Bảo vệ quyền riêng tư trong bối cảnh khẩn cấp: Nhìn từ đại dịch Covid - 19
1. Quyền riêng tư và một số quy định trong các văn kiện quốc tế về quyền con người
Quyền riêng tư hay còn gọi là quyền về sự riêng tư. Sự riêng tư có nguồn gốc từ rất sâu xa trong lịch sử. Ngay trong Kinh Thánh đã có nhiều điều đề cập đến quyền riêng tư; trong nền văn minh Hebrew, nền văn minh Hy Lạp cổ đại và cả Trung Quốc cổ đại cũng có đề cập đến bảo vệ sự riêng tư(1). Tuy nhiên, có thể khẳng định, quyền riêng tư mang tính sơ khai xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước.
Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người. Trên bình diện quốc tế và ở những quốc gia phát triển, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về sự riêng tư kể từ cuối thế kỷ XIX, nhất là trong những năm 60 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, có một nhận định chung được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận “quyền riêng tư là một khái niệm quá rộng và hầu như không thể định nghĩa”(2).
Hiện nay, các quốc gia quan niệm về quyền riêng tư tương đối khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện và văn hóa. Có một số quốc gia coi quyền riêng tư và việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là một; trong đó sự riêng tư của cá nhân chính là việc quản lý thông tin cá nhân. Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ sự riêng tư thường xuyên được xem như là một cách để hướng dẫn xã hội hạn chế can thiệp vào công việc của cá nhân(3).
Robert Ellis Smith là biên tập viên của Tạp chí Bảo mật xác định quyền riêng tư là “những mong muốn của mỗi người chúng ta cho không gian vật lý mà chúng ta có thể hoàn toàn không bị gián đoạn, xâm nhập, bối rối, hoặc chịu trách nhiệm và kiểm soát được thời gian và cách thức tiết lộ thông tin của cá nhân thông tin về bản thân”(4).
Trong Lời mở đầu của Chương Bảo mật Hiến pháp Úc quy định rằng: Một xã hội tự do và dân chủ đòi hỏi phải tôn trọng quyền tự chủ của các cá nhân và giới hạn quyền lực của các cơ quan (cả nhà nước và tư nhân) trong việc xâm phạm vào quyền tự chủ của cá nhân… Quyền riêng tư là một quyền cơ bản của con người và mỗi người mong muốn được tôn trọng(5).
Trong cuốn “Tự do và riêng tư” (Freedom and Privacy) của Alan Westin xuất bản vào năm 1970 có đưa ra quan điểm: “quyền riêng tư như là một quyền giới hạn của các cá nhân, nhóm, tổ chức để xác định cho mình khi nào, làm thế nào và ở mức độ nào đối với thông tin của họ được truyền đạt cho người khác”(6).
Tất cả những quan niệm nêu trên đã cho thấy, thuật ngữ quyền riêng tư và những tư tưởng về quyền riêng tư đã ra đời và phát triển khá lâu trước khi nó được chính thức công nhận là một quyền cơ bản trong các điều ước quốc tế cũng như trong Hiến pháp của các quốc gia và hiện nay, quyền này đang định hình, khẳng định vai trò của nó trong hệ thống các quyền nhân thân của công dân.
Quyền riêng tư đã được coi là một trong những quyền cơ bản của con người và được chính thức ghi nhận lần đầu tiên trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 (Universal Declaration of Human Rights). Điều 12 Tuyên ngôn ghi nhận: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nhà ở hoặc thư tín cũng như bị xúc phạm về nhân phẩm hoặc uy tín của cá nhân. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ chống lại sự xúc phạm và can thiệp như vậy”(7).
Đến năm 1950, Công ước về bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản đã xác định: “Cơ quan công quyền không được phép can thiệp vào việc thực hiện quyền riêng tư trừ trường hợp pháp luật quy định vì cần thiết cho một xã hội dân chủ hoặc vì lợi ích của an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc vì sự thịnh vượng của đất nước với mục đích ngăn ngừa sự hỗn loạn hoặc tội phạm, bảo vệ sức khỏe hoặc các giá trị đạo đức hoặc bảo vệ quyền và sự tự do của các chủ thể khác”(8).
Từ những phân tích trên, có thể quan niệm: Quyền riêng tư là quyền của các cá nhân được phép giữ kín những thông tin, tư liệu, dữ liệu gắn liền với đời sống riêng tư của mình, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nơi ở, về thư tín, điện thoại, điện tín và các thông tin điện tử khác mà không một chủ thể nào được quyền tiếp cận, công khai trừ trường hợp được chính người đó đồng ý hoặc được chủ thể có thẩm quyền quyết định.
Như vậy, quyền riêng tư được hiểu là không ai phải chịu can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Tổ chức Quốc tế và Trung tâm bảo mật thông tin điện tử năm 2004 đã đưa ra báo cáo “Quyền riêng tư và nhân quyền”(9). Nội dung của báo cáo đã công bố sự phát triển của pháp luật từ năm 1997 về bảo vệ sự riêng tư ở 50 quốc gia. Từ báo cáo này, có thể thấy quyền riêng tư bao gồm một số nội dung cơ bản sau:
Một là, sự riêng tư về thông tin cá nhân: bao gồm việc ban hành các quy tắc quản lý trong việc thu thập và xử lý các dữ liệu cá nhân như thông tin tín dụng, hồ sơ y tế và các hồ sơ của chính quyền lưu trữ về công dân đó. Nó còn được gọi là “bảo vệ dữ liệu”.
Hai là, sự riêng tư về cơ thể: liên quan đến việc bảo vệ thân thể (vật chất) của người dân đối với hình thức xâm hại như xét nghiệm di truyền, thử nghiệm ma túy và thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể.
Ba là, sự riêng tư về thông tin liên lạc: bao gồm bảo mật và riêng tư về thư tín, bưu phẩm, điện thoại, thư điện tử và các hình thức truyền thông khác.
Bốn là, sự riêng tư về nơi cư trú: liên quan đến việc ban hành các giới hạn đối với sự xâm nhập vào môi trường sống của cá nhân, nơi làm việc hoặc không gian công cộng. Điều này bao gồm tìm kiếm thông tin, theo dõi bằng video và kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Quyền riêng tư là quyền của cá nhân được tôn trọng và được luật pháp bảo vệ. Từ nội dung của quyền riêng tư nêu trên, xét ở góc độ pháp luật, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu, hình ảnh, danh tính, nơi sinh sống (địa chỉ) của cá nhân phải được người đó đồng ý. Quyền riêng tư đã được coi là một trong những quyền cơ bản của con người và được chính thức ghi nhận lần đầu tiên trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 (Universal Declaration of Human Rights)(10). Điều 12 Tuyên ngôn ghi nhận: “Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán về đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự, thanh danh. Ai cũng có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy”.
Điều 8 Công ước về bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản năm 1950 xác định: “Cơ quan công quyền không được phép can thiệp vào việc thực hiện quyền riêng tư trừ trường hợp pháp luật quy định vì cần thiết cho một xã hội dân chủ hoặc vì lợi ích của an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc vì sự thịnh vượng của đất nước với mục đích ngăn ngừa sự hỗn loạn hoặc tội phạm, bảo vệ sức khỏe hoặc các giá trị đạo đức hoặc bảo vệ quyền và sự tự do của các chủ thể khác”.
Quyền được bảo vệ đời tư được tái khẳng định trong Điều 17 Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), trong đó nêu rằng: Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy. Điều 17 nhằm ngăn chặn những hành vi xâm phạm tùy tiện và bất hợp pháp vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, danh dự, uy tín của mọi người mà có thể do các quan chức nhà nước hay do các thể nhân và pháp nhân khác gây ra (đoạn 1). Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ ngăn chặn cả các quan chức nhà nước và các thể nhân hay pháp nhân khác có những hành động xâm phạm tùy tiện và bất hợp pháp như vậy (đoạn 9). Những can thiệp hợp pháp vào đời tư phải được quy định trong pháp luật, và phải phù hợp với các quy định khác của ICCPR (đoạn 3).
Vì sự an toàn của tất cả mọi người trong xã hội, quyền về sự riêng tư không phải là quyền tuyệt đối. Tuy nhiên, các quốc gia chỉ nên thu thập thông tin về đời tư nếu như những thông tin đó là thực sự cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội như được thừa nhận trong ICCPR.
Theo quy định ở Điều 17, tính toàn vẹn và bảo mật của thư tín phải được bảo đảm cả về mặt pháp lý và thực tế. Thư từ phải được giao tận tay người nhận mà không bị cản trở sự tiếp nhận, bị mở ra hay nói cách khác là xem trước. Việc theo dõi, bất kể bằng biện pháp điện tử hay các biện pháp khác (ví dụ như nghe trộm điện thoại, điện tín...) đều bị nghiêm cấm. Việc lục soát nhà cửa phải bị giới hạn chỉ được sử dụng trong trường hợp để tìm chứng cứ cần thiết của nhà chức trách và không được phép gây phiền nhiễu cho chủ nhà. Việc khám xét thân thể phải theo cách thức phù hợp để bảo đảm nhân phẩm của người bị khám xét; người khám xét phải cùng giới tính với người bị khám xét (đoạn 8).
Theo đoạn 10 của điều này, việc thu thập và lưu giữ các thông tin cá nhân trong máy tính, các ngân hàng dữ liệu và các thiết bị khác, cho dù là bởi các quan chức nhà nước hay các thể nhân, pháp nhân khác, đều phải được quy định trong pháp luật. Nhà nước phải có những biện pháp hiệu quả để bảo đảm rằng những thông tin cá nhân đó không rơi vào tay những người không được pháp luật cho phép và không bị sử dụng vào các mục đích trái với Công ước.
Quyền riêng tư cũng được thừa nhận trong các công ước quốc tế khu vực như Điều 8 Công ước Nhân quyền châu Âu (European Convention on Human Rights 1950) xác định: “(1) Mọi người đều có quyền được tôn trọng đời sống riêng tư và gia đình, nhà ở và thư từ; (2) Sẽ không có sự can thiệp của một cơ quan công quyền với việc thực hiện quyền này, ngoại trừ những việc phù hợp với luật pháp và đó là sự cần thiết trong một xã hội dân chủ vì lợi ích của an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc các phúc lợi kinh tế của đất nước, cho công tác phòng chống rối loạn hoặc tội phạm, để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo lý, hay để bảo vệ các quyền tự do của người khác”. Công ước cũng quy định việc thành lập Ủy ban Nhân quyền Châu Âu(11) và Tòa án Nhân quyền châu Âu để giám sát việc thực hiện.
Điều 11 Công ước Nhân quyền Châu Mỹ cũng đưa ra các quyền riêng tư với nội dung tương tự như bản Tuyên ngôn 1948(12). Năm 1965, Tổ chức các nước châu Mỹ ban hành Tuyên bố Châu Mỹ về Quyền và trách nhiệm của con người, trong đó kêu gọi bảo vệ quyền con người bao gồm bảo vệ quyền riêng tư(13). Ngoài ra, có hai văn bản quốc tế quan trọng chi phối pháp luật về quyền riêng tư của nhiều nước là: Công ước của Hội đồng châu Âu 1981 về bảo vệ cá nhân đối với việc xử lý tự động của dữ liệu cá nhân (COE)(14) và Hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) về Bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân giữa các quốc gia(15) đặt ra các quy tắc cụ thể bao gồm việc xử lý dữ liệu điện tử. Nội dung hai văn bản này đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc xây dựng pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư. Cho đến nay, có gần ba mươi quốc gia đã ký Công ước COE; đồng thời các hướng dẫn của OECD cũng được sử dụng rộng rãi trong hệ thống pháp luật của một số quốc gia ngay cả những quốc gia không phải là thành viên OECD.
Như vậy, quyền riêng tư là một quyền cơ bản của con người, quyền này có ý nghĩa là nền tảng để tôn trọng phẩm giá con người và các giá trị cơ bản khác. Quyền riêng tư đã trở thành một trong những quyền con người quan trọng nhất của thời hiện đại. Các vấn đề về quyền riêng tư đã được Liên hợp quốc công nhận là quyền con người cần được bảo vệ. Ở một số quốc gia phát triển đã ban hành đạo luật về quyền riêng tư hoặc các văn bản điều chỉnh vấn đề này nhằm bảo vệ quyền thiêng liêng của con người.
Ở Việt Nam hiện nay, khi đề cập đến quyền riêng tư, đa số mới chỉ quan tâm đối với vấn đề về bí mật đời tư. Trong đó, quyền về bí mật đời tư bao gồm: quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Tất cả những quyền này được Hiến pháp 2013 ghi nhận - là một trong những quyền cơ bản quan trọng nhất của con người.
2. Quyền riêng tư trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới, chính phủ các quốc gia phải đối mặt với nhiều áp lực để đưa ra giải pháp kiểm soát tình hình. Một số biện pháp mà các quốc gia đang thực hiện có khả năng ảnh hưởng đến quyền về sự riêng tư của người dân. Trong đó, đa số các quốc gia đều tìm mọi cách để kiểm soát sự di chuyển và tiếp xúc của người dân thông qua các cách thức khác nhau.
Việc theo dõi dữ liệu định vị đối với người dân được nhiều quốc gia triển khai. Sử dụng dữ liệu định vị trên thiết bị di động là một thông tin quan trọng nhằm hạn chế sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm như Covid-19. Chia sẻ về tầm quan trọng và hiệu quả của việc thu thập dữ liệu vị trí đối với việc phòng chống đại dịch Covid-19, ông Janil Puthucheary, Bộ trưởng Bộ Công nghệ Singapore nhận định: “Lần theo quá trình tiếp xúc là một trong những chiến lược quan trọng nhất của chúng tôi để giảm thiểu lây nhiễm trong cộng đồng, và quá trình này cần được xử lý nhanh nhất có thể. Tìm ra được những người tiếp xúc càng nhanh thì càng giảm thiểu số người có nguy cơ nhiễm”. Smartphone được sử dụng làm hệ thống giám sát để hỗ trợ việc quản lý và kiểm soát người dân, như ở Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác đã thực hiện. Những dữ liệu thu thập được từ Smartphone được chứng minh hỗ trợ hiệu quả cho công tác theo dõi lịch trình di chuyển và tiếp xúc xã hội của người dân nhằm kiểm soát tình hình tốt hơn. Mục tiêu trọng tâm của việc theo dõi vị trí là xác định những người đã có tiếp xúc gần với người nhiễm virus. Ngoài ra, những ứng dụng truy vết Covid-19 đã ra đời giúp phát hiện, cảnh báo với những người có khả năng mắc bệnh và những người tiếp xúc với người mắc bệnh. Hay những ứng dụng mà những công dân trong vùng dịch được yêu cầu sử dụng khi các biện pháp hạn chế đi lại và cách ly được áp dụng…
Sở dĩ những dữ liệu này được cho là quan trọng là bởi vì có một vài quốc gia đã thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh nhờ việc tận dụng dữ liệu di chuyển từ điện thoại thông minh của người dân, từ đó theo dõi được lộ trình di chuyển của những ca nhiễm virus và có biện pháp cách ly.
Điển hình nhất, Đài Loan là một trong những quốc gia thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus, phần lớn nhờ vào khoa học dữ liệu và công nghệ mới. Bản đồ chi tiết về người nhiễm virus và tuyến đường lây truyền là chìa khóa cho sự thành công trong công tác chống dịch của Đài Loan. Một số động thái đã tạo nên những sự lạc quan ban đầu trong phòng chống dịch tại Đài Loan như: (1) Tích hợp bảo hiểm y tế và cơ sở dữ liệu nhập cảnh/tùy chỉnh cho các trường hợp tham chiếu chéo; (2) Cấm nhập cảnh từ các quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh; (3) Sử dụng công nghệ di động để theo dõi giám sát dịch bệnh để đảm bảo nếu các triệu chứng xuất hiện, họ đã được cách ly ngay lập tức.
Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sẽ áp dụng “các biện pháp đặc biệt” để ngăn virus lây lan. Các nhà chức trách của Hàn Quốc đã sử dụng kết hợp dữ liệu điện thoại di động, thông tin thẻ tín dụng và phần mềm nhận dạng khuôn mặt để theo dõi chuyển động của những người dương tính với Covid-19. Chính phủ đăng thông tin chi tiết công khai để cảnh báo những người có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Đối với người nhập cảnh cũng được theo dõi qua ứng dụng định vị. Tất cả những người nhập cảnh Hàn Quốc đều phải điền tài liệu sức khỏe, tiếp theo là đo thân nhiệt và thứ ba là cung cấp địa chỉ và số điện thoại của người thân tại Hàn Quốc. Điểm thứ tư, rất đặc biệt, là họ phải cài đặt một ứng dụng để theo dõi sức khỏe trên điện thoại thông minh (smartphone). Việc này giúp chính phủ theo dõi được người nhập cảnh. Nếu như người nhập cảnh dương tính với Covid-19 thì ngay lập tức, người ta dựa trên GPS đã được cài đặt sẵn trên smartphone để tìm được những vị trí mà người nhập cảnh đã đi qua và việc đó giúp khoanh vùng dịch rất đơn giản.
Ở Việt Nam, Chính phủ khuyến nghị người dân sử dụng điện thoại thông minh thực hiện việc cài đặt ứng dụng cảnh báo nếu bạn đã tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 trên phần mềm Bluezone.
Có thể thấy, việc sử dụng các dữ liệu định vị người dân, hay cảnh báo người dân trong thời điểm này là hoàn toàn hợp lý, có thể ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, dù được cho là hiệu quả trong kiểm soát đại dịch, nhưng việc thu thập dữ liệu và những ứng dụng như vậy đang làm dấy lên mối lo ngại về phạm vi giám sát của nhà nước đối với công dân.
Trong điều kiện thực tiễn của đại dịch Covid-19 hiện nay, thế giới nói chung và mỗi quốc gia nói riêng ở mức độ khác nhau đều mong muốn trả lời câu hỏi: làm sao để vừa đảm bảo được quyền riêng tư vừa kiểm soát được dịch bệnh? nhiều quốc gia cho rằng cần phải nới lỏng các quy định pháp luật về quyền riêng tư để sử dụng dữ liệu vị trí trong kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia nghiên cứu, đưa ra những giải pháp để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân đồng thời vẫn khai thác dữ liệu cá nhân đã được mã hóa không làm lộ thông tin cá nhân cần bảo vệ.
3. Vấn đề đặt ra với Việt Nam về bảo vệ quyền riêng tư trong đại dịch Covid-19
Cùng với cộng đồng quốc tế, bảo vệ quyền riêng tư, nhất là bảo vệ quyền này trong điều kiện đại dịch được quy định trong nhiều văn bản pháp luật ở Việt Nam hiện nay như: Điều 21 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ uy tín của mình”; khoản 2 Điều 3 Luật Khám, chữa bệnh năm 2011: “Tôn trọng quyền của người bệnh, giữ bí mật về thông tin về tình trạng sức khoẻ và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, nếu không phải là trường hợp thuộc khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 11 và khoản 4 Điều 59”; Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, việc lưu giữ, thu thập, công khai thông tin cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ và sử dụng công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”; khoản 5 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định về hành vi bị cấm: “Phân biệt, đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm”; Khoản 4 Điều 23 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện bệnh hoặc dấu hiệu bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm thông báo cho Uỷ ban nhân dân, cơ quan chuyên môn y tế hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất”; Khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP hướng dẫn Luật Báo chí quy định: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án)”. Đồng thời, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Quyền con người và quyền công dân bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng”.
Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và quy định nhằm ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm virus corona trong cộng đồng. Trong bối cảnh khẩn cấp đe doạ sự sống còn của nhân dân, Việt Nam đã áp dụng những biện pháp có khả năng hạn chế việc thực hiện các quyền trong đó có cả quyền riêng tư của cá nhân. Việc hạn chế này vẫn hoàn toàn phù hợp với nội dung điều 4, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966(16). Trong bối cảnh thực tế, các chủ thể có thẩm quyền có quyền thu thập thông tin cá nhân nếu vì mục đích xã hội.
Việc đối phó virus lan rộng đồng nghĩa với việc phải giám sát bệnh nhân bị nhiễm virus và cả những khả năng họ vô tình truyền nhiễm cho những người xung quanh. Một số biện pháp gây tranh cãi có liên quan đến quyền cá nhân mà Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, ngành y tế,… ở Việt Nam thực hiện hiện nay bao gồm: hạn chế sự tiếp xúc, đi lại (cách ly) của người dân; khai báo tình hình tiếp xúc, đi lại, sức khỏe cá nhân; công khai danh tính người bị nhiễm; theo dõi vị trí và quá trình di chuyển của người bị nhiễm; công khai tình trạng sức khỏe của người bị nhiễm, v.v.. Những biện pháp này nhằm bảo vệ cho chính cá nhân và cộng đồng nhưng lại có khả năng lộ thông tin của cá nhân và ảnh hưởng đến việc hưởng quyền riêng tư của cá nhân. Khi thông tin, hình ảnh, dữ liệu về cá nhân không còn có sự bảo mật, bị công khai nhất là thông tin, hình ảnh, dữ liệu về tình hình nhiễm bệnh của cá nhân trong đại dịch có thể dẫn đến tình trạng bản thân người bị nhiễm và gia đình của họ bị cộng đồng bàn tán, xa lánh, thậm chí kỳ thị.
Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19 với tính chất phức tạp và nguy hiểm của nó, các biện pháp được thực thi là sự lựa chọn tốt nhất cho việc điều trị cho người nhiễm bệnh; truy vết được nguồn lây nhiễm và khả năng lây nhiễm đến cá nhân khác. Khi quy định và thực thi các biện pháp đó, Nhà nước và các chủ thể có thẩm quyền đã cân nhắc sự tác động đến việc hưởng quyền riêng tư của cá nhân. Nêu đích danh tên, địa chỉ người mắc bệnh dịch, những nơi mà người đó từng tới, tiếp xúc với người khác trong vòng 14 ngày trước đó, để người khác biết mà khai báo, áp dụng cách ly, hạn chế tối đa lây nhiễm cộng đồng là việc làm cần thiết và nhân văn. Việc công khai danh tính người mắc bệnh dịch trong tình trạng cấp bách phòng chống dịch là cần thiết, không phải là hành vi xâm hại quyền tự do cá nhân. Trong những trường hợp cụ thể, việc công khai danh tính người bị nhiễm bệnh còn được người thân cảm thông chia sẻ, động viên, thậm chí còn là một sự giúp đỡ kịp thời người mắc bệnh dịch, được áp dụng sự kiện “bất khả kháng” trong trường hợp người nhiễm bệnh đang có nguy cơ bị phạt do vi phạm thời hạn các hợp đồng mà họ đã ký kết, nhưng do dịch bệnh mà không thể hoàn thành đúng, đủ thời hạn đã thỏa thuận với các đối tác, bạn hàng của họ.
Như phần trên đã chỉ ra, quyền riêng tư không phải là quyền tuyệt đối trong tất cả các hoàn cảnh. Vì thế trong chừng mực hợp lý có thể cân bằng giữa quyền riêng tư của cá nhân và quyền được an toàn của cộng đồng. Các quyền con người vốn là những giá trị cao quý cần được tôn trọng và bảo đảm, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, cần đặt quyền riêng tư của cá nhân trong mối quan hệ với lợi ích chung của xã hội. Có nghĩa là, trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế cần ưu tiên thực hiện quyền nào trước, tạo ra điều kiện bảo đảm để các quyền khác được hiện thực hóa hiệu quả nhất; đồng thời các quyền cá nhân phải hài hoà với quyền của nhóm, quyền của số đông. Trong điều kiện của đại dịch với tính chất phức tạp và nguy hiểm của nó, đồng thời trong chừng mực cao nhất bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân, cần thực hiện:
Một là, chỉ nên thu thập thông tin về cá nhân người bị nhiễm, hoặc có nguy cơ bị nhiễm virus corona, nếu đó là những thông tin cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội. Những thông tin đó chỉ được sử dụng vào mục đích phòng chống dịch, do chủ thể có thẩm quyền tiến hành và công bố. Những thông tin, dữ liệu cá nhân đó trong những trường hợp cụ thể phải được chính cá nhân đó đồng ý khi chia sẻ.
Hai là, để có một cơ sở pháp lý vững chắc, việc hạn chế quyền riêng tư của người bệnh nói chung (và hiện nay là nhiễm virus corona) cần được quy định rõ trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; đồng thời cần sửa đổi Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 theo hướng: Quy định trường hợp dịch bệnh (như Covid-19) là tình trạng khẩn cấp vì sự tác động tiêu cực của dịch bệnh đến đời sống xã hội và sinh mạng của người dân. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng được áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm kịp thời ngăn chặn bệnh dịch, cho nên mọi thông tin về dịch bệnh, kể cả thông tin về người nhiễm virus corona trong trường hợp này cần được công khai minh bạch, đầy đủ và chính xác; tức là được phép công khai các thông tin cá nhân như tên, tuổi, hình ảnh, địa chỉ nơi sống của người bệnh sẽ giúp cho những người sống xung quanh dễ theo dõi và chủ động phòng tránh theo đúng quy định.
Ba là, thông tin, hình ảnh, dữ liệu cá nhân bị nhiễm virus corona phải được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được sử dụng vào mục đích chữa trị bệnh và phòng, chống lây lan dịch bệnh. Cá nhân không có thẩm quyền thì không được tiết lộ, cung cấp, phát tán thông tin, hình ảnh, dữ liệu về người nhiễm virus corona. Không vì bất cứ lý do gì mà thông tin, hình ảnh, dữ liệu về người nhiễm virus corona được sử dụng vào mục đích khác mà không có sự đồng ý của cá nhân đó, kể cả việc sử dụng này do cơ quan nhà nước tiến hành nhưng không thuộc các mục đích nên trên. Tất cả các hành vi của cá nhân, cơ quan, tổ chức tiết lộ, cung cấp, phát tán, sử dụng không đúng mục đích, trái phép thông tin, hình ảnh, dữ liệu cá nhân của người nhiễm virus corona phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời.
Bốn là, tất cả các biện pháp thực hiện mà có nguy cơ, hoặc hạn chế quyền riêng tư cá nhân chỉ nên áp dụng trong khoảng thời gian phù hợp, ngắn nhất và phải đảm bảo rằng, các biện pháp đó sẽ được dỡ bỏ ngay tức khắc khi người bị nhiễm virus corona đã điều trị khỏi. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cân nhắc việc hủy bỏ thông tin, hình ảnh, dữ liệu cá nhân của người bị nhiễm virus corona đã thu thập và lưu trữ trước đây; đồng thời cũng phải đảm bảo rằng “dữ liệu ẩn danh” đã mất đi tác dụng.
Như vậy, mức độ cấp thiết của việc đẩy lùi Covid-19 đã khiến Việt Nam cũng như một số quốc gia đưa ra những biện pháp cụ thể, tích cực nhằm giám sát, theo dõi người nhiễm virus corona. Tuy nhiên những biện pháp đang thực thi này lại có khả năng ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cá nhân. Mỗi quốc gia có những cách thức ứng phó và làm cân bằng giữa lợi ích chung của cộng đồng trong tình hình đại dịch Covid-19 với việc bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân. Việt Nam đã và đang nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, đồng thời cũng đã thực hiện những biện pháp bảo đảm ở mức độ cao nhất việc bảo vệ quyền riêng tư của các bệnh nhân nhiễm virus corona./.
__________________________________
(1) Privacy and human righgts An International Survey of Privacy Laws and Practice http://gilc.org/privacy/ survey/intro.html
(2) Đỗ Hải Hà (2009), Quyền riêng tư của người lao động, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 3-2009.
(3) Simon Davies, Big Brother: Britain’s Web of Surveillance and the New Technological Order 23 (Pan 1996)
(4) Robert Ellis Smith, Ben Franklin’s Web Site 6 (Sheridan Books 2000).
(5) “The Australian Privacy Charter”, published by the Australian Privacy Charter Group, Law School, University of New South Wales, Sydney (1994).
(6) Alan F. Westin Publisher: The Bodley Head Ltd (April 16, 1970), ISBN-10: 0370013255, ISBN-13: 978-0370013251, New York, U.S.A.: Atheneum. “Privacy is the claim of individuals, groups or institutions to determine for themselves when, how, and to what extent information about them is communicated to others”.
(7) Điều 12, Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc.
(8) Điều 8 Công ước về bảo vệ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản năm 1950 của Liên hợp quốc.
(9) Privacy and human righgts An International Survey of Privacy Laws and Practice. Online: http://gilc.org/privacy/survey/intro.html
(10) Được thông qua theo Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UN General Assembly Resolution) 217 A (III), 10.12.1948.
(11) Ủy ban Nhân quyền Châu Âu thành lập vào năm 1976, Nadine Strossen, Recent United States and International Judicial Protection of Individual Rights: A comparative Legal Process Analysis and Proposed Synthesis, 41 Hastings Law Journal 805 (1990).
(12) Signed November 22, 1969, entered into force July 18, 1978, O.A.S. Treaty Series No. 36, at 1, [29] O.A.S. Off. Rec. OEA/Ser. L/V/II.23 dec rev. 2, available at http://www.oas.org/juridico/english/Treaties/b-32.htm.
(13) O.A.S. Res XXX, adopted by the Ninth Conference of American States, 1948 OEA/Ser/. L./V/I.4 Rev (1965).
(14) Convention for the Protection of Individuals with regard to the Automatic Processing of Personal Data Convention, ETS No. 108, Strasbourg, 1981, available at http://www.coe.fr/eng/legaltxt/108e.htm.
(15) OECD, “Guidelines Governing the Protection of Privacy and Transborder Data Flows of Personal Data” (1981), available at http://www.oecd.org/dsti/sti/it/secur/prod/PRIV-EN.HTM
(16) Điều 4 quy định “Trong bối cảnh khẩn cấp đe doạ sự sống còn của đất nước, các quốc gia có thể áp dụng những biện pháp hạn chế việc thực hiện các quyền nêu trong Công ước này trong một thời gian nhất định”.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 2.2021
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận