ tư tưởng phương Tây với Hoa Kỳ là chủ đạo đã thúc đẩy bá quyền văn hóa trên toàn thế giới với nỗ lực truyền bá khái niệm “xã hội dân sự toàn cầu”. Bài báo “Văn hóa Mỹ thâm nhập mọi nơi trên thế giới” (American Pop Culture Permeates the World) đăng trên tờ “The Washington Post” của Mỹ tin rằng sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ là văn hóa đại chúng được sản xuất hàng loạt, bao gồm phim ảnh, TV, âm nhạc, sách và phần mềm máy tính. Một số nhà xã hội học phương Tây cho rằng sự truyền bá văn hóa đại chúng của Mỹ là bước mới nhất trong một chuỗi dài các nỗ lực nhằm đạt được sự thống nhất toàn cầu.
Các thế lực thù địch phương Tây quảng bá cái gọi là “các giá trị phổ quát”, “chính trị dân chủ”, “chủ nghĩa tân tự do” và các khuynh hướng tư tưởng khác, vu khống tư tưởng của chủ nghĩa Mác, đả kích lịch sử Đảng, lịch sử đất nước, vu khống sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm suy yếu ảnh hưởng của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phá vỡ sự ổn định của đất nước, nhằm làm lung lay niềm tin của dân tộc Việt Nam, làm lung lay bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa, làm loãng niềm tin vào chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội của sinh viên. Những hành vi này của các thế lực thù địch ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và việc học tập các môn lý luận chính trị của sinh viên.
Thứ hai, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các giai tầng xã hội và các nhóm lợi ích đã xuất hiện, xu hướng về giá trị xã hội, các tiêu chuẩn đánh giá ngày càng trở nên thực dụng, dẫn đến các hiện tượng như sùng bái vật chất, tư tưởng hưởng thụ, ích kỷ, thờ ơ. Mặt khác, thực trạng chênh lệch về phân phối thu nhập giữa các vùng miền, các ngành nghề và các thành viên trong xã hội gia tăng đáng kể đã dần làm nảy sinh những mâu thuẫn lợi ích, dẫn đến sự phân hóa trong tư tưởng của người dân. Tình trạng này đã tác động đến niềm tin của sinh viên vào chủ nghĩa Mác và lý tưởng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong thực tế cuộc sống, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, khó khăn trong tìm kiếm việc làm, mua nhà, chi trả cho dịch vụ y tế… đã tạo ra áp lực đối với sinh viên, khiến họ hình dung ra một khoảng cách lớn giữa lý tưởng và thực tế. Tất cả những điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nhận thức về tư tưởng mácxít của sinh viên và phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị.
Thứ ba, ảnh hưởng của các nhân tố tiêu cực trong văn hóa.
Kể từ những năm cuối thế kỷ 20, văn hóa đại chúng đã phát triển nhanh chóng nhờ vận hành theo định hướng thị trường và sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại. Với tính thẩm thấu, tính phổ biến, tính thực tiễn, văn hóa đại chúng đã gây ra những tác động lên tư tưởng chủ nghĩa Mác. Một số giá trị trong văn hóa đại chúng bị nhận thức sai lệch như chủ nghĩa cá nhân cực đoan, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa sùng bái vật chất... đã tác động và lấn át các giá trị chủ đạo, khiến người dân bị khủng hoảng niềm tin vào xã hội chủ nghĩa. Một số sản phẩm văn hóa đại chúng đã bài bác tư tưởng mácxít và văn hóa truyền thống ở một mức độ nhất định; thậm chí, còn xuyên tạc những lý tưởng, niềm tin và nhân vật anh hùng; xuyên tạc truyền thống cách mạng và tinh thần cộng sản. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng đến sự hiểu biết và nhận thức của sinh viên đại học về tư tưởng xã hội chủ nghĩa, làm suy yếu ảnh hưởng của tư tưởng mácxít.
Thứ tư, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu.
Cùng với sự tan rã của Liên Xô năm 1991, phe xã hội chủ nghĩa nhanh chóng tan rã, phong trào cộng sản thế giới lâm vào thoái trào. Những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ ở Liên Xô bao gồm chính sách diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch phương Tây, sự cứng nhắc của mô hình xô viết, sự tha hóa của Đảng Cộng sản Liên Xô... Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng là Đảng Cộng sản Liên Xô từ bỏ vai trò lãnh đạo trên lĩnh vực tư tưởng, đi chệch khỏi chủ nghĩa Mác, từ bỏ lý tưởng và niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, sự hoang mang về tư tưởng dẫn đến mất đảng, mất nước. Một số người đã mất niềm tin vào tương lai của chủ nghĩa xã hội và đổ lỗi cho chủ nghĩa Mác về những trắc trở của chủ nghĩa xã hội trong thực tế, thậm chí phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa Mác và từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Điều này tạo nên thách thức trong việc xây dựng ý thức hệ, làm xói mòn niềm tin của mọi người vào hệ tư tưởng chủ đạo.
Thứ năm, thách thức của mạng Internet.
Internet là mạng thông tin toàn cầu cho nên nó là kênh thuận tiện nhất để tư tưởng và giá trị phương Tây thâm nhập vào học sinh, sinh viên. Các thế lực thù địch phương Tây sử dụng mạng Internet để đưa những tư tưởng của giai cấp tư sản như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa sùng bái vật chất đến với thanh thiếu niên; trong khi đó, thanh thiếu niên chưa trưởng thành về khả năng nhận thức, rất dễ bị thâm nhập bởi những tư tưởng không đúng đắn, hoài nghi vào chủ nghĩa Mác - Lênin và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thông tin thật giả trên mạng khó phân biệt, khó kiểm soát, nếu không có sự hướng dẫn, giám sát hiệu quả, mạng Internet sẽ dễ dàng trở thành nơi tập trung của những tư tưởng sai lệch, thậm chí là phản động. Những vấn đề này đã và đang đặt ra những thách thức to lớn đối với công tác tư tưởng của các trường cao đẳng, đại học ở nước ta.
3. Giải pháp tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng ở các trường cao đẳng, đại học
Môn học lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, đại học đảm nhận nhiệm vụ giáo dục về lý luận mácxít cho sinh viên. Tăng cường giáo dục tư tưởng mácxít là nhiệm vụ hàng đầu của công tác giảng dạy môn học lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, đại học hiện nay. Một số giải pháp nhằm tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng ở các trường cao đẳng, đại học như sau:
Một là, tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trong các trường cao đẳng, đại học.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa giáo dục chính trị tư tưởng và đào tạo chuyên ngành ở các trường cao đẳng, đại học là: giáo dục chính trị tư tưởng không chỉ là một loại hình giáo dục tri thức, mà còn là giáo dục niềm tin trên cơ sở giáo dục tri thức. Vì vậy, chúng ta phải thành lập một đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỷ luật, có tác phong đúng đắn. Trong quá trình xây dựng đạo đức và tu dưỡng con người, các giảng viên lý luận chính trị phải đóng vai trò nêu gương. Vì vậy, để sinh viên đại học thực sự học tập và nắm vững lý luận mácxít, người giảng viên giảng dạy môn lý luận chính trị không những phải có nền tảng lý luận vững chắc, trình độ lý luận sâu sắc mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và dám đưa lý luận vào thực tiễn. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên lý luận chính trị phải có ý thức phát huy đạo đức xã hội chủ nghĩa cho sinh viên, tu dưỡng, rèn luyện những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, trở thành người tuyên truyền tư tưởng, văn hóa tiên tiến, người ủng hộ trung thành cho sự nghiệp cầm quyền của Đảng, gánh vác tốt hơn trách nhiệm của người dẫn dắt và hướng dẫn sinh viên phát triển lành mạnh.
Hai là, coi các môn lý luận chính trị là mặt trận chủ yếu để tăng cường giáo dục tư tưởng mácxít.
Giáo dục lý luận chính trị đặt nền tảng tư tưởng khoa học cho sự trưởng thành của sinh viên trong suốt cuộc đời, do đó các trường cao đẳng, đại học cần làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm nâng cao lòng tin của sinh viên vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng sinh viên tin tưởng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, tuyên truyền các tấm gương của những người dân bình thường cần cù lao động theo đuổi hạnh phúc và theo đuổi ước mơ, nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên về thành quả của chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn, từ đó nâng cao ý thức phản kháng của sinh viên trước các luồng tư tưởng sai lệch khác nhau.
Hơn nữa, cần tăng cường giáo dục niềm tin vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cần giáo dục sinh viên hiểu đúng về xu thế phát triển của thế giới và Việt Nam, hiểu và nắm bắt được sự phát triển của xã hội loài người và tính tất yếu lịch sử của chủ nghĩa xã hội, xác lập niềm tin, phấn đấu vì lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong gần 40 năm đổi mới khiến sinh viên đại học vững tin rằng con đường chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân Việt Nam.
Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Có thể khẳng định rằng, các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội là linh hồn của hệ tư tưởng chủ đạo ở Việt Nam. Giảng viên và sinh viên cần phải trở thành những người tin tưởng, những tuyên truyền viên tích cực về những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Nếu các môn học lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, đại học muốn nêu bật được giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội thì người giảng viên lý luận chính trị cần phải gần gũi với học sinh, nghiên cứu kỹ giáo trình, nghiên cứu kỹ phương pháp giảng dạy; cần sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, làm rõ và giải thích thấu đáo các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, làm cho giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội ăn sâu vào nhận thức của sinh viên, làm cho việc giáo dục các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội hòa nhập vào thế giới tinh thần của lứa tuổi thanh niên, từ đó từng bước chuyển hóa thành hành động thực tế.
Ba là, khai thác tối đa công nghệ thông tin hiện đại để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin.
Một mặt, giảng viên lý luận chính trị cần sử dụng các phương tiện truyền thông mới và công nghệ mới trong việc giảng dạy lý luận chính trị, áp dụng các phương pháp giảng dạy mới kết hợp giữa học trên giảng đường và học sau giờ học, giáo dục trực tiếp và trực tuyến. Thông qua các phương tiện truyền thông mới để tăng tính tương tác giữa người dạy và người học, năm bắt tư tưởng của sinh viên, tăng cường ý thức chính trị của sinh viên, nâng cao sức hấp dẫn của hệ tư tưởng chính thống. Mặt khác, Internet từ lâu đã trở thành trận địa cho các cuộc tranh luận về tư tưởng, giảng viên lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, đại học phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm xã hội cao, phải luôn có ý thức theo dõi những điểm mới trên lĩnh vực tư tưởng, kiên quyết chống lại sự xâm nhập của tư tưởng phương Tây.
Đất nước đang bước vào thời kỳ mới, để có thể bảo vệ được những thành quả của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và tạo ra những thành quả tiếp theo, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát huy hết chức năng của các môn lý luận chính trị ở các trường cao đẳng và đại học, luôn tìm tòi, áp dụng nội dung và hình thức mới trong giảng dạy, tăng cường hiệu quả của các môn lý luận chính trị trong việc nâng cao niềm tin của sinh viên vào tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời làm cho sinh viên thực sự yêu thích môn học lý luận chính trị./.
____________________________________________
(1) Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, 2007.
(2) Bộ Chính trị khóa XI, Nghị quyết số 37-NQ/TW này 9.10.2014 về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Về tộc danh "Mán" trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, tỉnh Gia Lai năm 1946
- Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở các trường đại học trong bối cảnh hiện nay
- Một số kinh nghiệm giải quyết vấn đề an ninh mạng của Trung Quốc hiện nay
- Thực trạng tiếp nhận các sản phẩm văn hóa giải trí xuyên quốc gia của giới trẻ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
- Phát huy giá trị các nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung hiện nay
Xem nhiều
-
1
Mạch Nguồn số 41: Giữ hồn Rối, truyền sử Việt
-
2
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đại học ở Việt Nam hiện nay: thực trạng và giải pháp
-
3
Về tộc danh "Mán" trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, tỉnh Gia Lai năm 1946
-
4
Mạch Nguồn số 42: Phố sách Hà Nội - Điểm hẹn tri thức
-
5
Khoa Quan hệ quốc tế 40 năm xây dựng và phát triển
-
6
Kỹ năng trả lời phỏng vấn báo chí
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Những yêu cầu về kĩ năng biên tập ngôn ngữ sách lý luận chính trị đáp ứng mục tiêu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay
(LLCT&TTĐT) Sách khoa học lý luận chính trị là loại sách đặc thù, mang đậm nội dung xã hội từ góc nhìn chính trị và thể hiện quan điểm chính trị rõ ràng của người viết. Tính khoa học trong việc trình bày các vấn đề chính trị tạo nên đặc thù khoa học của loại hình sách này. Do đó, để biên tập được loại hình sách này, yêu cầu biên tập viên cần có những kỹ năng riêng, khác với các loại hình sách khác, trong đó, kỹ năng biên tập ngôn ngữ là một kỹ năng quan trọng, đòi hỏi biên tập viên cần có sự chuyên sâu về kiến thức ngôn ngữ. Bài viết trình bày về những yêu cầu đối với kỹ năng biên tập ngôn ngữ đối với bản thảo sách khoa học lý luận chính trị đáp ứng mục tiêu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là các kỹ năng: đáp ứng tính chính xác chính trị; đạt được chuẩn phong cách đối với phong cách sách khoa học lý luận chính trị; tính thời sự và tính định hướng chính trị.
Về tộc danh "Mán" trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, tỉnh Gia Lai năm 1946
Về tộc danh "Mán" trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, tỉnh Gia Lai năm 1946
(LLCT&TT ĐT) Ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Nam tại Pleiku. Bức thư chỉ có 280 chữ, thể hiện tình cảm và niềm tin sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào các DTTS miền Nam cũng đồng thời cho đồng bào cả nước trong cuộc đấu tranh vì nền độc lập của Tổ quốc. Hơn bảy thập kỷ qua, có nhiều người còn băn khoăn chưa hiểu rõ về bối cảnh mà Bác Hồ đã sử dụng tộc danh, trong đó có tên gọi “Mán” đối với người Dao, trong bức thư quan trọng này. Do vậy, cần làm rõ những chỉ dẫn ân cần, sâu sắc của Người về Đoàn kết - Yêu nước, về Độc lập - Tự do là vấn đề cấp thiết mang tính thời sự.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở các trường đại học trong bối cảnh hiện nay
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở các trường đại học trong bối cảnh hiện nay
(LLCT&TT ĐT) Chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị ở các trường đại học có tính chất quyết định đến kết quả đào tạo đồng thời là một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Vì thế, việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị là một nhiệm vụ trọng tâm, cần có định hướng lâu dài, thực hiện đồng bộ, toàn diện với nhiều giải pháp đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Một số kinh nghiệm giải quyết vấn đề an ninh mạng của Trung Quốc hiện nay
Một số kinh nghiệm giải quyết vấn đề an ninh mạng của Trung Quốc hiện nay
(LLC&TTĐT) Cuộc cạnh tranh giành ưu thế trên không gian mạng giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Việc sử dụng không gian mạng để kiểm soát quyền ngôn luận về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, dư luận xã hội... nhằm phục vụ cho sự cạnh tranh, đối đầu giữa các tổ chức, thậm chí giữa các quốc gia, đã trở thành một cách làm phổ biến của cộng đồng quốc tế. Các hoạt động phá hoại nhằm vào hệ thống thông tin mạng đã phát triển thành việc kiểm soát không gian mạng, biến không gian mạng thành công cụ và phương tiện quan trọng để giành lợi ích chính trị hoặc kinh tế. Nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc đã, đang bị tổn hại bởi các cuộc tấn công, thâm nhập liên lĩnh vực và liên không gian một cách thường xuyên, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, làm tê liệt nhiều chức năng xã hội, phá hoại an ninh quốc gia. Trước những mối nguy cơ và các cuộc tấn công trên không gian mạng, Trung Quốc đã có những biện pháp phòng, chống khá hiệu quả, qua đó, gợi mở kinh nghiệm cho Việt Nam.
Thực trạng tiếp nhận các sản phẩm văn hóa giải trí xuyên quốc gia của giới trẻ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
Thực trạng tiếp nhận các sản phẩm văn hóa giải trí xuyên quốc gia của giới trẻ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay
(LLCT&TTĐT) Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang là điều kiện, động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, các sản phẩm văn hóa giải trí xuyên quốc gia phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc tiếp xúc và giao lưu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay mang đến nhiều thách thức và ảnh hưởng đến giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Đánh giá những mặt tích cực, hạn chế về thực trạng tiếp nhận các sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia và định hướng một số giải pháp nhằm tạo môi trường cho các sản phẩm văn hóa truyền thống được giao thoa, ươm mầm và nảy nở là nội dung bài viết hướng tới.
Bình luận