Vấn đề sử dụng văn học trên báo chí
- Vấn đề sử dụng văn trên báo
Tác phẩm văn học luôn chiếm một số lượng và một vị trí hết sức quan trọng trên tất cả các ấn phẩm báo chí ở nước ta ở mọi thời điểm . Điều đó đã đủ nói lên tầm quan trọng của văn học đối với sự sống còn của mỗi tờ báo . Bạn hãy thử tưởng tượng xem nếu một ngày nào đó trên mặt báo vắng bóng hoàn toàn những tác phẩm văn chương thì gương mặt của báo chí sẽ ra sao? Báo chí sẽ phát triển thế nào nếu chỉ đăng tải toàn những tin tức thời sự với độc một giọng văn thông tấn?
Vẫn biết rằng: thời sự là yếu tố quan trọng nhất của báo chí nhưng sức hấp dẫn của một tờ báo đối với đa số người đọc chưa hẳn đã là những tin tức thời sự mà nhiều khi người ta tìm mua bằng được một tờ báo, muốn nghe một buổi phát thanh, muốn xem một chương trình truyền hình lại đơn giản chỉ vì muốn theo dõi một tác phẩm văn chương nào đó mà mình yêu thích.
Trước cách mạng hầu như văn trên báo, báo là văn. Không phải chỉ ở những tờ báo văn như Đông Dương, Nam Phong, An Nam tạp chí, Tiểu thuyết thứ năm, Tiểu thuyết thứ bảy, Phong hoá, Ngày nay… mới có hiện tượng văn in tràn lan trên báo còn báo lại viết giống như văn mà trên tất cả các báo, thậm chí tờ Phổ thông bán nguyệt san mỗi số còn dành đăng trọn hẳn một cuốn tiểu thuyết. Những tờ công báo như Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, rồi Tân Dân, Thanh nghị, Trung Bắc chủ nhật, Hữu Ích… cũng đăng rất nhiều tác phẩm văn học đủ mọi thể loại,về mọi lĩnh vực: từ sáng tác đến lý luận phê bình, từ văn học dân gian đến văn học viết của các tác giả trong và ngoài nước…Cùng rất nhiều truyện ngắn, truyện dài, thơ của các tác giả đương thời: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Hoàng Mưu, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Hoàng Ngọc Phách, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính…
Hiện nay trên các báo Nhân dân, Lao động, trên rất nhiều báo ngành như: Công an, Giáo dục thời đại, Phụ nữ, Tiền phong… ngay cả Heritage, tờ tạp chí của ngành hàng không Việt Nam, Cánh buồm - tạp chí của ngành Giao thông đường thuỷ, Tạp chí Tài chính, báo Công nghiệp Việt Nam… những tờ báo có vẻ như rất xa với văn chương vậy mà người ta vẫn hết sức quan tâm tới chất văn trên báo.. Điều thú vị là: ở những số báo như báo tết, báo xuân hay những số báo ra vào những thời điểm lịch sử đặc biệt, những báo cuối tháng, cuối tuần, những ấn phẩm mà độc giả mong ngóng đợi chờ, số lượng phát hành rất lớn, bán rất chạy đều là những báo chuyển tải một số lượng đáng kể tác phẩm văn chương.
Rõ ràng văn học đã chiếm một vị trí quan trọng trên mỗi tờ báo và những bài ám ảnh bạn đọc nhất, có sức sống lâu bền nhất thường là những bài mang đậm màu sắc văn chương; những tờ báo được công chúng yêu thích nhất thường là những tờ báo, những số báo đăng tải rất nhiều tác phẩm văn nghệ. Chỉ cần khảo sát báo tết Ất Dậu (2005) cũng đủ thấy rõ điều này.
Xin dẫn ra một số báo cuối tháng 10 năm 2004, của tờ An ninh Thế giới. Báo có tất cả 32 trang và tổng số 30 bài, trong đó có 10 bài về đề tài văn học. Còn tất cả những nội dung khác, dù là vấn đề gì cũng được nhìn từ góc nhìn văn hoá có pha chút “bí sử”mang hương vị đời tư. Chẳng hạn bài viết về quan hệ của các cầu thủ nổi tiếng Rô nan đô, Đa vit Beckham, RôBecTô CácLôt, Ôoen, với các mỹ nhân. Bài viết về hai nhà bác học lừng danh: NiuTơn và Anhstanh nhưng lại được khai thác ở phương diện hai con người nghệ sĩ tài năng. Rất nhiều vấn đề không phải là văn chương nhưng được trình bày rất văn hoá, nhờ sử dụng nhiều yếu tố văn học. Trái tim Đan cô của rừng già Giăng Mơ Pho, Đi tìm lời thề giữ rừng ở Y Tý, Nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt … Nhờ biết đánh trúng thị hiếu của số đông độc giả, nhờ rất đậm chất văn mà ANTG cuối tháng đã trở thành một trong những tờ báo ăn khách nhất hiện nay.
Vẫn biết sự tồn tại của một tờ báo là ở tin tức. Chức năng chuyên biệt của báo chí là chức năng thông tấn. Thậm chí có thể nói: tờ báo cần tin như cơ thể cần máu, nhất là trong thời đại kinh tế tri thức, sự bùng nổ của thông tin càng trở nên dữ dội. Trong xã hội hiện đại cuộc sống vô cùng phong phú, phức tạp thì tin tức cũng rất đa dạng. Dĩ nhiên những tin tức chính trị mang tính toàn cầu hay những thông tin thời sự sốt dẻo có ảnh hưởng rất lớn tới sự sống còn của một quốc gia bao giờ cũng là những tin tức quan trọng nhất. Nhưng cũng không phải chỉ có những tin tức sốt dẻo về thiên tai địch hoạ, về kinh nghiệm làm ăn kinh tế… mới cần cho con người mà dường như càng ngày những tin tức về văn hoá, văn nghệ nói chung, văn học nói riêng càng trở nên cần thiết đối với cuộc sống đương đại. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu giao lưu văn hoá của con người càng cao, tức là những tin tức văn hoá, những vấn đề thời sự văn học càng cần thiết. Con người càng ngày càng cần có nhu cầu giải toả, thư giãn cao cấp bằng con đường nghệ thuật, thông qua cái đẹp, bằng cái đẹp qua các hình thức nhạy bén của báo chí. Đó là cách nghỉ ngơi, thư giãn tích cực và hữu hiệu, phù hợp nhất đối với số đông công chúng. Mà “Văn hoá Việt Nam cơ bản là văn học, thậm chí có khi chỉ là văn học mà thôi”.
Nếu những tin tức về chính trị, kinh tế, ngoại giao có thể chỉ được một số ít những chính khách, những doanh nhân đặc biệt quan tâm thì thông tin về văn hoá văn nghệ diện phủ sóng của nó quả là rộng lớn hơn gấp nhiều lần.
Việc cho đăng tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ… trên nhật báo ngay cả báo chuyên ngành là một yếu tố tối cần thiết để duy trì và tăng số lượng độc giả. Theo Echere: “Số phận một tờ nhật báo tuỳ ở những cây bút viết tiểu thuyết”.
Ví dụ năm 1887 tờ Petit journal đăng tiểu thuyết Monsier le coq của Emile Gaborian, lập tức lượng độc giả tăng gấp đôi.
Hay năm 1933, tờ tạp chí Life, đăng tác phẩm Ông già và biển cả của E. Hemingway, chỉ trong 48 tiếng đồng hồ đã bán hết 4 triệu bản. Tái bản lần thứ 2 là 5 triệu bản mà vẫn bán rất chạy.
ở Việt Nam cũng có trường hợp tương tự. Những năm trước cách mạng, tờ báo ăn khách nhất là Trung lập báo mà nguyên nhân cơ bản vẫn là do đăng Tiểu thuyết. Năm 1925- 1926, trên tờ Trung lập báo có đăng tiểu thuyết Châu về hợp phố của Phú Đức, làm cho số lượng báo phát hành tăng lên rất nhiều. Khi Phú Đức chuyển sang Công lập báo, mang theo cả tiểu thuyết này thì Trung lập báo mất gần hết độc giả. Hai mươi năm sau, ông cho đăng lại tác phẩm trên báo Văn thì báo Văn lập tức lại bán rất chạy.
Hay trường hợp báo Thần Chung: năm 1952 nhờ đăng tiểu thuyết Cô Bạch Mai nên đã lôi cuốn được rất nhiều bạn đọc. Đó là món hàng câu khách nhất. Và ngay cả việc đăng truyện ngắn, thơ, tiểu sử của các nhà khoa học, các nhà văn… cũng góp phần không nhỏ làm tăng uy tín và sức hút của một tờ báo .
Trong xã hội đương đại, con người càng khát khao hướng tới cái đẹp nên xu hướng phát triển tất yếu của các báo là phải thường xuyên tiến hành văn hoá hoá báo chí.
Để nâng cao chất lượng báo chí và đáp ứng nhu cầu chính đáng đó của bạn đọc, hội nhà báo đã kịp thời cho phép phát hành thêm nhiều báo văn và những chuyên mục văn hoá văn nghệ trên từng tờ báo. Ngoài Tạp chí văn học, Văn nghệ quân đội, Tác phẩm mới, Người Hà Nội… đã có tuổi đời khá cao, hiện nay chúng ta đã cho phép ấn hành ngày càng nhiều báo văn như: Văn học và tuổi trẻ, Văn học nước ngoài, Văn nghệ trẻ, Hoa học trò, Sông Hương, Nhà văn, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, Tạp chí truyền hình… Địa phương nào cũng có một tờ văn nghệ. Mỗi tờ báo dường như đều có nhu cầu mở thêm những chuyên san, đặc san mà nội dung chủ yếu là những vấn đề văn học nghệ thuật. Những báo không chuyên cũng mở thêm những trang văn nghệ, những chương trình văn nghệ. Ngay cả những báo như báo Nhân dân cũng có trang văn hoá văn nghệ. Truyền hình hiện nay rất đa hệ và thường xuyên phải mở thêm những chương trình văn nghệ mới như: Du lịch qua màn ảnh nhỏ, Trò chơi liên tỉnh, Đường lên đỉnh Ôlimpia, Bạn yêu âm nhạc, ở nhà chủ nhật, Chiếc nón kỳ diệu, Hành trình văn hoá, Vườn cổ tích, Mỗi ngày một cuốn sách, Truyện lạ Việt Nam… (Truyền hình Trung ương), Vượt qua thử thách, Đuổi hình bắt chữ… (Truyền hình Hà Nội), Trúc xanh, Sôi động… (Truyền hình TpHCM).
Điều đó lại tạo thêm nhiều cơ hội để các nhà văn đi làm báo, để càng ngày càng nhiều tác phẩm văn chương có điều kiện được chuyển tải trên mặt báo.
Ngoài những tác phẩm văn chương in trên báo còn có hiện tượng càng ngày báo chí càng có nhu cầu vay mượn những tác phẩm văn học để chuyển thể thành các kịch bản truyền thanh, truyền hình, các phim truyền hình. Vài chục năm trước đây báo phát thanh thu hút bạn nghe đài nhất ở ba chương trình là: đọc truyện đêm khuya, tiếng thơ, kể chuyện cảnh giác, sân khấu truyền thanh.
Như vậy báo chí đã nhiều lần “ăn theo” văn học, đã được hưởng thành quả rất to lớn của văn học. Nhiều tác phẩm văn học dân gian, tiểu thuyết, truyện ngắn đã được chuyển thể thành phim hoặc diễn trên đài hay trình chiếu trên màn ảnh nhỏ như: Quan Âm Thị Kính, Tấm Cám, Thánh Gióng, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Hoàng Lê nhất thống chí, Dế mèn phiêu lưu ký, Vợ chồng A Phủ, Người mẹ cầm súng, Tắt đèn, Giông tố, Số đỏ, Nửa chừng xuân, Gánh hàng hoa, Hồn bướm mơ tiên… Càng ngày số lượng tác phẩm văn học được chuyển thể sang tác phẩm báo chí ngày một nhiều và sức cuốn hút của chúng ngày một lớn.
Phải kể đến: Búp sen xanh, Đứng trước biển, Cù lao Tràm, Mùa lá rụng trong vườn, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Ăn mày dĩ vãng, Vòng tròn bội bạc, Mùa hoa cải ven sông, Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Đời cát, Dải lụa, Nhãn đầu mùa… Thậm chí từ một bài thơ như Núi đôi cũng có thể chuyển thành một bộ phim truyền hình đầy hấp dẫn.
Có thể nói rằng: phim và kịch truyền hình Việt Nam cơ bản là được chuyển thể từ những tác phẩm văn học. Cũng thật thú vị nhờ báo chí mà hầu như cơ bản những kiệt tác văn chương của nước nhà từ cổ chí kim và rất nhiều tác phẩm văn học nước ngoài đã dễ dàng đến được với công chúng. Nhưng điều này cũng đòi hỏi người làm phim song song với kỹ thuật làm phim còn cần phải có một trình độ thẩm định văn chương cao hơn để có thể lựa chọn và chuyển thể những tác phẩm văn chương vừa hay vừa đặt ra được những vấn đề đúng và trúng. Hiện nay số lượng tác phẩm được sáng tác rất phong phú và càng ngày càng trở nên đa thanh, càng tăng cường chất triết luận, vì vậy buộc người làm phim phải có trình độ để có thể kết hợp cái nhìn sắc nhọn, tỉnh táo của người làm báo với con tim biết đắm say của người nghệ sỹ thì mới có thể lựa chọn và chuyển thể thành công những tác phẩm văn học thành những bộ phim thể hiện được chiều sâu của tác phẩm góp phần cùng với bộ phận lý luận sẽ nâng cao và hướng dẫn thị hiếu của công chúng đi đúng định hướng.
Vai trò quan trọng của những tác phẩm văn trên báo là điều khỏi cần bàn cãi mà vấn đề cần quan tâm là ở liều lượng, là nên chọn lựa tác phẩm nào để có thể phát huy tối đa hiệu quả và sức mạnh của báo chí mà vẫn không biến báo thành văn. Cần tránh cả hai thái độ cực đoan- hoặc là trên báo chỉ thuần túy một thứ văn thông tấn khô khan hay ngược lại lạm dụng dẫn đến bội thực văn chương. Để tạo ra những định hướng đúng cho đông đảo công chúng, cần phải chọn lựa kỹ càng những tác phẩm để phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, sao cho đó phải là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực,vừa hay vừa sâu sắc, lại vừa phù hợp với tôn chỉ mục đích của tờ báo vừa phù hợp với dung lượng của cột báo…
- Vấn đề văn trong báo
Đây thực chất là vấn đề sử dụng hợp lý, linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật, hệ thống thể loại và chất liệu văn chương trên báo.
Đâu phải chỉ có văn trên báo mà càng ngày càng có nhiều văn trong báo. Đó là xu hướng tất yếu của thời hiện đại khi mà xã hội phát triển thì sẽ luôn có sự tác động qua lại một cách tinh tế giữa các khoa học chuyên ngành và liên ngành. Điều này cũng chứng tỏ: mối quan hệ giữa văn học và báo chí đã chuyển sang một bước phát triển mới, sâu sắc hơn và hiệu quả hơn. Sau khi khẳng định chắc chắn vị thế của mình, báo chí đã nhanh chóng thu hút tinh hoa từ văn học, hai loại hình đã xuyên thấm vào nhau để tạo ra hiện tượng “hai trong một”. Trên con đường hiện đại hoá tất nhiên văn học cũng kịp thời tiếp nhận những ưu thế của báo chí. Báo trong văn sẽ làm cho văn chương trở nên tốc độ, con mắt sự kiện sẽ giúp nhà văn áp sát cuộc sống, làm văn học mang tính thời sự, giúp nhà văn sắc sảo hơn, linh hoạt hơn và có bút lực lớn hơn… Ngược lại, văn trong báo lại giúp nhà báo nhìn cuộc sống dưới nhiều chiều kích, đặc biệt trong chiều sâu văn hoá, nhờ thế mà các tác phẩm báo chí đậm chất nhân văn hơn, giúp nhà báo thêm nhiệt huyết, thêm hưng phấn trong sáng tạo. Sự ảnh hưởng ấy thật đa dạng, vấn đề là tuỳ thuộc ở cái phông kiến thức và sự linh hoạt của ngòi bút ký giả. Dung lượng thế nào, đặt ở đâu cho đắc địa… tuỳ vào sự lựa chọn của người cầm bút, tuỳ vào tôn chỉ của tờ báo, tuỳ từng thể loại mà có sự vận dụng một cách khéo léo.
Để nâng cao hiệu quả của tác phẩm báo chí, các nhà báo đã sử dụng rất nhiều những kiến thức văn học khác nhau. Khi là thể loại, khi là những điển tích, điển cố; khi là thi tứ, thi liệu; khi là những hình ảnh nghệ thuật, khi là ngôn ngữ, khi là cách kết cấu tác phẩm của văn học, hay đơn giản chỉ là viện dẫn một câu thơ trong bài báo...
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là việc sử dụng rất đắc địa chất liệu văn học vào nghệ thuật rút tít.Nghệ thuật dùng các chất liệu văn học để đặt tên tác phẩm đã sớm xuất hiện trong ý thức của hầu như tất cả mọi nhà báo và ở mọi tờ báo, dưới nhiều cấp độ.
Có thể dùng chất liệu, ngôn ngữ giàu hình ảnh của văn học để đặt tên cho một tờ báo (Cánh buồm - tạp chí của ngành giao thông đường thuỷ, Hoa học trò - tờ báo của tuổi học trò, Phjabjooc - tiếng Tày là suối hoa - tạp chí Văn hoá nghệ thuật của Cao Bằng .
Có thể đặt tên cho một chuyên mục (Vườn cổ tích, Sao Mai điểm hẹn –THVN, Mua vui cũng được một vài trống canh - ANTG cuối tháng, Cõi người ta -Báo điện tử (E chip), Ngưu Lang Chức Nữ (Cuộc thi trí tuệ Việt Nam 2004).
Có thể dùng chất liệu văn học để đặt tên cho các tác phẩm báo chí như: Cái đêm hôm ấy đêm gì (Ký của Phùng Gia Lộc), Đi một ngày đàng (Ký của Hà Minh Đức - Văn nghệ số 44/ 2004), Nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt * (Đỗ Doãn Hoàng, ANTG cuối tháng 10).
Báo Công nghiệp Việt Nam số 51 thứ tư ngày 15. 12. 2004 có các bài: Coi chừng tiền mất tật mang (Diệu Thuý), Hát mãi khúc quân hành (Nguyễn Thuỵ Kha), Nước đến chân… chưa vội (Vũ Duy Thông); Báo Sinh viên Việt Nam, 15.12.2004 có bài: Trong nhiều Vàng Anh có một Vàng Anh (Lê Hồng Lâm)….
Có khi là tiếp nhận tư duy nghệ thuật từ văn học. Chẳng hạn bộ phim truyền hình được người xem đánh giá cao: Người thổi tù và hàng tổng có 5 phần độc lập, xoay quanh một nhân vật là trưởng thôn. Cách trình bày giống như kiểu truyện cười dân gian. Mỗi phần được rút thành một câu tục ngữ (Mèo mù vớ cá rán, Người thổi tù và hàng tổng, Nuôi ong tay áo, ở hiền gặp lành…) mỗi câu có thể thâu tóm toàn bộ nội dung của tập phim, giống như ở các truyện ngụ ngôn nhờ thế mà vô cùng dí dỏm, rất dân dã và vô cùng sinh động, gây ấn tượng nên phim đã trở thành một bộ phim hài tiêu biểu vào bậc nhất của chúng ta trong mấy năm gần đây.
Hay cái lối đặt tên tác phẩm có kèm câu hỏi tu từ ở cuối câu chính là cách biểu cảm của văn học có vẻ như đang là mốt hiện nay: Hệ thống loa phóng thanh có còn phù hợp? (Cẩm Nhung – báo Thanh niên 18.12.2004), ở đâu còn phố “Cam đai”?, Nếu tôi là tỷ phú? (Đặng Vương Hưng, báo ANTG).
Còn đây là trường hợp để tăng thêm sức cuốn hút của báo chí tác giả đã vận dụng sáng tạo ngôn ngữ giàu hình ảnh và đa thanh của văn học: “Nóng” trong mùa giáng sinh (Trần Hải). Nóng ở đây là nói về sự cố bóng đá trong giải Tiger cup và Bịt “lỗ hổng” từ biên giới của Vũ Linh – nói về việc giải quyết cấp bách nạn ma tuý ở các tỉnh biên giới nước ta hiện nay (Báo Thanh niên 18.12.2004).
Có khi là sử dụng linh hoạt những điển tích điển cố trong tích xưa hay rút từ những tác phẩm được nhiều người biết đến gần đây: Hà Lan đâu phải chỉ có hoa tu líp và cối xay gió (Đặng Thanh Vân, Báo GD & TĐ số cuối tháng 9), Gặp cô gái Thạch Nhọn… (Như Bình, ANTG Cuối tháng 11.2002), Đại chiến thành Lon Don (Minh Tuyên, Báo Sinh Viên 15.12.2004), Thời bình Tây tiến (Thu Trang, Tin tức cuối tuần ngày 22.12.2004).
Còn hình thức vay mượn thể loại từ văn học: ca dao, truyện cười, tản văn, tiểu phẩm, thơ trào phúng… dùng rất đắc địa trong mảng đề tài chống tiêu cực trên rất nhiều báo...
Trên Văn nghệ quân đội có trang 111 để giáo dục các chiến sỹ nét đẹp văn hoá một cách dí đỏm rất lính. Trên báo Văn nghệ có mục Nhàn đàm, Tiếng nói nhà văn, trên báo Nhân dân có góc hài hước với những bài thơ châm của Ngũ Liên Tùng, Hồ Khuê và rất nhiều tiểu phẩm trên trang Văn hoá văn nghệ. Báo Công nghiệp Việt Nam có Tủm tỉm cười…
Có lẽ chất liệu văn học dân gian là được báo chí sử dụng nhiều hơn cả, đặc biệt là báo hình, nhất là trong những chương trình vui chơi giải trí.
Chỉ lấy ví dụ trong một chương trình Đuổi hình bắt chữ của Đài truyền hình Hà Nội tối thứ 7 ngày 1.5. 2004 đã sử dụng tới 18 tục ngữ, thành ngữ và các chất liệu văn học khác:
Ngồi mát ăn bát vàng
Mồm miệng đỡ chân tay
Tay làm hàm nhai
Làm giả ăn thật
Giọt nước tràn ly…
Ngày 5.6 .2004 là 19 tục ngữ, thành ngữ và chất liệu văn học nói chung.
Chính việc vận dụng những chất liệu văn chương đã là một trong những bí quyết làm nên sức sống cho mỗi bài báo và tăng cường tính hấp dẫn của mỗi tờ báo. Điều này chứng tỏ: càng ngày văn học càng góp phần to lớn vào việc nâng cao chất lượng của báo chí. Nhờ hút nhuỵ của văn chương mà báo chí có được sức sống bền lâu trong lòng bạn đọc. Sở dĩ: Bản án chế độ thực dân Pháp, Việc làng, Vụ án cái đình, Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Tre Việt Nam, Tuỳ bút Sông Đà… đã có thể đàng hoàng đồng hành cùng năm tháng một phần quan trọng là vì trong chúng thấm đẫm chất văn chương.
Vì vậy để góp phần nâng cao chất lượng của báo chí, người làm báo không thể không lưu tâm tới vấn đề sử dụng văn học thế nào cho hiệu quả. Song song với việc tăng thêm những báo văn, những chuyên mục văn hoá văn nghệ, tăng cường số lượng tác phẩm văn học điều có tính chất quyết định là chất lượng của những tác phẩm văn chương trên báo, điều này sẽ góp phần rất quan trọng vào việc quyết định chất lượng và sức sống của báo chí, sẽ giúp nhà phóng sự sẽ có khả năng “nhô lên trong cái bình bình của phóng sự – tư liệu hôm nay”.
Rõ ràng việc vận dụng những kiến thức văn học có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao chất lượng những tác phẩm báo chí nhưng liều lượng thế nào lại cần sự cao tay của từng nhà báo.
Bởi vì cái gì cũng có tính hai mặt. Nếu báo chí qúa sa đà vào văn chương là dễ dàng đi xa mục tiêu, dễ xa rời cuộc sống. Xin đừng quên giữa văn học và báo chí luôn có sự khác biệt về bản chất.
Muốn trong báo có văn thì trong mỗi nhà báo phải có một nhà văn. Người làm báo phải không ngừng bồi dưỡng kiến thức văn hoá nói chung và kiến thức văn học cho mình bằng con đường tự đọc, bởi mọi sự thành công đều có nguyên nhân là kiến thức. Mặt khác chương trình văn cho các nhà báo cần phải được tăng lên về số lượng và phải được lựa chọn cho phù hợp. Để đạt hiệu quả, việc dạy văn cho sinh viên báo chí cần phải mang những nét đặc thù riêng tức là phải gắn với nghề. Đã đến lúc phải làm thế nào để dạy những gì người học cần, chứ không đơn thuần là những điều người thầy đang có. Nó đòi hỏi người thầy ngoài bầu nhiệt huyết còn phải có sự năng động của một nhà báo, phải hiểu biết về nghề , nếu chưa trực tiếp tham gia làm báo thì cũng phải thường xuyên tắm mình trong bầu khí quyển sôi động của đời sống báo chí hôm nay./.
____________________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 1 (tháng 1+2)/2005
TS Trần Thị Trâm
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số 1+2/2005
Bài liên quan
- Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
- Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
- Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
- Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Bình luận