Từ mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị nhận diện mấy vấn đề của Thiên chúa giáo hiện nay
1. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về sự sóng đôi giữa đạo Thiên Chúa, nhà thờ La Mã với các chế độ chính trị
Trong khi xem xét quá trình vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã đưa ra những quan điểm khoa học về nguồn gốc, bản chất tôn giáo, nhất là nguồn gốc, bản chất đạo Thiên Chúa La Mã.
Triết học Mác xác định tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, là sự phản ánh tồn tại khách quan vào ý thức, tinh thần con người. Nhưng, các tổ chức giáo hội lại là những thực thể, những thiết chế tương ứng, hình thành gắn với một điều kiện lịch sử chính trị cụ thể. Từ đó, Mác và Ăng-ghen nhận ra có mối quan hệ giữa ý thức tôn giáo với ý thức chính trị, sự sóng đôi giữa nhà thờ với nhà nước, pháp quyền.
Cùng bối cảnh một nhà nước Phổ chuyên chế, một châu Âu Thiên Chúa giáo, Mác và Ăng-ghen đã vượt qua những giới hạn của các nhà triết học trước đó khi gọi ý thức tôn giáo là một loại "chuyên chính tinh thần"(1), xác định bản chất tôn giáo "là biểu hiện sự nghèo nàn hiện thực, và mặt khác là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy... là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những điều kiện xã hội không có tinh thần"(2). Với nguyên thủy như vậy người ta sẽ không thể hiểu nổi vì sao Thiên Chúa giáo lại được đế chế La Mã công nhận sau Hội nghị Nicea (3). Ăng-ghen chỉ cho chúng ta thấy: "Chỉ cái việc là 250 năm sau khi ra đời, đạo Cơ Đốc (Thiên Chúa - người trích) đã trở thành một quốc giáo, cũng đủ chứng minh rằng nó là tôn giáo thích hợp với hoàn cảnh thời đại"(4). Sự thích hợp ấy là gì nếu không phải quan hệ thích nghi giữa Nhà thờ với Nhà nước? Chính từ đây, "Đạo Thiên Chúa Rô-ma hoặc Đạo Tin Lành, hay cả hai, đều được coi là bộ phận cấu thành của chế độ nhà nước"(5). Đạo Thiên Chúa dần trở nên một ý thức hệ phục vụ giai cấp thống trị trong xã hội có đối kháng giai cấp. Mác và Ăng-ghen dẫn chứng trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: "Khi thế giới cổ đại đang suy tàn thì những tôn giáo cũ bị Đạo Cơ Đốc đánh bại... khi tư tưởng của đạo Cơ Đốc nhường chỗ cho những tư tưởng tiến bộ thì xã hội phong kiến đang giao chiến trận cuối cùng với giai cấp tư sản, lúc bấy giờ là giai cấp cách mạng"(6).
Chúng ta đều biết Giáo hội Thiên Chúa La Mã - Nhà thờ La Mã là trung tâm quốc tế lớn của chế độ phong kiến, bất chấp tất cả những cuộc chiến tranh nội bộ, "đã thống nhất toàn Tây Âu phong kiến... thành một chính thể chính trị lớn đối lập với thế giới Hy-lạp thuộc giáo phái phân biệt, cũng như đối lập với thế giới hồi giáo"(7). Nhất là từ nửa cuối thế kỷ thứ VIII, nhờ sự liên kết ủng hộ triều đại phong kiến Pe-pin nước Pháp, một nước Giáo hoàng được hình thành khiến cho Nhà thờ La Mã đạt đến đỉnh cao quyền lực. Nhà thờ La Mã khoác cho chế độ phong kiến một vòng hào quang thần thánh, đế quốc La Mã được thêm chữ thần thánh trong danh hiệu Holly Ro-man Em-pi-re. Đến lượt mình, nhà thờ đã "xây dựng hệ thống cấp bậc của bản thân nó theo mẫu mực của chế độ phong kiến và rút cục nó đã trở thành một chúa phong kiến lớn nhất, bởi vì ít ra một phần ba đất đai của thế giới theo Đạo Thiên Chúa là thuộc về nó"(8).
Không dừng ở lĩnh vực chính trị, Nhà thờ tham dự vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa và bản thân nền giáo dục ấy cũng mang một tính chất chủ yếu là thần học,"... chính trị và luật học, cũng như tất cả những khoa học khác, vẫn chỉ là những ngành của khoa thần học, và những nguyên lý thống trị trong thần học cũng được áp dụng cho chính trị và luật học. Những giáo lý của giáo hội đồng thời cũng là những định lý chính trị và những đoạn Kinh thánh cũng có hiệu lực trước mọi tòa án như là luật pháp. Ngay cả khi đã hình thành một đẳng cấp luật gia riêng biệt, khoa luật học trong một thời gian dài vẫn còn được đặt dưới sự giám hộ của thần học"(9).
Giới tăng lữ cao cấp trong xã hội phong kiến trung cổ Tây Âu trở thành một lớp quý tộc, chiếm hữu những vùng đất đai rộng lớn, không chỉ bóc lột nông nô, dân cư lệ thuộc mà còn bóc lột tàn nhẫn các bầy tôi bằng cả bạo lực chính trị lẫn thủ đoạn tôn giáo như rút phép thông công, khước từ xá tội, buôn bán tượng thánh, bùa miễn tội... Cuộc sống phóng túng của các giám mục, trưởng tu viện gây sự ghen ghét của giới quý tộc chính thống và căm phẫn của nhân dân, những người phải trả tất cả những chi phí ấy(10). Ăng-ghen nói "Đạo Cơ Đốc chỉ biết có một sự bình đẳng giữa tất cả mọi người với nhau, sự bình đẳng về tội tổ tông, một sự bình đẳng hoàn toàn phù hợp với tính chất của nó là tôn giáo của những người nô lệ và những người bị áp bức"(11).
Gắn việc nghiên cứu tôn giáo, cụ thể là Thiên Chúa giáo La Mã với cơ sở xã hội hiện thực của nó là quan hệ kinh tế, nhà nước và pháp quyền, các nhà sáng lập học thuyết duy vật lịch sử đã giải trình: chính con người sáng tạo ra tôn giáo... Trong thế giới tôn giáo, con người bị sản phẩm của chính đầu óc mình thống trị, giống như trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, con người bị sản phẩm của chính bàn tay mình thống trị... Mà con người ở đây được Mác nhấn mạnh, là thế giới những con người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy đã sản sinh ra tôn giáo(12). Vì vậy, để khắc phục tình trạng ảo tưởng đó phải bắt đầu ngay trên mảnh đất thực tại của đời sống xã hội.
Khi xã hội tư bản chủ nghĩa đã vận động đến giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, thì tình trạng bị đè nén về mặt xã hội làm tăng cảm giác bất lực của quần chúng, nhu cầu tìm con đường giải thoát trong tôn giáo tăng lên V.I.Lê-nin cho rằng thời kỳ này, tôn giáo có nguồn gốc xã hội là chủ yếu. Nghiên cứu các trào lưu triết học và tôn giáo, Lê-nin nhận định có "mối liên hệ giữa những lợi ích giai cấp với lập trường giai cấp của giai cấp tư sản, mối liên hệ giữa việc nó ủng hộ tất cả mọi hình thức tôn giáo với nội dung tư tưởng của những trào lưu triết học đang thịnh hành"(13).
Trước thực tế, xã hội nước Nga dưới chế độ Sa hoàng, là một xã hội điển hình của sự đàn áp tín ngưỡng với sự cấu kết chặt chẽ giữa Nhà nước và Nhà thờ của đạo chính thống - nhánh Thiên Chúa giáo Hy Lạp, Lê-nin viết "Tôn giáo là thứ rượu tinh thần, làm cho những người nô lệ của tư bản mất phẩm cách con người và quên mất hết những điều họ đòi hỏi để được sống một cuộc đời đôi chút xứng đáng với con người"(14). Lãnh đạo cuộc đấu tranh trong điều kiện xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại, Lê-nin làm rõ hơn tư tưởng Ăng-ghen "tôn giáo phải được tuyên bố là một việc tư nhân", chống luận điệu xuyên tạc của các tư tưởng gia tư sản. Người viết: "Chúng ta đòi hỏi rằng, đối với nhà nước mà nói, tôn giáo phải là một việc tư nhân, nhưng đối với đảng của chính chúng ta, thì bất luận thế nào, chúng ta không thể coi tôn giáo là một việc tư nhân được. Nhà nước không được dính đến tôn giáo, các đoàn thể tôn giáo không được dính đến chính quyền nhà nước. Bất kỳ ai cũng được hoàn toàn tự do theo tôn giáo mình thích, hoặc không thừa nhận một tôn giáo nào, nghĩa là được làm người vô thần... Giáo hội và Nhà nước hoàn toàn tách khỏi nhau, - đó là điều mà giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa đòi nhà nước và giáo hội hiện đại phải thực hiện"(15).
Như Công xã Pa-ri đã từng làm, Cách mạng tháng Mười thắng lợi, Lê-nin ký: sắc lệnh về ruộng đất, tuyên bố quốc hữu hóa ruộng đất của các nhà thờ, tu viện; sắc lệnh quyền công dân bãi bỏ mọi đặc quyền, mọi sự hạn chế về dân tộc và tôn giáo; sắc lệnh chuyển giao tất cả các trường học, viện nghiên cứu, cơ quan đảm trách lĩnh vực đời sống tinh thần thuộc giáo hội sang cho Bộ Dân ủy giáo dục; sắc lệnh bãi bỏ việc nhà thờ can dự vào việc hôn nhân gia đình... Theo Lê-nin, điều này đảm bảo quyền tự do hoàn toàn về tín ngưỡng và giúp tẩy rửa những vết nhơ nhà thờ trung cổ gây ra. Đây là một cuộc đấu tranh, về hình thức là đấu tranh với tôn giáo, nhưng thực chất là cuộc đấu tranh chính trị để bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động về vật chất lẫn tinh thần.
Mác và Ăng-ghen đã từng nói: phải biết cách đấu tranh chống tôn giáo. Lê-nin bổ sung "phải gắn liền cuộc đấu tranh ấy với thực tiễn cụ thể của phong trào giai cấp nhằm tiêu diệt nguồn gốc xã hội của tôn giáo"(16). Thông qua thực tiễn sinh động của quá trình lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện thực ở nước Nga, Lê-nin đã phát triển quan điểm Mác và Ăng-ghen về tính hai mặt của tôn giáo, đưa ra các nguyên tắc, biện pháp nhằm hạn chế mặt tiêu cực, đồng thời phê phán mọi mưu toan xóa bỏ tôn giáo bằng bạo lực, không thấy tính xã hội hiện thực, còn tồn tại lâu dài và tính quần chúng của tôn giáo.
2. Vấn đề của thiên chúa giáo hiện đại trong lĩnh vực quan hệ chính trị quyền lực.
Sau khi nghiên cứu một số nét cơ bản trong quan điểm của các nhà kinh điển chủ nghĩa xã hội khoa học về tôn giáo, về mối quan hệ giữa Giáo hội La Mã với các yếu tố chính trị, pháp quyền, chúng ta có thể thấy trong điều kiện lịch sử cụ thể cuối thế kỷ XX, bước qua thế kỷ XXI, Thiên Chúa giáo và Giáo hội La Mã hiện đại đang đối diện với nhiều thách thức.
Một là, sự tồn tại với hai thân phận: quốc gia Va-ti-can và giáo triều Rô-ma(17). Tòa thánh Va-ti-can - tên gọi khác của quốc gia Va-ti-can - thực chất là một siêu quốc gia, là quốc gia trong mỗi quốc gia. Quốc gia Va-ti-can không có dân tộc riêng của mình, nhưng mọi tín đồ Thiên Chúa trên thế giới đều có thể là công dân của Tòa thánh. Quốc gia Va-ti-can tồn tại là để đảm bảo quyền lực của Giáo hoàng trên Giáo hội Thiên Chúa hoàn vũ. Hai tư cách song trùng của Tòa thánh nói lên mối tương quan hiện hữu giữa tôn giáo với chính trị. Vào giai đoạn Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, người ta thấy Tòa thánh không che giấu ham muốn bành trướng ở khu vực này qua hành động vội vã đặt sáu tòa sứ thần ở các nước Đông Âu, ký kết các hiệp ước song phương để tranh thủ quyền lợi tối đa cho tín đồ, thậm chí có chính sách phục hồi những tài sản bị sung công dưới chế độ cộng sản, bổ nhiệm các giám mục mới cho Mát-xcơ-va, Xi-bê-ri, Ka-dắc-xtan... Điều này khiến các Thượng phụ chính thống giáo Nga bất mãn, Viện Đu-ma quốc gia Nga bỏ phiếu ủng hộ một đạo luật hạn chế tự do của tất cả các tôn giáo không phải là chính thống giáo.
Với thực trạng như vậy, ngay các nhà thần học cũng thiên về ý tưởng phải bớt quyền lực của tôn giáo để cho các ân đặc sủng được tự do phát triển theo sự thôi thúc của Thần khí thổi ở đâu thì thổi(18).
Hai là, Giáo hội Thiên Chúa phải đương đầu với mâu thuẫn giữa yêu cầu thống nhất, tập trung quyền lực về Trung ương Giáo hội, củng cố quyền bính với xu hướng muốn tự lập của các giáo hội địa phương để có thể tồn tại, phát triển ở những quốc gia đa nguyên về tôn giáo.
Giáo hội Thiên Chúa La Mã tổ chức theo một trật tự nghiêm ngặt. Giáo hoàng được coi và tự coi mình là người kế vị thánh trưởng Pi-e, đại diện Thiên Chúa ở trần gian. Giáo hoàng In-no-cent III (1198-1216), người đã đưa quyền lực giáo hoàng đến đỉnh cao với tín điều "bất khả ngộ" từng phát biểu: "Ta đã được Thiên Chúa đặt trên các dân tộc và các quốc gia", "Giáo hội La Mã là Mẹ và là Thầy các giáo hội khắp toàn cầu", "Ta nắm mọi quyền hành của Thiên Chúa trên mặt đất và bước theo Ngài, ta phải mưu hòa bình cho nhân loại"(19). Giáo triều Ro-ma luôn hướng đến mục tiêu độc tôn, bảo vệ căn tính thánh thiện, thống nhất, duy nhất và tông truyền của mình. ở các quốc gia có tín đồ Thiên Chúa giáo, có lực lượng giáo sĩ đủ điều kiện trưởng thành sẽ được Tòa thánh công nhận là giáo hội địa phương và bổ nhiệm hàng chức sắc phẩm trật do Thánh Bộ Giám mục, giáo sĩ quản lý. Trường hợp giáo hội là xứ (miền) truyền giáo chưa được công nhận trưởng thành (như Giáo hội Việt Nam, một số giáo hội ở á, Phi, Mỹ La-tinh..., sẽ thuộc Thánh Bộ Truyền giáo trực tiếp cai quản. Chủ nghĩa kinh viện vẫn là chân lý mà Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đương đại bảo vệ... Nhưng hiện thời Giáo hội Trung ương đang phải đối phó từ cả hai phía:
ở số nước phát triển thuộc hệ thống La Mã cũ, chẳng hạn Giáo hội áo, tín đồ không hài lòng lắm với những cơ cấu thiếu dân chủ của giáo hội truyền thống, việc không được lựa chọn vị chủ chăn của mình, ngay một số giáo sĩ cũng muốn được khẳng định uy tín cá nhân qua bầu cử dân chủ, không phải do chỉ định. Họ nói chúng tôi cũng là giáo hội.
Thượng Hội đồng giám mục các miền truyền giáo á châu đang đề nghị cho họ điều kiện hội nhập văn hóa địa phương, loại bỏ những ý tưởng ngoại lai từng khiến cho đạo Thiên Chúa bị đồng nhất với tôn giáo thực dân. Nếu yêu cầu của họ được đáp ứng sẽ góp phần giải quyết thách đố của công cuộc truyền giáo và tái truyền giáo trong thiên niên kỷ thứ ba, đồng thời Thiên Chúa giáo có hy vọng thực sự trở thành một công giáo theo nghĩa phổ quát không chỉ là Thiên Chúa giáo La Mã ở Á châu.
Khi điều này diễn ra rất nhiều giáo triều La Mã phải lo âu cho vị trí trung tâm lãnh đạo của mình. Như phân tích của các chuyên gia thần học: Thiên Chúa giáo truyền thống thì cả hồn lẫn xác là châu Âu, nhưng Thiên Chúa giáo hiện đại, đầu đang ngả sang châu Á, phần thân lại ở châu Mỹ La-tinh, nơi tập trung đông tín đồ nhất.
Ba là, hiện tượng tục hóa và giải trừ Thiên Chúa giáo kéo theo tình trạng giảm sút ơn gọi giáo sĩ, càng gia tăng những thách đố cho giáo hội La Mã trong cuộc cạnh tranh quyền lực thế gian.
Sự phát triển nhanh của đời sống xã hội hiện đại với những tiến bộ vượt bậc trong khoa học, kỹ thuật, đặc biệt ở lĩnh vực sinh học như sinh sản vô tính đang làm đảo lộn nhiều căn tính văn hóa luân lý của Giáo hội Thiên Chúa. Để chống lại sự tẩy chay của xã hội thế tục hóa, tìm con đường tiệm cận tái lập vị trí ảnh hưởng của giáo hội thuở hoàng kim, khí giới hữu hiệu nhất của Tòa thánh hiện tại là vấn đề quyền sống, Tòa thánh không thể không bảo vệ các luân lý đạo đức như luật độc thân giáo sĩ, vai trò phụ nữ, ngừa thai, ly dị, đồng tính, đồng thời phải ngăn ngừa thần học giải phóng của Nam Mỹ, thần học con người của Á châu, đặc biệt là của các nhà thần học Ấn Độ, Sri Lan-ca... Theo dõi diễn biến của giáo triều Rô-ma người ta lo ngại về một khuynh hướng tập quyền được tái khẳng định, những cố gắng củng cố thế lực thông qua hoạt động tổ chức nhiều hội nghị giám mục các châu lục, tiếp xúc giới trẻ, tích cực với các án phong Thánh, với phong trào đại kết các cộng đoàn ly khai (Chính thống, Tin Lành, và Anh giáo)... kể cả việc dựa vào phe bảo thủ như tổ chức Công trình Thiên Chúa đầy quyền lực(20). Người ta thấy để giáo hội có mặt khắp nơi, Giáo hoàng Gioan Phao-lô II dường như không ngại đưa Giáo triều của mình lùi lại thời kỳ tiền Công đồng Va-ti-can II.
__________________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 2 (tháng 3+4)/2005
(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Tuyển tập, t.V, ST, H., 1983, tr.464.
(2) Sđd, t.I,H., 1980, tr.14.
(3) Hội nghị Thiên Chúa giáo lần I ở Nicea (Ý) năm 325, hoàng đế La Mã đưa ra biểu tượng tín ngưỡng bắt buộc cho tín đồ Thiên Chúa giáo; việc xúc phạm biểu tượng này sẽ bị trừng phạt như một trọng tội đối với nhà nước.
(4) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Sđd, t.VI, H., 1984, tr.417.
(5) Sđd, t.II, H., 1981, tr.267.
(6) Sđd, t.I, tr.566.
(7), (8) Sđd, t.V, tr.542.
(9) Sđd, t.II, tr. 205-206.
(10) và (11) Xem Sđd, tr.193 và tr. 149-150.
(12) Sđd, t.I, tr.14.
(13) V.I.Lê-nin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, M., 1978, tr.30.
(14), (15) Sđd, tr. 170-171.
(16) Sđd, t.17,M., 1979, tr.515.
(17) Quốc gia Va-ti-can (Tòa thánh Va-ti-can) là quốc gia độc lập có số dân khoảng 1000 người, phần lớn là người ý và Thụy Sĩ, có diện tích 44 ha, tọa lạc trong thành phố Rô-ma, miền Trung nước ý.
(18) Xem Công giáo và dân tộc, số 60, tháng 12-1999, tr.84.
(19) Lịch sử giáo hội công giáo, Nxb Chân lý, Sài Gòn, 1972, tr.335.
(20) Lúc đầu là một phong trào Công giáo do linh mục Josémania escriva de Balaguer khởi xướng ở Tây Ban Nha năm 1928, sau thành một tu hội với các thành viên thế tục nên gọi là tu hội đời. Giáo hoàng John Paul II nâng lên thành giáo phận tòng nhân (không có địa phận, nơi nào có thành viên là có giáo phận), riêng linh mục escriva được Giáo hoàng phong Thánh.
ThS Lê Thị Thanh Hương
Bài liên quan
- Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
- Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
- Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
- Đôi nét về triết học ngoài mác-xít hiện đại
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về quản lý phát triển xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay
Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, mặc dù không để lại những tác phẩm chuyên nghiên cứu về quản lý phát triển xã hội, nhưng qua các tác phẩm về kinh tế - chính trị, chính trị - xã hội của các ông, có thể rút ra những luận điểm cơ bản về quản lý phát triển xã hội. Các luận điểm này giúp các nhà quản lý xã hội thấy được bức tranh toàn cảnh xã hội một cách duy vật, cụ thể, với tính cách là kết quả hoạt động thực tiễn xã hội của con người.
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Ăngghen bàn về chủ nghĩa xã hội pháp quyền
Sau khi hai tác phẩm kinh điển “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” của Rousseau chuyển bị về mặt lý luận cho Cách mạng dân chủ tư sản Pháp ra đời người ta thường nói đến thuộc tính pháp quyền gắn liền với nền dân chủ tư sản, người ta nói đến nhà nước pháp quyền tư sản, hệ thống dân chủ tư sản. Đến chủ nghĩa xã hội thì thuộc tính pháp quyền này lại ít được nhắc đến. Liệu chủ nghĩa xã hội có mang thuộc tính pháp quyền hay không và thuộc tính pháp quyền này khác với thuộc tính pháp quyên dân chủ tư sản như thế nào?
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chỉ dẫn của V.I.Lênin về Nhà nước trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng và sự vận dụng của Đảng ta trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng, lần đầu tiên vấn đề nhà nước được V.I.Lênin trình bày một cách có hệ thống. Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm là đã làm sáng tỏ tính quy luật trong sự sinh thành, vận động và phát triển, đưa ra những dự báo khoa học về xu hướng và điều kiện về sự tự tiêu vong của nhà nước trong tiến trình tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, cách mạng và tính thời sự. Trong tình hình hiện nay, nắm vững thực chất và vận dụng tư tưởng của tác phẩm là cơ sở vững chắc để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là công việc lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp bởi “đấu tranh chính trị là hình thức đấu tranh cao nhất của giai cấp vô sản”(1). Bài viết nghiên cứu tư tưởng của V.I.Lênin về đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, phân tích ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc và vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ở nước ta hiện nay.
Bình luận