(LLCT&TT) Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đó là hệ thống quan điểm, tư tưởng về nội dung, phương pháp lựa chọn, sử dụng nhân tài, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Trên cơ sở một số quan điểm, tư tưởng của tiền nhân và của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài, bài viết làm rõ những vận dụng của Đảng ta về trọng dụng nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở trên cả hai mặt thành tựu, hạn chế, từ đó đề xuất một số biện pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở ở nước ta thời gian tới.
1. Mở đầu
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã ghi nhận, chứng minh rằng: ở giai đoạn nào, thời kỳ nào cũng xuất hiện những anh hùng kiệt xuất đứng ra gánh vác non sông đất nước, tiếp tục đưa đất nước tiến về phía trước. Những anh hùng, hào kiệt của dân tộc hội tụ đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để tập hợp, đoàn kết lực lượng cách mạng rộng rãi trong xã hội, nhờ đó mà sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đã vượt qua khó khăn, gian nan, thử thách, giành được nhiều thắng lợi to lớn. Một trong những mẫu mực tuyệt vời về lựa chọn nhân tài cho đất nước chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.
Cách thức, phương pháp trọng dụng nhân tài của Người đã cảm hoá, thu hút được nhiều người có tài năng, đức độ vào bộ máy làm việc của Chính phủ, phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của đất nước. Đến nay, những quan điểm, tư tưởng của Người về trọng dụng nhân tài vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở cho Đảng, Nhà nước ta hoạch định đường lối, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở ở nước ta hiện nay, từ đó, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
2. Vài nét cơ bản về cách trọng dụng nhân tài của ông cha ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Với vị trí địa lý thuận lợi, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng và nguồn lao động rất dồi dào, Việt Nam luôn bị các nước ở bên ngoài dòm ngó nhằm khai thác, sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có quý hiếm đó. Một số nước đã thay nhau đem quân sang xâm lược nước ta, áp đặt, duy trì những chính sách hết sức phản động, dã man để khai thác, vơ vét, bóc lột nhân dân ta nhằm làm giàu và phục vụ cho mưu đồ chiến tranh của chúng. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, không cam tâm làm tay sai, nô lệ cho kẻ xâm lược, nhiều nghĩa sĩ đứng lên phất cờ khởi nghĩa, chiêu dụng những người hiền tài có thể góp sức vào sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ngay từ khi ra đời, nhà nước Văn Lang - Âu Lạc đã phải đối mặt với sự xâm lược của nhà Tần(1).
Theo sách Hoài Nam Tử của Lưu An (? – 122 TCN), không chịu khuất phục, mà sát cánh cùng nhau chống lại kẻ thù chung, “người Việt đều vào rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt” và “họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần”1. Trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều có dấu ấn, đặc trưng riêng, phản ánh tính chất, mức độ, yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.
Đặc biệt ở các triều đại phong kiến, mỗi vị vua khi nhiếp chính đều đưa ra những chính sách cầu hiền, tìm người tài giỏi để phò vua giúp nước. Trong chiếu cầu hiền của vua Lê năm 1419 đã ghi rõ: “Đất nước thịnh vượng tất ở việc cử hiền. Người làm vua thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”; năm 1285 - 1288 trước vó ngựa xâm lược của đội quân Nguyên Mông được mệnh danh là hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, nhà Trần đã mở hội nghị Diên Hồng để kêu gọi những người hiền tài có kinh nghiệm, có phương pháp chỉ huy bàn kế sách đánh giặc, và đã chiêu mộ được rất nhiều anh hùng hào kiệt đầy nghĩa khí, như: Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Trương Hán Siêu… Sau này, Quang Trung - Nguyễn Huệ trong thời gian trị vì đất nước cũng khẳng định: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”.
Kế thừa tư tưởng, truyền thống của ông cha về trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát, nâng những tư tưởng đó lên tầm cao mới thành hệ thống quan điểm, tư tưởng về công tác lựa chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng người có đức, có tài phục vụ cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân, thời điểm đó đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” bởi thù trong giặc ngoài đang bủa vây, nhằm bóp chết chính quyền non trẻ mới giành được.
Với tài năng và đức độ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ, tập hợp được rất nhiều người tài giỏi, ngay cả những người trước kia ở bên kia chiến tuyến, làm việc cho chính quyền thực dân hay làm việc ở nước ngoài đều được Người cảm hoá bằng những chính sách rất hài hoà, hợp lý. Điều này được thể hiện rất rõ ở việc ngày 20.11.1946, Người đã viết bài “Tìm người tài đức” đăng trên Báo Cứu quốc. Người chỉ rõ: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”(2). Ngay sau bài báo được đăng, có rất nhiều người đã trở về với quê hương, Tổ quốc, sẵn sàng đem hết tài năng, trí tuệ, tâm huyết của mình để giúp nước, giúp dân đang trong giai đoạn gian truân, nghèo khó, như: Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Bùi Bằng Đoàn, …
Những con người đó mỗi người một lĩnh vực, ngành nghề hoạt động, nhưng đều có những điểm chung thống nhất là kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giàu lòng yêu nước, dũng cảm từ bỏ cuộc sống sung sướng, giàu sang, phú quý, gia đình yên ấm để trở về với Đảng, với nhân dân. Những Người đó khi tham gia vào bộ máy của Chính phủ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh bố trí, sắp xếp đúng với năng lực, với công việc chuyên môn và Người rất tôn trọng, lắng nghe những ý kiến đóng góp, phương pháp làm việc của họ. Vì vậy, ở mỗi vị trí công tác, họ đều phát huy tốt năng lực, phẩm chất của mình, hoàn thành tốt mọi công việc được giao.
Từ những quan điểm, tư tưởng về cách chiêu dụ và dùng người tài đức của ông cha và Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể khái quát một số nét nổi bật như sau: Một là, nhân tài thời nào cũng có và việc trọng dụng nhân tài đã trở thành chủ trương, chính sách thường xuyên và lâu dài của người cầm quyền. Hai là, để trọng dụng được nhân tài thì cần phải có người uy tín, đức độ, tầm ảnh hưởng lớn để mời gọi, thuyết phục họ vào làm việc. Ba là, phát huy dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp, đề xuất của nhân tài. Bốn là, luôn tin tưởng và giao nhiệm vụ, sắp xếp, bố trí, sử dụng nhân tài đúng vị trí công việc, phù hợp với công tác chuyên môn.
3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở ở nước ta hiện nay
Dưới ánh sáng của những quan điểm, tư tưởng về cách lựa chọn, sử dụng, bố trí nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng đến việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ nói chung và nhân tài nói riêng vào những vị trí công việc khác nhau để giữ vững thành quả cách mạng mà ông cha đã giành được. Trong đó, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở cấp cơ sở được Đảng ta đặc biệt quan tâm, bởi đây sẽ là đội ngũ cán bộ cụ thể hoá, thể chế hoá mọi quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, đến gần với nhân dân, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, qua đó, củng cố, xây dựng và giữ vững mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Trong quá trình làm việc, hầu hết đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đã phát huy tốt phẩm chất, năng lực, uy tín của mình; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, có tinh thần, trách nhiệm cao với chức trách, nhiệm vụ được giao; gần dân, sát dân, bám sát tốt mọi hoạt động ở địa phương, đưa ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội sát hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ thực tế của địa phương mình; nhiều cán bộ cơ sở đã lăn lộn với hoạt động ở địa phương, nhất là ở thời điểm khó khăn, gian khổ, phức tạp mà dịch bệnh Covid - 19 vừa qua đã chứng minh rất rõ cho tính năng động, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở; nhiều cán bộ cơ sở đã không quản nắng mưa, ngày đêm dầm mình trong nước lũ để hỗ trợ, vận động, giúp đỡ bà con tránh lũ an toàn; việc bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ được quán triệt theo đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng; cán bộ được bố trí đúng với chuyên môn đã yên tâm công tác, hăng say làm việc, phát huy được tính năng động, sáng tạo của mình…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trọng dụng nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở vẫn còn một số hạn chế. Vẫn còn một vài nơi chưa thấm sâu và nắm được những nội dung, phương pháp lựa chọn nhân tài của Hồ Chí Minh; vẫn còn tình trạng sắp xếp, bố trí, sử dụng không đúng với chuyên môn công tác của cán bộ; một số cán bộ cấp cơ sở chưa thật sự tâm huyết và có trách nhiệm với công việc; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích, coi việc học tập và làm theo Bác chỉ là câu nói cửa miệng, chứ thực tâm, thực chất thì học mang tính đối phó, học cho xong, cho có, khi đụng chạm đến lợi ích cá nhân là tìm mọi cách để đối đáp, phản ứng lại; có không ít cán bộ cơ sở chưa thật sự gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, giải quyết có hiệu quả những thắc mắc, bức xúc, nhất là khiếu kiện của người dân; tình trạng cán bộ cơ sở quan liêu, hách dịch, lên mặt, sống thờ ơ, bàng quan, tham nhũng, lãng phí, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, không làm chủ được bản thân, không ý thức được hành vi, việc làm của mình vẫn xảy ra ở nhiều nơi; những hiện tượng bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, làm giàu không trong sáng, vun vén cho gia đình, con cháu, người thân ở một số địa phương vẫn còn; trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở chưa được phát huy, lan toả sâu rộng trong xã hội…
Thực trạng đó đặt ra cho chúng ta, nhất là việc thực hiện những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở không chỉ là vấn đề cấp bách trước mắt, mà còn là vấn đề lâu dài, vì đội ngũ này sau này sẽ trưởng thành, phát triển lên vị trí cao hơn ở tương lai. Để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đó, cần tập trung vào một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Một là, người đứng đầu ở mỗi địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở nói riêng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được”(3). Và Người còn đề ra những cách thức, phương pháp “dụng nhân” là sử dụng cán bộ “đúng chỗ, đúng việc”, “tùy tài mà dùng người”: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”(4). Đảng ta cũng nhấn mạnh, “Trọng dụng nhân tài” vừa là quan điểm chỉ đạo vừa là một trong những đột phá trong công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay”(5); Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo, gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài”(6)…
Những người làm công tác bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc những quy định, hướng dẫn, tiêu chuẩn của Đảng về cán bộ trong một loạt những quy định được ban hành như, quy định bảo vệ cán bộ, quy định cho cán bộ thôi chức, từ chức…; quá trình đó không được lồng ghép động cơ cá nhân; phải thật sự công tâm, khách quan, dân chủ, ai làm được thì phải ghi nhận, đánh giá, ai không làm được thì phải phê bình, nhắc nhở, không được đánh đồng, cào bằng, người làm tốt cũng như người làm dở; phải luôn tôn trọng cán bộ trong quá trình làm việc, lấy hiệu quả công việc của họ để xem xét, đánh giá năng lực, uy tín và phẩm chất đạo đức, lối sống. Cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở phải là người kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng; có phẩm chất, năng lực tốt, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của tình hình nhiệm vụ; có tư duy chiến lược, có năng lực dự báo được tương lai, chiều hướng ở phía trước, luôn đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Hai là, có cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lý đối với cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu mực trong chính sách sử dụng cán bộ các cấp, như bố trí cán bộ vào đúng chuyên ngành được đào tạo, phù hợp với năng lực, trình độ; giao toàn quyền cho cán bộ đứng đầu quyết định với điều kiện phải có lợi cho nước, cho dân; luôn đặt niềm tin vào những tham mưu, đề xuất, sáng kiến của họ; sử dụng đúng người, đúng việc…
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã có nhiều cơ chế, chính sách để động viên, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ”(7); Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 22.9.2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đã nêu: “khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ”…
Theo đó, để có được đội ngũ lãnh đạo cấp cơ sở thật sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc, các bộ phận, lực lượng làm công tác đánh giá cán bộ phải gương mẫu đi đầu, nói và làm đi liền với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp dưới làm việc; không được có gợi ý hay vòi vĩnh cấp dưới; thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, chỉ bảo công việc đến cấp dưới một cách tận tình, chu đáo, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong quá trình làm việc.
Ba là, xử lý nghiêm cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, không vì lợi ích của tập thể và nhân dân.
Cùng với việc lựa chọn, sử dụng, bố trí cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở đúng với năng lực, sở trường, thế mạnh, phải đẩy mạnh đấu tranh với những cán bộ có năng lực yếu kém, sợ khuyết điểm, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm với những quyết định, công việc mà mình đảm nhiệm. Nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở không gương mẫu, nói và làm trái với Cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết của Đảng, lợi ích nhóm, sống ích kỷ, tham danh vọng, quyền lực, tiền tài, địa vị; những cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở dính vào tham nhũng, tiêu cực hoặc để cho đơn vị xảy ra nhiều vấn đề phức tạp không giải quyết được thì phải kiên quyết xử lý theo đúng quy định của Đảng và pháp luật nhà nước, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể cho từ chức hoặc cách chức; tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan, ban, ngành cấp trên đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở; đặc biệt ở những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì phải kiểm tra thật kỹ, thường xuyên và đột xuất như dự án, đất đai, đấu thầu, xây dựng công trình, giải phóng mặt bằng, tài chính…, và xử lý những cán bộ nắm giữ những vị trí chủ chốt ở cơ sở.
Bốn là, mỗi cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất và năng lực công tác, đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp phát triển đất nước.
Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu… Quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ luôn đúng trong mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn giũa đạo đức cách mạng, cũng như “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”; Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nhắc đi nhắc lại thông điệp: mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác “gột rửa” những khuyết điểm, sai lầm, hạn chế của mình, tránh xa những cám dỗ của cuộc sống vật chất, đừng vì một phút mềm lòng, không làm chủ được bản thân mà đánh mất đi danh dự, uy tín, cơ đồ mà bao năm mình đã xây dựng nên.
Mỗi cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở phải làm việc với tâm trong sáng, luôn vì công việc, nhiệm vụ chung, làm việc hết mình, sống chân thành, giản dị, gần gũi với cấp dưới và nhân dân; đặt ra yêu cầu cao cho bản thân trong công việc, đặc biệt là trong các mối quan hệ công tác, không để những lợi ích vật chất ràng buộc, chi phối; phải thấm nhuần quan điểm, tư tưởng của các bậc tiền nhân đã dăn dạy, nhắc nhở “quan nhất thời dân vạn đại”. Chỉ có nhân dân là trường tồn mãi mãi, còn “quan” chỉ làm việc trong một khoảng thời gian nhất định, không ai có thể làm quan suốt đời được, vì vậy đến khi “Cởi bỏ mũ ô sa”, hết “quan” thành “dân” mà dân vẫn còn tin yêu, kính trọng, đất nước mới phát triển, non sông vững bền và lòng người mới quy phục.
4. Kết luận
Trong dòng chảy không ngừng của lịch sử dân tộc, tư tưởng về trọng dụng nhân tài của ông cha và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự kế thừa, bổ sung và phát triển và đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn và thời sự; vẫn là kim chỉ nam, định hướng cho công tác hoạch định, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, tạo nền tảng vững chắc cho sự kế cận về công tác cán bộ của Đảng sau này. Mỗi chủ thể cần phải quán triệt sâu sắc và nghiêm túc thực hiện những chỉ dẫn về cách lựa chọn, sử dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Có như vậy, sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc do Đảng ta lãnh đạo mới thành công, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra./.
_____________________________
(1) Theo Lưu An (1971) viết trong Hoài Nam Tử (Trích theo Lịch sử Việt Nam, T.1, Nxb. KHXH, Hà Nội, tr. 129).
(2) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.15, tr. 622.
(3) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.5, tr.88.
(4) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, T.4, tr.43.
(5) Nghị quyết 26-NQ/T.Ư ngày 19.5.2018, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
(6), (7) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.1, tr.203 - 204, tr.188.
Bình luận