Phát huy tư tưởng chính trị “độc lập, tự chủ, tự cường” của dân tộc trong hội nhập quốc tế hiện nay
1. Về nội dung tư tưởng chính trị “độc lập, tự chủ, tự cường” trong lịch sử
Thiên nhiên không hề dành cho người Việt Nam một cuộc sống dễ dàng, thuận lợi như nhiều dân tộc khác trên trái đất. Khí hậu khắc nghiệt và thiên tai xảy ra thường xuyên. Vận mệnh quốc gia luôn luôn nằm bên bờ của tai họa, hai phần ba thời gian lịch sử phải đương đầu với các thế lực bên ngoài luôn tìm cách thôn tính và đồng hóa. Tất cả đó là hằng số vật chất quan trọng làm nên tính cố kết cộng đồng, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong công cuộc đấu tranh để mưu sinh, đấu tranh cho độc lập tự do, bảo vệ và xây dựng đất nước của dân tộc ta.
Trong suốt chiều dài 4.000 năm lịch sử của Việt Nam, về mặt chính trị, ý thức cố kết cộng đồng, tự chủ, tự vươn mình lên trở thành cốt lõi tinh thần để tạo ra sự đoàn kết dân tộc, sức mạnh của dân tộc chống thiên tai địch họa. Những câu chuyện huyền thoại dù thực hư đến đâu thì vẫn là biểu tượng của tính cộng đồng. Nó nhằm ghi tạc một điều cốt tử trong tâm thức truyền thống là: cộng đồng còn thì mình mới còn, cộng đồng mất thì tất cả đều mất theo, kể cả những cái thiêng liêng nhất, như sự khẳng định của một câu thành ngữ: “Nước mất nhà tan”.Vượt qua được những thử thách của thiên tai, địch họa to lớn và liên tục trong lịch sử của mình như trên là nhờ vào tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ và tạo được sức mạnh để tự cường dân tộc. Đoàn kết dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ và sức mạnh dân tộc nảy sinh và phát triển trong lịch sử một cách liên tục, trải qua các giai đoạn Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt… Việt Nam và trong mỗi thời kỳ nó đều được nâng lên với các tầm vóc mới. Những tinh thần đó đã làm hình thành nên một bản sắc dân tộc độc đáo của Việt Nam nói chung và những nét giá trị chính trị truyền thống Việt Nam nói riêng.
Trong lịch sử nhân loại ít có dân tộc nào phải chịu đựng nhiều thử thách và đã vượt qua được những thử thách khốc liệt đến như thế, và do đó, cũng có thể nói, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của con người Việt Nam, trong nền chính trị Việt Nam cũng được tôi luyện và được khẳng định một cách thuyết phục.
Nét nổi bật trong tư tưởng người Việt trong thời kỳ Bắc thuộc là ý thức - tư tưởng về mình và vị trí của mình đối với non nước tổ tiên để lại, tức là ý thức về cộng đồng dân tộc và chủ quyền quốc gia, đất nước. Đó là ý chí muốn dựng lên nhân cách Việt Nam: quyền sống bằng tinh thần, bản sắc của mình trên một lãnh thổ có chủ quyền toàn vẹn của mình.
An Dương Vương lãnh đạo Âu Lạc tiến hành một cuộc chiến tranh giữ nước liên tục trong 10 năm trời đã đánh tan mấy chục vạn quân Tần đến xâm chiếm (năm 218 trước Công nguyên); Hai Bà Trưng khởi nghĩa, 65 huyện thành hưởng ứng đã đuổi được Tô Định, giành lại và tiếp tục thực hiện sự nghiệp mà các vua Hùng đã xây dựng (năm 40-43); Bà Triệu khởi nghĩa ở Cửu Chân, giết chết Thứ sử làm chấn động Giao Châu (năm 248); Lý Bí đã đánh tan quân Lương, giành được độc lập, thành lập nước Vạn Xuân, xưng là Nam Đế, đặt mình ngang hàng với Hoàng đế phương Bắc. Qua những thành công và thất bại của Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, v.v.. mới có được thắng lợi quyết định của Ngô Quyền (năm 938), tạo ra cơ hội xuất hiện kỷ nguyên độc lập lâu dài của nước Đại Việt sau đó. Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại cồ Việt (năm 968); Lê Hoàn đánh thắng quân Tống lập ra triều Tiền Lê (năm 981); Lý Công Uẩn lập triều Lý và năm 1010 dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, v.v.. Đó chính là kết quả của việc phấn đấu theo tư tưởng và đường lối độc lập, tự chủ, tự cường và vươn lên để đứng ngang hàng với phương Bắc, là sự vận dụng sáng tạo mô hình xã hội của phương Bắc vào điều kiện cụ thể của đất nước lúc bấy giờ.
Sang thế kỷ XI, nền chính trị Đại Việt bước vào một thời kỳ hưng thịnh. Với sự xác lập vương triều Lý, tư tưởng chính trị, xã hội phát triển mạnh mẽ và có vị trí quan trọng hàng đầu trong tư tưởng nước ta đương thời. Điều đó phản ánh trình độ nhận thức sâu sắc hào khí dân tộc của cả nước về những vấn đề chính trị nóng hổi và cấp bách xoay quanh nhu cầu củng cố trật tự xã hội và bảo vệ lợi ích của giai cấp phong kiến. Từ sau Ngô Quyền đến Nguyễn Huệ, phong kiến Trung Quốc thuộc tất cả các triều đại lớn như Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều đem quân xâm chiếm Việt Nam. Với tinh thần độc lập, tự chủ và hào khí tự cường của dân tộc ta, dã tâm xâm lược của chúng đều bị nhân dân ta đánh bại hoàn toàn.
Lý Thái Tổ xây dựng kinh đô Thăng Long (1010) không những để giữ nước mà còn để thực hiện một ý đồ và tư tưởng chính trị lớn lao là xây dựng nước ta thành một quốc gia cường thịnh. Lý Nhân Tông (1027) đến lượt mình cũng huy động toàn dân ra trận, đánh tan quân Tống đến xâm lược lần thứ hai với một ý thức rõ rệt, tinh thần quyết liệt về độc lập, chủ quyền và tự cường đất nước. Tinh thần và hào khí đó vang lên trong áng thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
Đến đời Trần (1225-1400), các vua Trần đã xây dựng được một triều đại cường thịnh, ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông. Tư tưởng chính trị của nhà Trần không những chứa đựng niềm tự hào về chiến thắng oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông mà còn biểu thị nhận thức mới về sự tồn tại, tiền đồ và sức sống trường cửu của dân tộc. Trần Nhân Tông, vị vua anh hùng, một triết gia, một thi sĩ đã thể hiện tư tưởng đó một cách tràn đầy xúc cảm:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.
Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã lãnh đạo nhân dân 10 năm trường kỳ chiến đấu (1418-1428), lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo đã buộc giặc phải đầu hàng, giành lại nền độc lập lâu dài cho dân tộc. Tác phẩm Đại cáo bình Ngô, từ các yếu tố văn hóa, lãnh thổ, phong tục tập quán và lịch sử, đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia riêng biệt, ngang hàng với phương Bắc về mọi mặt và Việt Nam phải được độc lập. Vì chủ quyền của mình, người Việt Nam đã không quản hy sinh chiến đấu và nếu thế lực nào không tôn trọng chủ quyền đó sẽ gặp phải những kháng cự và trả giá - một nền chính trị từ tư tưởng chính trị độc lập, tự chủ, tự cường được nâng lên giá trị mới, tầm cao mới từ đây:
Như nước, Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Cõi bờ núi sông đã riêng,
Phong tục Bắc Nam cũng khác...
Nguyễn Huệ với triều Tây Sơn (1778-1802) chỉ trong 10 ngày đánh tan hai mươi vạn quân xâm lược của nhà Thanh, xây dựng đất nước thống nhất trước sự rình rập xâm lăng của phương Bắc, quyết tâm bảo vệ nền văn hóa và phong tục của mình. Hịch đánh quân Thanh đã thể hiện hùng hồn tinh thần đó:
Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng,
Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Suốt quá trình giao lưu với Trung Hoa (cưỡng bức và tự nguyện), trong văn hóa Việt Nam nói chung và nền chính trị Việt Nam nói riêng luôn song song tồn tại hai xu hướng trái ngược nhau: Hán hóa và chống Hán hóa. Xu hướng chính trị xuất hiện ngày một rõ rệt là: khôi phục độc lập và xây dựng theo mô hình nhà Hán. Nhưng khuynh hướng trên lại tách thành hai nhánh với những chủ trương khác nhau: thứ nhất là tự trị và lệ thuộc tương đối vào phương Bắc, thứ hai là độc lập và ngang hàng với phương Bắc. Trong tình hình đó, ảnh hưởng của hệ thống quan điểm chính trị - xã hội của người Hán đối với văn hóa và chính trị Việt Nam là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ bên trong, tư tưởng và tinh thần tự tôn, độc lập, ngang hàng trong văn hóa và chính trị Việt Nam là tư tưởng xuyên suốt, tồn tại bền vững.
Chủ trương tự trị và lệ thuộc tương đối vào phương Bắc, đó là quan điểm của Sĩ Nhiếp (cuối thế kỷ II đến đầu thế kỷ III), Lý Phật Tử (thế kỷ VI), Phùng An (thế kỷ VIII)... Tất cả cuối cùng đều là sự sụp đổ của các cơ nghiệp sau một thời gian ra công xây dựng. Hạn chế cơ bản và sai lầm nghiêm trọng nhất ở đây là tâm lý khuất phục bá quyền. Nguyên nhân sâu xa hơn là người đứng đầu chưa thật gắn bó với nhân dân và còn mơ hồ về sự thống trị của phương Bắc. Về sau, những tư tưởng và thân phận của những kẻ như Trần ích Tắc, Lê Chiêu Thống càng chứng tỏ đó là con đường diệt vong và mất nước. Từ thực tế mất nước đó, lịch sử dân tộc Việt Nam càng khẳng định chân lý sáng ngời của văn hóa chính trị Việt Nam: độc lập, tự chủ, tự cường là con đường duy nhất sống còn và phát triển của dân tộc ta.
Khác với chủ trương phụ thuộc vào bá chủ, nương nhờ vào Trung Hoa là chủ trương độc lập và ngang hàng với phương Bắc. Chủ trương này bắt rễ sâu từ trong nhân dân, vì thế mà nhân dân ta không bao giờ chịu ngừng các cuộc khởi nghĩa ở các quy mô khác nhau. Mỗi lần thất bại là những bài học hun đúc ý chí cho những cuộc khởi nghĩa khác. Truyền thống đó đã dẫn đến khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Đó cũng là chủ trương của các anh hùng dân tộc như Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ,... rồi đến Ngô Quyền thì không có lực lượng nào có thể ngăn cản được nền độc lập, tự chủ, tự cường của Việt Nam.
Trong nền văn hóa cũng như chính trị Đại Việt thời kỳ phục hồi và xây dựng quốc gia độc lập, tinh thần bất khuất đó đã được giữ vững và phát huy, làm nên những chiến công vang dội trong lịch sử dân tộc. Lý Thường Kiệt kéo quân sang tận đất Thiên triều để tiêu diệt các cơ sở đang chuẩn bị cho việc xâm lược. Trần Quốc Tuấn xem giặc với ta là không đội trời chung: “Chém đầu thần rồi hãy nói chuyện xin hàng”. Trần Bình Trọng khi bị bắt và dụ hàng đã thẳng thừng tuyên bố: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.
Dã tâm biến Việt Nam thành đất đai của Trung Quốc là hết sức dai dẳng, dân tộc ta chỉ có một sự lựa chọn duy nhất, đó là sẵn sàng đương đầu và tìm cách đánh bại dã tâm xâm lược đó, và lịch sử Việt Nam đã thực hiện được sự lựa chọn đúng đắn đó từ thời các vua Hùng cho đến thời đại ngày nay. Tư tưởng chính trị độc lập dân tộc, tự chủ, tự cường được xác lập và ngày càng được xây dựng, hun đúc và thử thách, chúng trở nên bền vững, trở thành những giá trị văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống tiêu biểu.
Rõ ràng, người Việt Nam giữ được độc lập không chỉ bằng ý chí chiến đấu kiên cường mà còn bằng cả một đường lối chiến lược, chỉ đạo sách lược, chiến đấu mưu lược, ngày càng phát triển cao, dựa trên những nguyên tắc nhất quán của nó. Cùng với tinh thần chiến đấu giải phóng dân tộc trong cuộc đấu tranh lâu dài để chống lại sự đồng hóa đã thể hiện rất rõ nét tư tưởng chính trị độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam.
Chính sách đồng hóa của bọn thống trị Hán, Đường là một chính sách nham hiểm bậc nhất được chúng thi hành một cách có hệ thống. Đồng hóa bằng văn hóa: phong tục, tập quán, học thuật, triết lý; đồng hóa bằng sự di dân liên tục, di dân từng đợt lớn, hoặc bằng cách khuyên quan quân ở lại sau khi mãn hạn đi thú. Trong tình trạng đó, trước mắt ông bà ta thời Bắc thuộc, có hai con đường mở rộng dễ dàng: hoặc là cứ để Hán hóa từ từ, đến mức người mình trở thành người họ, còn nước ta thì vĩnh viễn trở thành quận huyện của họ; hoặc là muốn bảo tồn tính dân tộc - ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, đạo lý... thì phải lần lượt kéo nhau xuống phương nam, tây nam, tìm cách lập nghiệp ở những thung lũng nhỏ, ở những đồng bằng hẹp, trong núi non, ở đó ít người, nhưng cũng ít điều kiện để lập quốc. Tổ tiên, ông bà chúng ta không chịu theo hai con đường bị động, buông xuôi đó, mà chọn con đường đấu tranh, khó khăn hơn, nhưng cũng danh dự hơn, ấy là con đường bám lấy đất quê hương, bảo vệ dân tộc, giành lại nước nhà. Các thế hệ ông cha ta đã thành công bằng ý chí độc lập, tự chủ, tự cường, làm nên lịch sử vẻ vang.
Người Việt ở trên đất nước mình hàng mấy ngàn năm, trước khi bị đô hộ. Đời này sang đời khác, họ đã đổ mồ hôi và rơi giọt máu để khai phá, cày cấy, bảo vệ những ruộng vườn nhà. Trên đất quê hương đã an nghỉ biết bao thế hệ ông cha của họ. Cuộc sống định cư như đã làm cho con người cắm rễ sâu trong lòng đất, còn sâu hơn là rễ những cây cổ thụ già nhất. Bởi vậy cho nên người Việt, suốt thời kỳ Bắc thuộc, ra sức bám lấy quê hương yêu quý và thiêng liêng của mình, không chịu để bị xua đuổi đi bất cứ nơi nào. Công lao của thế hệ xây dựng cái nôi chung của dân tộc lớn bao nhiêu, thời gian các thế hệ của dân tộc sinh sống trên đất nước này lâu dài bao nhiêu, thì lòng yêu quê hương đất nước đậm đà bấy nhiêu. Yêu nước nên quyết tâm trụ lại trong nước dù nước mất, nhà tan, người bị làm trâu ngựa: còn người, còn đất thì còn ngày tự chủ, độc lập. Người Việt không bỏ đi, mà cứ bám trụ, thì người Hán không thay được và không biết đâm rễ vào đâu. Đi vào làng mạc của người Việt thì như muối bỏ biển, không phải người Hán có thể hóa người Việt thành người Hán, mà qua nhiều đời, người Hán lại bị hóa thành người Việt. Vả lại, người Việt bám đất bám làng, xem đồng ruộng là nồi cơm, là mồ hôi nước mắt, là máu đào của nhiều thế hệ cha ông và của chính mình, thì tự nhiên có tinh thần đề kháng, có tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm, giành lại tự chủ. Và tinh thần chiến đấu để giành lại tự chủ thì trước tiên phải lo bảo tồn cho được những đặc tính của dân tộc mình.
2. Một số giải pháp về phát huy giá trị tư tưởng chính trị “độc lập, tự chủ, tự cường” trong hội nhập quốc tế
Là một xu thế tất yếu, hội nhập quốc tế có sức cuốn hút mạnh mẽ, hàm chứa cả cơ hội lẫn thách thức đối với các quốc gia trên con đường phát triển. Với quan điểm phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, Việt Nam nhất quán đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đi đôi với giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thành quả cách mạng, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế về chính trị của nước ta trong thời gian qua đã đạt được những thành quả tốt đẹp. Từ một quốc gia hội nhập sau, Việt Nam đã trở thành nhân tố tích cực tham gia tiến trình hội nhập khu vực, chủ động đề xuất các sáng kiến, thúc đẩy các liên kết. Việt Nam cũng tích cực hội nhập sâu rộng vào trật tự kinh tế, chính trị toàn cầu, trở thành thành viên có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng quốc tế. Trước bối cảnh tình hình mới, để giữ vững độc lập, tự chủ trong khi thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.
Trong bối cảnh đó, cần có các giải pháp phát huy tinh thần “độc lập, tự chủ, tự cường” trong hội nhập quốc tế:
Một là, xác định rõ và luôn kiên định lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất trong quá trình hội nhập quốc tế. Lợi ích quốc gia là hằng số, mọi vấn đề liên quan đến quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế phải được soi chiếu từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc là giá trị cốt lõi trong quan hệ quốc tế.
Hai là, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia về chính trị - đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia là yếu tố quyết định thành công của quá trình hội nhập quốc tế. Đó là sức mạnh được tạo nên từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, của khối đoàn kết toàn dân tộc, của văn hóa, con người Việt Nam; sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Ba là, thực hiện nhất quán phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, lấy nguyên tắc của luật pháp quốc tế để xử lý quan hệ đối ngoại. Nước ta là một bộ phận không thể tách rời thế giới, gắn liền với tiến trình phát triển của thế giới. Xa rời sự vận động chung sẽ tự cô lập mình với thế giới bên ngoài và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Lịch sử cho thấy “nhất biên đảo” hoặc chỉ quan hệ với một vài đối tác là nguồn gốc gây ra mất độc lập, tự chủ vì sẽ dễ bị bó hẹp trong sự lựa chọn, nếu không đủ bản lĩnh và nội lực sẽ dễ trở thành công cụ của quốc gia khác. Đa phương hóa, đa dạng hóa là cách để đan cài lợi ích với các đối tác, qua đó tăng cường vị thế đất nước, giữ vững độc lập, tự chủ quốc gia.
Bốn là, quá trình hội nhập có sự tác động lẫn nhau giữa các nước lớn với nước vừa và nhỏ, giữa các nước có thể chế chính trị - xã hội khác nhau nên sẽ xuất hiện những xung đột về lợi ích hoặc các âm mưu chống phá từ bên ngoài. Vì vậy, việc chủ động phát hiện từ khoảng cách xa về không gian và sớm về thời gian những nguy cơ có thể xảy ra là yêu cầu cấp thiết phải làm để có thể chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa, hóa giải các nguy cơ đó một cách kịp thời, hiệu quả. Tăng cường quản lý hoạt động trên mạng xã hội và Internet, có biện pháp ngăn chặn các thế lực thù địch xâm nhập vào các mạng nội bộ gây thiệt hại về kinh tế, phá hoại tư tưởng. Ngăn chặn việc du nhập các ấn phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài để bảo đảm an ninh văn hóa.
Năm là, nâng cao năng lực dự báo tình hình quốc tế, khu vực phục vụ đắc lực yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế. Cần đổi mới tư duy, nghiên cứu có chiều sâu, nhạy bén bám sát tình hình để có những dự báo xác đáng. Tập trung nghiên cứu những biến động mới của tình hình thế giới, khu vực, những điều chỉnh chiến lược và chính sách của các nước lớn, những mối quan hệ giữa các nước lớn. Nghiên cứu nắm bắt tình hình ở các nước láng giềng, tình hình an ninh khu vực, tình hình biển Đông. Nghiên cứu, đánh giá và xác định đúng đắn quan hệ đối tác, đối tượng trong từng tình huống cụ thể để có những ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế. Đảng ta đã xác định nâng cao bản lĩnh chính trị và trí tuệ của Đảng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng và phát triển sáng tạo trong thực tiễn hoạt động của Đảng. Đảng chủ trương xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong Đảng, nhất là cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ tham gia hoạt động hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kết hợp thành công sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại./.
______________________________________________
Tài liệu tham khảo:
1. Ngô Sĩ Liên (1972), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, H., T.3.
2. Nguyễn Hồng Phong (hủ biên), (1998), Văn hóa chính trị Việt Nam - truyền thống và hiện đại, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H.,.
3. Hồ Văn Thông (1999), Suy ngẫm về những giá trị trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, Tạp chí Thông tin Chính trị học, số1 (4-6), tr.18.
4. Lê Văn Quán (2006), Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam từ tiền sử đến thời kỳ dựng nước, Nxb.CTQG, H.,.
5. Lê Minh Quân (Chủ biên) (2009), Nhà nước trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay, Nxb CTQG, H.,
6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 11.2021
Bài liên quan
- Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực không những góp phần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Vì thế, trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, bên cạnh những thành tựu, vẫn con những hạn chế nhất định, vì vậy, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng yếu tố quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh hiện nay trong thời gian tới.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Bình luận