Kỹ năng đặt đầu đề cho tác phẩm báo chí
Hiện nay, trên báo chí, việc mắc lỗi trong đặt đầu đề cho tác phẩm khá phổ biến. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là do kỹ năng của những người liên quan chưa đáp ứng yêu cầu.
1. Đầu đề (nhan đề, tên gọi) của tác phẩm báo chí thường được gọi là tít. Từ tít bắt nguồn từ từ tiếng Anh title, từ tiếng Pháp titre.
Đầu đề là kết cấu ngôn từ, thường ngắn gọn, được công chúng tiếp xúc đầu tiên khi đọc, xem, nghe một tác phẩm báo chí; có nhiệm vụ giới thiệu chủ đề, thu hút sự chú ý và định hướng thông tin cho công chúng.
Yêu cầu chung đặt ra đối với đầu đề là phải bám sát chủ đề, dễ hiểu, thể hiện được tính đặc thù của nội dung thông tin và hấp dẫn (nếu có thể). Độ dài của đầu đề phụ thuộc vào loại hình báo chí, thể loại và nội dung tác phẩm, nhưng không vượt quá cấu trúc của một câu văn. Có nhiều trường hợp, chỉ đọc đầu đề, công chúng đã nắm được đầy đủ các thông tin chính yếu về sự kiện mà không cần đọc tác phẩm. Riêng đầu đề báo mạng điện tử đang có xu hướng được đặt dài hơn vì liên quan trực tiếp đến mức độ thuận tiện của công chúng khi truy cập thông tin.
2. Khi đặt đầu đề cho tác phẩm báo chí, cần lưu ý các bước sau đây:
- Khái quát chủ đề của tác phẩm bằng một câu văn, với từ ngữ đơn giản, dễ hiểu. Trong câu văn đó có các từ, ngữ hạt nhân (từ khoá), biểu thị trực tiếp chủ đề của tác phẩm.
Các từ ngữ này dùng để gọi:
+ Nhân vật chính;
+ Sự việc (hành động) liên quan.
Trong những trường hợp cụ thể, các từ ngữ này có thể được dùng để nói về: Tác động xã hội của sự việc (tích cực hoặc tiêu cực), nguyên nhân của sự việc, v.v.
- Trên cơ sở câu văn khái quát chủ đề tác phẩm báo chí, đặt đầu đề mang tính thông báo (xác nhận sự việc một cách khách quan).
Góc nhìn, thái độ của tác giả; cách thức định hướng thông tin cho công chúng sẽ quyết định trình tự xuất hiện của các từ, ngữ hạt nhân, thậm chí cả sự xuất hiện/không xuất hiện của chúng.
Nên đặt nhiều đầu đề thông báo cho cùng một tác phẩm, xuất phát từ những cách tiếp cận, những điểm nhấn khác nhau. Việc này giúp tác giả xem xét, đánh giá nội dung tác phẩm một cách thấu đáo, toàn diện. Đây là căn cứ quan trọng để lựa chọn được đầu đề xác đáng nhất.
Đầu đề thông báo có tính phổ biến cao nhất hiện nay. Ví dụ: “TP. HCM đặt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh tại 7 quận, huyện trước 31.8”; “Công bố kết quả thi tốt nghiệp đợt 2 sớm hơn dự kiến”; “Vietcombank trao tặng trang thiết bị y tế trị giá 9 tỷ đồng cho hai bệnh viện”.
- Lựa chọn đầu đề thông báo phù hợp nhất cho tác phẩm (theo cảm nhận của chính tác giả).
Tuỳ thuộc vào thể loại, vào nội dung tác phẩm, có thể sử dụng thành tố ngôn ngữ giàu tính biểu cảm dễ diễn đạt lại đầu đề đã lựa chọn.
Ở đây, xảy ra 2 tình huống:
- Thay thế hoàn toàn đầu đề thông báo bằng một thành tố ngôn ngữ biểu cảm (thành ngữ, tục ngữ, chất liệu văn học, biện pháp chơi chữ, yếu tố khẩu ngữ, v.v.). Đầu đề này được gọi là đầu đề kích thích (đầu đề gợi cảm), ví dụ: “Tre đã già nhưng măng chưa mọc”; “Biết rồi, khổ lắm nói mãi!”; “Bình cũ nhưng rượu đã mới”. Loại đầu đề này hiện nay rất ít gặp do không phù hợp với nhu cầu thông tin của công chúng trong bối cảnh bùng nổ truyền thông.
- Kết hợp các yếu tố thông báo và các yếu tố biểu cảm. Đầu đề này được gọi là đầu đề hỗn hợp. Tần suất sử dụng loại đầu đề này khá cao. Ví dụ: “Vắc-xin còn ăn đong sao có tỉnh lại “bình chân như vại”?”; “Hà Nội: Gỡ “nút thắt” trong hỗ trợ lao động tự do gặp khó vì Covid-19”; “Ngân hàng, chứng khoán bứt phá, VN-Idex hưng phấn tăng mạnh”; “Văn mẫu: Hai mặt của tấm huy chương”; “Quá nhanh, quá nguy hiểm, “Bão Taliban” khiến Mỹ-NATO không kịp trở tay ở Afghanistan!”.
Với loại đầu đề này, cũng nên đưa ra nhiều phương án. Phương án được lựa chọn được xem là sống động, hấp dẫn, có sức tác động cao nhất.
Sau đây là thử nghiệm quy trình đặt đầu đề cho một bài báo đã được rút gọn thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội.
“Nếu bạn chưa phải mắc nợ ai bao giờ thì chẳng có gì đáng nói. Song, nếu ngược lại, bạn có thể tự hào rằng mình là người “cùng hội cùng thuyền” với rất nhiều các bậc danh nhân.
M. Cervantes, tác giả cuốn “Don Quijote” trứ danh, chỉ vì nợ nần mà phải ngồi tù. Đại thi hào Nga A. Pushkin, mắc nợ nhiều tới mức Sa hoàng phải ra quyết định trích một khoản không nhỏ trong số tiền mà triều đình cấp phát cho Natalia Nhikolajevna Goncharova (vợ Pushkin) và các con bà để trả nợ cho ông. Nhà văn thiên tài F. Dostojevski (Nga), do túng quẫn, thường nhận cùng một lúc tiền đặt trước cho mấy cuốn tiểu thuyết còn chưa hề được viết chữ nào của ông. Đại văn hào Pháp H. Balzac hầu như không bao giờ dám tự mình ra mở cửa mỗi khi có chuông, vì chỉ sợ đó là chủ nợ đến đòi nợ.
Nói tóm lại, trên đời này có lẽ chẳng có nhà văn lớn nào lại chưa từng phải nợ nần ai.
Không cứ các nhà văn nổi tiếng mà ngay các chính trị gia tầm cỡ cũng mắc nợ như thường. Điển hình là Tổng thống Mỹ U. Grant, do quá tin người nên bị mắc mưu một số kẻ lừa đảo và cuối cùng phải gánh một món nợ tới hơn 3 triệu đô la. Ông phải bán nhà cửa, trang trại và thậm chí cả những tấm huy chương. Trả nợ xong, ông hoàn toàn trắng tay và mặc dù bị bệnh ung thư, vẫn phải viết hồi ký để lấy tiền duy trì cuộc sống gia đình. Cuốn hồi ký đó, ông viết xong trước khi ông mất chỉ đúng 3 ngày.
Rồi phu nhân goá bụa của Tổng thống Mỹ A. Lincoln, vì nợ nần do chồng để lại, đã buộc lòng phải bán đi không chỉ các món đồ trang sức của mình, mà chậm thí cả quần áo của người chồng quá cố.
Thế mới biết, chuyện nợ nần đâu chỉ của riêng ai!
- Câu khái quát chủ đề bài báo: Trên thế giới có không ít danh nhân mắc nợ về tiền bạc.
- Các từ hạt nhân, thể hiện trực tiếp chủ đề bài báo là: mắc nợ (nợ nần), danh nhân.
- Từ câu khái quát chủ đề, có thể đặt đầu đề thông báo:
“Chuyện nợ nần của các danh nhân”
- Căn cứ vào nội dung bài báo, vào giọng điệu của tác giả, từ đầu đề thông báo trên, có thể sử dụng các thành tố biểu cảm để xây dựng các đầu đề sau:
1, Các danh nhân cũng mắc nợ như ai
2, Đến danh nhân cũng phải dính vào chuyện nợ nần
3, Những danh nhân có họ hàng cùng Chúa Chổm
4, Nợ nần chẳng e ngại danh nhân
5, Chuyện nợ nần đâu chỉ của riêng ai!
6, Danh nhân cũng chẳng thoát nợ nần
Dễ dàng nhận thấy, mặc dù có cách điễn đạt khác nhau nhưng cả 6 đầu đề nói trên đều bám sát chủ đề. Trong đó, 5 đầu đề sử dụng từ hạt nhân là “nợ nần” (1, 2, 4, 5, 6), 5 đầu đề sử dụng từ hạt nhân là “danh nhân” (1, 2, 3, 4, 6). Trong đầu đề thứ hai, từ “nợ nần” vắng mặt nhưng từ “Chúa Chổm” vẫn gợi ra ý nghĩa nợ nần. Đầu đề thứ 5 “ Chuyện nợ nần đâu chỉ của riêng ai!” không nhắc đến từ “danh nhân”, nhưng bằng việc khẳng định “tất cả mọi người đều có thể mắc nợ” đã gợi mở những suy đoán thú vị cho người đọc.
Việc lựa chọn đầu đề nào cho tác phẩm phụ thuộc vào góc nhìn, thái độ của tác giả. Góc nhìn, thái độ của tác giả sẽ được thể hiện đầy đủ và rõ nét hơn trong sapô (chapeau).
3. Khi nắm vững kỹ năng đặt đầu đề cho tác phẩm báo chí, chúng ta có điều kiện đánh giá chính xác, khách quan và rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích từ những hạn chế, sai sót của đồng nghiệp trong công việc quan trọng này.
Dưới đây là những minh chứng tiêu biểu:
- Ngầu như mafia, Italia cuồn cuộn cuốn bay “Quỷ đỏ” bằng 90 phút chiến thắng để đời
Bài báo ca ngợi chiến thắng của Đội tuyển Bóng đá Italia tại trận chung kết Euro 2020 (ngày 03.7.2021). Mafia là biểu tượng của tội ác, từ “mafia” mang sắc thái đánh giá tiêu cực, không thể dùng từ này để ca ngợi “chiến thắng để đời” của Italia. Mặt khác, mafia Italia đặc biệt nổi tiếng, được xem là đẳng cấp hàng đầu (theo ý nghĩa tiêu cực), là nguồn cội của mafia trên toàn thế giới. Đây là nỗi buồn đau của nhân dân Italia, vì thế việc đặt từ “mafia” bên cạnh chiến thắng của Đội tuyển Bóng đá Italia sẽ khiến họ bị tổn thương.
Cụm từ “bằng 90 phút chiến thắng để đời” cũng nên thay bằng “bằng trận đấu để đời”, “bằng chiến thắng để đời” hoặc “bằng trận thắng để đời”.
- Đà Nẵng: Phạt 70 triệu thanh niên vi phạm nồng độ cồn và sử dụng ma tuý
Trong đầu đề này, căn cứ vào cách diễn đạt, chúng ta thấy con số 70 triệu để chỉ số lượng người (70 triệu thanh niên). Sự việc này là phi lý trong thực tế. Theo nội dung bài viết, con số 70 triệu dùng để chỉ số lượng tiền phạt. Mặt khác, việc xử phạt trường hợp vi phạm về nồng độ cồn chỉ áp dụng với người điều khiển phương tiện giao thông. Như vậy, có thể viết lại đầu đề này như sau: “Đà Nẵng: Phạt 70 triệu đồng đối với một thanh niên điều khiển xe trên đường có nồng độ cồn vượt mức quy định và dương tính với ma tuý” (phương án khác, tuỳ theo góc nhìn, điểm nhấn: “Đà Nẵng: Sử dụng đồ uống có cồn và chất ma tuý, một thanh niên bị phạt 70 triệu đồng” hoặc “Đà Nẵng: Một thanh niên bị phạt 70 triệu đồng do sử dụng đồ uống có cồn và chất ma tuý”).
- Dân miền Trung vật lộn trong đại hồng thuỷ: Quảng Bình thất thủ
Trước hết, đầu đề này vi phạm quan hệ đồng loại: “Dân miền Trung” chỉ người, không tương thích với “Quảng Bình” chỉ đơn vị hành chính.
Cách dùng từ “dân” ở đây cũng không phù hợp; nó thể hiện sắc thái suồng sã, thiếu tôn trọng đối với nhân dân miền Trung.
Tiếp đó, từ “thất thủ” phản ánh không chính xác thực tế khách quan. Không thể dùng từ này với ý nghĩa “thất bại”, “vỡ trận” hay “hỗn loạn”, “mất kiểm soát” để nói về tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân Quảng Bình trước thảm hoạ lũ lụt chưa từng có.
Việc lựa chọn từ ngữ thiếu cẩn trọng đã gây ra hậu quả đáng tiếc: Công chúng có cảm giác là tác giả lạnh lùng, thờ ơ trước những gian truân, vất vả của đồng bào miền Trung đang ngày đêm vật lộn với mưa lũ để bảo vệ cuộc sống của mình.
Có thể viết lại đầu đề trên như sau: “Quảng Bình: Người dân oằn mình chống chọi với đợt mưa lũ chưa từng có trong lịch sử” (phương án khác: “Quảng Bình: Người dân oằn mình chống chọi với đại hồng thuỷ” hoặc Mưa lũ kinh hoàng tại Quảng Bình: Hàng chục nghìn người vật lộn với cuộc sống “màn trời chiếu nước”).
Đầu đề có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tác phẩm báo chí. Đầu đề vừa đúng, vừa trúng lại vừa hấp dẫn tạo nên sức hút mạnh mẽ để công chúng đọc toàn bộ tác phẩm, tiếp cận và lĩnh hội được các nội dung và thông điệp cần thiết, từ đó, có đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Ngược lại, một đầu đề khó hiểu, không chuẩn xác, thiếu tính thẩm mỹ, rất dễ bị bỏ qua hoặc làm suy giảm đáng kể giá trị thông tin và hiệu quả tác động của tác phẩm./.
__________________________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Anh (2003), Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí, Nxb. Lao động.
2. Hoàng Anh (2008), Những kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
3. Loic Hervouet (1999), Viết cho độc giả, Hội Nhà báo Việt Nam.
4. Phạm Thị Mai (2010), Ngôn ngữ thể loại tin trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sĩ Báo chí học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội.
5. Trần Thu Nga (2007), Đầu đề tác phẩm báo chí trên báo in Việt Nam, Luận án tiến sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 7/2021
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin
Chiều 25/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kỳ họp thứ III Hội đồng tư vấn chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành Báo chí và thông tin. Đây là phiên họp cuối cùng trong kế hoạch làm việc chung của Hội đồng để thống nhất thông qua Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Báo chí và thông tin, bước cuối cùng trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, nghiệm thu theo quy định.
Mô hình đo lường giá trị và giải pháp truyền thông thương hiệu
Mô hình đo lường giá trị và giải pháp truyền thông thương hiệu
Lịch sử nhân loại đã chứng kiến sự ra đời, phát triển của rất nhiều thương hiệu, có những thương hiệu thành công và trường tồn, cũng có những thương hiệu nhanh chóng ra đời hoặc biến mất. Ngày nay, sự quan tâm và hiểu biết về thương hiệu đã ngày càng rõ nét vì sức ảnh hưởng của thương hiệu tới sự tồn tại và phát triển của một công ty, tổ chức. Vậy điều gì quyết định sức mạnh của thương hiệu và sự sống còn của thương hiệu? Trên thực tế có rất nhiều chỉ số ảnh hưởng đến thương hiệu, từ chiến lược kinh doanh đến chiến lược quản trị, chiến lược truyền thông quảng cáo của mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Bài báo sẽ tập trung làm các mô hình, yếu tố đo lường giá trị thương hiệu cũng như các giải pháp truyền thông thương hiệu thông qua chiến lược kênh truyền thông và nội dung truyền thông hiệu quả.
Bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất người làm tạp chí lý luận chính trị hiện nay
Bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất người làm tạp chí lý luận chính trị hiện nay
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo, nhà lý luận, nhà văn hóa và là nhà báo lý luận chính trị. Đồng chí có nhiều năm gắn bó với Tạp chí Cộng sản - cơ quan tạp chí lý luận chính trị của Trung ương Đảng. Trong bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng”, đồng chí đã chia sẻ những điều giản dị mà vô cùng sâu sắc về trọng trách và những yêu cầu, đòi hỏi từ công việc tạp chí. Đó là những chỉ dẫn vô cùng quý báu đối với mỗi cán bộ làm công tác tạp chí lý luận chính trị.
Báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay
Báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay
Quyền lực trong công tác cán bộ là một khía cạnh đặc biệt quan trọng của quyền lực chính trị. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là yêu cầu khách quan nhằm bảo đảm cho quyền lực được sử dụng hợp lý, hiệu quả. Bài viết đề cập chủ trương của Đảng và thực trạng báo chí tham gia kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài “Kiểm soát và giám sát quyền lực trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền: Cơ chế và giải pháp đột phá để thực hiện kiểm soát, giám sát quyền lực có hiệu quả” (Mã số KX.04.09/21-25).
Viết cho ai, một nội dung cơ bản trong tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh
Viết cho ai, một nội dung cơ bản trong tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là một người làm báo mẫu mực, một nhà báo chân chính với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Từ mục đích rõ ràng “làm báo để làm cách mạng”, với quyết tâm không mệt mỏi, sự thông minh, sáng tạo của bản thân, cộng với sự giúp đỡ, chỉ bảo của những người bạn Pháp tiến bộ, Bác đã không ngừng rèn luyện để trở thành một nhà báo dày dạn kinh nghiệm, một nhà tổ chức, lãnh đạo báo chí xuất sắc. Những kinh nghiệm làm báo của Người, đặc biệt về cách viết: “Viết cho ai”, “Viết để làm gì”, “Viết như thế nào”... là bài học quý giá với các thế hệ nhà báo sau này.
Bình luận