Xu hướng xã hội hóa truyền hình Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam, cách đây khoảng 10 năm, ít người thấy trước được rằng, sau đổi mới một bước cơ chế quản lý, báo chí lại có bước lớn mạnh như vừa qua, và những năm tới chắc chắn còn có sự tăng trưởng nữa. Bởi vì, tính bình quân sự tiêu dùng báo chí của nhân dân ta vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Dư địa vẫn còn khá rộng để cho báo chí phát triển. Đấy là chưa tính đến sự xuất hiện của Internet, và báo mạng điện tử, hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng tin học đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Trong chúng ta không phải ai cũng có thể hình dung rõ rệt diện mạo và nhất là cơ chế hoạt động của các phương tiện truyền thống đại chúng trong thời gian tới như thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn là mỗi người đều phải tự mình nhìn lại và tự mình điều chỉnh các suy nghĩ truyền thống quen thuộc từ trước đến nay.
Tình hình ấy đặt ra nhiều thách thức lớn cho truyền hình - một phương tiện thông tin hùng mạnh. Tuy hiện tại, chiếc ti vi vẫn gần như chiếm giữ độc quyền cung cấp thông tin nhanh nhậy, rẻ tiền cho nhân dân. Nhưng ưu thế này trong thời gian tới có còn nguyên vẹn khi mà ở mỗi gia đình đều có không chỉ một, mà là hai, ba hoặc nhiều hơn nữa những chiếc máy vi tính nối mạng, và khi báo in được hệ thống bán lẻ phát hành miễn phí đến tận nhà theo yêu cầu của người đọc? Trong cuộc bùng nổ về thông tin, giữa lòng cuộc cạnh tranh gay gắt để tranh giành công chúng, điều cần thiết với những người làm truyền hình không chỉ là sự cố gắng nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn, mà điều quan trọng là phải nhận thức rõ những thách thức và thời cơ, thấy được xu thế vận động làm cơ sở để xây dựng chiến lược hành động phù hợp cho sự phát triển của ngành.
Vậy, trong tương lai truyền hình sẽ phát triển theo xu hướng nào để tồn tại và phát triển, để tìm được chỗ đứng trong dòng chảy phát triển của các cơ quan báo chí đang tích cực tham gia mạnh mẽ vào tiến trình xã hội hoá các hoạt động của mình? Trong xu thế đó, là một ngành mang tính báo chí kinh tế kỹ thuật cao, truyền hình càng không thể đứng ngoài cuộc.
1. Trước hết xin được tiếp cận vấn đề dưới góc độ kinh tế. Dù muốn hay không thì báo chí nói chung và truyền hình nói riêng có thể phát triển được vấn đề đầu tiên cần được giải quyết đó là nguồn kinh phí. Truyền hình là một loại truyền thông rất tốn kém nên vấn đề trên lại càng trở nên quan trọng. Nhưng ai sẽ là là người cung cấp tài chính cho truyền hình? Phải tham gia vào tiến trình xã hội hoá, trước hết là xã hội hoá về nguồn kinh phí đầu tư cho sản xuất các chương trình, truyền hình mới có điều kiện phát triển.
Qúa trình này đã diễn ra và chắc chắn sẽ diễn ra rất nhanh trong thời gian tới. Trước đây nguồn kinh phí đầu tư cho truyền hình chủ yếu là từ ngân sách. Đó là điều kiện cần thiết cho giai đoạn đầu của truyền hình. Nhưng chỉ trông vào nguồn kinh phí từ ngân sách sẽ là rất khó khăn cho sự phát triển của truyền hình trong điều kiện hiện tại và những năm sau này. Trong 3 năm 1996 đến 1998 thời lượng phát sóng qua vệ tinh gấp đôi nhưng kinh phí từ ngân sách cấp gần như không thay đổi. Đây là một nghịch lý trong tiến trình phát triển. Tình hình trên chỉ thực sự được cải thiện khi truyền hình Việt Nam được phép thực hiện cơ chế khoán thu chi để có điều kiện thu hút các nguồn kinh phí trong xã hội vào việc sản xuất các chương trình.
Đến nay, nguồn thu từ quảng cáo đã tăng gấp nhiều lần so với trước, đạt được hàng trăm tỷ mỗi năm. Theo con số thống kê gần đây, riêng thu từ quảng cáo, truyền hình Việt Nam và truyền hình thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm đã thu được trên 1.300 tỷ đồng. Và trên 20% số đó đã được dùng trở lại để đầu tư cho sản xuất chương trình. Nếu tính con số tuyệt đối thì tiền thu từ quảng cáo đến nay đã vượt kinh phí chi thường xuyên, bước đầu cải thiện nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động sản xuất chương trình.
Ngoài nguồn thu từ quảng cáo, truyền hình Việt Nam cũng đang quan tâm phát triển mạng truyền hình trả tiền và khuyến khích nhiều nguồn đầu tư khác trong xã hội cho hoạt động sản xuất chương trình. Đã có nhiều khâu, nhiều công đoạn của truyền hình có sự tham gia của các thành phần trong xã hội để tổ chức, dàn dựng bối cảnh. Ví dụ: Chương trình Nhà nông đua tài: Tiền tổ chức thực hiện là do các cấp hội nông dân Việt Nam huy động. Truyền hình chỉ trả chi phí cho kíp sản xuất. Các chương trình "Chiếc nón kỳ diệu", "Hãy chọn giá đúng", "Đường lên đỉnh Olimpia" và ngay cả các chương trình tuyên truyền chính trị như: "Người đương thời" "Vì người nghèo"... đều được sản xuất từ một phần kinh phí của các doanh nghiệp tài trợ... Điều này, đã trở nên rất có tác dụng trong khi tiềm lực của truyền hình còn nhiều hạn chế. Tất cả những điều đó đều đã và đang tích cực tạo nên một diện mạo của Truyền hình Việt Nam hôm nay.
Tuy điều kiện về tài chính đã cải thiện nhiều so với trước, nhưng nhìn chung, các nguồn thu này còn quá khiêm tốn so với hàng nghìn tỷ đồng cần phải có đầu tư xây dựng trung tâm truyền hình Việt Nam. Để có đủ điều kiện đầu tư cho phát triển, đa dạng hoá các nguồn thu, xã hội hoá về mặt kinh phí là một xu thế tất yếu đối với truyền hình Việt Nam trong những năm tới.
2. Xã hội hoá về sản xuất và quảng cáo các chương trình truyền hình, đây cũng là một xu thế mang tính tất yếu. Xu hướng này đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu truyền hình ra đời. Sau này sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi một điều hiển nhiên là không ai sản xuất chương trình truyền hình để chỉ cho mình xem cả. Phải sản xuất để cho công chúng xem và phục vụ nhu cầu xem của công chúng. Nhu cầu của công chúng đòi hỏi càng cao, càng đa dạng, thì truyền hình cần phải nỗ lực nhiều hơn để thỏa mãn điều ấy.
Sau gần 20 năm đổi mới, tiềm lực kinh tế đất nước đã có sự phát triển mạnh so với trước. Sản xuất đã cho ra đời nhiều loại hàng hoá hơn. Từ một quốc gia không đủ ăn, sống chủ yếu nguồn viện trợ ở bên ngoài, chúng ta đã vươn lên trở thành một cường quốc trong xuất khẩu lương thực... điều kiện sống của người Việt Nam được nâng lên. Cùng với đó là những thay đổi trong nhận thức, tư duy. Công chúng giờ đây không chỉ muốn ăn ngon mặc đẹp mà còn có nhiều nhu cầu giải trí khác. Điều này làm xuất hiện thị trường vui chơi, giải trí. Trong lĩnh vực này, truyền hình đã tỏ ra lợi thế cạnh tranh của mình. Khả năng quảng bá của màn ảnh nhỏ làm cho truyền hình trở thành là người tổ chức các cuộc thi, vui chơi giải trí mang tính toàn quốc. Các chương trình Chiếc nón kỳ diệu, Sao Mai điểm hẹn, Hãy chọn giá đúng... xuất hiện trên VTV đã trở thành những sân chơi hấp dẫn, bổ ích, với khả năng thu hút rất đông đảo khán giả.
Có thể nói, với hình ảnh và âm thanh sống động, truyền hình đã can thiệp vào thị trường giải trí và chi phối thị trường này. Chúng ta đã thấy giới bầu sô âm nhạc đã từng bị lép vế trong các cuộc chơi lớn từ khi Sao mai điểm hẹn ra đời. Và chúng ta cũng đã thấy, phải nhờ có truyền hình mà một số loại hình sân khấu truyền thống như Kịch nói, Chèo tuồng, Cải lương... lại có thêm điều kiện đến với công chúng. Truyền hình đã và đang trở thành một cái rạp hát khổng lồ, đa năng, giúp cho công chúng có thể tìm thấy gần như tất cả những loại hình sân khấu, giải trí phù hợp với nhu cầu của mình; để rồi, thay vì đến các địa điểm vui chơi giải trí, công chúng có thể lựa chọn hình thức ở nhà để thực sự thư giãn đầu óc với vòng quay "Chiếc nón kỳ diệu" hay cùng hồi hộp với những người chơi trong chương trình "Hãy chọn giá đúng"...
Nhu cầu của công chúng hiện đại đã khiến cho truyền hình không chỉ là nhà cung cấp thông tin thời sự chính trị mang đậm dấu ấn của báo chí nữa, mà còn đòi hỏi truyền hình phải tích cực hơn trong xã hội hoá các loại hình chương trình phục vụ nhu cầu ngày một đa dạng, phong phú của công chúng. Tất nhiên nhu cầu của công chúng ở đây không phải là phép cộng thuần tuý nhu cầu của các cá nhân. Bởi theo nhu cầu của tất cả công chúng truyền hình dễ sa vào thoả mãn cả những nhu cầu phi văn hoá.
Trên phương diện kỹ thuật cũng đang dần thể hiện rõ xu thế hoá của truyền hình. Nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mà các loại thiết bị phục vụ cho sản xuất các chương trình truyền hình cũng trở nên ngày một hiện đại, tiện nghi và đặc biệt là rẻ hơn rất nhiều so với trước. Cách đây không lâu để có một thiết bị sản xuất chương trình đúng quy chuẩn người ta phải bỏ ra ít nhất hàng trăm ngàn USD. Điều đó khiến cho khả năng được tham gia vào các hoạt động của truyền hình trở nên xa sỉ với tất cả mọi người dân. Nhưng nay nhờ có công nghệ số hoá Digital, giá thành của những chiếc máy ghi hình đã giảm hàng trăm lần so với trước. Chỉ với 1.000USD là công chúng có thể mua được một chiếc máy quay kỹ thuật số hoá và có thể bắt tay vào công đoạn đầu tiên sản xuất chương trình truyền hình. Điều này mở ra một khả năng hợp tác vô cùng rộng lớn cho cả truyền hình và công chúng. Về phía công chúng, có thể tham gia trực tiếp vào thực hiện các chương trình truyền hình. Và cũng chính điều ấy mà nội dung, hình thức thông tin của truyền hình sẽ ngày một đa dạng và mới hơn.
Trong cuộc đua thông tin luôn không có chỗ đứng cho người đến sau, thì sự tham gia ngày một nhiều hơn của công chúng vào hoạt động cung cấp hình ảnh và các sự kiện mới nhất đang diễn ra trong cuộc sống cho truyền hình là hết sức quan trọng và cần thiết. Dù muốn hay không thì đây là một xu hướng tất yếu trong tương lai của truyền hình.
Cũng trên phương diện kỹ thuật, nhưng dưới một góc nhìn khác cũng có thể ghi nhận được điều tương tự. Trong tương lai, gianh giới giữa truyền hình và các loại báo điện tử chắc chắn sẽ không còn. Cuộc cách mạng của công nghệ thông tin đã cho phép các tờ báo mạng cũng có thể tham gia vào quá trình thông tin bằng hình ảnh. Hiện nay, tuy chưa thực sự phổ biến nhưng công chúng cũng có thể xem phim truyện, theo dõi các cuộc phỏng vấn, hay bình luận, phân tích, các phóng sự bằng hình ảnh trên mạng Internet. Ví trí "mặt tiền" của truyền hình đang bị đe doạ và chắc chắn sẽ không còn ở thế độc tôn như trước. Thực tế này buộc truyền hình phải tham gia vào tiến trình hội nhập, phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại và thực hiện khẩn trương xã hội hoá các hình thức quảng bá sản phẩm và sức ảnh hưởng của mình. Nếu như các nhà làm báo mạng tìm kiếm lợi thế của thông tin hình ảnh đưa truyền hình lên Internet để làm sang cho tờ báo của mình thì truyền hình cũng cần phải nhanh chóng tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin đưa các sản phẩm của mình lên mạng để thực sự bình đẳng trong cuộc cạnh tranh về mặt công nghệ, tiếp tục chiếm lợi thế về chất lượng sản phẩm. Mới đây sự hợp tác giữa ngành bưu chính viễn thông, chuẩn bị đưa dịch vụ truyền hình trên mạng điện thoại di động thế hệ 3G có thể xem như một động thái tích cực của truyền hình trong quá trình xã hội hoá chính mình.
3. Đứng trước yêu cầu của sự phát triển, xu hướng xã hội hoá hoạt động quản lý cũng là một đòi hỏi tất yếu đối với truyền hình hiện đại. Xét trên cả hai phương diện quản lý nội dung và quản lý con người đều có thể thấy rõ được xu hướng này.
Về mặt quản lý nội dung, là một cơ quan thông tin đại chúng, đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, và hoạt động theo những quy định của pháp luật, tất cả các sản phẩm truyền hình đều cần được quản lý thống nhất về mặt nội dung. Tuy nhiên, quản lý nội dung không đồng nghĩa với việc phải quản lý tất cả các công đoạn làm ra sản phẩm truyền hình. Và càng không có nghĩa hoạt động quản lý của truyền hình không thể tham gia vào tiến trình xã hội hoá.
Để truyền hình phát triển, đi cùng với yêu cầu đảm bảo tính định hướng, tính tư tưởng trong từng sản phẩm, nhất định các công đoạn sản xuất chương trình truyền hình phải được chuyên môn hoá cao, phân công lao động chặt chẽ, và giảm bớt được chi phí đầu vào, tiết kiệm thời gian và hạ giá thành sản phẩm. Điều này đòi hỏi truyền hình luôn phải cân nhắc nhiều hơn với các phương án đầu tư cho hoạt động tác nghiệp của mình. Và sẽ không có một lý do nào khiến các nhà quản lý truyền hình có thể từ chối khai thác các nguồn chương trình đảm bảo được yêu cầu về nội dung, kỹ thuật và cả giá thành hạ do xã hội cung cấp. Trước những toan tính về mặt lợi ích, hiển nhiên truyền hình sẽ buộc phải nghĩ nhiều đến việc có thể giao, khoán, mua, trao đổi một công đoạn nào đó trong quy trình sản xuất cho một đơn vị kinh tế nghiệp vụ khác (bất kể đơn vị đó là của nhà nước hay của tư nhân), hơn là quyết định đầu tư công sức và một khoản kinh phí lớn hơn gấp nhiều lần để tự làm ra một sản phẩm có chất lượng tương tự.
Gần đây, việc chỉ đạo các Trung tâm truyền hình Việt Nam sản xuất linh kiện cho phóng sự của các ban biên tập trong Đài, hay việc tích cực khai thác các tin bài có chất lượng của các đài địa phương trong các bản tin thời sự ít nhiều cũng đã phản ánh khuynh hướng giao cho các đơn vị ngoài Đài tham gia vào sản xuất chương trình. Phương án quản lý sản xuất theo cách làm này, ít nhất cũng đã tiết kiệm được cho truyền hình một khoản kinh phí không nhỏ nhờ cắt giảm các khoản đầu tư dành cho việc đi lại của phóng viên, vận chuyển máy móc thiết bị tới nơi sự kiện xảy ra. Trước xu thế trên, việc có các công ty tư nhân tham gia thực hiện chương trình và bán cho đài truyền hình có thể là một xu hướng tất yếu. Vấn đề còn lại đối với truyền hình là phải hướng dẫn, quản lý về nội dung và xây dựng cho được những quy chuẩn mang tính nghiệp vụ cao cho các loại hình sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy việc trao đổi, mua bán và định giá sản phẩm mới trở nên dễ dàng.
Dưới góc độ quản lý con người, truyền hình cũng bước vào giai đoạn xã hội hoá quyết liệt. Như đã biết, xã hội càng phát triển, trí tuệ xã hội ngày càng được nâng lên, và trí tuệ ấy ngày càng được quảng bá trên truyền hình nhiều hơn. Nhưng ngược lại, chính truyền hình cũng đang tìm mọi cách để hấp thu trí tuệ xã hội để đầu tư cho sự phát triển. Điều đó sẽ càng trở nên quan trọng khi phân công lao động và chuyên môn hoá các hoạt động sản xuất chương trình truyền hình đạt đến trình độ cao.
Hiện tại công việc của truyền hình bao gồm rất nhiều ngành nghề khác nhau: quản lý, kỹ thuật, nghệ thuật, kinh tế, xã hội, chính trị.... với các vị trí công tác khác nhau. Tất cả đều có chức năng nhiệm vụ rõ ràng trong hoạt động dây chuyền tạo ra sản phẩm truyền hình. Nói một cách khác, sản phẩm truyền hình là kết quả của một chuỗi các công đoạn kế tiếp nhau. Và để có những sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng cao, tất cả các công đoạn đều phải có sự phối hợp nhịp nhàng và được hoàn thành với trình độ chuyên môn cao. Yêu cầu công việc cho thấy việc tự đào tạo lẫn nhau, tự nâng cao trình độ là điều cần nhưng chưa thể là điều kiện đủ. Truyền hình sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ của mình khi không tuyển dụng được một nguồn nhân lực có tay nghề cao trong xã hội để phục vụ cho chiến lược phát triển của ngành. Trong hoạt động quản lý ở truyền hình, xã hội hoá các nguồn lực lao động là một xu hướng tất nhiên không thể cưỡng lại được.
Trên một bình diện khác, để đảm đương được là một binh chủng tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, có vai trò quyết định trong định hướng dư luận và hành động của công chúng, tất cả các chương trình truyền hình đều đứng trước yêu cầu về trí tuệ và tính khoa học. Mỗi luận điểm, nhận định trong phóng sự, trong bình luận, và trong các thể loại khác của truyền hình đều ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của toàn xã hội. Và để đạt đến sự chuẩn xác trong thông tin, đòi hỏi nhất thiết phải có sự tham gia của tất cả các chuyên gia trên lĩnh vực trong cuộc sống. Trí tuệ, tính khoa học và mức độ tin cậy của truyền hình chỉ có được khi có sự tham gia ngày một nhiều hơn của các lực lượng khác trong xã hội.
Việc đầu tư và thường xuyên sử dụng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chuyên sâu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội làm cố vấn cho các chương trình, truyền hình trong thời gian gần đây như một biểu hiện mang tính tất yếu của xu thế xã hội hoá nguồn nhân lực cho truyền hình. Trong lao động quản lý, nhất định truyền hình phải quan tâm tới điều này, từ đó có chính sách thoả đáng để thu hút các nguồn chất xám trong xã hội phục vụ cho việc đổi mới nâng cao chất lượng chương trình truyền hình.
Tóm lại, truyền hình là loại sản phẩm vật chất đặc biệt. Nó không chỉ là hàng hoá thông thường mà còn là một loại sản phẩm mang tính đại chúng, tính công cộng cao. Trước yêu cầu phát triển, cần phải có một quan điểm tích cực trong triển khai các hoạt động kinh doanh, tìm kiếm nguồn thu. Tuy nhiên, trước kinh doanh, các sản phẩm truyền hình phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, giải trí lành mạnh của công chúng. Việc xã hội hoá các hoạt động của truyền hình đã và sẽ là một khuynh hướng tất yếu trong thời gian tới. Chỉ có thể để cho công chúng ngày một tham gia nhiều hơn vào các công đoạn sản xuất của mình, và hướng hoạt động sản xuất đến phục vụ và thoả mãn nhu cầu xem của công chúng, truyền hình mới có điều kiện thuận lợi để phát triển, giữ được ưu thế cạnh tranh trong bối cảnh thông tin bùng nổ hiện nay.
Việc tham gia mạnh mẽ vào tiến trình xã hội hoá, tận dụng được mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho phát triển sẽ là cơ sở để truyền hình tiếp tục củng cố chỗ đứng của mình./.
Nguồn: Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền 5 (tháng 9+10)/2005
Bài liên quan
- Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
- Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
- Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
- Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
- (LLCT&TT) Phát thanh và sự tin cậy(*)
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nghiên cứu dựa trên các điều tra khảo sát hàng năm của khoa Xã hội học và Phát triển đối với sinh viên đang học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đánh giá về nhiều vấn đề xã hội trong có đánh giá về giảng viên và cơ sở vật chất thông qua 48 biến số. Kết quả nghiên cứu năm 2024 với 734 sinh viên cho thấy, phần lớn sinh viên đánh giá ở mức cao hơn so với một số đánh giá của sinh viên tại các trường đại học khác. Có 7 nhóm yếu tố được đánh giá ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về giảng viên và cơ sở vật chất gồm: Chất lượng giảng viên; Chuyên môn của giảng viên; Phương pháp dạy của giảng viên; Năng lực tổ chức môi trường học tập; Phẩm chất sư phạm của giảng viên; Cố vấn học tập; Cơ sở vật chất. Đối với biến phụ thuộc đo lường về sự hài lòng của sinh viên dựa trên thang đo niềm tin (được đánh giá với thang đo từ 0-9 điểm) thông qua 9 biến số về quản lý, giảng viên, cơ chế đào tạo, phương pháp giảng dạy, thư viện và cơ sở vật chất của giảng đường.
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay
Các chương trình tương tác là một trong những nội dung được đánh giá là hấp dẫn và thu hút công chúng trên báo mạng điện tử hiện nay. Không còn dừng lại ở một vài hình thức nhỏ lẻ, cùng với sự linh hoạt của báo mạng điện tử, các chương trình tương tác ngày càng đa dạng và phong phú về nội dung và hình thức, tăng thêm sức hấp dẫn cho tờ báo, thu hút công chúng. Bài viết sẽ đi sâu vào nghiên cứu về vai trò của các chương trình tương tác trên báo mạng điện tử hiện nay, làm rõ dưới các góc độ công chúng, tờ báo và hoạt động báo chí nói chung, từ đó lý giải được nguyên nhân vì sao các chương trình tương tác đang ngày càng được các tờ báo mạng điện tử coi trọng và tập trung phát triển.
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Một số giải pháp tăng cường quản lý nội dung số của VTVcab, Đài truyền hình Việt Nam
Để bắt kịp những xu thế báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, truyền thông của nhà nước, việc quản lý nội dung số của Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) - Đài Truyền hình Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng. Nó có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh của hoạt động truyền hình, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành truyền hình tại Việt Nam.
Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Một số giải pháp nhằm quản lý thông tin về thúc đẩy phát triển kinh tế số trong lĩnh vực Nông nghiệp trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay
Dựa trên những ứng dụng siêu kết nối và sự phát triển vượt bậc của AI (trí tuệ nhân tạo), những nguồn dữ liệu khổng lồ (bigdata) len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống của nhân loại. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng nền kinh tế số là một tất yếu khách quan. Tại Việt Nam, quốc gia sản xuất nông nghiệp phát triển, việc xây dựng kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành liên quan, mà rất cần sự vào cuộc của báo chí, truyền thông. Từ đó, bằng sức mạnh của minh, thông tin báo chí sẽ góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi sản xuất, thói quen mua - bán sản phẩm nông sản, đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và thương mại điện tử trong lĩnh vực kinh tế có quy mô lớn của nước ta hiện nay.
Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
Xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay
Để đạt mục tiêu 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước) như Chính phủ đề ra ở Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhiều cơ quan truyền hình tại Việt Nam đổi mới tư duy, quyết tâm hành động và coi truyền hình đa nền tảng là giải pháp đột phá với bước đi, lộ trình phù hợp. Bài viết khái quát xu hướng truyền hình đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay, những thành công và một số hạn chế của xu hướng này.
Bình luận