(LLCT&TT) Trên cơ sở phân tích các quan điểm của các trường phái lý thuyết lớn về quan hệ quốc tế: chủ nghĩa Hiện thực, chủ nghĩa Tự do và chủ nghĩa Kiến tạo, tác giả đã rút ra được 3 cấp độ phân tích nhân tố tác động: cá nhân, quốc gia và hệ thống. Theo kết quả nghiên cứu của bài viết, quan hệ Việt Nam và Israel chịu sự tác động của các nhân tố theo 3 cấp độ với các mức độ khác nhau: cấp độ cá nhân: các cá nhân có ảnh hưởng đặc biệt cá nhân lãnh đạo không có nhiều tác động, cấp độ quốc gia gồm các nhân tố như tình hình trong nước, bản sắc quốc gia, nhu cầu của hai bên đối với nhau và nhân tố lịch sử đang có nhiều tác động quan trọng, cấp độ hệ thống có các nhân tố là cục diện đa cực đa trung tâm, phương thức tập hợp lực lượng và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, toàn cầu hóa, cách mạng khoa học công nghệ, các vấn đề toàn cầu và các vấn đề an ninh đang tác động mạnh mẽ đến quan hệ Việt Nam và Israel hiện nay.
Quan hệ Việt Nam và Israel thời gian gần đây được đánh giá là có nhiều tiến triển tốt đẹp và thuận lợi. Tuy nhiên trên thực tế, kết quả ở một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với nhu cầu và lợi ích của hai bên. Đã có nhiều nghiên cứu thực trạng quan hệ này để tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục. Tuy vậy, chưa có nhiều công trình nghiên cứu và giải thích cho hiện trạng trên dưới góc nhìn phân tích tác động. Với mong muốn cung cấp thêm cách nhìn nhận khách quan về mối quan hệ giữa Việt Nam và Israel, bài viết sẽ phân tích các nhân tố tác động đến quan hệ tiếp cận theo các chủ thuyết quan trọng về quan hệ quốc tế.
1. Cơ sở phân tích các nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam và Israel tiếp cận từ các chủ thuyết về quan hệ quốc tế
Đầu tiên, theo chủ nghĩa hiện thực, do quan hệ quốc tế (QHQT) là môi trường vô chính phủ nên quốc gia phải tự lực hay tự cứu mình, từ đó chủ nghĩa quốc gia (Nationalism) trở thành nhận thức chính chi phối hành động của quốc gia. Chủ quyền quốc gia là tối cao và lợi ích quốc gia là tối hậu. Lợi ích quốc gia trở thành định hướng và ưu tiên cho mọi chính sách đối ngoại. Quyền lực là động lực cho các chính sách đối ngoại. Morgenthaus một trong những học giả chủ chốt của tư tưởng hiện thực cổ điển cho rằng: “Chính trị thế giới, giống như tất cả hình thái chính trị khác, là cuộc chiến để đạt quyền lực. Mục đích cuối cùng của chính trị quốc tế, dù nằm ở đâu cũng là quyền lực”(1).
Theo đó, chủ nghĩa hiện thực cổ điển với đại diện là Morgenthaus nhận xét rằng con người, tự bản thân nó, là con người của quyền lực, thể hiện qua việc chiếm đoạt hay tích lũy các nguồn lực để đạt đến mục đích cá nhân của mình. Từ đó các quốc gia theo đuổi quyền lực và chiến tranh xảy ra giữa các quốc gia bắt nguồn từ bản chất ích kỷ, ham muốn quyền lực của con người, đặc biệt là cá nhân các nhà lãnh đạo(2). Như vậy, cá nhân lãnh đạo đang có những tác động đáng ghi nhận đến chính sách đối ngoại và QHQT. Đây chính là phân tích nhân tố tác động theo cấp độ phân tích cá nhân.
Tuy nhiên, QHQT không chỉ bị chi phối bởi quyền lực và lợi ích vốn có là những yếu tố thuộc về bên trong của các chủ thể mà còn bị tác động bởi hệ thống quốc tế. Hệ thống quốc tế như môi trường bên ngoài của QHQT. Nó được coi là có tác dụng trong việc tạo thuận lợi hay khó khăn cho việc thực thi quan hệ và chính sách đối ngoại của quốc gia(3). Mearsheimer - đại diện nổi tiếng nhất của trường phái “hiện thực tấn công” (offensive realism) đã khẳng định quốc gia chỉ có thể đảm bảo an ninh và lợi ích một cách hiệu quả nhất nếu trở thành nước mạnh nhất trong hệ thống quốc tế hay khu vực(4). Theo Kenneth Waltz, hệ thống quốc tế được cấu thành từ những quốc gia có chủ quyền và sự tương tác giữa chúng. Khi đã hình thành, hệ thống quốc tế có tác động ngược lại tới quốc gia và chi phối quan hệ giữa chúng. Sự thay đổi hệ thống quốc tế đặc biệt sự thay đổi cách sắp xếp hay trật tự các bộ phận trong hệ thống thường dẫn đến những biến đổi lớn lao trong QHQT(5). Hệ thống quốc tế là sự bổ sung quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện thực mới về yếu tố tác động từ bên ngoài đối với QHQT.
Như vậy, chủ nghĩa hiện thực đưa ra cách tiếp cận khi phân tích các nhân tố tác động đến chính sách đối ngoại cũng như hành xử của các quốc gia trong QHQT theo các cấp độ phân tích: phân tích cá nhân, phân tích hệ thống. Trong khi đó, chủ nghĩa tự do lại đưa ra góc nhìn khác bổ sung chủ nghĩa hiện thực về các vấn đề QHQT cũng như về các tiếp cận phân tích. Chủ nghĩa tự do đề cao và nhấn mạnh vai trò của yếu tố con người tới chính sách đối ngoại và QHQT. Với quan niệm bản chất của con người vừa tiêu cực nhưng cũng có những tích cực - con người cũng yêu thích hoà bình, con người không phải chỉ có cái riêng mà còn có cái chung nên vẫn có thể chia sẻ, hợp tác với nhau chứ không phải tranh giành, xung đột, chủ nghĩa tự do đã khẳng định nhân tố tác động đến QHQT và chính sách đối ngoại ở cấp độ cá nhân.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa tự do quan tâm tới cấp độ phân tích trong nước thay vì mỗi cấp độ cá nhân và cấp độ hệ thống như chủ nghĩa hiện thực bởi chủ nghĩa tự do cho rằng quốc gia không phải là nhất thể(6). Đối với cấp độ phân tích quốc gia, theo chủ nghĩa tự do bên trong quốc gia có nhiều lực lượng cùng tham gia xác định lợi ích quốc gia và hoạch định chính sách đối ngoại. Các lực lượng hay nhóm này có lợi ích và quan niệm đối ngoại khác nhau. Khi chia sẻ và tham gia như vậy, các nhóm đều tìm cách đưa lợi ích nhóm thành lợi ích quốc gia hoặc ít nhất cũng tìm cách tác động đến lợi ích quốc gia sao cho có lợi cho mình hơn. Chính sách đối ngoại nhiều khi là kết quả của sự đấu tranh, thoả hiệp, liên minh giữa các nhóm người… Ngoài ra, yếu tố tự do, dân chủ, công luận… trong nội bộ quốc gia cũng là nhân tố tác động đến chính sách đối ngoại và QHQT(7).
Đối với chủ nghĩa tự do, lợi ích quốc gia là đa dạng - không chỉ mỗi an ninh và quyền lực mà còn cả sự thịnh vượng kinh tế và những lợi ích khác trong đó quan trọng nhất là hoà bình (chính trị) và thịnh vượng (kinh tế) (Peace and Prosperity). Có thể nói, chủ nghĩa tự do đã bổ sung thêm góc nhìn về lợi ích quốc gia - nhân tố quan trọng tác động đến chính sách đối ngoại và QHQT dưới cấp độ quốc gia.
Ngoài việc bổ sung cấp độ phân tích quốc gia, chủ nghĩa tự do còn đưa ra quan điểm khá rõ ràng về cấp độ hệ thống khi thừa nhận sự tồn tại của hệ thống quốc tế dù không đánh giá cao vai trò của hệ thống này. Hệ thống chỉ là một trong những yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng đến QHQT. Mặc dù chủ nghĩa tự do mới công nhận hệ thống quốc tế có tính vô chính phủ, nhưng lại khẳng định các chủ thể vận hành vì lợi ích của mình và trong hệ thống, quá trình tương tác lẫn nhau giữa các chủ thể sẽ phát triển theo hướng tích cực với việc thành lập nên những thể chế giúp điều hoà hành vi của chủ thể.
Như vậy, chủ nghĩa tự do đã đưa ra 3 cấp độ phân tích trong việc phân tích các nhân tố tác động đến chính sách đối ngoại và QHQT: cấp độ cá nhân, cấp độ quốc gia và cấp độ hệ thống.
Một trường phái có cách nhìn khá đặc biệt song cũng góp phần thêm cách nhìn nhận về QHQT và thế giới, đó là chủ nghĩa kiến tạo.
Tuy không đề cập trực tiếp song chủ nghĩa kiến tạo cũng đã nêu rõ vai trò của cá nhân và nhận thức của cá nhân tác động đến chính sách đối ngoại và QHQT. Thêm vào đó, yếu tố quốc gia cũng được bổ sung: giới tinh hoa xã hội (elite) là một chủ thể QHQT. Các yếu tố nội tại của quốc gia như các quy chuẩn về pháp luật, ý thức, niềm tin, văn hoá - xã hội tạo nên bản sắc của quốc gia. Bản sắc của quốc gia có tác động lớn đến việc định hình lợi ích và từ đó tác động đến chính sách đối ngoại và QHQT. Bên cạnh nhấn mạnh lợi ích là một nhân tố cần thiết bởi lợi ích sẽ đảm bảo một mức độ tối thiểu về khả năng và có thể dự đoán được trong nghiên cứu chính trị quốc tế và quốc gia, chủ nghĩa kiến tạo còn tập trung vào các nhân tố tạo nên bản sắc như văn hoá, thể chế quy chuẩn xã hội… Bản sắc của quốc gia sẽ hàm ý những ưu tiên và hành động đi kèm của quốc gia đó.
Với các quan điểm và lập luận của 3 chủ thuyết về QHQT hiện đang có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới hiện nay, có thể nhìn nhận các nhân tố tác động đến quan hệ giữa các quốc gia với nhau theo các góc nhìn khác nhau: lãnh đạo, lợi ích, quyền lực, bản sắc, hệ thống… Trên cơ sở đó, tác giả nhìn nhận nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Israel theo 3 cấp độ phân tích cơ bản:
Cấp độ cá nhân: các nhân tố tác động là: cá nhân được tiếp cận là nhà lãnh đạo có vai trò ảnh hưởng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam và Israel, giới tinh hoa, cá nhân tham vấn chính sách, cá nhân hoạch định chính sách.
Cấp độ quốc gia: các nhân tố tác động có thể kể đến gồm tình hình của hai quốc gia, bản sắc của hai quốc gia, chính sách (nhu cầu) của hai quốc gia đối với nhau trong đó nhìn nhận rõ được lợi ích của hai nước khi quan hệ với nhau.
Cấp độ hệ thống: chú trọng đến phân tích nhân tố bối cảnh quốc tế và vấn đề so sánh lực lượng, tập hợp lực lượng và cạnh tranh chiến lược của các nước lớn tác động đến quan hệ hai nước.
2. Các nhân tố cơ bản tác động đến quan hệ Việt Nam - Israel
Thứ nhất là ở cấp độ cá nhân - các cá nhân có ảnh hưởng đến việc hoạch định và thực hiện chính sách của hai quốc gia
Trên thực tế cả hai nước Israel và Việt Nam đều thống nhất chính sách trong QHQT dù có sự thay đổi người cầm quyền, đảng cầm quyền (ở Isreal) hay người lãnh đạo (ở Việt Nam). Điều này có thể do văn hoá chính trị và thể chế chính trị của hai quốc gia. Vì vậy, nhân tố cá nhân không có nhiều ảnh hưởng trong việc hoạch định cũng như thực hiện chính sách đối ngoại. Nếu có chỉ có thể là việc tô thêm chút sắc màu trong bức tranh quan hệ Việt Nam - Israel mà thôi.
Đối với Israel trong suốt thời gian qua, các đời tổng thống, thủ tướng không có tác động mang tính cá nhân nào đến sự thay đổi đặc biệt trong chính sách đối với châu Á và Việt Nam, việc điều chỉnh chính sách với châu Á và Việt Nam nằm trong sự thay đổi chiến lược tổng thể của Israel trong đó có chính sách hướng Đông. Với Việt Nam, Đảng Cộng sản là cơ quan đưa ra chiến lược, đường lối đối ngoại, Nhà nước cụ thể hoá và thực hiện chính sách đối ngoại với nguyên tắc tập trung dân chủ - tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách(8). Vì vậy, các cá nhân lãnh đạo và có ảnh hưởng trong bộ máy hoạch định chính sách không có vai trò quyết định thay đổi chính sách… Do đó, quan hệ Việt Nam - Israel - đối với Việt Nam là kết quả của việc hoạch định chính sách theo chủ trương, đường lối xuyên suốt nằm trong chiến lược đối ngoại và chiến lược phát triển quốc gia tổng thể.
Từ đó, có thể thấy, ở cấp độ cá nhân, quan hệ Việt Nam - Israel gần như không chịu ảnh hưởng lớn từ nhân tố cá nhân lãnh đạo, giới tinh hoa hay cá nhân ảnh hưởng.
Thứ hai là cấp độ quốc gia:
Đầu tiên là tình hình nội bộ của từng quốc gia có những tác động nhất định đến quan hệ hai nước.
Tình hình của Việt Nam: Với dân số là gần 98 triệu người(9), Việt Nam là quốc gia có thị trường rộng lớn và lực lượng lao động dồi dào thông minh, cần cù và sáng tạo. Thời gian qua, nền kinh tế chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công giảm, nợ xấu được kiểm soát. Mặc dù 2 năm gần đây xuất hiện đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở các tỉnh miền Trung đã tác động nặng nề tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân tính đến năm 2020. Giai đoạn 2016-2020 vẫn đạt khoảng 6%/năm (riêng năm 2020 tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91%, là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới). Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP đạt 271,2 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016-2020(10). Tình hình chính trị ổn định, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, an ninh chung được giữ vững nhưng gần đây đang gặp những khó khăn nhất định do tình hình dịch bệnh - đây là tình hình chung của các quốc gia trên thế giới. Dù vậy, Việt Nam vẫn ứng phó linh hoạt trên cơ sở kết hợp sức mạnh (tinh thần đoàn kết, yêu nước của nhân dân) và sức mạnh thời đại (mở rộng hợp tác quốc tế) để đạt được những thành quả quan trọng được cộng đồng quốc tế công nhận. Tuy nhiên trên tinh thần củng cố và phát triển bền vững hơn nữa, Việt Nam vẫn luôn kiên định phương châm đối ngoại rộng mở và làm sâu sắc các mối QHQT trong đó có quan hệ với Israel như một trong những sức mạnh thời đại quan trọng đối với Việt Nam.
Đối với Israel, là đất nước chỉ có khoảng 9,2 triệu dân(11) (theo website Đại sứ quán Israel tại Việt Nam là 7,8 triệu dân), nhưng Israel có GDP là 402 tỷ USD (năm 2020), trình độ và mức thu nhập đầu người cao (lên đến 43.000 USD thu nhập bình quân đầu người một năm - tính năm 2020 theo Ngân hàng thế giới). Israel là thị trường nhập khẩu lớn thứ 44 trên thế giới có nền kinh tế thị trường tự do, coi hoạt động ngoại thương là động lực phát triển và là cốt lõi của nền kinh tế. Về cơ bản bước vào thế kỷ XXI, tình hình an ninh chính trị Israel không có những biến động lớn, nghiêm trọng, chỉ gần đây nhất vào năm 2021 có sự thay đổi về đảng cầm quyền và những khó khăn do Covid-19 mang lại. Với bản sắc đặc trưng của một quốc gia sở hữu lực lượng lao động có chất lượng tốt, thông minh, sáng tạo được thế giới công nhận, địa chính trị quan trọng tại Trung Đông, Israel luôn nỗ lực phát triển song còn những khó khăn do yếu tố lịch sử, vì thế để mở rộng và tăng cường vị thế trên thế giới Israel luôn rộng mở quan hệ với các nước đặc biệt các nước tầm trung và mới nổi với sự phát triển năng động như Việt Nam.
Bản sắc về chính trị, văn hoá và xã hội của hai quốc gia cũng là một nhân tố tác động không thể không tính tới. Chế độ chính trị của Việt Nam và Isreal khác nhau. Việt Nam là nước theo chế độ chính trị XHCN còn Isreal là chế độ TBCN. Từ đó, thể chế chính trị cũng khác nhau, hệ tư tưởng, mục tiêu chiến lược khác nhau. Các giá trị văn hoá, tôn giáo, thói quen, chuẩn mực xã hội của hai nước cũng có nhiều nét khá khác nhau. Chẳng hạn như: Việt Nam được biết đến với nền văn hóa hình thành từ nền tảng nông nghiệp trồng lúa nước ở miền sông nước và biển đảo, đề cao giá trị văn hóa gia đình truyền thống, mang đậm tính cộng đồng, tự trị của văn hóa làng xã, thấm đậm, bao trùm tinh thần yêu nước, ý thức quốc gia - dân tộc, đề cao nữ quyền, trọng nông, đa dân tộc, thống nhất trong đa dạng, nền văn hóa mở, thích ứng và tiếp biến hài hoà các nền văn minh nhân loại(12).
Còn Israel được biết đến là quê hương lịch sử của người Do Thái - xứ sở của Kinh Thánh. Israel thuộc khu vực Trung Đông nơi giao thoa ba châu lục: Á - Âu - Phi, vì thế dân số người Do Thái có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới như Nga, Ba Lan, Ethiopia, Morocco, Iraq và Yamen tất nhiên chỉ những nơi có nguồn gốc của người Israel. Vì lẽ đó, xã hội Israel đương thời có sự kết hợp giữa văn hoá phương Đông và phương Tây. Thêm vào đó, người Do Thái đã phát triển một nền văn hoá và tôn giáo đặc trưng của họ vào khoảng 4000 năm trước. Trong cuộc hành trình tới vùng đất thánh lịch sử hình thành những dòng tôn giáo lớn nhất của nhân loại là Do Thái giáo, Kito giáo và Hồi giáo. Ngoài ra, xã hội Israel cũng có sự pha trộn hấp dẫn giữa tôn giáo với chủ nghĩa thế tục. Tuy vậy, Do Thái giáo chính thống có ảnh hưởng mang tính thể chế hoá ở nhiều khía cạnh trong đời sống của Israel(13) bởi lẽ đa số người dân Israel theo đạo Do Thái. Dù không đề cao nữ quyền song vị trí của người phụ nữ trong xã hội Israel cũng đã được thừa nhận những quyền bình đẳng nhất định thậm chí Israel còn có một nữ thủ tướng là Golda Meir (từ 1969-1974). Có thể nói nền văn hoá của Israel có tính năng động sáng tạo và đa dạng. Dù khác nhau do đặc điểm tự nhiên, xã hội khác nhau có thể có tác động cản trở mối quan hệ sâu rộng nhưng sự khác biệt này hoàn toàn không bài trừ lẫn nhau. Bên cạnh điểm khác biệt rất bản sắc, cả hai quốc gia vẫn có những điểm tương đồng nhất định về việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, về lòng yêu nước được đúc kết trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước, niềm tin vào sự lựa chọn của lịch sử của dân tộc, sự quyết tâm và khát vọng cháy bỏng phát triển đất nước hùng cường. Đây là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác của hai quốc gia.
Nhu cầu (lợi ích) của hai bên đối với nhau tác động lớn đến quan hệ của hai quốc gia. Với Việt Nam, quan điểm, phương châm đối ngoại của Việt Nam thể hiện rất rõ trong đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế(14).
Dựa trên quan điểm này, Việt Nam mở rộng quan hệ với tất cả các nước trong đó có Israel - một quốc gia có nguồn lực tốt. Trong bối cảnh Cách mạng 4.0 đang diễn ra với tốc độ vũ bão trên toàn cầu và Chính phủ của Việt Nam chủ động đưa ra các giải pháp thiết thực tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá về hạ tầng kỹ thuật, khoa học công nghệ, thông tin - truyền thông thì Israel - vốn được cả thế giới biết đến với biệt danh “Quốc gia khởi nghiệp” với thế mạnh về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ cao - là một đối tác quan trọng của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn này. Việt Nam có “chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Đa dạng hóa hợp tác quốc tế, ưu tiên hợp tác với các đối tác chiến lược. Gắn hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh”(15). Trong khi đó Israel là một quốc gia phát triển rất tốt và có ưu thế về khoa học và công nghệ.
Đối với Israel, chính sách hướng Đông của Israel những năm qua do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dẫn dắt, trong đó cho rằng, trọng tâm của quan hệ ngoại giao, kinh tế cho Israel trong tương lai gần nên đặt vào Châu Á. Chính sách này mang lại lợi ích trên thực tế cho cả nhà nước Israel cũng như cho cách tiếp cận thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau giữa Israel với các nước hàng đầu ở Đông Á. Việt Nam rõ ràng là một trong những bên tham gia chính trong chính sách hướng Đông của Israel. Việt Nam là một trong những nước lớn nhất, đang phát triển kinh tế nhanh chóng. Đặc biệt, ngay trong năm nay, Việt Nam ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 theo cách ấn tượng. Israel là quốc gia có nhu cầu về sử dụng lao động nước ngoài rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, xây dựng, nhà hàng... trong khi Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, chăm chỉ, được đào tạo tốt. Bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Israel càng trở nên cần thiết và đầy tiềm năng.
Nhân tố lịch sử cũng đang đặt những tiền đề quan trọng cho quan hệ hai nước. Mối liên hệ giữa hai dân tộc Việt Nam và Israel đã được hình thành từ ngay những ngày đầu lập quốc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc gặp gỡ với lãnh tụ lập quốc - Thủ tướng đầu tiên của Israel Ben Gurion, đã ngỏ ý sẵn sàng để người Do Thái thành lập Chính phủ lưu vong tại Việt Nam vào năm 1948(16) - như một định mệnh khi hai lãnh tụ ở cùng một khách sạn trong cùng một thời điểm tại Paris.
Các lãnh tụ lập quốc của hai nước đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo không ngừng vun đắp, phát triển kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993, quan hệ giữa Việt Nam - Israel đã và đang phát triển với những thành tựu đáng ghi nhận. Việc Israel mở Đại sứ quán tại Hà Nội vào năm 1993 và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tel Aviv vào năm 2009 đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ chính trị đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong việc thúc đẩy phát triển hợp tác song phương ở các lĩnh vực khác.
Thứ ba là cấp độ hệ thống.
Cục diện đa cực đa trung tâm đang ngày càng hình hành rõ nét với sự biến động về so sánh lực lượng tuy không hẳn là thay đổi và khác biệt nhưng cũng buộc nhiều quốc gia phải tính toán trong chiến lược và chính sách của mình trong đó có Việt Nam và Israel. Mỹ vẫn là nước có sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn nhất đồng thời là đồng minh của Israel và là đối tác toàn diện của Việt Nam. Dù vậy, Trung Quốc đang nổi lên như một thách thức với sức mạnh Mỹ khi sức mạnh của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá… Bên cạnh đó Nga cũng rất quyết liệt không ngại va chạm với Mỹ trong một số vấn đề QHQT dù Nga đang yếu thế về sức mạnh so với Mỹ và Trung Quốc nhưng cơ sở sức mạnh của Nga vẫn là điều mà thế giới phải tính đến. Các trung tâm quyền lực khác cũng đang nổi lên như Ấn Độ, EU…
Ngoài ra phương thức tập hợp lực lượng và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng đang có những đặc thù và trở nên gay gắt hơn so với giai đoạn trước vụ khủng bố 11 tháng 9 cũng như thời kỳ chiến tranh lạnh. Ví dụ hình thành ra các cơ chế mới gần đây Trung Quốc đưa ra chiến lược “Vành đai, con đường”, đổi lại Mỹ và các nước bạn bè đồng minh đưa ra chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và việc hình thành các hợp tác hoặc liên minh ví dụ Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) năm 2021. Cạnh tranh Mỹ - Trung trở thành tâm điểm của thế giới đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách của Việt Nam và Israel với nhau. Cạnh tranh Nga - Mỹ vẫn căng thẳng ở khu vực Đông Âu… Bầu không khí khác lạ và có phần căng thẳng do quan hệ các nước lớn đem lại cũng đang tác động không nhỏ đến việc điều chỉnh chính sách của các nước tầm trung và các nước nhỏ như Israel và Việt Nam.
Toàn cầu hóa vẫn diễn ra với tốc độ cao và mạnh mẽ cùng với cách mạng khoa học công nghệ với nhiều thành tựu quan trọng đang làm cho đường biên giới cứng giữa các quốc gia cũng như sự liên kết xã hội quốc tế trở nên ngày càng gần gũi và dễ dàng. Chúng vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức với các quốc gia có thể sẽ khiến các quốc gia trở nên lạc hậu và phụ thuộc. Điều này buộc các quốc gia phải có những điều chỉnh về chính sách đặc biệt các chính sách về hội nhập và khoa học công nghệ.
Các vấn đề toàn cầu và các vấn đề an ninh đang trở thành tâm điểm và là những thách thức lớn cho mỗi quốc gia và cho toàn thế giới. Chẳng hạn như khủng bố, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang làm xoay chuyển cách thức tập hợp lực lượng cũng như chiến lược của các quốc gia. Israel và Việt Nam đang phải đối mặt nhiều với các vấn đề an ninh và các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên… Chúng là chất keo kết dính và đích đến cần giải quyết của hai quốc gia.
Bối cảnh này vừa đem lại cơ hội vừa tạo ra những thách thức lớn cho mỗi quốc gia nói riêng và QHQT nói chung. Đối với quan hệ Việt Nam - Israel, bối cảnh quốc tế đã tạo động lực, môi trường và tiền đề để hai bên phát triển quan hệ. Các nhân tố ở cấp quốc gia như tình hình, nhu cầu và bản sắc quốc gia vừa thúc đẩy vừa kìm hãm quan hệ giữa hai nước song nhân tố thúc đẩy đang nổi trội bởi lẽ yếu tố bản sắc có tính chất bổ sung là chính chứ không phải cạnh tranh đối lập với nhau. Cấp độ cá nhân là cấp độ ít ảnh hưởng bởi lẽ yếu tố cộng đồng, truyền thống và thể chế chính trị đã quy định rất rõ cơ chế ra chính sách đối ngoại của cả 2 quốc gia.
Trước sự tác động của các nhân tố, quan hệ giữa Việt Nam và Israel có những thành tựu được đánh giá tích cực từ lĩnh vực chính trị - ngoại giao với những chuyến thăm cấp cao liên tục và thường xuyên đến lĩnh vực kinh tế với việc Israel hiện là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch thương mại song phương trong những năm gần đây đều đạt trung bình trên 1 tỷ USD. Đồng thời, nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như điện thoại, cà phê, hạt điều nguyên liệu và chế biến, giày dép và may mặc đang chiếm thị phần khá lớn tại Israel (ước khoảng từ 10-20%), cá ngừ Việt Nam nằm trong top 3 nhà xuất khẩu cá ngừ chế biến tại thị trường Israel(17). Các lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên, rõ ràng những kết quả thực tiễn vẫn chưa đạt được đúng như sự kỳ vòng của hai bên. Trong thời gian tới, hai bên rất cần đưa ra và thực hiện các chính sách hợp tác và có nhiều hoạt động đối ngoại hiệu quả trên cơ sở cân nhắc và tính toán đến những nhân tố tác động đã được bài viết phân tích./.
_________________________
(3),(5),(6),(7) Hoàng Khắc Nam, Lý thuyết quan hệ quốc tế, Nxb. Thế giới, tr43,36,67,67.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
(15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
Bình luận