Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Câu hỏi cho đến tận hôm nay, sau hơn 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền lãnh đạo cách mạng, vẫn có một số người “thắc mắc”: “Tại sao ở Việt Nam chỉ có duy nhất một Đảng nắm quyền lãnh đạo?”. Có người còn mặc nhiên phán xét: “Việt Nam vi phạm quyền tự do dân chủ về chính trị”. Sự thật vấn đề này là gì? Phải nhìn nhận từ “góc nhìn lịch sử” để có câu trả lời bằng sự thật lịch sử và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Lịch sử đã cho thấy, trong quá trình đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp, không chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị duy nhất có mục tiêu giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của ngoại bang. Sau khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam (9.1858), các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp theo tiếng gọi “Cần Vương” do các văn thân, sĩ phu lãnh đạo đã nổ ra mạnh mẽ nhưng tất cả đều bị đàn áp đẫm máu và lần lượt tan rã. Thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1895) đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của giai cấp phong kiến Việt Nam.
Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, những năm đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước chống xâm lược Pháp lại liên tục nổ ra như: Phong trào Đông Du (1905); Việt Nam Quang phục Hội (1912) do Phan Bội Châu khởi xướng; Phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh phát động (1906-1908); Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) do Lương Văn Can, Nguyễn Quyền và nhiều nhân sĩ yêu nước lãnh đạo. Tất cả các phong trào đều lần lượt thất bại bởi sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù.
Cuối những năm 20, đầu những năm 30 thế kỷ XX, dưới ách đô hộ, bóc lột tàn bạo của chính quyền thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, nhiều tổ chức và đảng phái chính trị ở Việt Nam được thành lập. Các tổ chức, đảng phái này đều có khuynh hướng, mục tiêu đấu tranh đòi độc lập dân tộc:
Việt Nam Nghĩa đoàn: tổ chức của một nhóm (17 người) với nòng cốt là những sinh viên yêu nước của trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, do Tôn Quang Phiệt, Phạm Thiều, Đặng Thai Mai, Nguyễn Quốc Túy… đứng ra thành lập vào ngày 25.1.1925, tại nhà số 4 đường Giôrêghiberi, Hà Nội (nay là đường Quang Trung). Tuy Việt Nam Nghĩa đoàn đã có chương trình sơ lược và 10 lời thề nhưng không thật rõ ràng về chủ trương nên tồn tại không được bao lâu, một số thành viên rời bỏ tổ chức. Một số phần tử trung kiên do Tôn Quang Phiệt đứng đầu sau đó kết hợp với nhóm các chính trị phạm ở Trung Kỳ để thành lập Hội Phục Việt.
Hội Phục Việt: do Tôn Quang Phiệt, Lê Văn Huân, Ngô Đức Kế, Nguyễn Đình Kiên, Đặng Thai Mai và một số nhân sĩ, trí thức, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội thành lập ngày 14.7.1925. Mục đích của Hội là đoàn kết các lực lượng yêu nước, tiến bộ để làm cách mạng đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, lật đổ bè lũ vua quan bán nước, đem lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào. Tuy nhiên, Hội không đưa ra được đường lối, phương pháp, tổ chức, cách thức tiến hành cách mạng. Các hội viên chỉ mới thống nhất và đưa ra được ba điểm: tuyên truyền phát triển Đảng; liên lạc với những người cách mạng ở Thái Lan và Trung Quốc; chuẩn bị đại hội để chính thức thành lập Đảng.
Chính vì vậy, khi đánh giá về tổ chức Phục Việt, Sở mật thám Đông Dương, trực tiếp là Quyền Cục trưởng Cục Chính trị và Liêm phóng Lui Mácty (Louis Marty) có vẻ coi thường. Ông ta cho rằng, thông qua việc đưa ra tôn chỉ mục đích, chứng tỏ: “Những nhà cách mệnh ấy chẳng biết tí gì về tình hình Đông Dương. Họ cũng không thảo nổi một chương trình hoạt động thích nghi với tình thế”(1). Tất nhiên, viên Chánh mật thám Đông Dương chẳng bao giờ có thể nhận xét một cách khách quan và thiện cảm về một tổ chức cách mạng Việt Nam. Song, phải thừa nhận rằng, về nhận thức cách mạng và trình độ chính trị, các yếu nhân của Phục Việt lúc bấy giờ còn ấu trĩ, non nớt.
Năm 1926, đồng chí Lê Duy Điếm (sau đó là đồng chí Trần Phú) được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau khi bắt được liên lạc và tham gia khóa huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, đồng chí Lê Duy Điếm trở về nước và áp dụng chương trình, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào Hội Phục Việt, làm cho Hội Phục Việt chuyển hóa từ một tổ chức yêu nước thành một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng vô sản (sau này trở thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn - một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).
Đảng Thanh niên Việt Nam do Trần Huy Liệu, Nguyễn Trọng Hy... thành lập ở Sài Gòn (tháng 3.1926). Dù có tiếng là tiến bộ, nhưng đến khi: “Ban trị sự đã chính thức thành lập, nhưng chương trình, điều lệ vẫn không có và cũng chẳng ai hỏi đến... càng chưa nghĩ đến Đảng Thanh niên theo chủ nghĩa gì”(2). Hoạt động của Đảng chỉ sôi nổi nhất thời, trong đó có các hoạt động tiêu biểu như tổ chức mít tinh đón Bùi Quang Chiêu nhưng lại chống tư tưởng “Pháp - Việt đề huề” của Đảng Lập hiến do Bùi Quang Chiêu đứng đầu, đòi thả nhà yêu nước Nguyễn An Ninh... Khi những người đứng đầu bị nhà cầm quyền thực dân bắt giữ, Đảng Thanh niên Việt Nam nhanh chóng tan rã.
Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Tuấn Tài... thành lập tháng 12.1926 tại Hà Nội. Đây là Đảng của giai cấp tư sản Việt Nam. Mục tiêu của Đảng là: “Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa. Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ, đặc biệt là các nước lân cận: Ai Lao, Cao Miên”(3). Đảng viên của Việt Nam Quốc dân Đảng bao gồm các thành phần trí thức, nông dân, địa chủ, thương gia, công chức, sinh viên, học sinh, công nhân và binh lính người Việt yêu nước trong quân đội Pháp. Tuy mang danh là “Đảng cách mạng” nhưng không có cơ sở trong nhân dân, tổ chức lỏng lẻo nên có nhiều phần tử mật thám, chỉ điểm của thực dân Pháp trong hàng ngũ. Mặt khác, hoạt động của Đảng chủ yếu dùng hành động ám sát cá nhân nên ít được ủng hộ. Tháng 2.1930, Việt Nam Quốc dân Đảng phát động khởi nghĩa, biết rằng khó thành công nhưng như Chủ tịch Đảng Nguyễn Thái Học đã nói: “Không thành công thì cũng thành nhân”. Quả nhiên, khởi nghĩa thất bại, hầu hết những lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng bị bắt và bị đưa đi hành quyết ở Yên Bái. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái là tiếng vọng cuối cùng của giai cấp tư sản Việt Nam trên vũ đài chính trị. Ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam chuyển hẳn vào tay giai cấp công nhân với đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam(4).
Thanh niên Cao vọng Đảng do Nguyễn An Ninh - chủ bút tờ La Cloche félée (Chuông rè), thành lập và hoạt động từ năm 1923 đến năm 1928 tại Sài Gòn. Tôn chỉ, mục đích và hoạt động của Đảng là tuyên truyền nâng cao dân trí. Tiêu chuẩn để được kết nạp vào Đảng là phải biết chữ Quốc ngữ, phải cắt tóc ngắn. Tổ chức của Thanh niên Cao vọng rất đơn giản, không có cấp trung ương, cấp tỉnh, trụ sở là nhà riêng của chí sĩ Nguyễn An Ninh. Sau khi nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và một số người đứng đầu bị bắt, Thanh niên Cao vọng Đảng nhanh chóng tan rã.
Tổ chức Hội kín Nam Kỳ ra đời rất sớm, tính từ năm 1914 đến năm 1918 ở Nam Kỳ có từ 70 đến 80 hội kín được thành lập và hoạt động với mục đích là lật đổ chính quyền thực dân. Tư tưởng triết lý của các hội kín khá phức tạp, gồm cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Các tổ chức hội kín hoạt động độc lập, không có hệ thống chỉ huy chung và hầu như tất cả đều suy tôn Phan Xích Long (tức Phan Phát Sanh) làm Hoàng đế. Mỗi hội đều có một hội chủ (gọi là Ông chủ). Hội chủ thường chia hội viên ra từng nhóm nhỏ (khoảng vài chục người) gọi là “kèo”. Trong khi hoạt động, giữa các “kèo” không được biết nhau, khi cần gặp nhau hội viên phải dùng ngôn ngữ và dấu hiệu do hội chủ quy định. So sánh với tổ chức Thiên Địa hội (ở Trung Quốc), Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu đã nhận xét rằng, tuy cũng uống máu ăn thề, nguyện tuyệt đối trung thành với nhau, với hội và qua thử thách xem có đủ can đảm không, song trong Hội kín Nam Kỳ không hề có đẳng cấp với tính chất phong kiến và tôn giáo như trong Thiên Địa hội. Về tổ chức, Hội kín Nam Kỳ cũng đơn giản hơn nhiều, vì tính chất bình đẳng, huynh đệ là cơ bản. Khi quân Pháp tổ chức lùng sục, bắt bớ đã thu được nhiều bài “Phú hoài cổ” (của nhà giáo Võ Trường Toản) và các “bùa chú”. Nội dung bài “Phú hoài cổ” đề cao tư tưởng “trung, hiếu”, “xả thân thủ nghĩa”. Còn “bùa chú” là do các hội viên tin rằng nó có thể làm tăng thêm sức mạnh và giúp họ tránh được mọi hiểm nguy khi lâm trận. Một tổ chức chính trị, có khuynh hướng “cách mạng” mà lại mang màu sắc tôn giáo, huyền bí như vậy, cho nên khi bị khủng bố đã mau chóng tan rã.
Ngoài các tổ chức, đảng phái nói trên, còn có một số tổ chức và đảng phái chính trị ra đời sau Đảng Cộng sản Việt Nam như: Nhóm Trốt kít với các đại biểu là Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch..., là một tổ chức chính trị “mượn danh” mácxít, du nhập vào Việt Nam khoảng những năm 30 thế kỷ XX. Đến giữa những năm 30, Mặt trận Bình dân Pháp thắng thế lên cầm quyền, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương nới lỏng chính sách, cho phép một số tổ chức, đảng phái chính trị được hoạt động công khai. Những người Trốt kít Việt Nam đã tham gia tranh cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ; Viện Dân biểu Trung Kỳ v.v.. Tuy nhiên, khi chính quyền thuộc địa trở mặt, đàn áp các đảng phái chính trị, tổ chức Trốt kít đã tan rã nhanh chóng. Người ta cho rằng, Trốt kít là những người “cách mạng đầu lưỡi”, sớm bộc lộ bản chất “cơ hội cách mạng”, do đó chỉ mang tính nhất thời, không được nhân dân ủng hộ.
Ra đời sau Đảng Cộng sản Việt Nam còn có Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách) được thành lập năm 1940 ở Trung Quốc. Đầu năm 1942, Việt Cách cùng với Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc - lấy tên theo Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học), đã tổ chức đại hội, thành lập Việt Nam Giải phóng Hội, do Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ... lãnh đạo. Năm 1945, hai tổ chức Việt Cách và Việt Quốc theo chân 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc vào Việt Nam với danh nghĩa giải giáp quân Nhật, thực chất là thực thi kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” nhằm “diệt Cộng, cầm Hồ”, lật đổ chính quyền cách mạng. Nhưng mưu đồ của họ bất thành. Mặc dù với chính sách đoàn kết dân tộc, họ đã được nhường 70 ghế trong Quốc hội (không thông qua bầu cử); những người đứng đầu của Việt Quốc và Việt Cách tham gia như Nguyễn Hải Thần được cử giữ chức Phó Chủ tịch nước, Vũ Hồng Khanh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyễn Tường Tam làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao... trong Chính phủ Liên hiệp. Tuy nhiên, sau Hiệp định Sơ bộ (6.3.1946), quân đội của Tưởng Giới Thạch rút về nước, dù không ai đuổi nhưng Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh... chạy theo “quan thầy”, bỏ nước, bỏ dân.
Như vậy, thực tiễn lịch sử đã cho thấy, dù không ai tranh giành, không ai gạt bỏ, nhưng tất cả các đảng phái, tổ chức chính trị ở Việt Nam (ngoại trừ Đảng Cộng sản) đều không nắm được quyền lãnh đạo cách mạng. Các đảng phái, tổ chức chính trị dù là đảng của các nhân sĩ trí thức yêu nước nhiệt thành, hay là đảng của giai cấp tư sản dân tộc... cơ bản đều chưa có đường lối chính trị rõ ràng, thiếu hệ thống tổ chức chặt chẽ, có những đảng viên của các tổ chức, đảng phái chính trị nói trên thiếu bản lĩnh, cơ hội... Vì thế, không đảng phái nào đủ năng lực và uy tín chính trị lãnh đạo cách mạng. Cho dù có những đảng được phép hoạt động công khai, thậm chí còn nhận được sự giúp đỡ của các thế lực ngoại bang cả về phương diện tổ chức lẫn tiền bạc (như Việt Quốc, Việt Cách...) đều thất bại và tan rã nhanh chóng.
Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, thành lập ngày 3.2.1930 - so với nhiều đảng phái chính trị khác có thời gian ra đời muộn hơn. Nhưng ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm được quyền lãnh đạo cách mạng, được các giai tầng xã hội thừa nhận vai trò lãnh đạo cách mạng.
Lý giải vấn đề này, nhiều sử gia và nhiều nhà phân tích chính trị trong và ngoài nước đều thống nhất nhận định rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã đề ra được chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của lịch sử. Mặt khác, Đảng có phương pháp tổ chức, chỉ đạo hoạt động, phương pháp vận động quần chúng khoa học, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Từ những yếu tố đó, Đảng tạo lập được uy tín đối với nhân dân, được nhân dân hết lòng ủng hộ. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ niềm tin của hết thảy nhân dân đối với Đảng. Có được niềm tin ấy, dù Đảng tồn tại dưới hình thức nào (bí mật hay công khai), dù có bao nhiêu đảng phái, tổ chức khác tham gia trên vũ đài chính trị thì quyền lãnh đạo cách mạng vẫn thuộc về Đảng Cộng sản. Có thể khẳng định uy tín chính trị là yếu tố căn bản trong việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam.
Song, sẽ là thiếu tính thuyết phục và phiến diện nếu chỉ lấy tiêu chuẩn năng lực lãnh đạo và uy tín chính trị của Đảng làm tiêu chí khẳng định tính ưu việt của Đảng Cộng sản Việt Nam so với các đảng phái khác. Thực tế ngay khi mới ra đời, Đảng Cộng sản đã nắm được quyền lãnh đạo cách mạng và được tất cả các giai tầng trong xã hội Việt Nam thừa nhận quyền lãnh đạo cách mạng. Sở dĩ như vậy, là bởi Đảng Cộng sản Việt Nam sớm biết giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều đó có nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu đã xác định được mục tiêu cách mạng, đáp ứng được những đòi hỏi và nguyện vọng cấp bách nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam (độc lập dân tộc), đồng thời, mục tiêu đó còn phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại (thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội). Cùng với đó, Đảng đã xây dựng được đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn. Với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt... do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (2.1930), những vấn đề cơ bản mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam đã được giải quyết. Bên cạnh đó, những cán bộ, đảng viên của Đảng được huấn luyện, thử thách, rèn luyện trong phong trào cách mạng, luôn bám sát thực tiễn, có đủ năng lực lãnh đạo và uy tín chính trị, không phụ lòng tin của nhân dân. Những tấm gương kiên trung của Đảng đã tỏ rõ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên quyết hy sinh phấn đấu làm tròn sứ mệnh lịch sử giao phó. Trong tiến trình lịch sử, Đảng đã lãnh đạo dân tộc đứng lên Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX.
Hoàn thành trọng trách lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng duy nhất cầm quyền đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới.
Sau 35 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. “Thực tiễn đó đã khẳng định một chân lý, ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(5).
Tất nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có lúc Đảng ta bị quân thù khủng bố ác liệt, toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Xứ ủy đều bị bắt, các tổ chức, cơ sở Đảng bị đánh phá dữ dội, thiệt hại nặng nề. Nhưng vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng chưa khi nào bị đứt quãng, bị các đảng phái chính trị khác tiếm quyền. Bởi trong những giờ phút khó khăn, ác liệt nhất đã có lớp lớp đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam hy sinh oanh liệt vì sự nghiệp cách mạng. Các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong và các nhà lãnh đạo của Đảng như Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ... đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng nhân dân, tạo nên niềm tin giữa dân với Đảng mà không một kẻ thù nào, không một thế lực nào có thể chia lìa. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng là sức mạnh làm nên mọi chiến thắng của dân tộc ta. Chính niềm tin là cơ sở quan trọng nhất duy trì sự lãnh đạo liên tục của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.
Rõ ràng, chỉ một Đảng cách mạng chân chính, có đường lối cách mạng đúng đắn, thực sự có bản lĩnh, trí tuệ, phấn đấu vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, được nhân dân yêu mến, thừa nhận quyền lãnh đạo, Đảng đó mới xứng đáng là Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
_____________________________________
(1) Lui Mácty (Louis Marty): Tân Việt Cách mạng Đảng. Tài liệu dịch của Nguyễn Ngọc Cư, Phông tư liệu Viện Hồ Chí Minh, ký hiệu: NC/19, tr.142.
(2) Viện Sử học Việt Nam (1991), Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb. Khoa học Xã hội, H., tr.63-64.
(3) Hoàng Cơ Thụy (2002), Việt sử khảo luận, Nxb. Nam Á, 2002, tr.1780.
(4) Xem: Lịch sử Việt Nam (1989), Nxb. Khoa học Xã hội, H., T.2, tr.113-350.
(5) Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, https://baoquocte.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tai-le-ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-108832.html, ngày 3.2.2020.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 20.4.2021
Bài liên quan
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
- Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
- Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
- Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
- Một số vấn đề về nhận diện bản chất của chủ nghĩa tư bản trong thời đại mới, góp phần củng cố vững chắc định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân. Đối với công tác xây dựng Đảng, Đồng chí giữ vai trò là ngọn cờ lý luận, là người truyền cảm hứng, là nhà lãnh đạo xuất sắc trong thực hành công tác xây dựng Đảng, là người cộng sản mẫu mực, là tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện.
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Nâng cao tính chính đáng cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Trong quá trình thực thi quyền lực chính trị, tính chính đáng cầm quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tính chính đáng được xây dựng dựa trên cơ sở niềm tin của người dân đối với chủ thể cầm quyền, là sự thừa nhận rằng, chủ thể đó xứng đáng được cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền có tính chính đáng cao, khi đưa ra các quyết định, các mệnh lệnh, mức độ chấp hành của người dân cũng cao. Điều này quy định tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả
Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một chủ trương mới, được đưa ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2021. Tuy nhiên, nội dung, phương thức, bản chất của quản trị quốc gia là vấn đề còn khá mới mẻ và có nhiều ý kiến khác nhau. Mặt khác, vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quản trị quốc gia như thế nào? Bài viết góp phần thảo luận và phân tích, làm rõ những nội dung liên quan đến những vấn đề đó.
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Từ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến khát vọng xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc hiện nay
Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta kế thừa, vận dụng xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ tiếp tục quán triệt giá trị chân lý trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Bình luận