Quản lý nhà nước về phát triển đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập
Trên cơ sở khái quát thực trạng về số lượng, chất lượng, tỷ lệ và cơ cấu đội ngũ giảng viên (ĐNGV) các trường đại học công lập hiện nay, bài viết tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về phát triển đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập.
1. Thực trạng đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập ở Việt Nam hiện nay
Về số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên đại học công lập
Sau gần 35 năm đổi mới giáo dục đại học, đội ngũ giảng viên đại học công lập có sự biến động như sau: Giai đoạn 1986 - 1996, số lượng trường đại học công lập tăng 2 trường, số lượng giảng viên tăng 1,13 lần, số lượng sinh viên tăng 5,74 lần. Giai đoạn 1996 - 2006, số lượng trường tăng 26 trường, giảng viên tăng 1,57 lần; sinh viên tăng 1,91 lần. Đến giai đoạn 2006 - 2016, số lượng trường đại học công lập tăng nhiều nhất (54 trường), số lượng giảng viên tăng 2,21 lần, trong khi số lượng sinh viên chỉ tăng 1,5 lần.
Tính chung giai đoạn 1986 - 2016, số lượng trường đại học công lập tăng 2,7 lần, 62/63 tỉnh thành phố trên cả nước có ít nhất 1 trường. Số lượng trường tăng nhanh chủ yếu do nâng cấp từ cao đẳng lên đại học (nhất là giai đoạn 1996 - 2016). Số lượng sinh viên tăng 23 lần trong khi số lượng giảng viên chỉ tăng 4,4 lần, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao nhất là 32,72/1 (giai đoạn 2001 - 2006) cho thấy số lượng giảng viên đại học công lập chưa đáp ứng với nhu cầu đào tạo thực tế.
Đến năm 2016, các trường đại học công lập chiếm 72,60% số trường, 87,53% số sinh viên và 72,01% số giảng viên của cả hệ thống. Cụ thể, có 163 trường đại học công lập, 69.591 giảng viên và 1.520.807 sinh viên. So với năm học 2006 - 2007, số giảng viên tăng 2,21 lần, số sinh viên tăng 1,49 lần, số trường tăng 1,49 lần.
Thực trạng về chất lượng đội ngũ giảng viên đại học công lập
Chất lượng đội ngũ giảng viên đại học hiện nay còn chưa thực sự tương xứng với đòi hỏi phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Sau 30 năm, số lượng giảng viên là thạc sỹ tăng khá nhanh, số lượng có trình độ tiến sỹ đến thời kỳ 2010 - 2015 mới tăng dần, số lượng giáo sư, phó giáo sư tăng không đáng kể, số lượng giảng viên có trình độ đại học, cao đẳng có xu hướng giảm dần từ năm học 2011 - 2012.
Tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư trên cả nước chỉ đạt 5,17% năm 2015, tỷ lệ tiến sỹ đạt 12,06% (số liệu tương ứng tại các trường đại học trung bình ở phương Tây khoảng 70%), tỷ lệ thạc sỹ chiếm 46,41%. Như vậy, chất lượng ĐNGV đại học Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục là đến năm 2020 Việt Nam đạt ít nhất 25% giảng viên là tiến sỹ).
Trình độ ngoại ngữ, tin học của ĐNGV đại học công lập còn chưa cao. Số trường mở ngành đào tạo chương trình tiên tiến chưa nhiều, chủ yếu tập trung ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Số giảng viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh chiếm tỷ lệ thấp. Theo số liệu phỏng vấn, chỉ 36,6% ĐNGV đại học công lập được bồi dưỡng ngoại ngữ, 39,5% bồi dưỡng công nghệ thông tin.
Về công tác nghiên cứu khoa học của ĐNGV đại học công lập: Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 91.183 cán bộ tham gia giảng dạy, nhưng rất ít giảng viên tham gia nghiên cứu(1). GS Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales - Australia, tại Hội thảo do Dự án Giáo dục tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12-2010 cho biết, trong vòng 10 năm (1996 - 2005), tổng số bài báo khoa học mà Việt Nam công bố là 3.456 bài. Trung bình mỗi năm chỉ có hơn 345 bài báo được công bố, ngoài ra số lượng và số lượt các bài được trích dẫn cũng rất thấp (23,1% chưa được trích dẫn lần nào, 44,5% được trích từ 1 - 5 lần).
Theo thống kê của Viện thông tin khoa học (ISI), trong 15 năm từ 1996 - 2011, Việt Nam mới có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt, bằng khoảng 1/5 của Thái Lan (69.637), 1/6 của Malaysia (75.530), và 1/10 của Singapore (126.881). Hiện nay, nước ta có khoảng 9 nghìn giáo sư và phó giáo sư, 24 nghìn tiến sỹ và hơn 100 nghìn thạc sỹ, tuy nhiên số ấn phẩm khoa học của cả nước trong vòng 15 năm chưa bằng 1/5 số công bố của trường Đại học Tokyo (69,806 ấn phẩm) và 1/2 của trường Đại học quốc gia Singapore (28,070 ấn phẩm)(2).
Ngoài ra, chất lượng giảng dạy của ĐNGV cũng được đánh giá thông qua khả năng tìm được việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, số lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm; số lao động trình độ đại học trở lên thất nghiệp năm 2014 so với 2010 tăng 103%. Quý I năm 2016 khoảng 225 nghìn kỹ sư, cử nhân đại học trở lên không có việc làm(3).
Cơ cấu, tỷ lệ đội ngũ giảng viên đại học công lập
Tỷ lệ sinh viên/giảng viên giai đoạn 1986 - 1995 dao động từ 4,4/1 đến 6,5/1, năm 1995 tăng đột biến lên 21,4/1 do nhu cầu học đại học tăng cao trong khi ĐNGV tăng không đáng kể (số lượng sinh viên tăng 3,4 lần - ĐNGV chỉ tăng 1,02 lần).
Giai đoạn 1995 - 2013, tỷ lệ sinh viên/giảng viên tăng nhanh, cao nhất đạt 32,7/1 trong thời kỳ 2001 - 2006. Trong khi đó, những trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học Harvard có tỷ lệ SV/GV là 13/2 (tỷ lệ SV/GS là 3,5/1), còn các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến nói chung có tỷ lệ SV/GV nằm trong khoảng 15 - 20/1.
Giai đoạn 2011 - 2016, cả nước có trung bình 90.368 giảng viên và 2.016.308 SV. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên trung bình là 22,3, giảm 1/2 so với giai đoạn 1985-1991 song vẫn cao. Số lượng, tỷ lệ, cơ cấu ĐNGV đại học chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài; tình trạng hẫng hụt giữa các thế hệ giảng viên còn phổ biến; thiếu đội ngũ cán bộ, nòng cốt kế cận có trình độ chuyên môn cao.
2. Yêu cầu và các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về phát triển đội ngũ giảng viên các trường đại học công lập
2.1.Yêu cầu đối với thể chế quản lý nhà nước về phát triển đội ngũ giảng viên
Thể chế quản lý nhà nước về phát triển ĐNGV các trường đại học công lập bao gồm hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về tổ chức bộ máy quản lý, chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh đãi ngộ ĐNGV các trường đại học công lập.
Để hiện thực hóa các VBQPPL về phát triển ĐNGV tại các trường đại học công lập một cách hiệu quả, Nhà nước cần hoàn thiện, tăng cường sức mạnh của bộ máy QLNN về GDĐH với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức hợp lý. Việc xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy QLNN cần phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ĐNGV trong từng thời điểm.
Là phương tiện để điều chỉnh tất cả các mối quan hệ liên quan đến GDĐH, các VBQPPL về phát triển ĐNGV cần bảo đảm sự bắt buộc thực hiện trên thực tế các nội dung QLNN đã được ghi nhận bằng hệ thống VBQPPL. Thể chế tốt sẽ góp phần hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ nhằm phát triển ĐNGV các trường đại học công lập. Ngược lại, thể chế không phù hợp sẽ triệt tiêu động lực, suy giảm lòng tin ảnh hưởng đến việc phát triển ĐNGV.
Về cơ bản, cần xây dựng hệ thống VBQPPL hoàn chỉnh, đồng bộ liên quan đến phát triển ĐNGV các trường đại học công lập, bao gồm: chính sách quy hoạch; chính sách thu hút, tuyển dụng; chính sách sử dụng, đánh giá; chính sách đào tạo, bồi dưỡng; chính sách đãi ngộ, tôn vinh. Các chính sách này chính là động lực, là sức hút quan trọng đối với ĐNGV đại học công lập, có sự tác động và ảnh hưởng lớn đến QLNN về phát triển ĐNGV đại học công lập.
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng
Nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất
Nguồn lực trong tổ chức là tổng hợp nguồn nhân lực, tài chính và các trang thiết bị cơ sở vật chất cần thiết phục vụ cho hoạt động đặc thù của từng tổ chức. Ở góc độ QLNN, nguồn tài chính công có tác động rất lớn đến hiệu quả QLNN về GDĐH, trong đó có việc phát triển ĐNGV các trường đại học công lập. Nguồn tài chính và cơ sở vật chất phù hợp là điều kiện cần thiết để các chính sách pháp luật về GDĐH được triển khai trên thực tế. Xây dựng VBQPPL, quy hoạch, kế hoạch, tổ chức bộ máy quản lý, thực hiện các chế độ chính sách đãi ngộ, tôn vinh, hợp tác quốc tế, thanh tra, kiểm tra QLNN về phát triển ĐNGV cần một khoản kinh phí lớn trong khi ngân sách nhà nước (NSNN) còn hạn hẹp. Vì vậy, phải có chính sách và chiến lược dài hạn đầu tư cho GDĐH, đặc biệt là ĐNGV.
Điều kiện cơ sở vật chất của các trường đại học công lập ảnh hưởng không nhỏ đến QLNN về phát triển ĐNGV. Thực tiễn cho thấy, phần lớn vốn đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất của các trường đại học là từ NSNN, phần còn lại do các trường tự chủ hoặc huy động thêm các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn tài trợ. Hiện nay, cơ sở vật chất của các trường đại học công lập ở nước ta còn lạc hậu so với các nước trong khu vực cả về diện tích, khuôn viên, trang thiết bị trong các cơ sở GDĐH. Nhiều trường còn thiếu phòng học, hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ, thư viện, thiếu các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động giảng dạy và NCKH... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nói chung và ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và NCKH của ĐNGV các trường đại học công lập nói riêng.
Nguồn tài chính và cơ sở vật chất có vị trí, vai trò quan trọng đến QLNN về phát triển ĐNGV các trường đại học công lập. Nếu nguồn tài chính công và cơ sở vật chất không bảo đảm sẽ hạn chế hiệu quả triển khai, thực thi các chính sách liên quan đến việc phát triển ĐNGV. Có chính sách hay và đúng nhưng việc thực hiện thiếu kinh phí, không đủ nguồn lực cơ sở vật chất thì không thể đủ đáp ứng yêu cầu việc triển khai chính sách, từ đó sẽ làm hạn chế hiệu quả, tác động của chính sách cụ thể là việc phát triển về số lượng, chất lượng và cơ cấu ĐNGV các trường đại học công lập.
Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa
Hội nhập quốc tế là con đường tất yếu của GDĐH thời đại toàn cầu hóa. Trong một thế giới phẳng thì GDĐH ngày càng trở nên quan trọng và phải gắn liền với hội nhập quốc tế. Mục tiêu đặt ra là đổi mới và hội nhập trên cơ sở vẫn phải giữ được những nét đặc thù của giáo dục Việt Nam, đồng thời tiệm cận được các tiêu chuẩn chung của thế giới. Nghị quyết số 29 - NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” được thông qua càng khẳng định tầm quan trọng của việc đổi mới GDĐH trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Môi trường quốc tế có ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách phát triển ĐNGV đại học công lập. Xu hướng quốc tế hóa đòi hỏi phải thực hiện đúng luật lệ quốc tế, đồng thời học tập kinh nghiệm nước ngoài,... để đi tắt, đón đầu phát triển ĐNGV đại học công lập.
Hội nhập quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trao đổi, hay quá trình quốc tế hóa GDĐH và ĐNGV là yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần xây dựng uy tín, thương hiệu để ĐNGV hội nhập và cạnh tranh với các hệ thống GDĐH khu vực và thế giới. Phấn đấu thực hiện theo đúng luật và tiêu chuẩn quốc tế. ĐNGV, các nhà học giả, nhà nghiên cứu có động lực vươn lên đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thường xuyên tham gia hợp tác quốc tế thông qua trao đổi giảng viên, liên kết đào tạo và tham quan học tập và tham dự hội thảo khoa học.
Quá trình hội nhập quốc tế về GDĐH, một mặt là cơ hội thuận lợi để GDĐH nước ta tiếp cận được xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục và quản lý giáo dục hiện đại, tranh thủ được các nguồn lực từ các nước để phát triển giáo dục, mặt khác là một thách thức lớn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Đối với các trường đại học công lập, trình độ năng lực của ĐNGV chính là chìa khóa để đạt tới lợi thế cạnh tranh bền vững.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin
Khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã làm thay đổi căn bản GDĐH trên thế giới, thay đổi phương thức quản lý nội bộ các trường. Bản chất và quy mô truyền thông khoa học đã có những thay đổi lớn. Đặc biệt bản chất của việc dạy, học và NCKH tiến tới đa dạng đào tạo về nội dung và hình thức. Thông qua lớp học trực tuyến, giảng viên có thể giảng tại chỗ nhưng truyền thông tin bài giảng đi khắp thế giới. Giảng viên sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong các lớp học truyền thống làm tăng hiệu quả đào tạo.
Cách thu thập, sử dụng và chuyển tải các loại dữ liệu khiến cho trách nhiệm giải trình trong hệ thống quản lý, công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn, thông tin công khai minh bạch. Công nghệ thông tin đã chuyển đổi nhiều nhân tố của hoạt động học thuật như kết quả học tập của sinh viên, năng suất, hiệu quả làm việc của giảng viên... thành các dữ liệu.
ĐNGV phải nắm vững và làm chủ được các công nghệ hiện đại để giảng dạy, đồng thời đánh giá tác động của nó đến bản chất, làm thay đổi quá trình giáo dục, dạy học và vị trí của người thầy. Nhà trường phải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Do đó, kiến thức và kỹ năng công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn và công nghệ thông tin trở thành yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc đối với ĐNGV đại học hiện nay.
Năng lực của đội ngũ công chức quản lý
Đội ngũ công chức làm nhiệm vụ QLNN về GDĐH nói chung và QLNN về phát triển ĐNGV các trường đại học công lập nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý về phát triển ĐNGV. Bởi họ chính là người tham mưu cho lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo địa phương, tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành VBQPPL, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chế độ chính sách tôn vinh và đãi ngộ ĐNGV, hợp tác quốc tế về phát triển ĐNGV. Chính đội ngũ công chức này cũng là những người trực tiếp làm công tác kiểm định, thanh tra, kiểm tra hoạt động QLNN về phát triển ĐNGV các trường đại học công lập. Chính vì vậy, đội ngũ công chức QLNN về phát triển ĐNGV cần có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi trong lĩnh vực GDĐH, có đạo đức, có tâm huyết với nghề, am hiểu sâu về thực trạng chất lượng, số lượng, cơ cấu ĐNGV các trường đại học công lập hiện nay, am hiểu tình hình, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đánh giá và nắm bắt được các xu hướng phát triển GDĐH trong khu vực và thế giới. Có vậy họ mới có thể làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nội dung QLNN về phát triển ĐNGV./.
_____________________
(1) Bộ GD&ĐT: Hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015, Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016.
(2) Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ: Đang lơ lửng trên mây?, http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/viet-nam-co-hon-24000-tien-si-dang-lo-lung-tren-may-3307436/, ngày 14.5.2016.
(3) 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Hệ quả của mở trường đại học ồ ạt, http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/225000-cu-nhan-thac-si-that-nghiep-he-qua-cua-mo-truong-dai-hoc-o-at-20160531074206426.htm, ngày 31.5.2016.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9.2020
Bài liên quan
- Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
- Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
- Bồi dưỡng phong cách công tác của chính ủy, chính trị viên ở Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và lý luận chính trị có uy tín trên cả nước. Bởi vậy, việc liên kết đào tạo về các lĩnh vực này không chỉ được thực hiện ở các đơn vị đào tạo trong nước mà còn được thực hiện cả ở sự liên kết đào tạo quốc tế. Hàng năm, Học viện đón tiếp một lượng lớn sinh viên quốc tế theo học ở các bậc cử nhân, cao học và nghiên cứu sinh. Do vậy, công tác quản lý sinh viên quốc tế là công tác quan trọng và có tính đặc thù. Công tác này để đạt hiệu quả tốt không chỉ thuộc về phương pháp và trách nhiệm của các đơn vị trong học viện mà còn phụ thuộc vào chính năng lực tự quản của các em. Tuy nhiên, để sự tự quản được thực hiện có chất lượng cần thực hiện trên nguyên tắc: Học viện định hướng – phòng Quản lý Ký túc xá xây dựng phương pháp và giám sát – lưu học sinh tự quản. Với nguyên tắc trên, phòng Quản lý ký túc xá đã thu được những thành công nhất định. Bài viết này trình bày những kinh nghiệm đã thu được trong qua trình xây dựng mô hình tự quản trong tập thể lưu học sinh nước ngoài tại học viện.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Việc sử dụng ChatGPT để cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh mang lại nhiều lợi ích. Công cụ này giúp tăng cường tương tác, cá nhân hóa học tập và cung cấp tài liệu phong phú cho cả giáo viên và sinh viên. Sinh viên có thể tiếp cận ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng viết một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên sử dụng ChatGPT một cách có ý thức, khuyến khích tư duy độc lập và tự đánh giá.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Cải thiện chất lượng đào tạo ngành báo chí, truyền thông đáp ứng yêu cầu mới của người học hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở được đánh giá cao trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành báo chí, truyền thông trong nhiều năm qua. Nhưng trước những thay đổi mạnh mẽ của cách mạng 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, những yêu cầu mới đã được đặt ra đối với lĩnh vực này, đòi hỏi nhân lực cũng phải có những phẩm chất và kỹ năng tương ứng. Từ việc khảo sát nhu cầu của người học, một số vấn đề đã được đặt ra và có thể trở thành cơ sở quan trọng để điều chỉnh hướng phát triển trong đào tạo ngành báo chí, truyền thông tại Học viện trong thời gian tới.
Bình luận