Xây dựng niềm tin khoa học với khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam
Lịch sử cho thấy, các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam (lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất; ý chí độc lập và tự cường dân tộc; yêu thương, độ lượng, sống có nghĩa tình; tinh thần cần cù, sáng tạo, tiết kiệm trong lao động sản xuất; truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo…) cần được khơi dậy, phát huy phục vụ sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay, những giá trị đó cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn với niềm tin khoa học nhằm kiến tạo tương lai đất nước Việt Nam hùng cường.
1. Mối quan hệ giữa niềm tin khoa học và việc khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam
Niềm tin khoa học là một trong những cơ sở để khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa
Niềm tin bao giờ cũng gắn với hoạt động nhận thức, hoạt động nội tâm (tâm lý, tình cảm) của từng cá nhân trong quá trình tương tác với xã hội để hình thành nên hệ chuẩn mực giá trị cá nhân. Với tư cách là kết quả quan trọng của hoạt động nhận thức, tri thức là bộ phận chủ yếu nhất của niềm tin, vì vậy niềm tin khoa học luôn gắn liền với tri thức, tinh thần thực chứng và quá trình nhận thức chân lý. Đây là một trạng thái đặc biệt của tình cảm, tâm lý con người; phản ánh những điều kiện khách quan bên ngoài cuộc sống của con người.
Một xã hội có văn hóa, bên cạnh những yếu tố vật chất và tinh thần góp phần tạo dựng nên các giá trị văn hoá, thì niềm tin khoa học chính là cơ sở để khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa của xã hội đó. Niềm tin khoa học vừa góp phần vào làm sáng tỏ và phát huy những giá trị văn hóa mang tính hồn cốt của dân tộc, vừa giúp hiểu rõ những giá trị từ các nền văn hóa khác của thế giới để từ đó có thể tiếp thu, bổ sung và phát triển - như nền văn hóa Việt Nam vừa truyền thống, vừa hiện đại lâu nay. Đối với Việt Nam, niềm tin khoa học góp phần hình thành hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam. Văn hóa dân tộc phải dựa trên các giá trị đó. Trong thế giới đầy những tác động của phương tiện truyền thông, của kinh tế thị trường, của sự xâm lăng văn hóa bên ngoài, của phim ảnh, của những bất cập, tiêu cực trong hoạt động lãnh đạo, quản lý... chi phối đến mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam, tạo ra sự lãng tâm của chúng ta trong việc rèn luyện đạo đức cho chính mình. Vì vậy, khoa học sẽ là cơ sở cung cấp cho mỗi người những hiểu biết toàn diện về cả những mặt được và chưa được, nguyên nhân của những bất cập, tiêu cực để mỗi người có những hiểu biết thật rõ ràng, sâu sắc, cặn kẽ về những tác động của thế giới biến đổi nhằm tự định hình cho chính mình những giá trị được kết tinh từ truyền thống với những giá trị của bên ngoài để tạo ra những giá trị của con người Việt Nam, giá trị của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, sự phát triển của khoa học cũng làm thay đổi cách suy nghĩ, cách ứng xử, lối tư duy, nhận thức của con người. Và tất cả những điều đó góp phần phát triển văn hóa. Văn hóa luôn vận động, phát triển và chịu sự quyết định của cơ sở vật chất, của điều kiện kinh tế - xã hội… Các yếu tố văn hóa cũ có thể có giá trị trong quá khứ nhưng có khi lại trở thành lực cản trong bối cảnh hiện tại và tương lai. Vậy nên quá trình phát triển văn hóa là quá trình gạn đục, khơi trong, giữ lại những yếu tố có giá trị, có tính căn cốt, “quốc hồn, quốc tuý” cũng như loại bỏ những gì đã trở nên lỗi thời, là hủ tục, lạc hậu. Vì vậy, khi xây dựng được niềm tin khoa học sẽ giúp cho mỗi cá nhân, cộng đồng, dân tộc thay đổi các thói quen một cách chủ động; xây dựng lên những giá trị văn hóa mới một cách chủ động, đúng với quy luật, đúng với tầm nhìn, đúng định hướng.
Các giá trị văn hóa giúp củng cố niềm tin khoa học
Niềm tin khoa học là hệ quả của các quá trình tương tác xã hội, nên nó cũng chịu sự quyết định của văn hóa và thay đổi khi văn hóa thay đổi. Từ khía cạnh văn hóa, niềm tin khoa học có mối liên hệ chặt chẽ với các chuẩn mực văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Các chuẩn mực văn hóa vừa là những giá trị đã được phân loại, đúc kết vừa là cơ sở để tạo dựng niềm tin, góp phần định hướng và điều chỉnh niềm tin của con người. Khi văn hóa chứa đựng những giá trị phổ quát, đúng đắn, phù hợp với thực tế, nó sẽ tạo nên những giá trị đích thực của niềm tin.
Các giá trị văn hóa là một trong những cơ sở khoa học để xây dựng niềm tin của con người vào cuộc sống. Khi văn hóa được coi trọng và phát huy, khi các giá trị của nó được hun đúc và xây dựng sẽ giúp con người thêm tin yêu hơn vào cuộc sống hiện tại, tin vào tương lai, tạo nên ý chí quyết tâm thúc đẩy hoạt động. Ngược lại, nếu các giá trị văn hóa bị mai một, xuống cấp thì tất yếu niềm tin cũng giảm theo. Một xã hội có các giá trị văn hóa là những “tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”(1) thì tất yếu con người trong xã hội đó luôn có niềm tin vào cuộc sống, và niềm tin này được xây dựng, củng cố bằng các cơ sở khoa học vững chắc. Như vậy, văn hóa chính là cơ sở, là yếu tố tác động và chi phối niềm tin của con người. Lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước đã cho thấy, các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam (yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất; ý chí độc lập và tự cường dân tộc; yêu thương, độ lượng, sống có nghĩa tình; tinh thần cần cù, sáng tạo, tiết kiệm trong lao động sản xuất; truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo…) đã tạo nên niềm tin bất diệt về một Việt Nam hùng cường, niềm tin đó giúp chúng ta luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách.
2. Giải pháp nhằm xây dựng niềm tin khoa học với khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, các yếu tố văn hóa trong và ngoài nước có tác động không nhỏ đến niềm tin của xã hội ta. Trong những năm gần đây, lĩnh vực văn hóa ở nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần lan tỏa tinh thần hưng phấn trong xã hội, tạo cơ sở cho niềm tin, góp phần định hướng và điều chỉnh niềm tin của con người, tạo động lực phát triển cho đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước; chưa được nhận thức, quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; việc đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; xây dựng con người, văn hóa chưa được xác định đúng tầm; nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn; môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi nạn tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Đã có những biểu hiện phản cảm, nhố nhăng cả trong tiếp nhận, hưởng thụ cũng như sáng tạo, truyền bá văn hóa. Thậm chí, đã có những biểu hiện nghi ngờ, xét lại các giá trị văn hóa truyền thống… Thực trạng đó là một trong những nguyên nhân làm cho niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước có lúc, có nơi bị giảm sút.
Để xây dựng niềm tin khoa học nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, thiết nghĩ cần phải chú trọng một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, tiếp tục xây dựng và củng cố niềm tin khoa học
Thứ nhất, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Là nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã góp phần lý giải và khẳng định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã chọn. Tin tưởng và kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là cơ sở khoa học để chúng ta tác động tích cực đến niềm tin, thái độ, ý thức, trách nhiệm của công dân trong việc khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.
Thực tiễn hơn 90 năm qua của cách mạng Việt Nam cho thấy, bản chất tốt đẹp gắn liền với những việc làm thiết thực, Đảng Cộng sản Việt Nam với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng đã thực sự quy tụ được niềm tin của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thuộc mọi giai tầng, vùng miền. Đây chính là nguyên nhân hết sức quan trọng đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những thành tựu to lớn mà đất nước đã đạt được trong suốt thời gian qua được xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng nhất là Dân tin vào Đảng và Đảng tin vào Dân: “ý Đảng lòng Dân”. Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng để chúng ta khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi con người Việt Nam, trong dân tộc Việt Nam, trong các tầng lớp nhân đân nhằm xây dựng một nước Việt Nam hung cường - đó mới là đỉnh cao của mục tiêu trong xây dựng niềm tin khoa học, niềm tin xã hội, trong xây dựng văn hóa Việt Nam.
Thứ hai, nuôi dưỡng niềm tin khoa học thông qua mối quan hệ giữa khoa học với hệ thống truyền thông.
Trong xã hội hiện đại, truyền thông có vai trò quan trọng, mang lại rất nhiều lợi ích đối với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển con người. Truyền thông có sức mạnh to lớn, gắn kết mọi vùng miền, chuyển tải các tri thức, làm cho mọi người trên thế giới hiểu nhau, gần nhau hơn. Truyền thông có vai trò to lớn trong việc cung cấp thông tin cho toàn dân, giúp người dân tiếp cận các loại thông tin phục vụ đời sống. Công chúng (bao gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà báo, giáo viên, những người lãnh đạo, quản lý trong chính phủ, chuyên gia trong ngành, nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ…) cần có mối quan hệ trực tiếp, có ý nghĩa và đáng tin cậy với các nhà khoa học xuất sắc mà công trình của họ đã được xem xét kỹ lưỡng bằng đánh giá đồng cấp. Đổi lại, các nhà khoa học cần phải chuyên tâm truyền đạt kết quả, sản phẩm của họ đến nhiều đối tượng hơn. Các bộ phận truyền thông của thể chế và các chương trình tiếp cận cộng đồng nên hỗ trợ họ trong việc quản lý mối quan hệ này một cách chiến lược. Vì vậy, báo chí nói riêng, truyền thông nói chung là “chiếc cầu nối” không thể thiếu giữa người dân với xã hội, với thế giới rộng lớn xung quanh. Một trong những chức năng xã hội quan trọng của báo chí, của truyền thông là góp phần duy trì, phát triển mối liên kết giữa người dân với đời sống xã hội, và từ đó, sâu xa hơn, củng cố lòng tin của người dân vào các giá trị xã hội. Có thể nói, độ tin cậy của một nền báo chí cũng biểu hiện độ tin cậy của chính hệ thống xã hội. Chính vì thế, để củng cố và gia tăng niềm tin trong xã hội - một trong những động lực của sự phát triển trong xã hội hiện đại - không thể không và tôn trọng tính trung thực, tính khách quan và tính chiến đấu của nhà báo(2).
Hai là, không ngừng coi trọng các giá trị văn hóa, xem đây là một trong những động lực nội sinh quan trọng để phát triển đất nước
Thứ nhất, tăng cường xây dựng các hoạt động, các giá trị văn hóa lành mạnh.
Ngày nay, trong sự phát triển đa dạng của văn hóa, niềm tin của con người luôn có những cách tiếp cận và “giải mã” khác nhau. Khi nền văn hóa được cộng đồng chấp nhận, nó tạo ra niềm tin cho cộng đồng, nhưng khi nó không ổn định thì sẽ tạo ra sự nghi ngờ, và từ nghi ngờ sẽ dễ dẫn đến việc phá vỡ các chuẩn mực. Thực tế cho thấy đã có sự xung đột giữa niềm tin và văn hóa, nhất là khi cả hai chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường. Những sai lệch về niềm tin hoặc sự mất niềm tin sẽ xuất hiện khi văn hóa không theo kịp những biến đổi của kinh tế, xã hội và nhất là khi văn hóa không có những giá trị tích cực, lành mạnh.
Niềm tin trở thành chuẩn mực văn hóa khi nó phản ánh niềm tin chung của cộng đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên niềm tin này không phải lúc nào cũng chính xác và phù hợp với niềm tin của mọi cá nhân trong xã hội. Vậy nên việc xây dựng các hoạt động, các giá trị văn hóa lành mạnh để góp phần tạo dựng niềm tin khoa học trở thành yêu cầu vô cùng quan trọng trong việc khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam. Để làm được điều này, trước hết cần phát huy truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng; gìn giữ, phát huy các giá trị, chuẩn mực cốt lõi của văn hóa, của môi trường; hình thành và hoàn thiện các giá trị mới, chuẩn mực mới; bảo tồn có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; quan tâm và có sự hỗ trợ kịp thời cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của các dân tộc… Nói cách khác, cần tạo dựng môi trường văn hóa: “Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Phát huy ý thức tự giác của toàn dân xây dựng và thực hiện các chế tài, quy định, quy ước xã hội, bảo đảm công bằng về cơ hội và hưởng thụ văn hóa. Khắc phục sự chệnh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp”(3)…
Tiếp đến, gắn với bối cảnh mới, cần phải tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân qua đó nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Để làm được điều này phải chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa nghệ thuật, “tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia; khuyến khích tự do sáng tạo, thực thi quyền tác giả”(4)…
Thứ hai, cần tiếp tục có thêm những nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.
Hiện nay, chúng ta đã và đang xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được tạo dựng bởi sức mạnh con người Việt Nam. Song, để phát huy tốt hơn sức mạnh văn hóa, con người trong bối cảnh hiện đại, càng cần có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa. Việc có thêm những nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam sẽ giúp hình thành niềm tin khoa học đối với các giá trị văn hóa, từ đó tránh những ngộ nhận, hiểu nhầm (thậm chí hiểu sai lệch), đồng thời để chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc vừa thiếu tính học thuật vừa thiếu tính phê bình, tính xây dựng. Thực tế cho thấy, sự sai lệch về niềm tin, sự thiếu hụt các cơ sở khoa học là nguyên nhân khiến con người dần mất niềm tin vào cuộc sống. Nhìn lại lịch sử thế kỷ XX, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Liên Xô và mô hình xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, sụp đổ chính là do mất niềm tin, do niềm tin không được hình thành trên các cơ sở khoa học: “Chính vì mất niềm tin vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa mà chỉ sau một đêm, toàn bộ thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội đã bị xóa sạch ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Hậu quả của nó thật khủng khiếp: Đảng cộng sản bị giải tán, đất nước rơi vào khủng hoảng mất phương hướng. Nhớ lại tấn bi kịch này, nhiều chính khách và nhiều trí thức lớn ở Nga đã bày tỏ sự thất vọng và họ tự thấy ấy ân hận, mắc tội về sự tan rã của Liên Xô”(5). Việc tăng cường nghiên cứu và đầu tư nhiều hơn nữa cho những nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là để có cơ sở lan tỏa giá trị truyền thống trong cộng đồng; vừa khơi dòng, vừa thúc đẩy sự phát triển, đồng thời góp phần định hướng điều chỉnh các hoạt động khôi phục giá trị văn hóa, con người Việt Nam một cách đúng hướng.
Ba là, làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, trong đó chú trọng xây dựng con người văn hóa đồng thời cải thiện giáo dục tri thức và đào tạo giao tiếp khoa học
Thứ nhất, chú trọng xây dựng con người văn hóa.
Con người là vừa là chủ thể sáng tạo nhưng cũng là đối tượng chịu tác động của văn hóa. “Văn hóa, nếu hình dung như một tam giác nguyên thủy thì đỉnh trên của nó là Con người, hai đỉnh dưới là Thiên nhiên và Xã hội. Và trong mối quan hệ tương hỗ nhiều chiều này, thì yếu tố con người đóng vai trò quan trọng nhất. Con người chẳng những là chủ (khách) thể của văn hóa, mà còn là kẻ mang vác những giá trị văn hóa”(6). Con người văn hóa là con người có lý tưởng, có niềm tin khoa học vào các hệ giá trị văn hóa dân tộc. Không chỉ thế, anh ta còn là người chuyển tải, “mang vác” các giá trị văn hóa đến với cộng đồng, thế giới; biết giao lưu văn hóa, tiếp biến có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại… Như vậy, chỉ khi chúng ta chú trọng xây dựng con người văn hóa thì mới có cơ sở để củng cố niềm tin, để giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; là cơ sở để bồi đắp, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị “dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học”.
Thứ hai, cải thiện giáo dục tri thức và chuẩn mực nghiên cứu, phố biến sản phẩm khoa học trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay.
Giáo dục là cách thức con người chuyển tải, truyền bá tri thức, kỹ năng và các chuẩn mực hành vi từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách liên tục. Giáo dục theo nghĩa rộng là quá trình xã hội hóa cá nhân để biến cá nhân với tư cách là cá thể sinh học xã hội trở thành một thành viên đầy đủ của xã hội. Quá trình này bao gồm cả việc học trong nhà trường và tự học của bản thân, diễn ra trong cả 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Quá trình giáo dục giúp cá nhân tối ưu hóa sự phát triển của chính bản thân (trí lực, thể lực và tâm lực), trong đó việc lĩnh hội tri thức song hành với rèn luyện các phẩm chất nhân cách mà xã hội mong đợi. Vì vậy, việc giáo dục tri thức khoa học cần được xem trọng và đẩy mạnh nhằm tạo ra những thế hệ con người Việt Nam không chỉ có niềm tin khoa học, biết nghiên cứu khoa học, biết hành động theo khoa học, lan tỏa niềm tin khoa học trong cộng đồng mà còn biết phản bác những luận điểm phản khoa học, xuyên tạc khoa học.
Nâng cao các chuẩn mực trong nghiên cứu khoa học để hạn chế tối đa những lệch lạc, thiên kiến do áp lực đến từ các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Các nhà khoa học cũng cần được trang bị các nền tảng, kỹ năng công nghệ không chỉ để phục vụ nghiên cứu mà còn hỗ trợ việc giao lưu, trao đổi học thuật, truyền bá tri thức, đem kết quả nghiên cứu đến với công chúng và thị trường.
Tóm lại, niềm tin khoa học được xuất phát từ thực tiễn, được tạo dựng từ thực tiễn, mang tính hiện thực và gắn liền với lý tưởng cao đẹp. Nó khác với thái độ cuồng tín, bất chấp thực tiễn. Với niềm tin khoa học, dù đứng trước những khó khăn, nguy hiểm, chúng ta vẫn luôn kiên định phấn đấu, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng đã chọn.
Xây dựng niềm tin khoa học chính là một trong những cách thức để khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đây vừa là một phương thức, vừa là sứ mệnh của thế hệ hôm nay trong việc tiếp nối và trao truyền cho các thế hệ mai sau những tài sản quý báu mà cha ông ta từ ngàn đời đã chắt chiu để lại./.
__________________________________________________
(1) Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (2021), “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, bài phát biểu tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, 24/11/2021, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/xay-dung-giu-gin-va-phat-huy-nhung-gia-tri-dac-sac-cua-nen-van-hoa-viet-nam-597997.html.
(2) Trần Hữu Quang (2011), “Báo chí và lòng tin trong xã hội”, Tuổi trẻ cuối tuần, số ra ngày 19/6/2011.
(3), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.1, tr.144,145.
(5) Mai Hải Oanh (2019), “Sức mạnh của niềm tin”, Tạp chí cộng sản điện tử, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/suc-manh-cua-niem-tin, 18:23, ngày 09/10/2019.
(6) Đỗ Lai Thúy (2005), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.9.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 2/2022
Bài liên quan
- Tương lai cho thế hệ vươn mình
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
- Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
- Đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo tinh thần định hướng của Đồng chí GS, TS. Tổng Bí thư Tô Lâm
Xem nhiều
-
1
Đại hội Chi bộ khoa Tuyên truyền nhiệm kỳ 2025-2027
-
2
Quản lý thông tin về khoa học quân sự trên báo chí quân đội ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và một số giải pháp tăng cường
-
3
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất các chương trình thiện nguyện của kênh VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam
-
4
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên hiện nay
-
5
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh trong tham gia xây dựng Đảng
-
6
Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh trong tình hình mới
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đảng viên của Đảng bộ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An
Quản lý đảng viên có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo hiệu quả của Đảng trong hệ thống chính trị. Đảng bộ huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý đảng viên, bao gồm kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đảng viên. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như chưa kiểm soát chặt chẽ tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức của một bộ phận đảng viên, công tác sinh hoạt chi bộ chưa đồng đều, và việc phát triển đảng viên mới ở một số khu vực còn gặp khó khăn. Bài viết này phân tích các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đảng viên tại Đảng bộ huyện Đô Lương, tập trung vào việc tăng cường giáo dục chính trị, đổi mới phương thức sinh hoạt chi bộ, hoàn thiện công tác kiểm tra giám sát, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đảng viên, và đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới. Những giải pháp này hướng đến mục tiêu xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới.
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Tương lai cho thế hệ vươn mình
Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, thanh niên - thế hệ trẻ luôn giữ vị trí quan trọng, được ví như rường cột quyết định sự hưng thịnh của dân tộc. Trong mọi thời kỳ cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay, thanh niên luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò nòng cốt, từ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước đến công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, lịch sử của Đảng ta từ khi ra đời đến nay luôn có dấu ấn, thể hiện rõ vai trò của các thế hệ thanh niên ưu tú, xuất sắc của dân tộc. Các đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên, các nhà lãnh đạo tài ba của Đảng, các trí thức lớn của Việt Nam đều đã giữ các cương vị trọng trách ngay từ khi còn đang tuổi thanh niên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Công tác tư tưởng có vai trò trọng yếu trong thành công của sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác tư tưởng lại càng có vai trò quan trọng để tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; qua đó tạo nên sức mạnh vô địch, là điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu, kỳ vọng, đích đến của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu.
Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Quốc Oai, Thành phố Hà Nội công tác nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện ngày càng đạt kết quả tích cực. Nâng cao chất lượng đảng viên là cơ sở, tiêu chí quan trọng trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, toàn diện. Bài viết làm rõ thực trạng chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội hiện nay, chỉ rõ những khó khăn, thách thức; từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội thời gian tới.
Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
Bảo đảm thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở
Thực hiện dân chủ ở cơ sở - xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, tổ chức – là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, để nhân dân biết, nhân dân bàn, nhân dân làm, nhân dân kiểm tra, nhân dân thụ hưởng. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là vấn đề quan trọng, luôn được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Để dân chủ ở cơ sở được hiện thực hóa, việc đảm bảo thực hiện với những cơ chế cụ thể là vấn đề cấp thiết.
Bình luận