Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta di sản vô cùng đồ sộ và quý giá: Đó là thời đại Hồ Chí Minh; sự nghiệp Hồ Chí Minh; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991) đến nay, Đảng ta luôn khẳng định, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và sự nghiệp cách mạng của nhân dân.
Từ lòng yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đến với tác phẩm báo chí “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo ngày 18-6-1919 và đã sáng lập tờ báo Thanh niên, mở đầu báo chí cách mạng Việt Nam (21- 6- 1925). Tính đến tác phẩm cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ Ri sớt M. Nich- xơn” viết ngày 25/8/1969 và đăng trên báo Nhân dân ngày 7-11-1969, Hồ Chí Minh đã làm báo gần như cả cuộc đời, coi báo chí là bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Người để lại hơn 2.000 bài báo các loại, bình quân mỗi năm người viết 40 bài.
Người có khoảng 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký(1) với nhiều thể loại chính luận, tiểu phẩm, truyện, ký... với những chủ đề đa dạng, sinh động, tinh thần cách mạng. Riêng trên báo Nhân dân (1950- 1969), Người đã có 1.200 tiểu phẩm. Thống kê trong đĩa CD- Room Hồ Chí Minh, Toàn tập, xuất bản lần thứ 3 năm 2011, có khoảng 348 lần Người dùng danh từ báo chí và 202 lần dùng danh từ nhà báo. Người viết báo với nhiều đề tài, thể loại, kết cấu và văn phong cũng như hình thức thể hiện, với một mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới.
Hồ Chí Minh thấm nhuần tư tưởng của Lênin về: không có tờ báo chính trị thì không thể tuyên truyền có phong trào cách mạng. Bản chất của báo chí là gắn bó chặt chẽ với chính trị, mang tính chiến đấu, có tính khoa học và là công cụ trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Phẩm chất chính trị là yếu tố hàng đầu của nhà báo cách mạng, là cái làm nên đặc trưng cơ bản của báo chí. “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”(2).
Người thường nói làm báo là làm cách mạng và để làm cách mạng, nhà báo là chiến sỹ cách mạng. Hoạt động của nhà báo thực chất là hoạt động chính trị. Tư tưởng chính trị, thông tin quan trọng nhất là thông tin chính trị quyết định chất lượng, tác dụng của tác phẩm báo chí. Người coi làm báo là làm cách mạng và coi báo chí là một bộ phận, là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng và đã trở thành nhà báo có phẩm chất nghề nghiệp mẫu mực, tạo nên phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Di sản báo chí của Người ngoài số lượng đồ sộ tác phẩm báo chí với giá trị thông tin, nghệ thuật to lớn còn ở nội dung về vai trò, chức năng, nhiệm vụ; về tính chất chiến đấu, tính nhân dân của báo chí. Hồ Chí Minh còn tổ chức báo chí, giáo dục phẩm chất nghề nghiệp người làm báo cách mạng. Người coi “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”(3), Người sử dụng báo chí để tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị chu đáo cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyên truyền đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Người xác định báo chí là mặt trận, nhà báo là chiến sĩ, cây bút trang giấy là vũ khí, bài báo là tờ hịch cách mạng để tập hợp, hướng dẫn nhân dân, vận động nhân dân tham gia cách mạng. Người coi tờ báo như vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục và tổ chức cho dân chúng hiểu, dân theo, dân làm cách mạng. Báo chí có vai trò, chức năng giáo dục tư tưởng, tham gia tuyên truyền, quảng bá các tư tưởng, phổ biến trong xã hội những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới.
Theo Hồ Chí Minh, “1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa”(4). Vậy nên, báo chí là diễn đàn của nhân dân, tờ báo Đảng như là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp, dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Cán bộ không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc. Về tổ chức báo chí, “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm hẳn hoi. Không hợp lý hóa thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc và tốn kém một trăm thứ”(5).
Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc của con người, là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, phải đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đạo đức cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(6). “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”, “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc”, “Khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”;... Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(7).
Người nêu những chuẩn mực đạo đức cách mạng là: Trung với nước, hiếu với dân, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư yêu thương con người và có tinh thần quốc tế trong sáng. Trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất quan trọng nhất của đạo đức. Nhà báo có đạo đức cách mạng “phải làm đầu tàu, gương mẫu…, làm sao tự mình nêu gương và làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(8).
Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung, là vũ khí sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, đấu tranh chống cái sai, cái xấu, cái tiêu cực, chống sự xuyên tạc của kẻ thù, tác động mạnh mẽ vào dư luận thế giới, góp phần tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho cách mạng trong nước. Hồ Chí Minh khẳng định: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”(9). Thước đo của báo chí là nhận thức của công chúng, gắn bó và phản ánh đầy đủ sự nghiệp cách mạng của nhân dân nên báo chí phải đa dạng đối tượng. Văn hoá là một mặt trận. Nhà báo cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy cũng là vũ khí của họ… ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà.
Nhà báo phải có tính chiến đấu của người cách mạng, không ngại gian khó, hy sinh vì nhân dân phục vụ, phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang. “Họ không biết rằng nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ. Phải có ý chí tự cường, tự lập, kém thì phải cố mà học. Viết một bài báo mà loại được những yếu tố cá nhân cũng là một cuộc đấu tranh. Báo chí lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau, để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Không biết lãnh đạo dư luận, không biết thúc đẩy và nâng cao tinh thần đấu tranh của nhân dân là một trong những khuyết điểm của báo chí. “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén - bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”(10).
Tư tưởng Hồ Chí Minh coi trung thực là tiêu chuẩn rất quan trọng trong nghề nghiệp báo chí, trong mọi trường hợp khen chê đều khách quan, không vì vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết càn”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”(11). Viết giản dị và đúng sự thật. Không được bịa ra; không nên chỉ viết cái tốt và giấu đi cái xấu. Hồ Chí Minh coi phê bình và tự phê bình là vũ khí cần thiết và sắc bén, giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm, là một trong những nguyên tắc thường xuyên trong sinh hoạt Đảng, chính quyền và trong đội ngũ nhà báo. “Các báo cũng cần khuyến khích quần chúng giúp ý kiến và phê bình báo mình để tiến bộ mãi”. Nhà báo “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu”. Cần mỗi ngày tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt.
Theo Người: “Năng lực của con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do luyện tập mà có”(12). Nếu không học hỏi thì không thể tiến bộ, thậm chí lạc hậu, tự mình từ bỏ nghề nghiệp. “Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ cách nạng thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”(13). Nhà báo muốn tiến bộ thì phải nghiên cứu, học tập, tích lũy tri thức văn hóa toàn diện, sâu rộng là nhiệm vụ thường xuyên, suốt đời, “còn sống thì còn phải học”. “nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được ... không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Mục đích cao nhất của việc học tập là tích lũy kiến thức nhiều mặt, đặc biệt là lý luận, phương pháp luận, thực tiễn, pháp luật, tri thức tổng hợp về chủ nghĩa Mác – Lênin, về sự phong phú của báo chí phương Đông, phương Tây, mới tạo ra được những tác phẩm báo chí có chất lượng.
“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”, “Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin vào đoàn thể, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc và tương lai của cách mạng. Học để hành”; “học để làm việc”, học tập là một việc phải tiếp tục suốt đời như V.I. Lênin nói, “Học, học nữa, học mãi”, Chúng ta phải học suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng” cũng giống như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ truyền thông đang diễn ra mạnh mẽ, tác động toàn cầu, làm cho phạm vi ứng dụng vào sản xuất và đời sống ngày càng mở rộng. Công nghệ truyền thông hiện nay phát triển rất nhanh, tác động nhanh mạnh hơn vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Môi trường truyền thông số hóa, xu thế làm báo đa phương tiện, sử dụng Internet, các trang web, blogger, facebook, mạng xã hội trong tác nghiệp báo chí ngày càng tăng. Sản phẩm của công nghệ truyền thông vào hoạt động báo chí và báo chí sử dụng công nghệ truyền thông ngày càng phổ biến. Với sự phát triển của Internet, mạng xã hội đang lấn lướt báo chí truyền thống như phát thanh, truyền hình, báo in… làm cho sự thưởng thức của công chúng và yêu cầu tác nghiệp của nhà báo đều thay đổi.
Ngày nay, có chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng...., đủ để nhà báo kịp thời tác nghiệp và gửi bài về nơi cần thiết ở mọi lúc, mọi nơi. Mọi người, chỉ cần có điện thoại vừa nhận thông tin nhanh chóng, vừa có thể tham gia sáng tạo tác phẩm báo chí. Trong mỗi tòa soạn, phóng viên, biên tập viên, nhân viên lập trình cùng làm việc, tham gia và hoạt động báo chí. Trong môi trường truyền thông điện tử, truyền thông số, và hội nhập quốc tế, nhu cầu thông tin có tính toàn cầu ngày tăng nhanh, đòi hỏi nhà báo phải biết nhiều, đi nhiều, gặp gỡ nhiều lớp người… để sáng tạo tác phẩm. Nghề báo, tự nhiên trở thành nghề hấp dẫn nhất là thanh niên ưa hoạt động muốn được thể hiện bản thân bằng thông qua hình ảnh, âm thanh trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nhìn chung, thời gian qua, báo chí nước ta phát triển nhanh về số lượng, loại hình, nội dung, hình thức, đội ngũ cán bộ...Đại đa số các nhà báo đều có nhiều ưu điểm về phẩm chất nghề nghiệp, giữ gìn, phát huy được những truyền thống vốn có, xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp của nhà báo. Báo chí với nhiều cách làm sáng tạo tác động, lan toả mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên là nhà báo, nhân dân, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng bước trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.
Tuy nhiên, báo chí còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế, đó là sự tụt hậu của báo chí trước sự phát triển nhanh rộng của mạng xã hội. Có cơ quan báo chí chưa đổi mới con người và công nghệ kịp với yêu cầu hiện đại hóa. Một bộ phận người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp, tự cho mình quyền lực thứ tư để đe dọa, gây nhiễu tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp… gây bức xúc trong dư luận xã hội.Việc nêu gương của một bộ phận nhà báo, việc báo chí tuyên truyền gương người tốt, việc tốt chưa nhiều.
Công tác đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa mạnh; việc tự phê bình và phê bình còn làm qua loa, hình thức; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm chưa cao, các cá nhân cũng dễ trở thành người làm báo đưa thông tin “hot”, thu được nguồn lợi do có lượng người câu view cao; đã có các trang báo điện tử, mạng xã hội trở thành các trang bán hàng, thương mại điện tử trốn thuế...... Nguy hại nhất là các trang báo điện tử “lề trái” đưa các thông tin bôi xấu chế độ và các nhà lãnh đạo... Các cơ quan chức năng chưa quản lý hết về tần xuất và thời lượng phát hành báo điện tử, báo nói.., từ các trụ sở phát hành ở nước ngoài. Các cơ quan chức năng của Nhà nước ta đã xử lý, nhưng chưa mạnh, chưa nhiều.
Việt Nam hiện nay đã có những yếu tố cần và đủ tiếp nhận công nghệ truyền thông của cuộc cách mạng 4.0. Cụ thể, số thuê bao băng rộng di động tăng tăng 7,6% so với 7/ 2023, đạt trung bình 91,9 trên 100 dân. Đây cũng là lần đầu tỷ lệ này trên 90%, vượt mục tiêu 87,5% của Bộ Thôn tin và truyền thông trong 2024.Trong khi đó, trong 120 triệu thuê bao di động tại Việt Nam có 100,7 triệu sử dụng smartphone, tăng 0,1% so với tháng7 năm 2023. Ngày nay gần như người nào dùng mạng xã hội cũng trở thành người làm báo. Mỗi tài khoản Facebook, zalo, tictok... như là một “tòa soạn báo”, mỗi người dùng mạng đều tự nhiên trở thành nhà báo, tự do sáng tạo, bình luận.
Báo chí truyền thống tất yếu phải hội tụ các phương tiện truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh. Trước những phát triển công nghệ thông tin, báo chí của Đảng càng có cơ hội đi trước, trực tiếp tuyên truyền cho nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng. Hiện nay do trình độ dân trí tăng lên, thông tin nhiều chiều, thật giả lẫn lộn, kẻ thù lợi dụng chống phá hơn nên báo chí càng phải đảm bảo tính chân thật, khách quan, nắm tâm lý độc giả tốt hơn trước.
Tính tới tháng 7 năm 2024, cả nước có 982 cơ quan báo, tạp chí được cấp phép hoạt động. Cụ thể, số lượng báo in là 193 (Trung ương: 86, địa phương: 107); 639 tạp chí (Trung ương: 525, địa phương: 114); báo điện tử, tạp chí điện tử 150. Thống kê cho thấy, có 17. 297 nhà báo được cấp Thẻ nhà báo. Trong đó, báo điện tử và các trang thông tin trên mạng đang phát triển mạnh mẽ, phản ánh hơi thở đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng lý luận và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Bộ Chính trị từ các khoá X, XI,XII và đến khóa XIII đều có các Chỉ thị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đây là việc cần thiết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng, đáp ứng yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Các cơ sở đào tạo, các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các cấp cần tăng cường công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiêu biểu như: Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” (có hiệu lực 1-2017); Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Chỉ thị số 23-CT/TW (2-2018) của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; thực hiện tốt Luật Báo chí bổ sung, phát triển 2018; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XII (10-2018) Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Quyết định số 1131 /QĐ-HNBVN ( 12- 2018) Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; Quyết định số 276/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (4- 2019)…
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1-2021) chủ trương “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”(14).
Trong bối cảnh công nghệ thông tin internet và mạng xã hội phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, xây dựng nền báo chí, truyền thông hiện đại là xây dựng mô hình báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, phối hợp tốt giữa các bộ phận trong sản xuất tác phẩm báo chí. Mạng xã hội càng phát triển, báo chí trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng, tin cậy nhất, vai trò của nó trong xã hội càng cần được khẳng định, nâng cao. Báo chí, truyền thông nắm bắt và ứng dụng kịp thời tiến bộ khoa học - công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc cách làm báo hiện đại của thế giới. Cùng với công nghệ quản lý trong điều kiện truyền thông đa dạng, hội nhập quốc tế cần tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet; phòng, chống tội phạm công nghệ cao và giữ an ninh mạng.
Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất nghề nghiệp nhà báo đã khẳng định được giá trị vững chắc qua thời gian. Nội dung này là sản phẩm của riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh đấu tranh cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, tư tưởng này không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà mang tính quốc tế. Bởi lẽ, để đưa ra những nội dung này, chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết tinh từ những hiểu biết của mình trong quá trình hoạt động cách mạng và công việc làm báo trong và ngoài nước, đây là cơ sở lí thuyết có tính khoa học và thực tiễn cao.
So với thời điểm quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về phẩm chất nghề nghiệp nhà báo ra đời, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đang có nhiều thay đổi, chính vì vậy, khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp với bối cảnh hiện tại. Xây dựng nền báo chí, truyền thông nhân văn thể hiện ở xây dựng phẩm chất nghề nghiệp, rèn luyện thái độ, hành vi, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ nhà báo chân chính… Xây dựng đội ngũ người làm báo có kiến thức chuyên môn, có năng lực làm báo, trung thực liêm chính,; luôn có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân đối với tác phẩm, sản phẩm của mình. Mỗi người làm báo cần nêu cao trách nhiệm, đầu tư công sức để thành thạo tác nghiệp cả báo in, báo hình, phát thanh và báo mạng điện tử để có được tác phẩm báo chí hấp dẫn, kịp thời, chính xác, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng và xã hội.
Trong Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ: “Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới phương hướng, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng Internet… Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới”(15). Chú ý đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo người làm báo, bồi dưỡng cho các nhà báo về phẩm chất chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống; sự yêu nghề, gắn bó phục vụ nhân dân, về rèn tính trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, có tinh thần phê bình và tự phê bình, chịu khó tích lũy tri thức văn hoá, kỹ năng nghề nghiệp và vốn sống xã hội và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, cách trình bày của đội ngũ những người làm báo. Rà soát lại đội ngũ lãnh đạo, quản lí, phóng viên, biên tập viên, kiên quyết đưa những người không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi cơ quan báo chí.
Đó là nội dung xây dựng phẩm chất nghề nghiệp nhà báo trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các cơ quan báo chí nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ của báo chí. Bởi vậy họ cần có bản lĩnh chính trị, hiểu biết rộng, có kỹ năng nghề nghiệp, am hiểu công nghệ hiện đại, nhanh nhạy chỉ đạo các hoạt động báo chí kịp thời, đúng đắn, nhất là với những vấn đề bức xúc, nhạy cảm có tác động lớn với xã hội.
Nhà báo có bản lĩnh chính trị, tính nhạy bén, sự tâm huyết có mặt ở những lĩnh vực nóng bỏng của cuộc sống để khám phá sự thật, chuyển tải kịp thời, có định hướng cho công chúng. Phẩm chất chính trị là yếu tố hàng đầu của nhà báo cách mạng, là cái làm nên đặc trưng cơ bản của chất lượng văn hóa trong sản phẩm báo chí cách mạng. Báo chí cách mạng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của nhân dân. Để có bản lĩnh chính trị và nắm vững chức năng, nhiệm vụ chung của báo chí; hiểu rõ mục đích cách mạng, tôn chỉ và nhiệm vụ của tờ báo, nhà báo phải học tập tu dưỡng không ngừng, thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, cần mẫn tích luỹ kiến thức, nhất là về lý luận, phương pháp luận, về thực tiễn và về pháp luật, phấn đấu nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn; nâng cao tinh thần phê bình và tự phê bình; giữ gìn lương tâm và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Nhà báo chân chính với tinh thần trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân biết hòa mình trong niềm vui, nỗi lo lắng trước khó khăn của đất nước, đồng thời luôn luôn tìm thấy trong thực tiễn sinh động của sự nghiệp vinh quang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nguồn đề tài vô tận, chất liệu mới phong phú để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, trước sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông mới, sự xuất hiện của các công nghệ làm báo hiện đại, sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo thì việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng đối với mỗi người làm báo. Các quy tắc đạo đức nghề nghiệp được thể chế hóa trong luật tạo ra hành lang pháp lý đối với người làm báo trong quá trình tác nghiệp, đồng thời khẳng định yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí của mọi hội viên Hội Nhà báo luôn thực hiện tốt “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo” cho sinh viên, học viên, các nhà báo, hội viên… Nhà báo cần có tư duy đổi mới, phương pháp hoạt động sáng tạo, trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, công nghệ tác nghiệp báo chí đa phương tiện, vừa chuyên sâu, vừa đa năng, tạo ra nhiều hơn những tác phẩm có chất lượng, định hướng dư luận đúng đắn., hướng tới xã hội nhân ái, văn hóa, con người mới đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển, phê phán những thói xấu bất công, ích kỷ, bè phái. Nhà báo cần có Tâm (say mê, có đạo đức nghề nghiệp), có Tầm (nhạy bén, thích ứng thời đại chuyển đổi số), có Tín (trung thực, tôn trọng sự thật), có Tài (trí tuệ, kỹ năng sáng tạo ). “Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”. Báo chí vừa góp phần bảo đảm công bằng, phát triển và tiến bộ xã hội, bảo vệ lợi ích chính đáng và hạnh phúc của số đông nhân dân và lợi ích của đất nước, vừa hướng tới sự chia sẻ tình cảm với những con người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh.
Cơ quan chủ quản báo chí, Hội nhà báo chú trọng giáo dục phẩm chất phẩm chất nghề nghiệp nhà báo cho người làm báo. Xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình phẩm chất nghề nghiệp nhà báo và chính sách quản lý nhà báo. Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, kỹ thuật ở các cơ sở đào tạo sinh viên báo chí, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng phẩm chất nghề nghiệp nhà báo, mở rộng hợp tác quốc tế về báo chí./.
__________________________________
(1) Hồ Chí Minh, Những bài bút chiến, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2006, tr. 5
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 12, Nxb. CTQG, ST,HN, 2011. Tr. 166
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 10, Nxb. CTQG, ST,HN, 2011.Tr. 616.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 6, Nxb. CTQG, ST,HN, 2011. Tr. 102
(5) Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 369
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb. CTQG, ST,HN, 2011. Tr. 292
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 11, Nxb. CTQG, ST,HN, 2011. Tr. 601
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 15, Nxb. CTQG, ST,HN, 2011. Tr. 593
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập12, Nxb. CTQG, ST,HN, 2011. Tr. 167
(10) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tâp 14. Nxb.CTQG, H.2011, tr.540
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb. CTQG, ST,HN, 2011. Tr. 306
(12) Hồ Chí Minh (1990), Về vấn đề giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, tr.67
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 12, Nxb. CTQG, ST,HN, 2011. Tr. 167
(14) Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb CTQG, ST,HN, 2021, tr.146
(15) https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2020/09/1321.signed.pdf
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Kỷ niệm 70 năm Báo ảnh Việt Nam (15/10/1954 - 15/10/2014): Chuyện phiếm với nhóm "G7" làm Báo ảnh Việt Nam
- Môi trường pháp lý cho đội ngũ truyền thông chính sách ở Việt Nam hiện nay
- Quản lý thông điệp về liên kết đào tạo đại học trên báo mạng điện tử - Thực trạng và giải pháp
- Tổ chức hoạt động truyền thông tại một số công ty du lịch vừa và nhỏ tại Việt Nam: Những hạn chế, thách thức và giải pháp
- Tổ chức sản xuất tác phẩm E-Magazine trên báo điện tử Việt Nam hiện nay - Một số đề xuất cho các cơ quan báo chí đặc thù
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
- 3 Bài viết “Đôi điều suy nghĩ về làm tạp chí lý luận chính trị của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất người làm tạp chí lý luận chính trị hiện nay
- 4 Củng cố niềm tin, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của sinh viên trong xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
- 5 Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho người học trong đào tạo người làm báo ở các trường đại học Việt Nam hiện nay
- 6 Lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành an toàn giao thông đầu năm học 2024-2025
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước
Những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị luôn tìm cách phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng mọi âm mưu và thủ đoạn. Trước tình hình đó, nhiệm vụ đấu tranh để bảo vệ sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng cùng nhân dân ta đã lựa chọn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá.
Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại, tấm gương sáng ngời để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ truyền thông, báo mạng điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, báo chí truyền thống đứng trước cơ hội và thách lớn. Báo chí nước ta là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài viết sau đây trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng, đáp ứng yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Kỷ niệm 70 năm Báo ảnh Việt Nam (15/10/1954 - 15/10/2014): Chuyện phiếm với nhóm "G7" làm Báo ảnh Việt Nam
Kỷ niệm 70 năm Báo ảnh Việt Nam (15/10/1954 - 15/10/2014): Chuyện phiếm với nhóm "G7" làm Báo ảnh Việt Nam
Ngày 15/10/2024, Báo ảnh Việt Nam, cơ quan của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Số báo đầu tiên có tên gọi là Hình ảnh Việt Nam, với bức ảnh ấn tượng chụp khoảnh khắc hình ảnh anh Vệ Quốc đoàn vào giải phóng Thủ đô, bế trên tay một em bé. Trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển, trở thành thương hiệu báo ảnh Việt Nam, có công lao đóng góp của nhiều thế hệ làm báo ở nhiều cơ quan liên quan, trong đó phải kể đến đội ngũ nhà báo ở TTXVN.
Môi trường pháp lý cho đội ngũ truyền thông chính sách ở Việt Nam hiện nay
Môi trường pháp lý cho đội ngũ truyền thông chính sách ở Việt Nam hiện nay
Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác này ngày càng được chú trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách. Qua truyền thông, người dân không chỉ nhận thức đúng về chính sách, đồng thuận với Nhà nước trong thực hiện chính sách, mà còn tham gia phản biện, góp ý bổ sung, hoàn thiện chính sách… Có được kết quả như vậy là nhờ một phần quan trọng của đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa năng lực của đội ngũ này, cần có môi trường pháp lý phù hợp hơn để các nhà truyền thông chính sách nỗ lực, trách nhiệm và sáng tạo hơn.
Quản lý thông điệp về liên kết đào tạo đại học trên báo mạng điện tử - Thực trạng và giải pháp
Quản lý thông điệp về liên kết đào tạo đại học trên báo mạng điện tử - Thực trạng và giải pháp
Hiện nay, liên kết đào tạo là xu thế phát triển chung của các trường đại học trên thế giới và Việt Nam. Với định hướng giáo dục là quốc sách hàng đầu, thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí trở thành cầu nối quan trọng trong việc truyền tải thông điệp về liên kết đào tạo đại học đến với công chúng.
Bình luận