Tuyên truyền điển hình tiên tiến trên các tạp chí của Đảng
1. Yêu cầu về tuyên truyền điển hình tiên tiến trên báo chí
1.1. Tuyên truyền điển hình tiên tiến
Trong xã hội, con người luôn có nhu cầu và yêu cầu truyền thông với nhau, ở cả góc độ cá nhân, liên cá nhân, hay giữa các tầng lớp, giai cấp, nhằm hướng tới mục đích cốt lõi, cơ bản nhất là hướng tới thống nhất nhận thức, hành động. Khi tiến hành truyền thông, việc “nói có sách, mách có chứng” luôn tạo ra sự thuyết phục cho thông tin nhiều hơn; thậm chí có thể đem tới sự tin tưởng tuyệt đối khi đưa ra được những dẫn chứng cụ thể phù hợp. Việc đưa ra các ví dụ điển hình, dẫn chứng điển hình giúp quá trình truyền thông hiệu quả có thể thấy qua muôn vàn câu chuyện thường ngày hay những ghi chép về việc con người đã truyền thông thế nào để thống nhất được nhận thức và hành động.
Theo định nghĩa, điển hình là “có tính tiêu biểu nhất, biểu hiện tập trung và rõ nhất về bản chất của một nhóm hiện tượng, đối tượng”(1). Trong chính trị học, điển hình tiên tiến là những hiện tượng, đối tượng (người/nhóm người/tổ chức con người) có tính chất tiêu biểu, tập trung, sáng rõ nhất, theo ý nghĩa tích cực, tiến bộ.
Từ rất sớm, Mác-Ăngghen đã nêu quan điểm về việc nêu gương, đưa ra các tấm gương để tuyên truyền, thuyết phục: “…nắm được chính quyền nhà nước rồi, chúng ta cũng không thể nghĩ đến việc dùng bạo lực... không phải bằng cách cưỡng ép mà là bằng cách nêu gương, dành sự giúp đỡ của xã hội cho mục tiêu ấy”(2). Lênin trong quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước, yêu cầu: “…dùng những điển hình, những tấm gương cụ thể, sinh động, lấy trong mọi lĩnh vực của đời sống, để giáo dục quần chúng”(3). Lênin cũng khẳng định: trong các phong trào thi đua luôn xuất hiện những người “có tính tổ chức, có bộ óc sáng suốt và có bản lĩnh tháo vát” bất chấp sự hỗn loạn; phải phát hiện ra những con người ấy, bồi dưỡng, cất nhắc họ(4).
Khái quát hệ thống quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tuyên truyền, xây dựng và phát triển điển hình tiên tiến là: Cần tổ chức thi đua xã hội chủ nghĩa… nhằm giúp đỡ những người lạc hậu dần dần tiến lên ngang những người tiên tiến và phải từ thi đua tạo ra những người ưu tú; phải phát hiện, xây dựng, phát triển các tấm gương trong lao động, sản xuất, chiến đấu. Những người tiên tiến, ưu tú, tấm gương đó chính là các điển hình tiên tiến.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong xã hội: xét về tính tích cực chính trị thì cơ bản có ba loại người là “hạng hăng hái”, “hạng vừa vừa” và “hạng kém”; trong đó bao giờ “hạng vừa vừa” cũng nhiều nhất, còn “hạng hăng hái”, “hạng kém” ít hơn(5). “Hạng hăng hái” mà Bác nói đến được hiểu chính là những tấm gương, điển hình tiên tiến.
Người cũng nêu luận điểm nổi tiếng về nêu gương và tuyên truyền bằng việc đưa ra các tấm gương: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(6); không chỉ có ý nghĩa là yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện, tuyên truyền các tấm gương - điển hình tiên tiến. Đây là luận điểm thể hiện tầm tư tưởng của Bác, dựa trên nền tảng tư tưởng Mác-Lênin, văn hóa phương Đông và xét trên điều kiện lịch sử cụ thể của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “… Lấy gương “người tốt, việc tốt” để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, lối sống mới”(7).
1.2. Nhiệm vụ tuyên truyền điển hình tiên tiến trên tạp chí của Đảng
Báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tuyên truyền nâng cao nhận thức chính trị của con người. Những nhà kinh điển mác-xít khẳng định báo chí (thời kỳ đó bao gồm báo in, tạp chí; xét rộng hiện nay là toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng) có vị trí, vai trò “là trận địa ban đầu”, “không những là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể nữa”(8) ...
Trong Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô-viết, Lê-nin yêu cầu: báo chí phải giới thiệu hết sức tỉ mỉ những thành công của các công xã kiểu mẫu, phải nghiên cứu những nguyên nhân thành công, những phương pháp làm việc và quản lý của các công xã đó(9). Đây là một luận điểm có ý nghĩa quan trọng, có tính nguyên tắc và là xuất phát điểm cho hoạt động tuyên truyền của báo chí về tấm gương điển hình tiên tiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền. Trong “Cần phải xem báo Đảng” (năm 1954), Người khẳng định: “Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”(10).
Cùng với những quan điểm, tư tưởng về báo chí nói chung, Hồ Chí Minh cũng đặt nền móng ra đời cho hệ thống tạp chí lý luận chính trị của Việt Nam. Người đã sớm định hình chức năng, nhiệm vụ, sự khác biệt, tính tương hỗ giữa báo in và tạp chí.
Hội nghị thành lập Đảng (họp từ ngày 3 đến ngày 7.2.1930), dưới sự chủ trì của Người, quyết định xuất bản một tạp chí lý luận chung cho toàn Đảng và ba tờ báo tuyên truyền ở ba xứ. Tạp chí đầu tiên của Đảng - Tạp chí Đỏ (nay là Tạp chí Cộng sản) do Người trực tiếp làm chủ biên, tại Lời nói đầu số 1 ghi rõ: “Tài liệu trong tạp chí: hoặc là cách làm việc, hoặc là kinh nghiệm cách mạng các nước, hoặc là tin tức thế giới, hoặc là phê bình công việc của mình, v.v...” và “3. Trách nhiệm các cơ quan đối với tạp chí: a) Đem làm tài liệu huấn luyện và nghiên cứu cho đảng viên. b) Lấy tài liệu trong này mà làm báo. c) Bài nào nên truyền bá cho đa số quần chúng thì kiếm cách in thêm ra. d) Xem chỗ nào có tâm đắc, chỗ nào khó hiểu, chỗ nào nên sửa đổi, chỗ nào không hợp với hoàn cảnh riêng của địa phương mình, v.v.. thì phải phê bình, phải hỏi”(11).
Có thể thấy rõ quan điểm của Người đối với một tạp chí của Đảng là phải: có tính tổng hợp, tính chuyên sâu (lý luận, kinh nghiệm), các bài trên tạp chí có tính phổ quát để nhiều người, nhiều đơn vị áp dụng hoặc tiếp tục phân tích, trình bày thành các bài báo. Trong đó, một mảng đề tài vô cùng quan trọng của tạp chí chính là phải chỉ ra được mô hình, phương thức, kinh nghiệm hoạt động hay, điển hình.
Chẳng hạn trong số 2 Tạp chí Đỏ dành toàn bộ 12 trang đăng bài viết về kinh nghiệm bãi công xe điện ở Thượng Hải, đề cập đến các vấn đề: nguyên nhân bãi công; những điều khốn nạn (khốn khổ) và cách đối phó; những ý kiến sai về cuộc bãi công; những điều thắng lợi về chính trị ... Bài viết cũng đã nêu lên bảy kinh nghiệm trong lúc bãi công. Đây chính là một bài viết “kiểu mẫu” của tạp chí khi tuyên truyền điển hình tiên tiến.
Trong suốt các giai đoạn của lịch sử dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình, bao gồm cả trong lĩnh vực tuyên truyền điển hình tiên tiến. Hệ thống báo in, tạp chí, rồi phát thanh, truyền hình đã tạo thành một mạng lưới truyền thông đại chúng hiệu quả. Đặc biệt, trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc mà Đảng lãnh đạo dân tộc đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác để đến ngày thống nhất đất nước, báo chí cách mạng đã góp công không nhỏ với việc phát hiện, xây dựng, phát triển, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong lao động, học tập, sản xuất, chiến đấu để làm gương cho nhân dân cả nước noi theo và vững tin với sự nghiệp cách mạng. Biết bao tấm gương sáng đã được báo chí góp phần nhân điển hình thành sức mạnh dân tộc, tiêu biểu như: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Võ Thị Sáu, Tô Vĩnh Diện, Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm… (thời kháng chiến chống Pháp); Trịnh Tố Tâm, Lê Mã Lương, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Bùi Ngọc Dương, Vũ Xuân Thiều, Đặng Thùy Trâm, Hồ Giáo, 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc,12 nữ chiến sĩ “Tiểu đội thép” anh dũng hy sinh ở Truông Bồn; hay các phong trào “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba đảm đang”, “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”,... (thời kháng chiến chống Mỹ).
2. Vấn đề đặt ra hiện nay
Tính tới ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, 21.132 nhà báo(12). Trong hệ thống báo chí cách mạng có một bộ phận quan trọng là các tạp chí của Đảng, vừa thực hiện nhiệm vụ của báo chí cách mạng, vừa thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng, lý luận, tuyên truyền cho một lĩnh vực công tác cụ thể của Đảng (tuyên giáo, tổ chức, dân vận, kinh tế, nội chính, đối ngoại, kiểm tra, nghiên cứu lý luận chính trị,...). Hiện nay, ở Việt Nam, có thể tạm chia tạp chí của Đảng ở 3 cấp: 1- Ở cấp Trung ương là Tạp chí Cộng sản (cơ quan cấp bộ); 2- Các tạp chí của các Ban Đảng Trung ương và cơ quan sự nghiệp tương đương, như: tạp chí Xây dựng Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), tạp chí Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương), tạp chí Kiểm tra (Ủy ban Kiểm tra Trung ương), tạp chí Nội chính (Ban Nội chính Trung ương), tạp chí Lý luận chính trị (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)... (cơ quan cấp vụ và tương đương); 3- Tạp chí của các đơn vị, trung tâm, vụ, viện, học viện trực thuộc các ban Đảng và các đơn vị sự nghiệp tương đương. Tuy nhiên, hiện nay, dù Đảng, Nhà nước luôn yêu cầu báo chí cần tuyên truyền hiệu quả các điển hình tiên tiến nhưng kết quả lại chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 21/5/2004, của Bộ Chính trị khóa IX, về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, yêu cầu mạnh mẽ: “Tập trung chỉ đạo xây dựng điển hình và nhân điển hình tiên tiến”. Tuy nhiên, Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 01/8/2007, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới nêu rõ: “Một số cơ quan báo chí… xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước”.
Ngày 07/4/2014, của Bộ Chính trị (trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39) ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, tiếp tục khẳng định: “việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”... Nhưng Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng tiếp tục chỉ rõ một hạn chế của báo chí: “Chưa chú trọng xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình mới, điển hình tiên tiến, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII yêu cầu một cách quyết liệt hơn nữa về nhiệm vụ của các cơ quan báo chí: “Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền... những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, xuất bản, in, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là mảng nội dung số …; biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt”(13). Chủ trương chung của báo chí, truyền thông hiện nay là lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy những thông tin tích cực, tấm gương điển hình làm thông tin chủ lưu, tăng cường nhận thức tích cực trong xã hội.
Bên cạnh các hạn chế chung của nền báo chí cách mạng thời gian qua, các tạp chí của Đảng còn có một số khó khăn, bất cập, như tình trạng không rõ tính chất của tạp chí, dẫn tới “báo cáo hóa”, “báo hóa” tạp chí; chưa làm tốt việc tuyên truyền điển hình tiên tiến theo yêu cầu của Đảng; kén người đọc, khó phát hành,... Trong đó, theo chúng tôi, hạn chế mang tính chất cơ bản nhất, là do một số tạp chí chưa định hình được rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền của mình, từ đó dẫn tới khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong khuôn khổ của bài viết chỉ đề cập tới việc định hình về cách thức tuyên truyền điển hình tiên tiến.
3. Một số khuyến nghị
Trước hết, các tạp chí của Đảng cần phát huy sức mạnh loại hình, “sở trường” của mình. Báo và tạp chí (bản in) là hai bộ phận của báo in, với những chức năng, vai trò, thế mạnh riêng. Theo giáo trình giảng dạy báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Trong thực tế, báo và tạp chí có sự phân biệt về chức năng: báo có nhiệm vụ thông tin thời sự và bình luận kịp thời về những sự việc, sự kiện, con người, tình huống, hoàn cảnh tiêu biểu, điển hình mới xuất hiện, vừa nảy sinh trong đời sống hằng ngày; tạp chí có nhiệm vụ cơ bản là nghiên cứu khoa học và thông tin những vấn đề chuyên ngành. Cũng có nhiều nghiên cứu đồng tình: tạp chí là cơ quan lý luận, học thuật, khoa học của một tổ chức, đoàn thể nào đó, chủ yếu đi sâu nghiên cứu, hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ khoa học về một lĩnh vực cụ thể, thuộc phạm vi một ngành, địa phương, định kỳ tuần, tháng , quý, 6 tháng, một năm. Có thể phân tạp chí thành 2 loại: thông tin ngôn luận và chuyên ngành nghiệp vụ(14).
Như vậy, xét một cách cơ bản nhất, nếu báo nghiêng về tính thời sự, phản ánh kịp thời các sự kiện thì tạp chí khoa học chính trị cần xâu chuỗi các sự kiện để tìm ra tính quy luật của sự vật, đưa ra những tổng kết thực tiễn, bài học kinh nghiệm, đề xuất những vấn đề lý luận mới.
Tính khoa học chính trị của các tạp chí của Đảng trong tuyên truyền điển hình tiên tiến thể hiện ở chỗ: cần đi sâu nghiên cứu điển hình tiên tiến, tìm ra bản chất, những điểm chung - riêng của điển hình với mặt bằng chung; tính quy luật, tất yếu dẫn tới thành công, trở thành điển hình; các bài học rút ra; tổng kết thực tiễn các điển hình tiên tiến trên một lĩnh vực cụ thể để góp phần vào xây dựng lý luận... Từ điển hình tiên tiến cần rút ra được các kinh nghiệm, giải pháp áp dụng cho các con người, tổ chức khác - nhân điển hình tiên tiến. Mỗi tạp chí của Đảng có một tôn chỉ, mục đích khác nhau, phục vụ cho những lĩnh vực khác nhau của xây dựng Đảng, Nhà nước nên hoặc là phải tuyên truyền các điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nghiên cứu của tạp chí hoặc những điển hình tiên tiến mà “chìa khóa” thành công của họ liên quan lĩnh vực nghiên cứu của mình.
Ngay cả khi các tạp chí thể hiện vai trò là cơ quan thông tin ngôn luận cũng cần khai thác đặc trưng về tính tổng hợp thông tin. Theo đó, khi tuyên truyền điển hình tiên tiến, cần xây dựng thành một hệ thống bài viết về một loại điển hình nhất định, hoặc các điển hình trong một không gian, thời gian cụ thể, có mối liên hệ gắn bó chặt chẽ. Hệ thống đó có thể tổ chức dưới hình thức chuyên đề hay chuyên mục.
Đồng thời, xét dưới góc độ công tác tuyên truyền, khi tuyên truyền các điển hình tiên tiến, các tạp chí của Đảng cần tập trung một số nội dung sau:
Chủ thể công tác tuyên truyền (tổ chức đảng các cấp, lãnh đạo cơ quan tạp chí đảng) cần thiết kế kế hoạch, nội dung tuyên truyền điển hình tiên tiến, quan tâm xây dựng tuyến bài, chuyên mục, thậm chí có thể thực hiện chuyên đề. Cần xây dựng được thông điệp tuyên truyền đúng và trúng, có sức sống, tạo hiệu ứng lan tỏa, đáp ứng nhu cầu của đối tượng tuyên truyền và những yêu cầu nhiệm vụ. Cần thực hiện đầy đủ phương châm của Đảng trong tuyên truyền điển hình tiên tiến là xây dựng, bồi dưỡng và phát triển điển hình tiên tiến.
Về nội dung tuyên truyền, những tác phẩm về điển hình tiên tiến phải thực sự mang “hơi thở của thực tiễn”, cần có những bài viết chuyên sâu mang tính phát hiện, tổng kết một cách công phu và khái quát cao. Khắc phục tình trạng đăng những bài viết về thực tiễn địa phương, các ngành theo kiểu mô tả một cách chung chung và chấm dứt tình trạng “báo hóa”, “báo cáo hóa”. Cần tập hợp các bài viết về điển hình tiên tiến thành các nhóm chủ đề, tham chiếu cho nhau, sẽ đem lại hiệu quả lớn cho hoạt động lý luận. Điều đó đòi hỏi cần có các chương trình biên tập, kế hoạch tuyên truyền khoa học của các tạp chí.
Tuyên truyền điển hình tiên tiến cần bảo đảm các yếu tố: 1- Tính đúng: Đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh đúng thực tiễn đang diễn ra trong các lĩnh vực của cuộc sống, phát hiện đúng những vấn đề mới, nhân tố mới, điển hình mới và tìm ra đúng các quy luật vận động của điển hình. 2- Tính trúng: Các bài viết cần làm sáng rõ chân dung các điển hình tiên tiến, tìm trúng những lĩnh vực mà Đảng và nhân dân đang quan tâm, muốn được cung cấp nhận thức đầy đủ, khoa học để có hành động đúng đắn, tiến bộ. Nội dung tác phẩm phát hiện cái mới nảy sinh của thực tiễn, cái mới về mặt lý luận… nhằm giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân tiếp cận được những bài học, ý nghĩa của các điển hình tiên tiến để có nhằm áp dụng cho bản thân, địa phương, đơn vị. 3- Tính hay: Các tác phẩm báo chí cần bảo đảm các tiêu chí của ngôn ngữ báo chí - truyền thông hiện đại cả về nội dung cũng như hình thức để công chúng có thể tiếp nhận một cách hiệu quả. Với tính chất là loại bài tạp chí, thì bài viết cần có tính chất của một bài báo khoa học nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, có hàm lượng lý luận chính trị phù hợp để phân tích, đánh giá thực tiễn một cách khách quan, lý giải được thực tiễn bằng lý luận.
Đồng thời với nâng cao chất lượng tuyến bài tuyên truyền điển hình tiên tiến, cần thiết nâng cao trình độ nhận thức của đối tượng tuyên truyền, tạo mọi điều kiện cả về vật chất, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng để họ có đủ tâm thế tiếp nhận thông tin hiệu quả. Việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng cần đi vào nền nếp, là một hoạt động chính trị thường xuyên trong xây dựng Đảng. Việc tuyên truyền chỉ đạt hiệu quả khi giúp người đọc nắm được thông tin, hiểu được điển hình, nhưng quan trọng hơn cả là phải tìm ra được những bài học kinh nghiệm áp dụng với mình, với các đơn vị, địa phương mình công tác. Nó phải đặc biệt hữu ích đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người sẽ tiếp nhận thông điệp, tăng cường nhận thức và có hành động thực tiễn tiên phong./.
______________________________________________________________
(1) Hoàng Phê (2020), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, tr.318.
(2) C.Mác và Ph.Ăng-ghen (2004), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.22, tr.736.
(3) V.I. Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.37, tr.109.
(4) V.I. Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.36, tr.203-256.
(5) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.5, tr.329.
(6) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T1, tr.284.
(7) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.15, tr. 672.
(8) V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.6, tr.210.
(9) V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T36, tr.234.
(10) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.8, tr.514.
(11)Xem:.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nhung-chang-duong-phat-trien/-/2018/35141/chuong-i--tap-chi-dang-tu-1930-den-1945.aspx
(12).Xem:.https://www.vietnamplus.vn/infographics-viet-nam-co-779-co-quan-bao-chi-tren-ca-nuoc/687958.vnp
(13) Xem: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-danh-gia-ket-qua-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5-nam-2016-2020-va-phuong-huong-3737.
(14) Bắc Hà: “Báo, Tạp chí và tôn chỉ của cơ quan báo chí?”, https://congluan.vn/bao-tap-chi-va-ton-chi-cua-co-quan-bao-chi-post71717.html
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 7/2021
Bài liên quan
- “Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
- Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
- Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
- Thông tin về năng suất lao động trên báo chí và việc tiếp nhận, sử dụng nguồn thông tin đó tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay
- Giám sát của báo chí đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước
Xem nhiều
- 1 Mạch Nguồn số 55: Lửa
- 2 Mạch Nguồn số 54: Thắp lửa trị ân
- 3 Lễ tốt nghiệp Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Thương hiệu Khóa V
- 4 Quản lý nhà nước trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục (qua trường hợp Trường quốc tế Mỹ)
- 5 Khảo sát sơ bộ đánh giá chất lượng chương trình đào đạo chính quy trình độ đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- 6 Họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện (1949-2024)
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách hành động hướng đông của Ấn Độ
Năm 2024 đánh dấu chặng đường 10 năm Ấn Độ điều chỉnh từ chính sách Hướng Đông sang Chính sách Hành động hướng Đông (AEP) kể từ lần đầu tiên Thủ tướng N. Modi đề cập trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm 2014 ở Myanmar. Đối với Trung Quốc, trong quá trình Ấn Độ triển khai AEP, mặc dù chính phủ nước này không đưa ra các tuyên bố chính thức nhưng từ thực tế quan hệ Ấn - Trung, có thể thấy Trung Quốc có các động thái kiềm chế sự điều chỉnh, mở rộng về phạm vi địa lý, lĩnh vực hợp tác và đối tác của Ấn Độ. Theo đó, Trung Quốc đã triển khai chính sách vừa hợp tác, vừa phòng ngừa rủi ro với Ấn Độ để phân tán sự triển khai và hiệu quả của AEP. Thông qua việc phân tích đánh giá phản ứng của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ, kết quả nghiên cứu cho thấy, phản ứng của Trung Quốc đối với AEP là một phần trong chuỗi chiến lược toàn cầu nhằm kiềm toả sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của Ấn Độ không những ở Đông Nam Á, Đông Á mà còn toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các động thái này của Trung Quốc đối với AEP của Ấn Độ cũng phần nào ảnh hưởng đến Việt Nam nói riêng và quan hệ Việt - Ấn nói chung.
“Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
“Nói hay đừng” - Dấu ấn chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính
Cuốn sách “Nói hay đừng” tập hợp hơn 100 bài viết ở các thể loại bình luận, tiểu phẩm báo chí, phóng sự, tản mạn… của nhà báo Trần Đức Chính, được lựa chọn từ hơn 6.000 bài báo trong suốt cả sự nghiệp của ông. Điều đặc biệt là, cuốn sách được những đồng nghiệp thế hệ sau, những “học trò” thân thiết và yêu quý của ông tập hợp và chọn lọc, biên soạn.
Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
Quản lý thông điệp về môi trường trên tạp chí điện tử ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
Môi trường là cái nôi nuôi dưỡng sự sống, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối vớt sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn nhân loại. Cùng với báo in, báo mạng điện tử, phát thanh, truyền hình, tạp chí điện tử đang ngày càng góp tiếng nói, nâng cao nhận thức về môi trường cho từng người dân và toàn xã hội. Các tạp chí điện đã có nhiều sáng tạo trong việc thể hiện thông điệp môi trường như sử dụng các công cụ tác nghiệp báo chí hiện đại, tạo nên các sản phẩm hấp dẫn, có giá trị định hướng dư luận, phát huy hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
Cảnh giác với mặt trái của các nền tảng video ngắn trên mạng xã hội
Mặc dù một số nền tảng video ngắn đã cải tiến thuật toán nhằm ngăn ngừa các nội dung độc hại tiếp cận người dùng nhưng các nỗ lực này dường như mới chỉ nhằm xoa dịu dư luận và đối phó với các cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, một số lượng không nhỏ các video xấu vẫn tràn ngập trên các nền tảng TikTok, YouTube Short, Facebook Reel, Bigo Bar, Instagram, Likee… tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi người sử dụng mạng xã hội.
Thông tin về năng suất lao động trên báo chí và việc tiếp nhận, sử dụng nguồn thông tin đó tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay
Thông tin về năng suất lao động trên báo chí và việc tiếp nhận, sử dụng nguồn thông tin đó tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay
(LLCT&TTĐT) Báo chí không chỉ truyền đạt thông tin tri thức mà còn truyền cảm hứng, tạo động lực, khơi nguồn mong muốn thay đổi và thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao năng suất lao động tại các doanh nghiệp. Bài viết đi sâu vào việc phân tích các thông tin liên quan đến năng suất lao động đang được phản ánh trên báo chí hiện nay, cùng với việc đánh giá mức độ tiếp nhận, sử dụng các thông tin này trong hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bình luận