Sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách hướng tới mục tiêu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
Sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước là một nội dung không mới, tuy nhiên, sự tham gia của người dân với tư cách là một trong những yếu tố cốt lõi, thể hiện đặc trưng của quản trị quốc gia tốt là một vấn đề mới, được quan tâm nghiên cứu trong những năm gần đây.
Ở Việt Nam, quan điểm về “quản trị quốc gia”, “quản trị quốc gia tốt” cũng mới được bàn đến trong vài năm trở lại đây, song những nguyên tắc của quản trị quốc gia tốt đã được đề cập và vận dụng trên nhiều phương diện. Cùng với quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trình độ nhận thức và yêu cầu đòi hỏi về sự phục vụ và trách nhiệm giải trình của người dân đối với Nhà nước cũng ngày càng cao. Người dân ngày càng quan tâm và mong muốn được tham gia nhiều hơn vào các công việc của Nhà nước. Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi mô hình quản trị quốc gia truyền thống sang mô hình quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả theo những nguyên tắc của quản trị quốc gia tốt là một đòi hỏi và là xu thế tất yếu.
Thông qua việc lược khảo các nghiên cứu lý thuyết về sự tham gia của người dân trong quy trình chính sách hướng tới mục tiêu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, bài viết làm rõ các hình thức tham gia và các cấp độ tham gia của người dân trong quy trình chính sách ở Việt Nam qua bộ chỉ số PAPI các năm 2020, 2022; từ đó xác định những vấn đề, những yêu cầu đặt ra và kiến nghị các biện pháp tăng cường sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách.
1. Cơ sở lý thuyết về quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả và sự tham gia của người dân
Tiếp cận từ góc độ quốc gia, “quản trị” được định nghĩa là “cách thức thực thi quyền lực trong việc quản lý nguồn lực kinh tế và xã hội của một quốc gia vì sự phát triển”(1). Quản trị bao gồm các khía cạnh: quá trình chính phủ lựa chọn, giám sát và thay thế; năng lực xây dựng và thực thi các chính sách tốt của chính phủ; sự tôn trọng của người dân đối với thể chế đang chi phối quan hệ kinh tế giữa họ(2).
Các đặc trưng cơ bản của quản trị quốc gia hiệu quả dựa trên các chỉ số đánh giá chất lượng quản trị quốc gia, theo Ngân hàng Thế giới (WB) bao gồm: sự tham gia, định hướng đồng thuận, trách nhiệm giải trình, sự minh bạch, sự kịp thời, hiệu lực và hiệu quả, sự công bằng, khả năng bao quát và tuân thủ pháp luật(3). Quản trị quốc gia phải bảo đảm tình trạng tham nhũng được giảm thiểu, ý kiến của nhóm thiểu số được quan tâm và tiếng nói của nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội được lắng nghe trong việc ra các quyết sách của nhà nước. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lại nhấn mạnh một số tiêu chí của quản trị quốc gia tốt là (i) trách nhiệm giải trình; (ii) sự tham gia; (iii) có thể dự đoán được; (iv) tính minh bạch(4).
Ở nước ta, trong lịch sử, khái niệm “quản trị quốc gia” tuy chưa được đề cập trực tiếp song nhiều nguyên tắc của quản trị quốc gia tốt đã được đặt ra trong các văn kiện của Đảng từ Đại hội VI (năm 1986) và được vận dụng trong thực tế quản trị nhà nước như các nguyên tắc về pháp quyền, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước... “Quản trị quốc gia” được chính thức đề cập đến lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”.
Quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam được tiếp cận theo hướng là quá trình mà Nhà nước dựa trên các nguyên tắc của quản trị tốt để sử dụng các công cụ, phương tiện và huy động mọi nguồn lực quốc gia trong việc xây dựng, thực hiện các quyết sách để đưa quốc gia phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả. Đây cũng là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế chung của thế giới, gắn với tiến trình dân chủ hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách
Sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định và thực thi chính sách là nền tảng, là đặc trưng cốt lõi của quản trị quốc gia tốt. Sự tham gia có thể bằng hình thức trực tiếp (người dân chủ động, tích cực tham gia vào quá trình ra các quyết định của nhà nước) và hình thức gián tiếp (thông qua người hoặc tổ chức đại diện cho họ)(5). Ngoài ra, người dân còn có thể tham gia thông qua các đảng chính trị, các tổ chức hội, hiệp hội, tổ chức xã hội, phương tiện thông tin đại chúng...
Những lợi ích đối với cả chính phủ và người dân khi người dân tham gia vào hoạt động của chính phủ là: Người dân được nâng cao kỹ năng tham gia vào quá trình chính sách, tránh sự bất đồng và kiện tụng; chính phủ có thêm nhiều ý tưởng cho lập đề nghị xây dựng chính sách có tính hợp lý hơn(6). Sự tham gia của người dân sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ và củng cố niềm tin của người dân đối với các cơ quan nhà nước(7).
Về sự tham gia của người dân, có nhiều quan điểm khác nhau về các cấp độ tham gia của người dân vào quy trình chính sách công. Các nghiên cứu đều cho thấy càng ở mức độ thấp, sự tham gia của người dân càng mang tính hình thức, phụ thuộc vào nhà nước. Cấp độ tham gia cao nhất, thể hiện quyền lực lớn nhất của người dân là mức độ người dân có quyền kiểm soát tất cả quá trình chính sách(8).
Trên cơ sở những nghiên cứu lý thuyết đã có về sự tham gia của người dân trong quy trình chính sách, vận dụng vào thực tiễn chính sách công ở Việt Nam hiện nay, có thể khái quát sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách bao gồm 5 cấp độ cơ bản: (i) cung cấp thông tin (thể hiện quan điểm, ý kiến về các vấn đề chính sách); (ii) tham vấn, phản biện chính sách; (iii) thảo luận và cùng ra quyết định chính sách; (iv) thực thi chính sách; (v) kiểm tra, giám sát và đánh giá chính sách.
2. Sự tham gia của người dân trong quy trình chính sách ở Việt Nam
Hình thức tham gia
Ở Việt Nam, người dân có thể tham gia vào quy trình chính sách theo hình thức trực tiếp hoặc hình thức gián tiếp.
Với hình thức trực tiếp, người dân có thể tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước (Điều 28 Hiến pháp năm 2013). Các hình thức tham gia trực tiếp ở cơ sở gồm: (i) Tổ chức cuộc họp cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình theo địa bàn từng thôn, tổ dân phố; (ii) Phát phiếu lấy ý kiến tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình (Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007). Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi năm 2020 cũng quy định: Trong quá trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách và các cá nhân có liên quan có thể cho ý kiến về dự thảo văn bản, các cơ quan có thẩm quyền tổ chức nghiên cứu giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý đó.
Với hình thức gián tiếp, người dân có thể thực hiện quyền tham gia thông qua cơ quan đại diện của mình (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp). Về nguyên tắc, khi công dân có đủ điều kiện, được tín nhiệm, được bầu vào làm việc tại các cơ quan này thì được quyền trực tiếp xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng, mang tính định hướng, giám sát các hoạt động của Nhà nước. Khi đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng của các cơ quan nhà nước, người dân có thể làm việc cho bộ máy nhà nước, thực hiện vai trò người làm chủ của đất nước.
Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự tham gia của người dân vào quá trình chính sách thông qua hệ thống internet, mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, trở thành những kênh cung cấp thông tin nhanh chóng, những diễn đàn để chia sẻ, thảo luận và lan tỏa. Đây cũng là một kênh quan trọng để Nhà nước kịp thời nắm bắt và có sự điều chỉnh chính sách nhằm quản trị hiệu quả hơn, cung ứng dịch vụ công chất lượng tốt hơn.
Các cấp độ tham gia của người dân trong quy trình chính sách ở Việt Nam qua chỉ số PAPI
Bộ chỉ số PAPI là công cụ phản ánh hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người dân, với sự tham gia của người dân trong giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, được thực hiện từ bên ngoài khu vực nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Một trong những nội dung thành phần quan trọng xuyên suốt trong các báo cáo PAPI hằng năm là nội dung khảo sát về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, được thể hiện qua các tiêu chí thành phần cụ thể như: (i) cơ hội tham gia bầu cử; (ii) chất lượng bầu cử; (iii) đóng góp tự nguyện; (iv) tỷ lệ người dân tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Các cấp độ tham gia của người dân trong quy trình chính sách trong những năm gần đây được thể hiện qua những dữ liệu của PAPI các năm 2020(9) và 2022(10). Cụ thể là:
Cấp độ 1: Nghe thông tin
Người dân được tiếp nhận thông tin chính sách từ các cơ quan nhà nước thông qua các kênh trực tiếp hoặc gián tiếp, tiếp cận chủ động hoặc thụ động từ chính quyền.
Chỉ số PAPI 2022 với nội dung “Công khai, minh bạch” nhằm đáp ứng “quyền được biết” của người dân về những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của họ gồm bốn chỉ số thành phần là: (i) tiếp cận thông tin; (ii) công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; (iii) công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; và (iv) công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất.
Theo đó, chỉ số tiếp cận thông tin năm 2022 ở mức thấp nhất trong bốn nội dung thành phần. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 chưa được thực hiện tốt và đầy đủ. Việc tiếp cận thông tin đất đai rất hạn chế, chỉ khoảng 7-34% người dân biết đến kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Ở tiêu chí chủ động tìm kiếm thông tin của người dân về chính sách, pháp luật của Nhà nước từ năm 2018-2022 ở mức thấp và có xu hướng giảm ở năm 2022 (13,49% vào năm 2022). Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ người dân sử dụng internet ngày càng tăng song việc tiếp cận và sử dụng cổng thông tin điện tử và dịch vụ công điện tử cũng như tiếp nhận và phúc đáp ý kiến của người dân trên môi trường điện tử của chính quyền địa phương ở mức thấp và hầu như không có biến chuyển qua các năm từ năm 2020 đến 2022 (từ 0,41 đến 0,43 điểm).
Cấp độ 2: Tham vấn, phản biện chính sách
Tham vấn được hiểu là hành động có chủ đích của chính quyền nhằm thông tin, lấy ý kiến của người dân và người dân có cơ hội được bày tỏ ý kiến, quan điểm, mong muốn, nguyện vọng của mình để người có thẩm quyền ra quyết định xem xét, cân nhắc trước khi ra quyết định.
Theo PAPI 2020, với câu hỏi về việc góp ý cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, chỉ một số lượng rất ít người (5,2%-5,44% trong giai đoạn 2016-2020) có cơ hội tham gia ý kiến. Và vì vậy, mặc dù tỷ lệ ý kiến được chính quyền địa phương tiếp thu khá cao (xấp xỉ 88% trong giai đoạn 2016 -2020) song tỷ lệ thắc mắc, khiếu kiện xảy ra liên quan đến đất đai, nhất là thu hồi, giải phóng, đền bù đất đai vẫn diễn ra phổ biến. Trong khi đó, theo Luật Đất đai năm 2013, quy hoạch đất đai được thực hiện cho 5 năm và 10 năm, còn kế hoạch sử dụng đất được điều chỉnh hằng năm ở các địa phương; và khi xây dựng quy hoạch đất đai, chính quyền phải tổ chức họp, lấy ý kiến góp ý của người dân.
Nghiên cứu chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân” của PAPI 2020 cũng cho thấy mức độ và hiệu quả tương tác của người dân với các cấp chính quyền khá thấp trong giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên, tỷ lệ tương tác của người dân với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp cơ sở tăng từ mức trung bình 23%/năm (giai đoạn 2016-2019) lên mức 29% (năm 2020) để “tìm kiếm giải pháp cho vấn đề họ gặp phải với gia đình, hàng xóm hoặc chính quyền địa phương”. Tỷ lệ này có xu hướng giảm nhẹ vào năm 2021, 2022, song vẫn ở mức cao.
Cấp độ 3: Thảo luận và cùng ra quyết định chính sách
Ở cấp độ này, người dân được cùng với chính quyền trực tiếp tham gia thảo luận và quyết định một vấn đề chính sách.
Theo PAPI 2020, ở chỉ tiêu “Tham gia của người dân vào việc ra quyết định xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở địa phương”, các tỉnh như Quảng Ninh, An Giang, Cà Mau có nhiều tiến bộ so với năm 2016 (từ mức trên 30% năm 2016 lên 70-80% năm 2020); trong khi Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Dương có tỷ lệ người dân được tham gia giảm mạnh so với năm 2016. Kiên Giang là tỉnh có điểm thấp nhất ở chỉ tiêu này trong cả hai năm 2016 (10%) và 2020 (xấp xỉ 23%)(11). Kết quả PAPI 2022 cũng cho biết tỷ lệ người dân trả lời được mời đóng góp ý kiến cho dự thảo kế hoạch sử dụng đất thường niên của các địa phương giai đoạn 2011-2022 ở mức thấp và có xu hướng giảm (từ 33,85% năm 2011 xuống 28,48% năm 2022)(12).
Cấp độ 4: Thực thi chính sách
Đây là giai đoạn mà người dân cùng với cơ quan nhà nước phối hợp thực hiện các hoạt động để đạt được mục tiêu chính sách. Người dân có thể tham gia vào quá trình thực thi chính sách bằng nhiều hình thức như ủng hộ, chấp hành chính sách, đóng góp công sức, tiền của để hiện thực hóa chính sách.
Theo PAPI 2022, sự tham gia của người dân địa phương trong thực thi các chính sách là nội dung có chiều hướng giảm mạnh trong giai đoạn từ 2011-2022. Cụ thể, ở chỉ số “Tham gia tự nguyện” của người dân trong các dự án công trình công cộng theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân tự nguyện tham gia đóng góp công sức và tiền của. Việc tham gia tự nguyện của người dân có dấu hiệu tăng nhẹ từ năm 2011-2015 (dao động 50-54%), tuy nhiên lại sụt giảm mạnh trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2022 (từ 50 xuống 32%).
Cấp độ 5: Kiểm tra, giám sát và đánh giá chính sách
Sự tham gia của người dân vào quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách đã được quy định trong Pháp lệnh dân chủ cơ sở ở Việt Nam năm 2007, quy định “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trong kết quả khảo sát PAPI 2020 không thấy có chỉ tiêu thành phần nào trực tiếp nói về việc thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát, đánh giá chính sách, song có thể hình dung ít nhiều qua các chỉ số thành phần về giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân. Theo đó, tỷ lệ người trả lời cho biết họ đã gửi khuyến nghị, tố cáo, khiếu nại tới chính quyền địa phương trong năm 2020 là 22,40%, có sự sụt giảm so với năm 2018 (25,9%). Tỷ lệ người trả lời cho biết đã gửi khuyến nghị, tố giác, tố cáo, khiếu nại đã được chính quyền phúc đáp thỏa đáng năm 2020 là 19,31% và cũng có sự sụt giảm so với năm 2018 (21,8%).
Những vấn đề đặt ra và yêu cầu tăng cường sự tham gia của người dân trong quy trình chính sách ở Việt Nam hướng tới mục tiêu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
(i) Những quy định của Nhà nước về sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách. Thông qua các chỉ số PAPI cho thấy, việc tham gia của người dân vào hoạt động này còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế hiệu quả để tăng cường sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách.
(ii) Trình độ dân trí (về chính trị) thấp, người dân chưa nhận thức được vai trò của mình trong quy trình chính sách. Đa số người dân cho rằng việc xây dựng và đánh giá chính sách là công việc của Nhà nước. Do đó, người dân thường thụ động khi tham gia thảo luận, ra quyết định, kiểm tra, giám sát, đánh giá. Mặt khác, các hoạt động này gặp nhiều khó khăn do thiếu năng lực.
(iii) Về mặt tâm lý, người dân ở những khu vực có điều kiện khó khăn còn có tâm lý e ngại do đã quen với cách làm từ trên xuống, quen với việc chấp hành và thực thi mệnh lệnh.
(iv) Tính cục bộ, khép kín trong quá trình chính sách vẫn còn phổ biến, trách nhiệm giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo chưa cao, việc tiếp cận các thông tin liên quan đến chính sách còn hạn chế.
(v) Việc lấy ý kiến còn mang tính hình thức, nhiều công đoạn được thực hiện chưa thực chất. Việc tiếp thu ý kiến chưa thể hiện sự cầu thị, chưa có cơ chế phản hồi các ý kiến về việc tiếp thu hay không tiếp thu.
Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống của người dân, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao đối với chất lượng phục vụ của Nhà nước. Người dân cũng ngày càng có nhu cầu được tham gia vào các công việc của Nhà nước. Đây cũng là xu thế tất yếu, phù hợp với sự phát triển của các quốc gia, đặt ra yêu cầu phải xây dựng mô hình quản trị tốt hơn, xây dựng và thực hiện quy trình chính sách công khai minh bạch, bảo đảm trách nhiệm giải trình và tăng cường sự tham gia của nhân dân vào các hoạt động của Nhà nước.
3. Giải pháp tăng cường sự tham gia của người dân trong quy trình chính sách công hướng tới mục tiêu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về sự tham gia của người dân
Nhà nước cần quy định cụ thể các hình thức, cơ chế, cách thức thực hiện quyền tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình của các chủ thể nhà nước với sự tham gia đó. Cần tiếp tục cụ thể hóa các quy định về lấy ý kiến người dân trong các văn bản luật hiện hành (Luật Trưng cầu dân ý, Luật Tiếp công dân, Luật Tiếp cận thông tin). Với những nội dung bắt buộc phải lấy ý kiến người dân thì cần có quy định bảo đảm việc thực hiện lấy ý kiến; quy định rõ vấn đề lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến, cách thức lấy ý kiến, cơ chế phản hồi ý kiến,...
Hai là, nâng cao nhận thức của người dân
Để người dân có thể thực hiện được nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” thì đòi hỏi bản thân người dân phải có trình độ, hiểu biết nhất định về pháp luật, chính sách, hiểu được nội dung, yêu cầu của những vấn đề đặt ra trong văn bản chính sách. Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho giáo dục đào tạo để nâng cao dân trí, đồng thời tuyên truyền, vận động để người dân có nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của việc tham gia vào hoạt động quản trị của Nhà nước. Bảo đảm và tăng cường sự tham gia của người dân nhằm thỏa mãn các nhu cầu chính đáng trong quy trình chính sách công là hoàn toàn phù hợp với tinh thần cải cách, đổi mới hướng tới xây dựng mô hình quản trị quốc gia tốt.
Ba là, đề cao trách nhiệm và cam kết pháp lý của các chủ thể ban hành chính sách
Để bảo đảm sự tham gia của nhân dân vào việc xây dựng và thực hiện chính sách đòi hỏi cam kết chính trị và trách nhiệm của các chủ thể ban hành chính sách. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của các tổ chức đại diện cho nhân dân như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để bảo đảm quyền tham gia của nhân dân trong quy trình chính sách công.
Bốn là, thiết lập một quy trình chính sách mở, minh bạch và thực chất
Để bảo đảm một chính sách tốt, có chất lượng thì việc mở rộng, đa dạng hóa chủ thể tham gia vào xây dựng chính sách một cách minh bạch, có trách nhiệm là điều kiện quan trọng. Việc lấy ý kiến tham gia của các chủ thể cần được đa dạng hóa, xây dựng cơ chế tiếp nhận và phản hồi các ý kiến góp ý và xem đó là một khâu bắt buộc trong quy trình lấy ý kiến trong quy trình chính sách. Những ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tiếp thu hoặc giải trình nếu không tiếp thu.
Năm là, lựa chọn các hình thức tham gia phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn
Dựa trên những đặc điểm về địa lý, đối tượng điều chỉnh của chính sách để lựa chọn những hình thức huy động sự tham gia thiết thực, hiệu quả. Về địa lý, với khu vực đô thị có trình độ phát triển kinh tế - xã hội, dân trí cao nên phát huy các hình thức tham gia trực tiếp; với khu vực nông thôn có thể tập trung vào việc đóng góp ý kiến, công sức lao động và tham gia vào quá trình giám sát quy trình chính sách. Về các đối tượng mà chính sách điều chỉnh, với nhóm trí thức cần tập trung thu hút họ tham gia vào việc đóng góp ý kiến cho xây dựng chính sách; với nhóm kinh doanh, dịch vụ cần tập trung thu hút họ tham gia vào việc đóng góp các nguồn vốn; với công nhân cần phối hợp với các doanh nghiệp, các chủ nhà trọ và các tổ dân phố thu hút họ tham gia ý kiến và thực hiện các hoạt động giữ gìn trật tự xã hội.
Như vậy, sự tham gia của người dân vào quá trình chính sách vừa là nội dung cốt lõi của quản trị dân chủ, vừa là yếu tố nền tảng của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, bền vững. Huy động sự tham gia của người dân vào quy trình chính sách đem lại nhiều lợi ích to lớn với cả hai phía - Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên, khi xem xét vấn đề này cần cân nhắc và lựa chọn các hình thức, giải pháp phù hợp với bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam để thật sự phát huy vai trò của người dân trong quy trình chính sách, hướng tới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả./.
_______________________________________________
(1), (3) World Bank: World Development Report: Governance and Development. Washingtion DC, 1992.
(2) Kaufmann, D., Kraay, A., & Mastruzzi, M. (n.d.). The Worldwide Governance Indicators: Methodology and Analytical Issues. Policy Research working paper; no. WPS 5430. World Bank. © World Bank. https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/3913 License: CC BY 3.0 IGO”.
(4) ADB: Governance: Sound Development Management. Manila, Philippines, 1999.
(5) Nancy Charlotte Roberts: Public Deliberation in an Age of Direct Citizen Participation, DOI:10.1177/0275074004269288. The American Review of Public Administration, 34 (4), 2004, 315-353.
(6) Irvin, R. A: Citizen participation in decision making: Is it worth the effort? Public Administration Review, 64 (1), 2004, 55-65.
(7) Nguyễn Trọng Bình: Sự tham gia của người dân trong quản lý công, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 1 (377), 2019.
(8) Sherry Arnstein: A ladder of citizen participation. Journal of the American Institute of planners, 35 (4), 1969, 216-224.
(9), (11) CECODES, V.-C. R: PAPI 2020 Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2020, H., 2021.
(10), (12) CECODES, V.-C. R. PAPI 2022 Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2022, H., 2023.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 29/11/2023
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Một số yếu tố tác động đến đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay
Những biến đổi trong đời sống xã hội cùng với những thành tựu của Cách mạng 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã tạo ra môi trường thông tin rộng lớn, dễ tiếp cận nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tin giả, thông tin sai lệch. Điều này tác động sâu sắc đến công tác định hướng dư luận xã hội ở nước ta hiện nay. Việc đổi mới phương pháp định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi tất yếu để góp phần vào xây dựng một môi trường thông tin lành mạnh, duy trì sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận