Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
1. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi một đội ngũ cán bộ có kiến thức khoa học tiên tiến, có trình độ quản lý và có phẩm chất cách mạng trong sáng
Do xuất phát điểm là một nước nông nghiệp với hơn 80% dân số và hơn 70% lực lượng lao động sống và làm việc ở nông thôn, Việt Nam coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nếu tách rời nông nghiệp và nông thôn ra khỏi công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì hậu quả sẽ là một nền nông nghiệp lạc hậu, nhất là các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đi liền với nó là nông thôn nghèo nàn, môi sinh bị tàn phá, phân hóa giàu nghèo rõ nét và những bất cập về các tệ nạn xã hội.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ. Nói cụ thể hơn, đó là quá trình cơ giới hóa, điện khí hóa các hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn; là việc ứng dụng những thành tựu mới về khoa học và công nghệ và trước hết là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, là quá trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn; là phát triển các xí nghiệp hương trấn, tức xí nghiệp công nghiệp nông thôn. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa miền núi còn bao gồm việc hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp và củng cố, phát triển quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp – nông thôn.
Hiện đại hóa các vùng miền núi không chỉ là việc nâng cao trình độ kỹ thuật – công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và phát triển cơ sở hạ tầng mà còn bao gồm cả việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, hệ thống giáo dục, y tế và các dịch vụ đời sống khác ở miền núi. Hiện đại hóa không có nghĩa là phủ định toàn bộ những gì tạo dựng được trong quá khứ, càng không phải là đưa toàn bộ công nghệ hiện đại vào nông thôn miền núi mà là áp dụng những công nghệ thích hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của từng vùng. Vì thế cần thiết phải có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư của chính người dân tộc thiểu số; và quan trọng hơn, phải đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng và hợp lý về cơ cấu ngành nghề, độ tuổi, địa phương.
2. Đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ quản lý nói riêng người dân tộc thiểu số là nòng cốt trong các hoạt động của những vùng dân tộc thiểu số
Tuy mọi cán bộ sinh ra và lớn lên từ trong lòng dân tộc đều có thể hiểu hết được chính đồng bào mình, nhưng cũng không thể không thấy rằng ít ai nắm được tâm tư tình cảm, nguyện vọng và các nhu cầu đa dạng mang tính thường nhật của đồng bào bằng chính cán bộ đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ trong lòng dân tộc, từ phong trào thực tiễn của đồng bào dân tộc. Trưởng thành từ thực tiễn, trình độ năng lực lại được nâng lên nhờ trải qua quá trình đào tạo ở trường, lớp và mang trong mình dòng máu dân tộc, khiến cán bộ vui cái vui của đồng bào, chia sẻ kịp thời và tìm được biện pháp kịp thời để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Cùng chung một tiếng nói, uống chung một ché rượu cần, hát chung một bài dân ca sẽ tạo ra những thuận lợi ban đầu rất quan trọng để có được sự tin cậy, cởi mở của đồng bào, nhờ vậy cán bộ dân tộc dễ có được sự chia sẻ, ủng hộ của đồng bào. Nói tóm lại cán bộ người dân tộc thiểu số là những người có khả năng và lợi thế về tập hợp, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời có khả năng tổ chức các hoạt động khoa học, thực hiện các chương trình mục tiêu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, qua đó giảm bớt gánh nặng về chi phí ngân sách nhà nước cho các chương trình, đề tài nghiên cứu về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
3. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có các nhà quản lý có khả năng quản lý nền kinh tế ấy
Với cơ chế quản lý tập trung – quan liêu – bao cấp trước đây, việc sản xuất cái gì, số lượng bao nhiêu, bán cho ai, … đã có Nhà nước lo. Nay cơ chế thị trường đang thâm nhập dần vào các hoạt động kinh tế ở tầm vi mô lẫn tầm vĩ mô và trên mọi miền của đất nước. Cơ chế ấy đòi hỏi các nhà quản lý – không phân biệt người Kinh hay người dân tộc thiểu số – phải tuân thủ các quy luật và nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Nghĩa là họ phải chủ động tìm kiếm thị trường để sản xuất ra những hàng hóa có khả năng bán được để thu lợi nhuận; phải biết liên kết, hợp tác không những với các chủ thể kinh doanh ở trong nước, mà còn ở nước ngoài và phải có bản lĩnh kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Về vấn đề này, Bộ trưởng cao cấp Xingapo - ông Lý Quang Diệu - đã từng nêu ý kiến: Nếu như trong chiến tranh, Việt Nam chỉ có một kẻ thù, lại chiến đấu trên chính quê hương của mình thì nay Việt Nam phải cạnh tranh với tất cả các nước trên thế giới. Điều đó đặt ra yêu cầu là các nhà doanh nghiệp cũng như những cán bộ quản lý nhà nước ở nước ta nói chung và đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế dân tộc thiểu số nói riêng phải tích cực học tập, rèn luyện để vươn lên giành thắng lợi trên thương trường trong nước và quốc tế hiện nay.
4. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số thiếu về số lượng, yếu về năng lực, trình độ lại phát triển không đồng đều giữa các địa phương, dân tộc
Hiện nay hầu hết các tỉnh miền núi chưa tự cân đối được lực lượng cán bộ tại chỗ mà phải nhờ vào sự điều động, tăng cường của các ngành ở Trung ương và các địa phương khác. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các huyện miền núi, vùng cao, vùng sâu chủ yếu là cán bộ tăng cường. Đến nay vẫn còn khoảng 10 dân tộc chưa có người học đại học và cao đẳng, 5 dân tộc chưa có người học trung học chuyên nghiệp, 10 dân tộc chưa có người học các trường công nhân kỹ thuật, 40 dân tộc chưa có người học trên đại học (theo Tạp chí Giáo dục số 80/3 – 2004).
Kết quả điều tra xã hội học cho thấy: ở miền Đông Nam bộ có tỉnh dân tộc Khơ me chiếm gần 10 vạn người, nhưng cán bộ người Khơ me ở cấp tỉnh hầu như chưa có. Ngoài ra còn phải kể đến tình trạng “chảy máu chất xám” từ miền núi về miền xuôi, từ vùng cao xuống vùng thấp, từ vùng sâu vùng xa về đô thị, làm tăng nguy cơ thiếu hụt đội ngũ cán bộ ở miền núi. Cụ thể là một số thanh niên có học vấn ở nông thôn, miền núi đang bị sức hút lớn của những ngành nghề mới, các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài ở thành thị.
Năng lực tư duy, khả năng điều hành quản lý, tính nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ dân tộc thiểu số trong cơ chế mới còn rất hạn chế. Điều này được rút ra từ kết quả điều tra của một số đề tài nghiên cứu khoa học năm 2003, 2004; hầu hết các quyết định quản lý các cấp ở địa phương do người dân tộc thiểu số đứng đầu đều phải xin ý kiến cấp trên trước lúc ban hành. Điều đó chưa phù hợp với xu hướng phân cấp quản lý, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở và phân công trách nhiệm ngày càng nhiều cho cấp dưới hiện nay ở nước ta. Hơn thế nữa, nhiều tình huống xuất hiện ở các vùng dân tộc thiểu số đòi hỏi cán bộ chủ chốt phải chủ động xử lý và ra quyết định kịp thời, không thể chờ đợi xin ý kiến chỉ đạo hay họp bàn giao quyết định, ví dụ vấn đề tranh chấp đất đai, buôn lậu, phá rừng, tranh chấp biên giới, nội bộ cơ quan mất đoàn kết, … Như vậy sự trông chờ, ỷ lại, thụ động dựa vào cấp trên đang là một hạn chế vốn có của cán bộ dân tộc thiểu số.
Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số nói chung sống giản dị, thật thà, trung thực, có lòng tin vào Đảng, lòng tôn kính Bác Hồ và trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, không riêng gì ở thành phố, đồng bằng mà đây đó trong các tỉnh miền núi đã xuất hiện những quyền lực và lợi ích mới, khác thường, nghĩa là dùng quyền lực chính trị để đạt tới sự giàu sang cho cá nhân. Không ít cán bộ chủ chốt ở vùng cao tham nhũng hoặc làm thất thoát tài sản như ở Lạng Sơn, Lai Châu, Yên Bái vừa qua là những ví dụ. Một số cán bộ dân tộc thiểu số có chức, có quyền đã lợi dụng quyền lực chính trị của mình để hưởng lợi từ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi vậy sẽ là nguy cơ mất ổn định chính trị – xã hội ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa nếu không có giải pháp rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức cho đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, bên cạnh việc tăng cường về số lượng và nâng cao năng lực quản lý, năng lực chuyên môn kỹ thuật.
Có nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, trong đó, giáo dục đào tạo theo chúng tôi là giải pháp quan trọng nhất, theo thế cần phải tiến hành các công việc sau đây:
1. Coi trọng việc củng cố và nâng cấp hệ thống trường dân tộc bán trú ở xã, trường nội trú ở các huyện vùng cao, miền núi, đặc biệt quan tâm đầu tư mở rộng quy mô trường dự bị dân tộc, bởi vì đây là loại cơ sở đào tạo có hiệu quả nhằm tạo nguồn cho các trường đại học, cao đẳng.
Đi đôi với phát triển giáo dục phổ thông ở cơ sở, phải hết sức coi trọng củng cố và nâng cấp hệ thống trường dân tộc bán trú ở xã, trường nội trú ở các huyện vùng cao, miền núi. Hoàn thiện việc xây dựng và trang bị cơ sở vật chất – kỹ thuật cho các trường phổ thông dân tộc nội trú Trung ương với chức năng dự bị đại học; tạo điều kiện về cơ chế chính sách và nâng cao chất lượng để con em các dân tộc có đủ trình độ vào cao đẳng, đại học, tiến tới bỏ chế độ cử tuyển và không phải châm chước điểm. Bởi vì nếu kéo dài chế độ đó sẽ hạn chế rất lớn về chất lượng của đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ quản lý nói riêng ở miền núi, không có lợi cho các dân tộc thiểu số.
2. Để phát triển nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, nếu chỉ dựa vào các trường dân tộc miền núi ở các cấp huyện, tỉnh, bộ – ngành và hệ thống giáo dục như hiện nay thì khó đáp ứng được nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội vùng núi. Do đó, Nhà nước cần đầu tư cho mỗi cụm kinh tế – xã hội ở ba vùng khó khăn nhất một trường dân tộc nội trú, tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc thiểu số được học hành. Mặt khác, khi chúng ta còn rất thiếu giáo viên cơ sở thì việc liên kết giữa giáo dục - đào tạo với bộ đội biên phòng để trí thức quân đội giúp đồng bào xóa mù chữ và tuyên truyền văn hóa cho các dân tộc thiểu số là rất cần thiết và hiệu quả.
Phát triển tốt hệ thống giáo dục miền núi trên cơ sở sắp xếp hợp lý theo địa bàn dân cư, lãnh thổ; thực hiện trường bám cụm kinh tế, lớp học bám dân, thầy cô bám học trò. Đồng thời quan tâm xây dựng các trường điểm đào tạo nhân tài cho miền núi; các trường chuyên lớp chọn phải được duy trì ngay ở các trường dân tộc nội trú, từ đó có thể thực hiện tốt việc cử tuyển con em đồng bào dân tộc thiểu số có năng lực thực sự của từng bộ môn vào học các trường năng khiếu của Trung ương hoặc các trường khu vực dành riêng cho miền núi. Có như vậy việc tạo nguồn bổ sung cán bộ người dân tộc thiểu số mới thành công.
3. Nhà nước cần bổ sung hoàn thiện quy chế cử tuyển, dự tuyển, thi tuyển và có một số tiêu chuẩn cụ thể đối với con em các dân tộc còn ít hoặc chưa có người vào học các trường trung học chuyên nghiệp, đại học và cao đẳng. Cần phải cải cách có tính cách mạng về chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy, cũng như công tác quản lý đào tạo, phù hợp với đặc điểm, khả năng, điều kiện của sinh viên người dân tộc thiểu số.
Trong các trường đại học dành riêng cho miền núi như Đại học Thái Nguyên, Đại học Tây Bắc, Đại học Tây Nguyên…phải quan tâm nhiều hơn so với các trường đại học khác về thời gian và nội dung thực hành trong chương trình đào tạo, giúp cho sinh viên người dân tộc thiểu số nắm lý thuyết một cách dễ dàng và gắn lý thuyết với thực tiễn cuộc sống. Nội dung thực hành cần đa dạng, bao gồm Xêmina, thảo luận,, thí nghiệm, làm bài tập trên lớp – nhất là bài tập tình huống, tham quan, nghe báo cáo, thực hiện các thao tác nghề nghiệp, v.v...
Quá trình truyền thụ kiến thức của người thầy phải khơi dậy tính linh hoạt, khắc phục tính ỳ, sự lười suy nghĩ của nhiều sinh viên do đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội và tập quán ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa quy định, thông qua các phương pháp giảng dạy thích hợp, trong đó chú ý đến phương pháp đối thoại, phương pháp nêu vấn đề, phương pháp thảo luận nhóm, tổ, v.v...
4. Ở các trường đại học, cao đẳng, nhất là các trường khu vực dành riêng cho miền núi, đồng thời với cải cách mạnh mẽ chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp giảng dạy, cần đổi mới công tác quản lý cho phù hợp với đặc điểm, khả năng, điều kiện của sinh viên dân tộc thiểu số.
Trong các cơ sở đào tạo nên có giáo trình riêng cho những dân tộc thiểu số dễ đọc, dễ hiểu, dễ vận dụng. Phải khắc phục tình trạng học quá nhiều nhưng kiến thức chung chung, không thiết thực, lý luận không ăn nhập với thực tiễn, học không đi đôi với hành, nhà trường xa rời với lao động sản xuất và các hoạt động của đời sống xã hội.
5. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số.
Như đã đề cập, yêu cầu và nội dung đào tạo đều xuất phát từ thực tiễn, song thực tiễn lại rất sinh động, luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng. Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế cũ sang cơ chế mới – cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Những thành tựu mới về khoa học và công nghệ luôn được cập nhật, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế luôn đặt ra những yêu cầu mới cho kinh tế Việt Nam nói chung và cho các vùng kinh tế nói riêng. Vì thế, chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế người dân tộc thiểu số dù tốt đến đâu nhưng so với yêu cầu của thực tiễn ở các vùng, các đơn vị kinh tế cơ sở ở miền núi thì vẫn còn có khoảng cách. Những tri thức đạt được trong quá trình đào tạo chỉ là vốn liếng ban đầu, cơ bản để cán bộ nói chung và cán bộ quản lý kinh tế nói riêng bước vào hoạt động thực tiễn. Nguồn vốn đó so với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn quản lý kinh tế ở địa phương thì còn quá ít ỏi, vì thế phải thường xuyên tự học, tự rèn luyện và tham gia vào các lớp bồi dưỡng để tiếp nhận thông tin mới, trang bị thêm các tri thức mới, nhất là đối với những nơi xa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước.
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nói chung cán bộ quản lý kinh tế ở vùng cao – nhất là cán bộ cấp cơ sở – còn yếu cả về nhận thức lẫn năng lực. Bởi vậy, trước hết phải nâng cao nhận thức cho họ để có những hiểu biết sâu sắc hơn về tính đặc thù của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các vùng miền núi.
Cũng như cán bộ ở nhiều vùng khác trong cả nước, cán bộ quản lý các cấp ở vùng cao rất nhiệt tình, hăng hái trong mọi công việc. Tuy nhiên phần đông cán bộ – nhất là cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế ở cấp cơ sở – chỉ mới đáp ứng phần nào nhu cầu quản lý một nền kinh tế sản xuất nhỏ và trong một phạm vi hẹp, số lượng dân cư không nhiều, mật độ dân cư thưa thớt, nhu cầu người dân còn đơn giản. Khi nền kinh tế nói chung và các vùng kinh tế nói riêng thực sự chuyển sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường thì đội ngũ cán bộ hiện nay rất bất cập. Sự nghiệp công nghiệp hóa ở miền núi đòi hỏi phải có những cán bộ có tri thức chuyên sâu về khoa học kỹ thuật; có năng lực điều hành quản lý một doanh nghiệp, một địa phương, một vùng kinh tế; có khả năng mở rộng liên doanh liên kết và hợp tác kinh tế với bên ngoài; có tác phong năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Chỉ sau một thời gian không xa nữa, đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế ở miền núi phải tự mình quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, các tổng công ty 90, 91 và phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ. Sự không ngang tầm giữa năng lực của cán bộ quản lý người dân tộc thiểu số với nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn miền núi xuất hiện ngày càng rõ. Trong khi đó, chúng ta thực hiện quá trình chuyển đổi nền kinh tế nói chung và vùng kinh tế riêng không phải bằng ai khác mà bằng chính những con người do lịch sử để lại và do những điều kiện lịch sử hiện thời tạo ra. Việc đào tạo, đào tạo lại là cơ bản và cấp thiết, nhưng lại bị giới hạn bởi những khó khăn về tuổi tác, mức thu nhập và điều kiện địa lý. Bởi vậy, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn để trang bị kiến thức về khoa học và công nghệ, về kinh tế thị trường và quản lý Nhà nước và quản lý kinh tế… là một trong những cách thức và con đường để “hiện đại hóa” bộ não cho đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế người các dân tộc thiểu số.
Nội dung và phương pháp bồi dưỡng phải căn cứ vào mục đích, đối tượng và điều kiện cho phép, tuy nhiên một cách chung nhất, đó là những chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội; những kiến thức về kinh doanh trong nền kinh tế thị trường; những kinh nghiệm và điển hình về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông - lâm – ngư nghiệp và phát triển kinh tế nhiều thành phần. Đặc biệt, việc trang bị và hướng dẫn áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới về nuôi trồng, khai thác, chế biến cây – con cho cán bộ kỹ thuật là rất cần thiết và phải được tổ chức thường xuyên hơn cả. Qua đó, giúp nhân dân các dân tộc thiểu số – mà trước hết là đội ngũ cán bộ – thay đổi tập quán lạc hậu, lối làm ăn tự cấp tự túc và cải thiện nhanh chóng đời sống vật chất và tinh thần, do tạo ra được năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt.
Các lớp bồi dưỡng phải được tổ chức theo xã, cụm xã hoặc ở huyện, thuận lợi cho việc đi lại, ăn ở của cán bộ vùng cao. Đồng thời phải có chương trình, phương pháp bồi dưỡng thích hợp đối với cán bộ từng dân tộc; tránh tình trạng tổ chức bồi dưỡng qua loa, đại khái theo kiểu “đánh trống ghi tên” hoặc có “danh” mà không có thực. Trong thời gian bồi dưỡng, cần tổ chức các cuộc tham quan, tạo điều kiện cho cán bộ được giao lưu học hỏi kinh nghiệm quản lý kinh tế của các địa phương khác hoặc quốc gia khác, qua đó minh họa cho những điều đã tiếp thu ở lớp thông qua các điển hình tiên tiến; mặt khác tạo sự phấn khởi cho học viên do được trang bị thông tin mới và được học hỏi ở nhiều nơi.
Những nhiệm vụ trên đây tuy chưa bao quát đầy đủ các hoạt động giáo dục đào tạo nhưng là những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và có thể thực hiện được trong điều kiện hiện nay để sớm bổ sung vào đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cho các địa phương miền núi nước ta./.
Nguồn: Bài đăng Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 2 (tháng 3+4)/2005
Bài liên quan
- Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
- Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
- Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- Phát huy vai trò của ngành công nghiệp xuất bản trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Quản lý tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên đại học hiện nay
Truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đang tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên các trường đại học trên cả bình diện tích cực và tiêu cực. Thực tế cho thấy, việc tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến sinh viên có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, cấp thiết nhằm tạo tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học hiện nay. Vì vậy, bài viết làm rõ mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội; từ đó phân tích nội dung quản lý về tác động của truyền thông đại chúng và dư luận xã hội đến cộng đồng sinh viên, đưa ra một số yêu cầu giúp quản lý, tạo dựng bầu không khí tâm lý lành mạnh trong cộng đồng sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường đại học trong bối cảnh hiện nay.
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Hệ thống chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại từ góc nhìn đổi mới
Nhìn toàn bộ tiến trình lịch sử chính trị của dân tộc, “Hệ thống chính trị” nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một thiết chế chính trị mạnh, mô hình này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đúng với quy luật vận động của lịch sử. Và, cũng từ thực tế lịch sử, có thể thấy sức mạnh thực sự của Hệ thống chính trị mà chúng ta đang có chủ yếu không phải do tính chất nhất nguyên mà là do uy tín của Đảng, Nhà nước và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sức sống của hệ thống chính trị là sự phù hợp, thống nhất giữa mục đích của Đảng với nguyện vọng của nhân dân, với nhu cầu phát triển của đất nước. Hệ thống chính trị Việt Nam đương đại, trên cơ sở kết tinh các giá trị thiết chế truyền thống gắn với hiện đại không ngừng đổi mới phát triển khẳng định sức mạnh của Hệ thống tổ chức quyền lực Chính trị Việt Nam có vai trò quyết định thành công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Với cộng đồng 54 dân tộc anh em, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú, có những nét riêng, trở thành tài sản quý giá làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc. Giữ gìn và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa truyền thống chính là góp phần củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc - một sức mạnh nội sinh to lớn và vĩ đại, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chạy đua vũ trang, các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina ở Đông Âu, giữa Israel và Palestine vùng các tổ chức hồi giáo ở Trung Đông diễn biến ngày càng căng thẳng đe dọa tới hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Tuy vậy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu hướng tới của các nước, là xu hướng chính trị -xã hội tất yếu của nhân loại, từ đó đặt ra vai trò, trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bình luận