Tính chuyên nghiệp của báo chí trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”
Những bài viết thiếu thiện chí đã vấp phải sự đáp trả mạnh mẽ của giới báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập quốc tế, báo chí truyền thông cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp hơn nữa, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, tạo môi trường truyền thông lành mạnh, làm đúng chức trách, nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Đảng, diễn đàn của nhân dân.
Sức mạnh của báo chí truyền thông hiện đại
Nếu tính trong năm 1995, thế giới mới chỉ có 154 tờ báo mạng điện tử, đến nay đã có hàng trăm triệu website, blog cá nhân khác nhau, hằng ngày, hằng giờ thu hút vài tỷ lượt người xem và trao đổi thông tin. Sự phát triển kỳ diệu của In-tơ-nét đã khiến thế giới ngày trở nên phẳng hơn, tạo ra một “thế giới phẳng" với xa lộ thông tin kết nối toàn cầu.
Trên nền tảng đó, các mạng xã hội cũng ra đời khiến các phương tiện truyền thông nhỏ bé như chiếc điện thoại di động trở thành “vật bất ly thân” của con người trong xã hội hiện đại, bởi chỉ cần chiếc điện thoại di động “tầm tầm”, công chúng có khả năng “lướt web” và dễ dàng kết nối thông tin, chia sẻ tình cảm với người thân, bạn bè, thậm chí bày tỏ những suy nghĩ về các lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả những khía cạnh nhạy cảm, sự hiểu biết và kinh nghiệm trong cuộc sống…
Tại Việt Nam, tờ báo điện tử đầu tiên là Tạp chí Quê Hương điện tử – tạp chí của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, trực thuộc Bộ Ngoại giao phát hành vào ngày 6/2/1997 với tên miền là quehuongonline.vn. Tính đến nay, chúng ta có thêm hàng ngàn website, blog cá nhân trên mạng. Sự phong phú về thông tin trên mạng In-tơ-nét cũng kèm theo nhiều hệ lụy khó lường, gây nhiễu loạn thông tin, trong đó xuất hiện không ít thông tin độc hại, với sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ra hiệu ứng đám đông, đôi khi làm rối loạn môi trường thông tin.
Trong “xã hội ảo” đó, nếu mọi người biết sử dụng mạng In-tơ-nét một cách nhân văn, nó trở thành một kênh giao tiếp giải trí lành mạnh, hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống của con người, thúc đẩy xã hội phát triển. Với đặc điểm là “căn phòng” không khóa cửa và biên giới cứng dần trở nên bị xóa nhòa, In-tơ-nét dễ dàng trở thành công cụ đắc lực cho các thế lực phản động lợi dụng – nuôi cấy những mầm “nấm độc”, gây phương hại cho an ninh quốc gia…
Thực tế cho thấy, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng hiện đại và nhanh nhạy, góp phần đưa các quốc gia, khu vực trên thế giới xích lại gần nhau thông qua mạng In-tơ-nét.
Tuy nhiên, hiện nay, trên thế giới và các nước trong khu vực đang trải qua nhiều diễn biến phức tạp, các cuộc chiến tranh vẫn xảy ra, những bất đồng và tranh chấp lãnh thổ ngày càng leo thang, xung đột giữa các quốc gia vẫn ngấm ngầm và công khai, mưu toan lật độ và gây bạo loạn đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, an ninh chính trị trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, để người dân có nhận thức đúng đắn về tình hình thế giới, cũng như hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, báo chí truyền thông có vai trò hết sức quan trọng, là phương tiện hữu hiệu nhất góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong công tác phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, báo chí truyền thông luôn giữ một vị trí quan trọng, tích cực tham gia đấu tranh phản bác lại các luận điệu sai trái, bôi nhọ của các thế lực chống phá cách mạng Việt Nam và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Cần khẳng định rằng: “Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức); là diễn đàn của nhân dân". Như vậy, một trong những chức năng quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam là định hướng tư tưởng, dư luận, góp phần ổn định chính trị – xã hội.
Cần tỉnh táo trước những bài viết thiếu thiện chí
Thời gian qua, một số cơ quan truyền thông nước ngoài lợi dụng In-tơ-nét liên tục phát tán một số bài viết không tích cực về Việt Nam, thậm chí có “nhà đài” còn đăng tải một bài viết đầy khẩu khí, với những chiêu trò cũ rích, gây kích động, bôi nhọ báo chí Việt Nam, với tiêu đề “Nỗi hổ thẹn của báo chí Nhà nước”. Mặc dù Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã chú thích ở phía dưới bài viết, đây là quan điểm của tác giả, song “nhà đài” này đã cố tình chọn đăng những bài mang tính chất xuyên tạc và gây kích động.
Điều đáng nói là bài viết đó không chỉ xúc phạm danh dự những người làm báo Việt Nam mà còn có ý đồ chia rẽ khối đại đoàn kết trong hệ thống báo chí truyền thông của Việt Nam. Tác giả bài báo cố tình xuyên tạc rằng, hơn 700 tờ báo của Việt Nam đang “hôn mê” và hầu hết đội ngũ Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập đã được “tái cơ cấu” nên không có mấy phóng viên nhiệt thành lèn được bài viết phản ánh “thực tồn xã hội” ngổn ngang trên mặt báo…
Qua bài viết này, không khó nhận ra rằng, mục đích của “nhà đài” nhằm gây kích động những người làm báo Việt Nam, gieo rắc vào đầu các nhà báo những nhận thức sai lệch về trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình, đồng thời xúi giục các cơ quan báo chí xa rời mục đích tôn chỉ, thoát ly sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Bài báo cũng kích động các nhà báo đưa nhiều điều mà họ cho rằng đó là những thực tồn ngổn ngang của xã hội, gây chia rẽ, phân tâm làm nhiễu loạn thông tin, thiếu sự đồng thuận trong xã hội.
Trong khi đó, một số người muốn quan tâm thực sự tới tình hình của đất nước, xã hội không còn cách nào khác đành phải tham gia vào các diễn đàn mạng xã hội – đây là hình thức đặt niềm tin “ăn, thua” rất nguy hiểm trong mớ hổ lốn thông tin ngồn ngộn trên mạng In-tơ-nét, khó phân biệt thực hư, đúng sai! Rõ ràng, trước những thông tin đó, báo chí truyền thông phải hết sức tỉnh táo, sự cẩn trọng là cần thiết, tránh được các hậu quả khó lường.
Ngoài ra, một số người nhân danh “mạng lưới blogger Việt Nam” đã phát tán bản “tuyên bố” trên In-tơ-nét đề cập một cách tiêu cực về nhân quyền của Việt Nam. Một trong những thành tích lớn về vấn đề nhân quyền của Việt Nam được thế giới ghi nhận là ngày 12/11/2013, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất (184/192 phiếu) trong 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Việc tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp một cách trực tiếp vào công cuộc bảo vệ, thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi thế giới…Tuy nhiên, trước và sau khi Việt Nam chính thức được bầu, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách bêu xấu hình ảnh của đất nước, thậm chí một số tờ báo phương Tây đã xuyên tạc sự thật, vu khống Việt Nam đàn áp tôn giáo, đàn áp những người bất đồng chứng kiến, bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí và hồ đồ cho rằng, Việt Nam không xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Điều vô lý hơn, các thế lực thù địch đã yêu cầu Nhà nước phải hủy bỏ một số nội dung trong Điều 258, Bộ Luật hình sự như: Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Mặt khác, chúng còn yêu cầu chấm dứt tình trạng độc quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, bảo đảm quyền tự do thành lập các cơ quan báo chí, xuất bản của mọi cá nhân, gỡ bỏ tường lửa ngăn chặn người sử dụng mạng xã hội, chấm dứt hiệu lực của Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ với các nội dung siết chặt tự do biểu đạt và thông tin trên mạng…
Những kẻ chống phá không hiểu rằng, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, Việt Nam luôn phấn đấu không mệt mỏi cho dân chủ, nhân quyền, độc lập dân tộc. Ai cũng biết, nhà báo hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam đều tuân thủ hiến pháp và pháp luật, được tự do hành nghề không bị cản trở, tự do sáng tạo nhằm cung cấp cho công chúng những tác phẩm có giá trị.
Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định". Nhà báo cũng như bất kỳ công dân Việt Nam nào, nếu vi phạm pháp luật hay lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Đảng và Nhà nước, đi ngược lại lợi ích dân tộc đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Báo chí cần sự chuyên nghiệp hơn
Trải qua rất nhiều năm kháng chiến gian khổ, biết bao nhiêu người đã phải hy sinh xương máu mới giành được độc lập, trọn vẹn và thống nhất đất nước. Mặc dù vậy, các thế lực thù địch, phản động vẫn luôn tìm cách tiến hành các hoạt động chống phá gây bất ổn xã hội. Trong khi tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình” chúng đã lợi dụng triệt để ưu thế của mạng xã hội để lôi kéo những người làm báo không tỉnh táo theo chúng để viết những bài chống lại Đảng và Nhà nước, thậm chí vu khống, xuyên tạc những điều sai trái. Do đó, cuộc đấu tranh tư tưởng trong “không gian” In-tơ-nét ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi phải có sự vào cuộc kịp thời và tỉnh táo của các cơ quan báo chí – truyền thông. Có thể rút ra một số vấn đề sau:
Thứ nhất, báo chí cần thận trọng trước tin đồn trên mạng In-tơ-nét. Một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận hiện nay là một số phóng viên, cộng tác viên của các tờ báo điện tử, trang tin điện tử đang “hoành hành”, gây rối loạn thông tin, nhất là báo chí tiếp tay cho tin đồn thất thiệt trên mạng In-tơ-nét. Điển hình ngày 21/2/2013, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn, nói xấu Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Trần Bắc Hà bị bắt.
Một số trang mạng đã không kiểm chứng thông tin cho đăng tải thông tin này, gây thiệt hại lớn cho ngân hàng và tiếp tay cho các tờ báo phản động suy diễn, xuyên tạc, ảnh hưởng xấu đến dư luận. Do đó, báo chí cần phải phản ánh đúng sự thật, không phải là “công cụ” để lợi dụng làm những điều thị phi.
Thứ hai, sự thực là “sinh mệnh” của báo chí. Do đó, báo chí không chỉ là nơi cung cấp thông tin chính xác, bổ ích cho độc giả, mà còn phải định hướng dư luận xã hội, bác bỏ những tin đồn thất thiệt. Không phải vấn đề nào cũng có thể đưa lên mặt báo, mà đòi hỏi người làm báo cần có sự “nhạy cảm nghề nghiệp” trong chọn lựa, xử lý và có liều lượng thông tin. Thực tế cho thấy, vấn đề nhà báo sử dụng tin đồn trên mạng để “chính thống hóa” bài báo của mình không chỉ xảy ra ở Mỹ hay Việt Nam, mà xuất hiện nhiều ở các nước trên thế giới. Do vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP là rất cần thiết và kịp thời.
Trên thế giới, các quốc gia khác cũng đều quản lý chặt chẽ In-tơ-nét mục đích không làm phương hại tới lợi ích quốc gia. Luôn nhớ rằng, tự do nhưng phải nằm trong khuôn khổ và tôn trọng pháp luật. Các nhà báo cần chú ý, không nên đăng tải các thông tin thu thập được, nhưng không được cơ quan báo chí sử dụng trên các mạng xã hội cá nhân của mình, bởi uy tín của cơ quan mình đang công tác có thể bị giảm, khi các quan điểm cá nhân của nhà báo được đưa lên các mạng xã hội.
Thứ ba, trong môi trường thông tin đa chiều, báo chí cần phải “vun đắp” niềm tin cho công chúng. Tại buổi tọa đàm: “Sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam và ứng xử của các nhà báo trẻ” do BCH Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tổ chức tháng 6/2013, Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân đã chỉ ra rằng: “Những tin đồn hiện nay lan tỏa trên các trang mạng xã hội rất nguy hiểm, nó xô đẩy lòng tin chính trị – bản lĩnh cơ bản của người làm báo cách mạng”.
Ngay đến nhà báo còn đứng trước nguy cơ bị “xô đẩy lòng tin chính trị”, việc đưa những tin thất thiệt kia có còn đủ sức níu kéo sự tin tưởng của độc giả? Báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng dư luận. Để làm tốt chức năng ấy, báo chí trước hết phải tôn trong sự thật và “vun đắp” niềm tin cho công chúng của mình.
Thứ tư, để chiếm lĩnh và làm chủ “không gian” In-tơ-nét, sàng lọc và có định hướng tốt thông tin cho các nhà báo, cần xây dựng một “đội quân” hướng dẫn dư luận viên trên mạng xã hội. Thực tế cho thấy, việc phát tán tin đồn trên In-tơ-nét của các thế lực thù địch, cộng thêm sự “tham gia tích cực” của báo chí chính thống sẽ khiến dư luận trở nên rối ren, xã hội bất ổn.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí cần phải xây dựng một “đội quân” tinh nhuệ, có những bài viết công khai, vạch trần và lên án các luận điệu sai trái ngay trên mạng xã hội của cơ quan báo chí mình, đồng thời đưa ra cảnh báo cũng như hệ lụy của những bài báo có những quan điểm sai trái, nhằm trấn an dư luận tạo ra hiệu ứng xã hội tốt hơn.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý tốt được hệ thống báo chí truyền thông hiện nay, đòi hỏi các cơ quan quản lý báo chí phải có đội ngũ cán bộ giỏi nghiệp vụ, tinh thông nghề nghiệp, định hướng tốt đối tượng, nội dung và phương pháp quản lý. Đặc biệt, cần phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo chuyên viết về mảng này, từ đó, nâng cao bản lĩnh chính trị, tình yêu đất nước, dân tộc cho các nhà báo…
Ngoài ra, việc định hướng tuyên truyền luôn là vấn đề vô cùng quan trọng, bởi nếu không chủ động, thường xuyên và liên tục, hiệu quả truyền thông sẽ không cao. Mặt khác, để thực sự phát huy tối ưu những ưu thế của báo chí trong công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, các cơ quan báo chí phải thường xuyên tự đổi mới, đi tiên phong trên mặt trận đầy khó khăn và thách thức này, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thúc đẩy đất nước phát triển phồn thịnh../
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Người Làm Báo điện tử ngày 19.8.2014
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 2 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 3 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 4 Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- 5 Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- 6 Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận