Đảm bảo tính nhân văn trong ảnh báo chí
1. Quan niệm về tính nhân văn trong ảnh báo chí
Báo in hiện đại ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, nhưng mãi đến giữa thế kỷ 19, ảnh báo chí mới xuất hiện. Bức ảnh đầu tiên đăng tải trên báo in được cho là vào năm 1842, chụp một đám cháy lớn ở Hăm - Buốc (Đức), do tác giả Sơ-ten-nơ thực hiện. Ở những năm 1850, ảnh chân dung đã nở rộ, nhưng mãi đến năm 1891, mới xuất hiện trên báo chí những tấm ảnh thời sự mang ý nghĩa chính trị rõ rệt(1). Và từ đó, mỗi tác phẩm báo chí đều không thiếu ảnh minh họa.
Với sự xuất hiện của ảnh, báo chí chính thức có thêm phương tiện thông tin thị giác - một hình thức thông tin hiện thực hấp dẫn và giàu sức thuyết phục, vừa chứa đựng giá trị thời sự, vừa chứa đựng giá trị thẩm mỹ và có tác động sâu sắc, trực diện vào thế giới cảm xúc của con người. Ngay từ khi ra đời, ảnh đã sánh vai trong các tác phẩm báo chí để truyền tải thông tin, bởi sức mạnh của nó, như một câu ngạn ngữ cổ của Trung Hoa: “Một hình ảnh bằng ngàn lời nói”. Ảnh cho người xem được “nhìn thấy câu chuyện”, cung cấp thêm cho họ những nội dung thông tin ý nghĩa.
Nhà nghiên cứu Brian Horton cho rằng, “Ảnh báo chí kể lại một câu chuyện bằng hình ảnh, tường thuật với chiếc máy ảnh, ghi nhận một khoảnh khắc trong thời gian, cái phút giây điển hình khi một hình ảnh đúc kết một câu chuyện”(2). Như vậy, ảnh báo chí tuy chụp một khoảnh khắc của cuộc sống, nhưng đó phải là phút giây “điển hình”, là thời điểm thể hiện được tốt nhất bản chất của sự kiện, sự việc, để mỗi bức ảnh dù nhỏ, đều phải chứa đựng nội dung, mang giá trị thông tin.
Theo tác giả Nguyễn Tiến Mão, “Ảnh báo chí là một trong những hình thức thông tin của báo chí, thông qua việc phản ánh các hoạt động thực tiễn của đời sống xã hội, bằng những hình ảnh cụ thể, chân thực và sinh động, nhằm mang lại cho người xem một lượng thông tin giá trị tư tưởng và thẩm mỹ nhất định”(3).
Ảnh báo chí thường lấy phong cảnh đất nước, chân dung con người, ảnh sinh hoạt, tư liệu lịch sử, các sự kiện, sự việc diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội làm đối tượng phản ánh. Trên báo chí, ảnh có thể xuất hiện đơn nhất như trong một tin vắn, hay là một tập hợp ảnh trong các bài phản ánh, tường thuật, phóng sự, điều tra.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ phản ánh cuộc sống, ảnh báo chí phải đảm bảo nguyên tắc: tính chân thực, khách quan; tính tư tưởng - khuynh hướng; tính thời sự; tính đại chúng; tính thẩm mỹ; tính nhân văn.
Trong đó, các tính chất của ảnh báo chí phụ thuộc nhau, làm tiền đề cho nhau. Với đặc thù ghi hình trực tiếp, tức thời, tại chính nơi xảy ra sự kiện, sự việc và hoạt động, ảnh báo chí phải đảm bảo tính tư liệu xác thực, sự chính xác gần như tuyệt đối. Một tấm ảnh báo chí bị dàn dựng sai lệch, biến dạng bản chất, thì dù có mới, có nóng, cũng phản tác dụng, thậm chí vi phạm luật và đạo đức nghề nghiệp, có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự. Một tấm ảnh dù đảm bảo tính đại chúng, gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, nhưng nội dung thông tin tuyên truyền đi chệch định hướng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng không được chấp nhận. Và dù là tấm ảnh đẹp, nhưng thiếu tính nhân văn, cũng trở nên vô giá trị, phản cảm, khiến công chúng dễ nảy sinh thái độ tiêu cực, quay lưng với bài báo, tờ báo.
Tính nhân văn là một trong những nguyên tắc quan trọng của ảnh và của tác nghiệp ảnh báo chí. Bức ảnh chứa đựng giá trị nhân văn không đơn thuần là bức ảnh đẹp về bố cục, ánh sáng, góc máy, mà còn làm người xem thấy rung động, cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của cuộc sống, của tình yêu thương, khơi dậy và hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ.
Trong tâm dịch Covid - 19 tại TP. Hồ Chí Minh, hình ảnh các tình nguyện viên căng mình lấy mẫu xét nghiệm xuyên đêm tại điểm nóng; các bác sĩ, y tá trong những bộ quần áo bảo hộ sũng mồ hôi tất bật ngược xuôi hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân; các mạnh thường quân đầm mình trong mưa phân phát lương thực, thực phẩm đến bà con nghèo; một cụ già cô quạnh trong những ngày giãn cách, khi vợ và các con cháu đều ở trong khu cách ly; bộ bàn ghế nhà hàng trống vắng và xóm nghèo bên dòng Nhiêu Lộc có những con hẻm từng nhộn nhịp, giờ vắng bóng trẻ thơ nô đùa…, là những bức ảnh thấm đẫm nhân văn, bởi nó làm người ta hiểu về giá trị của sự sống bình yên, của tình người và sự hướng thiện…
Trong đời thường, hình ảnh người công nhân vệ sinh cùng đồng nghiệp cần mẫn với công việc trong màn đêm nhá nhem; nữ lao công đẩy xe rác trên đường phố vắng lặng chuẩn bị đón giao thừa; người đàn ông bị dị tật tay chân, bên đôi nạng gỗ và lá quốc kỳ khoác trên vai, rưng rưng khi chinh phục được đỉnh Phan Xi Păng… là những bức ảnh đề cao vẻ đẹp của tình yêu thương con người, của lao động, khơi dậy động lực vượt khó, vượt nghịch cảnh...
Thậm chí, những bức ảnh về đề tài chiến tranh, nhưng xuất phát từ góc độ quyền sống, quyền con người, cũng mang giá trị nhân văn. Những trận bom của Israel trút xuống Lebanon, khói lửa ở Iraq, xung đột chính trị ở Sri Lanka...; bức ảnh những người Lebabon trở về nhà sau thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah (bức ảnh của phóng viên Spencer Platt (Mỹ) của Hãng thông tấn Getty Images) được chọn là ảnh tiêu biểu của năm 2006 vì nó đem theo thông điệp lên án chiến tranh phi nghĩa, nói lên khát vọng sống hòa bình.
Bức ảnh kể lại câu chuyện về một nhóm thanh niên Libăng ngồi trong chiếc ôtô đỏ, đi qua một khu phố đổ nát vì bom đạn. Những người ngồi trên xe với những biểu cảm khác nhau. Người lặng im xúc động. Người vui vẻ giơ điện thoại chụp lại quang cảnh xung quanh. Ban giám khảo đã gọi bức ảnh là “đầy phức tạp và tương phản, một khoảnh khắc quyết định của cuộc sống mà không ai có thể tái tạo”(4).
Tất cả những hình ảnh như vừa nêu, đều nhắc cho chúng ta nhớ về cuộc sống con người, về giá trị nhân văn.
Nhân văn là phạm trù thuộc về đạo đức, văn hóa nhân loại. Trong báo chí, tính nhân văn được thể hiện ở chỗ luôn đứng trên lập trường văn hóa, đạo đức, luôn vì lợi ích chính đáng của con người, cộng đồng. Nữ phóng viên ảnh Laura Ranch (Mỹ) cho rằng, vai trò của báo chí tường thuật hiện thực là rất quan trọng, “nhưng không bao giờ quan trọng hơn những con người mà ta chụp ảnh, không hề”(6). Điều đó có nghĩa, thông tin sự thật là quan trọng, nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù ở góc độ nào, giá trị của con người luôn phải được đề cao.
Tóm lại, tính nhân văn trong ảnh báo chí yêu cầu bức ảnh phải chuyên chở giá trị mang tính phổ quát, hướng con người đến các giá trị chân - thiện - mỹ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người, vì sự tiến bộ chung của loài người. Ảnh báo chí phải góp phần đẩy lùi cái ác, cái xấu, thắp sáng niềm tin, hy vọng của con người vào cuộc sống. Đặc biệt, các bức ảnh về trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi cần phải được lựa chọn, cân nhắc cẩn trọng, xem xét hơn, thiệt, đúng, sai cho nhân vật trên phương diện tình người, nhất là khi họ đang trong hoàn cảnh yếu thế.
2. Một số biểu hiện phản nhân văn trong ảnh báo chí
Thứ nhất, khai thác và đăng ảnh nhân vật khi không/ chưa được sự đồng ý của chính nhân vật hay thân nhân của họ
Còn nhớ, ngày 25.8.2007, trên báo Vietnamnet.vn đăng bài viết: “Báo chí kết tội trước khi tòa kết án”. Tác giả là người thân của nạn nhân T, một bác sĩ sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bị chết do dao đâm vào động mạch chủ trong lúc giằng co với con gái. Tác giả kể: thời điểm tang gia bối rối, gần như không ai tiếp cận được cô con gái hay người thân trong gia đình để biết rõ sự thật, một số báo đã thông qua lượm lặt câu chuyện từ hàng xóm, đồng thời kết luận: người cha chết do bị “con gái đâm”, kèm theo đó là ảnh cô con gái và ngôi nhà. Người vợ quá đau buồn, nhưng khi biết tin câu chuyện của gia đình bị đăng báo với tình tiết không đúng, cùng hình ảnh riêng tư bị phơi bày, đã nhờ tác giả bài viết có cách để đề nghị các báo gỡ bài. Kết luận bài viết này, tác giả đã yêu cầu các báo cẩn trọng trong việc đưa thông tin, hình ảnh riêng tư của gia đình lên phương tiện truyền thông đại chúng, tránh khoét sâu hơn nỗi đau và làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của những người ở lại.
Thực tế, trong các câu chuyện liên quan đến tai nạn, án mạng, hay những bài viết về người yếu thế trong xã hội, rất nhiều bức ảnh về nạn nhân và người thân của họ được đăng mà khi không/chưa được sự đồng ý, cho phép. Sau những bức ảnh mà nhà báo đăng tải để thỏa mãn hiếu kỳ, sự tò mò của công chúng, là những nỗi đau, nỗi buồn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được.
Thứ hai, lạm dụng hình ảnh người bị hại trong các vụ án mạng
Trong những vụ án liên quan đến trẻ em xảy ra gần đây, như vụ bé V.A (TP. Hồ Chí Minh, qua đời do dì ghẻ bạo hành), bé M.M (Đông Anh, Hà Nội, qua đời do mẹ và cha dượng bạo hành), bé A. (Thạch Thất, Hà Nội, qua đời do cha dượng đóng đinh vào đầu), và nhiều vụ việc khác tương tự, hình ảnh các bé (cả khi chưa bị bạo hành lẫn khi người đầy thương tích) bị đưa tràn lan trên nhiều tờ báo. Có thể ban đầu, gia đình người bị hại cảm kích vì nhận được sự sẻ chia, quan tâm của báo giới, nhưng sau đó, sẽ là cảm giác đau đớn khi phải chứng kiến hình ảnh đau lòng của con em mình bị lan truyền trên phương tiện truyền thông. Chị H, mẹ cháu V.A đã lên tiếng trên báo Tuổi Trẻ: “Mong muốn cộng đồng mạng dừng chia sẻ những thông tin cá nhân về chị và hình ảnh thương tâm về bé”(6).
Thứ ba, chưa chừng mực khi đăng hình ảnh nhân vật yếu thế trong khi kêu gọi từ thiện
Một số tờ báo thực hiện chức năng từ thiện xã hội, kêu gọi sự giúp đỡ của các mạnh thường quân đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hành động nhân văn, có ý nghĩa xã hội lớn lao, nhưng việc cố ý đưa cận mặt nhân vật, trong đó có cả thầy cô giáo, công chức nhà nước, học sinh, sinh viên, ở những tình huống họ trong cơn bĩ cực, ngặt nghèo nhất, hoặc đau đớn nhất, lại không nên. Dù cần sự giúp đỡ của cộng đồng, nhà báo vẫn nên giữ lại cho nhân vật lòng tự tôn nhất định, bởi nhiều em nhỏ trong các gia đình dễ mặc cảm với bạn bè, nhiều người dễ tự ti trước đồng nghiệp... Nhà báo có thể chụp quanh cảnh gia đình nghèo khó, nhưng nhân vật nên được làm mờ mặt hoặc chụp ở tư thế không trực diện.
Thứ tư, thiếu cân nhắc trong sử dụng hình ảnh nghi can, nghi phạm, hình ảnh người thân của họ
Một số báo đưa ảnh của người đang bị cơ quan công an tạm giam để điều tra, dù chưa có kết luận đúng sai; hoặc đăng ảnh của người bị hại, người thân của nghi can, nghi phạm nhưng không sử dụng thủ pháp làm mờ khuôn mặt, có thể ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cá nhân hay người liên quan. Một ví dụ điển hình: Năm 2015, báo VnExpress, và sau đó là nhiều báo khác, trong bài viết “60 giờ trốn chạy của nghi can thảm án ở Yên Bái” (ngày 15.8.2015) đăng ảnh chị Nguyễn Thị Hán bị bắt với tay bị còng, bị dẫn đi mà không làm mờ mặt, dù chưa biết chị có phạm tội hay không. Sau đó, chị Nguyễn Thị Hán được tuyên vô tội. Câu hỏi đặt ra: Có bao nhiêu báo đăng tin đính chính lấy lại danh dự cho chị Hán? Có bao nhiêu người đọc được tin đính chính? Và những người đã đọc, đã xem hình chị có thông cảm, thương cảm, hay chỉ khinh bỉ, ghê tởm chị? Như thế, chắc chắn chị Hán cùng người thân sẽ không tránh khỏi cảm giác tổn thương, bị xúc phạm.
Khi đưa tin trong nhiều phiên tòa dân sự, công khai, không ít nhà báo cố tình chụp thật rõ, cận mặt và dáng vẻ của bị cáo. Luật Báo chí không ngăn cấm phóng viên đưa tin, chụp ảnh trong các phiên tòa dân sự công khai, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc được vi phạm quyền tự do về hình ảnh hay đi ngược với tính nhân văn của báo chí. Dẫu các bị cáo hay những người phạm tội có vết đen về án tích, thì cũng không ai muốn khuôn mặt mình hay hình ảnh người thân của mình xuất hiện trên báo để dư luận thêm nhiều lần xoi mói, phán xét, chỉ trích... Điều đó lý giải vì sao ở nhiều phiên tòa, hay khi bị dẫn giải đi bởi công an, nhiều bị cáo thường cúi đầu, lấy tay che mặt hay quay mặt đi hướng khác khi thấy phóng viên có máy ảnh chĩa về phía mình. Có trường hợp trong một phiên tòa, một thiếu niên đã bật khóc khi biết “bị” chụp ảnh đăng báo…
Thứ năm, đưa hàm ý tiêu cực trong các bức ảnh
Bất kể ai cũng muốn được xuất hiện trước công chúng trong diện mạo chỉnh chu, đẹp đẽ nhất, đặc biệt là những nữ doanh nhân nổi tiếng như bà Nguyễn Thị Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Đại Nam), bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), bà Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc VTP Group)... Đó là lý do tại sao họ luôn chủ động lựa chọn những bức ảnh đẹp để đăng trên facebook cá nhân hoặc gửi cho báo chí. Ngay cả ở thời điểm bị công an tạm giữ, tạm giam hay xét xử, hẳn những người phụ nữ đó cũng không muốn xã hội nhớ tới trong thần sắc nhợt nhạt, kém duyên.
Tuy vậy, thực tế, ngay khi các nữ doanh nhân bị bắt, nhiều báo đã lập tức đăng hình ảnh của họ (có thể do phóng viên tự chụp, hoặc công an cung cấp) trong chính hoàn cảnh “nhạy cảm”. Kết quả, công chúng đã “ngã ngửa”, không nhận ra họ đã từng là những người đàn bà đẹp và quyền lực, chỉ thấy trước mắt là các tội nhân xấu xí, đáng ghét.
Tất nhiên, trách nhiệm của báo chí là thông tin sự thật. Vào thời điểm đưa thông tin nhân vật bị bắt, các bức ảnh chân dung mà phóng viên có được phản ánh đúng thực tế dung mạo, thần sắc nhân vật. Nhưng, như sẽ nói về quyền bảo mật hình ảnh theo Luật Thi hành án Hình sự (năm 2019) trong phần 3 dưới đây, ở các tình huống “nhạy cảm” này của nhân vật, nhà báo nên có 4 lựa chọn: 1. Đưa ảnh nhân vật với biểu cảm trung tính, không quá đẹp, tươi tắn, nhưng không xấu; 2. Đưa ảnh phác thảo chân dung nhân vật (ảnh vẽ); 3. Đưa ảnh toàn cảnh, trong đó có hình nhân vật, (không đưa ảnh cận mặt nhân vật); 4. Không đưa ảnh.
Thứ sáu, thiếu tinh tế trong lựa chọn góc chụp, phô tả những khuyết điểm dung mạo nhân vật
Năm 2021, A Photoreporter - cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế tổ chức 2 năm một lần (5th Biennal International Digital Photojournalism) của Tây Ban Nha công bố kết quả năm 2021, theo đó, nhà báo Việt Văn (báo Lao Động) đoạt bằng danh dự với tác phẩm ảnh đơn “Đo thân nhiệt”, chủ đề Covid -19 chụp cận cảnh một học sinh đang được đo thân nhiệt khi đi học trở lại sau những ngày nghỉ vì dịch bệnh, ở trường Trung học cơ sở Tô Hoàng (Hà Nội).
Về giá trị thời sự, bức ảnh trên không có gì đáng bàn cãi. Cô gái trong bức ảnh, hẳn rất xinh xắn, duy chỉ có điều, trán em lấm tấm đầy mụn. Ở góc độ tâm lý, lứa tuổi dậy thì là lứa tuổi rất nhạy cảm, trẻ hay tự ti, xấu hổ, dễ mặc cảm về ngoại hình. Nếu nhà báo đặt mình vào hoàn cảnh của em, sẽ hiểu rằng cô bé chắc chắn không muốn khuôn mặt đầy mụn của mình hiện diện trên mặt báo, để người khác nhìn ngắm, bình phẩm. Trong bối cảnh này, nhà báo hoàn toàn có thể chọn một nữ sinh khác thay thế.
3. Đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật, dưới góc nhìn nhân văn - giải pháp tốt nhất để đảm bảo tính nhân văn trong ảnh báo chí
Cho đến thời điểm hiện nay, đã có một số văn bản do Đảng, Nhà nước ban hành, có thể trở thành điểm tựa pháp lý cho nhà báo tuân thủ nguyên tắc nhân văn trong ảnh báo chí.
Điều 14, Hiến pháp 2013 xác lập:
1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Điều 21 Hiến pháp nhấn mạnh: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Điều 9, Luật Báo chí 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trên báo chí, trong đó có quy định: Không được “tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”
Điều 8 Nghị định 119/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đăng, phát tin, bài, ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; Đăng, phát thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.
Bác Hồ đã dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ (1766) trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ cái quyền không ai có thể xâm phạm được”. Đó là quyền được bảo vệ danh dự, uy tín, bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Mọi người chỉ bị hạn chế các quyền theo quy định của luật.
Nội dung cơ bản của quyền riêng tư gồm: sự riêng tư về thông tin cá nhân, cơ thể, thông tin liên lạc và nơi cư trú. Bí mật cá nhân, bí mật gia đình là tất cả những thông tin về cá nhân, gia đình mà các chủ thể không muốn người ngoài biết đến.
Tôn trọng đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhân vật là nguyên tắc hành nghề của người làm báo. Điều đó có nghĩa, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà báo, cơ quan báo chí cũng phải xin ý kiến của nhân vật nếu muốn đăng ảnh chân dung, ảnh mang tính chất cá nhân, riêng tư - ngay cả đối với các bị cáo, bị can, người phạm tội.
Bởi vì, bị cáo, bị can, người phạm tội trong các vụ án hình sự chỉ bị chế tài bởi Bộ luật Hình sự về tội danh mà họ phạm tội, và tội danh đó phải được tuyên bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Chỉ khi bản án được ban hành, người phạm tội mới bị tước bỏ một số quyền nhất định như: quyền bầu cử, ứng cử, quyền tự do đi lại, quyền xuất ngoại… Riêng quyền hình ảnh của họ vẫn không bị mất, được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, Khoản 1, Điều 27, Luật Thi hành án Hình sự 2019 quy định: Phạm nhân có quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm.
Do đó, có thể hiểu bị can, bị cáo, người phạm tội vẫn được pháp luật bảo hộ quyền hình ảnh, nên khi báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng nói chung muốn sử dụng, cần phải xin phép và được cho phép.
Điều đó cũng có nghĩa, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ nhân vật nào, báo chí vẫn phải đảm bảo tính nhân văn khi sử dụng hình ảnh. Tùy mỗi hoàn cảnh, nhà báo ứng xử nhân văn theo cách thức khác nhau.
Để đảm bảo tính nhân văn trong ảnh báo chí, đặc biệt về nhân vật trong hoàn cảnh nhạy cảm, yếu thế, phóng viên phải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo khác với nhà nhiếp ảnh ở chỗ, anh ta phải là một nhà báo, tuân thủ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp báo chí trước hết, rồi sau đó mới là một nhà nhiếp ảnh. Cái tài của nhà báo phải đi liền với cái tâm, nghĩa là bức ảnh phải phản ánh đúng hiện thực cuộc sống, nhưng đồng thời phải để nhân vật cảm nhận được sự tích cực khi nhìn thấy mình trên truyền thông.
Như cố nhà báo Hữu Thọ đã nói về nguyên tắc hành nghề của nhà báo: một là trung thực, hai là chừng mực. Nhà báo nên biết khai thác ảnh như thế nào, góc chụp ra sao, khoảnh khắc nào, đưa bao nhiêu ảnh, đưa ảnh đến mức độ nào… là hợp lý.
Đằng sau mỗi chân dung nhân vật được phơi bày trên mặt báo là tương lai nhân vật, người thân, gia đình, là sự nghiệp của cả một công ty, doanh nghiệp… Một bức ảnh tốt là bức ảnh nâng được vẻ đẹp của nhân vật, hoặc cho nhân vật thấy được sự tôn trọng về hình ảnh và đời sống riêng tư. Những bức ảnh vô tình, vô cảm, cẩu thả… của nhà báo có thể tạo nên những định kiến nặng nề đối với nhân vật. Vì vậy, trước khi bấm máy và quyết định công bố bức ảnh nào, nhà báo phải đặt câu hỏi: Nếu mình là nhân vật, hay thân nhân của họ, mình có muốn bức ảnh này được công bố trước đại chúng hay không? Vì sao?
Đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật là cách tốt nhất để nhà báo không đi quá giới hạn đạo đức. Bên cạnh đó, dưới góc nhìn nhân văn - dùng tình yêu thương, trân trọng, sự đồng điệu, cảm thông với nhân vật, số phận của những con người trong chính các tác phẩm của mình, chắc chắn, những bức ảnh của nhà báo sẽ luôn hàm chứa giá trị nhân văn cao đẹp./.
____________________________________________________
(1), (3) Nguyễn Tiến Mão (2013), Nghệ thuật tạo hình nhiếp ảnh, Nxb. Hà Nội, tr.5, 28.
(2), (5) Brian Horton (2002), Ảnh báo chí, NXB. Thông tấn phát hành, tr. 17, 25.
(4) Theo Trần Đức Thành, Những bức ảnh báo chí 2006, https://tuoitre.vn/nhung-buc-anh-bao-chi-2006-186659.htm.
(6) Mẹ bé 8 tuổi lần đầu lên tiếng: “Lần cuối ôm con, dù đầy thương tích, gương mặt con vẫn đẹp lắm”, https://tuoitre.vn/me-be-8-tuoi-lan-dau-len-tieng-lan-cuoi-om-con-du-day-thuong-tich-guong-mat-con-van-dep-lam-20220722084836786.htm).
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông điện tử
Bài liên quan
- Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
- Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
- Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
- Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
- Vai trò của biên tập và yêu cầu luật hóa quy trình biên tập xuất bản hiện nay
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024- 2027
Ngày 19/10/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2024 – 2027.
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Nhà báo đấu tranh chống tin giả trên mạng xã hội
Báo chí là kênh giữ vai trò chủ đạo trong việc định hướng dư luận xã hội, bác bỏ và ngăn chặn các dòng thông tin sai lệch, đặc biệt là tin giả từ mạng xã hội. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ, vừa có nhiệm vụ truyền tải, dẫn dắt dòng thông tin thời sự đúng đắn, chính xác, bổ ích cho công chúng, vừa đấu tranh chống lại những tác động tiêu cực của tin giả, lành mạnh hóa môi trường thông tin.
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
Một số vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và quản trị thương hiệu trực tuyến
(LLCT&TT) Mạng xã hội phát triển đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi cộng đồng mạng xã hội lớn mạnh cũng trở thành một “thế giới thu nhỏ”, tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình. Bên cạnh những ưu việt mà mạng xã hội mang lại cho thương hiệu như: gia tăng nhận thức về thương hiệu, tiết kiệm chi phí truyền thông, giúp khách hàng dễ dàng tương tác với thương hiệu hơn, thì việc quản trị danh tiếng thương hiệu trên mạng xã hội đang là vấn đề cấp thiết thu hút sự chú ý của nhiều nhà quản trị chiến lược truyền thông hiện đại. Bài viết này sẽ cung cấp những vấn đề lý luận cơ bản như khái niệm thương hiệu, tài sản thương hiệu cũng như hoạt động quản trị thương hiệu doanh nghiệp trực tuyến.
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
Báo chí thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội - vấn đề và giải pháp
(LLCT&TT) Báo chí là loại hình phương tiện truyền thông đại chúng vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những vấn đề mang tính thời sự trong nước và quốc tế, là việc định hướng thông tin và dư luận xã hội mà còn có vai trò giám sát và phản biện xã hội. Trong bối cảnh đất nước ta đang đổi mới và hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển thì vai trò của báo chí trong việc thông tin, định hướng thông tin và giám sát, phản biện xã hội càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết góp phần làm sáng tỏ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn của báo chí trong việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội như là một phương tiện, phương thức phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong bối cảnh mới.
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới
(LLCT&TT) Khoa học công nghệ phát triển đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thay đổi thói quen, điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Sự thay đổi của báo chí trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo tại các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh.
Bình luận