Tính chất thông tin của thể loại phóng sự trong văn học và báo chí
Là sản phẩm sáng tạo mang tính lịch sử cụ thể, thể loại phóng sự văn học hay phóng sự báo chí nào cũng chịu sự tác động trực tiếp từ tính chất thông tin mà các tác giả hướng tới phản ánh. Cùng với phong cách cá nhân, môi sinh văn hoá, quan điểm sáng tạo… tính chất thông tin chính là tác nhân trực tiếp góp phần tạo cho phóng sự những hình hài và sắc màu mới mẻ về hình thái tổng hợp thể loại. Hình dung sơ bộ diện mạo phóng sự Việt Nam qua các giai đoạn chính từ những năm 30 thế kỷ XX đến nay, có thể thấy rõ, mỗi giai đoạn phóng sự là một mảng màu riêng biệt, bên cạnh một số thuộc tính ổn định tương đối của thể loại. Đánh giá trên tổng thể, có thể thấy quá trình biến đổi về hình thái tổng hợp thể loại của phóng sự qua các giai đoạn lịch sử đều chịu sự tác động của tính chất thông tin. Cách thức tiếp cận, xử lí thông tin là một trong những nguồn mạch căn bản tạo dựng các phong cách phóng sự gia.
Phóng sự Việt Nam xưa nay luôn mang xu hướng tổng hợp thể loại chính là do người viết phóng sự luôn có ý thức về nghệ thuật khai thác và xử lí thông tin trong tác phẩm sao cho có hiệu quả phản ánh và tác động tích cực nhất theo nhãn quan sáng tạo của riêng mình. Chúng tôi cho rằng, cùng với nhãn quan tư tưởng chính trị, môi sinh văn hóa thời cuộc, phong cách cá nhân…, năng lực xử lí thông tin là một trong những tác nhân quan trọng hàng đầu giúp cho phóng sự có thể tự làm giàu cho năng lực phản ánh và tác động của chính mình để xứng đáng trở thành một trong những “thể loại chúa tể”(xin mượn từ dùng của M.M. Bakhtin) trong hệ thống các thể loại văn học và báo chí Việt Nam hiện đại. Đáng gọi phóng sự là “thể loại chúa tể” bởi hiếm có thể loại ký thông thường nào có thể sánh với tính năng thông tin linh hoạt để tổng hợp ưu thế thể loại đa phương trên nhiều lãnh địa tác nghiệp đa dạng như phóng sự, đặc biệt là phóng sự Việt Nam thời kì 1930 - 1945 và phóng sự từ sau đổi mới 1986 đến nay.
Phóng sự Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 gắn với môi sinh văn hóa thời chiến hoàn toàn tuân thủ quan điểm chính trị phụng sự công cuộc kháng chiến do Đảng ta lãnh đạo nên quan điểm sáng tạo của các cây bút phóng sự cũng căn bản nhất quán trong cách xử lí thông tin và tổ chức văn bản. Những lối viết phá cách độc đáo theo hướng tổng hợp thể loại rất hiếm hoi. Thời ấy, viết phá cách cũng đồng nghĩa với lối viết, cách nghĩ lạc điệu, lỗi nhịp luôn đáng lên án. Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói, trong chiến tranh “cả nước có chung một tâm hồn, chung một gương mặt” không chỉ đúng với tâm thế và diện mạo tinh thần của cả dân tộc mà cũng rất đúng với nền cảnh chung của phóng sự Việt Nam trong ba mươi năm chiến tranh.
Thực tế cho thấy, trước sự tác động của nhiều mối quan hệ phức tạp khởi phát từ cả phía chủ quan và hoàn cảnh khách quan, tính chất thông tin đối với mức độ tổng hợp thể loại trong phóng sự đã có sự điều chỉnh hết sức linh hoạt trong quá trình sáng tạo của các nhà văn, nhà báo. Trong những điều kiện cụ thể, sự điều chỉnh này là cần thiết để có được một tư thế tác nghiệp thật sự linh hoạt và uyển chuyển, góp phần tạo ra hiệu ứng phản ánh và tác động tích cực từ các trang phóng sự. Tính chất thông tin điều tiết tính năng tổng hợp thể loại là hiện tượng thường xuyên diễn ra trong thực tiễn sáng tạo phóng sự từ khi chúng ra đời, song lại chưa được nghiên cứu thấu đáo dưới góc nhìn lý luận mang tính hệ thống. Nghiên cứu sâu nhằm hệ thống hóa khía cạnh học thuật thú vị này không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc đối với các phóng sự gia cũng như đối với công việc giảng dạy và học tập môn học quan trọng này ở các cơ sở đào tạo Ngữ văn và Báo chí.
Có thể hiểu tính chất thông tin trong hoạt động tác nghiệp phóng sự đồng điệu với các đặc điểm của đối tượng phản ánh. Các đối tượng phản ánh rất đa dạng nên tính chất tiếp nhận, xử lí thông tin và tổ chức tác phẩm… theo đó cũng rất phong phú đa dạng về hình thái văn bản. Các nhà nghiên cứu phóng sự thường nhắc đến các loại phóng sự sự kiện, phóng sự vấn đề, phóng sự chân dung, phóng sự văn hóa xã hội… chính là nhìn phóng sự qua lăng kính nhận diện tính chất thông tin của các đối tượng phản ánh. Đối tượng mà người viết phóng sự hướng tới có thể là các sự kiện thuộc dòng thời sự chủ lưu đang diễn biến cập nhật trong cuộc sống hôm nay, có thể là các sự kiện phụ lưu đã có độ lùi về thời gian diễn ra… Bản chất của phóng sự là phản ánh các thông tin sự thật khách quan, xác thực. Nhưng viết phóng sự mà chỉ bám sát dòng chảy sự kiện chân xác như bài trần thuật, bài phản ánh… thì cùng lắm phóng sự ấy chỉ là một bài báo thông thường, khó hi vọng có thể lưu đọng chút dư vị mĩ cảm nào cho người đọc.
Viết cho trúng, cho đúng, cho hay xưa nay đã và đang là tiêu đích chất lượng để người viết hướng tới. Thông tin sự thật thời sự - chân xác là thiên chức muôn thủa của phóng sự cho nên viết cho trúng, cho đúng cơ hồ đã là bản mệnh tự nhiên của thể loại này. Riêng viết cho hay lại là phẩm chất có điều kiện, chịu sự chi phối trực tiếp từ nhiều tác nhân khác nhau mà ở đây ngoài tài năng tác giả, nhân tố tính chất thông tin có đóng vai trò rất quan trọng. Với phóng sự, để viết cho hay cần có sự trợ lực đáng kể của khả năng tổng hợp thể loại mà ở đó các thủ pháp nghệ thuật văn chương hợp lý và đắc địa sẽ được huy động trong quá trình tổ chức tác phẩm một cách khéo léo.
Song thực tế, tác nghiệp của nhiều cây bút phóng sự đã cho ta thấy không phải loại thông tin nào cũng có thể khai thác và vận dụng các hình thức tổng hợp thể loại và các thủ pháp văn học như một thuộc tính nghệ thuật tất yếu. Văn học như chất muối đem lại dư vị mặn mà cho các món ăn nhưng quả thực có những món ăn không cần muối hoặc cần với dung lượng rất ít, nêm quá tay sẽ thành mặn chát cho nên khả năng tổng hợp thể loại được chưng cất từ các tính chất thông tin phù hợp cũng không phải là một thuộc tính cố hữu trong quá trình sáng tạo.
Khai thác và vận dụng các hình thức tổng hợp thể loại là cả một quá trình nghệ thuật đã có thông lệ nhưng không có những điều lệ thành văn để phổ cập rộng rãi trong nghề viết phóng sự như những pháp thuật nghiệp vụ bất biến khi xử lý thông tin. Người viết phóng sự có nghề thường có ý thức rất rõ về sự chi phối của tính chất thông tin đối với việc gia giảm, điều chỉnh liều lượng tổng hợp thể loại trong quá trình tác nghiệp. Thông thường, khi viết phóng sự về các biến cố, sự kiện thuộc dòng thời sự chủ lưu, đáp ứng nhu cầu nhận thức nhanh nhạy, chân xác cho công chúng (chẳng hạn các vụ án nghiêm trọng, các sự kiện chính trị, văn hoá, kinh tế nổi cộm, bức xúc… mới xảy ra), các cây bút thường ít khai thác các hình thức tổng hợp thể loại trong phóng sự giàu chất văn học hoặc chỉ khai thác ở mức độ hạn chế tựa như một thứ “phụ gia” điểm xuyết vào trang viết để “mềm hoá” thông tin.
Tính chất thông tin thời sự cập nhật - chân xác luôn chế định người viết tuân thủ tối đa quy mô, diện mạo của sự kiện cần phản ánh. Nguyên tắc định lượng, định tính, xác thực đến từng chi tiết của sự thật khách quan cũng đòi hỏi người viết hạn chế tối đa những lối biểu đạt theo lối mỹ cảm - đậm đặc xúc cảm cá nhân. Các hình thức phóng sự - ghi chép giàu mầu sắc thông tấn báo chí đặc biệt có ưu thế thể hiện những phạm vi hiện thực giàu tính thời sự cập nhật, chân xác khách quan. Các nhà văn, nhà báo Tam Lang, Thép Mới, Đỗ Quảng, Xuân Ba, Nguyễn Quang Vinh, Huỳnh Dũng Nhân… từng được bạn đọc biết đến như những cây bút phóng sự giàu chất văn, vậy mà khi phải đối mặt với các loại thông tin sự thật nghiêm cẩn đòi hỏi những chứng cứ xác tín, họ đều rất linh hoạt trong việc xử lý mối tương hợp giữa các thủ pháp thể hiện theo lối thông tấn khách quan và các phương diện biểu cảm chủ quan của người viết. Một ngày ở xứ Chàm (Tam Lang), Những chiến sĩ đánh thắng địch (Thép Mới), Hà Nội toạ độ lửa (Đỗ Quảng), Quảng Bình ngày thứ tư tắc đường (Nguyễn Quang Vinh)… là những minh chứng thuyết phục cho sự chi phối của áp lực thông tin sự thật chân xác - thời sự đối với yêu cầu tạo dựng những trang viết phóng sự theo lối phóng sự - ghi chép giàu tính chất thông tấn báo chí nghiêm cẩn, khách quan.
Tính hấp dẫn của các phóng sự này có được là nhờ độ nóng hổi, bức xúc của sự kiện và ý nghĩa của vấn đề mà tác giả đặt ra thông qua những lát cắt lý giải, điều trần và định hướng tư tưởng thiết thực đối với thời cuộc. Ở đây người đọc hiếm khi tìm thấy những dụng công sáng tạo câu từ, chữ nghĩa, xây dựng hình tượng nhân vật hay kết cấu sự kiện, tạo dựng điểm nhìn khéo léo… như ở hầu hết các phóng sự thấm đẫm chất văn chương đặc trưng của chính các cây bút ấy.
Xét về tính chất thông tin, yếu tố thời điểm của thông tin sự kiện (mới xảy ra hoặc đã có độ lùi về thời gian) cũng đóng vai trò rất quan trọng chi phối trực tiếp đến việc xử lý các mức độ tổng hợp thể loại trong tác phẩm phóng sự. Cùng trên nền tảng của một sự kiện bản thể, ở mỗi thời điểm tiếp cận sự kiện khác nhau, người viết phóng sự thường có những điều kiện kiến tạo điểm nhìn và mục đích ký thác những thông điệp tư tưởng khác nhau. Chẳng hạn cùng viết về sự kiện chìm thuyền thảm khốc trên sông Gianh (Quảng Bình) ngày 25.1.2008, Nguyễn Quang Vinh có một số tin và 3 bài phóng sự tiêu biểu: bài Một gia đình cứu được 35 người, viết trong lúc sự kiện vừa xảy ra; bài Nhân dân gọi họ là anh hùng, viết sau khi sự kiện kết thúc 4 ngày và bài cuối cùng Thương lắm những người cha ru trẻ, viết sau khi sự kiện đã có độ lùi ngót 2 tuần.
Hai bài đầu chỉ đơn thuần là những trang ghi chép, tả chân hiện trạng liên quan đến những nỗ lực cứu vớt các nạn nhân, những tổn hại và truy tìm trách nhiệm của các bên liên đới… Nhưng khi thảm hoạ đã đi qua, không còn bị câu thúc bởi những thông tin bề nổi bức xúc, cập nhật, bài thứ ba với thế mạnh vốn có của phóng sự đã khơi sâu vào những tầng vỉa ý nghĩa thông tin mới, nhân văn, hướng thiện hơn nhờ cơ chế tổng hợp thể loại được triển khai linh hoạt và có chiều sâu nhân bản hơn. Những trăn trở nội tâm thường gặp trong tùy bút, bút ký, những hồi ức cá nhân theo lối phóng sự - hồi ký, những chi tiết đau lòng liên quan đến người còn, kẻ mất giàu chất trữ tình… đã bào xát vào cõi tâm can của các nhân vật, cứa sâu vào ý thức người đọc những nỗi đau nhân thế khôn nguôi, khơi dậy niềm cộng cảm của đồng loại… Nguyễn Quang Vinh viết không nhiều như các cây bút chủ lực thời đổi mới như Xuân Ba, Vũ Hữu Sự, Huỳnh Dũng Nhân, Đỗ Doãn Hoàng… nhưng do hầu hết các phóng sự của anh thiên về lối viết tổng hợp thể loại nên rất đa dạng về cách thức xử lí thông tin, về mô thức kết cấu trần thuật và ngôn ngữ.
Như vậy, có thể thấy rằng khi thông tin bản thể đã có độ lùi về thời gian, độ mở về không gian, người viết phóng sự sẽ có điều kiện khai thác các hình thức tổng hợp thể loại linh hoạt để vươn tới những chiều sâu, tầng chìm của sự kiện, điều trần sáng tỏ những sự thật nhân sinh nhức nhối về số phận con người. Các phóng sự Kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, Làm no hay cái ăn trong những ngày nước ngập… của Ngô Tất Tố; Sông Đà một thủa của Xuân Ba, Làng giáo có gì vui của Hoàng Minh Tường, Đừng bắt Bà Chúa Kho tham nhũng… của Vũ Hữu Sự, Thương về A Nhí của Đỗ Doãn Hoàng… đều lấy tâm điểm thông tin sự kiện là những nghịch lý của hoàn cảnh sinh tồn để gợi lên sự “nhức nhối của trí tuệ” và thức tỉnh lương tri nơi người đọc. Ưu thế tổng hợp thể loại đã giúp các phóng sự nói trên vượt qua những giới hạn thông tin sự kiện đơn thuần của phóng sự báo chí để đạt tới tầm vóc thông tin đa diện đầy ám ảnh không khác gì những tác phẩm văn chương thẩm mỹ đích thực.
Khi không còn chịu sự chế định khắt khe về tính chất thông tin thời sự - chân xác của sự kiện, người viết có thể đặt sự kiện trong các mối quan hệ đa chiều của nó để phát huy năng lực sáng tạo của mình. Sức hấp dẫn từ các phóng sự giàu tính năng tổng hợp thể loại của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang… có phần nhờ vào khả năng kết dệt hài hoà, hợp lý giữa các sự kiện và con người nguyên mẫu ở ngoài đời với các tình tiết “có thoáng một chút ma quái” (cách nói của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn) từ sự hư cấu tài tình hợp lí của các tác giả.
Cùng môi sinh văn hoá đồng đại với Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang… Nguyễn Đình Lạp lại đăng đàn phóng sự bằng một cá tính xử lí thông tin sự kiện khá khác biệt. Xuất phát từ sở trường điều trần những mặt trái của xã hội bằng những chứng cứ xác thực đến từng con số, Nguyễn Đình Lạp ưa tìm đến những thông tin về sự kiện và con người trong các môi trường giao tiếp sinh động, những địa danh xác thực ở cả nội đô và ngoại thành Hà Nội đương thời để làm chất liệu hiện thực phản ánh. Phóng sự Nguyễn Đình Lạp nổi bật ở cách xử lí thông tin khách quan, hạn chế tối đa những bình bàn, phán xét chủ quan cá nhân của người viết. Nguyễn Đình Lạp rất thường hay dùng và khuyên mọi người nên dùng từ “phỏng sự” thay vì “phóng sự” với ý thức muốn tìm tòi, truy nguyên và cân nhắc thấu đáo những thông tin sự thật khách quan cho những trang viết. Cách tiếp cận và xử lí thông tin sự kiện của Nguyễn Đình Lạp cùng với các cây bút phóng sự thông tấn báo chí khác như Trúc Hà, Huỳnh Văn Chính, Minh Tuyền,… và sau này là Lê Điền, Vũ Tuấn Việt, Trần Huy Quang, Lê Thanh Phong, Hà Văn Thuỳ… là minh chứng cho sự tác động của tính chất thông tin đối với quá trình tổ chức tác phẩm phóng sự tương ứng với cá tính sáng tạo của người viết.
Thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay cũng xuất hiện không ít những phong cách phóng sự thiên về hình thái đan xen giữa thông tin sự thật với thông tin mĩ cảm như Xuân Ba, Vũ Hữu Sự, Hoàng Minh Tường, Đỗ Doãn Hoàng, Nguyễn Quang Vinh, Huỳnh Dũng Nhân… Đó là những cây bút đem đến sự phá cách thể loại đáng kể cho phóng sự Việt Nam đương đại nhờ năng lực xử lí thông tin theo hướng tổng hợp thể loại thật sự độc đáo và hiệu quả. Sở trường khám phá thông tin, khai thác đề tài, hình thức tổ chức sự kiện, tạo dựng nhân vật, giọng điệu, văn phong… của các cây bút này đều chịu sự chi phối trực tiếp từ đặc điểm phong cách cá nhân hết sức đa dạng của mỗi cây bút.
Có thể nói, nhờ nội lực phong cách xử lí thông tin đa dạng lại có thêm sức mạnh tương hỗ từ phía môi sinh văn hoá mới đương đại rất đỗi khoáng đạt nên phóng sự Việt Nam đã thực sự tạo nên một cuộc bứt phá ngoạn mục cả về số lượng và chất lượng.
Nói đến tác động của tính chất thông tin đối với hình thái tổng hợp thể loại trong phóng sự cũng cần hết sức lưu ý nguyên tắc quan trọng rằng: mọi hiệu quả tích cực của sự sáng tạo trong tác phẩm chỉ có thể tìm được sự tương thích từ những tính chất và mục đích thông tin cụ thể mới phát huy tốt hiệu ứng tác động tích cực cho người đọc. Không ý thức được điều này người viết dễ biến phóng sự thành những trang viết theo lối văn nghệ hoá thông thường, đánh mất đặc trưng cá biệt của một thể loại văn học - báo chí đặc thù giàu tính năng ích dụng trong đời sống xã hội. Phóng sự hiện nay trên cả văn đàn và báo chí không khó nhận ra một vài cây bút thay vì đối mặt với những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội… bức xúc, họ thường khai thác những phạm vi hiện thực an toàn, đỡ động chạm… bởi chính đây là lãnh địa dễ có cơ hội “vung bút” để phô diễn những thủ thuật sáng tạo khéo léo, tài hoa, thi vị cho những trang viết của mình.
Có thể nói, sự tác động của tính chất thông tin có vai trò đáng kể đối với hình thái tổng hợp thể loại trong phóng sự. Tổ chức một văn bản phóng sự theo hình thái tổng hợp thể loại, bên cạnh sự tác động của tính chất thông tin sự kiện, cần ghi nhận thêm nhiều tác nhân khác, trong đó vai trò của phong cách người viết cũng rất đáng lưu ý. Ghi nhận thêm điều này để chúng ta có cơ sở kiểm chứng một thực tế có vẻ phi lô gíc rằng: không ít nhà văn viết phóng sự rất Báo và cũng lại có không ít những nhà báo viết phóng sự rất Văn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bakhtin (1979), Những vấn đề thi pháp của Đostôiépxki - Nxb. Nước Nga Xô viết (Tiếng Nga).
2. A.A. Chertưchơnnưi, Các thể loại báo chí (Đào Tấn Anh, Trần Kiều Vân dịch) Nxb .Thông tấn, H., 2004.
3. Hà Minh Đức (1980), Ký viết về chiến tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nxb. Quân đội nhân dân.
4. Lưu An Hải, Tôn Văn Hiến (2002), Lý luận văn học, Nxb. Đại học Sư phạm Hoa Trung, Vũ Hán (Tiếng Trung)
5. Vương Trí Nhàn, Nơi gặp gỡ của báo chí và văn học - Tạp chí Văn học số 1.1995.
6. Nôen Đuytơrơ, Bàn về văn học phóng sự, Báo Văn nghệ số 21 ngày 26.5.1990.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 05.2021
Bài liên quan
- Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
- Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
- Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
- Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Bình luận