Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Có nhiều cách hiểu về thông điệp khác nhau, có quan điểm cho rằng: “Thông điệp được hiểu là thông tin báo chí, có nghĩa là toàn bộ tin tức (bằng ngôn từ và cả hình thức được ghi lại không bằng ngôn từ mà báo chí đem lại cho công chúng, bên cạnh những thông tin thời sự, trong nguồn thông tin của báo chí còn có thông tin cơ bản và bình luận, thông tin nghệ thuật và chính luận. Nói cách khác đó là toàn bộ thông điệp mà báo chí mang đến cho người tiếp nhận; nội dung thông điệp chính là ngữ nghĩa trong văn bản”(1) hay: “thông điệp là nội dung thông tin được trao đổi từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận. Có thể bằng tín hiệu, mã số, lời nói, cử chỉ, thái độ, chữ viết... hoặc bất cứ tín hiệu nào mà con người có thể hiểu được và trình bày một cách có ý nghĩa”(2).
Tuy nhiên, các quan điểm này đều thống nhất chung một điểm, thông điệp là một thành tố quan trọng trong quá trình truyền thông.
Trong nghiên cứu này, tác giả lựa chọn quan điểm: Thông điệp chính là tâm tư tình cảm, mong muốn, đòi hỏi, ý kiến, hiểu biết, kinh nghiệm sống, tri thức khoa học - kỹ thuật… được mã hoá theo một hệ thống ký hiệu nào đó. Hệ thống này phải được cả bên phát và bên nhận cùng chấp nhận và có chung cách hiểu, tức là có khả năng giải mã.
Theo từ điển Tiếng Việt, khát vọng là “mong muốn hướng tới những điều lớn lao, tốt đẹp và được thôi thúc bởi sự trỗi dậy mãnh liệt từ trong trái tim con người”(3). Hòa bình chính là tình trạng không có chiến tranh hay xung đột vũ trang, cướp bóc, bóc lột; là khi con người ta được sống vui vẻ, hạnh phúc một cách hòa thuận mà không có sự đấu đá vì bất cứ lợi ích gì, là khát vọng của toàn nhân loại.
Khát vọng hòa bình là mong muốn mãnh liệt về cuộc sống yên bình, vui vẻ, hạnh phúc. Thông điệp khát vọng hoà bình là tâm tư, mong muốn, là ước mơ là khát khao đạt được nền hoà bình được thể hiện qua nhiều phương tiện và hình thức khác nhau: thể hiện trong phim ảnh, trong tác phẩm văn học nghệ thuật, tác phẩm âm nhạc, hội họa... Trong các tác phẩm truyền thông thông điệp “khát vọng hòa bình” được thể hiện thông qua hình ảnh, con chữ, âm thanh và những biểu tượng hoà bình.
Tranh cổ động cách mạng Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ những ngày đầu thành lập đất nước (1945) và phát triển mạnh mẽ suốt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trở thành vũ khí xung kích hiệu quả của cách mạng. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, loại hình tranh cổ động đã được các họa sĩ Việt Nam triển khai trên nhiều hình thức, nhiều phương tiện và nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Tranh cổ động đã góp phần to lớn vào việc cổ vũ tinh thần toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt mọi khó khăn, gian khổ, vượt qua bom đạn của kẻ thù để đến ngày thống nhất đất nước, dân tộc được sống trong hòa bình.
Là một loại mỹ thuật ứng dụng, mang tính khái quát cao, trong thời kỳ kháng chiến, tranh cổ động phối hợp với báo chí và truyền đơn, trở thành một công cụ sắc bén có tác động mạnh mẽ, cổ vũ toàn dân, toàn quân trong cuộc trường kỳ kháng chiến.
Về nội dung, thời kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động được thực hiện với nhiều chủ đề khác nhau, từ hậu phương đến tiền tuyến: từ chống chiến tranh phá hoại, đến ca ngợi các hoạt động tăng gia sản xuất, khích lệ tinh thần học tập văn hóa, góp phần nâng cao khí thế cách mạng trong các tầng lớp nhân dân… Tất cả đều hướng đến mục đích động viên hậu phương, cổ vũ tiền tuyến, quyết tâm đánh thắng quân thù.
Tranh cổ động thời kỳ này tập trung tuyên truyền cổ động cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thực hiện đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập tự chủ và đúng đắn của Đảng, sự nỗ lực xây dựng phát triển kinh tế miền Bắc xã hội chủ nghĩa với các chủ đề: hậu phương lớn miền Bắc, tiền tuyến lớn miền Nam, chống chiến tranh phá hoại, đẩy mạnh sản xuất, học tập văn hóa góp phần cổ vũ khí thế cách mạng.
Tranh cổ động bám sát cuộc sống chiến đấu, lao động sản xuất của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, kịp thời động viên tinh thần, chiến sĩ đồng bào chống chiến tranh phá hoại của địch, tích cực ủng hộ, chi viện đồng bào miền nam, cổ vũ các phong trào “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, tinh thần quả cảm và chiến công của bộ đội trên các chiến trường, ... đến cổ vũ toàn dân thi đua lao động, sản xuất; phong trào học văn hóa ...
Về hình thức, tranh cổ động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ sử dụng màu sắc, đường nét, hình khối và con chữ thể hiện thông điệp trên nhiều chất liệu khác nhau, trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau để tiếp cận công chúng. Tranh cổ động được in bằng bản khắc gỗ trên giấy, được vẽ trên nền giấy cũ, trên tường, in trên báo, được dán ở các khu vực trung tâm thành phố, các làng quê đã có tác động mạnh đến người xem, tạo một khí thế sôi sục, một quyết tâm cao sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc, động viên toàn dân, toàn quân chiến đấu giành thắng lợi trên chiến trường. Tranh cổ động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng đã góp phần gắn kết tình đoàn kết keo sơn hai miền Nam Bắc, thể hiện ý chí mãnh liệt về việc lập lại hòa bình, thống nhất hai miền Nam Bắc, góp phần to lớn vào việc cổ vũ tinh thần toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt mọi khó khăn gian khổ, vượt qua bom đạn của kẻ thù để đến ngày thống nhất đất nước, dân tộc được sống trong hòa bình. Khảo sát 137 bức tranh cổ động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có thể thấy rõ thông điệp “Khát vọng hòa bình” được thể hiện trong mỗi nét vẽ của các tác giả.
Về nội dung, tranh cổ động Việt Nam cung cấp thông tin về ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân về khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong thời kỳ kháng chiến.
Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, đến ngày Người trở về đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình lịch sử và trở thành vị Chủ tịch nước đầu tiên của nhà nước Việt Nam độc lập, khát vọng hòa bình độc lập, no ấm luôn thường trực trong Người: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (4) . Tư tưởng đó, tinh thần đó được nung nấu trở thành ý chí thành quyết tâm của toàn dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh Bác là biểu tượng của tinh thần độc lập dân tộc, của tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù để thống nhất đất nước, đem lại nền hòa bình cho dân tộc, luôn là ngọn đuốc dẫn đường đưa nhân dân tới con đường của tự do, ấm no và hạnh phúc: nhiều bức tranh cổ động về chủ đề Hồ Chủ Tịch ra đời: Đời đời nhớ ơn Bác (1969) của Quang Phòng, Những lời dạy bảo (1958) của Mai Văn Hiến, Đêm nay Bác không ngủ (1982) của Nguyễn Nghĩa Duyện, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân (1970) của Nguyễn Thụ và Trần Huy Oánh.
Trong các bức tranh cổ động với chủ đề về lãnh tụ, không gian thân thuộc gần gũi luôn được chú trọng, hình ảnh Bác luôn hiện ra với vẻ mặt hiền từ ấm ấp, gần gũi từ đó khơi gợi hình ảnh quá khứ về cội nguồn dân tộc để gắn bó chặt chẽ giữa cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước chung một lòng theo lý tưởng của Đảng, theo tấm gương của Bác. Dễ giải thích cho điều này vì từ khi trở thành vị lãnh tụ lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành lại độc lập, Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ, mà luôn là ngọn đuốc dẫn đường, là nguồn động viên tinh thần cho nhân dân hai miền chiến đấu. Các bức tranh cổ động đều thể hiện được giá trị tình cảm và tinh thần đó của cả dân tộc.
Trong bức tranh, hình ảnh Bác luôn được hiện lên với ánh mắt hiền từ, khuôn mặt bao dung yêu thương và nhân hậu. Trong bức tranh Đời đời nhớ ơn Bác, họa sĩ Quang Phòng khắc họa hình ảnh người ông hiền từ nhìn xuống bé gái đầy yêu thương che chở. Hình ảnh Bác đang cười bên bông sen trắng nổi bật trên nền xanh lam cho người xem cảm giác thương nhớ mà không ủy mị. Bức tranh với dòng chữ đỏ: Đời đời nhớ ơn Bác chính là tình cảm, là trái tim người dân Việt Nam luôn học tập theo tấm gương của Bác và dành trọn vẹn tình cảm cho người lãnh tụ mà họ luôn kính trọng, biết ơn và ngưỡng mộ. Bức tranh trong thời chiến nhưng không phản ánh chiến tranh mà tràn ngập lòng biết ơn, ngưỡng mộ và thương nhớ. Điều này càng thúc đẩy con người hành động và quyết tâm thực hiện mong ước hòa bình thống nhất đất nước và độc lập dân tộc của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Bức tranh Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của họa sĩ Nguyễn Thụ và Trần Huy Oánh hình ảnh Bác với bộ quân phục khỏe khoắn, khuôn mặt rạng rỡ nụ cười tự tin chiếm phần lớn trong bức tranh, bên dưới là hình ảnh đoàn quân ra trận cũng với nụ cười rạng rỡ, ánh mắt và tinh thần lạc quan tràn đầy trên khuôn mặt của các chiến sĩ. Cả không gian trong bức tranh là không gian chiến trường với trang phục quân đội của Bác, của những người lính, súng, mũ, cành lá ngụy trang... tất cả tạo nên một không khí khẩn trương gấp gáp nhưng háo hức và vui vẻ của những người ra trận. Họ ra trận với một khí thế bừng bừng của niềm tin chiến thắng, niềm tin vào ý chí quyết tâm và khát vọng hòa bình thống nhất đất nước được truyền lại từ vị lãnh tụ kính yêu của họ.
Không gian trong hai bức tranh trái ngược nhau, nhưng cả hai bức tranh đều thể hiện tấm lòng tôn kính, biết ơn, thương nhớ vị lãnh tụ của đất nước, thể hiện khát vọng, thể hiện ước vọng hòa bình thống nhất đất nước từ việc tưởng nhớ và ghi ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hình ảnh Bác, bông sen và chim hòa bình xuất hiện trong nhiều bức tranh cổ động thời kỳ này. Bức tranh Không có gì quý hơn độc lập tự do cây súng, bông sen trắng và hình ảnh Bác, hình ảnh người phụ nữ miền Nam với chiếc khăn rằn đặc trưng cùng xuất hiện. Bức tranh thể hiện sự kính trọng Hồ Chủ tịch, thể hiện khát vọng hòa bình cháy bỏng trong mỗi người dân Việt Nam, người dân Việt Nam, họ sẵn sàng chiến đấu để giành lại nền hòa bình đó.
Những hình tượng cờ tổ quốc, trái tim, hình ảnh đất nước, chim hòa bình, những em bé, những người phụ nữ đều xuất hiện nhiều trong tranh cổ động. Trong tranh cổ động người phụ nữ có thể là nông dân, công nhân, người mẹ, chiến sĩ. Họ vừa tham gia sản xuất, vừa cầm súng chiến đấu, vừa là hậu phương ủng hộ cho tiền tuyến vừa trực tiếp đối mặt với kẻ thù.
Bức tranh Toàn dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược sử dụng hình ảnh người chiến sĩ, người phụ nữ, người công nhân và nông dân trên nền không gian toàn cảnh chiến tranh: máy bay rơi, súng cao xạ, súng trường vươn cao nhưng nổi bật trên đó là những gương mặt tươi sáng hướng về phía trước với lúa, với cuốc xẻng, với súng đạn... và quyết tâm tham gia chiến đấu, tăng gia sản xuất góp phần cho chiến thắng của dân tộc.
Không chỉ thế, hình tượng người phụ nữ còn được coi như biểu tượng của hòa bình bởi người phụ nữ thường được gắn với những công việc đồng áng, chợ búa, bếp núc ... chứ ít gắn với vũ khí, chiến tranh. Khi có giặc, với khẩu hiệu: “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” người phụ nữ có thêm trọng trách đánh giặc giữ nhà. Việc khai thác sử dụng hình ảnh phụ nữ trong tranh cổ động rất đa dạng, từ phụ nữ miền núi đến miền xuôi, từ ngoài Bắc đến trong Nam, từ công nhân đến nông dân mang đến thông điệp đoàn kết dân tộc, cả nước đồng lòng vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, giành nền hòa bình cho đất nước. Trong các bức tranh cổ động, hình ảnh người phụ nữ được xây dựng đầy nữ tính nhưng khỏe khoắn, mạnh mẽ và tươi tắn: Hình ảnh cô thanh niên xung phong trong bức tranh Quyết tâm bảo vệ mạch máu giao thông hay bức tranh Mở đường thắng lợi đều được đặt ở vị trí trung tâm nắm chắc trong tay chiếc xẻng đắp đường và lá cờ chỉ đường, sau cô là từng đoàn xe đang ra trận chi viện cho tiền tuyến thắng giặc, khuôn mặt cô vui vẻ, tự tin, vững vàng và bừng sáng trong đêm, cô là hình ảnh của sức sống, của tinh thần bất diệt, của niềm tin chiến thắng. Bức tranh đem đến cho người xem mơ ước và khát vọng về một nền hòa bình. Vì khát vọng đó, mỗi người dân, kể cả người phụ nữ chân yếu tay mềm cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả cho tiền tuyến.
Trong bức tranh Nắm chắc tay súng bảo vệ thành quả cách mạng, hình ảnh người phụ nữ chiếm phần lớn trong khuôn hình, sau cô là đồng bào, là những người dân, là thành quả cách mạng cần được bảo vệ. Bức tranh Nữ du kích miền Nam gan dạ khắc họa hình ảnh hai nữ du kích miền Nam đang trong tư thế cầm súng chiến đấu trên chiếc xuồng giữa một đầm sen đầy hoa, hoa sen và phụ nữ là biểu tượng của hòa bình, cây súng là vũ khí chiến tranh, là chết chóc. Trong bức tranh, cây súng sẵn sàng nhả đạn trong tay những người phụ nữ bình dị trong trang phục hàng ngày, bên dưới những bông sen và lá sen xanh mát - Một hình ảnh đối nghịch vừa lãng mạn vừa hào hùng.
Hoặc bức tranh Nhất định thắng lợi, thể hiện người phụ nữ miền Nam với gương mặt trái xoan, đôi mắt to sống mũi thẳng cương nghị trên tay nâng con chim bồ câu ngậm lá cờ giải phóng, trên nền trời là cả đàn chim bồ câu đang bay cùng lá cờ giải phóng.
Nhiều bức tranh thể hiện hình ảnh các em thiếu niên, nhi đồng đang học tập hay làm việc cùng cha mẹ, hình ảnh các em thiếu nhi bên Bác Hồ, tất cả gợi lên không gian bình yên đầy yêu thương. Cũng có những bức tranh thể hiện cuộc sống bình thường của các bà mẹ và các em bé: bức tranh Nhờ ơn Đảng ơn Bác người Mèo có chữ hình ảnh em bé ngồi trong lòng mẹ đọc báo đôi mắt to tròn ngây thơ khung cảnh bình yên phía sau là lớp học bình dân học vụ; hay hình ảnh em bé ngủ ngoan trong tay người mẹ miền núi có khuôn mặt hiền hậu đầy tình yêu thương, sau lưng là cây súng trường trong bức tranh: vì tương lai chúng ta ...
Việc đưa hình ảnh các em nhỏ vào tranh cùng không gian gia đình làng quê đầm ấm gợi đến khung cảnh yên bình và khát vọng hòa bình không có chiến tranh. Trong các bức tranh, hình ảnh các em nhỏ đều có khuôn mặt bầu bĩnh, tươi cười vui vẻ và rất đáng yêu. Vẻ mặt ngây thơ trong sáng nhưng mong manh của những đứa trẻ trong cùng không gian thân mật khiến người xem có cảm giác cần yêu thương, che chở, cần bảo vệ không gian yên bình đó, bảo vệ những gương mặt trẻ thơ đó.
Ngoài hình ảnh, màu sắc và con chữ trong tranh cổ động cũng là những yếu tố góp phần thể hiện thông điệp “khát vọng hòa bình”.
Các bức tranh cổ động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thường sử dụng những mảng màu tùy vào nội dung và chủ đề trong bức tranh. Nhưng các bức tranh mang thông điệp khát vọng hòa bình thường thể hiện bằng các mảng màu tươi sáng: màu trắng, màu đỏ, màu xanh, vàng, tím ... màu trắng của chim bồ câu, của hoa sen trắng, màu đỏ của cờ tổ quốc, màu tím, lam vàng, da cam được sử dụng để thể hiện hình ảnh của Bác Hồ, thể hiện sự no ấm vui tươi, màu xanh thể hiện trong những bức tranh về lao động sản xuất, về làng quê ...
Đường nét trong các bức tranh cũng rất hài hòa sinh động. Dù là dòng tranh cổ động nhưng những bức tranh mang thông điệp khát vọng hòa bình đều có tính thẩm mỹ cao, được chú trọng từng chi tiết nhỏ: vẻ mặt hân hoan, vui vẻ của Bác và những người chiến sĩ trong bức tranh Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân; hay vẻ mặt hồn yên đáng yêu của em bé trong bức tranh Giữ lấy nương rẫy bản làng; vẻ đẹp dung dị gần gũi mạnh khỏe của người phụ nữ trong bức tranh Nắm chắc tay súng bảo vệ nền tảng cách mạng ...
Bên cạnh đó, các dòng chữ được thể hiện hết sức phù hợp trong các bức tranh: hoặc được trình bày bên trên, bên dưới, bên trái hoặc phải tùy dung lượng và xu hướng bố cục của mỗi tác giả. Các con chữ được trình bày to, đậm tương phản với màu chủ đạo trong bức tranh: trắng - đen; trắng - đỏ; vàng - xanh; đỏ - đen ...
Cũng có những bức tranh sử dụng con chữ được cách điệu nhưng rất ít mà chỉ có một vài bức trong các bức tranh của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, phông chữ sử dụng trong tranh cổ động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thường dùng phông chữ chân phương, dễ đọc, dễ nhận biết và nổi bật. Các con chữ trình bày trong tranh thường là khẩu hiệu để mọi người thực hiện, để suy ngẫm, để tin tưởng. Nội dung các con chữ phải được thiết kế và sáng tạo phù hợp với thông điệp từ hình ảnh. Bản thân nội dung các con chữ đó là một trong những phương tiện để thể hiện thông điệp khát vọng hòa bình. Mong muốn về một đất nước thống nhất, về chấm dứt chiến tranh, về sự bình yên cho con trẻ. Có một số bức tranh phần chữ là những câu khẩu hiệu động viên, hô hào kêu gọi, nhưng cũng có những bức tranh phần chữ là những vần thơ dễ nhớ, dễ hiểu, dân dã được gieo vần theo thể thơ lục bát như: “Còn trời còn nước, còn non / Còn một tấc đất ta còn tăng gia / Thêm khoai thì thóc để ra / Không lo đói kém cả nhà phởn phơ” Hay trong tranh của Minh Phương, sáng tác năm 1970: “Lúa tốt lợn béo gà đàn / Góp phần thắng Mỹ xóm làng ấm no”.
Tranh cổ động là dòng tranh kết hợp giữa màu sắc, hình ảnh, con chữ một cách hài hòa sinh động để cùng thể hiện thông điệp. Những yếu tố này thường được chọn lọc hết sức súc tích, cô đọng, dễ hiểu tác động trực tiếp đến người xem. Trong tranh cổ động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ không kêu gọi chiến tranh, không kích động bạo lực mà ở đó chủ yếu là những hình ảnh về sự kính trọng với lãnh tụ, về sự nỗ lực trong lao động sản xuất, sự quyết tâm bảo vệ bình yên cho trẻ thơ ... những hình ảnh đó thấm đẫm tư tưởng nhân văn, thấm đẫm khát vọng hòa bình, mong muốn một thế giới tốt đẹp.
Thông điệp “khát vọng hòa bình” trong dòng tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ chính là thông điệp nhân văn thể hiện con người Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam và tư tưởng Việt Nam trong chính những lúc cam go và ác liệt nhất. Thông điệp ấy luôn được giữ gìn và trân trọng trong lương tri mỗi con người lương thiện trên thế giới. Thông điệp đó cũng chính là lý do khiến dòng tranh này cho đến nay vẫn được sưu tầm và gìn giữ. Tên tuổi các họa sĩ vẽ dòng tranh này vì vậy vẫn được lưu nhớ trong tâm trí những người yêu hội họa Việt Nam và thế giới./.
*Nội dung nghiên cứu này, thuộc đề tài mã số CS.2023.14, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
_______________________________________
(1) Xem sách, Một số nội dung cơ bản về nghiệp vụ báo chí- xuất bản (2013), Nxb. Bộ Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, tr36.
(2) Phạm Hải Chung (2019), Lý thuyết truyền thông nâng cao, Nxb. Thế giới, tr.18.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 03/2024
Bài liên quan
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
- Chuyện tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Thư viện Karl Marx
- Tấm gương bình dị trong một nhân cách lớn
- Người chụp cả vạn bức ảnh đẹp về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Các yếu tố tác động đến sự hình thành dư luận xã hội
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 56: Dấu ấn về mùa thu lịch sử
- 2 Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đánh giá và giải pháp, kiến nghị
- 3 Giáo dục văn hoá doanh nghiệp cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa - góc nhìn từ thực tiễn thành phố Hà Nội hiện nay
- 4 Toàn văn phát biểu của đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất
- 5 Tổ chức hoạt động truyền thông tại một số công ty du lịch vừa và nhỏ tại Việt Nam: Những hạn chế, thách thức và giải pháp
- 6 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm 75 năm truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Truyền cảm hứng sáng tạo và tạo động lực cho các nhà khoa học tiếp tục cống hiến
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng mong muốn Giải thưởng “Nghiên cứu lý luận chính trị” sẽ là giải thưởng lớn mang tầm quốc gia về khoa học và công nghệ, với bản sắc riêng của khoa học lý luận chính trị, góp phần truyền cảm hứng sáng tạo và tạo động lực cho các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, không ngừng đổi mới, sáng tạo để có những công trình khoa học lý luận chính trị có chất lượng.
Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và làm việc tại New York, Hoa Kỳ, ngày 23-9-2024 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia. Tạp chí trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Thông điệp về “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 40 của thế kỷ 20, tranh cổ động gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam và trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động trở thành thứ vũ khí tinh thần mạnh mẽ trong hành trình giành độc lập dân tộc. Tuy nhiên, tranh cổ động không chỉ mang trong mình sứ mệnh tuyên truyền vận động, cổ vũ, tinh thần chiến đấu, thúc giục mọi người tham gia chiến đấu, mà còn mang trong đó những giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cùng những thông điệp về khát vọng hoà bình. Bài viết này tập trung tìm hiểu về thông điệp “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1954 - 1975).
Chuyện tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Thư viện Karl Marx
Chuyện tặng sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho Thư viện Karl Marx
Đầu năm 2022, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt công chúng cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Là cán bộ trường Đảng, chúng tôi may mắn sớm được nhận cuốn sách để làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, báo chí - truyền thông. Đặc biệt, chúng tôi đã mang cuốn sách đó làm quà tặng Thư viện Karl Marx ở thủ đô London, Vương quốc Anh.
Tấm gương bình dị trong một nhân cách lớn
Tấm gương bình dị trong một nhân cách lớn
Khi Bộ Chính trị thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhân dân cả nước và bè bạn quốc tế lo lắng, cầu mong sức khỏe của Tổng Bí thư sẽ hồi phục. Nhưng phép màu nhiệm đã không đến... 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024, trái tim người con ưu tú của đất nước, Nhân dân Việt Nam đã ngừng đập…
Bình luận