Những yêu cầu cơ bản trong thực hiện văn hóa dân chủ ở Việt Nam hiện nay
1. Quan niệm về văn hóa dân chủ
Văn hóa có ở mọi mặt của đời sống xã hội với những mức độ khác nhau. Mọi hoạt động của con người cần đạt tới có tính văn hóa, trở thành văn hóa và ngày càng mang giá trị văn hóa cao hơn. Vì thế, ngày nay, nhiều thuật ngữ xuất hiện gắn liền với từ “văn hóa”: văn hóa đạo đức, văn hóa giao tiếp, văn hóa chính trị, văn hóa sinh thái, văn hóa dân chủ… Thuật ngữ “văn hóa dân chủ”, đưa văn hóa thâm nhập vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có chính trị, mà hạt nhân của nó là dân chủ đã được sử dụng khá rộng rãi vào những năm cuối thế kỷ XX ở nhiều nước trên thế giới. Thật ra, việc đưa văn hóa vào dân chủ không phải là vấn đề mới, vì bản thân dân chủ là một giá trị lịch sử, tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau gắn với giai cấp chủ đạo (dân chủ chủ nô, dân chủ tư sản, dân chủ nhân dân, dân chủ XHCN). Nhưng, giữa các dạng thức dân chủ trên vẫn có một yêu cầu mang tính nhân văn, giá trị phổ biến chung của nhân loại.
Chẳng hạn, chỉ riêng ở lĩnh vực chính trị, yêu cầu cơ bản, phổ biến của dân chủ là: tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; có quyền tự do tư tưởng, tự do ý chí; bảo đảm các quyền cơ bản của con người; nguyên tắc bầu cử tự do và công bằng v..v. Như vậy, dân chủ không chỉ là một quyền lực chính trị, một chế độ chính trị, một phạm trù có tính giai cấp, mà còn là một giá trị xã hội, một thành tựu văn hóa, một yêu cầu nhân văn. Không dân chủ đương nhiên là phi văn hóa, nhưng dân chủ được thể hiện ở các cấp độ khác nhau của văn hóa. Vì vậy, khi nói văn hóa dân chủ là muốn nhấn mạnh đến yếu tố phổ biến, yếu tố chủ đạo, định hướng của văn hóa trong dân chủ.
Khái niệm văn hóa dân chủ liên quan đến khái niệm văn hóa. Đến nay, đã có hàng trăm quan niệm khác nhau về văn hóa, trong đó có những khía cạnh được thống nhất: một là, văn hóa là hệ thống giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra, được lưu truyền, tích lũy trong lịch sử của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, cũng như toàn nhân loại; hai là, văn hóa là sản phẩm của hoạt động người, song không phải mọi sản phẩm văn hóa của hoạt động người đều được xem là sản phẩm văn hóa, mà nó ẩn chứa trong hoạt động và sản phẩm của hoạt động đó; ba là, thông qua hoạt động thực tiễn, con người không chỉ sáng tạo ra thế giới văn hóa, mà còn sáng tạo ra chính bản thân mình; với ý nghĩa đó, con người vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của văn hóa; văn hóa là mục tiêu vươn tới và cũng là động lực thúc đẩy con người hoạt động, đóng vai trò là nền tảng tinh thần của con người và xã hội.
Theo đó, có thể hiểu: văn hóa dân chủ là một phương diện văn hóa. Ở đó, kết tinh toàn bộ giá trị, phẩm chất, năng lực, trình độ và phương thức hoạt động dân chủ, được hình thành trên cơ sở nhận thức sâu sắc các quan hệ dân chủ hiện thực cũng như thiết chế dân chủ tiến bộ được lập ra để thực hiện lợi ích cơ bản của giai cấp hay của nhân dân phù hợp với sự phát triển lịch sử. Ở đây, có mấy điểm đáng chú ý:
Một là, là một phương diện văn hóa, văn hóa dân chủ là một biểu hiện đặc thù những yếu tố chung của văn hóa trong lĩnh vực dân chủ. Đó là toàn bộ những giá trị của đời sống dân chủ, do hoạt động dân chủ tạo ra, như: tri thức, năng lực, trình độ hoạt động của chủ thể; nó chứa đựng các phẩm chất nhân văn, nhân đạo, vươn tới sự phát triển và sự tiến bộ xã hội. Có thể nói, nếu văn hóa cá nhân là linh hồn của mỗi cá nhân con người, văn hóa cộng đồng là linh hồn của xã hội, văn hóa thời đại là linh hồn của thời đại, thì văn hóa dân chủ là linh hồn của nền dân chủ. Nó có mặt trong mọi lĩnh vực, mọi cấp độ, mọi hình thức của đời sống dân chủ (cái lõi cơ bản là bảo đảm quyền lực của nhân dân).
Hai là, tính nhân văn là cơ sở của văn hóa dân chủ, vai trò quyền lực của nhân dân là thước đo trình độ văn hóa dân chủ. Để khảo sát, định giá trình độ văn hóa dân chủ trước hết phải khảo sát nó trong mối quan hệ với vai trò của nhân dân. Vai trò của nhân dân to lớn bao nhiêu thì văn hóa dân chủ càng ở trình độ cao bấy nhiêu. Bởi vì, nó là thước đo trình độ dân trí của người dân, trình độ văn minh, tiến bộ của đất nước, mối quan hệ an hòa, đồng thuận giữa người dân với thể chế chính trị và thể chế dân chủ. Độc đoán, quan liêu, mất dân chủ đều là đối lập với văn hóa dân chủ.
Ba là, văn hóa dân chủ vừa là thước đo trình độ phát triển, vừa là kết quả của sự tích lũy và chuyển giao giữa nhiều thế hệ của mỗi dân tộc nhất định. Với thời gian, truyền thống văn hóa sẽ được hình thành ở mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, thể hiện rõ trình độ phát triển và những đặc tính riêng của mỗi nền văn hóa. Có thể nói, văn hóa vừa là thước đo trình độ phát triển, vừa là “mật mã di truyền” của mỗi dân tộc. Vì thế, những tri thức, năng lực sáng tạo, phương thức, thể chế dân chủ phải được từng bước hoàn thiện theo hướng tiến bộ và nhân văn. Những yếu tố đó dần dần ăn sâu, thẩm thấu vào cộng đồng giai cấp, dân tộc và quần chúng nhân dân, khi trở thành niềm tin, nếp tư duy, nếp sống, thói quen tích cực của con người thì tính chất văn hóa của dân chủ mới đạt tới trình độ cao.
Nói cách khác, trình độ văn hóa dân chủ thể hiện những tri thức, năng lực, phương thức dân chủ được sáng tạo, tích lũy, kế thừa, phát triển trong lịch sử nhờ quá trình hoạt động thực tiễn của con người. Các giá trị này được cộng đồng chấp thuận, vận hành trong đời sống xã hội và liên tiếp truyền lại cho thế hệ sau. Nó thể hiện trình độ phát triển và những đặc tính riêng của mỗi dân tộc trong điều kiện lịch sử nhất định. Đương nhiên, “chế độ dân chủ cũng là một hình thức nhà nước và sẽ phải mất đi khi nhà nước tiêu vong, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi chủ nghĩa xã hội thắng lợi hoàn toàn và được củng cố, quá độ lên chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn”(1).
2. Những yêu cầu cơ bản trong xây dựng và thực hiện văn hóa dân chủ ở Việt Nam hiện nay
Với tư cách là đỉnh cao trong toàn bộ lịch sử tiến hóa của dân chủ, dân chủ XHCN - mà nội dung cơ bản của nó là toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân thực sự là người chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội - kết tinh trong bản thân mình toàn bộ giá trị dân chủ đạt được trong lịch sử và phát triển những giá trị dân chủ mới về chất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân”(2).
Như vậy, chế độ dân chủ thực chất là chế độ ủy quyền của nhân dân cho các cơ quan nhà nước và nhà nước là cơ quan quyền lực của nhân dân, thực thi sự ủy quyền của nhân dân. Ở đây, dân chủ trở thành giá trị phổ biến của xã hội, thâm nhập vào mọi quan hệ chính trị - xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với nội dung trên, dân chủ XHCN đã mang ý nghĩa nội dung, bản chất của văn hóa dân chủ và là văn hóa dân chủ cao nhất từ trước đến nay. Cho nên, quá trình xây dựng thực hiện văn hóa dân chủ ở Việt Nam hiện nay cần quán triệt một số yêu cầu cơ bản sau:
Một là, quán triệt quan điểm dân chủ nhất nguyên do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Chế độ dân chủ nhất nguyên, không đa nguyên chính trị thể hiện trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo của một Đảng duy nhất cầm quyền tại Việt Nam, là điều kiện cơ bản tạo ra một đời sống văn hóa dân chủ cao, một hệ thống chính trị thống nhất.
Nền chính trị nhất nguyên ở nước ta là do Đảng và nhân dân ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng CNXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại độc lập cho quốc gia, dân tộc và những quyền cơ bản nhất cho toàn thể nhân dân. Đó là độc lập, tự do, hạnh phúc; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; là quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu theo pháp luật; phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương xã hội; là sự phát triển trong đa dạng các bản sắc văn hóa dân tộc; là sự tiến bộ trong giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ; v.v.. nhằm mục tiêu vì sự tiến bộ và phát triển toàn diện con người.
Thể chế một Đảng duy nhất cầm quyền rất thuận lợi cho quá trình thực hiện dân chủ trong xã hội, tạo được sự ổn định chính trị, thống nhất quyền lực, tạo được sự đồng thuận trong quá trình thực hiện và mở rộng dân chủ. Tuy nhiên, quyền lực có tính hai mặt: một mặt, quyền lực là sức mạnh to lớn để Đảng cầm quyền sử dụng nhằm đưa cả dân tộc và sự nghiệp xây dựng đất nước đến những thắng lợi mới; mặt khác, quyền lực có thể làm hư hỏng con người, thậm chí cả một đảng nắm quyền lực.
V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ rất sớm những biểu hiện hư hỏng tham quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tranh giành quyền lực, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Kinh nghiệm từ sự sụp đổ CNXH ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước kia cho thấy, các thế lực thù địch đã lợi dụng sự tha hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên, sự quan liêu, tham nhũng của bộ máy nhà nước để tách dân với đảng, đảng dần dần mất đi cơ sở xã hội - giai cấp của mình, mất đi vai trò đại biểu lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đảng mất dân là mất tất cả, cho nên quan hệ giữa Đảng cầm quyền với nhân dân trở thành quan hệ sống còn đối với chế độ. Dân không làm chủ, mất lòng tin, đứng ngoài chính trị thì khủng hoảng là không tránh khỏi.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ CNXH ở những nước này. Do đó, ở Việt Nam, Đảng phải là tấm gương quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc, phát huy cao độ dân chủ XHCN, làm cho những quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo đối với sự phát triển xã hội, mục tiêu của Đảng được thực hiện bằng sức mạnh của toàn thể dân tộc; phải “tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”(3). Mức độ thực hiện quyền dân chủ của nhân dân được xem là thước đo đánh giá tính đúng đắn trong sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo làm sao để nhân dân làm chủ ngày càng tốt hơn, dân chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng, đầy đủ và sâu sắc hơn.
Hai là, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN vừa là yêu cầu cơ bản, vừa là điều kiện cho việc xây dựng và thực hiện văn hóa dân chủ.
Với Nhà nước pháp quyền XHCN, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thể chế hóa thành những quy định có tính pháp lý quy định nghĩa vụ của Nhà nước trước nhân dân và của nhân dân trước Nhà nước và xã hội. Trong những năm qua, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đã đạt được những thành tựu, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, cần “xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất”(4).
Thực hiện dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, kỷ cương, nhằm xây dựng Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước cần bảo đảm giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nhưng không rơi vào tình trạng Đảng bao biện, làm thay chức năng, nhiệm vụ quản lý của chính quyền. Phát huy trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan nhà nước trong thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, tin dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, chịu khó học hỏi, nói đi đôi với làm…
Để tạo cơ sở pháp lý cho nhân dân làm chủ, Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam đã từng bước đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của mình từ một nhà nước chủ yếu quản lý bằng phương pháp hành chính, bao cấp với bộ máy tổ chức cồng kềnh, chức năng chồng chéo, hiệu lực và hiệu quả thấp sang một nhà nước thực hiện quản lý bằng pháp luật là chủ yếu, bộ máy tổ chức gọn hơn, đội ngũ cán bộ, công chức tinh thông nghiệp vụ hơn.
Đặc biệt, đã có bước chuyển quan trọng trong việc tách dần chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về kinh tế. Nhà nước đã có những chính sách động viên, thu hút nhân dân vào xây dựng tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước, tham gia quản lý, kiến nghị chính sách, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân; cung cấp thông tin cho dân biết, dân bàn, dân kiểm tra; v.v.. Tuy nhiên, “hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn”(5), còn nhiều khe hở, chưa phản ánh kịp thời đời sống pháp luật và đời sống đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN; kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém.
Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần xây dựng Nhà nước thật sự là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, để quyền tự do, dân chủ của con người được thực hiện đầy đủ trong thực tế. Cần “giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước, nhất là về thể chế, chính sách”(6). Ở đây, quan hệ giữa cá nhân và xã hội, công dân và nhà nước, pháp luật và tự do được giải quyết trên tinh thần tự do của mỗi người là điều kiện tự do cho mọi người. Cần làm sao để chính sách và pháp luật của Nhà nước tạo nền tảng pháp lý để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong đời sống xã hội cũng như trong kiểm tra, giám sát, xây dựng Nhà nước. Cần chú ý là, dân chủ - suy cho cùng - do các quan hệ sản xuất trong một xã hội quyết định. Do đó, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN “là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo”(7) là yêu cầu cơ bản để tạo môi trường thuận lợi, cơ sở cho quá trình thực hiện dân chủ XHCN.
________________________________
(1) V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.27, tr.324.
(2) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, T.7, tr.434.
(3), (4), (5), (6), (7) ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.1, tr.38, 174-175, 89, 44-45, 128.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị ngày 23.6.2022
Bài liên quan
- Quan điểm của Đảng ta về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội
- Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý
- Một số suy nghĩ về phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam
- Tương lai cho thế hệ vươn mình
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Xem nhiều
-
1
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
-
2
Xây dựng chính quyền điện tử tại Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ hướng tới chính quyền số năm 2030: cơ hội và thách thức
-
3
Tương lai cho thế hệ vươn mình
-
4
THÔNG BÁO VỀ VIỆC XUẤT BẢN TẠP CHÍ CHUYÊN ĐỀ TỪ NĂM 2025
-
5
Chi bộ Văn phòng Đảng – Hội đồng trường – Đoàn thể tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
-
6
Chi bộ Ban Kế hoạch – Tài chính tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đảng bộ Lữ đoàn Tên lửa 490 nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Xuyên suốt tiến trình cách mạng, công tác đảng, công tác chính trị luôn là bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Điều này nhằm đảm bảo và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, đồng thời nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Trước yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới, Đảng bộ Lữ đoàn Tên lửa 490 đã phát huy tốt công tác đảng, công tác chính trị, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, thực hiện thành công các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Quan điểm của Đảng ta về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội
Quan điểm của Đảng ta về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội
Trong tiến trình đổi mới, lãnh đạo chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện quan điểm về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Quá trình này đồng thời cũng là quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý
Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là bước đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm tầng nấc trung gian và nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, góp phần tạo ra một hệ thống quản trị linh hoạt, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự đồng thuận của toàn dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là điều kiện quan trọng bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một số suy nghĩ về phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam
Một số suy nghĩ về phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam
Sự nghiệp đổi mới đất nước gần 40 năm qua đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn. Một số vấn đề chưa được nghiên cứu, tổng kết toàn diện, đầy đủ, trong đó có vấn đề phương thức cầm quyền và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu hoàn thiện phương thức cầm quyền, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng càng trở nên cấp thiết.
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, thanh niên - thế hệ trẻ luôn giữ vị trí quan trọng, được ví như rường cột quyết định sự hưng thịnh của dân tộc. Trong mọi thời kỳ cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò nòng cốt, từ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước đến công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, lịch sử của Đảng ta từ khi ra đời đến nay luôn có dấu ấn, thể hiện rõ vai trò của các thế hệ thanh niên ưu tú, xuất sắc của dân tộc. Các đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên, các nhà lãnh đạo tài ba của Đảng, các trí thức lớn của Việt Nam đều đã giữ các cương vị trọng trách ngay từ khi còn đang tuổi thanh niên.
Bình luận