Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực báo chí - truyền thông
1. Chuyển đổi số trong lĩnh vực BC-TT
Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc tích hợp sự biến đổi không ngừng của công nghệ và kỹ thuật số vào việc giải quyết các vấn đề, từ đó gia tăng hiệu quả vận hành, hướng tới những đối tượng mục tiêu khác nhau và tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, thay đổi mọi mặt của tổ chức. Đây là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất của mỗi cá nhân, tổ chức và tiến tới là toàn xã hội dựa trên công nghệ số(1). Khái niệm này ra đời và trở nên phổ biến trong thời đại bùng nổ Internet, đặc biệt mô tả đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện trong cách thức hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp ở tất cả những khía cạnh như cung ứng, sản xuất, hợp tác, mối quan hệ khách hàng hoặc thậm chí là tạo ra những doanh nghiệp mới với cách thức hoạt động mới hoàn toàn.
Các tổ chức, đơn vị trong các lĩnh vực khác nhau đang áp dụng công nghệ kỹ thuật số cho các mục đích khác nhau. Có những mô hình đánh giá hiệu quả chuyển đổi số qua các yếu tố sau đây: chiến lược năng động (có thể thay đổi liên tục), khai thác tất cả các nguồn lực sẵn có (con người, công nghệ) và đo lường định lượng mức độ thành công của quá trình chuyển đổi số (xác định các mục tiêu có thể đo lường và đạt được)(2). Vai trò của các cá nhân tham gia trong quá trình chuyển đổi số của tổ chức là vô cùng quan trọng.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong xây dựng chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế”(3). “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 với các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%...(4). Điều này chứng tỏ, xu hướng chuyển đổi số là không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển hiện nay của thế giới và Việt Nam.
Sự bùng nổ công nghệ, đặc biệt sự ra đời của Internet đã cách mạng hóa cách thức thu thập, sản xuất, lưu trữ, phân phối thông tin, thay đổi khối lượng và tốc độ phát tán của các luồng thông tin trên khắp thế giới, và tạo ra một thế giới phẳng với biển thông tin đa dạng. Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 72 triệu vào tháng 1/2021, tương đương 73,7% tổng dân số(5).
Chỉ cần một thiết bị di động và kết nối Internet, mỗi người dùng - “nhà báo công dân” đều có khả năng đăng tải, cập nhật và lan tỏa thông tin trên mạng xã hội. Họ có thể sáng tạo ra sản phẩm báo chí dưới nhiều hình thức: video, mẩu tin, ảnh hiện trường..., hoặc tham gia vào quá trình sản xuất báo chí, hay quá trình phát hành báo chí bằng nhiều công cụ khác nhau. Bên cạnh những giá trị về tăng cường kết nối, chia sẻ, tiếp cận thông tin, tạo ra một “ngôi làng toàn cầu” thì cũng tạo ra sự hỗn loạn thông tin với nhiều hệ lụy đối với xã hội. Vấn nạn tin giả, xấu, độc đang làm ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người tiếp nhận thông tin, làm cho nhiều người trong số họ có cách nhìn thiên lệch, gây chia rẽ và để lại những “vết sẹo” trong xã hội.
Với tư cách là một ngành năng động, bám sát sự phát triển của thời cuộc, BC-TT đang chuyển đổi mình, tích hợp công nghệ số, thay đổi toàn diện từ nội dung đến cách thức thực hiện nhằm góp phần thay đổi thói quen và đáp ứng nhu cầu của công chúng mục tiêu. Về phía sản xuất, những người làm BC-TT ngày càng tích hợp nhiều kỹ năng mới để có thể tương tác tích cực với công chúng trong quá trình đồng sáng tạo, đồng sản xuất(6).
Về mặt tiếp nhận, công chúng trong thời kỳ truyền thông kỹ thuật số tiêu thụ nội dung trực tuyến bằng nhiều thiết bị khác nhau, đòi hỏi nhà sản xuất phải cân nhắc tới các định dạng, kỹ thuật tương ứng. Từ thực tiễn sinh động trên thế giới, cơ quan BC-TT nào hiểu đúng bản chất thời cuộc, sớm có những định hướng bài bản và giữ được bản sắc của mình trong quá trình chuyển đổi số thì sẽ có cơ hội đi trước đón đầu, tăng sự phủ sóng trong thị trường và chiếm được lượng công chúng của mình trong tương lai.
Nguồn nhân lực là yếu tố đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Một nghiên cứu với nhiều tòa soạn lớn ở Mỹ đã chỉ ra rằng các nhà báo tích hợp đa kỹ năng đang được săn đón nhiều hơn khi các tòa soạn đang thực hiện quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và mô hình kinh doanh(7).
Cụ thể, trong 4 nhóm kỹ năng (các kỹ năng truyền thống, các kỹ năng sáng tạo, các kỹ năng thích ứng và các kỹ năng giao tiếp), mặc dù nhu cầu tuyển dụng của các tòa soạn lớn vẫn thiên về các kỹ năng truyền thống, đặc biệt là kỹ năng viết, nhưng nhu cầu về các kỹ năng sáng tạo, đặc biệt là các kỹ năng đa phương tiện là yêu cầu của bất kể loại hình báo chí nào.
Các kỹ năng sáng tạo khác, bao gồm xuất bản sản phẩm đa phương tiện trên mạng xã hội, phát triển web, phân tích nội dung và đối tượng công chúng cũng như việc sử dụng ngôn ngữ lập trình Python cũng thường xuyên được yêu cầu. Phát hiện này cũng chỉ ra rằng, trong xu hướng chuyển dịch sang môi trường truyền thông tập trung vào công chúng, khi mà họ có nhiều kênh để tìm kiếm thông tin như là mạng xã hội thì các kỹ năng thúc đẩy sự tương tác giữa công chúng với BC-TT cũng đặc biệt được chú trọng. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra các nhà báo ngày càng được kỳ vọng sẽ thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ và vai trò khác nhau(8).
Chuyển đổi số còn thể hiện ở các hoạt động mang tính cốt lõi của tòa soạn, đó là sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động cũng như tư duy, ý chí và cam kết thay đổi của lãnh đạo các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới và ở Việt Nam đã có các hành động cụ thể như: xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm; tăng cường sự tham gia và tương tác của công chúng...
Với mô hình tòa soạn hội tụ ưu tiên báo điện tử và kênh thông tin số, cơ cấu tòa soạn được thay đổi hoàn toàn, phóng viên là đa năng, viết cho tất cả loại hình. Điển hình nhất là tòa soạn Daily Telegraph (Anh) rất tích cực trong việc xây dựng tòa soạn hội tụ và cho “ra đời” nhiều sản phẩm truyền thông hội tụ. Khi đưa tin về một sự kiện, tòa báo này sử dụng cùng lúc nhiều hình thức: bài viết, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa… đồng thời còn liên kết đến các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin một cách đầy đủ và có hệ thống, giúp công chúng tiện theo dõi và dễ nắm bắt thông tin. Nhiều tòa soạn lớn trên thế giới đã dần phát triển theo mô hình tích hợp các nền tảng truyền thông khác nhau như: New York Times (Mỹ), Osterreich (Áo), Expressen (Thụy Điển)...
Ở Việt Nam, báo điện tử VietnamPlus là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số với việc ứng dụng các công nghệ mang tính mở đường trong lĩnh vực BC-TT, như sử dụng Chatbot nhằm tương tác với độc giả, bên cạnh những sản phẩm đột phá như RapNewsPlus, Timeline, NewsGame, Podcast… VietnamPlus cũng là đơn vị tiên phong thực hiện việc thu phí nội dung chất lượng cao tại Việt Nam, kỳ vọng việc thu phí sẽ hỗ trợ báo trong nỗ lực chuyển đổi người dùng từ những độc giả thông thường thành độc giả trả phí(9).
2. Thời cơ, thách thức trong chuyển đổi số trong đào tạo BC-TT
Sự thành công của các nền tảng học tập như Coursera, AcademyX..., các kho dữ liệu như ResearchGate, JSTOR... cho thấy “giáo dục số” hoàn toàn có đủ điều kiện và tiềm năng để trở thành tương lai của giáo dục, đặc biệt là giáo dục cấp đại học. Chuyển đổi số trong ngành giáo dục, nghĩa là việc áp dụng công nghệ số, dựa vào mục đích, cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục và được ứng dụng dưới 3 hình thức chính: ứng dụng công nghệ trong lớp học (cơ sở vật chất lớp học, công cụ giảng dạy); ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học (áp dụng các xu hướng giáo dục công nghệ như Lớp học thông minh, Game hóa (Gamification), Lập trình… vào giảng dạy); và ứng dụng công nghệ trong quản lý (công cụ quản lý và vận hành).
Đại dịch Covid-19 là một cú hích khiến các cơ sở đào tạo, từ các trường phổ thông đến các trường đại học dịch chuyển nhanh sang môi trường số. Nếu trước đây người học chỉ có thể học một cách thụ động qua các nền tảng như Youtube thì hiện nay các nền tảng như Zoom, Microsoft Teams… ngày càng khiến việc học tập trực tuyến dễ dàng hơn, có tính tương tác cao và trải nghiệm học tập ngày càng được cải thiện. Trong vài năm tới với sự phát triển của các công nghệ như 5G, AR/VR trải nghiệm học tập sẽ được đẩy lên một cấp độ lớn, thậm chí sẽ tạo ra nhiều hình thái đào tạo mới và trải nghiệm học tập trực tuyến được tái tạo giống như học trên một lớp học trực tiếp. Việc học tập trên các nền tảng số như Zoom, Microsoft Teams, hay hệ thống LMS như Canvas, Blackboard càng cho thấy xu hướng flip training là tất yếu, theo đó vai trò của giảng viên đã thay đổi, từ việc giảng dạy trực tiếp và người học là bên tiếp nhận tri thức thụ động sang vai trò hướng dẫn thúc đẩy người học tự học, tự nghiên cứu...(10).
Hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định và triển khai các hoạt động nhằm tăng cường năng lực, tạo cơ sở thuận lợi cho chuyển đổi số trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời ban hành nhiều văn bản liên quan đến triển khai đào tạo, đánh giá từ xa và đảm bảo chất lượng nhằm ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển nguồn học liệu điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu của phương thức này. Các khía cạnh đánh giá như hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến cũng đã được đề cập. Đặc biệt, các thông tư mới ban hành trong năm 2021 đã cho phép đào tạo trực tuyến trong đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ(11).
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, giảng viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao, an toàn, dễ sử dụng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho người dạy, người học và hệ thống phục vụ, quản lý của các nhà trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học(12).
Bên cạnh đó, theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, các cơ quan báo chí sẽ đổi mới toàn diện hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Báo chí tận dụng quá trình số hoá để có những sản phẩm báo chí chất lượng, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)… để tạo ra các trải nghiệm hấp dẫn cho công chúng, lan tỏa và chiếm thế thượng phong trên không gian thực và không gian mạng, trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng trong đời sống xã hội(13).
Đây là điều kiện thiết yếu và nền tảng quan trọng để phát triển môi trường giáo dục, đào tạo BC-TT, có những chính sách quan trọng để phát triển, cải tiến môi trường, hạ tầng và các trang thiết bị. Với một lĩnh vực đòi hỏi sự thích ứng và chuyển động cao, các cơ sở đào tạo BC-TT được kỳ vọng là nhanh chóng tiếp cận với xu hướng số hóa, chuyển đổi số của cả nền giáo dục nói chung.
Trước hết là những thay đổi về các yếu tố đầu vào. Việc chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo BC-TT chỉ có thể thực hiện được khi toàn bộ đầu vào cho quá trình giáo dục phải được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu (tài liệu, giáo trình, bài giảng…) và dữ liệu về người học để thực hiện quy trình quản lý và đánh giá quá trình, kết quả học tập. Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là số hoá các nguồn tài liệu mà còn bao gồm việc chuyển đổi phần cứng như trang thiết bị, cơ sở vật chất và việc quản trị các nguồn lực dành cho giáo dục, đào tạo cũng thay đổi.
Thứ hai, chuyển đổi số làm cho quá trình giáo dục đào tạo BC-TT có những thay đổi căn bản, từ cách thức thực hiện, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học trên không gian số, đến khai thác công nghệ thông tin để tổ chức và triển khai phương pháp giảng dạy, linh hoạt trong vận dụng và sử dụng các tính năng của thiết bị sao cho việc giảng dạy đạt kết quả kỳ vọng. Các giảng viên và sinh viên sử dụng linh hoạt các nền tảng học tập điện tử tương tác và các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter và Instagram để việc dạy và học được tốt hơn.
Toàn bộ dữ liệu về quá trình học tập của sinh viên cũng được theo dõi và lưu trữ bằng công nghệ chứ không phải thông qua hệ thống hồ sơ sổ sách thông thường. Công việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và ứng dụng các kiến thức về khoa học xã hội, các triết lý giáo dục mới vào thiết kế nội dung cũng như công cụ thực hiện giảng dạy, tận dụng thế mạnh của công nghệ để thực hiện cá nhân hoá chương trình đào tạo.
Tiếp đó, về kết quả đầu ra, chuyển đổi số đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện trong quá trình giáo dục, kể cả đánh giá kết quả đào tạo. Không chỉ kết quả đánh giá được số hoá, mà quá trình đánh giá và lưu trữ kết quả cũng phải được triển khai, thực hiện bằng ứng dụng công nghệ trên máy tính.
Cuối cùng là môi trường giáo dục, cần có hệ thống chính sách cấp vĩ mô và cấp cơ sở giáo dục phù hợp để khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số; công nhận tính hợp pháp của đào tạo trực tuyến với hệ thống các công cụ giám sát, quản lý và đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, có rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc tạo ra những thay đổi đáng kể và bền vững trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực BC-TT.
Thách thức đầu tiên đến từ mức độ sẵn sàng chuyển đổi số. Không phải cơ quan đào tạo BC-TT nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị hiện đại.
Thách thức thứ hai là các cơ sở đào tạo BC-TT có theo kịp các xu hướng, định dạng truyền thông mới. Truyền thông ngày càng gắn với dữ liệu và phân tích dữ liệu hơn. Hành vi của người học, nhất là thế hệ Zen Z và sau Zen Z ngày càng khó nắm bắt, ví dụ, để tương tác tốt với sinh viên, nhà trường có phải xuất hiện trên Tiktok, Instagram... không? “Không phải bàn cãi rằng công nghệ sẽ ngày càng tiến hóa hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là hành vi của người học đang thay đổi rất nhanh và trong nhiều trường hợp các cơ sở đào tạo vẫn chưa kịp thích ứng với sự thay đổi này”(14).
Thách thức thứ ba là về nguồn nhân lực (cả người dạy và người học). Chuyển đổi số hiệu quả trong công tác đào tạo đòi hỏi sự thay đổi tư duy của các cấp quản lý, đội ngũ giảng viên để thích ứng với bối cảnh mới, hành vi và nhu cầu mới của người học. Ví dụ, một bộ phận giảng viên không kịp thay đổi, chỉ đơn giản là đưa kế hoạch bài giảng, bài giảng từ môi trường vật lý lên môi trường số, không hề có sự thay đổi về cách soạn bài giảng hay cách tương tác với sinh viên. Ở một khía cạnh khác, với một lĩnh vực, ngành nghề đòi hỏi sự thích ứng với công nghệ - kỹ thuật cao, làm sao để giữ chân được giảng viên giỏi, đồng thời thu hút được đầu vào chất lượng cao để đào tạo một nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng sẵn sàng tham gia vào môi trường BC-TT sôi động nhưng cạnh tranh khốc liệt là yếu tố thiết yếu.
3. Một số giải pháp để chuyển đổi số trong đào tạo BC-TT
Trong thời gian sắp tới, để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, mượt mà, thay đổi cả về tổ chức, hoạt động và tư duy của người dạy và người học, các cơ sở đào tạo BC-TT cần tập trung thực hiện các hành động sau đây:
Một là, phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thông suốt về tư tưởng và quyết tâm, hợp lực thực hiện chuyển đổi số.
Hai là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có kiến thức, kỹ năng cần thiết về công nghệ thông tin, an toàn thông tin để làm việc trên môi trường số; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Ba là, đổi mới chương trình đào tạo trong đó tích hợp nhiều học phần, đảm bảo đầu ra là những nhà hoạt động BC-TT có bản lĩnh chính trị, đạo đức, thực hiện được nhiều nhiệm vụ và kỹ năng tốt. Để quá trình đào tạo đạt hiệu quả cao, các chương trình đào tạo BC-TT cần cân bằng giữa khối kiến thức nền tảng, lý thuyết và kỹ năng thực hành. Trước khi thực hành nghề, các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp phải được đào tạo căn bản, dần dần đào tạo nâng cao, bổ sung và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới. Nếu chương trình đào tạo hàn lâm, người học sẽ thiếu kiến thức thực tế và tốn thêm thời gian tích hợp kỹ năng sau khi ra trường. Nếu chương trình học chỉ đào tạo kỹ năng, người học sẽ thiếu kiến thức nền tảng, kiến thức xã hội và đặc biệt là phương pháp luận, phương pháp phân tích và giải quyết vấn đề dẫn đến có thể viết những bài sáo rỗng, không có chiều sâu và góc nhìn riêng.
Các chuyên gia truyền thông không hạ thấp tầm quan trọng của các kỹ năng “truyền thống” như đưa tin, viết, hiểu biết về lịch sử, luật pháp, đạo đức và hiểu biết về tin tức(15) trong quá trình số hóa báo chí nhưng cũng nhiều người tin rằng “các nhà báo trong thời đại mới nên được trang bị toàn bộ các kỹ năng, cả truyền thống và kỹ thuật số”(16).
Trong xu hướng hội tụ của các tòa soạn trên khắp thế giới, nhà báo phải tiếp cận với các kỹ năng BC-TT mới để đưa tin phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của công chúng, sẵn sàng sử dụng thiết bị di động để tạo ra các nội dung phù hợp với điện thoại thông minh, máy tính bảng; tập trung vào kỹ năng viết, kỹ năng làm video (biết quay, xử lý và đưa video lên mạng), biết ghi âm và chỉnh sửa các file âm thanh, thực hiện báo chí dữ liệu, tương tác với công chúng, thiết kế web và phân tích website (đo lường, thu thập, phân tích và báo cáo dữ liệu web nhằm mục đích hiểu và tối ưu hóa việc sử dụng web)(17). Trong số những kỹ năng này, kỹ năng sử dụng, “biến” những dữ liệu phức tạp thành những câu chuyện hấp dẫn, dễ hiểu bằng hình ảnh là một kỹ năng quan trọng mà nhiều hãng truyền thông săn đón. Đồng thời, mỗi thành viên của tòa soạn không phải là những cá nhân chuyên biệt mà phải làm việc theo nhóm. Điều này cần phải được chuẩn bị tốt cho người hành nghề ngay từ khi còn học trên giảng đường đại học.
Bốn là, triển khai các hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS - learning management system) tiên tiến để toàn bộ đội ngũ giảng viên, cán bộ làm quen với các công nghệ, công cụ số hỗ trợ giảng dạy trực tuyến hiệu quả; thực hiện số hóa triệt để dữ liệu người dạy và học, kể cả kiểm tra, đánh giá và phản ánh quá trình quản lý sinh viên trực tiếp trên môi trường mạng; hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn cũng được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng.
Năm là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, nâng cấp những thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy - học, tạo cơ hội học tập bình đẳng.
Sáu là, thúc đẩy phát triển học liệu số cho việc dạy - học, đáp ứng nhu cầu tự học; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, liên kết với quốc tế, khuyến khích học tập suốt đời. Học tập, nghiên cứu cũng chỉ là một phần trong toàn bộ hành trình của sinh viên khi theo học một trường đại học nào đó. Thời gian của sinh viên cho các hoạt động ngoại khóa, cộng đồng cũng chiếm phần khá quan trọng trong hành trình của mỗi sinh viên. Giống như các doanh nghiệp, các trường đại học cần quan tâm đến hành trình khách hàng (customer journey) của sinh viên và cố gắng tạo ra những trải nghiệm tốt cho sinh viên trên hành trình của họ.
Bảy là, triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà tuyển dụng, nhà trường, giảng viên, sinh viên; tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với các doanh nghiệp, tạo ra các trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận với các công nghệ mới trong BC-TT.
Như vậy, để đáp ứng các yêu cầu của thời đại mới trong bối cảnh số, các cơ sở đào tạo BC-TT sẽ phải chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện./.
____________________________________________________
(1) Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Cẩm nang chuyển đổi số.
(2) J. Bughin, T. Catlin, and L. LaBerge, “A winning operating model for digital strategy,” McKinsey&Company, 2019, https://www.mckinsey.com/business-functions/digital-mckinsey/our-insights/awinning-operating-model-for-digital-strategy?
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, T.2, tr.335.
(4) https://moit.gov.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/chuyen-doi-so-giup-doanh-nghiep-co-suc-chong-chiu-tot-hon.html
(5) https://ecommage.com/toan-canh-digital-tai-viet-nam/
(6) Malmelin, Nando, and Mikko Villi. 2016. “Audience Community as a Strategic Resource in Media Work.” Journalism Practice 10 (5): 589–607. doi: 10.1080/17512786.2015.1036903
(7) Guo, L., & Volz, Y. (2019). (Re)defining Journalistic Expertise in the Digital Transformation: A Content Analysis of Job Announcements. Journalism Practice, 1-22. doi:10.1080/ 17512 786.2019.1588147
(8) Bakker, Piet. 2014. “Mr. Gates Returns: Curation, Community Management and Other New Roles for Journalists.” Journalism Studies 15 (5): 596–606. doi:10.1080/ 1461670X. 2014. 901783.
(9) https://vtv.vn/xa-hoi/vietnamplus-insider-hop-tac-thuc-day-chuyen-doi-so-trong-bao-chi-20210106123023139.htm
(10), (14) Phỏng vấn TS Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
(11) https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx? Item ID=7502
(12) http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=445274
(13) https://kiemsat.vn/phan-dau-den-nam-2030-100-co-quan-bao-chi-thuc-hien-chuyen-doi-so-62383.html
(15) Lynch, D. (2015). Above & beyond—Looking at the future of journalism education. Miami, FL: Knight Foundation.
(16) Finberg, H. (2014a). Journalism needs the right skills to survive. Poynter Institute. Retrieved from https://www.poynter.org/news/journalism-needs-right-skills-survive
(17) Finberg, H. (2014b). New newsroom training report shows gaps, some progress. Retrieved from https://www.poynter.org/news/new-newsroom-training-report-shows-gaps-some-progress
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 1/2022
Bài liên quan
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí
- Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
- Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay
- Ứng dụng truyền thông sáng tạo trong quảng bá di sản văn hóa tại Việt Nam
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xây dựng mô hình tự quản trong phương pháp quản lý lưu học sinh nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và lý luận chính trị có uy tín trên cả nước. Bởi vậy, việc liên kết đào tạo về các lĩnh vực này không chỉ được thực hiện ở các đơn vị đào tạo trong nước mà còn được thực hiện cả ở sự liên kết đào tạo quốc tế. Hàng năm, Học viện đón tiếp một lượng lớn sinh viên quốc tế theo học ở các bậc cử nhân, cao học và nghiên cứu sinh. Do vậy, công tác quản lý sinh viên quốc tế là công tác quan trọng và có tính đặc thù. Công tác này để đạt hiệu quả tốt không chỉ thuộc về phương pháp và trách nhiệm của các đơn vị trong học viện mà còn phụ thuộc vào chính năng lực tự quản của các em. Tuy nhiên, để sự tự quản được thực hiện có chất lượng cần thực hiện trên nguyên tắc: Học viện định hướng – phòng Quản lý Ký túc xá xây dựng phương pháp và giám sát – lưu học sinh tự quản. Với nguyên tắc trên, phòng Quản lý ký túc xá đã thu được những thành công nhất định. Bài viết này trình bày những kinh nghiệm đã thu được trong qua trình xây dựng mô hình tự quản trong tập thể lưu học sinh nước ngoài tại học viện.
Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí
Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí
Chuyển đổi số báo chí là sự thay đổi toàn diện, cả về phương thức hoạt động, mô hình tổ chức, kỹ năng sáng tạo và truyền tải thông tin báo chí, đòi hỏi sự thay đổi về nhận thức, thái độ từ các nhà lãnh đạo đến mỗi nhà báo trong các cơ quan báo chí. Chuyển đổi số cũng là điều kiện phát triển báo chí dựa trên mô hình hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ... Quá trình đó cũng tác động sâu sắc và toàn diện đến hoạt động đào tạo báo chí để tạo dựng nguồn nhân lực thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số.
Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Một số phương tiện truyền thông mới trên nền tảng web 3.0 hiện nay
Sự phát triển của công nghệ số đã và đang tạo ra nhiều sự đổi mới trong lĩnh vực truyền thông. Các phương tiện truyền thông mới được công chúng đón nhận theo các mức độ khác nhau. Trong đó phải kể đến các mạng xã hội với các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu lớn và vạn vật kết nối mạng lại nhiều điều mới mẻ. Do tính chất cộng đồng của mạng xã hội, người sử dụng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thông qua dữ liệu, sự tương tác, quyền sở hữu thông tin và hành vi trong cộng đồng mạng. Bài viết tiến hành nghiên cứu những tính năng, đặc thù của Web 3.0 để từ đó nhận diện đặc trưng của một số phương tiện truyền thông mạng xã hội mới, đã và đang tạo ra trào lưu và xu hướng hiện nay.
Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ như hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất chương trình truyền hình đang trở nên ngày càng được quan tâm. Công nghệ AI tăng khả năng tổng hợp, phân tích dữ liệu và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, thúc đẩy sự chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành báo chí, truyền hình. Các đơn vị sản xuất truyền hình hiện nay đang phải nhanh chóng thích ứng với môi trường số, chuyển từ sản xuất truyền thống sang các quy trình hiện đại và hiệu quả hơn. Công nghệ AI không chỉ mang lại tốc độ và hiệu quả trong sản xuất chương trình truyền hình mà còn mở ra cơ hội sáng tạo và thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo từ người làm báo chí.
Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay
Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay
Xuất bản là một ngành đặc thù khi tính chính trị, văn hóa tư tưởng, truyền thông đại chúng đan xen với hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm. Người làm xuất bản vừa phải đáp ứng mục tiêu chính trị, vừa giải quyết các bài toán về kinh tế. Trong giai đoạn phát triển cách mạng công nghệ 4.0 cùng sự thay đổi nhu cầu của thị trường cũng khiến cho ngành xuất bản xuất hiện những xu thế mới mà người dạy và học ngành xuất bản cần nhìn nhận và có những thay đổi thích hợp trong hoạt động đào tạo.
Bình luận