Học tập Hồ Chí Minh thu hút, trọng dụng nhân tài
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh thu hút và trọng dụng nhân tài
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, nhân tố con người có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng; và nhân tài có vai trò to lớn, là một động lực để phát triển đất nước, phải được phát hiện, thu hút và trọng dụng. Người cho rằng: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(1). Đồng thời, Người cũng chỉ rõ, một quốc gia, một đất nước không biết thu hút và sử dụng nhân tài là một khuyết điểm to, làm lãng phí một vốn quý của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và kiến thiết. Theo Hồ Chí Minh, khuyết điểm đó trước hết là của những người lãnh đạo Đảng và Chính phủ và chính Người cũng tự phê bình và nhận khuyết điểm đó. Người chủ trương phải “tìm người tài đức” vì “kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”(2).
Đi đôi với việc phát hiện nhân tài, một vấn đề rất quan trọng mà Hồ Chí Minh yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết thu hút và trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Đây là điểm mấu chốt của việc phát huy nhân tài trong sự nghiệp cách mạng. Việc trọng dụng nhân tài theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải làm thường xuyên, liên tục “như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trọng dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”(4). Việc dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Dùng người tài mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng và nó cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng.
Khi đánh giá khả năng, năng lực của nhân tài, Người lấy hiệu quả công việc cụ thể làm thước đo, đề cao và đánh giá những trí thức thực học, thực nghiệp, tức là người có những đóng góp thiết thực, cụ thể cho đất nước, cho nhân dân và cho xã hội bằng những sáng kiến, công trình. Người khẳng định: “Trí thức là hiểu biết... Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”(5). Người cũng khẳng định việc dùng nhân tài không nên quá khắt khe, miễn họ có lòng trung thành với Tổ quốc, không phản bội lại quyền lợi nhân dân là có thể dùng được. Người còn căn dặn, có rất nhiều nhân tài ngoài Đảng và chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về thu hút và trọng dụng nhân tài. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều nhân sĩ, trí thức khác nhau về xuất thân, địa vị xã hội nhưng họ đều là những trí thức có tâm huyết xây dựng nước Việt Nam mới. Tháng 1.1946, trong tình thế cách mạng diễn biến hết sức phức tạp, nhưng cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra thành công, lập ra Quốc hội dân chủ nhân dân đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt mới trong đời sống chính trị của người lao động Việt Nam. Điều đặc biệt, thành viên Chính phủ rất đa dạng, thuộc các tầng lớp khác nhau, trí thức Hán học, như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe, Hồ Đắc Điềm..., trí thức Tây học có Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai... họ đều chung một ý chí, đó là đoàn kết dân tộc, chung tay góp sức xây dựng chế độ mới, bảo vệ độc lập dân tộc.
Năm 1946, khi ngọn lửa chiến tranh có nguy cơ lan rộng trên cả nước, để tránh tổn thất, hy sinh cho đồng bào ta, Hồ Chí Minh đã trực tiếp sang Pháp đàm phán, nhưng phía Pháp đã từ chối thiện chí hòa bình của nhân dân ta. Trong thời gian ở Pháp, Hồ Chí Minh đã thu phục được các trí thức Việt kiều ở Pháp, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống thuận lợi, cùng với Bác về nước tham gia vào cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Tên tuổi và những cống hiến hết mình của họ đã cổ vũ cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi đến thắng lợi, đó là Anh hùng Trần Đại Nghĩa, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, Anh hùng Tôn Thất Tùng, Nhà Toán học Lê Văn Thiêm, Giáo sư Hồ Đắc Di...
Trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, rèn luyện các thế hệ cách mạng. Cho đến khi trước lúc đi xa, Người vẫn ân cần căn dặn trong Di chúc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(6). Với thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong gần 90 năm qua, đã khẳng định rõ tầm quan trọng của việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định, tư tưởng và tấm gương của Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trở thành bài học quý giá còn nguyên giá trị trong công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay.
2. Quan điểm và chủ trương của Đảng ta về thu hút và trọng dụng nhân tài trong thời kỳ đổi mới
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài được Đảng ta cụ thể hóa thành những chủ trương, đường lối trong từng giai đoạn cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định: “Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy mọi tiềm năng của đội ngũ trí thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước”(7).
Năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6.8.2008 “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”(8).
Cùng với những quan điểm, chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức trong nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26.3.2004 của Bộ Chính trị về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” nêu rõ: “Có hình thức thích hợp tổ chức thu thập ý kiến của đồng bào ở nước ngoài trước khi ban hành các văn bản pháp quy, chính sách có liên quan nhiều tới người Việt Nam ở nước ngoài. Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà. Xây dựng và hoàn thiện các chính sách tạo thuận lợi và khuyến khích các ngành, các trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ, văn hóa nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao, các cơ sở sản xuất, dịch vụ... ở trong nước mở rộng hợp tác, thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia công việc ở trong nước, làm việc cho các chương trình, dự án hợp tác đa phương và song phương của Việt Nam với nước ngoài hoặc trong các tổ chức quốc tế có chỉ tiêu dành cho người Việt Nam và tư vấn trong các quan hệ giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài”(9).
Đại hội XI của Đảng nêu rõ định hướng việc phát hiện, trọng dụng nhân tài của đất nước là: “Thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học, công nghệ”(10). “Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”(11).
Sau khi tổng kết thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26.3.2004 của Bộ Chính trị về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, ngày 19.5.2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” tiếp tục khẳng định nhất quán quan điểm tập hợp, tạo điều kiện thuận lợi để trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cùng đóng góp tài trí xây dựng đất nước. Chỉ thị nêu rõ: “Thường xuyên tổ chức cho người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến và tham gia vào các sự kiện chính trị - xã hội lớn của đất nước. Rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần vào thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Có chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(12).
Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ khoa học và công nghệ phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học”(13).
Hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của tri thức và vị trí của đội ngũ trí thức nói chung và nhân tài nói riêng vẫn sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đất nước. Để thu hút, trọng dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước hiện nay, cần thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thu hút và trọng dụng nhân tài. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về tiêu chí đánh giá nhân tài, vai trò của nhân tài và ý nghĩa trọng dụng nhân tài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cần nghiên cứu kỹ nhu cầu theo vị trí việc làm và dự báo nhu cầu của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong thời gian tới để tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, coi trọng việc sử dụng hiệu quả gắn với bồi dưỡng và phát triển nhân tài một cách bền vững.
Thứ hai, Đảng, Nhà nước cần xây dựng và triển khai chiến lược phát triển nhân tài. Đây là một vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài của sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. Xã hội càng phát triển thì vai trò của trí thức nói chung và nhân tài nói riêng càng có vị trí, vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định hàng đầu đối với sự phát triển đất nước. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, vấn đề nhân tài cần phải được đặt trong chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển tổng thể của đất nước.
Thứ ba, áp dụng các hình thức phát hiện, thu hút nhân tài phù hợp với từng lĩnh vực và điều kiện của mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Phải xuất phát từ đặc điểm, tính chất của từng lĩnh vực hoạt động để phát hiện đúng và thu hút được nhân tài phù hợp. Đối với nhân tài sẽ trở thành cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cần tập trung thu thập hệ thống các chỉ báo tài năng như: chỉ số thông minh (IQ); chỉ số sáng tạo (CQ); năng lực xã hội (EQ). Sử dụng tổng hợp các phương pháp phát hiện nhân tài như: kiểm tra nền tảng học vấn, kinh nghiệm; xem xét lời giới thiệu của các cá nhân, tổ chức có uy tín và có trách nhiệm; tổ chức sát hạch về khả năng nhận thức, về thành tích, tính cách và sở thích cá nhân; kết hợp nhiều hình thức phỏng vấn gián tiếp và trực tiếp khác nhau, như: phỏng vấn dựa trên tình huống; phỏng vấn đo lường hành vi; phỏng vấn bằng các câu hỏi duy lý; phỏng vấn tạo áp lực. Khuyến khích cán bộ, công chức phát hiện và tiến cử nhân tài... Phát hiện và thu hút nhân tài không chỉ là phát hiện những nhân tài đã lộ rõ, mà quan trọng là phải nghiên cứu, xây dựng chính sách thích hợp để thu hút được những nhân tài tiềm năng. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhân sự với các trường đại học trong việc theo dõi kết quả học tập, kết quả thi tuyển nhằm sơ tuyển những ứng viên tiềm năng.
Thứ tư, cần có chính sách về tôn vinh, khuyến khích về vật chất. Để thu hút nhân tài rất cần chính sách về tôn vinh. Đối với lao động trí tuệ đôi khi giá trị tinh thần còn quan trọng hơn cả lợi ích vật chất. Ngoài hệ thống quy định khen thưởng chung hiện nay, cần hình thành giải thưởng cấp quốc gia có uy tín cho sáng tạo khoa học. Cần tiếp tục đẩy mạnh tôn vinh và quan tâm giới thiệu những hiền tài Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước có cơ hội được thể hiện mình, đóng góp trí tuệ sáng tạo cho công cuộc xây dựng đất nước. Nghiên cứu cải tiến cơ bản chế độ tiền lương với nhân tài trên nguyên tắc đánh giá đúng giá trị cống hiến của lao động trí tuệ.
Thứ năm, tạo lập môi trường, điều kiện làm việc, trong đó có cả điều kiện cơ sở vật chất và cơ chế dân chủ cho cống hiến, sáng tạo. Đối với nhân tài, xây dựng môi trường và điều kiện làm việc là rất quan trọng. Môi trường ấy không chỉ là tiền bạc, điều kiện làm việc mà quan trọng hơn cả là văn hóa ứng xử, cơ chế sử dụng người tài: Từ việc tôn trọng, đánh giá đúng mức thành quả lao động của họ đến việc người đứng đầu tổ chức phải đủ bản lĩnh để bảo vệ người tài.
Trong khi nguồn lực nhà nước còn hạn chế, cần mở rộng cơ chế huy động các nguồn lực xã hội, nhất là các doanh nghiệp trong đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, ứng dụng triển khai. Trước mắt cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số Viện, Trung tâm nghiên cứu trọng điểm đạt mức tương đương các cơ sở nước ngoài để thu hút các nhà khoa học cả trong và ngoài nước đến nghiên cứu, làm việc. Tạo hành lang pháp lý và diễn đàn cho nhân tài phát huy nguồn lực trí tuệ, trong đó cần xây dựng, ban hành cơ chế dân chủ trong nghiên cứu sáng tạo. Vấn đề cần thấy là dân chủ trong nghiên cứu không đồng nhất với dân chủ trong sinh hoạt chính trị. Trong nghiên cứu khoa học không có nguyên tắc tuân theo đa số. Do vậy, một cơ chế dân chủ trong nghiên cứu hay rộng hơn là cho phát huy tài năng trí tuệ cần bảo đảm cho nhân tài được thể hiện, được sáng tạo, không bị quy chụp và đương nhiên lao động ấy phải vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển của Việt Nam.
Thứ sáu, cần có chiến lược thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc. Đổi mới nhận thức về tầm quan trọng của việc thu hút trí thức Việt kiều đối với phát triển kinh tế đất nước. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng đối xử bình đẳng giữa trí thức Việt kiều và trí thức trong nước trên mọi phương diện, tạo điều kiện để có thể huy động tốt nhất tiềm năng của đội ngũ trí thức Việt kiều. Theo đó, không chỉ cần xây dựng chính sách về chế độ lương, phụ cấp, bổ nhiệm, về nhà đất, vay vốn, chuyển giao công nghệ, về hộ chiếu, thị thực, cấp thẻ đặc biệt, thời hạn cư trú cho trí thức Việt kiều và thân nhân, mà còn phải hoàn thiện và thực thi nghiêm minh pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vì có tôn trọng sở hữu trí tuệ mới khơi nguồn sáng tạo và bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhà khoa học.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Việt kiều hướng về quê hương đất nước. Muốn thu hút được nhân tài là người Việt Nam đang công tác ở nước ngoài và nhân tài là Việt kiều thì các cơ quan chức năng phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất việc bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới các chính sách nhằm đáp ứng đúng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của bà con Việt kiều. Bên cạnh đó, để bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho trí thức Việt kiều giỏi có nguyện vọng về nước làm việc, có thể nghiên cứu trả mức lương tương đương với mức lương họ đang hưởng ở nước ngoài.
Tăng cường giao lưu giữa đồng bào trong nước với bà con Việt kiều ở nhiều cấp độ khác nhau, đề ra chính sách thông thoáng, hấp dẫn, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đồng bào Việt kiều. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, xóa bỏ những mặc cảm, định kiến trước đây. Hoan nghênh mọi nhân tài ở nước ngoài trở về cống hiến cho Tổ quốc, đồng thời trân trọng sự đóng góp của họ cho đất nước.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 12-2019
(1), (2), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.114, 504, 43.
(3), (5) Sđd, t.5, tr.313, 275.
(6) Sđd, t.15, tr.612.
(7) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.15.
(8) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.90-91.
(9) ĐCSVN: Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2001 - 2004 (Sách phục vụ thảo luận các dự thảo văn kiện Đại hội X), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.358-359.
(10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.219, 241.
(12) ĐCSVN: Các nghị quyết của Trung ương Đảng 2011 - 2015, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.447 – 448.
(13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.122.
PGS, TS Doãn Thị Chín
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn
Bài liên quan
- Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
- Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
- Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
- Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp cận từ góc độ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xem nhiều
- 1 Video Tư liệu: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển
- 2 Giữ gìn và bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc ít người, góp phần củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- 3 Sử dụng ChatGPT trong việc cải thiện kỹ năng viết cho sinh viên học tiếng Anh
- 4 Phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre: Thực trạng và giải pháp
- 5 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “30 năm - Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông”
- 6 Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”
Liên kết
- Báo điện tử đảng cộng sản việt nam
- Báo nhân dân
- Báo Quân đội nhân dân
- Cổng thông tin điện tử Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị quốc gia hồ chí minh
- Tạp chí Cộng sản
- Tạp chí Giáo dục lý luận
- Tạp chí Giáo dục và Xã hội
- Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn
- Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam
- Tạp chí Lý luận chính trị
- Tạp chí Nghiên cứu con người
- TẠP CHÍ Nghiên cứu dân tộc
- Tạp chí Người làm báo
- Tạp chí Nội chính
- Tạp chí Quản lý Nhà nước
- Tạp chí Tổ chức Nhà nước
- Tạp chí Tuyên giáo
- Tạp chí Xây Dựng Đảng
- Thư viện số Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương
Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả
Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”:
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Công tác dân tộc qua những bài học cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu thành lập nước
Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta đã phải đương đầu với nạn “thù trong, giặc ngoài”, ở cả 2 miền Nam, Bắc vấn đề về xung đột dân tộc trở thành tâm điểm có nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của nhà nước cách mạng non trẻ. Với trí tuệ uyên bác, sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vấn đề tưởng chừng hết sức phức tạp ấy lại được Người khéo léo giải quyết thành công, đem lại bài học có giá trị cách mạng sâu sắc về công tác dân tộc cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ tư tưởng của Hồ Chí Minh "Học không bao giờ cùng..." đến nhiệm vụ nghiên cứu, học tập của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc Việt Nam, là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất, Người đã để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho Đảng và Nhân dân ta. Di sản Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn các vấn đề của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến lời dạy của Người trong Thư gửi “Quân nhân học báo” tháng 4/1949: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”(1) là vấn đề có ý nghĩa thời sự đối với việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên nói chung, giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị nói riêng hiện nay.
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, hàm chứa nhiều nội dung sâu sắc về xây dựng Đảng cầm quyền, đặc biệt là vấn đề thực hành dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trải qua 55 năm, di huấn của Người về vấn đề này vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Bước phát triển về chuẩn mực “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”
Suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và nghiên cứu Điều 3 Quy định số 144 để thấy được bước phát triển của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Bình luận