Góp phần tìm hiểu tính biện chứng trong tư duy người Việt qua tục ngữ, ca dao
Nghiên cứu văn hoá Việt Nam qua kho tàng văn học dân gian dưới góc độ triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử nhằm tìm ra những giá trị triết học, những giá trị về mặt tư duy, tư tưởng ẩn giấu trong đó sẽ giúp ta hiểu thêm về vốn quý xưa nay của dân tộc. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đối với những người làm công tác tư tưởng - văn hoá, việc nghiên cứu nét đặc sắc trong tư duy người Việt lại càng có ý nghĩa bởi những nghiên cứu đó giúp họ có những phương pháp tuyên truyền phù hợp với đối tượng là các tầng lớp nhân dân, đảm bảo cho việc tuyên truyền có hiệu quả.
- Những đặc trưng của cơ sở kinh tế - xã hội quy định tính biện chứng trong tư duy người Việt
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, từ nhiều nghìn năm nay, nghề chính của người dân Việt Nam vẫn là nghề nông trồng lúa nước. Do tính chất công việc phức tạp, nặng nhọc, gồm nhiều công đoạn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, nên người nông dân “luôn có ý thức tôn trọng và ước vọng sống hoà hợp với thiên nhiên”(1):
“Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề…
…Trông cho chân cứng đá mềm
Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng.”
Chính vì phải “trông nhiều bề” như vậy, do thường xuyên tiếp xúc với tự nhiên một cách hoà hợp như vậy, mà người dân sớm nhận ra những mối liên hệ trong thế giới khách quan. Những ánh phản được tạo ra bởi tư duy của họ, vì thế mà cũng phản ánh được một cách trực quan những yếu tố biện chứng của thế giới. Cũng chính vì hoạt động thực tiễn sản xuất trồng lúa nước đòi hỏi phải có cái nhìn toàn diện như vậy đã dần hình thành trong người dân Việt một cách tư duy, một lối nghĩ luôn xem xét sự vật trong mối liên hệ phổ biến và trong sự phát triển. Như vậy, mối liên hệ với giới tự nhiên trong thực tiễn sản xuất đã quy định tính biện chứng trong tư duy người Việt.
Về mặt xã hội, do nhu cầu trị thuỷ và chống ngoại xâm nên tính cộng đồng của người Việt sớm trở nên sâu sắc. Hơn bất cứ người dân sống ở quốc gia nào trên thế giới, người Việt Nam hiểu rất rõ sức mạnh của sự đoàn kết giữa con người với con người. Đó là một biểu hiện cụ thể, trực quan của những mối liên hệ trong xã hội. Bằng tư duy của mình, nhân dân ta đã khái quát những quy luật xã hội mà họ nhận thức được trong quá trình tham gia vào hoạt động xã hội và cùng với việc nhận thức những quy luật của thế giới tự nhiên, họ đã tạo ra tri thức về những quy luật phổ biến của tự nhiên cũng như xã hội. Từ đó mà có những câu ca:
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao
Hay:
Thuyền ơi, có nhớ bến chăng?
Bến thì một mực khăng khăng đợi thuyền.
Như vậy, chính thực tiễn sản xuất nông nghiệp và thực tiễn chống ngoại xâm là cơ sở khách quan quy định tính biện chứng trong tư duy người Việt. Tính biện chứng ấy ra đời và phát triển là một tất yếu lịch sử.
- Nội dung tính biện chứng trong tư duy người Việt thể hiện qua tục ngữ, ca dao
Tục ngữ là những câu nói mang đặc điểm ngắn gọn, súc tích, có hình ảnh, giàu vần điệu, nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức thực tiễn về tất cả mọi lĩnh vực của đời sống con người và cuộc đấu tranh sinh tồn của nhân dân lao động. Còn ca dao, theo nghĩa hẹp, là danh từ để chỉ riêng thành phần nghệ thuật ngôn từ (phần lời thơ) của dân ca (không kể những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi). Với nghĩa này, ca dao là thơ dân gian truyền thống(2). Như vậy, với tư cách là những tri thức dân gian được hình thành một cách lâu dài, đúc kết những kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm xã hội của rất nhiều thế hệ người Việt, tục ngữ, ca dao đã thể hiện một cách khá rõ ràng tính biện chứng của tư duy người Việt.
Tính biện chứng đó biểu hiện trước hết ở chỗ tục ngữ, ca dao đã phản ánh được mối liên hệ phổ biến của các sự vật, hiện tượng. Trong thực tiễn lao động sản xuất, nhân dân ta đã nhận ra mối liên hệ ấy và đã phản ánh trong những câu tục ngữ, ca dao như:
- Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa
- Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm
Những câu tục ngữ, ca dao đó đã thể hiện mối liên hệ của các hiện tượng trong thế giới khách quan. Những mối liên hệ ấy là có thực và đã được kiểm nghiệm đúng qua những kinh nghiệm quý báu của nhân dân. Chúng thể hiện nhân dân ta đã nhận ra mối liên hệ phổ biến của các sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, do trình độ của thực tiễn và khoa học lúc đó còn thấp nên sự nhận thức ấy còn mang tính trực quan,chưa đi sâu vào bản chất của sự vật, hiện tượng, chưa đạt tới sự lý giải khoa học về các hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội. Cách lý giải duy nhất của người dân (mà đa phần là nông dân) lúc ấy là dựa vào thực tiễn lao động sản xuất và chiến đấu. Thực tiễn sẽ kiểm nghiệm tính chân thực của những tri thức đó. Vì vậy mà có câu:
- Trăm hay không bằng tay quen.
- Lên non mới biết non cao
Lội sông mới biết lạch nào cạn sâu.
- Nói có sách, mách có chứng.
Chính vì nhận ra mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng mà nhân dân đã dùng những hiểu biết của mình chỉ đạo hoạt động thực tiễn có hiệu quả.
Hễ mà hoa quả được mùa
Chắc là nước bể nước mưa đầy trời
Ai ơi nên nhớ lấy lời
Trông cơ trời đất, liệu thời làm ăn.
Rõ ràng là những tri thức ấy đã phát triển tới mức không chỉ đơn thuần phản ánh mối liên hệ phổ biến nữa mà còn là những tri thức có tính chất phương pháp luận, chỉ đạo hoạt động nhận thức cũng như hoạt động thực tiễn của con người.
- Làm người suy chín xét xa
Cho tường gốc ngọn, cho ra vắn dài
- ở bầu thì tròn, ở ống thì dài
Song nhân dân ta đã không chỉ nhận ra mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật, hiện tượng khác nhau mà còn nhận ra mối liên hệ (giữa các bộ phận) bên trong cấu thành các sự vật, hiện tượng ấy. Đó là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức:
- Tốt gỗ hơn tốt nước nước sơn
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người
Hay mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả như:
- Trèo cao ngã đau
- Nguồn đục thì dòng cũng đục
- Không có lửa, sao có khói
Mối liên hệ phổ biến còn thể hiện ở chỗ, các sự vật, hiện tượng còn có thể chuyển hoá lẫn nhau:
- Được làm vua, thua làm giặc.
- Nhất sỹ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ.
Cũng vì thừa nhận mối liên hệ phổ biến mà nhân dân ta đã nhận ra rằng, một sự vật luôn tồn tại trong những hoàn cảnh cụ thể, điều kiện cụ thể, trong những mối liên hệ cụ thể. Vì thế mà:
- Đắc thời đắc thế thì khôn
Sa cơ rồng cũng như giun khác nào.
Một biểu hiện khác của tính biện chứng trong tư duy người Việt được phản ánh qua tục ngữ, ca dao là sự phản ánh sự vật, hiện tượng không chỉ trong mối quan hệ mà còn trong sự khác biệt về chất. Chính sự khác biệt về chất ấy đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của thế giới.
- Tằm vương tơ, nhện cũng vương tơ
Mấy đời tơ nhện được như tơ tằm.
- Trăng mờ còn tỏ hơn sao
Dẫu rằng núi lở còn cao hơn đồi.
Tính biện chứng còn thể hiện ở chỗ, một sự vật, hiện tượng không thể ra đời từ hư vô, “Sông có cội, nước có nguồn”, vì vậy mà truyền thống đền ơn đáp nghĩa, “Uống nước nhớ nguồn” chính là sự cụ thể hoá quan niệm ấy:
- Ăn trái nhớ người trồng cây
Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay giần sàng
Trong thực tiễn lao động sản xuất, người dân cũng đã nhận ra quy luật lượng chất và đã thể hiện sự nhận thức về quy luật ấy bằng những câu tục ngữ, thông qua những hiện tượng cụ thể như:
- Tức nước vỡ bờ
- Quá mù ra mưa
Tính biện chứng trong tư duy người Việt còn thể hiện ở những câu tục ngữ, ca dao phản ánh sự vận động, phát triển không ngừng của vạn vật:
- Người đời khác nữa là hoa
Sớm còn tối mất, nở ra lại tàn
- Tre già măng mọc
Qua việc phân tích tính biện chứng của tư duy được biểu hiện trong ca dao, tục ngữ người Việt, chúng ta nhận thấy tính chất biện chứng ấy là biện chứng trực quan, ngây thơ chất phác. Nó nảy sinh từ thực tiễn lao động sản xuất và hoạt động xã hội của người dân. Sự tồn tại của những tri thức biện chứng trong ca dao, tục ngữ là những minh chứng cụ thể cho tính biện chứng trong tư duy người Việt.
- Quá trình mở rộng nghĩa của tục ngữ, ca dao - quá trình tư duy xem xét sự vật, hiện tượng trong mối liên hệ phổ biến và trong sự phát triển - cũng là sự thể hiện của một tư duy có tính biện chứng
Bất kỳ câu tục ngữ, ca dao nào cũng có một nghĩa ban đầu, nghĩa đen hay nghĩa gốc sản sinh đầu tiên trong quá trình con người tác động vào thế giới khách quan. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển lịch sử lâu dài, như mọi thể loại văn học dân gian khác, một bộ phận không nhỏ tục ngữ, ca dao, đặc biệt là tục ngữ, đã không chỉ mang một nghĩa gốc, mà nghĩa của chúng được mở rộng không ngừng. Nghĩa mở rộng đó là nghĩa bóng. Chính quá trình mở rộng nghĩa không ngừng ấy chứng tỏ tư duy người Việt đã đặt sự vật, hiện tượng trong những mối liên hệ phổ biến và trong sự phát triển và đã nhận ra những bản chất sâu hơn, những mối liên hệ bên trong của sự vật, hiện tượng. Điều đó cho phép ta khẳng định tư duy người Việt có tính biện chứng.
Xin được nêu một ví dụ cụ thể, đó là trường hợp của câu tục ngữ “Tức nước, vỡ bờ”. Lớp nghĩa gốc của nó nảy sinh trong quá trình lao động sản xuất, quá trình trị thuỷ của người dân. Họ đã nhận thấy rằng khi mà nước lên đến một mức độ nào đó, “tức nước”, thì bờ sẽ không chịu nổi và bị vỡ ra. Vì thế mà “Tức nước, vỡ bờ” là một kinh nghiệm trị thuỷ của người Việt, là một tri thức phản ánh quy luật của tự nhiên. Tuy nhiên, trong quá trình tương tác xã hội, tham gia vào các hoạt động xã hội, người dân đã nhận thấy có những hiện tượng tương tự trong xã hội như: áp bức nhiều, khổ cực nhiều thì người dân sẽ vùng lên đấu tranh. Họ đã không nhìn nhận hiện tượng của tự nhiên và của xã hội ấy như là hai hiện tượng cô lập, tách rời. Chính lối tư duy linh hoạt, đặt sự vật, hiện tượng trong mối liên hệ phổ biến và trong sự phát triển đã giúp họ nhìn thấy cái quy luật, cái bản chất sâu hơn ở bên trong những hiện tượng khác nhau (một bên thuộc tự nhiên, một bên thuộc xã hội). Cái bản chất sâu hơn ấy ngày nay được chúng ta gọi cụ thể là quy luật lượng đổi, chất đổi. Vì thế mà câu tục ngữ “Tức nước, vỡ bờ” đã được dùng với nghĩa bóng để chỉ quy luật phát triển trong xã hội. Rõ ràng quá trình mở rộng nghĩa của câu tục ngữ trên đã cho thấy tính biện chứng trong tư duy người Việt. Chúng ta cũng có thể nhận ra điều này qua một loạt các câu tục ngữ khác như: “Quá mù ra mưa”, “Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Lạt mềm buộc chặt”...
Lại cũng có trường hợp, nghĩa của câu tục ngữ, ca dao được mở rộng ngay trong lớp nghĩa gốc mà nó phản ánh. Ví dụ:
Hễ mà hoa quả được mùa
Chắc là nước bể, nước mưa đầy trời
Ai ơi nên nhớ lấy lời
Trông cơ trời đất liệu thời làm ăn
Từ hai câu đầu xuống hai câu cuối thể hiện sự khái quát ngày càng cao đối tượng phản ánh.
Một trường hợp khác nữa là quá trình mở rộng nghĩa từ câu tục ngữ này sang câu tục ngữ khác. Ví dụ như hai câu tục ngữ: “Rau muống sâu đen, rau dền sâu trắng” và câu “Rau nào, sâu nấy”. Nếu như câu thứ nhất là một phán đoán có tính đơn nhất, đối tượng phản ánh hẹp, thì câu thứ hai là một phán đoán chung hơn, đối tượng phản ánh rộng hơn.
Cùng với sự phát triển vũ bão của khoa học, chúng ta ngày càng nhận ra tính chân lý của các tri thức dân gian, kế thừa chúng, bổ sung cho chúng những lớp nghĩa mới. Điều đó cho thấy tính biện chứng trong tư duy người Việt ngày càng phát triển ở trình độ cao hơn, mang tính khoa học hơn. Và, một khi những khái niệm, phạm trù khoa học phức tạp được chuyển tải dưới dạng tục ngữ, ca dao - tức là tục ngữ, ca dao trở thành phương tiện lôgíc để diễn đạt tư tưởng khoa học - thì chúng trở nên dễ hiểu hơn, gần gũi hơn, Việt Nam hơn, và dễ đi vào lòng quần chúng lao động. Đó là một thủ pháp đầy hiệu quả mà những người làm công tác tư tưởng thường dùng. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần sử dụng tục ngữ, ca dao trong lời nói, bài viết của mình(3).
Trong thời đại ngày nay, truyền thống biện chứng trong tư duy dân tộc kết hợp với lý luận hiện đại, khoa học và cách mạng sẽ giúp chúng ta lĩnh hội một cách sâu sắc và sáng tạo những thành tựu văn hoá của nhân loại, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng tinh thần cho việc phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh./.
_____________________________
Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số 1 (tháng 1+2)/2005
(1) Trần Ngọc Thêm (1998), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.22.
(2) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (1997), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, tr.27; Tục ngữ Việt Nam, Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang, Phương Tri - Nxb Khoa học Xã hội, H. 1975, tr.49.
(3) Xem thêm Tục ngữ Việt Nam, Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang, Phương Tri - Nxb Khoa học Xã hội, H. 1975, tr. 147-148.
* Các câu tục ngữ, ca dao sử dụng trong bài này nằm trong các cuốn sách: Tục ngữ Việt Nam (Chu Xuân Diên, Lương Văn Đang, Phương Tri - Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1975), Tục ngữ, ca dao Việt Nam (Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1999), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam (Vũ Ngọc Phan, Hội nghiên cứu & giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, 1992).
Trần Hải Minh
Bài liên quan
- Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
- Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
- Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
- Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
- Về con đường đi tới của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và tầm nhìn cho kỷ nguyên mới
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình truyền hình
- 3 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Báo chí Việt Nam và Cu Ba chia sẻ kinh nghiệm, hứa hẹn mở ra sự hợp tác tương lai
Việt Nam - Cuba là biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết hữu nghị quốc tế. Hai dân tộc đã sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tình hữu nghị đặc biệt này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành một tài sản vô giá của cả hai dân tộc.
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Mấy vấn đề cơ chế tài chính đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay
Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện) là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng đào tạo đại học, sau đại học các ngành lý luận chính trị, báo chí, truyền thông, kinh tế, xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội…, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cấp. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện cần có cơ chế tài chính phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính và phân phối, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, thực hiện cơ chế tài chính ở Học viện đã có những chuyển biến tích cực, các nguồn thu đảm bảo chi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Học viện. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nguồn lực tài chính cho chiến lược phát triển giai đoạn mới của Học viện, công tác thực hiện cơ chế quản lý tài chính cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện.
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông (1994 - 2024): Những kỷ niệm khó quên
Trong 33 năm làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi có 30 năm gắn bó với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, cho dù tôi không phải trực tiếp biên chế công tác tại đây.
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ, trong những năm qua, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm lãnh đạo công tác này, qua đó đạt được một số kết quả khá quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố. Trên cơ sở phân tích thực trạng lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết đề xuất một số giải pháp giúp tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác này trong thời gian tới.
Bình luận