Phát huy lợi thế dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII
Thực trạng dân số vàng và già hóa dân số ở Việt Nam
Kỷ nguyên thời kỳ dân số vàng bắt đầu từ năm 2007 với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 67,31% và năm 2019 gần 69%(1) (so với năm 1979: 53%); trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%, cao hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 2019(2).
Theo quy luật, thời kỳ dân số vàng là cơ hội “có một không hai” đối với các quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội và cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam đang có lợi thế về “số lượng dân số vàng” nhưng chưa “vàng về chất lượng” nên chất lượng nguồn nhân lực là một thách thức lớn nhất trong quá trình CNH và HĐH.
Mặc dù các con số thống kê hàng năm đều chứng minh sự tăng tuyến tính cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, tuy nhiên, nếu so sánh với tổng số lực lượng trong độ tuổi lao động thì chất lượng lao động nước ta thấp, số người trong độ tuổi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chỉ chiếm 24,1% (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020) và sẽ là một thách thức lớn trong thị trường lao động bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao nhưng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến gia tăng tình trạng thiếu việc làm cho thanh niên; tỷ lệ thanh niên di cư lao động trong và ngoài nước có xu hướng tăng nhanh, nhưng các chính sách lao động, việc làm và các dịch vụ xã hội chưa được điều chỉnh kịp thời.
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo các nhóm nghề, nhất là lao động giản đơn được khá chậm chạp. Số liệu thống kê cho thấy từ 39% năm 2009 còn 36% vào năm 2018 và như vậy trong 10 năm nhưng chỉ giảm được 3%, trong suốt một thời gian dài nền kinh tế gần như vẫn giữ nguyên cơ cấu sử dụng lao động giá rẻ(3). Nhóm ngành sử dụng công nghệ cao mới đạt khoảng 20%(4); chỉ số kinh tế tri thức KEI, nước ta xếp thứ 104/146 nước và lãnh thổ trong năm 2012, tăng 9 bậc so với 113/146 vào năm 2000 nhưng vẫn thuộc nhóm trung bình kém(5). Đạt được mức này, chỉ do yếu tố công nghệ thông tin có tiến bộ nhanh, còn lại các yếu tố khác của kinh tế tri thức đều chưa có đóng góp đáng kể.
Về năng suất lao động, Việt Nam đang nằm trong nhóm thấp của khu vực: giai đoạn 2016-2020 tăng 5,79%/năm, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015: 4,27%/năm(6). Tuy nhiên, mức tăng vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực: chỉ bằng 8,4% mức năng suất của Xin-ga-po; 23,1% của Ma-lai-xi-a; 41,5% của Thái Lan; 55,5% của In-đô-nê-xi-a và 62,8% của Phi-lip-pin; chỉ cao hơn Cam-pu-chia (gấp 1,8 lần). Đáng chú ý là chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam tuy có rất nhiều thành tựu nhưng vẫn trong nhóm thu nhập trung bình thấp của thế giới, GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên 2.750 USD năm 2020. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng định hướng phấn đấu GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5% - 7%/năm và đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD(7). Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD.
Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” sẽ kết thúc sớm”, mặc dù năm 2007, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số vàng, nhưng đến năm 2011, nước ta đã bước vào già hóa dân số và năm 2009 tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 8,7% nhưng đến năm 2019 đã chiếm 12%. Trong vòng 10 năm, dân số cả nước tăng thêm 10,362 triệu người, đồng thời, người cao tuổi tăng khoảng 4 triệu người.
Theo quy luật biến đổi nhân khẩu học, khi kết thúc thời kỳ “dân số vàng” đồng thời cũng là giai đoạn chuyển sang thời kỳ “dân số già”, chính vì vậy mục tiêu xuyên suốt của chính sách dân số trong bối cảnh này là phát huy dư lợi dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội chủ động tích lũy các nguồn lực thích ứng khi bước vào thời kỳ già hóa dân số. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của nước ta xếp theo tiêu chí của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) khá thấp: thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2020 là 2,48%, nhưng điểm nghẽn nằm ở chất lượng lao động là vấn đề thách thức lớn với nền kinh tế; năng suất lao động thấp, thu nhập thấp, đa phần người dân, đặc biệt là khu vực phi chính thức, làm bữa nay lo bữa mai, không có tích lũy cho tương lai, về mặt chất lượng, chúng ta chưa tận dụng được cơ hội dân số vàng.
Già hóa dân số là một trong những bằng chứng cho thấy thành tựu to lớn của công cuộc “Đổi mới” với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam những năm qua. Con người sống lâu hơn nhờ các điều kiện tốt hơn về chế độ dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ y học, chăm sóc y tế, giáo dục và đời sống kinh tế. Ở Việt Nam tuổi thọ của người dân ở nước ta liên tục được cải thiện năm 1999 là 68,6 tuổi đến năm 2019 lên 73,6 tuổi, đây là một trong những điểm nhấn thành công trong thực hiện chính sách dân số suốt 4 thập kỷ vừa qua.
Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, nghĩa là cứ bốn người dân có một người cao tuổi. So với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, quá trình này kéo dài hàng trăm năm: Thụy Điển là 85 năm, Nhật Bản là 26 năm và Thái Lan là 22 năm; trong khi dự báo ở Việt Nam lại chỉ khoảng 20 năm(8) và sẽ bước vào giai đoạn dân số “siêu già” năm 2049.
“Bước nhảy vọt” của tiến trình già hóa dân số sang dân số già đang tạo ra những áp lực trong tương lai đối với mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở nước ta và áp lực cho lưới an sinh xã hội.
Nắm bắt những lợi thế và thách thức của động thái dân số trong giai đoạn hiện nay, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ đạo “chủ động thích ứng với xu thế già hóa dân số”(9). Già hoá nhanh dẫn đến dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống gây khủng hoảng nguồn nhân lực cho thị trường lao động; tăng nhanh tỷ lệ dân số phụ thuộc, gây áp lực với hệ thống y tế, lương hưu, hệ thống bảo trợ xã hội đối với chăm sóc cho người cao tuổi; tăng trưởng kinh tế chịu nhiều áp lực vì không thích ứng kịp bởi gánh nặng với các chương trình lưới an sinh xã hội phục vụ nhu cầu cho người cao tuổi, thách thức cho vấn đề đảm bảo đời sống tinh thần, giải quyết mâu thuẫn, xung đột thế hệ trong thời kỳ dân số già.
Tiến trình già hóa dân số sang dân số già của nước ta đang được nhìn nhận vừa là thành tựu đồng thời là thách thức trong điều kiện Việt Nam vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, điều này sẽ là rào cản cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bức tranh về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi ở nước ta đang đặt ra nhiều thách thức ở cả ba cấp độ cá nhân, gia đình và xã hội. Theo kết quả khảo sát có tới 70% người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp(10); 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc(11); 70% người cao tuổi có khó khăn về vật chất: tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%; chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình 1 người mắc 3 bệnh, 67,2% người có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, vì vậy, tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi); hiện cả nước mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội, còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình(12).
Điều này phản ánh một thực tế là tuy sống thọ nhưng không đồng nghĩa với khỏe mạnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của nhóm người này. Hiện nay cả nước chỉ có một bệnh viện đầu ngành chăm sóc cho người cao tuổi - Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ở các tỉnh, theo thống kê mới nhất, chỉ khoảng 20% các bệnh viện tỉnh có khoa lão khoa, chủ yếu tập trung ở tỉnh có dân số đông. Rất nhiều bệnh viện tuyến tỉnh chưa thành lập được khoa lão khoa. Ngành công tác xã hội với các loạt hình dịch vụ chuyên môn về chăm sóc người cao tuổi ở nước ta còn thiếu đồng bộ, kinh phí thực hiện khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng đủ nhu cầu, số lượng bác sỹ, điều dưỡng học chuyên về ngành lão khoa còn thiếu, vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi cũng như khám tư vấn chuyên sâu tại cộng đồng chưa thực hiện tốt;…
Trong khi đó, với người già, sức khỏe và khuyết tật ở tuổi trên 60 chiếm tới 43,28%, họ gặp ít nhất một loại khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày tăng từ 28% ở người 60-69 tuổi lên hơn 50% ở người trên 80 tuổi. Trung bình số năm đau ốm là 7,3 năm (10% của tuổi thọ(13). Vì vậy, công tác khám, chữa bệnh cho người cao tuổi là đặc biệt quan trọng giúp họ có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Yêu cầu bức thiết phải xây dựng một hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đồng bộ, toàn diện ngay từ bây giờ. Nếu không, các vấn đề già hóa dân số sẽ là gánh nặng cho kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và cả tương lai.
Phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số
Với mục tiêu mà Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh trong lĩnh vực dân số “Phát huy lợi thế dân số vàng, chủ động thích ứng với già hóa dân số”(14) là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với động thái dân số trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện đồng thời hai mục tiêu đó vừa đảm bảo hiện thắng lợi mục tiêu của chiến lược dân số Việt Nam 2030 vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững về kinh tế và xã hội góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Vậy những giải pháp nào để hoá giải song đề tận dụng cơ cấu dân số vàng và chủ động thích ứng với già hoá dân số.
Thứ nhất, để phát huy dư lợi dân số vàng phải đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng tiến trình CNH và HĐH ở nước ta cũng như ứng phó với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Với tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo trên 75% trong tổng số lực lượng lao động ở nước ta hiện nay là một thách thức lớn trong trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng cạnh tranh lao động khốc liệt. Bên cạnh đó các cấp các ngành cần tạo ra nhiều việc làm nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng phù hợp với cơ cấu độ tuổi lao động, cơ cấu trình độ chuyên môn, cơ cấu vùng miền cần được tính toán cụ thể và có lộ trình thích hợp.
Thứ hai, thực hiện những chương trình, công trình nghiên cứu nhằm khảo sát số lượng và chất lượng cơ cấu nguồn lao động trong các ngành, nghề, trong từng địa phương, trên cơ sở đó, đánh giá thực trạng và đề ra giải pháp phù hợp. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động - nguồn nhân lực thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn,…để khuyến khích học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Tiến tới xây dựng lượng lao động chất lượng: có tay nghề, trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc trong điều kiện mới với những ngành nghề mới trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đi liền với có chế độ đãi ngộ tốt để thu hút nhân tài cho các lĩnh vực đòi hỏi chất xám cao.
Thứ ba, duy trì mức sinh thay thế (đảm bảo số con trung bình trên một bà mẹ 2,1 con) như hiện nay là vừa đảm bảo kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số vàng, vừa trì hoãn quá trình già hóa dân số. Mức sinh thay thế ở Việt Nam được duy trì khá lâu nhưng được coi là chưa “vững chắc” bởi hầu hết các vùng đều có mức sinh cao hơn hoặc thấp hơn mức sinh thay thế và không ổn định. Các nghiên cứu về dân số cho thấy, trong các chiều cạnh nhân khẩu học thì mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định quy mô, cơ cấu của một dân số trong hiện tại và tương lai. Mức sinh cao so với mức chết sẽ dẫn đến quy mô dân số tăng quá nhanh, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Trái lại, nếu mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến nguy cơ già hóa dân số quá nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động, gia tăng những vấn đề an sinh xã hội. Hệ lụy càng nghiêm trọng nếu già hóa dân số quá nhanh xảy ra với những quốc gia còn đang trong quá trình phát triển, năng suất lao động chưa cao như Việt Nam.
Thứ tư, mặc dù Việt Nam là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao, tuy nhiên, số năm sống khỏe mạnh còn thấp và số năm gắn với bệnh tật và chi phí y tế khá cao, “sống thọ mà chưa khỏe” gắn với tích lũy thấp và thiếu hụt các điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng, thì việc cần thiết xây dựng các chương trình, đề án chăm sóc sức khỏe cho người dân nhằm nâng cao thể lực, trí lực và tâm lực một cách toàn diện cần có những giải pháp cụ thể. Thực hiện giải pháp này đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực “trong độ tuổi lao động” đóng góp trực tiếp tăng trưởng nền kinh tế quốc dân vừa giúp quá trình “già hóa thành công” khi bước vào nhóm người cao tuổi.
Thứ năm, rõ ràng đã đến lúc cần thay đổi tư duy nhìn nhận người già gắn với “sự rút lui”, “ốm yếu, ở ẩn” và “phụ thuộc” vào gia đình và xã hội sang tư duy mới phát huy vai trò người cao tuổi để thúc đẩy tham gia lao động của người cao tuổi vừa góp phần duy trì tuổi thọ khỏe mạnh vừa đóng góp nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tuổi thọ ngày càng được cải thiện và Quốc hội đã thông quy định tuổi nghỉ hưu tăng lên. Đặc biệt, với một quốc gia đang trong quá trình vượt lên “bẫy thu nhập trung bình” thì việc vừa khai thác lợi thế dân số vàng, vừa xây dựng chính sách thu hút người cao tuổi vào thị trường lao động là một chiến lược mang tính dài hơi và hiệu quả, góp phần giải quyết những “khủng hoảng” của dân số già mà các nước đã và đang trải qua. Những người cao tuổi có khả năng lao động thì cần khuyến khích họ tham gia thị trường lao động theo khả năng, có các chính sách ưu đãi một cách hợp lý cho các doanh nghiệp để khuyến khích sử dụng người cao tuổi.
Thứ sáu, Văn kiện Đại hội XIII và Chiến lược Dân số đến năm 2030 của Việt Nam yêu cầu phải thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc người cao tuổi. Vì vậy, cần hướng đến xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi và coi người cao tuổi là một nhóm xã hội cần nhận sự chăm sóc từ các chủ thể bao gồm nhà nước, gia đình và cộng đồng cũng như các dịch vụ từ thị trường. Các địa phương cần đồng thời quan tâm xây dựng các mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp đặc điểm nhóm xã hội người cao tuổi về giới, độ tuổi, học vấn, văn hóa, kinh tế, xã hội các vùng miền; vừa chú trọng phát huy vai trò người cao tuổi trong đóng góp phát triển kinh tế, tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ở cộng đồng và gắn kết với gia đình - đây được coi là mô hình “già hóa thành công” mà các quốc gia đều hướng tới./.
__________________________________
(1) https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/tan-dung-co-cau-dan-so-vang-de-phat-trien-dat-nuoc-607013/
(2) https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2020/
(3) Nguồn:https://vneconomy.vn/chat-luong-lao-dong-thap-viet-nam-se-danh-mat-co-hoi-dan-so-vang.htm
(4) https://doanhnhansaigon.vn/van-de/canh-bao-tu-chi-so-tfp-1078601.html.
(5) http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/nen-kinh-te-viet-nam-duoi-goc-nhin-kinh-te-tri-thuc-64923.html]
(6) https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/06/Dong-thai-va-thuc-trang-2016-2020.pdf.trang 40-41
(7) https://moha.gov.vn/tin-noi-bat/toan-van-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-45877.html
(8) http://ifgs.vass.gov.vn/Tin-hoat-dong/Gia-hoa-dan-so-va-nguoi-cao-tuoi-o-Viet-Nam--Thuc-trang--du-bao-va-mot-so-khuyen-nghi-chinh-sach-110615.html
(9), (14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, T.1, tr.136, 151
(10) https://dangcongsan.vn/xa-hoi/toc-do-gia-hoa-dan-so-viet-nam-thuoc-hang-cao-nhat-the-gioi-511255.html
(11) https://tapchicongsan.org.vn/chuong-trinh-muc-tieu-y-te-dan-so/-/2018/811402/xu-the-gia-hoa-dan-so-o-nuoc-ta-va-van-de-cham-soc-suc-khoe%2C-su-dung-lao-dong-nguoi-cao-tuoi.aspx
(12) https://tapchicongsan.org.vn/chuong-trinh-muc-tieu-y-te-dan-so/-/2018/811402/xu-the-gia-hoa-dan-so-o-nuoc-ta-va-van-de-cham-soc-suc-khoe%2C-su-dung-lao-dong-nguoi-cao-tuoi.aspx
(13) http://baobaohiemxahoi.vn/vi/tin-chi-tiet-gia-hoa-dan-so-va-bai-toan-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-o-viet-nam-a6dcc6c5.aspx
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo điện tử 11.8.2021
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận