Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Mở đầu
Sự bùng nổ của công nghệ số trong những năm gần đây đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành truyền hình, dẫn đến sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của truyền hình đa nền tảng. Khác biệt so với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã mở ra những cơ hội và thách thức mới trong việc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung, đòi hỏi các đài truyền hình phải thích nghi nhanh chóng với bối cảnh truyền thông số hóa.
Tổ chức sản xuất truyền hình đa nền tảng được hiểu là quá trình thiết kế, triển khai và vận hành một hệ thống tích hợp các hoạt động sản xuất nội dung truyền hình, trong đó bao gồm việc lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, xây dựng quy trình và điều phối các bộ phận để tạo ra nội dung phù hợp với đặc thù của từng nền tảng truyền thông khác nhau. Trong khi đó, sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng là hoạt động thiết kế, sản xuất và biên tập các sản phẩm truyền thông theo hướng tương thích và tối ưu hóa cho nhiều nền tảng phân phối khác nhau, đảm bảo tính linh hoạt và khả năng tương tác với người dùng trên mỗi nền tảng.
Có thể thấy, tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng không chỉ đơn thuần là việc phân phối nội dung trên nhiều kênh khác nhau, một hệ thống tổng thể bao gồm nhiều thành tố tương tác chặt chẽ với nhau, từ khâu lập kế hoạch, tổ chức sản xuất, sáng tạo nội dung đến phân phối và tương tác với khán giả. Chính sự phức tạp này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nghiên cứu và phân tích các đặc điểm cũng như nguyên tắc cơ bản để vận hành hiệu quả hệ thống truyền hình đa nền tảng.
Từ những lý do trên, việc phân tích các đặc điểm nổi bật và những nguyên tắc then chốt trong tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay không chỉ góp phần làm rõ những thay đổi căn bản trong quy trình vận hành, mà còn giúp các đài truyền hình định hình lại chiến lược phát triển tổng thể. Đồng thời, việc phân tích này cũng giúp xác định những quy tắc cần được tôn trọng và thực hiện đúng đắn trong quá trình tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các đài truyền hình trong kỷ nguyên
1. Đặc điểm của truyền hình đa nền tảng
1.1 Tính thời sự, cập nhật
Một trong những đặc điểm quan trọng của nội dung truyền hình đa nền tảng là tính thời sự và cập nhật. Truyền hình đa nền tảng cho phép người xem tiếp cận thông tin nhanh chóng và liên tục, không bị giới hạn bởi giờ phát sóng cố định như truyền hình truyền thống. Thông qua việc sử dụng các nền tảng truyền thông kỹ thuật số như website, ứng dụng di động và mạng xã hội, tổ chức sản xuất nội dung truyền hình đa nền tảng có thể cung cấp thông tin cập nhật và sự kiện thời sự ngay tức thì(1).
Với truyền hình truyền thống, thông tin thường phải chờ đến giờ phát sóng để được công bố. Điều này có thể gây mất cơ hội trong việc tiếp cận thông tin cập nhật và làm giảm tính thời sự của nội dung. Truyền hình đa nền tảng cho phép tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung phản ánh sự kiện thời sự ngay lập tức và truyền tải thông tin đến khán giả một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhờ đó, nó tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa nguồn thông tin và người xem, đồng thời tăng tính tin cậy và giá trị của nội dung.
Truyền hình đa nền tảng cũng nổi bật với khả năng lan truyền thông tin nhanh và mạnh. Truyền hình đa nền tảng cho phép nội dung được chia sẻ, lan truyền và tiếp cận một cách rộng rãi qua nhiều nền tảng truyền thông khác nhau, tạo ra tiềm năng lan truyền phổ biến và nhanh chóng, giúp nội dung tiếp cận nhanh và tác động kịp thời tới đông đảo khán giả.
Trong truyền hình truyền thống, sự lan truyền thông tin thường bị giới hạn bởi các kênh phát sóng cố định và hạn chế đối tượng khán giả. Người xem chỉ có thể tiếp cận thông tin qua kênh truyền hình cụ thể và theo lịch trình đã định sẵn. Trong khi đó, truyền hình đa nền tảng mở ra khả năng lan truyền thông tin mạnh mẽ hơn, vượt qua giới hạn không gian và thời gian. Khán giả có thể tiếp cận nội dung thông qua các nền tảng truyền thông kỹ thuật số, chẳng hạn như website, ứng dụng di động, mạng xã hội, đồng thời có thể chia sẻ và lan truyền thông tin đến cộng đồng của mình thông qua các công cụ chia sẻ và kết nối xã hội.
Truyền hình đa nền tảng tạo ra một cầu nối trực tiếp giữa nguồn tin và khán giả, loại bỏ trung gian, tăng tính trực tiếp của thông tin. Đồng thời, việc chia sẻ và lan truyền thông tin qua mạng xã hội và các nền tảng truyền thông khác tạo ra một hiệu ứng lan truyền, khiến thông tin có thể lan rộng đến một lượng lớn người trong thời gian ngắn. Điều này tạo ra sự tác động, ảnh hưởng lớn hơn đến cộng đồng và xã hội.
1.2. Tính đa dạng thông tin
Tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng đã mở rộng đáng kể không gian phát triển nội dung, vượt qua những rào cản mà truyền hình truyền thống thường gặp phải. Trước tiên, điều này được thể hiện rõ rệt qua sự đa dạng về thể loại chương trình. Thay vì phải chịu những áp lực như giới hạn về thời lượng phát sóng hay tỷ suất lượt xem (rating), truyền hình đa nền tảng cho phép các đài truyền hình có cơ hội phát triển nhiều nội dung mới và độc đáo để đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của khán giả. Sự phong phú này không chỉ dừng lại ở số lượng mà còn mở rộng sang chiều sâu, mang lại các chương trình mang tính chuyên sâu, có tính tương tác cao và phù hợp với các sở thích và nhu cầu khác nhau của người xem.
Bên cạnh đó, tính đa dạng còn thể hiện qua hình thức thể hiện nội dung. Các bản tin không còn giới hạn ở định dạng truyền thống 30 - 45 phút mà có thể linh hoạt về thời lượng. Tin tức có thể được sản xuất dưới dạng nội dung ngắn từ 30 giây – 1 phút hoặc 2 - 3 phút phù hợp với nền tảng mạng xã hội, các chương trình phân tích chuyên sâu kéo dài 60 phút, hay các phóng sự điều tra nhiều tập. Sự linh hoạt này cho phép nội dung được tối ưu hóa cho từng nền tảng phát hành, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội - nơi đòi hỏi những format ngắn gọn, súc tích và thu hút.
Ngoài ra, tính đa dạng còn được thể hiện qua phong cách trình bày nội dung. Trong bối cảnh thông tin bùng nổ hiện nay, khả năng sáng tạo những nội dung độc đáo và mới mẻ trở thành yếu tố then chốt để thu hút và duy trì sự quan tâm của khán giả. Các đài truyền hình có thể thử nghiệm với nhiều phong cách khác nhau, từ nghiêm túc, chính thống đến trẻ trung, hiện đại, qua đó tiếp cận được đối tượng khán giả đa dạng về độ tuổi và sở thích.
1.3. Tính tương tác
Tính tương tác của truyền hình đa nền tảng thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ việc tương tác với khán giả đến việc kết nối các nền tảng và cá nhân hóa trải nghiệm.
Trước hết, các nền tảng kỹ thuật số đã mở ra khả năng tương tác hai chiều giữa các đài truyền hình và khán giả, khác với mô hình truyền thông một chiều của truyền hình truyền thống(2). Các đài truyền hình có thể thu thập phản hồi và ý kiến của khán giả thông qua các kênh như bình luận, biểu quyết trực tuyến và mạng xã hội. Điều này giúp các đài truyền hình nắm bắt rõ hơn nhu cầu, sở thích của khán giả, từ đó điều chỉnh nội dung một cách linh hoạt, phù hợp hơn(3).
Ngoài ra, nội dung truyền hình đa nền tảng được thiết kế để tương tác và liên kết giữa nhiều nền tảng khác nhau như TV, web, ứng dụng di động, mạng xã hội. Khán giả có thể tương tác với nội dung trên nhiều thiết bị và nền tảng, tạo ra một trải nghiệm liền mạch và thống nhất. Bennett và Strange (2008) gọi đây là thời đại của "viewsers" - những người xem có thể chủ động tương tác với nội dung theo nhu cầu của mình. Sự thay đổi này mang lại hai lợi ích lớn: một là tạo ra mối liên kết trực tiếp giữa nguồn tin và khán giả, hai là nâng cao tính tin cậy và giá trị của thông tin nhờ khả năng cập nhật liên tục(4). Điều này còn mở ra khả năng tương tác ngay từ giai đoạn phát triển ý tưởng và sản xuất, cho phép các đài truyền hình điều chỉnh nội dung dựa trên phản hồi của khán giả trong suốt quá trình sáng tạo.
Một khía cạnh khác là khả năng tương tác thời gian thực, nơi khán giả có thể tham gia trực tiếp thông qua các tính năng như bình luận trực tiếp hoặc biểu quyết trực tuyến trong các chương trình thực tế. Tương tác này không chỉ tạo ra trải nghiệm ngay lập tức mà còn làm tăng tính hấp dẫn và gắn kết của khán giả với chương trình.
1.4. Khả năng quản lý và lưu trữ
Trong bối cảnh truyền thông hiện đại, việc quản lý và lưu trữ trong môi trường đa nền tảng chiếm vị trí trung tâm trong quy trình sản xuất, sáng tạo nội dung truyền hình. Để tối ưu hóa tài nguyên nội dung, hệ thống quản lý và lưu trữ đa nền tảng mang lại khả năng quản lý toàn diện từ phân loại thông tin, đến tìm kiếm nhanh chóng và truy xuất hiệu quả. Điều này tạo ra sự khác biệt rõ ràng so với không gian lưu trữ và khả năng truy xuất hạn chế của truyền hình truyền thống, nhờ vào không gian lưu trữ số hóa vô hạn, cung cấp khả năng cập nhật và truy cập nội dung một cách linh hoạt từ bất kỳ nơi nào, vào bất kỳ thời điểm nào.
Trong những năm gần đây, Vương quốc Anh và một số quốc gia khác đã nâng cấp các hệ thống quản lý nội dung (CMS) và coi đó là một trọng tâm đầu tư chính trong ngành truyền thông của họ. CMS có vai trò là cầu nối giữa quá trình sáng tạo nội dung đến việc định dạng lại và chuyển đổi nội dung cho phù hợp với các nền tảng phân phối đa dạng. CMS không chỉ nâng cao hiệu quả trong sản xuất nội dung mà còn cung cấp các công cụ thiết yếu cho nhà báo và người sản xuất nội dung số, hỗ trợ họ trong mọi khía cạnh của quy trình sản xuất, từ sáng tạo đến phân phối(5).
Đáng chú ý, việc lưu trữ trong sản xuất đa nền tảng cho phép lưu giữ nhiều phiên bản của cùng một nội dung, phục vụ cho các mục đích khác nhau như chỉnh sửa, phân phối cho các kênh khác nhau hoặc để phù hợp với yêu cầu cụ thể của từng thị trường địa phương. Điều này cũng là một khác biệt lớn so với truyền hình truyền thống, nơi sản xuất thường tập trung vào một phiên bản duy nhất cho một mục đích cụ thể.
Bên cạnh đó, sự tương tác giữa các phòng ban và cá nhân được đơn giản hóa thông qua hệ thống quản lý tập trung, giúp giảm thiểu thời gian và công sức cần thiết cho việc quản lý dự án và nội dung, điều mà truyền hình truyền thống thường không thể đạt được do quy trình phức tạp và ít linh hoạt.
Cuối cùng, an ninh và phân quyền truy cập là một đặc điểm đáng chú ý trong hệ thống lưu trữ đa nền tảng. Các lớp bảo mật và phân quyền truy cập nâng cao đảm bảo rằng chỉ những người được phép mới có thể truy cập vào nội dung được phân cấp. Trong khi đó, truyền hình truyền thống đối mặt với thách thức lớn hơn trong việc bảo vệ nội dung và quản lý quyền truy cập do giới hạn về công nghệ.
1.5. Tính ứng dụng các công nghệ và kỹ thuật sản xuất mới
Với truyền hình truyền thống, quy trình sản xuất nội dung thường tuân thủ một lộ trình cố định và phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật và thiết bị phát sóng truyền thống. Ngược lại, tổ chức sản xuất nội dung đa nền tảng mở ra cơ hội ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và các công nghệ mới khác vào quá trình sản xuất và phân phối nội dung, cụ thể:
Một là, AI và học máy cho phép tự động hóa một số công đoạn của sản xuất nội dung, từ việc tạo ra kịch bản tự động, chỉnh sửa video, đến phân tích hành vi người dùng để tối ưu hóa nội dung theo sở thích của khán giả. Điều này giúp rút ngắn thời gian sản xuất và tăng tính cá nhân hóa trong nội dung, một yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân khán giả trong thời đại số.
Hai là, thực tế ảo và thực tế tăng cường mang đến cho khán giả trải nghiệm đắm chìm và tương tác cao, mở ra khả năng kể chuyện và trình bày thông tin theo cách hoàn toàn mới. Ứng dụng của VR/AR trong nội dung truyền hình có thể đưa khán giả đến những không gian ảo, cho phép họ trải nghiệm nội dung một cách sinh động và gần gũi như thực sự đang ở đó.
Ba là, tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng cũng cần tăng cường áp dụng các kỹ thuật sản xuất mới như quay phim 360 độ, livestreaming, podcasting và video on demand (VOD) để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả. Sự linh hoạt trong việc sử dụng các công nghệ và kỹ thuật mới này giúp nội dung được tạo ra không chỉ phong phú về mặt hình thức mà còn đa dạng về cách tiếp cận, phát triển một môi trường nội dung phong phú và tương tác.
2. Những nguyên tắc cơ bản của tổ chức sản xuất nội dung truyền hình đa nền tảng
2.1. Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc thông tin của cơ quan báo chí
Trong kỷ nguyên truyền thông đa nền tảng hiện nay, việc duy trì và thúc đẩy nguyên tắc thông tin của cơ quan báo chí trở thành một thách thức lớn đối với các đài truyền hình khi chuyển đổi từ mô hình sản xuất nội dung truyền thống sang đa nền tảng. Sự chuyển đổi này không chỉ mở rộng cơ hội tiếp cận khán giả mà còn đòi hỏi một bộ nguyên tắc mới, rõ ràng để đảm bảo tính xác thực, chính xác, tính minh bạch và trách nhiệm, quyền riêng tư và đạo đức, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ trong sản xuất nội dung.
Một là, tính xác thực và chính xác: Nguyên tắc cơ bản của thông tin báo chí là đảm bảo mọi thông tin được truyền tải đến công chúng phải được kiểm chứng, xác thực và chính xác. Trong môi trường truyền thông đa nền tảng, nơi thông tin được sản xuất và phân phối nhanh chóng qua nhiều kênh khác nhau, thách thức nằm ở việc duy trì tính chính xác và xác thực trong mọi giai đoạn sản xuất. Điều này đòi hỏi các đài truyền hình phải áp dụng các quy trình kiểm duyệt chặt chẽ, sử dụng công nghệ hiện đại trong việc kiểm tra và xác minh thông tin, đào tạo nhân viên về kỹ năng kiểm chứng thông tin.
Hai là, minh bạch và trách nhiệm: Minh bạch về nguồn gốc thông tin và việc giải trình trách nhiệm với công chúng là hai yếu tố quan trọng khác trong nguyên tắc thông tin của cơ quan báo chí. Các đài truyền hình cần phải rõ ràng về nguồn gốc thông tin mà họ truyền tải, cũng như sẵn lòng chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung đó. Điều này bao gồm việc công khai sửa chữa, đính chính các thông tin sai lệch một cách kịp thời và minh bạch.
Ba là, đạo đức và quyền riêng tư: Trong khi sản xuất và sáng tạo nội dung trên các nền tảng, việc bảo vệ quyền riêng tư, tránh xâm phạm đến nhân vật trong các bản tin là một phần quan trọng của nguyên tắc thông tin. Các đài truyền hình cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc tiết lộ thông tin với mục đích thông tin cho công chúng và việc tôn trọng quyền cá nhân, tránh làm tổn hại danh dự, uy tín của người khác.
Bốn là, tôn trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ: Trong môi trường đa nền tảng, vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ càng trở nên phức tạp. Việc sử dụng hợp lý các tài liệu, hình ảnh, âm thanh, video không chỉ tuân thủ pháp luật mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với nguyên tắc thông tin và đạo đức nghề nghiệp.
2.2. Sản xuất song hành cùng với sự phát triển của công nghệ
Truyền hình đa nền tảng tận dụng các công nghệ mới để tạo ra nội dung đa dạng, tương tác và phù hợp với sự thay đổi của công chúng. Điều này đòi hỏi tổ chức sản xuất, sáng tạo nội dung phải điều chỉnh và thích nghi với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Bằng cách áp dụng các công nghệ như truyền hình trực tuyến, truyền hình di động, truyền hình xã hội và trí tuệ nhân tạo, các đài truyền hình này có thể cung cấp nội dung sáng tạo, tương tác và cá nhân hóa để thu hút, giữ chân khán giả.
So sánh với truyền hình truyền thống, tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng đặt công nghệ vào trung tâm của quá trình sản xuất. Truyền hình truyền thống thường sử dụng các công nghệ cũ và có giới hạn trong việc phát sóng thông qua một kênh duy nhất. Trong khi đó, truyền hình đa nền tảng tận dụng các công nghệ tiên tiến để tiếp cận khán giả trên nhiều nền tảng khác nhau, tạo ra nội dung đa dạng, trải nghiệm tương tác và cá nhân hóa cho khán giả.
Sản xuất song hành cùng với sự phát triển của công nghệ cũng đòi hỏi sự đầu tư và chủ động trong việc nắm bắt xu hướng công nghệ mới. Tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng cần duy trì sự cập nhật với các công nghệ mới như truyền hình 5G, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và trực tuyến. Điều này đảm bảo rằng các đài truyền hình có khả năng tận dụng tiềm năng của các công nghệ trên để tạo ra nội dung sáng tạo và hấp dẫn.
Tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng cần tập trung vào việc xây dựng mô hình sản xuất linh hoạt và đa năng. Theo đó, nó đòi hỏi sự hợp tác và tích hợp giữa các bộ phận khác nhau trong tổ chức, từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, biên tập đến kỹ thuật và phân phối. Sự phát triển của công nghệ cũng mở ra cơ hội cho việc sáng tạo nội dung bằng cách kết hợp các yếu tố như thực tế ảo, trực tuyến và tương tác để tạo ra trải nghiệm mới cho khán giả.
2.3. Phát triển đa dạng các nền tảng, không phụ thuộc vào duy nhất một nền tảng
Khán giả ngày nay không chỉ tiếp cận nội dung qua truyền hình truyền thống, mà còn thông qua nhiều nền tảng khác nhau như truyền hình trực tuyến, ứng dụng di động, mạng xã hội và nền tảng OTT (Over-the-Top) khác. Bằng cách phát triển đa dạng các nền tảng, các đài truyền hình có thể mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng cường tương tác với khán giả trên nhiều kênh, từ đó tạo ra trải nghiệm đa dạng và phù hợp với sở thích cá nhân của người xem.
Tuy nhiên, không lệ thuộc vào duy nhất một nền tảng sẽ là một chiến lược thông minh đối với các đài truyền hình. Thay vì dựa vào một nguồn thu nhập duy nhất từ quảng cáo truyền thống, các đài truyền hình có thể tận dụng các mô hình kinh doanh khác nhau trên các nền tảng khác nhau. Các mô hình kinh doanh như đăng ký, quảng cáo trực tuyến, giao dịch mua nội dung và hình thức tài trợ có thể được áp dụng trên các nền tảng truyền hình đa dạng, tạo ra nguồn thu nhập đa dạng và ổn định. Điều này không chỉ giúp đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho các đài truyền hình mà còn giúp họ linh hoạt hơn trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường và nhu cầu của khán giả. Việc phân tán rủi ro bằng cách không phụ thuộc vào một nền tảng duy nhất cũng cho phép các đài truyền hình khám phá và thử nghiệm với các hình thức nội dung mới, cũng như các phương thức tương tác mới với khán giả.
Kết luận
Sự chuyển đổi từ mô hình truyền hình truyền thống sang mô hình truyền hình đa nền tảng đã và đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình. Việc phân tích các đặc điểm và nguyên tắc cốt lõi của mô hình đa nền tảng không chỉ cho thấy rõ sự khác biệt đáng kể của mô hình này so với mô hình truyền hình truyền thống, mà còn giúp nhận diện được những cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh chuyển đổi số. Nhờ đó, các đài truyền hình có thể xác định các chiến lược, tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thường xuyên nâng cao chất lượng nội dung, tăng cường khả năng tiếp cận công chúng.
Các đặc điểm nổi bật của truyền hình đa nền tảng như tính thời sự cao, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác mạnh mẽ, cùng với khả năng quản lý và lưu trữ hiệu quả, đã mở ra những khả năng mới trong việc tiếp cận và thu hút khán giả. Đặc biệt, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, VR/AR trong sản xuất nội dung đã tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn người xem.
Tuy nhiên, để thành công trong môi trường đa nền tảng, các đài truyền hình cần tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc cơ bản. Việc đảm bảo tính chính xác, minh bạch và đạo đức trong thông tin vẫn là yêu cầu hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh thông tin giả mạo và tin giả ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, sự phát triển song hành với công nghệ và việc đa dạng hóa các nền tảng phân phối nội dung cũng là những chiến lược quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Quá trình chuyển đổi sang mô hình đa nền tảng không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ mới, mà còn đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong tư duy sáng tạo, quy trình sản xuất và cách thức tương tác với khán giả. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết, cấp bách về việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng nhanh với môi trường truyền thông số.
Trong tương lai, xu hướng phát triển của truyền hình đa nền tảng sẽ tiếp tục được định hình bởi sự tiến bộ của công nghệ và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng nội dung của khán giả. Các đài truyền hình cần liên tục đổi mới, sáng tạo và thích nghi để duy trì vị thế cạnh tranh trong môi trường truyền thông ngày càng phức tạp và đa dạng./.
_____________________________________
(1) Zeiser, A. (2015), Transmedia marketing: From film and TV to games and digital media. Burlington, MA: Focal Press, Link truy cập: https://doi.org/10.4324/9781315880112, Tr.72.
(2) Klein-Shagrir, Oranit & Keinonen, Heidi. (2014), Public Service Television in a Multi-Platform Environment: A Comparative Study in Finland and Israel, VIEW Journal of European Television History and Culture. 3. 14.. Link truy cập: https://doi.org/10.18146/2213-0969.2014.jethc066, Tr.21.
(3) Doyle, G. (2010), From Television to Multi-Platform. Convergence: The International Journal of Research into New Media Technologies, 16(4), 438. Link truy cập: https://doi.org/10.1177/1354856510375145.
(4) Bennett, J., & Strange, N. (2008),The BBC’s Second-Shift Aesthetics: Interactive Television, Multi-Platform Projects and Public Service Content for a Digital Era, Media International Australia, 126(1), 106-119, Link truy cập: https://doi.org/10.1177/1329878X0812600112, tr 106.
(5) Doyle, G. (2015), Multi-platform media and the miracle of the loaves and fishes. Journal of Media Business Studies, 12(1), 49-65, tr58. Link truy cập: https://doi.org/10.1080/16522354.2015.1027113, tr.58.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Chí Trung & Đinh Thị Xuân Hoà (2015),Truyền hình hiện đại. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Bùi Chí Trung & Nguyễn Đình Hậu (Đồng chủ biên) (2023), Truyền hình hiện đại - Giải pháp số (Vol. 2). Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
- Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
- Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
- Một số giải pháp cải thiện hoạt động khai thác, xuất bản sách tinh gọn tại Việt Nam hiện nay
- Xây dựng phẩm chất nghề nghiệp người làm báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước
- 4 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 5 Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
- 6 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Vai trò của quản trị truyền thông trong phát triển du lịch bền vững – Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Khánh Hòa
Trong bối cảnh du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc phát triển du lịch bền vững tại Khánh Hòa đòi hỏi sự tham gia chủ động của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương (CĐĐP). Quản trị truyền thông không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Khánh Hòa là một điểm đến bền vững, mà còn trở thành công cụ quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa bản địa. Bài báo khoa học này tập trung hệ thống hóa và đánh giá tiềm năng du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời đề xuất các giải pháp quản trị truyền thông hiệu quả nhằm phát triển DLCĐ một cách đồng bộ, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đúng định hướng chiến lược, trong đó DLCĐ đóng vai trò cốt lõi. Kết quả nghiên cứu được thu thập thông qua các phương pháp như: phỏng vấn sâu; phương pháp khảo sát; phân tích, tổng hợp và so sánh dữ liệu; xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS.22.0.
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Đặc điểm, nguyên tắc tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung truyền hình đa nền tảng trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
Cuộc cách mạng 4.0 đang tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong ngành truyền hình với sự xuất hiện của truyền hình đa nền tảng. Khác với truyền hình truyền thống, truyền hình đa nền tảng đã và đang định hình lại cách thức tổ chức sản xuất và sáng tạo nội dung thông qua các đặc trưng nổi bật như tính thời sự, khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng, tính đa dạng và tương tác cao, quản lý và lưu trữ hiệu quả. Vận hành một mô hình sản xuất truyền hình đa nền tảng cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến các nguyên tắc về thông tin chính xác, kết hợp sản xuất nội dung với công nghệ mới, phát triển đa dạng các nền tảng...
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Ảnh hưởng của truyền thông xã hội đến hoạt động báo chí
Bài viết nghiên cứu về tác động của truyền thông xã hội đối với hoạt động báo chí hiện nay, tập trung vào sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, phân phối tin tức và cấu trúc nội dung báo chí. Truyền thông xã hội đã trở thành một nguồn tin phong phú, đa chiều và nhanh chóng, làm thay đổi đáng kể cách thức thu thập và truyền tải thông tin. Tuy nhiên, tính xác thực của nguồn tin mạng xã hội vẫn là một thách thức, đòi hỏi báo chí phải chú trọng vào việc kiểm chứng và phản hồi thông tin một cách chính xác. Trên tinh thần đó, bài viết đề xuất báo chí cần phát triển nội dung chất lượng cao, tăng cường kỹ năng công nghệ số của phóng viên và xây dựng các nền tảng số riêng để giảm sự phụ thuộc vào truyền thông xã hội, đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy trong kỷ nguyên số.
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Truyền thông về cơ hội phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu khi ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ ở đồng bằng sông Cửu long trên báo chí Việt Nam
Ngày 17/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan điểm chỉ đạo được nhấn mạnh trong Nghị quyết (NQ) là: “…chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định…” (1). NQ này đã được các cơ quan liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí quán triệt, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để “chuyển hóa những thách thức thành cơ hội”, nhất là với vùng đồng bằng sông Cửu Long, để phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng thì vai trò, trách nhiệm của báo chí cần được nhận thức đầy đủ, chủ động hơn.
Bình luận