Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hoạt động đào tạo của cán bộ, giảng viên Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là “Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”(1). Theo đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần có sự đóng góp của mọi người dân trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ giảng viên đại học, đặc biệt là giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng, công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, báo chí - truyền thông và một số lĩnh vực khoa học và xã hội nhân văn khác. Và giảng viên Khoa Xã hội học và Phát triển không nằm ngoài sự đóng góp này.
Với chức năng cơ bản của Khoa là đào tạo cử nhân, thạc sĩ ngành xã hội học; cử nhân ngành công tác xã hội có năng lực phát hiện, phân tích và giải quyết các vấn đề xã hội, truyền thông và văn hóa tư tưởng, có kỹ năng nghiệp vụ, có tư duy sáng tạo, phản biện, làm việc trong môi trường công nghệ cao, khả năng thích ứng với hoàn cảnh và hội nhập quốc tế…. Theo đó, trong quá trình giảng dạy các giảng viên của Khoa cần đặc biệt quan tâm khai thác ưu thế và phát huy tinh thần trách nhiệm của bản thân thể hiện thông qua những bài giảng trong các chương trình đào tạo, các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm truyền đạt các kiến thức, hình thành kỹ năng về chuyên môn cũng như có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước, trung thành với mục tiêu, lí tưởng của Đảng…
1. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Xã hội học và Phát triển
Thực hiện Kế hoạch của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, ngày 01/8/2019, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền ký ban hành Kế hoạch Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Để thực hiện Kế hoạch này, Học viện đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo, Nhóm chuyên gia, Nhóm sinh viên nòng cốt và mời một số chuyên gia đầu ngành đến trao đổi kinh nghiệm, tập huấn.
Đội ngũ giảng viên của Khoa Xã hội học và Phát triển luôn nhận thức về việc trang bị, rèn luyện phương pháp tư duy, phương pháp nhận thức và thực tiễn được đúc kết từ những kiến thức lý luận. Trong hoạt động giảng dạy, luôn coi trọng trang bị, rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng để qua đó chủ động tiếp thu các kiến thức, khuyến khích tính tích cực của người học trong việc tìm tòi, suy nghĩ, tranh luận. Giảng viên của Khoa chuyển hóa những vấn đề lý luận này thành những hoạt động thực tiễn thông qua các bài tập thực hành tại cơ sở, thông qua các dự án mà bản thân sinh viên là người lên ý tưởng, xây dựng và thực hiện. Qua đó, các em sinh viên có thêm sức đề kháng, sáng suốt lựa chọn thông tin, so sánh, đối chiếu về những thông tin được tiếp cận hàng ngày trong đó có cả những thông tin xấu độc.
Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay còn được đội ngũ giảng viên của Khoa thực hiện thông qua các hoạt động soạn giảng, trình bày bài giảng của mình thể hiện ở sự kết nối giữa lý luận và thực tiễn.
Việc lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giảng dạy luôn được Chi ủy và Ban chủ nhiệm Khoa khuyến khích các giảng viên ngay khi giảng dạy sinh viên năm thứ nhất. Đặc biệt, các môn có sự thuận lợi trong việc lồng ghép giảng dạy như Nghiên cứu dư luận xã hội, Xã hội học truyền thông đại chúng, Xã hội học pháp luật, Xã hội học quản lý, Các vấn đề xã hội đương đại, Hành vi con người và môi trường xã hội,… Chẳng hạn, với môn Xã hội học truyền thông đại chúng giảng viên cho sinh viên phân tích các sản phẩm truyền thông về các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay; phân tích nhu cầu của công chúng trong việc tiếp cận các thông tin trên các phương tiện truyền thông… Từ đó, sinh viên có thể vừa nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, sử dụng phương pháp, kỹ thuật phân tích của xã hội học, vừa có nhận thức cụ thể hơn về các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay.
Hay như với môn An sinh xã hội, giảng viên có thể lấy nhiều ví dụ sinh động, thực tiễn nhằm phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, chống phá, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng như chúng “Lợi dụng các trang mạng xã hội, chúng tung ra các thông tin như “Bỏ mặc dân nghèo tự lo”, với những luận điệu rằng: ASXH “là trách nhiệm của Nhà nước, chứ không phải là trách nhiệm của người dân”; rồi xuyên tạc rằng “Nhà nước rũ bỏ trách nhiệm lo an sinh cho dân” và “chế độ ASXH ở Việt Nam có chiều hướng thụt lùi"”(2). Nhưng trên thực tế chỉ tính riêng trong đợt Tết Nguyên đán năm 2023, cả nước đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng hỗ trợ trên 25 triệu lượt người. Trên 4.500 tỷ đồng đã được tổ chức công đoàn hỗ trợ bằng nhiều hình thức cho 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động(3). Và, với chính sách trợ cấp xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau", khoảng 20 triệu đối tượng thuộc bảy nhóm đối tượng sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này(4).
Cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (CHLB Đức), tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp châu lục, công bố ngày 30/3/2022, cho biết “so với các nơi trên thế giới, Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới”(5). Điều này càng tiếp tục khẳng định hướng đi đúng đắn mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, là minh chứng hùng hồn cho những đối tượng, đảng phái còn hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, con đường đi lên xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Đa số các giảng viên của Khoa Xã hội học và Phát triển là đảng viên, có trình độ lý luận chính trị cao cấp nên việc nâng cao ý thức cảnh giác, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tạo sức đề kháng với những quan điểm sai trái, thù địch cũng thường xuyên được chú ý. Giảng viên luôn đi đầu trong các phong trào thi đua giảng dạy giỏi, nhiều năm liền các giảng viên của Khoa được nhận danh hiệu giảng viên giảng dạy giỏi cấp Học viện, cấp Bộ. Với việc công nhận và khen thưởng này, đội ngũ giảng viên của Khoa ngày càng có động lực, thi đua, nâng cao năng lực tư duy biện chứng, phương pháp giảng dạy để đạt được nhiều thành công hơn trong quá trình thực hiện sứ mệnh của mình. Bên cạnh đó, Khoa cũng là một trong những khoa tham gia tích cực các hoạt động truyền thông như cuộc thi viết “Cán bộ, đảng viên khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, là khoa có số lượng cán bộ được Hội đồng thi đua Khen thưởng cấp trên xét khen thưởng Về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như các hoạt động tuyên truyền về biển đảo… Đây cũng là một trong những nhiệm vụ đầu tiên được chỉ ra trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng “trong nội bộ gắn với việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…”(6).
Nắm bắt tâm tư, tình cảm, các vấn đề nảy sinh đối với các sinh viên, đặc biệt là nhóm sinh viên mới nhập học và nhóm sinh viên chuẩn bị ra trường thông qua các cuộc họp phản ánh sinh viên định kỳ hàng tháng được Khoa đặc biệt quan tâm. Bởi nhóm sinh viên mới nhập học, các em còn bỡ ngỡ với cuộc sống ở môi trường mới, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, tinh thần còn chưa ổn định. Còn nhóm sinh viên chuẩn bị ra trường, các em đang trong tâm thế lo lắng vì tìm kiếm việc làm, băn khoăn trong định hướng công việc và cuộc sống sau này nên cũng dễ có những thời điểm lung lay, giao động khi không may có phần tử xâu lôi kéo tham gia vào các công việc, hoạt động (tạo thu nhập) nhưng không lành mạnh.
Xây dựng nhóm truyền thông, thường xuyên chia sẻ những bài viết liên quan tới công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp, phát triển của Khoa, đồng thời viết và chia sẻ các bài viết về tinh thần yêu nước hoặc sử dụng những hình ảnh khung avata để tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa tới các nhóm bạn bè của giảng viên và sinh viên. Các giảng viên trong nhóm truyền thông cùng các thành viên là sinh viên của Khoa thường xuyên có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khơi gợi sự sáng tạo từ sinh viên các lớp, đồng thời cũng thẳng thắn phê phán những hành vi không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức của các nhóm xã hội đặc biệt là thanh niên.
Để góp phần vào yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch, từng giảng viên đã chủ động trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Thể hiện ở chỗ, các đề tài nghiên cứu khoa học đã gắn kết các quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các sản phẩm xã hội hóa của mình.
Tính trong 4 năm 2019-2022, cán bộ, giảng viên Khoa Xã hội học và Phát triển đã tham gia hơn 20 đề tài khoa học các loại, đặc biệt là đề tài cấp Bộ năm 2020 “Nghiên cứu định hướng, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái thù địch trên MXH” và “Đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí truyền thông trực tuyến ở Việt Nam”, đăng tải hơn 60 bài báo khoa học trên các tạp chí có uy tín có nhiều bài liên quan tới bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các giảng viên cũng chủ động tham gia các nghiên cứu khoa học với các đơn vị khác trong nhà trường nhằm mục đích bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với nhiều khía cạnh khác nhau như Hội thảo quốc gia “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay” (2017), Hội thảo quốc gia “Quản lý truyền thông trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0” (2018), “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, truyền thông cho Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” (2018); Hội thảo quốc tế “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng” (2018); Hội thảo quốc gia “Vận dụng Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền” (2020); Hội thảo quốc gia “Vai trò của báo chí, xuất bản trong công tác BV NTTT của Đảng” (2022); Hội thảo quốc gia “Sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay” (2022); Hội thảo quốc gia “Đảng bộ ĐH công lập lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ chính trị về BVNTTT của Đảng, ĐTPB các QĐSTTĐ hiện nay”; … Điều này cũng cho thấy, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung, Khoa Xã hội học và Phát triển nói riêng rất coi trọng việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hoạt động này không chỉ diễn ra với giảng viên mà ngay cả với sinh viên của khoa, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được quan tâm, đầu tư. Các cố vấn học tập, Ban chủ nhiệm khoa luôn sát sao, động viên các nhóm sinh viên làm đề tài nghiên cứu khoa học. Khoa Xã hội học và Phát triển là một trong số 5 khoa trong tốp đầu của Học viện có tỷ lệ sinh viên nghiên cứu khoa học đạt chất lượng tốt với các đề tài có tính ứng dụng cao. Bên cạnh việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, sự hiểu biết lý luận chính trị của sinh viên ngày càng được cải thiện. Trong Chiến lược hoạt động khoa học ban hành năm 2016, Học viện xác định rõ định hướng: “Nghiên cứu các vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác tư tưởng của Đảng cũng như các vấn đề lý luận và thực tiễn của báo chí – truyền thông trong bối cảnh toàn cầu hóa là những ưu tiên hàng đầu trong phương hướng nghiên cứu lâu dài của Học viện”. Chính vì vậy, các đề tài, hội thảo, thông tin, tọa đàm khoa học của Khoa luôn bám sát định hướng trên, đưa vào kế hoạch hoạt động hàng năm và luôn chú trọng khai thác hiệu quả đối với từng loại sản phẩm khoa học.
Với tư cách là “đội dự bị tin cậy của Ðảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Ðảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”, việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc tự giác, thường xuyên của lực lượng đoàn viên, thanh niên. Theo đó, việc phát huy vai trò của tổ chức Đoàn là điều mà Ban chủ nhiệm Khoa và Chi ủy hướng tới, thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, tạo sân chơi cho sinh viên tham gia. Khoa Xã hội học và Phát triển là một trong những khoa đi đầu của Nhà trường trong việc liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm giúp sinh viên có môi trường sinh hoạt, học tập lành mạnh.
2. Một số vấn đề đặt ra trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Khoa Xã hội học và Phát triển nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Thứ nhất, thực tế, trong chương trình đào tạo của Khoa còn có một số môn học mang đậm tính lý thuyết, chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình. Tuy bài giảng về cơ bản đã đảm bảo được nội dung theo đúng giáo trình, quán triệt quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng một số nội dung trong các bài giảng chưa giàu sức lôi cuốn đối với sinh viên, thực tế kết quả học tập của sinh viên đối với các môn này chưa cao. Thêm vào đó, việc lồng ghép các thông tin thực tiễn đưa các kiến thức liên quan tới bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái của một số giảng viên vẫn chưa được sắc bén, tính thuyết phục còn chưa cao. Điều này có thể do dung lượng kiến thức giáo trình quy định khá lớn trong khi số tiết giảng dạy không nhiều; kiến thức các môn học tương đối trừu tượng, thiên về kiến thức hàn lâm, lý thuyết; giảng viên còn chưa có kiến thức nên việc luận giải tính chất sai trái, phản khoa học của các quan điểm sai trái, thù địch còn có những gượng ép, chưa cắt nghĩa được đủ độ sâu của vấn đề đặt ra.
Thứ hai, các nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên hiện nay vẫn chủ yếu do sự tự lực của giảng viên, hiện Khoa chưa có chiến lược xây dựng đề tài cấp cơ sở hoặc cấp Bộ liên quan tới việc nghiên cứu chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Bởi có thể tâm lý cho rằng đây là lĩnh vực của các nhóm ngành lý luận chính trị. Còn đối với sinh viên, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học hàng năm, tham gia cuộc thi viết chính luận, chia sẻ kênh Mạch nguồn – kênh Youtube của Học viện về bảo vệ nền tảng tư tưởng của sinh viên chưa hoàn toàn được chủ động. Mặc dù, chưa có sinh viên nào của khoa vi phạm về việc phát ngôn (trực tiếp, trên mạng xã hội), đưa tin sai sự thật liên quan tới các vấn đề các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhưng không phải sinh viên nào cũng chủ động chia sẻ, bày tỏ các quan điểm, có tư duy phản biện với những vấn đề xã hội đang diễn ra.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hoạt động đào tạo của cán bộ, giảng viên Khoa Xã hội học và Phát triển để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Một là, tăng cường giáo dục tạo sự chuyển biến về nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên như bồi dưỡng kiến thức để nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, kỹ năng và kinh nghiệm xử lý các tình huống. Động viên, khuyến khích các giảng viên tham gia cuộc thi liên quan tới bảo vệ nền tảng tư tưởng. Cụ thể, 100% cán bộ, giảng viên và sinh viên viết bài tham gia cuộc thi viết chính luận về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” năm 2021, 2022; có nhiều sản phẩm khoa học được xã hội hóa trong các tạp chí, hội thảo các cấp; 01 giảng viên, đảng viên khoa nhận được giấy khen cuộc thi “Cán bộ đảng viên cơ quan trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, 3 giảng viên nhận được Giấy khen tham gia tích cực vào xây dựng kênh Youtube Mạch nguồn; tổ chức thông tin khoa học, hướng giảng viên, học viên và sinh viên xây dựng các đề tài, luận văn, nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ đề này.
Hai là, phát huy vai trò của chi ủy và ban chủ nhiệm Khoa trong công tác sinh hoạt tư tưởng, chủ động dự báo, nắm bắt tình hình dư luận xã hội của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa, kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình, hướng dẫn, định hướng giá trị không để cán bộ, giảng viên và sinh viên có lệch lạc về nhận thức, hành vi.
Ba là, phát huy vai trò của chi đoàn và liên chi đoàn nhằm khơi gợi sức sáng tạo trong việc phối hợp giữa các nhà khoa học, các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, xã hội học, báo chí học trong và ngoài Nhà trường để đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua tập huấn kỹ năng công tác đoàn cho các Bí thư chi đoàn các lớp để phổ biến.
Bốn là, những kết quả nghiên cứu của các đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ và sinh viên cần nêu cao tính chiến đấu và khả năng phản bác lại những luận điệu chống Đảng ta, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch và những phần tử thoái hóa biến chất. Nên hướng nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học có những đề tài nghiên cứu về lĩnh vực chính trị, tư tưởng, như những nghiên cứu về lĩnh vực dư luận xã hội - truyền thông, phân tích các sản phẩm truyền thông liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch./.
______________________
(1), (4), (6) Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr.41, 69.
(2) Đăng Đình Chiến (2023), Không thể phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta, đăng trên https://baohaiduong.vn/goc-nhin/khong-the-phu-nhan-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-cua-dang-va-nha-nuoc-ta-228310 truy cập ngày 12/7/2023
(3) Phản bác những luận điệu xuyên tạc về nỗ lực an sinh xã hội dịp Tết, đăng trên https://vtv.vn/chinh-tri/phan-bac-nhung-luan-dieu-xuyen-tac-ve-no-luc-an-sinh-xa-hoi-dip-tet-20230210185344085.htm truy cập ngày 12/7/2023
(4) Ngân Anh, Duy Linh (2020), Ban hành Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, https://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44024802-ban-hanh-nghi-quyet-ho-tro-truc-tiep-cho-nguoi-dan-gap-kho-khan-do-dich-covid-19.html, truy cập ngày 13/4/2020.
(5) Nếu thực hiện đúng, nghiêm các chỉ đạo, chắc chắn chúng ta sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/neu-thuc-hien-ung-nghiem-cac-chi-ao-chac-chan-chung-ta-se-kiem-soat-tot-dich-benh, truy cập ngày 13/4/2020.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Hội thảo khoa học: “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”
Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão và đóng vai trò then chốt cho sự phát triển, công tác tư tưởng, lý luận cũng đang đứng trước cơ hội để nâng tầm và hoạt động mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả nếu biết tận dụng tốt những lợi thế cuộc cách mạng chuyển đổi số 4.0 mang lại.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận