Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí
Trọng tâm của chuyển đổi số báo chí
Đích đến của chuyển đổi số báo chí chính là hình thành và vận hành báo chí số. Khái niệm báo chí số (digital journalism) bao hàm cách hiểu rộng về báo chí hoạt động dựa trên nền tảng số, gồm tổng thể các loại hình, không chỉ báo mạng điện tử mà cả truyền hình số và phát thanh số.
Chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí - truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia, ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của công chúng; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số(1).
Chuyển đổi số báo chí là việc triển khai đồng bộ những thay đổi về công nghệ và con người để tái cấu trúc tổng thể cách thức hoạt động, từ đó tạo ra những cơ hội và giá trị mới trong hoạt động báo chí. Từ việc số hóa dữ liệu và quy trình sản xuất sản phẩm, các cơ quan báo chí sử dụng công nghệ số để phân tích, đánh giá và quyết định lựa chọn cách thức vận hành, mô hình kinh doanh phù hợp, đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Trên thực tế hiện nay còn có sự nhầm lẫn “số hóa” với “chuyển đổi số”. Có thể hiểu số hóa là quá trình chuyển đổi các hệ thống lưu trữ dữ liệu báo chí truyền thống sang hệ thống kỹ thuật số, ví dụ chuyển từ dữ liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa phát thanh, truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số... Còn chuyển đổi số lại là một quá trình bao gồm việc khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, từ đó áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn.
Trong chuyển đổi số báo chí, công nghệ số được sử dụng như là công cụ để đổi mới phương thức tác nghiệp, sản xuất và phân phối nội dung theo hướng tối ưu hóa mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí. Đây chính là quá trình ứng dụng công nghệ số vào các khâu trong quy trình vận hành, từ hoạt động sáng tạo và phân phối sản phẩm của cơ quan báo chí đến việc hưởng thụ các sản phẩm báo chí của công chúng.
Ở góc nhìn cụ thể hơn, chuyển đổi số báo chí là đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan báo chí vào môi trường số. Tất cả các khâu trong hoạt động của một cơ quan báo chí đều được số hóa và kết nối, trong đó dữ liệu thông tin là yếu tố trung tâm. Vì thực chất, chuyển đổi số báo chí là nhằm mục đích tạo ra nội dung chất lượng hơn, thích hợp và hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn với thế hệ công chúng số. Trong môi trường truyền thông số với tính siêu kết nối, nền tảng công nghệ số cho phép con người được thỏa mãn đa giác quan theo đa phương thức tiếp nhận, sản phẩm báo chí cũng phải là đa phương tiện, đa dạng thức và tính tương tác với công chúng cao.
Nhìn ở chiều cạnh tổng thể, chuyển đổi số còn là sự thay đổi về văn hóa, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tái tạo, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm. Và như vậy, tư duy tổ chức, vận hành cơ quan báo chí thay đổi theo hướng thúc đẩy tính sáng tạo đáp ứng tính phong phú, kết nối của môi trường truyền thông số là yếu tố quan trọng nhất.
Quá trình chuyển đổi số báo chí hiện nay cho thấy, cần tập trung vào nhận thức về vai trò, sự cần thiết của quá trình chuyển đổi số; nhận thức những khó khăn, hạn chế trong nguồn lực đầu tư của các cơ quan báo chí; những thách thức về nguồn nhân lực cho quá trình chuyển đổi số báo chí, trong khi việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương thành những quy định cụ thể trong các hoạt động chuyển đổi số ở nước ta diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn. Ví dụ, chưa có cơ chế tài chính thích ứng, hay vấn đề bảo hộ các loại tài sản trí tuệ trong kinh tế số, bảo vệ dữ liệu và khai thác dữ liệu người dùng... Để có thể thúc đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, cần có nguồn dữ liệu lớn được kiểm chứng và cơ chế để các cơ quan báo chí kết nối, khai thác nguồn dữ liệu.
Đổi mới nội dung đào tạo báo chí thích ứng với tiến trình chuyển đổi số báo chí
Tầm quan trọng của tư duy trong thúc đẩy chuyển đổi số cũng cho thấy nhân tố trung tâm, cốt lõi của quá trình chuyển đổi số chính là con người. Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, “Chuyển đổi số, trước hết phải nghĩ đến yếu tố con người. Sự đổi mới sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có kỹ năng để sử dụng nó”(2).
Khi đặt ra vấn đề con người là then chốt của quá trình chuyển đổi số báo chí, vấn đề đào tạo báo chí lại trở nên nóng hổi bởi đào tạo báo chí chính là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho tiến trình này. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số, nếu không có chiến lược thích ứng, đào tạo báo chí sẽ lạc hậu, chậm trễ, xa rời thực tế đang biến đổi rất nhanh chóng.
Nếu như đích đến của chuyển đổi số báo chí là hình thành và vận hành báo chí số thì đích đến của đào tạo báo chí trong bối cảnh này là hình thành, tạo lập nguồn nhân lực báo chí số.
Đào tạo báo chí tập trung xây dựng, hình thành, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với tiến trình chuyển đổi số, thông qua:
* Đào tạo báo chí trang bị hệ thống kiến thức báo chí số cho người học.
Ở hệ thống kiến thức này, các giá trị cốt lõi của báo chí là tính khách quan, xác thực, tính thời sự, tính định hướng, tính nhân văn, tính chắt lọc và chiều sâu thông tin được thể hiện, vận dụng sáng tạo trong các dạng thức báo chí đa phương tiện, phân phối trên đa nền tảng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của công chúng trên môi trường số. Xác định báo chí số là sự hội tụ 5 yếu tố: Nội dung số + công nghệ số + công chúng số + kinh tế số + hệ sinh thái số, mỗi yếu tố này đều cần được xây dựng tri thức, phát triển kỹ năng cho người học.
Do vậy, hệ thống các môn học cần được tổ chức lại theo mục tiêu đào tạo mới, giảm đi tính cát cứ giữa các loại hình nhưng đáp ứng yêu cầu chuyên sâu nhóm kỹ năng. Hệ thống tri thức trang bị cho người học được phát triển từ hệ thống tri thức nền tảng truyền thống nhưng được sắp xếp, bổ sung, phát triển các chiều cạnh mới của báo chí số, trên nền tư duy báo chí số. Từ kiến thức về vai trò, chức năng, nguyên tắc hoạt động của báo chí, kiến thức về pháp luật và đạo đức báo chí, công chúng báo chí, đến hệ thống kiến thức loại hình, thể loại, và kiến thức tổ chức mô hình tòa soạn, quy trình sản xuất các sản phẩm báo chí đều được gắn với những đặc tính của môi trường số, trong đó đặc biệt là đặc tính siêu kết nối, siêu tương tác, siêu lưu trữ và tính tích hợp các nền tảng.
Như vậy, kiến thức dành cho người học báo chí số vừa cơ bản, nền tảng, vừa bổ sung, cập nhật, mang tinh thần chuyển đổi gắn với công nghệ - kỹ thuật số, tạo điều kiện để người học phục vụ một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, thích ứng theo sự phát triển của công nghệ trong khi giữ vững và phát huy các giá trị nền tảng, cốt lõi. Bởi công nghệ dù phát triển đến đâu, các giá trị nhân văn, giá trị chính trị - tư tưởng mà báo chí mang lại thực sự không thể thay thế trong đời sống xã hội. Chuyển đổi số báo chí “nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của công chúng; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”(3).
* Đào tạo báo chí hình thành hệ thống kỹ năng báo chí số cho người học
Đó là nhóm các kỹ năng làm việc trong tòa soạn số với mô hình quản lý nội dung, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung, kinh doanh, từ đó tối ưu hóa quản trị tòa soạn số. Đó còn là nhóm kỹ năng sáng tạo, sản xuất tác phẩm, sản phẩm báo chí số gắn liền với sử dụng công nghệ số, truyền tải đa phương tiện, cho đa nền tảng, làm việc với dữ liệu lớn, kỹ năng khai thác, kiểm chứng, bảo mật thông tin số, kỹ năng sử dụng AI trong tác nghiệp báo chí, kỹ năng sử dụng mạng xã hội trong thu thập thông tin, sáng tạo, sản xuất sản phẩm và tương tác với công chúng, phát triển mạng lưới tương tác...
Kỹ năng gắn với thực hành trong hệ thống các môn học và các hoạt động ngoại khóa. Vậy nên, cơ sở đào tạo báo chí cần có mô hình tổ chức hoạt động thực tiễn sinh động cùng hệ thống trang thiết bị cho phép người học thực hiện sự kết nối, tương tác, lưu trữ, đa nền tảng, đa phương tiện của báo chí số. Sự phối hợp tổ chức sản xuất các dòng sản phẩm thực hành với các cơ quan báo chí, đặc biệt là những cơ quan có mô hình vận hành báo chí số hiệu quả, có tầm ảnh hưởng sẽ tạo ra sự gắn kết, tương hỗ, chia sẻ lẫn nhau, qua đó cơ sở đào tạo có thể cung cấp nguồn nhân lực tiềm năng, có thể từng bước tham gia vào các mắt xích của hoạt động thực tiễn, đồng thời cơ sở đào tạo có thể bổ trợ, tôi rèn, hoàn thiện thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh, thái độ cho người học trong sự dịch chuyển vô cùng năng động của môi trường truyền thông số.
* Hình thành thái độ cho người học
Đó là hệ thái độ kết nối, tư duy trên đa nền tảng, cầu thị và học hỏi, nắm bắt, cập nhật công nghệ mới, coi trọng công nghệ nhưng luôn chú trọng các giá trị cốt lõi của báo chí, gắn liền với đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà báo. Người học định vị được vị trí của công nghệ - kỹ thuật hiện đại trong hoạt động báo chí, định vị được các dòng chảy thông tin trên môi trường số và định vị các giá trị cốt lõi của báo chí mà mình cần sử dụng các công cụ, nền tảng công nghệ để tôn lên. Hệ thái độ phù hợp tạo nên tư thế tác nghiệp chuyên nghiệp, tư cách làm nghề đúng đắn của nhà báo khi vươn ra sự rộng lớn, đa chiều của môi trường truyền thông số.
Một số đề xuất đối với cơ sở đào tạo báo chí
Theo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhà báo; hỗ trợ phát triển nền tảng số quốc gia cho báo chí. Tuy nhiên, tiến trình lâu dài đó đòi hỏi phải xây dựng được nguồn nhân lực toàn diện, có đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí, phát triển báo chí số ở Việt Nam. Các cơ sở đào tạo báo chí có vai trò, trách nhiệm thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ này.
Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ, hệ thống về báo chí số. Bởi chỉ khi có nhận thức mang tính hệ thống và toàn diện về báo chí số mới có thể xác định rõ sự thay đổi nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, ứng dụng công nghệ, đầu tư trang thiết bị để quá trình dạy học thích ứng với bối cảnh mới.
Cần nhận thức rằng, chuyển đổi số báo chí không chỉ là ứng dụng công nghệ hiện đại mà là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí, từ mô hình tổ chức tòa soạn, cách thức vận hành bộ máy, quy trình sản xuất, sáng tạo nội dung, tổ chức hình thức, phương thức chuyển tải, phân phối và kinh doanh sản phẩm báo chí... Trải qua hơn 30 năm chuyển đổi số từ khi tờ báo mạng điện tử đầu tiên ra đời năm 1992 - tờ Chicago Tribune (Mỹ), báo chí đang ở giai đoạn số hóa (digitization), và đã xuất hiện những hiện tượng mới như báo chí dữ liệu (data journalism), báo chí di động (mobile journalism), báo chí xã hội (social journalism), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong báo chí, báo chí nhúng (immersive journalism) gắn với ứng dụng của công nghệ thực tại ảo (virtual reality)... Nắm bắt được đúng mạch chuyển của báo chí sẽ giúp cho đội ngũ nhà quản lý cơ sở đào tạo báo chí và giảng viên đổi mới nội dung, phương pháp, thích ứng cao với thực tiễn.
Thứ hai, phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu. Đây là chủ thể của hoạt động đào tạo, họ nắm giữ vai trò quyết định trong triển khai nội dung và phương pháp dạy học hiện đại, hiệu quả. Bởi vậy, điều quan trọng là đội ngũ giảng viên vừa có hiểu biết sâu sắc về chuyển đổi số báo chí, đồng thời nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số để đổi mới giảng dạy một cách toàn diện, không chỉ trong cách thức soạn bài giảng, cách triển khai nội dung và phương pháp giảng dạy mà còn quan tâm đến đổi mới cách tương tác với người học trong chương trình đào tạo báo chí thích ứng chuyển đổi số.
Thứ ba, cơ sở đào tạo báo chí cần đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng và công nghệ cho đào tạo báo chí số. Việc ứng dụng sâu rộng công nghệ số vào trong hoạt động đào tạo báo chí là thiết yếu để phát triển trong sự thay đổi nhanh chóng của môi trường truyền thông hiện nay. Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và công nghệ có ý nghĩa quan trọng vì các sản phẩm đào tạo báo chí số là sản phẩm gắn với công nghệ thông tin. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật không chỉ là các phòng thu, trường quay với các thiết bị, phần cứng, máy móc mà còn là phần mềm chuyên dụng phục vụ chuyên biệt cho sản xuất sản phẩm báo chí cho các nền tảng khác nhau. Có thể xã hội hóa nguồn tài chính đầu tư thiết bị phục vụ đào tạo, xây dựng đề án, kêu gọi các nhà đầu tư, liên kết với các nhà mạng, các nhà thầu dịch vụ truyền thông số.
Việc quản lý khai thác cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của cơ sở đào tạo báo chí cần được coi trọng, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành, bảo dưỡng, đảm bảo phục vụ tốt cho thực hành sản xuất sản phẩm báo chí số.
Thứ tư, cần tăng cường ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý, điều hành công việc. Cần sử dụng các ứng dụng phục vụ công tác quản lý, các ứng dụng phục vụ chuyên môn. Cần xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của cơ sở đào tạo báo chí, thực hiện quy chế chia sẻ thông tin qua hệ thống mạng giữa các phòng, ban, khoa, viện trực thuộc. Thực hiện đồng bộ việc chia sẻ, lưu chuyển, cung cấp các văn bản thông qua hệ thống quản lý dữ liệu số, ứng dụng chứng thực số, chữ ký số..., đồng bộ số hóa dữ liệu trong các hoạt động của cơ sở đào tạo báo chí.
Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu đào tạo báo chí số. Thực tế cho thấy, để chất lượng hoạt động đào tạo được đảm bảo, cần có những nghiên cứu khoa học đủ tầm vóc, có chiều sâu, có tính cập nhật, tạo cơ sở dữ liệu, chất liệu nội dung cho các bài giảng, các chuyên đề. Đặc biệt, trong bối cảnh vận động, biến đổi nhanh chóng của môi trường truyền thông số, các nghiên cứu, khảo sát thực tiễn cập nhật, bài bản, đảm bảo tính khoa học sẽ tạo ra nguồn tri thức mới mẻ, đáng tin cậy, có sức thuyết phục phục vụ cho hoạt động đào tạo. Giảng viên đồng thời là nhà khoa học, từ quá trình nghiên cứu của mình, làm chủ tri thức, phương pháp, mang những phát hiện khoa học mới, những luận điểm đã được đúc kết để không ngừng làm giàu nội dung giảng dạy báo chí chuyển đổi số./.
________________________________________________
(1) Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
(2) https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-truoc-het-phaitap-trung-vao-yeu-to-con-nguoi-post693101.html.
(3) Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
2. PGS, TS Vũ Văn Hà (2021),
3. https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/bao-chi-truyen-thong-trong-xu-the-chuyen-doi-so-137238Nguyễn Văn Dững (2011), Báo chí truyền thông hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. https://nhandan.vn/science-news/chuyen-doi-so-bao-chi-viet-nam-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-700892
5. https://nhandan.vn/bao-chi-so-nhin-lai-30-nam-nghien-cuu-va-trien-vong-phia-truoc-post700913.html
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí điện tử Người làm báo ngày 28/10/2024
Bài liên quan
- Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
- Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay
- Ứng dụng truyền thông sáng tạo trong quảng bá di sản văn hóa tại Việt Nam
- Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua báo điện tử VietnamPlus
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước
- 4 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 5 Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
- 6 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo vĩ đại, tấm gương sáng ngời để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ truyền thông, báo mạng điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, báo chí truyền thống đứng trước cơ hội và thách lớn. Báo chí nước ta là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài viết sau đây trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, đồng thời hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận và báo chí của Đảng, đáp ứng yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí
Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí
Chuyển đổi số báo chí là sự thay đổi toàn diện, cả về phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, kỹ năng sáng tạo và truyền tải thông tin báo chí, đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức, thái độ từ các nhà lãnh đạo đến mỗi nhà báo trong các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số cũng là điều kiện phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ... Quá trình đó cũng tác động sâu sắc và toàn diện đến hoạt động đào tạo báo chí để tạo dựng nguồn nhân lực thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.
Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Sự phát triển của công nghệ số đã và đang tạo ra nhiều sự đổi mới trong lĩnh vực truyền thông. Các phương tiện truyền thông mới được công chúng đón nhận theo các mức độ khác nhau. Trong đó phải kể đến các mạng xã hội với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu lớn và vạn vật kết nối mạng lại nhiều điều mới mẻ. Do tính chất cộng đồng của mạng xã hội, người sử dụng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thông qua dữ liệu, sự tương tác, quyền sở hữu thông tin và hành vi trong cộng đồng mạng. Bài viết tiến hành nghiên cứu những tính năng, đặc thù của Web 3.0 để từ đó nhận diện đặc trưng của một số phương tiện truyền thông mạng xã hội mới, đã và đang tạo ra trào lưu và xu hướng hiện nay.
Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ như hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất chương trình truyền hình đang trở nên ngày càng được quan tâm. Công nghệ AI tăng khả năng tổng hợp, phân tích dữ liệu và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành báo chí, truyền hình. Các đơn vị sản xuất truyền hình hiện nay đang phải nhanh chóng thích ứng với môi trường số, chuyển từ sản xuất truyền thống sang các quy trình hiện đại và hiệu quả hơn. Công nghệ AI không chỉ mang lại tốc độ và hiệu quả trong sản xuất chương trình truyền hình mà còn mở ra cơ hội sáng tạo và thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo từ người làm báo chí.
Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay
Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay
Xuất bản là một ngành đặc thù khi tính chính trị, văn hóa tư tưởng, truyền thông đại chúng đan xen với hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm. Người làm xuất bản vừa phải đáp ứng mục tiêu chính trị, vừa giải quyết các bài toán về kinh tế. Trong giai đoạn phát triển cách mạng công nghệ 4.0 cùng sự thay đổi nhu cầu của thị trường cũng khiến cho ngành xuất bản xuất hiện những xu thế mới mà người dạy và học ngành xuất bản cần nhìn nhận và có những thay đổi thích hợp trong hoạt động đào tạo.
Bình luận