Trường Đại học công nghệ Sydney (Australia): Đào tạo báo chí gắn với thực tiễn
1. Đôi nét về trường
Thành lập vào năm 1965, trường Đại học Công nghệ Sydney (viết tắt UTS) không phải là trường lâu đời nhưng là một trong những trường lớn và danh tiếng nhất của Australia. Hiện trường có 3 khu học xá đều nằm ở thành phố Sydney, với số sinh viên đăng ký vào học hàng năm duy trì ở con số 27 ngàn người.
Trường có 9 khoa, mỗi khoa đào tạo một số chuyên ngành, ví dụ khoa Khoa học xã hội và nhân văn ngoài đào tạo báo chí còn đào tạo 5 bằng cử nhân khác và 2 bằng kết hợp. Trường không tuyển sinh đầu vào mà xét kết quả học tập ở bậc học phổ thông. So với nhiều trường khác, trường UTS có điểm xét tuyển khá cao.
Các khóa học ở đây rất đa dạng: từ trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đến cả những khóa ngắn hạn từ vài ngày đến vài tuần tùy theo từng chuyên đề. Thời gian học bậc đại học 3 năm, học kết hợp hai bằng là 5 năm, thạc sĩ 1,5 năm, tiến sĩ 3 năm. Sinh viên trường UTS học 2 học kỳ/năm: học kỳ mùa thu bắt đầu từ đầu tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng 6, học kỳ mùa xuân bắt đầu vào đầu tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 11, trước mỗi một học kỳ trường UTS đều tuyển sinh đầu vào. Mỗi học kỳ 14 tuần, mỗi môn học đều kéo dài cả học kỳ. Trên thực tế sinh viên chỉ có mặt 12 tuần, hai tuần giữa kỳ được nghỉ, không có giờ học trong trường, sinh viên tự làm bài tập.
Trường chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành dựa trên những thành tựu mới nhất trong công nghiệp và những tiêu chuẩn nghề nghiệp mới nhất. Để thực hiện điều này, trường có quan hệ đối tác với một loạt các cơ sở công nghiệp, các hãng, công ty và cơ quan chính phủ, điều đó giúp cho nhà trường đạt được tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất ở bang New South Wales.
Trường UTS hiện có sinh viên từ trên 70 nước học tại tất cả các khoa, trong đó có sinh viên Việt Nam. Các sinh viên đang theo học tại trường cũng được nhà trường khuyến khích đi tham quan và nghiên cứu thực tế ở nước ngoài và coi đó là một phần của chương trình đào tạo đại học. Hầu hết các khoa của trường UTS đều có các chương trình hợp tác đào tạo ở nước ngoài.
Mức thu học phí của trường khá cao. Ví dụ, đối với sinh viên quốc tế học đại học, tiền học phí từ 5.000 đến 8.500 đô la Australia cho một học kỳ tùy theo ngành học, trình độ sau đại học từ 5.000 đến 8.700 đô la Australia một học kỳ. Bù lại khi vào trường, sinh viên được quan tâm tạo điều kiện tối đa.
Toàn bộ sinh viên trong trường đều có thể truy cập Internet cả ngày. Tiền truy cập này đã tính vào tiền học phí. Mỗi sinh viên được cấp một mật khẩu riêng để họ có thể sử dụng máy tính hay truy cập Internet bất cứ lúc nào. Ngoài những phòng riêng để máy tính, hầu như ở chỗ nào trong tòa nhà 27 tầng của trường cũng có máy tính. Ngoài ra, ở khắp nơi kê bàn ghế, ghế salon để sinh viên có thể nghỉ ngơi, tự học hoặc học theo nhóm. Các hàng ăn của Hội sinh viên nhà trường phục vụ các món ăn Âu, á với giá phải chăng. Giờ học có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Trong suốt thời gian đó sinh viên có thể ở tại trường để học, tự nghiên cứu, nghỉ ngơi và ăn uống. Từ 5 giờ chiều nhà trường cung cấp cà phê, sữa, trà miễn phí cho sinh viên học thời gian này cho đến tối muộn.
Thư viện trường UTS cũng là nơi lý tưởng để sinh viên học tập và nghiên cứu. Thư viện mở cửa 24giờ/ ngày và mở cửa 7 ngày trong tuần. Toàn bộ hệ thống thư viện cũng được điện tử hoá, ở bất cứ đâu sinh viên cũng có thể truy cập vào phần tìm kiếm của thư viện để tìm sách. Sinh viên vào thư viện tự tìm sách để đọc hoặc mượn, không có người phục vụ, nhưng đều có những chỉ dẫn rõ ràng. Thư viện hiện có trên 650.000 đầu sách, báo và các tài liệu bằng phim. ở đây, với máy tính đặt ở khắp nơi trên cả 4 tầng của tòa nhà, sinh viên tự tra cứu, tìm kiếm danh mục sách, sau đó tìm sách trên giá. Khi đọc xong, sinh viên để ngay trên giá gần chỗ ngồi, sẽ có những nhân viên thư viện lặng lẽ thu dọn sách cất lên giá để tránh sự lộn xộn. Trong thư viện có các phòng máy tính riêng để sinh viên có thể vào đó học và làm bài tập, có các phòng lớn để sinh viên dự nghe các buổi nói chuyện hoặc tổ chức các buổi hội thảo; học và làm bài tập theo nhóm; có phòng phôtô tài liệu bằng thẻ. Việc trả sách cũng tự động hoá hoàn toàn. Nếu mượn về nhà, sinh viên không nhất thiết phải đem đến thư viện trả (dù thư viện nằm cách trường chỉ khoảng vài ba trăm mét) mà chỉ việc bỏ sách vào các thùng gỗ đặt ở gần phòng bảo vệ của trường, nhân viên thư viện sẽ đến lấy sách đem đi.
2. Về chương trình đào tạo
a. Đào tạo chung: Việc đào tạo báo chí do khoa Khoa học xã hội và nhân văn đảm nhiệm. Khoa đào tạo 6 chuyên ngành là: Quản lý thông tin; Báo chí; Các lĩnh vực truyền thông đại chúng; Truyền thông công cộng; Điều tra xã hội và Viết văn, trong đó có 6 bằng cử nhân của các chuyên ngành trên và 2 bằng đào tạo kết hợp.
Chương trình đào tạo cử nhân dựa trên một “ngân hàng” môn học gồm 120 môn, bao gồm cả môn học chung và môn học chuyên ngành. Những môn này được chia thành 3 phần học: Lý luận, chuyên ngành và tự chọn.
Phần học lý luận được quy định chung cho từng khóa. Đó là những môn học nhằm giới thiệu cho sinh viên những ý tưởng, khái niệm và những vấn đề chính của khoa học xã hội và nhân văn, chia thành 3 nội dung chính: Truyền thông và thông tin; Văn hóa; Xã hội, chính trị và lịch sử.
Các môn chuyên ngành nhằm giới thiệu cho sinh viên các ý tưởng, khái niệm và vấn đề chính về thực hành nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học xã hội và truyền thông, thông tin (gồm 6 chuyên ngành kể trên).
Môn tự chọn là những môn học cho phép sinh viên được theo đuổi sở thích cá nhân của họ ở tất cả các môn học có trong khoa hoặc trường.
Các môn học được chia thành 3 mức khác nhau: 100, 200 và 300, tương đương với 3 trình độ học: thấp, trung bình và nâng cao.
Tất cả sinh viên năm thứ nhất của khoa đều học chung nhau phần học lý luận trong những hội trường lớn dành cho 200-300 người (mỗi buổi nghe thuyết giảng một giờ). Những bài giảng này sẽ được ghi âm, sau đó nếu cần sinh viên có thể nghe lại khi trở về nhóm riêng. Cứ một giờ nghe giảng là có hai giờ làm việc với trợ giảng để giải đáp những thắc mắc và giải quyết các bài tập mà giảng viên chính giao. Ngoài ra, đề cương bài giảng cũng được đưa lên trang web của trường để sinh viên có thể xem lại khi cần thiết. Trợ giảng là người trực tiếp hướng dẫn sinh viên học, nghiên cứu, làm bài tập; theo dõi giờ đến lớp của sinh viên, cho điểm các bài tập, cuối kỳ báo cáo lại kết quả cho giảng viên. Như vậy, trong năm thứ nhất, mỗi tuần sinh viên phải có mặt ở trường 4 tiếng để nghe giảng 4 môn và 8 tiếng làm việc với trợ giảng, còn lại là thời gian tự học. Năm thứ hai và thứ ba số môn học của mỗi học kỳ chỉ còn lại 3. Do vậy số thời gian bắt buộc có mặt ở trường giảm, thời gian tự nghiên cứu tăng.
Khi học các môn chuyên ngành, lớp bao gồm những nhóm nhỏ từ 20 - 25 người, học theo chuyên ngành hẹp như phát thanh, truyền hình... tuỳ theo sự lựa chọn.
ĐVHT (credit point - cp) không tính theo thời gian như ở Việt Nam (15 tiết = 1 ĐVHT) mà tính theo mức độ quan trọng (gắn với chuyên ngành học) của môn học, thời gian học như nhau (14 tuần/1 môn học). Có môn 6 cp, có môn 8 cp, 3 năm là 144 cp. Mỗi học kỳ học 24 cp: năm thứ nhất mỗi học kỳ học 4 môn, mỗi môn 6 cp, ngoài 6 môn lý thuyết sinh viên học 2 môn chuyên ngành; từ năm thứ 2 học mỗi học kỳ 3 môn, mỗi môn 8 cp, sinh viên vẫn học các môn lý thuyết nhưng ở mức độ sâu hơn, đồng thời họ tiếp tục học các môn chuyên ngành. Sinh viên phải hoàn thành ít nhất là 4 môn lý thuyết với mức độ 200-300 (tương đương mỗi môn 8 cp). Ngoài ra, sinh viên có thể chọn học môn tự chọn có trong trường hoặc trong khoa.
b. Chương trình đào tạo cử nhân báo chí của khoa cũng bao gồm 3 phần, trong đó: Phần học lý luận dành chung cho toàn bộ sinh viên của khoa; Phần học chuyên ngành cho ngành báo chí gồm 13 môn, còn lại là phần học tự chọn (cũng dùng chung cho toàn khoa).
Trong 3 năm, sinh viên báo chí học tổng cộng 20 môn học. Ngoài những môn học lý thuyết và môn học chuyên ngành (chiếm tỷ lệ 112cp/144 cp - 16 môn), còn lại 32/144 cp (4 môn) sinh viên được quyền lựa chọn trong số những môn học lựa chọn quy định chung trong khoa hoặc trường.
c. Cấu trúc của khoá học 3 năm (full- time)
Tổng số: 144 cp, trong đó:
68 cp là môn học lý luận (10 môn)
44 cp môn học chuyên ngành (6 môn)
32 cp môn học tự chọn (4 môn).
Cách phân bố thời gian như sau: Sinh viên học 6 môn lý luận trong năm thứ nhất, 4 môn còn lại chia đều cho năm thứ hai và ba; 6 môn chuyên ngành học trong 3 năm, mỗi năm 2 môn; môn tự chọn học năm thứ hai và thứ ba, mỗi năm 2 môn.
Không có kỳ thi hết môn. Mỗi môn học đều có các bài tập đánh giá. Ví dụ môn Báo chí trực tuyến (phần 1) gồm 4 bài tập đánh giá:
+ Bài tập 1: làm cá nhân, viết 1.200 từ, thực hiện ở tuần thứ 4, chiếm 15 % số điểm (điểm tối đa 15/15).
+ Bài tập 2: trình bày miệng, thực hiện ở tuần thứ 9 và 10, chiếm 20% (điểm tối đa 20/20).
+ Bài tập 3: làm theo nhóm, thực hiện ở tuần thứ 11, chiếm 15% (điểm tối đa 15/15).
+ Bài tập 4: làm theo nhóm hoặc cá nhân, thực hiện tuần thứ 14, chiếm 50% số điểm (tối đa 50/50 điểm).
Tất cả những điểm trên được cộng vào để tính bình quân. Nhờ vậy mà học sinh phải cố gắng thường xuyên trong tất cả đợt học.
UTS đề cao kỹ năng thực hành, đây chính là một trong những yếu tố làm nên chất lượng và uy tín của trường. Ví dụ: sinh viên báo chí phải có sản phẩm ngay từ học kỳ 1 của năm thứ nhất. Tất cả các sản phẩm này đều phải được viết trên cơ sở đi thực tế khai thác tài liệu (viết thực chứ không phải giả định). Ngoài ra họ cũng được rèn về kỹ năng nghiên cứu.
3. Một vài nhận xét
Có thể thấy rằng hình thức đào tạo người làm báo úc là hình thức mở, hết sức linh hoạt và phù hợp với mọi đối tượng. Điều đó thể hiện ở cả chương trình học, thời gian học, bằng cấp...
Về chương trình đào tạo cử nhân báo chí, số lượng môn học trong 3 năm của trường UTS là 20 môn, mỗi môn thời gian học kéo dài 14 tuần.
Phần học lý luận được quy định chung cho từng khóa. Họ nghe chung trong phòng từ 200 - 300 người. Làm như vậy tiết kiệm được thời gian, công sức, phòng học, tiền trả cho người thuyết trình... Sau đó sinh viên có thể nghe lại băng ghi âm bài thuyết trình và làm việc sâu hơn với trợ giảng trong 2 giờ sau đó. Do đó kiến thức có thời gian và điều kiện “ngấm” vào sinh viên sâu hơn. Trong năm thứ nhất, ngoài những môn lý luận sinh viên học chung với nhau, họ được học 2 môn chuyên ngành.
Các môn học chuyên ngành báo chí trường UTS có 13 môn, nhưng trên thực tế chỉ liên quan tới 6 lĩnh vực chính là báo chí chung, báo truyền hình, báo phát thanh, báo in, báo trực tuyến, biên tập và xuất bản được học ở các mức độ trung bình và nâng cao, ngoài ra còn có 2 chuyên đề là phương pháp điều tra trong báo chí và viết tin theo các chuyên đề mà sinh viên bất cứ chuyên ngành nào đều cần.
Ngoài các môn học lý thuyết và chuyên ngành, còn lại 4 môn sinh viên được quyền lựa chọn trong số những môn học lựa chọn quy định chung trong khoa hoặc trường. Sinh viên có thể lựa chọn trong số các môn học tự chọn có trong khoa, trong trường hoặc ở các trường khác theo sở thích hay nhu cầu cá nhân. Nhờ vậy, sinh viên khoa này có thể cùng ngồi học với những sinh viên khoa khác trong các môn học lựa chọn, giữa họ có thể hình thành sự giao lưu, quen biết, học hỏi lẫn nhau. Đây là tiền đề cho những mối quan hệ sau này. Với cách đào tạo này, sinh viên ra trường ngoài chuyên ngành họ lựa chọn, họ có thể có thêm kiến thức ở những chuyên ngành có liên quan đến nghề nghiệp của họ.
Đối với việc đào tạo báo chí thì học đủ thời gian (full time) cử nhân là 3 năm, thạc sĩ học 1,5 năm, tiến sĩ học 3 năm và thường áp dụng với sinh viên quốc tế do thời hạn quy định trong visa, còn sinh viên trong nước tuỳ theo điều kiện mà có thể đăng ký học full time hay part time, thời gian học kéo dài hơn. Chẳng hạn, một học kỳ sinh viên phải học 4 môn (4 tín chỉ), sinh viên học part time có thể đăng ký học ít môn hơn, cuối cùng họ có đủ tín chỉ các môn học thì được công nhận tốt nghiệp.
Trong mỗi môn học, hệ thống bài tập được đặc biệt chú trọng và hình thức cũng hết sức phong phú, điểm của từng bài tập sẽ được tính theo một tỷ lệ nào đó và gộp với bài tập cuối cùng để cho kết quả đánh giá của môn học. Do vậy sinh viên phải cố gắng thường xuyên trong suốt cả quá trình học. Hình thức bài tập cũng rất phong phú: bài tập miệng trình bày trên lớp, đọc các bài báo và ghi nhận xét, viết bài nghiên cứu, bài tập tình huống, bài tập giả định - đóng vai, bài kiểm tra trên lớp, viết bài tranh luận, viết bài, tiểu luận...
Trước mỗi môn học, sinh viên đều có trong tay chương trình, nội dung môn học, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, bài tập của cá nhân hay nhóm, mức điểm đánh giá và những tài liệu bắt buộc đọc cùng những tài liệu, địa chỉ trang web có thể truy cập để tra cứu, tham khảo.
So với Việt Nam, thời gian học của họ ít hơn, số môn học chưa bằng một nửa nhưng kết quả đào tạo thì lại hiệu quả, được dư luận đánh giá cao. Sinh viên khi ra trường ngoài khả năng tác nghiệp tốt họ còn có khả năng nghiên cứu, đánh giá, tức là đào tạo những người vừa có khả năng thực hành vừa có tầm nhìn./
___________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 3 (tháng 5+6).2005
ThS Lê Thị Thanh Xuân
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận