Đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động ly khai ở vùng đồng bào dân tộc
1. Hoạt động của các tổ chức ly khai chống phá Việt Nam trong những năm 1990 và đầu năm 2000
Chủ nghĩa ly khai là tập hợp những tư tưởng và hành động đòi độc lập, tách ra khỏi một quốc gia, để thành lập một quốc gia riêng. Các phong trào ly khai thường thấy ở các quốc gia đa tôn giáo, đa sắc tộc, đa văn hóa và tồn tại các mâu thuẫn, xung đột... bắt nguồn từ sự khác biệt trong phong tục, tôn giáo, tư tưởng.
Trên thế giới, với mục đích thúc đẩy sự tan rã của các nước XHCN ở Đông Âu, Liên Xô và sau này là nước Nga, trong những năm 1990 và đầu năm 2000, phương Tây đã khuyến khích chủ nghĩa ly khai phát triển tại đây và gây ra những xung đột, bạo lực nghiêm trọng. Vì nhiều nguyên nhân, chủ nghĩa ly khai cũng đã phát triển ở một số khu vực khác, trong đó có Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, sau khi thống nhất đất nước (năm 1975), dù còn nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển vùng dân tộc và miền núi; thực hiện chính sách dân tộc tiến bộ, nhất quán theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Sau nhiều năm, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lao động xen kẽ với nhau và với người Kinh, ở cả các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Với mục đích chống phá đất nước, chống phá chế độ XHCN, chống Đảng và Nhà nước ta, cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, các thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề lịch sử tộc người và vấn đề tôn giáo để gieo rắc, tuyên truyền tư tưởng ly khai trong một bộ phận người Mông, người Thái ở miền núi phía Bắc, người Êđê ở Tây Nguyên, người Khmer ở Tây Nam bộ, từ đó hình thành một số tổ chức vận động ly khai.
Từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước tới những năm đầu thế kỷ XXI, ở Việt Nam nổi lên 3 nhóm ly khai: (i) Nhóm âm mưu thành lập “Vương quốc Mông” liên quan đến tộc người Mông; (ii) Nhóm âm mưu thành lập “Nhà nước Dega” liên quan đến một số tộc người ở Tây Nguyên; (iii) Nhóm âm mưu thành lập “Nhà nước Khmer Krom” liên quan đến tộc người Khmer Tây Nam bộ. Một số phần tử ly khai người Chăm cũng tham gia vào nhóm nhà nước Dega.
Các tổ chức ly khai này đã thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn như:
- Tuyên truyền, lôi kéo, mua chuộc, dụ dỗ, đe dọa, kích động người dân đi theo bọn chúng;
- Lợi dụng tôn giáo, lập ra tổ chức tôn giáo phi pháp và thông qua truyền đạo để vận động ly khai;
- Lợi dụng những mâu thuẫn trong nhân dân, những thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc của Nhà nước ta, tổ chức bạo loạn, biểu tình, khiếu kiện;
- Vu cáo Nhà nước ta kỳ thị, phân biệt đối xử, đàn áp đối với các dân tộc thiểu số; gieo rắc mâu thuẫn giữa các dân tộc thiểu số với người Kinh, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Tăng cường hoạt động trên các diễn đàn quốc tế, kể cả các diễn đàn của Liên hợp quốc để khuếch trương thanh thế, xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam.
Cụ thể, trong vùng đồng bào Mông ở phía Bắc, chúng tiến hành các hoạt động chống phá sau:
(1) thông qua hệ thống đài phát thanh tiếng Mông, internet, báo chí, tài liệu phản động, điện thoại, phát tán băng đĩa, lợi dụng các mối quan hệ họ hàng, thân tộc, đồng đạo... để rỉ tai, truyền miệng, tung tin thất thiệt, khơi lại các vấn đề lịch sử, tuyên truyền về thời kỳ hoàng kim của “vương quốc Mông”, kêu gọi người Mông đoàn kết đấu tranh để có “vua”, có “vương quốc” riêng.
(2) lợi dụng những khó khăn, thiếu sót, sơ hở của ta để chia rẽ, khoét sâu hằn thù dân tộc; vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử, đàn áp người Mông; khai thác các mâu thuẫn nảy sinh giữa các dân tộc; tận dụng mọi cơ hội để kích động làm bùng nổ các cuộc đòi “dân chủ”, đòi “quyền tự quyết” dân tộc, nhằm gây rối loạn tình hình, kích động người Mông tham gia lập “Vương quốc Mông”...(1).
Những hoạt động đòi ly khai ở vùng đồng bào Mông nước ta hướng đến âm mưu lớn hơn là hình thành quốc gia và nhà nước cho người Mông nói chung (bao gồm cả ở Lào). Với sự hỗ trợ của một số thế lực nước ngoài, các tổ chức người Mông lưu vong gia tăng các hoạt động quốc tế, tập hợp lực lượng, móc nối, chỉ đạo một số đối tượng có tư tưởng ly khai trong nước, tăng cường các hoạt động chống phá Nhà nước ta. Ở Mỹ, chúng đã hình thành hơn 160 tổ chức, hội nhóm tại 25 bang, trong đó đáng chú ý là tổ chức “Phát triển quốc gia Mông” (H’Mong National Development. Inc-HND); “Mặt trận giải phóng thống nhất người Mông” (H’Mong United Liberation Front); “Hội đồng nhân quyền Lào” (Lao Human Right Council); “Trung tâm văn hóa Mông” (H’Mong Cultural Center)(2).
Các tổ chức này thông qua các hội nhóm người Mông ở nước ngoài, lợi dụng các diễn đàn quốc tế để vu cáo Việt Nam, Lào “đàn áp, diệt chủng người Mông”, kêu gọi Mỹ, Liên hợp quốc can thiệp, gây sức ép ngoại giao với Việt Nam.
Ở Lào, bọn phản động người Mông trong nước và lưu vong cấu kết với nhau, lập các tổ chức chính trị phản động như “Mặt trận đoàn kết người Mông”, “Đảng Vương quốc Mèo tự trị”, “Đảng Châu Phạ”, “Đảng Apolo”, “Cựu chiến binh Long Chẹng”..., hình thành 15 nhóm tổ chức phản động, đã gây ra 4 vụ bạo loạn lớn; công khai tuyên truyền Vàng Pao là Vua Mông, kích động người Mông chống lại cách mạng Lào, Việt Nam để lập “Nhà nước của dân tộc Mông”. Hoạt động của chúng hướng vào vùng người Mông Việt Nam ở các tỉnh Tây Bắc trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, đẩy mạnh tuyên truyền, lôi kéo dưới nhiều hình thức, kích động ly khai, sang Lào để lập “Vương quốc Mông”.
Các trung tâm văn hóa Mông ở Thái Lan, Philíppin đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, dạy học chữ Mông La tinh, sản xuất các ấn phẩm văn hóa dưới nhiều hình thức bảo tồn văn hóa Mông để tuyên truyền, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, kêu gọi người Mông đoàn kết thành lập “Nhà nước của dân tộc Mông”. Các đài phát thanh tiếng Mông ở nước ngoài thực sự là những trung tâm phá hoại tư tưởng đối với đồng bào dân tộc Mông, kích động xu hướng hướng ngoại, trông chờ ở bên ngoài(3). Vụ việc nghiêm trọng nhất mà các thế lực này tạo ra ở Việt Nam là “sự kiện Mường Nhé” tại tỉnh Điện Biên năm 2011 lôi kéo hàng nghìn người Mông tham gia.
Ở Tây Nguyên, tiếp sau hoạt động chống phá của FULRO trong những năm 1970, 1980, từ cuối những năm 1990, các thế lực phản động âm mưu thành lập “Nhà nước Dega” tại đây. Các sự kiện diễn ra năm 2002 và 2004 là đỉnh điểm của những hoạt động ly khai đó. Ngoài các tổ chức lưu vong ở Mỹ đã được lập ra trước đây như “Hội người Thượng Dega” (MDA), “Hội những người miền núi” (MFI), “Hội bảo vệ nhân quyền Thượng Dega” (MHRO),... các thế lực phản động tiếp tục lập thêm các tổ chức mới để tập hợp, lôi kéo, ép buộc đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thực hiện ý đồ ly khai của chúng.
Ở Tây Nam bộ, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, chúng kích động gây ra nhiều vụ khiếu kiện, đòi đất ở An Giang, Trà Vinh (chẳng hạn tại chùa Mỹ Văn, chùa Rùm Sóc). Nhiều đối tượng cốt cán “Liên đoàn KKK - KKF” tại Mỹ và các hội, nhóm KKK cực đoan tại Campuchia, Thái Lan thâm nhập vào địa bàn Tây Nam bộ thu thập tin tức bí mật, móc nối cơ sở, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam. Mục tiêu của chúng là đòi thừa nhận sự tồn tại của tổ chức KKF trong vùng tộc người Khmer tiến tới đòi quyền “dân tộc tự quyết” cho người Khmer, lập “Nhà nước Khmer Krom”.
2. Dự báo hoạt động của các tổ chức phản động, đòi ly khai và giải pháp ngăn ngừa, đấu tranh trong thời gian tới
Thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, hơn 30 năm qua, Đảng ta đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nghị quyết đối với các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hạ tầng kinh tế - xã hội các vùng này đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tộc người thiểu số được cải thiện rõ rệt. Công tác an ninh, quốc phòng được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội giữ vững. Hệ thống chính trị từ tỉnh tới huyện, xã được củng cố, tăng cường. Các tổ chức phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, âm mưu và hoạt động ly khai bị vạch mặt, đẩy lùi. Song, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình xây dựng, phát triển các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số còn không ít những hạn chế, yếu kém. Vì thế, chúng ta không thể chủ quan với những âm mưu và thủ đoạn mới của các thế lực phản động nhằm kích động và thực hiện các hoạt động đòi ly khai tại các khu vực này.
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, biên giới, lãnh thổ... hòng chống phá, mà địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trọng điểm trong âm mưu của chúng.
Các tổ chức phản động nước ngoài tiếp tục tìm cách tác động đến các chính phủ phương Tây, các tổ chức quốc tế để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, vi phạm quyền của người thiểu số. Chúng tiếp tục nuôi dưỡng và sử dụng các tổ chức ly khai, móc nối đưa người, tài liệu, thậm chí vũ khí vào Việt Nam, hòng gây rối, biểu tình, bạo loạn, tạo nên các điểm nóng, thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, kích động tư tưởng và hoạt động đòi ly khai ở cả ba địa bàn trọng điểm của đất nước. Ý đồ của chúng là khi đã tạo ra được “điểm nóng” xung đột với chính quyền, chúng sẽ tìm cách “quốc tế hóa”, kêu gọi các quốc gia, các tổ chức quốc tế can thiệp.
Ở các tỉnh Tây Nam bộ, tổ chức KKK dù suy yếu vẫn tiếp tục lợi dụng vấn đề lịch sử dân tộc để phát tán tài liệu tuyên truyền lịch sử “vùng đất của người Khmer”, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, kêu gọi quốc tế can thiệp; tiếp tục tích cực hoạt động tạo thanh thế và nhận hỗ trợ về kinh tế, chính trị của các tổ chức quốc tế; xây dựng cơ sở, lôi kéo người, tổ chức biểu tình, gây rối, gây bạo loạn... Một số thế lực cực đoan ở Campuchia tiếp tục tăng cường các hoạt động kích động, lôi kéo quần chúng, kêu gọi các nước phương Tây gây sức ép với Chính phủ Campuchia nhằm khôi phục Đảng Cứu quốc (CNRP), tiếp tục lấy vấn đề biên giới, lãnh thổ, Việt kiều làm con bài phá hoại mối quan hệ Việt Nam và Campuchia.
Do vậy, để bảo đảm an ninh, quốc phòng trên cả nước nói chung cũng như ngăn chặn, làm thất bại các âm mưu và hoạt động đòi ly khai ở các vùng đồng bào dân tộc nói riêng, trong những năm tới, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sau:
Một là, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực dân tộc thiểu số. Tăng cường cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhanh chóng khắc phục tình trạng thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Tập trung xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên ở bản, làng, phum sóc, xã, cụm xã, nơi gần dân nhất, trực tiếp xử lý các công việc hàng ngày.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân vận các cấp để đội ngũ cán bộ này luôn gần dân, sát dân, hiểu được tâm tư nguyện vọng của dân để thực hiện chính sách phù hợp với dân. Điều này đặc biệt cần thiết đối với các địa bàn đã từng xảy ra các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo đồng bào Mông, Khmer và đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên.
Hai là, thực hiện tốt công tác tư tưởng. Chú trọng đẩy mạnh công tác tư tưởng trong vùng đồng bào tộc người thiểu số, tuyên truyền về lịch sử tộc người, về lịch sử quan hệ tộc người và dân tộc, truyền thống đoàn kết tương trợ cùng phát triển giữa các dân tộc, xây dựng bệ đỡ tư tưởng cho khối đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội. Nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền. Sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại và mạng xã hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc ở địa phương, cơ sở. Đấu tranh xóa bỏ nạn mê tín, thay đổi tập quán làm ăn, phong cách sống của đồng bào. Tăng cường giáo dục lòng tự hào về những giá trị văn hóa quý giá của các tộc người, đồng thời vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tuyên truyền đấu tranh mạnh mẽ với ý đồ ly khai.
Ba là, thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các lực lượng công an, bộ đội biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại sự ổn định, công cuộc phát triển của đất nước. Nắm chắc tình hình, phối hợp với các lực lượng, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng, gần gũi, sát dân, nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và những vấn đề xảy ra ở khu vực biên giới để có biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả, ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng.
Bốn là, xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách ưu đãi cho các lực lượng, cán bộ và nhân dân các tộc người thiểu số trực tiếp tham gia xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng thành lực lượng tin cậy, đóng góp đắc lực vào việc xây dựng buôn làng, ổn định chính trị, xã hội. Giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bức xúc trong đời sống của đồng bào, bảo đảm an ninh nông thôn.
Năm là, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số của Đảng và Nhà nước. Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục ban hành và triển khai nghị quyết tương tự đối với các tỉnh Tây nguyên. Đây sẽ là động lực mới cho sự phát triển toàn diện các vùng trọng điểm có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương đó, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Thực tiễn cho thấy, quá trình cải tạo và làm chuyển biến xã hội tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số không thể nóng vội, duy ý chí; công tác xây dựng và thực thi chính sách cần được kiểm tra, đánh giá, điều chỉnh, loại bỏ những bất cập và hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn nhằm đạt được hiệu quả và mục tiêu đề ra.
Sáu là, thực hiện tốt công tác đối ngoại, không ngừng củng cố, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và giúp đỡ giữa các tỉnh biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia, không để các thế lực thù địch, phản động lưu vong lợi dụng địa bàn này làm bàn đạp để hoạt động chống phá.
Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động ly khai vẫn là chiêu bài quan trọng mà các thế lực thù địch sử dụng trên mọi mặt trận, với nhiều thủ đoạn để chống phá cách mạng Việt Nam. Nhận thức rõ âm mưu đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nâng cao cảnh giác, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch, đồng thời không ngừng đổi mới, hoàn thiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội nói chung, chính sách tôn giáo và vùng dân tộc thiểu số nói riêng, hướng đến xây dựng nước Việt Nam “hùng cường và thịnh vượng” như tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh./.
____________________________________________
(1) Tài liệu do Cục An ninh Tây Bắc cung cấp năm 2018.
(2) Tài liệu do Cục An ninh Tây Nguyên cung cấp năm 2017.
(3) Báo cáo của Cục Bảo vệ chính trị nội bộ về tình hình hoạt động của các thế lực phản động.
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 13/9/2022
Bài liên quan
- Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
- Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
- Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
- Nhận diện và xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong sách tôn giáo
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và vai trò của Việt Nam hiện nay
- 3 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 4 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 5 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 6 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Những thách thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội
Bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố chủ quan và khách quan mang lại. Lan toả các giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tiếp tục đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vấn đề của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng trên các phương tiện truyền thông xã hội hiện nay là làm sao thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận nhân dân, để nhân dân tin tưởng và làm theo Đảng thông qua những nội dung gần gũi, sinh động, hấp dẫn và hiện đại. Hai yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt truyền thông xã hội và hiện tượng truyền thông hoá.
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả- tác hại thật - Bài 3: Ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả
Uy tín giả là một biến thể nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với những yêu cầu về phẩm chất đích thực và đạo đức cách mạng. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi uy tín giả là loại bỏ những thói hư tật xấu đang ngấm ngầm làm tha hóa cán bộ, đảng viên. Chống uy tín giả cũng là chống chủ nghĩa cá nhân, củng cố uy tín đích thực của người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 2: Nhận diện uy tín giả
Uy tín giả nảy sinh, xâm nhập, lây lan trong đời sống chính trị, xã hội do nhiều nguyên nhân, trong đó, yếu tố chủ quan của tổ chức và cá nhân cán bộ, đảng viên là nguyên nhân trực tiếp, phổ biến.
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Uy tín giả - tác hại thật - Bài 1: Uy tín giả - “mảnh đất dụng võ” của kẻ thù
Một trong những nguy cơ ngấm ngầm tạo ra sự ghen ghét, đố kỵ, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, làm suy yếu tổ chức, suy yếu tập thể là uy tín giả. Nghiêm trọng hơn, nó còn thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân rất nguy hại. Suy rộng ra, uy tín giả hủy hoại nghiêm trọng thanh danh của Đảng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nếu không được nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn.
Bình luận