Thế trận lòng dân trong văn hoá giữ nước
1. Thế trận lòng dân - thượng sách giữ nước
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ quan đầu não của cách mạng nước ta chuyển từ Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội. Sáng ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Khu Di tích Đền Hùng thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tại Đền Giếng trong Khu Di tích, Người gặp cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong đang trên đường hành quân về tiếp quản Thủ đô. Người nói rằng, Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Dựng nước và giữ nước luôn đi đôi với nhau. Không dựng được nước thì không có gì để giữ, nhưng có nước rồi mà không giữ được nước thì chữ Nước chẳng còn giá trị gì. Từ trong lịch sử dân tộc Việt Nam và từ trong giá trị các học thuyết, tư tưởng, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắt lọc, tiếp thu và phát huy các giá trị giữ nước, nâng lên thành giá trị văn hoá. Một trong những nguyên nhân căn bản nhất của thắng lợi trong các cuộc đấu tranh giải phóng của lịch sử dân tộc Việt Nam là sức mạnh của lòng dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chung quanh bộ chỉ huy giải phóng, tức là các triều đại phong kiến. Việt Nam là một dân tộc, có thể do vị thế địa - chính trị chế định, và cũng có thể do cả số phận nữa, cho nên phải chống lại rất nhiều thế lực ngoại bang đến xâm lược, mà thường những thế lực này có nền kinh tế, quốc phòng mạnh hơn ta gấp bội lần (các thế lực phong kiến phương Bắc, đặc biệt là Tống, Nguyên - Mông, Minh, Thanh; các thế lực đế quốc như Pháp, Mỹ).
Thế trận lòng dân đã sản sinh ra lực lượng, sức mạnh vô địch. Mùa Hạ năm Canh Tý (1300), vua Trần Anh Tông đến thăm vị tướng già Trần Quốc Tuấn (người đã từng thống lĩnh quân đội nhà Trần đánh thắng các cuộc đấu tranh của Đại Việt chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII) lúc này đang nghỉ hưu, trên giường bệnh tại thái ấp Vạn Kiếp (nay thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Vua Trần hỏi Trần Quốc Tuấn kế sách giữ nước, thì được thưa rằng, Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, phải khoan thư sức dân để làm kế rễ sâu bền gốc, đó chính là thượng sách giữ nước.
Nhân dân, thời nào cũng vậy, là những người đóng góp sức người, sức của nhiều cho đất nước. Đặc biệt, trong thời chiến, không có sức dân, lòng dân thì không thể có vòng nguyệt quế của thắng lợi chống ngoại xâm. Nhiều gia đình đã gửi thành viên của gia đình mình ra trận và có người mãi mãi không về. Không ít gia đình đã vét đến hạt gạo cuối để cùng gửi cho tiền tuyến. Đến thời bình, cần được khoan thư sức dân, nuôi bền lòng dân. Danh nhân Nguyễn Trãi, vị công thần nhà Lê, người có công rất lớn trong việc giúp Lê Lợi lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách chiếm đóng của quân Minh, lập nên Triều Lê, nói rằng, phúc chu thủy tín dân do thủy, nghĩa là lật thuyền mới biết sức dân như nước. Khi nhận lệnh vua Lê Thái Tông soạn lễ nhạc cung đình, Nguyễn Trãi tâu rằng, hãy quan tâm đến dân, làm cho khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu, và đó là cái gốc của lễ nhạc.
Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1). Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm tinh thần văn hoá khoan thư đó của dân tộc, người đã viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”(2). Điều ấy thật có ý nghĩa đối với một nước nông nghiệp dân cư đại đa số là nông dân, đáp lại sự đóng góp vô bờ bến của nhân dân đối với thời kháng chiến binh đao khói lửa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà chiến lược quân sự. Người đã nghiên cứu binh pháp Tôn Tử - một nhà Chiến lược quân sự thời Hán (Trung Quốc) - soạn thảo năm 512 trước công nguyên(3). Cùng với lý luận quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát thực tế, rút ra những kinh nghiệm qua nghiên cứu các cuộc chiến tranh, các trận đánh trong lịch sử dân tộc và thế giới. Theo đó, Người tán thành quan điểm của Khổng Minh thời Tam quốc (Trung Quốc): “Ông Khổng Minh nói: trước nhất cốt lấy lòng dân, thứ hai mới cốt lấy thành trì của địch”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có quan điểm đó. Chỉ riêng đề cập loại hình chiến tranh du kích thôi, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn đánh du kích cần phải có dân chúng tham gia và giúp sức. Du kích như cá, dân chúng như nước. Cá không có nước thì cá chết, du kích không có dân chúng thì du kích chết”(5).
Lấy được lòng dân thì tiến đến việc vận động nhân dân tham gia chiến sự: “Muốn chống lại quân giặc, một sức đội du kích không đủ, phải hô hào dân chúng hết sức tham gia vào việc đánh giặc, như phá đường sá, cầu cống, cắt dây thép, làm vườn không nhà trống, do thám tình hình giặc, canh phòng, chuyên chở đồ đạc, đưa đón người bị thương”(6). Ngay trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tháng 12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm về kháng chiến toàn dân, trong đó nhân dân tham gia công việc chiến đấu của lực lượng vũ trang: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”(7).
Chiếm thành chỉ quan trọng đứng sau tầm quan trọng của việc lấy được lòng dân, điều này được thể hiện trong lịch sử các cuộc đấu tranh giải phóng của Đại Việt, trong hầu hết các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm (có lẽ chỉ trừ nhà Hồ thế kỷ XV bị mất vào tay giặc Minh khi bị lòng dân oán thán. Triều nhà Nguyễn thế kỷ XIX với thái độ không theo lòng dân, đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước Việt Nam rơi vào tay quân Pháp xâm lược). Chỉ đơn cử trường hợp của thời nhà Trần thôi cũng đủ thấy điều đó. Nhà Trần đã dám bỏ cả thành Thăng Long khi quân Nguyên - Mông tràn vào để tạm thời rút về Tức Mặc (tỉnh Hà Nam hiện nay) và dặn dân chúng thành Thăng Long không hợp tác, không cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân Nguyên Mông. Quân Nguyên Mông chiếm được thành Thăng Long nhưng không chiếm được lòng người, vì vậy thiếu thốn lương thực thực phẩm, thiếu sự hợp tác của dân chúng trong việc quản lý địa bàn, lại bị dịch bệnh khi mùa nóng đến. Lúc bấy giờ, quân nhà Trần trở lại thành Thăng Long đánh tan quân Nguyên - Mông nhờ có sự chung sức, chung lòng của nhân dân. Đó là chưa kể tới tư tưởng, kế sách “ngụ binh ư nông” có thể gọi là chiến lược cực kỳ tuyệt diệu của nhà Trần, đưa đến kết quả là giữa quân và dân không có khoảng cách nào hết, nó là một mà hai, hai mà một.
Đáp ứng Lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng của bè lũ Pol Pot cuối những năm 70 và cả những năm 80 của thế kỷ XX, được nhân dân Campuchia, nhân dân của một đất nước theo Phật giáo, gọi là “Đội quân nhà Phật” cũng đã nói lên quân tình nguyện Việt Nam đã lấy được lòng dân. Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết ngày 21/7/1954. Đầu tháng 10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam. Tại cuộc họp này, Người nhận định: “Địch, quân sự mạnh nhưng chính trị yếu. Ta, chính trị mạnh nhưng quân sự yếu. Nếu lấy sức đọ sức để tiêu hao thì không lợi. Ta không lấy đấm chọi đấm mà lấy mưu mẹo diệt nó, trừ bọn ác đi để bảo vệ cơ sở, phong trào dân sẽ lên. Địch công thành, ta công tâm, phải lấy được lòng dân”(8).
Phải chiếm được lòng dân, quan điểm này cũng bắt nguồn từ bản chất của mối quan hệ nhân dân với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhân dân sinh ra Đảng, “Đảng từ trong xã hội mà ra” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được lập nên từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng lãnh đạo. Từ đó, Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Quyền mà Đảng cầm là từ sự ủy quyền của nhân dân. Lực lượng vũ trang cũng từ nhân dân mà ra để bảo vệ chế độ chính trị mới.
Nhân dân có quyền lực tối cao và tất cả mọi quyền lực đều ở nhân dân. Điều này thể hiện trước hết trong cách cấu tạo quyền lực của Nhà nước, trong đó Hiến pháp là một bộ luật cơ bản chế định quyền lực đó. Bản chất vấn đề quyền lực của nhân dân chính là lòng dân đối với chế độ chính trị. Lực lượng vũ trang không bao giờ là tổ chức phi chính trị là vì thế. Trên thế giới cũng vậy thôi, ai đó nói rằng lực lượng vũ trang phi chính trị thì chỉ là cách nói mang tính ngụy biện. Ở một số nước theo chế độ đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập, có khi có quy định rằng, lực lượng vũ trang không được phép đứng về phe của đảng phái chính trị nào. Nhưng, không phải vì không đứng về phe phái chính trị nào mà bảo là phi chính trị được. Lực lượng đó có trách nhiệm bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ chính trị của nước đó, do vậy, lực lượng vũ trang đích thị là lực lượng mang trong lòng nó và trên thực tế được định chế là tổ chức chính trị, không thể khác.
2. Tiếp tục xây dựng, củng cố, phát triển thế trận lòng dân, làm giàu văn hoá giữ nước
Văn hoá là những gì do con người và vì con người, là những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Sự phát triển bền vững của một dân tộc chính là sự biểu đạt ngày càng giàu thêm của văn hoá. Giữ nước chính là văn hoá của sự phát triển bền vững. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”(9). Để xây tiếp thế trận lòng dân trong văn hoá giữ nước, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, vừa là trước mắt vừa lâu dài. Xin nêu một số vấn đề sau đây:
(1) Cầm vàng chớ để vàng rơi
Lòng tin của nhân dân đối với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta chính là vàng. Sự cầm quyền của Đảng không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Với bản lĩnh và trí tuệ của mình, Đảng đã lãnh đạo toàn dân kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, chớp thời cơ đứng lên Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên chính quyền cách mạng và mở đầu một kỷ nguyên mới của dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Với mốc đó, Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Đó là kết quả từ bao hy sinh của những người cộng sản và những người yêu nước, do đó, sự cầm quyền của Đảng là hoàn toàn chính đáng. Nhân dân đã tin tưởng trao cho Đảng vai trò cầm quyền, đưa dân tộc Việt Nam phát triển, đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trên thế giới đấu tranh vì sự tiến bộ. Từ đó đến nay, tuy có lúc, có nơi, lòng tin của nhân dân đối với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa bị giảm sút, nhưng nhìn chung, niềm tin đó vẫn được giữ vững và phát huy.
Từ trong bản chất, mối quan hệ Đảng - Dân ở Việt Nam là mối quan hệ khăng khít. C.Mác và Ph.Ăngghen nêu lên quan điểm rằng, Đảng Cộng sản khác với các đảng khác của giai cấp công nhân là ở chỗ đảng đó là bộ phận ưu tú nhất của giai cấp vô sản đại công nghiệp. V.I.Lênin cho rằng, đảng cộng sản là tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng ta từ trong xã hội mà ra, tức là dân sinh ra Đảng. Vậy là, Đảng chính là con đẻ của nhân dân, giữa Đảng và dân có quan hệ huyết thống. Do đó, chúng ta thường cho rằng, quan hệ giữa Đảng và dân là quan hệ máu thịt, Đảng là con của dân thì Đảng phải có hiếu với dân.
Mất lòng tin là mất tất cả. Do vậy, thế trận lòng dân cần được xây tiếp trước hết ở lòng tin, ở thái độ và trách nhiệm của Đảng, của các tổ chức trong hệ thống chính trị, của tất cả cán bộ, đảng viên. Xây dựng lòng tin, xây dựng thế trận lòng dân trước hết bắt đầu từ bản thân Đảng, từ những cán bộ, đảng viên, những người trong hệ thống chính trị. Đảng, cán bộ, đảng viên phải “sẵn sàng, vui vẻ” làm đày tớ, làm công bộc, làm trâu ngựa cho nhân dân. Năm 1954, tháng 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bài báo, trong đó có hai câu:
“Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được
Trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”(10)
Ở một bài nói chuyện ngày 10/5/1950, Người nói: “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đầy tớ cho quần chúng và phải làm cho ra trò, nếu không, quần chúng sẽ đá đít”(11). Mùa Hạ năm 1922, khi đang ở bên trời Âu, Người viết: “Tiếng dân chính là truyền lại ý trời”(12). Đầu năm 1946, trong Lễ mừng Liên hiệp quốc gia để cầu nguyện cho nền độc lập của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”(13). Tháng 10/1947, Người cho rằng: “Việc gì, cũng vì lợi ích của dân mà làm. Làm theo cách quan liêu… thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”(14). Năm 1955, Người lại viết: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”(15). Trong Di chúc, Người yêu cầu: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi… theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”(16). Phải luôn luôn bồi dưỡng sức dân như chăm lo cho gốc vững bền. Đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó trước hết là trách nhiệm của Đảng cầm quyền; thể hiện thật rõ vai trò dân là chủ và dân làm chủ.
(2) Tiếp tục an dân
Môi trường hoà bình là điều kiện tiên quyết, thuận lợi cho thế nước phát triển. Điều đó đúng, nhưng phải nhấn mạnh an dân. Dân an thì thế nước vững chắc. Phải làm cho toàn dân có giác ngộ chính trị để tham gia một cách tích cực vào sự nghiêp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Phải làm cho tất cả mọi người hiểu rõ hơn nữa tình hình đất nước, trong đó có nhiệm vụ giữ nước.
Thời đại hiện nay là thời đại bùng nổ thông tin. Hằng ngày, những tin tức từ mọi phía, được tung lên mạng Internet, rất nhanh và phong phú theo cấp số nhân. Nhưng, bi kịch lại là ở chỗ, vẫn còn không ít những thông tin hoặc không đến được với nhân dân, hoặc có đến được thì bị can nhiễu, làm cho tin tức bị méo mó. Trong một phạm vi nhất định, trừ bí mật quốc gia và bí mật quân sự, còn lại cần minh bạch hóa để cho mọi người biết. Biết để dân hiểu, hiểu rồi thì tích cực, chủ động tham gia giữ nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực phù hợp với từng lúc và từng nơi. Làm như thế cũng tức là thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(17).
Những tri thức về quốc phòng, an ninh đã được đưa vào hệ thống trường lớp ở nước ta, nhất là ở hệ thống các trường chính trị và các học viện, nhà trường của quân đội, công an, ở các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh mở cho hệ thống chính trị. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển theo cấp số nhân như hiện nay, các thế lực thù địch cả ở trong và ngoài nước đã triệt để sử dụng để chống phá chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa của nước ta. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (nay là nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nhà nước mang bản chất của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Do vậy, lôgíc tất yếu sẽ là: mất chế độ chính trị là mất nước; giữ nước chính là giữ chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta biết rằng, thế đứng của chế độ chính trị nước ta hiện nay là thế chân vạc với ba điểm đứng vững chắc: 1) Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với vị thế là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng nước ta; 2) Chủ nghĩa xã hội; 3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ cần một điểm đứng trong ba điểm đứng đó bị yếu, bị lung lay thôi thì chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa của nước ta cũng có nguy cơ bị đe dọa sụp đổ. Nếu cả hai và cả ba điểm đứng đó rơi vào tình huống “có vấn đề” thì chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa của nước ta càng chóng bị đổ vỡ hơn. Trong các điểm đứng đó, điểm đứng Đảng Cộng sản Việt Nam là quan trọng hơn cả. Chính vì vây, Đảng Cộng sản Việt Nam là tâm điểm mà các thế lực thù địch tập trung vào để chống phá, hòng làm cho Đảng bị suy yếu đi đến tan rã. Và một khi Đảng tan rã thì điều tất yếu sẽ đến: Việt Nam sẽ chuyển sang chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa. Do đó, bảo vệ chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân chính là giữ nước, là nhiệm vụ chính trị cao cả và lớn nhất của toàn dân.
(3) Giữ nước bằng thế trận lòng dân, nhưng nòng cốt là tăng cường tiềm lực quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và hoạt động đối ngoại
Nhân dân có vai trò chủ thể, trung tâm trong mọi chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển đất nước. Nhưng, thế trận lòng dân phải trên cơ sở kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hoà bình và ổn định để phát triển bền vững đất nước. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường về mọi mặt quốc phòng, an ninh; tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang (quân đội, công an) chính quy, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Chính thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giữ nước. Phải kịp thời và chủ động xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, đề phòng, ngăn chặn các điểm nóng; đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các băng nhóm ma tuý.
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế cần được chú ý hơn nữa ở cả ba trụ cột: đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại nhân dân, trong đó chú trọng đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng, an ninh để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Năng lực hội nhập có tầm quan trọng vì đất nước ngày càng chủ động, tích cực hội nhập sâu vào các hoạt động của quốc tế. Trong một thế giới toàn cầu hoá, phải nhất quán thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại trên cơ sở bảo đảm lợi ích cao nhất là lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế./.
________________________________________________
(1), (10) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.8, tr.276, 163.
(2), (16) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.15, tr.617, 616.
(3) (4), (5), (6), (7) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.3, tr.577, 580, 500, 526, 539.
(8) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và Các lãnh tụ của Đảng (2016), Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.8, tr.107.
(9), (17) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.1, tr.157, 192.
(11) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.6, tr.367.
(12) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.1, tr.97.
(13) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.4, tr.169.
(14) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.5, tr.333.
(15) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.10, tr.63.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 1/2022
Bài liên quan
- Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
- Tính nhân văn của Đề cương về văn hóa Việt Nam - động lực xây dựng, phát triển văn hóa đất nước bền vững trong thời đại Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Chiều 31/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có buổi trao đổi một số nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với các học viên Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV (Lớp 3).
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
Phát triển nguồn nhân lực không những góp phần đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà còn góp phần đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Vì thế, trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực – yếu tố then chốt để Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của nguồn nhân lực, Đảng bộ tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và đã đạt được những kết quả tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Song, bên cạnh những thành tựu, vẫn con những hạn chế nhất định, vì vậy, cần xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng yếu tố quyết định thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo lợi thế cạnh tranh của tỉnh hiện nay trong thời gian tới.
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về quyền con người trong thời kỳ đổi mới
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp sâu sắc đối với sự phát triển lý luận của Đảng về quyền con người. Những quan điểm của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và định hướng quan trọng cho các hoạt động về quyền con người trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Bình luận