Lịch sử hình thành khái niệm văn hóa đại chúng ở phương Tây
1. Khái niệm văn hoá đại chúng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX
“Văn hoá đại chúng” là một thuật ngữ được dịch nguyên văn từ tiếng Anh. Tuy nhiên, hành trình từ truyền thống đến hiện đại của khái niệm văn hoá đại chúng như ngày nay không chỉ đơn giản và rõ ràng như vậy. Trong nhiều bối cảnh khác nhau, bản thân thuật ngữ này được dùng thay thế với một số thuật ngữ khác theo ngữ nghĩa của nó như văn hoá truyền thống, văn hoá dân gian, văn hoá dành cho khối đại chúng.
Danh mục các từ thay thế này có thể được tiếp tục bổ sung và không chỉ đơn giản minh chứng cho sự đa nghĩa của từ. Quan trọng hơn, chính sự đa nghĩa này phản ánh sự đa dạng trong cách diễn giải và tiếp cận nghiên cứu chủ đề. Hay nói một cách khác, lựa chọn thao tác hoá khái niệm theo cách nào nào đều thể hiện một/nhiều quan điểm lý thuyết, chính trị, văn hoá và thực tiễn khác nhau.
Trước hết, văn hoá có thể được định nghĩa theo rất nhiều cách thức khác nhau. Tuy vậy, trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi cho rằng, văn hoá là quá trình tích cực tạo ra và lưu hành những ý nghĩa trong một hệ thống xã hội. Mỗi một hệ thống xã hội đòi hỏi một hệ thống ý nghĩa và giá trị (văn hoá) để hướng dẫn các thành viên của nó và giúp họ giao tiếp với nhau. Người ta vẫn thường nói văn hoá là “chất keo giúp gắn kết các xã hội lại với nhau”. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là chức năng duy nhất của nó là xây dựng sự đồng thuận. Văn hoá còn được xem như là một địa hạt của sự tranh đấu. Là một quá trình, nó không bao giờ cố định hoặc hoàn chỉnh; các niềm tin, các giá trị và các giả định giúp định hướng các hành động xã hội luôn được xem xét, cân nhắc lại, và rất nhiều những tranh chấp quyền lực trong xã hội của chúng ta suy cho cùng vẫn là những tranh chấp về văn hoá.
Tương tự như thuật ngữ văn hoá, khả năng đưa ra một cách hiểu thuật ngữ phổ biến/đại chúng (popular) cũng không đơn giản. Từ “popular” được sử dụng lần đầu tiên ở Anh vào cuối thế kỷ XV dưới dạng một thuật ngữ pháp lý, và “action popular” - hành động phổ biến là hành động pháp lý có thể được thực hiện bởi bất cứ ai(1). Đến đầu thế kỷ XVII, “popular” không còn giới hạn trong diễn ngôn liên quan đến pháp luật và cho đến nay được sử dụng để chỉ cái gì đó có tính phổ biến rộng rãi hoặc được chấp nhận rộng rãi, chẳng hạn như “bệnh tật phổ biến”, “lỗi phổ biến”... Dựa trên cách sử dụng này, từ đầu thế kỷ XIX, từ “opular’’được sử dụng để chỉ các hình thức giải trí mà người ta cho rằng hấp dẫn so với thị hiếu của người bình thường, ví dụ như “báo chí bình dân”, “nhạc bình dân” và “nghệ thuật bình dân”(2).
Trong vòng 400 năm, ý nghĩa của từ “popular” đã được mở rộng đáng kể, từ một từ chủ yếu được dùng để chỉ các thực hành pháp luật của giới phi tinh hoa (non-elite) sang mô tả bất cứ cái gì có tính chất phổ biến rộng rãi và được chấp nhận chung, và cuối cùng là gắn liền với nền văn hoá của khối đại chúng. Sợi chỉ xuyên suốt những thay đổi về mặt ý nghĩa này đó chính là ý tưởng về các thực hành sản xuất và tiêu dùng của những tầng lớp khác với tầng lớp tinh hoa. Điều này, đến lượt nó, đôi khi cũng thể hiện ảnh hưởng cả tích cực và thường là tiêu cực đối với những nỗ lực định nghĩa lại thuật ngữ này về sau.
Phải đến cuối thế kỷ XIX mới xuất hiện một khái niệm có thể được xem như là khá đầy đủ, chi tiết và khoa học về văn hoá đại chúng. Khái niệm này là kết quả của mối quan tâm ngày càng tăng đối với cái gọi là “dân gian”(3). Đây là một dạng văn hoá đại chúng vì vốn dĩ văn hoá bắt nguồn từ “con người”. Từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, các nhóm trí thức khác nhau, hoạt động dưới những biểu ngữ khác nhau về chủ nghĩa dân tộc, lãng mạn hay văn hoá dân gian đã phát minh ra khái niệm mang tính “trí tuệ” đầu tiên của nền văn hoá đại chúng. Đối với “các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, văn hoá đại chúng là văn hoá bắt nguồn từ “con người” (từ “nhân dân”). Theo đó, khái niệm “popular culture” (trong trường hợp này có thể dịch là “văn hoá bình dân’’) được hiểu là một dạng thể hiện của năng lực chủ thể (agency) phát sinh tự phát từ “bên dưới”, vừa mang tính cộng đồng và vừa mang tính cá nhân.
Theo định nghĩa này, thuật ngữ “popular culture” được sử dụng để chỉ một nền văn hoá “đích thực” của nhân dân. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận này cũng đặt ra một số vấn đề. Thứ nhất, đó là câu hỏi “nhân dân” ở đây được hiểu như thế nào, hay cần có các tiêu chuẩn nào để có thể được xếp loại vào nhóm “nhân dân”. Ví dụ, các nhà trí thức liên quan đến công cuộc “khám phá” ra văn hoá dân gian phân biệt giữa hai phiên bản của nhân dân, “dân nông thôn” và “quần chúng đô thị”. Theo sự phân biệt này, chỉ có “dân nông thôn” là những người sản xuất ra “văn hóa bình dân”. Thứ hai, định nghĩa này lảng tránh bất kỳ cuộc thảo luận quan trọng nào về bản chất thương mại mà cụ thể là các nguồn lực cần thiết sử dụng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm văn hoá dân gian này.
2. Khái niệm văn hoá đại chúng từ thế kỷ XX đến nay
Chính việc sử dụng thuật ngữ “popular” ở thế kỷ XIX là tiền đề cho việc định nghĩa tính từ “popular” trong từ ghép với văn hoá ở thế kỷ XX và sau này. Theo đó, văn hoá đại chúng được hiểu là văn hoá được nhiều người yêu thích. Sự yêu thích của công chúng có thể được đo lường bằng việc đếm số lượng các sản phẩm văn hoá nào đó được tiêu thụ, xem xét kết quả các nghiên cứu thị trường, sử dụng các công cụ lắng nghe mạng xã hội,… Nói cách khác, tính đại chúng được xác nhận bởi sự phổ biến của chính nó. Mặc dù đây có vẻ là một cách rõ ràng để định nghĩa văn hoá đại chúng, tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nên hiểu thế nào là “nhiều”. Chúng ta cần phải cùng thống nhất lựa chọn một con số nào đó, theo đó cứ ở trên ngưỡng số đó thì một sự vật hiện tượng sẽ được phân loại vào nhóm văn hoá đại chúng và bên dưới nó thì chỉ là “văn hóa”. Nếu vậy, cái gì có thể là ngưỡng phổ biến? Rút cuộc, định nghĩa này chưa thể cung cấp một bộ tiêu chí đầy đủ và khả thi để xác định văn hoá đại chúng.
Mặc dầu vậy, cách hiểu này cũng minh chứng rằng, bất kỳ định nghĩa về văn hoá đại chúng nào cũng phải bao hàm một khía cạnh định lượng nào đó. Chính sự phổ biến của nền văn hoá đại chúng đòi hỏi chiều cạnh này. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý khác đó là chỉ số định lượng được dùng ở đây không đủ để cung cấp một định nghĩa đầy đủ về văn hoá đại chúng. Bởi nếu chỉ dựa vào việc theo dõi mức doanh thu hay đánh giá xếp hạng một vài sản phẩm văn hoá nào đó của công chúng thì đôi khi chính cái được gọi là “văn hoá cao” cũng hoàn toàn có thể được xếp vào nhóm “phổ biến” theo nghĩa này(4). Như vậy, chỉ báo “được nhiều người yêu thích” chưa phải là một chỉ báo tốt để có thể hiểu thuật ngữ này.
Có thể thấy rằng trên thực tế nhiều tác phẩm được xem là các bài hát dân ca thu thập được ở thế kỷ XVIII và XIX hoá ra lại là phiên bản gốc của một số bài hát “thương mại” đã từng được nhiều người yêu thích trong các xã hội tư bản hiện đại. Nói cho cùng thì vấn đề mà định nghĩa này mang lại đó chính là nhận thức rằng, văn hoá dân gian là một phần của văn hoá đại chúng đương đại, và yếu tố “dân gian” ở đây được biểu hiện ở trong công đoạn tiêu dùng chứ không phải là sản xuất. Theo nhà lý thuyết người Pháp, Michel de Certeau, trong khi không ít người tưởng rằng văn hoá đại chúng trong thế kỷ XX là sản phẩm của các nền công nghiệp văn hoá, nhưng thực tế lại không phải như vậy. những gì nền công nghiệp này sản xuất ra chỉ đơn thuần là một danh mục những gì có khả năng trở thành văn hoá đại chúng.
Điều này có nghĩa là người tiêu dùng mới là nhân tố quyết định: họ sử dụng chúng như thế nào, họ làm gì để khiến chúng phù hợp với nhu cầu sử dụng và lòng ham muốn của mình, và chính điều này mới chuyển hoá những sản phẩm đó thành “văn hoá của khối đại chúng”. Câu hỏi đặt ra ở đây là có thực sự là những gì hàng ngàn người sẽ làm với những tờ báo, tạp chí, không gian đô thị hay hàng hoá mà họ trả tiền mua quyết định việc chúng trở nên phổ biến? Nếu như vậy, các tiểu văn hoá thanh niên và văn hoá của người hâm mộ cũng là các dạng của “văn hoá dân gian” chính là nhờ các hành vi tiêu dùng và qua đó những người tiêu dùng đã cùng tạo ra nền “văn hoá bình dân hay văn hoá dành cho khối đại chúng”(5).
Ở các không gian đô thị và công nghiệp mới như ở châu Âu và Mỹ, việc định nghĩa văn hoá đại chúng là văn hoá dành cho khối đại chúng vốn được nhiều người yêu thích lại bắt đầu nhận được những diễn giải mới không mấy tích cực. Một số người cho rằng, việc hiểu như thế cũng là chọn theo hướng tiêu cực trong quá khứ, ám chỉ nguồn gốc xuất thân thấp kém hay khẩu vị thấp kém của một nhóm dân số nào đó. Mặc dù có sự thay đổi, nhưng trong một chừng mực nào đó, khái niệm văn hoá dành cho khối đại chúng vẫn cho thấy nét nghĩa ám chỉ những nguồn gốc không tinh hoa của từ “popular”.
Văn hoá dành cho khối đại chúng, hay văn hoá đại chúng là nền văn hoá thương mại, với các sản phẩm văn hoá được sản xuất hàng loạt để tiêu dùng hàng loạt, một nền văn hoá được tiêu dùng với sự thụ động làm suy nhược và tê liệt não của người tiếp nhận. Khán giả của nó được cho là một khối những người tiêu dùng không phân biệt, thụ động tiêu thụ những gì mang tính công thức và bị lôi kéo ủng hộ các phe phái chính trị,... Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu và thống kê thực tế về các thực hành tiêu dùng khiến cho giả định này cần được xem xét lại. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của John Fiske (1989), khoảng 80% đến 90% sản phẩm mới thất bại mặc dù được quảng cáo rộng khắp(6). Tương tự, Simon Frith (1983) cũng cho thấy rằng 80% các đĩa đơn và album ca nhạc cũng bị thua lỗ(7).
Đối với một số nhà phê bình văn hoá, văn hoá dành cho khối đại chúng không chỉ là một nền văn hoá bị áp đặt và bần cùng, nó còn là một thứ văn hoá nhập khẩu từ Mỹ, và cụ thể là ở những thành phố lớn của nước Mỹ và hơn hết là New York(8). Việc khẳng định rằng văn hoá đại chúng là văn hoá Mỹ có một lịch sử lâu dài và được sử dụng bằng thuật ngữ “Mỹ hoá”. Nội dung chủ yếu của xu hướng này là các nền văn hoá khác dần đánh mất bản sắc riêng dưới ảnh hưởng của cái được hiểu là đồng hoá văn hoá của văn hoá Mỹ.
Rõ ràng, đó là nỗi sợ hãi liên quan đến xu hướng Mỹ hoá có mối quan hệ chặt chẽ đến sự không tin tưởng (không tính đến nguồn gốc quốc gia) của các hình thức “popular culture’’đang nổi lên. Giống như với quan điểm văn hoá dành cho khối đại chúng nói chung, có sự tham gia của các phe phái chính trị tả hữu trong cuộc tranh luận này. Những gì đang bị đe dọa bao gồm các giá trị quý giá của nền văn hoá cao, hay cách sống truyền thống của một tầng lớp lao động “bị cám dỗ”. Ngoài ra, còn xuất hiện những gì chúng ta có thể gọi là một phiên bản lành tính của quan điểm văn hoá dành cho khối đại chúng. Trong phiên bản này, các sản phẩm và thực hành của “‘popular culture”’ được xem như là những hình thức tưởng tượng của công chúng. Văn hoá dành cho khối đại chúng được hiểu như là một thế giới ước mơ tập thể. Như Richard Maltby (1989) tuyên bố, văn hoá đại chúng đưa ra khái niệm về “sự thoát ly”. “Sự thoát ly ở đây không phải là sự trốn thoát hay đến một nơi nào đó, mà nên hiểu là sự thoát khỏi những cái tôi không tưởng của chúng ta”(9).
Theo nghĩa này, các thực hành văn hoá như đón mừng lễ Giáng sinh hay trải nghiệm các kỳ nghỉ ở biển, có thể được xem như là có chức năng tương tự như những giấc mơ: ẩn chứa trong các thực hành này là mong muốn và ham muốn tập thể (vốn luôn bị trấn áp). Theo tác giả, nếu cho rằng, việc văn hoá dành cho khối đại chúng ghi nhận, đóng gói và bán lại cho người tiêu dùng những giấc mơ của họ là một tội lỗi, thì việc văn hoá đại chúng có thể tạo cho những người tiêu dùng này những giấc mơ mới đa dạng hơn nhiều những gì bản thân họ đã từng mơ lại là một thành tựu của nó(10). Quan điểm của Malby (1989) có thể coi như là một phiên bản ôn hoà giữa những làn sóng phê bình đương đại đối với văn hoá dành cho khối đại chúng.
Hàm ý về vị trí thấp kém của văn hoá đại chúng trở nên rõ ràng hơn khi thuật ngữ này được sử dụng với ý nghĩa là một hạng mục còn dư lại, một hạng mục được thiết lập để chứa các sản phẩm và thực hành không thể xếp vào hạng mục văn hoá “thực sự”. Mặc dù có nhiều cách thức và tiêu chí phân loại, ví dụ như nghệ thuật và giải trí, văn hoá đại chúng và nền văn hoá cao, văn hoá và văn hoá đại chúng, có một điểm chung là với mỗi một cách phân chia thì người phân chia thường nhấn mạnh rằng đó là cách phân chia hoàn toàn rõ ràng và hiển nhiên. Tuy vậy, thực tế đã chứng minh những điều ngược lại và có những sản phẩm không hiển nhiên thuộc về một hạng mục phân chia nào ngay từ đầu. Ví dụ, sản phẩm của William Shakespeare giờ đây được coi là mẫu mực của văn hoá “thực sự”, nhưng vào cuối thế kỷ XIX, trước khi các vở kịch trở thành thơ trên giấy chứ không phải là các kịch bản kịch, chúng đã từng là một phần quan trọng của sân khấu quần chúng(11).
Tương tự như vậy, kể từ khi được khai sinh vào cuối thế kỷ XVI, opera vốn mang đặc trưng của cả nền văn hoá đại chúng và độc quyền. Việc opera được phân loại lại và được coi như là một loại hình nghệ thuật “cao” ở thế kỷ XIX đòi hỏi phải tách biệt được opera khỏi các hình thức giải trí khác. Đến tận những năm 60 của thế kỷ thứ XIX, trên sân khấu của Manchester, một vở opera luôn được trình diễn xen lẫn với những hình thức giải trí khác(12). Đến những năm 60 của thế kỷ XIX, khi opera được quảng cáo và biểu diễn như một loại hình riêng trong nhà hát, việc gói ghém, pha trộn những gì chưa được phân xếp thành công vào các lĩnh vực nghệ thuật và giải trí trước đây lại được coi như là biểu hiện của một lịch sử đáng tiếc. Từ đó trở đi không có sự nhầm lẫn nào về văn hoá hay sự pha trộn không phù hợp; một cách đơn giản và trực diện, opera giờ đây hàm chứa những đặc trưng của nền văn hoá cao, giúp xác định rõ và kích hoạt các khả năng tạo ra sự khác biệt xã hội.
Tóm lại, như chúng ta đã thấy, để nghiên cứu văn hoá đại chúng trong bối cảnh toàn cầu hoá, trước tiên chúng ta phải đối mặt với những khó khăn do chính thuật ngữ đó gây ra. Thực tế cho thấy việc định nghĩa khái niệm văn hoá đại chúng hoàn toàn không dễ dàng như chúng ta hình dung lúc đầu. Không bao giờ là đủ để nói về văn hoá đại chúng; chúng ta luôn luôn phải thừa nhận rằng sẽ luôn tồn tại ít nhất một xu hướng, một cách hiểu khác với cách chúng ta lựa chọn. Và với bất kỳ một khái niệm nào chúng ta sử dụng thay thế cho từ gốc “‘popular culture”’ - dù là văn hoá bình dân, văn hóa của tầng lớp lao động, văn hoá dân gian hay văn hoá đại chúng,... - thì tự nó đã hàm chứa những quan điểm lý thuyết, văn hoá và chính trị khác nhau.
Theo Bennett (1982), không có một cách giải quyết “chính xác” cho những vấn đề này; chỉ có một loạt các giải pháp khác nhau với những ý nghĩa và tác động khác nhau(13). Nói một cách đơn giản, không thể có một định nghĩa duy nhất và thống nhất cho khái niệm văn hoá đại chúng. Dù chúng ta lựa chọn thao tác hoá khái niệm văn hoá đại chúng theo quan điểm nào, chúng ta cần hiểu rằng chính cách thức đó sẽ vừa cho phép và vừa hạn chế cách chúng ta thiết kế nghiên cứu về nó. Do đó, trước khi thực hiện nghiên cứu, xây dựng được một khung lý thuyết toàn diện như chúng tôi đã khảo cứu trong bài viết này là rất cần thiết./
_____________________________________________________
(1), (2) Storey, J., (2005), “The Popular”, New Keywords: A Revised Vocabulary of Culture and Society, Tony Bennett et al. (Chủ biên), Blackwell, Oxford, tr. 262–4.
(3) Storey, J., (2003), Inventing Popular Culture, Blackwell, Oxford.
(4) Bennett, T., (1980), ‘Popular Culture: A Teaching Object’, Screen Education, số 34, tr. 18-28.
(5) De Certeau, M., (1988), The Practice of Everyday Life, University of Chicago Press, Chicago.
(6) Fiske, J., (1989), Understanding Popular Culture (1st Edn.), Unwin Hyman, London.
(7) Frith, S., (1983), Sound Effects, Constable, London.
(8), (9), (10 )Maltby, R., (1989), “Introduction”, Dreams for Sale: Popular Culture in the 20th Century, Harrap, London, tr. 8-21.
(11) Levine, L. W., (1988), Highbrow/Lowbrow: The Emergence of Cultural hierarchy in America, Harvard University Press, Cambridge, MA.
(12) Storey J., (2010), Culture and Power in Cultural Studies: The Politics of Signification, Edinburgh University Press, Edinburgh.
(13) Bennett, T., (1982), “Popular Culture: Defining our Terms”, Popular Culture: Themes and Issues 1, Open University Press, Milton Keynes, tr.16.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 7/2021
Bài liên quan
- Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
- Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
- Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
- Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
- Nhìn lại chặng đường 91 năm xây dựng và trưởng thành ngành Công tác Dân vận của Đảng
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
Cách tiếp cận phức hợp về an ninh phi truyền thống trong bối cảnh chiến tranh lai và ảnh hưởng sâu rộng của tiến trình chuyển đổi số trong nền an ninh quốc gia (Kỳ 1)
Một trật tự toàn cầu mới đang được định hình, điều đó cũng đồng nghĩa với một sự đòi hỏi về cách tiếp cận an ninh mới do những luật chơi mới định hình. Chiến tranh lai cùng với tiến trình chuyển đổi số đang đặt ra một sự tác động đồng thời, thay đổi bản chất sức mạnh của mỗi quốc gia. Bối cảnh mới này đòi hỏi phải có một tư duy mới về an ninh, tư duy phức hợp, để có thể đồng lúc nhìn thấy từ nhiều chiều kích khác nhau, những tác động an ninh trong một tương quan tổng thể. Thay vì tập trung vào các danh mục của các mối đe dọa, ngăn chặn và phòng ngừa, vấn đề an ninh quốc gia hiện nay được chuyển hướng vào một mục tiêu duy nhất đó là an ninh quốc gia tổng thể, việc ngăn chặn và phòng ngừa cũng phải chuyển hướng sang thích ứng và phản ứng linh hoạt hiệu quả trước mọi tình huống, bằng mọi biện pháp và từ mọi điểm tiếp cận. Các trọng tâm chiến lược cho an ninh quốc gia cũng chuyển từ các mục tiêu cụ thể theo thứ bậc ưu tiên, sang việc dịch chuyển liên tục các mục tiêu theo hướng tấn công vào bất kỳ điểm tiếp cận nào có thể làm suy yếu theo hiệu ứng mạng lưới một cách nhanh nhất sức mạnh quốc gia. Những thách thức mới này, do vậy, đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận phức hợp về an ninh và hình thành nên một khái niệm an ninh phi truyền thống mới - trong đó an ninh truyền thống và các vấn đề phi truyền thống hòa nhập thành một tổng thể.
Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi, vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời để lại nhiều bài học quý báu về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân
(LLCT&TT) Đặc điểm lịch sử nổi bật của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân đó là sự lớn mạnh của phong trào quần chúng nhân dân trong mọi cuộc vận động xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp vô sản. Bản thân sự ra đời và phát triển của nền văn hoá văn nghệ mới ở Việt Nam trong giai đoạn cuộc cách mạng dân chủ nhân dân gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng nền văn hoá văn nghệ mới, gắn với những cuộc đấu tranh cách mạng có chiều hướng tiến bộ lịch sử đã tạo điều kiện cho nền văn nghệ nhân dân phát triển hợp qui luật.
Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
Tính thống nhất giữa phát triển con người về mặt tự nhiên và xã hội
Trong lịch sử tiến hóa lâu dài của con người, sự phát triển về mặt tự nhiên và xã hội trong con người có sự thống nhất chặt chẽ, không tách rời. Hai mặt này làm tiền đề cho nhau, nương tựa vào nhau, giúp con người không ngừng hoàn thiện cả thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao khả năng thích nghi với môi trường, thúc đẩy sự phát triển.
Bình luận