Vấn đề đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới
Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta khẳng định: “vấn đề cơ bản của chiến lược cách mạng là xác định đối tượng, kẻ thù chính, chủ yếu của cách mạng”(1). Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nội dung của vấn đề cơ bản ấy chính là xác định đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh trong mối quan hệ biện chứng với việc thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Thực chất vấn đề đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhận thức và xác định đúng vấn đề chiến lược về “bạn - thù”, trên cơ sở đó đề ra chính sách đối nội và đối ngoại phù hợp.
Xác định đối tác, đối tượng là vấn đề cơ bản, quan trọng nhưng cũng rất phức tạp, nhạy cảm đối với mỗi quốc gia. Xây dựng quan hệ và xử lý đúng đắn mối quan hệ với đối tác, đối tượng có tác động rất lớn đến sự ổn định, phát triển bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ có thể đánh giá và dự báo đúng đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh trên cơ sở xác định đúng nhiệm vụ chiến lược của cách mạng; ngược lại, đánh giá và dự báo đúng đối tác và đối tượng để có chiến lược hay sách lược hợp tác và đấu tranh phù hợp, hiệu quả là điều kiện bảo đảm vững chắc cho việc thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược. Bởi chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng, xác định rõ, không nhầm lẫn, mơ hồ đối tác và đối tượng mới hoạch định chính xác chiến lược, sách lược hợp tác và đấu tranh đúng đắn.
Thực tiễn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mỗi thời kỳ cách mạng cho thấy, Đảng ta luôn nhận thức đúng và giải quyết khéo léo, thành công mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng, giữa hợp tác và đấu tranh. Và “đó cũng chính là một nguyên nhân quan trọng đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho Việt Nam”(2). Khi nào việc đánh giá “bạn, thù” - “đối tác, đối tượng” chưa thật đầy đủ, sâu sắc thì khi đó xuất hiện tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác trong đánh giá và dự báo về tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, hậu quả tất yếu là dẫn đến những sai lầm trong quyết sách về quốc phòng, an ninh bảo vệ Tổ quốc.
Lịch sử nước ta đã minh chứng sau khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc, cùng sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV đã xác định rõ hơn về vấn đề “bạn, thù” - “đối tác, đối tượng” để giành thế chủ động chiến lược khi chiến tranh biên giới xảy ra. Trên cơ sở phân tích, làm rõ tình hình đất nước, dự báo diễn biến chính trị thế giới và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch những năm sau đó, tại Đại hội V, Đảng ta khẳng định: đất nước ta đang ở trong tình trạng vừa có hòa bình vừa phải đương đầu với chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù; đồng thời sẵn sàng đối phó với chiến tranh xâm lược; cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, vấn đề đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã có những bổ sung, phát triển cả về nhận thức, tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được thông qua tại Đại hội VII của Đảng cũng xác định phương hướng đối ngoại của Việt Nam: “Thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước”. Theo đó, kết quả đạt được thời kỳ này là Việt Nam đã phá được thế bị bao vây, cấm vận; triển khai tích cực và năng động đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; khôi phục, mở rộng và thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước lớn, trong đó bước ngoặt quan trọng là việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ký kết Hiệp định khung với EU và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong cùng năm 1995.
Đến Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, xuất phát từ bối cảnh quốc tế sau khi mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng ta đã cụ thể hoá hơn về đối tượng cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam; đồng thời dự báo âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đảng ta nhận định: “diễn biến hoà bình” là một chiến lược nằm trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc phá hoại ta trên các lĩnh vực (chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, khoa học, giáo dục, ngoại giao; thậm chí tiến hành bạo loạn lật đổ, sử dụng biện pháp quân sự hay tiến hành chiến tranh xâm lược khi có thời cơ hoặc tạo được nguyên cớ); song trọng tâm, then chốt là phá hoại về tư tưởng, lý luận và văn hóa bằng những thủ đoạn vô cùng thâm độc, xảo quyệt, tấn công toàn diện trên nhiều lĩnh vực với phương thức “đánh mềm, đánh sâu, đánh hiểm”. Lấy chính trị làm mũi nhọn; lấy kinh tế làm trung tâm; lấy dân tộc, tôn giáo làm ngòi nổ; lấy ngoại giao hỗ trợ; lấy quân sự để răn đe nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, lý luận và văn hóa để tạo khoảng trống cho hệ tư tưởng tư sản từng bước chiếm lĩnh, tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Sớm nhận thức điều đó, Đảng ta xác định chống “diễn biến hòa bình”, “là cuộc đấu tranh chính trị phức tạp, kẻ địch có nhiều âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt”(3). Do đó, đấu tranh “chống diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu và phải được kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó với các tình huống khác”(4) theo phương châm “quyết tâm ngăn ngừa, không để xảy ra bạo loạn lật đổ, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta”(5).
Kế thừa đường lối đối ngoại và phát huy thành quả tích cực đạt được trên các lĩnh vực sau 10 năm đổi mới, Văn kiện Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) khẳng định: “tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới,… trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, thông qua thương lượng để tìm những giải pháp phù hợp giải quyết các vấn đề tồn tại và tranh chấp, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển”(6).
Nghị quyết số 07 NQ/TW, ngày 27.11.2001 của Bộ Chính trị (khóa VIII) đã chỉ ra: “hội nhập kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vừa có nhiều cơ hội, vừa không ít thách thức, do đó cần tỉnh táo, khôn khéo và linh hoạt trong việc xử lý tính hai mặt của hội nhập tùy theo đối tượng, vấn đề, trường hợp, thời điểm cụ thể”; đồng thời, nhấn mạnh việc “kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với yêu cầu giữ vững an ninh, quốc phòng..., cảnh giác với những mưu toan thông qua hội nhập để thực hiện ý đồ “diễn biến hòa bình” đối với nước ta”(7).
Bước sang thế kỷ XXI, sau 15 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam được tăng cường, uy tín trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Đại hội IX của Đảng (tháng 4.2001) đã xác định phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”(8). Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX (tháng 7.2003) thông qua Nghị quyết “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đảng ta đưa ra nguyên tắc xác định “đối tác” và “đối tượng” trong quan hệ quốc tế của Việt Nam. Các Đại hội X của Đảng (tháng 4.2006), Đại hội XI của Đảng (tháng 1.2011) và Đại hội XII của Đảng (tháng 1.2016) tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ”, nhấn mạnh cần “chủ động và tích cực” hội nhập quốc tế, nhưng trên hết là vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Đặc biệt, kế thừa Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25.10.2013, “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Quan niệm về đối tác: “những ai chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta”(9). Hiện nay, trong quan hệ đối ngoại có thể phân loại một số đối tác theo mức độ quan hệ như: đối tác truyền thống, đối tác tin cậy, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện... Đối tác truyền thống, tin cậy là những nước ít có khả năng bị lôi kéo chống phá ta; đối tác cảnh giác, đề phòng là nước có thể chuyển thành đối tượng; đối tác đồng thời là đối tượng là những nước tuy hợp tác với ta nhưng đang có âm mưu và hành động chống phá ta. Đối tác chiến lược chỉ một mối quan hệ hợp tác quan trọng vừa hướng vào mục tiêu cụ thể, vừa có mong muốn quan hệ lâu dài. Đặc điểm của quan hệ đối tác chiến lược là không có giới hạn về không gian, thời gian; không hạn chế về đối tượng áp dụng, lĩnh vực hợp tác và không nhất thiết phải mang nội dung an ninh quốc phòng. Đối tác chiến lược thể hiện sự cam kết cao hơn mức độ quan hệ song phương thông thường nhưng chưa hình thành các liên minh quân sự. Đó là thước đo sự gắn kết, đan xen về lợi ích giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế, vượt lên trên mức hữu nghị và hợp tác, nhưng chưa đến mức ràng buộc về trách nhiệm pháp lý.
Quan niệm về đối tượng: “bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh”(10). Vì vậy, “mọi âm mưu và hành động chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đều bị nghiêm trị theo pháp luật”(11). Trong đó, có ba dạng đối tượng: đối tượng đối lập về ý thức hệ có âm mưu và hành động tập trung xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đối tượng vì lợi ích dân tộc hẹp hòi có ý đồ tranh đoạt chủ quyền lãnh thổ nước ta; đối tượng có thể bị các nước lớn thao túng, có âm mưu và hành động chống phá ta.
Tuy nhiên, trong điều kiện diễn biến mau lẹ và phức tạp của tình hình thế giới cũng như trong nước hiện nay, nhất là tính phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong điều kiện mới, cần thấy rõ, khi lợi ích của các quốc gia, dân tộc, với mức độ khác nhau, đang có sự đan cài, thâm nhập “thẩm thấu” và ràng buộc lẫn nhau ngày càng chặt chẽ, hình thành cục diện “trong tôi có anh, trong anh có tôi”, thì vấn đề đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh cũng có sự đan xen, khó phân biệt rạch ròi, dễ dẫn đến nhầm lẫn, mơ hồ.
Vì vậy, cần trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xử lý các mối quan hệ đối ngoại để có cách nhìn và ứng xử đúng đắn đối với vấn đề đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh, vừa giữ vững nguyên tắc chiến lược đồng thời linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược, trong xử lý các tình huống cụ thể. Bởi vì, trong mỗi đối tượng cần đấu tranh, thậm chí là đối tượng chiến lược, nếu có những mặt tương đồng, có lợi cho cách mạng thì phải tranh thủ hợp tác, chuyển hóa đối tượng đó thành đối tác nhằm loại bớt đối đầu, căng thẳng.
Ngược lại, tuy là đối tác trong quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, y tế, đào tạo, quốc phòng, an ninh… nhưng vẫn có những mặt khác biệt, thậm chí mâu thuẫn hay đối lập với lợi ích của chúng ta thì phải cảnh giác, đấu tranh khéo léo để thu hút sự đồng tình, giúp đỡ của thế giới thông qua chính những đối tác đó. Do đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo hợp tác cũng như đấu tranh cần có cách nhìn khách quan, biện chứng, không cứng nhắc, nhưng không mơ hồ, mất cảnh giác trong nhận thức và chủ trương; đồng thời phải khéo léo trong xử lý các tình huống cụ thể theo phương châm thêm bạn, bớt thù, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cố gắng gia tăng hợp tác, tránh xung đột, đối đầu; tránh bị cô lập, lệ thuộc”(12). Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng trong điều kiện hiện nay là góp phần “thêm bạn, bớt thù”, tạo điều kiện cho việc tranh thủ khai thác mọi nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vấn đề toàn cầu hoá kinh tế là xu thế khách quan tạo cơ hội, nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố gây không ít khó khăn, thách thức cho nước ta tham gia hội nhập kinh tế thế giới là làm sao khai thác hiệu quả các yếu tố thuận lợi từ quá trình toàn cầu hóa để phát triển, mà vẫn giữ vững độc lập tự chủ về kinh tế, không bị phụ thuộc hoặc bị chi phối của nước ngoài. Nếu bị chi phối về kinh tế thì sớm muộn sẽ bị chi phối về chính trị, vì “không thể có độc lập, tự chủ về chính trị nếu không xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Có một nền kinh tế độc lập, tự chủ mới bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ về chính trị, mới không bị lệ thuộc, bị lôi kéo, bị khống chế bởi các thế lực đế quốc chủ nghĩa”(13).
Những năm tới, chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mối tương quan với vấn đề đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh. Đại hội XIII của Đảng đã xác định chủ trương và nguyên tắc hội nhập quốc tế: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát trển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…”(14).
Về “đối tác”, có thể dễ dàng nhận thấy ngoài hai nước Lào và Campuchia có quan hệ “láng giềng đặc biệt”, cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước và đối tác toàn diện với 13 nước. Trong số các đối tác, Việt Nam cũng đặt thứ tự ưu tiên với các nước láng giềng, tiếp đó là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên của Liên hợp quốc, là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế; đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó FTA song phương Việt Nam - Anh và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là những FTA mới nhất. Với mạng lưới quan hệ đối ngoại sâu rộng và nhiều tầng nấc như vậy, Việt Nam có lợi ích đan xen giữa các đối tác với nhau. Vì vậy, nói một cách khác, “đối tác” của Việt Nam là tất cả những nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao, là những nước có quan hệ kinh tế với Việt Nam, là những thành viên trong các tổ chức khu vực và thế giới (như ASEAN và Liên hợp quốc), cơ chế - hiệp định đa phương (như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, RCEP, Tiểu vùng Mê Công), diễn đàn (như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - APEC, Diễn đàn hợp tác Á - Âu - ASEM), các phong trào mà Việt Nam là thành viên.
Về “đối tượng”, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ những lực lượng có “âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước”(15). Cùng với đó, Đại hội XIII của Đảng xác định các thách thức: “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định... là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”(16).
Tất cả những thách thức phương hại đến an ninh quốc gia; ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa, khối đại đoàn kết dân tộc; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đều là đối tượng cần đấu tranh nhằm bảo đảm lợi ích tối thượng của quốc gia - dân tộc. Trong quá trình mở rộng quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đã, đang và sẽ có nhiều cam kết quốc tế; đồng thời phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế đó phù hợp với luật pháp, truyền thống và đạo lý của dân tộc, nhất là đối với những vấn đề nhạy cảm về chính trị, ngoại giao, quốc phòng và an ninh. Đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, phải có chiến lược và sách lược đúng đắn để xử lý thoả đáng các cam kết, vừa không vi phạm cam kết quốc tế, vừa không làm tổn hại đến lợi ích, uy tín, vị thế của Việt Nam.
Như vậy, trong điều kiện mới, việc giải quyết mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh trong các quan hệ quốc tế phải rất linh hoạt, khéo léo sao cho vừa phải ngăn chặn được các hành động lợi dụng hay phá hoại của cả đối tác và đối tượng, vừa phải tạo điều kiện thuận lợi cho bạn bè quốc tế trong quá trình hợp tác với Việt Nam. Đồng thời phải có sức mạnh cần thiết ngăn chặn, đẩy lùi mọi nguy cơ xâm lược, đáp ứng mọi yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
________________________________________________
(1), (2) Võ Nguyên Giáp (2008), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. CTQG, tr. 99-100, 101.
(3), (4), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống diễn biến hoà bình của địch, Nxb. CTQG, T.52, tr. 233, 222, 224.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. CTQG, tr. 41-42.
(7) Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 27.11.2001, của Bộ Chính trị (khóa VIII) về hội nhập kinh tế quốc tế, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-07-NQ-TW-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-112630.aspx
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, tr.119.
(9), (10) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (2003), Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. CTQG, tr. 44.
(11) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XI, Luật số 39/2005/QH11 - Luật Quốc phòng, điểm 4, Điều 4.
(12) Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (2003), Tài liệu học tập Nghị quyết hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. CTQG, tr. 47.
(13) Tư duy lý luận với sự nghiệp đổi mới (2004), Nxb. CTQG, tr. 25 - 26.
(14), (15), (16) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.I, Nxb. CTQG Sự thật, tr.161-162, 163, 108.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 11.2021
Bài liên quan
- Tương lai cho thế hệ vươn mình
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
- Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
- Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS. Tổng Bí thư Tô Lâm
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
3
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
4
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
5
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
-
6
Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh trong tình hình mới
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh trong tình hình mới
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác phát triển đảng viên, trong những năm qua, Thành ủy Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh và các cấp ủy đảng trực thuộc luôn chú trọng công tác này, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Mục tiêu là bổ sung lực lượng đảng viên trẻ, đảm bảo sự kế thừa và phát triển, gia tăng nguồn sinh lực cho Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong bối cảnh hiện nay.
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, thanh niên - thế hệ trẻ luôn giữ vị trí quan trọng, được ví như rường cột quyết định sự hưng thịnh của dân tộc. Trong mọi thời kỳ cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò nòng cốt, từ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước đến công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, lịch sử của Đảng ta từ khi ra đời đến nay luôn có dấu ấn, thể hiện rõ vai trò của các thế hệ thanh niên ưu tú, xuất sắc của dân tộc. Các đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên, các nhà lãnh đạo tài ba của Đảng, các trí thức lớn của Việt Nam đều đã giữ các cương vị trọng trách ngay từ khi còn đang tuổi thanh niên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Công tác tư tưởng có vai trò trọng yếu trong thành công của sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác tư tưởng lại càng có vai trò quan trọng để tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; qua đó tạo nên sức mạnh vô địch, là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu, kỳ vọng, đích đến của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu.
Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Quốc Oai, Thành phố Hà Nội công tác nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện ngày càng đạt kết quả tích cực. Nâng cao chất lượng đảng viên là cơ sở, tiêu chí quan trọng trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, toàn diện. Bài viết làm rõ thực trạng chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay, chỉ rõ những khó khăn, thách thức; từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội thời gian tới.
Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
Thực hiện dân chủ ở cơ sở - xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức – là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, để nhân dân biết, nhân dân bàn, nhân dân làm, nhân dân kiểm tra, nhân dân thụ hưởng. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là vấn đề quan trọng, luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Để dân chủ ở cơ sở được hiện thực hóa, việc đảm bảo thực hiện với những cơ chế cụ thể là vấn đề cấp thiết.
Bình luận