Thế giới năm 2020 và triển vọng năm 2021
Bức tranh chính trị thế giới năm 2020
Ngoài thảm họa y tế, dịch bệnh COVID-19 đã đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát năm 2008. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sụt giảm tới 4% - 5%; nhiều quốc gia buộc phải “đóng cửa” cả bên trong lẫn bên ngoài biên giới khiến cho chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu cũng như sự giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia rối loạn, ách tắc. Ngoài việc phải mất một khoản chi phí lớn để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các quốc gia buộc phải đưa ra hàng loạt gói cứu trợ trị giá bằng khoảng 12% GDP, nhằm bảo đảm thanh khoản, ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng, duy trì sản xuất và việc làm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đầu tư vào hạ tầng y tế, nghiên cứu vắc-xin chống dịch bệnh COVID-19..., đã tạo nên khoản nợ công lớn gấp nhiều GDP của tất cả các nước cộng lại. Tác động xã hội cũng không kém phần nghiêm trọng, với hàng chục triệu người lao động trong hầu hết các lĩnh vực ở mỗi nước bị mất việc làm, thu nhập bị giảm sút hoặc không còn thu nhập, rơi vào cảnh đói nghèo, tội phạm gia tăng, hố sâu ngăn cách giàu - nghèo ngày càng trầm trọng, cả một thế hệ thanh - thiếu niên không được đi học bình thường...
Trên bình diện quốc tế, dịch bệnh COVID-19 đã làm gia tăng thêm mối bất hòa giữa một số nước, thúc đẩy sự chuyển dịch sức mạnh giữa các quốc gia, đồng thời buộc nhiều chính quyền trên thế giới phải điều chỉnh ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại, làm thay đổi phương thức vận hành của quan hệ quốc tế và chính trị thế giới. Qua đợt dịch bệnh COVID-19, người ta càng thấy rõ năng lực xử lý khủng hoảng cũng như sự yếu kém của một số thể chế, đồng thời càng cảm nhận rõ tính ưu việt của văn hóa cộng đồng so với giá trị tự do cá nhân quá mức.
Dịch bệnh COVID-19 và thiên tai, lũ lụt xảy ra trong năm 2020 càng cho thấy mối đe dọa “an ninh phi truyền thống” có thể gây ra những thảm họa lớn hơn cả những mối đe dọa “an ninh truyền thống” và trong triết lý phát triển, yêu cầu “an toàn” cần được coi trọng hơn bao giờ hết. Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số và những lĩnh vực liên quan tới công cuộc phòng, chữa bệnh, trở thành những thước đo mới về sức mạnh của các quốc gia. Về mặt xã hội, dịch bệnh COVID-19 khuyến khích con người thay đổi lối sống theo hướng “xanh hơn”, “chậm hơn” và “giãn cách hơn”.
Bên cạnh dịch bệnh COVID-19 và thiên tai bắt nguồn từ cả những nhân tố thiên nhiên lẫn hành vi của con người, năm 2020, thế giới còn chứng kiến một “mối đe dọa” khác, thuần túy do con người gây ra. Đó là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Vấn đề này không phải mới, đã lặp lại nhiều lần trong lịch sử loài người, mà gần đây nhất là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, đặc điểm mới của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn hiện nay, cụ thể như giữa Mỹ và Trung Quốc, bộc lộ rõ nét mức độ cạnh tranh chiến lược toàn diện, đối đầu trên mọi lĩnh vực, từ chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, tài chính - tiền tệ, khoa học - công nghệ cho đến dư luận. Mỹ và Trung Quốc thường xuyên có những hành động đáp trả lẫn nhau, nhất là từ khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm lên cầm quyền vào năm 2017. Mỹ đã phát động chiến dịch cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc trên nhiều chiến tuyến, coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” số 1 và thực thi những chính sách cứng rắn đối với nước này. Mỹ cũng liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc về nguồn gốc gây ra dịch bệnh COVID-19. Đáp lại, Trung Quốc dường như lựa chọn cách “phản công” theo hướng gia tăng nội lực về mọi mặt, nhấn mạnh ưu tiên “tuần hoàn bên trong” đi đôi với những nỗ lực duy trì “tuần hoàn bên ngoài”; triển khai “ngoại giao COVID” và “điền” vào những “chỗ trống” do Mỹ tạo ra, điển hình là việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ngỏ ý sẵn sàng gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)(1) mà chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm đã rút khỏi vào năm 2017. Bên cạnh đó là việc Trung Quốc tiếp tục mở rộng “Sáng kiến Vành đai, Con đường” (BRI) trên cơ sở bổ sung khái niệm “Con đường tơ lụa chất lượng cao”, bao gồm cả “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” với hàm ý gia tăng nhân tố kinh tế số.
Do tương quan so sánh lực lượng đang có sự thay đổi, nên những căng thẳng hiện nay chưa phản ánh hết bản chất của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nhìn vào giá trị GDP cũng như vị trí đồng tiền, trình độ khoa học - công nghệ, sức mạnh vũ khí lẫn ảnh hưởng quốc tế..., có thể thấy tương quan sức mạnh tương đối so với Mỹ của Trung Quốc đã được rút ngắn. Trong giai đoạn 2000 - 2020, GDP danh nghĩa của Trung Quốc so với Mỹ đã tăng từ 11% lên trên 71%; nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), GDP danh nghĩa của Trung Quốc đã vượt Mỹ (27,3 nghìn tỷ USD/21,3 nghìn tỷ USD). Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI, Thụy Điển), Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai (sau Mỹ) về chi phí quân sự cũng như thu nhập từ bán vũ khí. Trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ, Trung Quốc hiện trở thành nước thứ ba đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô trước đây... Riêng năm 2020, Trung Quốc có lợi thế là nước sớm ngăn chặn được dịch bệnh COVID-19 nhờ thị trường nội địa khổng lồ và khả năng tập trung nguồn lực, đã duy trì được mức dương về tăng trưởng kinh tế.
Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc mà còn thể hiện trong cả mối quan hệ giữa Mỹ và các nước phương Tây với Nga. Chính vì thế, có thể thấy những mâu thuẫn nội bộ xảy ra tại một loạt nước trong không gian Xô-viết trước đây, như Bê-la-rút, Môn-đô-va, Cư-rơ-gư-xtan, Ác-mê-ni-a, A-déc-bai-gian..., đều có “bóng dáng” sự can dự của Mỹ và các nước phương Tây. Đó là chưa kể đến cuộc cạnh tranh địa - chính trị quyết liệt giữa Mỹ và Nga ở Xy-ri, hay quan hệ Mỹ - Nga - I-ran, Mỹ - Nga - Thổ Nhĩ Kỳ... Quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước đồng minh, kể cả trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng rơi vào trạng thái không mấy suôn sẻ cả về kinh tế lẫn quân sự.
Cuối năm 2020, nội bộ nước Mỹ liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống nước này trở nên hết sức rối ren càng làm cho cục diện thế giới thêm nhiều phức tạp. Cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 ghi nhiều kỷ lục, bộc lộ rõ nét sự bất ổn nghiêm trọng về thể chế cũng như tình trạng chia rẽ xã hội sâu sắc tại nước này. Việc cựu Tổng thống Đô-nan Trăm cương quyết không chấp nhận kết quả bầu cử và tìm mọi cách lật ngược tình thế là một trong những minh chứng điển hình. Đỉnh điểm của sự hỗn loạn diễn ra vào ngày 6-1-2021 khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhóm họp để kiểm phiếu đại cử tri lần cuối trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, những người ủng hộ Tổng thống Đ. Trăm đã tràn vào trụ sở Quốc hội Mỹ trên đồi Ca-pi-tôn (Mỹ) khiến các nghị sĩ, nhân viên Quốc hội và nhà báo buộc phải sơ tán, lực lượng vệ binh quốc gia và cảnh sát được điều động để kiểm soát tình hình, Thủ đô Oa-sinh-tơn bị tuyên bố lệnh giới nghiêm... Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi và chia rẽ, ông Đ. Trăm đã tuyên bố sẽ “chuyển giao chính quyền trong hòa bình và trật tự” cho người kế nhiệm Giô Bai-đơn (Joe Biden). Ngày 20.1.2020, ông G. Bai-đơn đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Phác họa triển vọng năm 2021
Với những “di sản” nặng nề mà năm 2020 để lại, bức tranh thế giới năm 2021 sẽ ra sao là điều dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, rõ ràng có thể thấy mọi việc phụ thuộc đáng kể vào tình hình, diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Mặc dù khá nhiều nước đã chế tạo thành công vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 và chiến dịch tiêm chủng đã được tiến hành tại hàng loạt quốc gia, song mới đây việc các nhà nghiên cứu liên tục phát hiện những biến thể mới của vi-rút SARS CoV-2 không khỏi khiến thế giới lo ngại, làm cho mọi dự báo đều trở nên không chắc chắn. Kinh tế thế giới năm 2021 có phục hồi được hay không và phục hồi như thế nào đến nay vẫn còn là ẩn số.
Một số dự báo cho thấy, kinh tế thế giới năm 2021 sẽ phục hồi bấp bênh, không đồng đều và nhiều khả năng chỉ có thể đạt được mức như trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Các chuỗi sản xuất, phân phối và giao lưu toàn cầu sẽ được cài đặt lại với nhiều sự điều chỉnh. Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát vào năm 2008 và nhất là những gì đã diễn ra trong năm 2020, có thể thấy các nước đều có thiên hướng chú trọng thị trường trong nước, vì vậy tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu không còn cao như trước; quá trình tự do hóa thương mại hiện nay chủ yếu được thể hiện qua các hiệp định thương mại tự do (FTA); vai trò của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khá mờ nhạt, đòi hỏi tổ chức toàn cầu này cần được cải tổ mạnh mẽ mới có thể bắt kịp thực tế đã thay đổi sâu sắc. Nói một cách hình tượng, xu thế toàn cầu hóa đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, không mất đi mà đang chuyển thành “bán toàn cầu hóa” hay “toàn cầu hóa một nửa”.
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ tiếp diễn với những điều chỉnh cả về mức độ và phương thức. Xã hội Mỹ dù đang bị chia rẽ sâu sắc về nhiều mặt song lại có sự đồng thuận cao về chủ trương cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và Nga. Do đó, một trong những điểm mới có thể dự đoán trong chính sách đối ngoại của Mỹ là nhiều khả năng chính quyền của tân Tổng thống G. Bai-đơn sẽ thực hiện phương châm “muốn đi xa thì đi cùng nhau” bằng cách tranh thủ các đồng minh quan trọng để lấy lại vai trò “lãnh đạo thế giới” mà không đơn phương triển khai như người tiền nhiệm.
Như vậy, xu thế đa phương sẽ hồi phục trong sự cạnh tranh gay gắt mới giữa các cường quốc để giành vai trò dẫn dắt thế giới; các tổ chức đa phương từ NATO đến Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS)(2), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)(3), Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU)(4) do Nga đóng vai trò dẫn dắt..., đều đứng trước những thách thức mới đòi hỏi phải được cải tổ.
Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục duy trì vị trí quan trọng và là một trọng điểm cạnh tranh địa - chính trị và địa - kinh tế giữa các nước lớn. Chính sách của Mỹ ở khu vực có thể sẽ là phiên bản mới pha trộn giữa ý tưởng “xoay trục” của cựu Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma với ý tưởng Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rộng (IPS) của cựu Tổng thống Đ. Trăm, trên cơ sở lấy phương châm “an toàn và thịnh vượng” thay cho phương châm “tự do và rộng mở”. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh BRI trên cơ sở bổ sung nội hàm “chất lượng cao”, gia tăng vai trò trung tâm thông qua việc triển khai thỏa thuận RCEP đi đôi với nỗ lực gia nhập CPTPP.
Năm 2020 với nhiều trở ngại, song Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với vai trò Chủ tịch của Việt Nam đã thể hiện mạnh mẽ sự gắn kết và khả năng thích ứng cao. Bước sang năm 2021, với ý chí kiên cường, quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ của cả Cộng đồng, ASEAN sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của mình, là mô hình hợp tác khu vực thành công, được các đối tác và cộng đồng quốc tế coi trọng. Trong khi đó, EU khép lại năm 2020 trong bế tắc, bất đồng và chia rẽ sau hàng loạt sự kiện xảy ra: dịch bệnh COVID-19 hoành hành, đàm phán Anh rời khỏi EU (Brexit) còn nhiều tranh cãi, mâu thuẫn nội bộ sâu sắc..., có lẽ không dễ gì khôi phục được nền kinh tế vốn bị sụt giảm nặng nề nhất trong vòng 300 năm qua, ngay trong năm 2021.
Tuy nhiên, mọi chuyện còn ở phía trước, bởi thế giới có quá nhiều tình huống bất định. Cho dù lãnh đạo các nước có thể thay đổi, những chiều hướng lớn đang diễn ra hiện nay vẫn sẽ tiếp diễn với một số sự điều chỉnh.
Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong bối cảnh mới của thế giới
Là bộ phận cấu thành của thế giới đương đại, Việt Nam không thể không chịu ảnh hưởng từ những gì diễn ra trên toàn cầu. Những biến động phức tạp và đa chiều của tình hình thế giới, khu vực năm 2020 đã và đang tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của nước ta, đặt ra những thách thức, cơ hội đan xen. Dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam.
Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, một lần nữa ý chí kiên cường, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam lại trỗi dậy mạnh mẽ, với quyết tâm chống dịch bệnh COVID-19 như chống giặc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Chính phủ, toàn dân đã đồng lòng hiệp sức chống dịch bệnh COVID-19, đưa Việt Nam trở thành một “điểm sáng” trong những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và thế giới đánh giá là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 từ lúc dịch chưa bùng phát trên toàn cầu cho đến hiện nay. Các biện pháp toàn diện được Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai đã và đang phát huy hiệu quả cũng như đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, với chủ trương nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế, Việt Nam đã lọt vào danh sách số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng dương cao nhất thế giới trong năm 2020.
Những kết quả trong năm 2020 càng tô đậm thêm những thành tựu mà nước ta đã đạt được trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và nhiệm kỳ năm năm qua nói riêng. Trên cơ sở kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ bang giao với 189/193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, đối tác toàn diện với 13 nước... Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch và xu thế đơn phương gia tăng, nước ta tiếp tục kiên trì và đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc mở rộng thêm các FTA. Riêng năm 2020 được xem là năm thành công nhất trong cả nhiệm kỳ, với việc hai FTA liên tiếp được ký kết, gồm: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA); FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (IPA) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1.8.2020. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự trữ ngoại tệ... của Việt Nam trong năm 2020 cũng gia tăng đáng kể.
Một “điểm sáng” nổi bật khác trong năm 2020 không thể không đề cập đến đó là Việt Nam đã để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, nhất là đảm nhiệm thành công cùng lúc nhiều trọng trách quốc tế: Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đánh giá về thành công mà Việt Nam đạt được khi đảm nhiệm vai trò kép trong một năm đầy “sóng gió”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tê-rét khẳng định: “Với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững..., thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế”(5). Còn Tổng Thư ký ASEAN Lim Giốc Hoi nhấn mạnh: “ASEAN đã đoàn kết và nhanh chóng ứng phó với đại dịch COVID-19 ngay từ tháng 2.2020. Sự phản ứng mạnh của ASEAN phần lớn nhờ ở vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong việc khuyến khích tiếp tục đối thoại và hợp tác giữa các nước thành viên”(6).
Nhiều sáng kiến, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác, như Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các cơ chế Tiểu vùng Mê Công..., cũng được các nước ủng hộ, đánh giá cao. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để nước ta tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế và uy tín trên trường quốc tế, song cũng đòi hỏi Việt Nam đóng góp tích cực hơn nữa vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực cũng như trên thế giới.
Những thành tựu nổi bật trong năm 2020 càng thể hiện rõ “sức mạnh mềm” đặc sắc của nhân dân ta, cũng như càng làm sáng tỏ tính ưu việt của chế độ chính trị - xã hội của đất nước, càng nâng cao thêm niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, càng làm rạng rỡ thêm cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam khi bước vào chặng đường mới nhằm tiến tới mục tiêu đưa đất nước bước vào hàng các quốc gia phát triển, thu nhập cao đúng vào dịp Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nước như Đại hội XIII của Đảng xác định./.
_________________________
Bài đăng trên Tạp chí Cộng sản điện tử ngày 10.09.2021
(1) Trước đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
(2) Bao gồm: Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi
(3) SCO là một tổ chức an ninh và kinh tế do Trung Quốc và Nga khởi xướng, bao gồm sáu thành viên: Trung Quốc, Nga, Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan, Cư-rơ-gư-xtan và Ta-gi-ki-xtan. Năm 2005, SCO thông qua việc cấp quy chế quan sát viên cho Ấn Độ, Pa-ki-xtan, I-ran và Mông Cổ. Năm 2015, Ấn Độ trở thành thành viên chính thức
(4) EAEU bao gồm các nước Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan và Ác-mê-ni-a
(5) Xem: http://tapchiqptd.vn/vi/nhung-ngay-ky-niem-lon/tong-thu-ky-lien-hop-quoc-chuc-mung-quoc-khanh-viet-nam/15950.html
(6) Xem: https://tcnn.vn/news/detail/47032/Tong-Thu-ky-ASEAN-danh-gia-cao-vai-tro-cua-Viet-Nam-trong-ung-pho-Covid-19.html
Vũ Khoan
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn/
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận