(LLCT&TT) Hiệu ứng tâm lý đám đông không chỉ tồn tại phổ biến trong xã hội hiện đại mà nó đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử loài người. Trong môi trường của xã hội hiện đại, với sự ra đời và bùng nổ của Internet, không gian này càng tạo mảnh đất màu mỡ cho hiệu ứng tâm lý đám đông phát triển, lan rộng. Bài viết đề cập tới những biến đổi tâm lý đám đông dưới tác động của thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội. Qua đó góp phần hiểu rõ bản chất của tâm lý đám đông và tìm kiếm giải pháp khắc phục mặt trái của mạng xã hội đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến tháng 6/2019, Facebook đã gỡ 201 tài khoản và cá nhân giả mạo, 109 đường link tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu độc, kích động chống phá nhà nước. Nền tảng xã hội này cũng đã gỡ hơn 2.400 đường link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 214 đường link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các thương hiệu cá nhân, tổ chức. Đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam, Google cũng đã ngăn chặn và gỡ bỏ 8.000 video vi phạm trên nền tảng chia sẻ Youtube(1).
Những con số này cho thấy, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã, đang vào cuộc rất mạnh mẽ để ngăn chặn và xử lý vi phạm trên không gian mạng, làm sạch môi trường truyền thông xã hội. Song, những con số này một lần nữa cảnh báo nguy cơ lớn về sự bùng nổ của các thông tin xấu độc mà thông qua phương tiện truyền thông xã hội đang tác động tiêu cực tới người dân. Nắm bắt và khắc phục được những xu hướng biến đối tâm lý đám đông tiêu cực dưới tác động của những thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội là góp phần tạo lập không gian mạng trong sạch, văn minh, đẩy lùi mặt trái của thông tin sai lệch, xuyên tạc đang tác động không nhỏ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Gustave Le Bon - tác giả của cuốn “Tâm lý học đám đông” cho rằng: “Tâm lý đám đông là một sự tồn tại ngắn ngủi và nhất thời, hợp thành từ nhiều yếu tố khác nhau, liên kết với nhau tại một thời điểm nhất định, cũng giống hệt như việc các tế bào hình thành một cơ thể sống, sự thể hiện những đặc tính rất khác biệt so với các đặc tính của mỗi nhân tố cấu thành”(2). Điều đó được ông giải thích, dù bất kể cá nhân đó là ai, dù giống hay khác nhau về lối sống, nghề nghiệp, tính cách hay trí tuệ, thì việc nhóm họp trong một đám đông sẽ khiến họ có cùng một tinh thần tập thể, khiến họ cảm nhận, suy nghĩ và hành động theo cách hoàn toàn khác so với khi họ là những cá thể cảm nhận, suy nghĩ và hành động riêng biệt. Điều này cũng có nghĩa, tâm lý đám đông là một hiện tượng mà con người bị chi phối, ảnh hưởng bởi những suy nghĩ, cảm xúc của những người khác. Tuy nhiên, tâm lý đám đông ẩn chứa trong nó 2 khía cạnh: tích cực và tiêu cực.
Nhìn từ góc độ đánh giá con người, hiệu ứng đám đông có thể tạo ra tác dụng tích cực như động viên, khích lệ con người vươn lên, đạt được những kết quả tốt đẹp hơn. Khi sự ghi nhận, tin tưởng không chỉ đến từ một cá nhân mà từ cả tập thể nó sẽ có sức mạnh liên kết thực sự, thôi thúc con người, thậm chí tạo ra áp lực buộc con người phải không ngừng nỗ lực để xứng đáng với sự đánh giá đó, xứng đáng được là thành viên của tập thể đó.
Ở khía cạnh tiêu cực, hiệu ứng đám đông có thể tạo ra phản ứng dây chuyền của những nội dung đánh giá phiến diện, thiếu khách quan đối với mỗi người. Một khi bị chi phối bởi sự sai lệch, “số đông” không còn đứng về phía lẽ phải, thì những nhận định, đánh giá của số đông về một cá nhân, hay tập thể sẽ gây nên những hậu quả lớn. Nó có thể “dập tắt” mọi niềm tin, sự say mê, cố gắng, những mong muốn được cống hiến, đóng góp của con người; thậm chí nghiêm trọng hơn là “giết chết” một con người.
Gần đây, truyền thông xã hội đã không ít lần châm ngòi và dẫn dắt cho các hoạt động chống phá, gây bất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Với khả năng tác động nhiều chiều, không gian mạng trở thành một thứ quyền lực mà nếu bị kẻ xấu chiếm lĩnh, xã hội sẽ bị dẫn dắt bởi tin giả, tư tưởng cực đoan, bất đồng, chia rẽ và xung đột. Nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ những đám đông trên mạng xã hội và những đám đông này trở thành đối tượng bị lợi dụng phục vụ cho các âm mưu chống phá Nhà nước và nhân dân. Tâm lý đám đông xuất hiện từ những thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội được hình thành, thay đổi và biến đổi theo các cơ chế tâm lý sau:
1. Nhu cầu tìm hiểu thông tin xuất phát từ tâm lý tò mò, hiếu kỳ
Tò mò, hiếu kỳ là trạng thái tâm lý muốn khám phá điều gì đó mà người ta chưa biết. Chúng thường tập trung vào những điều không liên quan hoặc được cho là không quan trọng với người đó. Trong trường hợp của mọi người, các yếu tố tâm lý và cảm xúc khác nhau xuất hiện khiến một cá nhân tìm kiếm thông tin để thỏa mãn sự quan tâm của họ đối với dữ liệu nhất định hoặc để xác nhận niềm tin. Nhờ sự tò mò, mọi người tương tác với các đối tượng khác và môi trường nói chung.
Để tác động vào tâm lý tò mò, trước hết các đối tượng tìm cách chiếm lĩnh truyền thông, rồi dẫn dắt dư luận xã hội bằng cách lập các trang, nhóm trên mạng xã hội đăng tải những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật. Xem xét các thông tin mà một nhóm người chuyên tạo dựng và được hỗ trợ bởi một số trang báo mạng thì thấy: Một là, hầu hết các thông tin đều ở dạng “mập mờ”, thiếu căn cứ, nên người đọc khó kiểm chứng. Cách thức nêu một số nhân vật kiểu như “một người tên là A cho biết”, hoặc “một người tên là B nói rằng...” tức là tất cả nhân vật đều ở dạng phiếm chỉ, không rõ ràng tên họ, địa chỉ, nói bao giờ. Những người có hiểu biết, thường xuyên đọc báo, tiếp nhận thông tin thì đều nhận thấy không thể tin tưởng vào người đã viết ra bài báo như trên và cũng không thể tin tưởng vào những thông tin do các nhân vật có tên trong bài báo cung cấp.
Hai là, thông tin trong các bài viết, video clip đều được thực hiện kiểu dẫn dắt vòng vo, thông tin này đan xen vào thông tin kia, sự việc nọ gắn vào sự việc kia thiếu lôgíc, nhắm tới mục đích là kích thích sự tò mò của người đọc. Có hình ảnh, clip chỉ là nhặt nhạnh trên mạng, sau đó được đối tượng cắt ghép, lặp qua, lặp lại tạo cớ minh họa cho lời bình. Đây là cách làm phổ biến của những người chuyên lắp ghép thông tin và lại được hỗ trợ đắc lực bởi các trang mạng xã hội, nhất là các trang như: Youtube, Facebook... hoặc các trang báo mạng như BBC, VOA... và các trang blog cá nhân. Có nhiều đoạn clip chứa đựng những thông tin xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn, kèm những hình ảnh cắt ghép lộ liễu, thế nhưng nhiều người vẫn like, share một cách vô tư.
Ba là, điều cốt yếu của thông tin là tính trung thực và đặc trưng của nó là giải quyết đầy đủ các câu hỏi thông thường, như: ai? cái gì? bao giờ? ở đâu và như thế nào? Những người cung cấp thông tin nghiêm túc đều lấy việc giải quyết các câu hỏi trên làm trọng, nên mới tạo được sự tin tưởng đối với người tiếp nhận thông tin. Thế nhưng đối với những người chuyên xuyên tạc, lắp ghép thông tin, họ lại không tôn trọng những yếu tố đặc trưng cơ bản đó mà thường lấp liếm, tránh né các câu hỏi nhằm vào hai mục đích là tạo ra vẻ “bí mật” của thông tin và khơi gợi trí tò mò của người đọc, người nghe, người xem. Từ đó, họ hướng người đọc/nghe/xem đến mục tiêu cuối cùng là xuyên tạc một lĩnh vực nào đó, hoặc là đường lối lãnh đạo của Đảng, hoặc là việc xây dựng, duy trì hệ thống pháp luật của Nhà nước... Cho nên thông tin của họ thường không có đầu, không có cuối, không có chỉ dẫn, xác định về không gian, thời gian.
2. Sự xuất hiện và biến đổi của cơ chế tâm lý lây lan
Lây lan được hiểu là sự lan truyền xúc cảm từ cá nhân này sang cá nhân khác trong nhóm xã hội một cách mạnh mẽ ở cấp độ tâm sinh lý, ngoài những tác động ở cấp độ ý thức nhóm. Trong hình thức chung nhất, sự lây lan có thể xác định như là tính dễ bị nhiễm một cách vô thức trạng thái tâm lý nào đó. Nó được bộc lộ không phải qua sự thừa nhận có ý thức một thông tin nào đó hay hình mẫu hành vi mà qua việc lan truyền trạng thái xúc cảm hay trạng thái tâm lý. Khi trạng thái xúc cảm đó xuất hiện trong đám đông, cơ chế tăng cường nhiều lần sự tác động xúc cảm lẫn nhau của những người giao tiếp bắt đầu hoạt động(3).
Tâm lý lây lan đã xâm nhập vào tâm lý đám đông một cách có hiệu quả trong việc truyền tải thông điệp. Hiệu quả của hiệu ứng đám đông có thể được nhân lên theo thời gian bởi lẽ, đám đông là hiện tượng lôi kéo nhiều cá thể để hình thành nên một khối đa cá thể có chung một xu hướng tâm lý nhất định. Sự hình thành, phát triển ngày càng lớn của một đám đông phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của các cá thể trong đám đông đó. Vì thế, đám đông càng lớn thì sức hút của nó với các cá thể bên ngoài đám đông càng mạnh, và khi có càng nhiều các cá thể gia nhập đám đông thì sức lan tỏa của thông điệp càng lớn và hiệu quả truyền thông càng được nâng cao. Trên cơ sở hiện tượng tâm lý này, các đối tượng chống phá sử dụng những chiêu bài thông qua các cá nhân, tổ chức để sử dụng tiếng nói của họ tác động đến đám đông tạo sự lây lan.
Sự lây lan có thể đến rất nhanh từ những người có uy tín hoặc được cộng đồng mạng biết tới nhiều trên không gian mạng xã hội. Lợi dụng phương thức này, các thế lực chống phá lợi dụng những cá nhân có đối tượng theo dõi lớn, thông tin cá nhân của họ được sự chú ý của nhiều người để tạo sự lây nhiễm từ những thông tin sai trái, xuyên tạc. Có rất nhiều KOLs (Key Opinion Leader) có lượng theo dõi “khủng”, chia sẻ những thông tin tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Song cũng có không ít các KOLs đang trở thành mục tiêu lợi dụng của những kẻ mang mục đích xấu. Những người này không nhất thiết phải là người nổi tiếng, chỉ cần vài thông tin độc hoặc cách viết khác lạ về những vấn đề đang gây tranh luận là có thể được chú ý. Tất nhiên, họ là những người có khả năng viết lách, mặc dù không có thông tin, đoán mò, thậm chí là bịa đặt nhưng được viết theo kiểu tỏ ra thạo tin, giả vờ bảo vệ lẽ phải, bênh vực người yếu thế. Họ lại rất giỏi nắm bắt tâm lý để đánh trúng tâm lý của đám đông, tạo hiệu ứng lây lan để từ đó đám đông có hành động a dua, bắt chước. Nói tóm lại, họ là những người thông minh, láu lỉnh và khi đã được chú ý thì niềm tin của cộng đồng mạng đặt một cách dễ dàng vào các KOLs này. Chính vì vậy, thông tin trên các trang cá nhân của họ mặc nhiên trở thành thông tin được tin cậy. Nó lan truyền một cách rất nhanh chóng, có rất nhiều người tin vào đó, cao hơn họ bình bám vào những thông tin đó và tạo ra luồng dư luận mạnh mẽ để lấn át những thông tin khác. Thời gian gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã xử lý không ít những trường hợp các “KOL” đăng tải thông tin sai sự thật, tác động đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của người dân, tạo hiệu ứng lây lan tâm lý thiếu kiểm soát, sẽ dẫn đến những hệ lụy lớn. Về phía cá nhân, nó có thể dẫn đến “cái chết” từ đám đông quy chụp và thiếu hiểu biết; về phía xã hội, có thể dẫn đến sự bất ổn về chính trị, kéo theo bạo động, bạo loạn.
Như vậy, lây lan tâm lý có thể được tạo ra từ cả xúc cảm tích cực và tiêu cực. Do vậy, trong công tác tư tưởng và trong việc xử lý điểm nóng, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc cần chủ động tạo ra sự lây lan các xúc cảm tích cực và ngăn cản triệt để, loại bỏ sự lây lan những xúc cảm tiêu cực trong nhóm, cộng đồng.
3. Sự hoạt động của quy luật tâm lý dễ bị ám thị và tâm lý cả tin của đám đông
Ám thị là quá trình tác động một cách trực tiếp hay gián tiếp lên tâm lý con người nhằm mục đích điều khiển họ thực hiện những yêu cầu nhất định. Ám thị là mức độ nhẹ hơn so với thôi miên, người bị ám thị không mất ý thức nhưng mất khả năng suy xét, phê phán do vậy dễ bị thuyết phục và dễ bị điều khiển.
Ám thị là tác động tâm lý có mục tiêu nhưng vô căn cứ từ một người đến người khác hoặc nhóm, dẫn tới sự thay đổi hành vi ứng xử của cá nhân do phục tùng mệnh lệnh đến từ một uy quyền hợp pháp. Ám thị là một kiểu tác động đặc biệt có mục đích, sự tác động phi luận cứ của một người lên người khác hay lên một nhóm. Trong ám thị, quá trình truyền thông tin được thực hiện trên cơ sở tri giác chúng một cách không có phê phán. Thông thường toàn bộ thông tin truyền từ người này sang người khác được phân loại căn cứ vào mức độ tính tích cực trong lập trường của người truyền thông tin. Chính hình thức thông tin thứ ba này liên quan đến sự tri giác không phê phán, cho rằng người tiếp nhận thông tin trong trường hợp ám thị không có khả năng đánh giá chúng một cách phê phán(4).
Hiện nay, các đối tượng xấu lợi dụng tâm lý dễ bị ám thị này của đám đông để tác động thực hiện việc đưa các thông tin sai lệch, xuyên tạc, mục đích khiến cho người dân tin đó là sự thật rồi bình luận, phát xét, làm sai bản chất của sự việc. Đám đông thường tư duy bằng hình ảnh, vì thế nhiều thông tin được đăng tải kèm theo hình ảnh với “ý nghĩa” minh chứng cho bài viết, nhưng thực chất là những hình ảnh được cắt ghép, nhào nặn, hoặc là những hình ảnh có thật nhưng là ở các sự kiện khác, hiện tượng khác gán vào. Đám đông vội vã tin theo những hình ảnh, bài viết một cách thiếu kiểm chứng, lại được số đông bình luận, phán xét một chiều, cùng với sự xuất hiện của rất nhiều những “điều tra viên” trên mạng tung lên.
Với tâm lý dễ bị ám thị, nhiều người mặc nhiên thừa nhận những thông tin của đám đông theo thói quen, theo quán tính, mà không chịu suy nghĩ, không chịu phản biện. Chính sự nhầm lẫn hay vội vàng đó có thể khiến công chúng trở thành công cụ cho người khác lợi dụng, lôi kéo, tác động.
4. Sự xuất hiện và phát triển của tâm lý a dua, bắt chước
A dua, theo từ điển Tiếng Việt, là làm theo, bắt chước theo việc làm sai trái của người khác. Nguyên nhân dẫn đến tâm lý a dua có thể xuất phát từ 3 lý do: (1) mọi người tin rằng phán đoán của nhiều người chính xác hơn phán đoán của mình, vì vậy tin theo số đông tốt hơn; (2) do sức ép của tập thể, người ta ai cũng muốn được số đông chấp nhận, muốn mọi người cùng quan điểm, không ai muốn tách mình cô lập, dễ bị chê trách, dị nghị, do vậy theo số đông là lựa chọn khôn ngoan; (3) do bản thân không có chính kiến, điều này đúng nhất với phán đoán của nhiều người chính xác hơn phán đoán của mình, vì vậy tin theo số đông an toàn hơn.
Hiện nay, mặt trái của mạng xã hội đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho bệnh a dua phát triển. Muôn hình vạn trạng kiểu a dua trên mạng với những cụm từ phổ biến như “câu like”, “câu view”, “ném đá” hay “anh hùng bàn phím”. Nhiều cơn sóng a dua đã khiến cho không ít người, ít tổ chức phải vướng vào những sự việc mà từ đơn giản trở nên phức tạp, từ công dân bình thường bỗng dưng trở thành “nổi tiếng”, từ cái vốn là sự thật bỗng trở nên bị hoài nghi. Bài học từ những vụ biểu tình, gây rối có dáng dấp bạo loạn gần đây cho thấy một bộ phận không nhỏ người dân, lớp trẻ chỉ vì tâm lý đám đông đã a dua, hùa theo và dẫn đến vi phạm pháp luật. Nhận thấy rõ khả năng có thể lợi dụng thói a dua để khai thác, tổng hợp thông tin, từ đó xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng nhằm đánh lừa dư luận; kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng, nên những phần tử phản động, thù địch triệt để lợi dụng căn bệnh này để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta, nhân dân ta. Những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin sai trái, bịa đặt từ phát ngôn vô căn cứ của một số nhân vật và những người a dua, hùa theo trên mạng xã hội được các thế lực thù địch tổng hợp, nhào nặn nhằm tạo ra thông tin mà nghe qua người ta dễ lầm tưởng là có cơ sở khách quan, sau đó họ từng bước cài vào những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, thổi phồng, bóp méo nhằm đánh lừa dư luận, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng triệt để khai thác thế mạnh của Internet và mạng xã hội để lan truyền những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc sự thật thu lượm từ những người phát ngôn bừa bãi, từ những kẻ a dua, “ăn theo nói leo” làm cho đúng sai, thật giả lẫn lộn, khiến dư luận hoang mang. Những người hay phát ngôn bừa bãi, những kẻ hay a dua hùa theo những phát ngôn bừa bãi trở thành đối tượng để các thế lực thù địch dụ dỗ, mua chuộc, kích động, lôi kéo và khống chế, nhằm phục vụ mưu đồ thâm độc của chúng.
5. Tác động và hoạt động của tâm lý lôi kéo và tâm lý kích động bạo lực
Những điểm nóng chính trị - xã hội diễn ra thời gian gần đây đã minh chứng rõ nét cho những tác động mạnh mẽ mà mạng xã hội mang đến. Theo thống kê mới nhất của BKAv, có tới 63% người dùng ở Việt Nam thường xuyên đọc thấy những tin tức giả mạo trên facebook, trong đó 40% là nạn nhân hàng ngày. Với gần 60 triệu tài khoản facebook, có thể dễ hình dung tin tức giả mạo có tác động lớn như thế nào đến người dùng mạng xã hội Việt Nam(5).
Theo quy luật tâm lý tiếp nhận, thông tin dù là sai, là giả nhưng nếu lặp đi lặp lại nhiều lần, thì không ít người cũng sẽ dần dần cho là thật. Ngoài ra, có những nghiên cứu cho rằng, người ta có xu hướng chia sẻ và tìm đọc những thông tin tiêu cực nhiều hơn là những thông tin tích cực. Đó cũng là một trong những lý do để thông tin xấu, độc, kích động bạo lực dễ tiếp cận và tiêm nhiễm vào những độc giả không đủ năng lực nhận diện và sức “đề kháng”. Xét từ các sự kiện tụ tập đông người và gây rối trật tự công cộng, hoặc tổ chức khủng bố xảy ra gần đây, không khó để thấy sự móc nối trong nước - nước ngoài diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung là chúng đều sử dụng và lợi dụng mạng xã hội tác động đến tâm lý đám đông và biến hiện tượng tâm lý này thành công cụ để phục vụ mục đích của chúng.
Các quy luật tâm lý nêu trên chi phối mạnh mẽ sự nảy sinh, hình thành và biến đổi của các hiện tượng tâm lý đám đông trong xã hội. Hoạt động đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ những thông tin sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội cần những tác động tích cực từ phía các cơ quan truyền thông, quản lý truyền thông và các cơ quan liên quan đến bộ phận người dân tham gia không gian này. Do vậy, việc nắm vững các quy luật tâm lý cơ bản nêu trên có thể giúp nhà quản lý có được sự chủ động nhất định trong việc xây dựng, tổ chức những hoạt động đấu tranh phòng, chống, xử lý các thông tin sai lệch, xuyên tạc, góp phần làm trong sạch không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Có thể có các hướng vận dụng như sau:
- Khai thác quy luật bắt chước trong việc hình thành nếp nghĩ, lối sống, thái độ, hành vi đúng đắn trong đời sống của người dân bằng cách lan tỏa trên mạng xã hội nhiều hơn những hình mẫu, những tấm gương điển hình, những nhóm hạt nhân, những thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn, xây dựng văn hóa người Việt thanh lịch, văn minh Gắn nội dung cần truyền thông với các nhân vật có uy tín, những người cùng thời... có ảnh hưởng trên cộng đồng mạng.
- Khai thác quy luật dễ bị ám thị để hướng người tham gia mạng xã hội vào những thông tin đúng đắn, tích cực. Mỗi người dân thường tham gia vào các nhóm hay cộng đồng mạng nhất định và dễ bị chi phối bởi những thủ lĩnh ý kiến của nhóm hay cộng đồng đó. Vì thế tiếng nói của họ thường có ảnh hưởng lớn đến nhận thức, thái độ và hành vi của người tham gia. Việc tác động đến những người có ảnh hưởng mà họ là những hình mẫu về nhân cách và lối sống sẽ góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến số đông người.
- Sử dụng cơ chế lây lan để tạo ra các trạng thái tâm lý nhóm, tâm lý tập thể tích cực, ngăn chặn, lấn át các trạng thái tâm lý tiêu cực. Các xúc cảm tích cực như sự lạc quan, phấn khởi, sự hăng hái... cần được tạo điều kiện để chúng lây lan làm cho hoạt động của nhóm, tập thể có hiệu quả hơn. Đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng cơ chế lây lan để tạo ra sự thống nhất trong các trạng thái xúc cảm, hình thành tình cảm cộng đồng gần gũi, gắn bó.
Truyền thông trên mạng xã hội là công cụ tuyệt vời để chia sẻ và gắn kết, nhưng chúng ta phải đối diện với nó một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Đối diện với đám đông luôn là việc khó khăn nhất, trong khi việc quy tụ đám đông lại là một thế mạnh của truyền thông xã hội, nhưng không vì khó mà chúng ta thỏa hiệp và bị cuốn vào vòng xoáy của truyền thông. Cảnh giác, tỉnh táo trước những “biển” thông tin để chọn lọc những “đợt sóng” trong lành, lành mạnh là cách để chúng ta chống lại, giảm thiểu, vô hiệu hóa những tác động tiêu cực của mạng xã hội./.
__________________________________________
(1) Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội (11/2020).
(2), (3) Gustave Le Bon, Dịch, Nguyễn Cảnh Bình (2019), Tâm lý học đám đông, Nxb. Thế giới.
(4) Cao Xuân Liễu (2017), Tâm lý học xã hội, Nxb. Giáo dục.
Bình luận