Phát huy vai trò của người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam
Quan niệm người cao tuổi (NCT) được hiểu khác nhau ở các quốc gia. Ở các nước phát triển, độ tuổi được coi là NCT có xu hướng cao hơn ở các nước đang phát triển. Cụ thể, tại hầu hết các nước châu Âu, NCT là những người từ 65 tuổi trở lên, trong khi ở một số nước châu Phi thì độ tuổi của NCT là từ 50 - 55. Đối với các tổ chức quốc tế, theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), trong Báo cáo tóm tắt “Già hóa trong thế kỷ XXI: Thành tựu và thách thức” NCT được xác định là những người có độ tuổi từ 60 trở lên. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong Công ước số 128 (năm 1967), về Trợ cấp tàn tật, trợ cấp tuổi già và tiền tuất, xác định NCT là người 65 tuổi trở lên. Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), CESCR (1995) cũng coi NCT là những người từ 65 tuổi trở lên.
Tại Việt Nam, theo Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12, NCT được quy định là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, đối với cả nam và nữ(1).
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở tháng 4.2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019(2).
Với tốc độ già hóa dân số nhanh hiện nay, việc tận dụng tiềm năng, lợi thế của NCT có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, sự bền vững của gia đình, bảo đảm quyền của NCT. Ở góc nhìn tích cực, NCT là một nguồn lực tri thức, kinh nghiệm, tiếp tục đóng góp cho xã hội. Do đó, tiếp cận chính sách cần hướng đến tạo việc làm, giải trí, tạo môi trường để tận dụng kinh nghiệm, tri thức, năng lực của NCT.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có nhận thức tiêu cực về NCT trên nhiều phương diện, đặc biệt ở khả năng lao động trong gia đình, năng lực làm việc và đóng góp trí tuệ cho xã hội.
Về nhu cầu làm việc, các chuyên gia kinh tế lao động cho rằng, khi nói đến khởi nghiệp nhiều người chỉ nghĩ đến thanh niên hoặc người trung tuổi. Thực tế, tại nhiều quốc gia như Mỹ, Itxraen, Hàn Quốc… NCT khởi nghiệp là lĩnh vực luôn được quan tâm, khi cho rằng nhóm NCT là nguồn lực của quốc gia. Thực tế có rất nhiều người cao tuổi còn sức khỏe, nhất là từ tuổi 60 đến 75, họ vẫn mong muốn tiếp tục cống hiến, được tạo điều kiện nhưng chưa được đáp ứng. Vì vậy, cần nhận thức người cao tuổi là nguồn lực cho sự phát triển, cần quan tâm tạo cơ chế, chính sách để thu hút, khai thác nguồn lực NCT một cách hiệu quả.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60 - 69 đang tiếp tục làm việc(3). Ở cả hai cuộc Tổng Điều tra dân số (năm 2009 và năm 2019), khoảng 35% NCT vẫn làm việc, tạo thu nhập. Tuy nhiên, sự khác biệt trong từng nhóm NCT vẫn rõ nét: càng cao tuổi thì tỷ lệ làm việc càng thấp; phụ nữ có tỷ lệ làm việc thấp hơn nam giới và NCT thành thị có tỷ lệ làm việc thấp hơn NCT nông thôn. Phần lớn NCT là lao động tự làm hoặc lao động gia đình không được trả lương; tỷ lệ là lao động làm công ăn lương thấp.
Theo định nghĩa của ILO (năm 2018) thì lao động dễ tổn thương gồm có lao động tự làm và lao động gia đình(4). Như vậy, phần lớn NCT hiện nay đang tham gia lao động với vị thế của lao động dễ tổn thương. Định kiến xã hội về khởi nghiệp trong khi nhu cầu làm việc của NCT còn rất lớn đã ngăn cản NCT tham gia vào thị trường việc làm, ảnh hưởng đến tạo thu nhập cho NCT và đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển xã hội.
Việt Nam đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho NCT, như: chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội… Tuy nhiên, hệ thống chính sách an sinh xã hội mới hỗ trợ nâng cao đời sống cho một bộ phận người cao tuổi. Hiện cả nước có khoảng 39% NCT được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội. Còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình(5). Trong tổng số gần 11 triệu NCT thì chỉ có 3,1 triệu người có lương hưu. Gần 8 triệu NCT còn lại không có nguồn thu nhập ổn định và hầu như phụ thuộc vào con cháu cũng như cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, do quy định của chính sách hiện hành về trợ cấp và bảo trợ xã hội, chỉ có 1,7 triệu NCT được hưởng trợ cấp hằng tháng, trong đó đến 1,4 triệu người là người từ 80 tuổi trở lên. Như vậy, còn khoảng 6 triệu người không có thu nhập thường xuyên và ổn định(6). Vì vậy, hiện nay phần đông NCT nước ta còn khó khăn trong đời sống vật chất và tinh thần(7).
So sánh tương quan với các độ tuổi khác, NCT chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Việc lồng ghép NCT, chính sách đối với NCT vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết để bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng và phát huy vai trò NCT trong phát triển đất nước. Cần có hệ thống chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ NCT bảo đảm thu nhập, có việc làm phù hợp, đáp ứng nhu cầu giải trí, rèn luyện sức khỏe, bảo đảm môi trường thân thiện...
Luật Người cao tuổi đã mang lại nhiều quyền lợi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NCT. Tuy nhiên, một số quy định của Luật vẫn chưa thật sự đi vào cuộc sống, bộc lộ nhiều bất cập, cần được điều chỉnh, sửa đổi. Luật NCT đã có một chương quy định về phát huy vai trò của NCT trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội… Tuy vậy, các quy định này vẫn còn chung chung.
Hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT bước đầu hình thành, phát triển ở các địa phương, nhiều mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng được nhân rộng. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT hiện vẫn chưa bắt kịp với sự chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ ở nước ta. Hiện cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện tỉnh, thành phố có khoa Lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn lão khoa.
Tại Hội thảo "Nâng cao nhận thức về già hóa và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi" do Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS) tổ chức, các chuyên gia cho rằng, cần chuyển nhận thức “Người cao tuổi là gánh nặng” thành “Người cao tuổi là tài sản”. Từ đó có những chính sách, chương trình phù hợp với nhu cầu được chăm sóc và mong muốn phát huy vai trò của NCT. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, NCT là nhóm dễ tổn thương, cả về sức khỏe và thu nhập, cần có sự quan tâm nhiều hơn.
Để phát huy vai trò của NCT, cần thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất, cần cụ thể hóa, hướng dẫn thực thi Luật Người cao tuổi, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số bất cập, trong đó có hướng dẫn các quy định về phát huy vai trò của NCT trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó mở rộng các quyền lợi được thụ hưởng cũng như sự đóng góp nhiều hơn của NCT vào sự phát triển chung của đất nước.
Cần chú trọng quan tâm xây dựng và thực thi các chính sách tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho NCT. Hiện nay, không phải tất cả những NCT đều gắn với suy giảm thể chất, tinh thần và năng lực mà trong thực tế, có nhiều NCT - đặc biệt là trong độ tuổi 60 đến 75 tuổi - vẫn có sức khỏe, năng lực làm việc tốt, có kinh nghiệm, có nhiều khả năng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Do đó, cần quan tâm tạo dựng cho họ môi trường làm việc phù hợp, từ đó phát huy khả năng đóng góp của NCT cho xã hội. Các chính sách tạo việc làm, thu nhập cho NCT cần được thiết kế có tính đặc thù, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của họ và bao quát được nhiều đối tượng thụ hưởng.
Để có cơ sở xây dựng, hoạch định các chính sách hoặc điều chỉnh, sửa đổi các quy định, thực thi có hiệu quả các chính sách an sinh cho người cao tuổi cần thực hiện các nghiên cứu toàn diện về NCT cùng những tác động của các chính sách hiện hành đến NCT. Các nghiên cứu về NCT cần toàn diện trên nhiều phương diện của cá nhân như: sức khỏe, khả năng năng lực và trí tuệ, nhu cầu thể chất và tinh thần của NTC… Trong đó, cần tiếp nhận đa dạng ý kiến của các cán bộ thực thi chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu sâu lĩnh vực này, các nhà hoạt động về NCT và những nguyện vọng của NCT để có những nhận thức toàn diện, sâu sắc về giá trị của NCT với gia đình và xã hội.
Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách phát triển ngành lão khoa bao quát toàn diện, từ xây dựng chuyên ngành giáo dục - đào tạo đến công việc chuyên môn trong thực tiễn tại các cơ sở khám, chữa bệnh cho NCT. Theo đó, cần đưa nội dung lão khoa vào chương trình đào tạo cho sinh viên tại các trường có đào tạo chuyên ngành y khoa trên phạm vi cả nước; Xây dựng chiến lược đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ chăm sóc sức khỏe NCT của các bệnh viện, trung tâm y tế, nhân viên trạm y tế, cán bộ dân số và tình nguyện viên ở cơ sở. Xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe NCT, đào tạo bác sỹ chuyên khoa lão khoa, đào tạo bồi dưỡng kiến thức về lão khoa cho sinh viên các trường y.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực nâng cao năng lực cho các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe NCT cho tuyến dưới: Xây dựng quy định về tiêu chí của phòng khám lão khoa, khoa lão, khu có giường điều trị người bệnh là NCTtại các bệnh viện, trung tâm y tế. Đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các khoa lão của các bệnh viện, trung tâm y tế.Cùng với đó, cần nâng cao năng lực cho trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh mạn tính (bệnh không lây nhiễm) cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng.
Các chính sách trên cần hướng đến tạo môi trường thân thiện với NCT, hỗ trợ NCT ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19,… đáp ứng nhiệm vụ trọng tâm về công tác NCT trong tình hình mới. Các chính sách này là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ về NCT, bao quát từ lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội, giao thông, xây dựng,… Cụ thể, NCT cần được bảo đảm sức khỏe, có môi trường xã hội thân thiện, trong các thiết kế xây dựng, giao thông cần tính đến các điều kiện thuận lợi cho NCT.
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, vận động, truyền thông, giáo dục nhằm xây dựng môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng. Thường xuyên tổ chức truyền thông giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúngvới hình thức phong phú, đa dạng như: biên soạn các tài liệu, sách, tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, cẩm nang… cấp phát tới người dân; lồng ghép các hoạt động truyền thông về NCT với các hoạt động truyền thông khác.
Trong công tác truyền thông, cần thay đổi hình ảnh xưa cũ về NCT. NCT không chỉ là những người bệnh tật, yếu đuối, mà cần tập trung vào đó là hình ảnh tích cực về NCT trong gia đình và tham gia các hoạt động xã hội với kinh nghiệm và trí tuệ. Thay đổi nhận thức “người cao tuổi là gánh nặng” bằng “người cao tuổi là tài sản”, chỗ dựa tinh thần của gia đình và xã hội. Cần tuyên truyền, khẳng định các “quyền” của NCT. Không đồng nhất người có tuổi đời cao với suy giảm thể chất, yếu đuối tâm lý, tinh thần và suy giảm vai trò và mối quan hệ xã hội. Khi NCT thực sự được tôn trọng, nhìn nhận khách quan, đúng với thế mạnh, tiềm năng, họ sẽ phát huy năng lực, đóng góp cho gia đình và xã hội, đồng thời thay đổi thái độ và hành vi của xã hội đối với NCT.
Thứ tư, thực hiện “Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025” theo Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng thực chất hơn. Theo đó, tăng cường giao tiếp liên thế hệ là cơ hội, điều kiện để mọi người hiểu rõ hơn về năng lực, tính cách của NCT, đồng thời là cơ hội để các thế hệ giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT hoặc lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào sinh hoạt của câu lạc bộ liên thế hệ, các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi với sự tham gia của NCT và người nhà của NCT, thúc đẩy cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cho NCT và người nhà của NCT.
Xây dựng và phát triển mạng lưới tình nguyện viên tham gia chăm sóc sức khỏe NCT thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe NCT (theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe NCT tại nhà), quản lý các bệnh mạn tính (không lây nhiễm), tại gia đình và cộng đồng.
Xây dựng và thí điểm các mô hình: cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT ban ngày; xã/phường thân thiện với NCT; chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT; tiến tới xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe NCT; ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT qua mạng xã hội, Internet.
Thứ năm, rà soát các chính sách, thực hiện điều tra xã hội học, tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những bất cập trong chính sách dành cho NCT, như chính sách trong lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, giao thông, các chính sách về tạo môi trường thân thiện với NCT…
Thứ sáu, cần có chế tài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về NCT, xâm phạm quyền của NCT và phổ biến thông tin rộng rãi, mang tính giáo dục để thay đổi quan niệm và hành vi tiêu cực đối với NCT.
________________________________________
(1) Luật Người cao tuổi năm 2009.
(2), (4) Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
(3) Cục Bảo trợ xã hội: “Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi” http://btxh.gov.vn/danh-muc-tin/chinh-sach-btxh/sinh-ke-va-khoi-nghiep-doi-voi-nguoi-cao-tuoi_t114c37n1519.
(5) Trịnh Thị Thu Hiền, “Xu thế già hóa dân số ở nước ta và vấn đề chăm sóc sức khỏe, sử dụng lao động người cao tuổi”, https://tapchicongsan.org.vn/chuong-trinh-muc-tieu-y-te-dan-so/-/2018/811402/xu-the-gia-hoa-dan-so-o-nuoc-ta-va-van-de-cham-soc-suc-khoe%2C-su-dung-lao-dong-nguoi-cao-tuoi.aspx.
(6), (7) Nguyễn Thị Minh Nguyệt, “Chính sách đối với người cao tuổi Việt Nam”, https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/12/15/chinh-sach-doi-voi-nguoi-cao-tuoi-viet-nam.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị ngày 5.4.2022
Bài liên quan
- Hoạt động Ngoại giao văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh mới: Những dấu ấn, thành tựu nổi bật và giải pháp nâng cao hiệu quả
- Đảng bộ Lữ đoàn Tên lửa 490 nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hiện nay
- Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Sư đoàn 325 - Quân Đoàn 12 trong tình hình mới
- Tăng cường hiệu quả công tác phát triển đảng viên trong giai đoạn mới – kinh nghiệm của Đảng bộ thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
3
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
-
4
Một số giải pháp tăng cường quản lý thông điệp về nguồn nhân lực chất lượng cao trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
-
5
Tương lai cho thế hệ vươn mình
-
6
THÔNG BÁO VỀ VIỆC XUẤT BẢN TẠP CHÍ CHUYÊN ĐỀ TỪ NĂM 2025
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Chi bộ Khoa Xuất bản tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027
Sáng 12/03/2025, tại Hội trường D, tầng 10, Nhà A1, Chi bộ Khoa Xuất bản tổ chức thành công Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027. Đại hội diễn ra trong không khí trang nghiêm, dân chủ và thẳng thắn, mang tính xây dựng cao.
Hoạt động Ngoại giao văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh mới: Những dấu ấn, thành tựu nổi bật và giải pháp nâng cao hiệu quả
Hoạt động Ngoại giao văn hóa tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh mới: Những dấu ấn, thành tựu nổi bật và giải pháp nâng cao hiệu quả
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoại giao văn hóa ngày càng khẳng định vai trò là cầu nối hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, địa phương, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh Quảng Ninh, với tiềm năng phong phú về văn hóa và kinh tế, không nằm ngoài xu thế này, đã từng bước khẳng định vai trò của ngoại giao văn hóa như một công cụ quan trọng để nâng cao hình ảnh, thúc đẩy hợp tác quốc tế và hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2024 đánh dấu một thập kỷ quan trọng trong quá trình phát triển ngoại giao văn hóa của Tỉnh, với việc triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, đồng thời phát huy sức mạnh mềm văn hóa.
Đảng bộ Lữ đoàn Tên lửa 490 nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Đảng bộ Lữ đoàn Tên lửa 490 nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Xuyên suốt tiến trình cách mạng, công tác đảng, công tác chính trị luôn là bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Điều này nhằm đảm bảo và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, đồng thời nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Trước yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới, Đảng bộ Lữ đoàn Tên lửa 490 đã phát huy tốt công tác đảng, công tác chính trị, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, thực hiện thành công các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hiện nay
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An hiện nay
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đội ngũ công chức cấp xã trong hệ thống hành chính cơ sở, trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An luôn chú trọng công tác nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã trong việc tổ chức, triển khai và thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ này. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã. Những giải pháp này góp phần xây dựng nền hành chính cơ sở hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại địa phương.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Sư đoàn 325 - Quân Đoàn 12 trong tình hình mới
Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Sư đoàn 325 - Quân Đoàn 12 trong tình hình mới
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, việc nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng trong các đơn vị quân đội nói chung, Sư đoàn 325 - Quân đoàn 12 nói riêng là yêu cầu khách quan, cấp thiết nhằm đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng đối với đơn vị.
Bình luận