(LLCT&TT) Việt Nam là một trong số 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nặng nề nhất do nước biển dâng. Với khả năng can thiệp của mình, truyền thông nói chung, báo Đảng địa phương khu vực ĐBSCL nói riêng, đã và đang gia tăng ảnh hưởng để góp phần giúp cộng đồng dân cư khu vực nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi nhằm thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, thông điệp về BĐKH trên báo Đảng ĐBSCL còn những hạn chế, chưa đạt được chất lượng và hiệu quả tối ưu. Bài viết này góp thêm cách tiếp cận nội dung và hình thức thông điệp về BĐKH trên báo Đảng ĐBSCL, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng thông điệp nhằm gia tăng năng lực và hiệu quả tác động đến công chúng trong thời gian tới.
1. Báo Đảng ĐBSCL với nhiệm vụ thông tin về BĐKH
ĐBSCL đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% sản lượng trái cây cả nước. Là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của cả nước, nhưng ĐBSCL lại là khu vực rất dễ tổn thương trước tác động của BĐKH. Hiện nay, trung bình mỗi năm ĐBSCL mất từ 300 đến 500 ha đất vì sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong 25 năm (1991-2016), toàn vùng đã sụt lún 18cm. Đến 2100, nếu mực nước biển dâng 100cm và không có các giải pháp ứng phó, ĐBSCL có nguy cơ ngập 38,9% diện tích. Trong giai đoạn 2010 - 2018, tổng thiệt hại do thiên tai và BĐKH gây ra ở ĐBSCL là 20.945 tỷ đồng(1).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã hoạch định chiến lược ứng phó BĐKH vùng ĐBSCL, theo đó, hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng ứng phó hiệu quả với BĐKH, được xem là giải pháp trọng yếu. Giải pháp đầu tiên mà Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đề cập chính là “Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Nghị quyết 120/NQ-CP về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, yêu cầu UBND các tỉnh thành phố trong vùng và các Bộ chuyên môn phải “đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và người dân nhận thức đầy đủ, chính xác các thách thức đang đặt ra đối với đồng bằng sông Cửu Long và từng địa phương trong vùng; chủ động trong thích ứng với BĐKH”.
Ở Việt Nam, báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuy nhiên, thuật ngữ “báo Đảng” thường được sử dụng để chỉ một cơ quan báo chí có cơ quan chủ quản là tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, để phân biệt với các cơ quan báo chí do các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp hay tổ chức tôn giáo… làm chủ quản. Cũng như các địa phương khác, các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương ở khu vực ĐBSCL đều có cơ quan báo chí trực thuộc với sản phẩm báo chí chủ lực là báo in bằng tiếng Việt. Theo Quy định số 338-QĐ/TW ngày 26.11.2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, báo Đảng địa phương có chức năng là cơ quan ngôn luận của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đồng thời là cầu nối thông tin giữa Đảng, Chính quyền với nhân dân địa phương; có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về đường 1ối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của đảng bộ, chính quyền địa phương. Đối tượng công chúng của báo Đảng địa phương là cán bộ, đảng viên, đoàn hội viên trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trên địa bàn. Theo Chỉ thị số 11- CT/TW, ngày 28.12.1996 do Bộ Chính trị khóa VIII ban hành về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng, mỗi chi bộ đảng, mỗi uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân xã, phường, mỗi cơ sở Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong cả nước đều phải có báo của đảng bộ địa phương mình. BĐĐP còn được coi là tài liệu sinh hoạt đảng, sinh hoạt dân cư và phát miễn phí đối với vùng biên giới, hải đảo, các cơ quan, đơn vị công tác ở nước ngoài và vùng đặc biệt khó khăn.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, lợi thế thông tin tiệm cận và khả năng cung cấp thông tin chính thức, chính thống và năng lực tác động trong hệ thống chính trị; yêu cầu cấp thiết cho báo Đảng ĐBSCL phải nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin về BĐKH để góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ địa phương. Muốn như thế, báo Đảng ĐBSCL cần phải xây dựng và chuyển tải đến công chúng những thông điệp bảo đảm chất lượng, hấp dẫn có sức thuyết phục cao về BĐKH; bởi thông điệp là yếu tố cốt lõi của quy trình truyền thông, là hồn cốt và cái sẽ đọng lại nơi công chúng sau khi tiếp nhận tác phẩm báo chí.
2. Thực trạng thông điệp về BĐKH trên báo Đảng ĐBSCL
Tác giả đã khảo sát 2.037 số báo in xuất bản từ năm 2017 đến hết tháng 6/2019 của 03 báo đại diện là báo An Giang, Cà Mau và Cần Thơ, chọn ra 1.290 tác phẩm báo chí có thể hiện thông điệp về BĐKH; đồng thời khảo sát bằng bảng hỏi với 450 công chúng ở 3 địa phương tương ứng. Phân tích thông điệp về BĐKH trên báo Đảng ĐBSCL ở hai khía cạnh nội dung và hình thức, từ đó rút ra các kết quả như sau đây:
2.1. Nội dung thông điệp
Nội dung thông điệp về BĐKH được xem xét ở 04 khía cạnh bao gồm (01) Thông điệp về các biểu hiện của BĐKH; (02) Thông điệp về tác động của BĐKH, (03) Thông điệp về nguyên nhân của BĐKH; và (04) Thông điệp về hoạt động ứng phó với BĐKH. Kết quả cho thấy, số lượng tác phẩm báo chí đề cập về Biểu hiện của BĐKH nhiều nhất, chiếm tỉ lệ 73,5% tổng số tác phẩm báo chí diện khảo sát, kế đến là về Hoạt động ứng phó của BĐKH, 66,4%. Thông tin về các tác động, hậu quả của BĐKH, 64,6%. Cuối cùng là nguyên nhân của BĐKH, chỉ có 14,1%.
- Thông điệp về các biểu hiện của BĐKH
Thông điệp về biểu biện của BĐKH đặc biệt có ý nghĩa trong việc giúp công chúng “nhận diện” được các dấu hiệu, diễn biến của các biểu hiện cũng như những tác động sâu sắc, lâu dài, từ đó quan tâm, chú ý, có thể sớm nhận ra những biểu hiện có dấu hiệu khác thường, là nội dung xuất hiện nhiều nhất trong 04 khía cạnh nội dung khảo sát. Tần suất các biểu hiện BĐKH được đề cập cũng phù hợp với diễn biến và tần suất xuất hiện của của các biểu hiện này trong thực tế tại ĐBSCL thời gian gần đây; chú trọng nhiều vào tình trạng sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển đang diễn ra ngày càng phức tạp, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn… ngày càng nhiều và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của cư dân trong khu vực.
- Thông điệp về tác động của BĐKH
Thông điệp này giúp công chúng nhận thức được những tác động mà BĐKH gây ra với sản xuất và đời sống lâu dài, từ đó có ứng xử kịp thời ứng phó với vấn đề này, được báo Đảng ĐBSCL chú trọng triển khai thực hiện và đăng tải với tần suất cao. Tuy nhiên, đại đa số công chúng nhìn nhận BĐKH là một vấn đề tiêu cực, còn mặt tích cực của BĐKH thì rất ít đề cập. Các lĩnh vực bị tác động do BĐKH được đề cập khá đa dạng, nhiều nhất vẫn là các hậu quả có thể nhận thấy, đặc biệt là các thiệt hại vật chất như nhà cửa, đường sá, đê điều, tiền bạc, mùa màng, số người bị thương hay thiệt mạng… mà ít tập trung làm rõ những hậu quả tác động tâm lý, sức khỏe và cuộc sống lâu dài của BĐKH đối với con người. Cũng vậy, các đối tượng yếu thế như trẻ em, người già, phụ nữ và người nghèo - là đối tượng chịu nhiều tác động - cũng ít được đề cập trong các thông điệp về tác động của BĐKH.
- Thông điệp về nguyên nhân của BĐKH
Nguyên nhân của BĐKH là một trong những nội dung quan trọng của truyền thông về BĐKH, giúp công chúng nhận thức đúng đắn về lý do khiến cho BĐKH ngày càng phưc tạp; có tác dụng “cảnh tỉnh”, giúp công chúng rà soát và điều chỉnh hành vi ứng xử với môi trường. Tuy nhiên, thông tin về nguyên nhân của BĐKH đòi hỏi tính chuyên môn cao, không phải ai cũng có thể tùy tiện đưa ra nhận định mà thường được phát ngôn bởi những người am hiểu như những chuyên gia, nhà khoa học. Bên cạnh đó, quá trình phân tích, lý giải nguyên nhân BĐKH đòi hỏi sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học buộc các nhà báo phải thấu hiểu vấn đề và có khả năng diễn đạt bằng từ ngữ đại chúng, gần gũi nhưng chính xác. Vì thế, thông tin về nguyên nhân của BĐKH là nhóm nội dung ít được đề cập trong các bài viết về BĐKH trên báo Đảng ĐBSCL, chỉ chiếm 14,1%, với 182 tác phẩm báo chí. Trong đó, nhóm nguyên nhân do con người được đề cập nhiều hơn nhóm nguyên nhân do tự nhiên.
- Thông điệp về giải pháp thích ứng với BĐKH
Nội dung thông điệp về giải pháp thích ứng BĐKH được báo Đảng ĐBSCL chú trọng với nhiều góc thể hiện phong phú, giúp công chúng thấy được những quyết sách, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và có thêm những kiến thức, kinh nghiệm về thích ứng với BĐKH, trong đó có nhiều kinh nghiệm được hình thành, đúc kết từ thực tiễn… góp phần hun đúc thêm niềm tin, động lực cho công chúng. Tuy nhiên có sự mất cân đối đáng kể trong nội dung thông điệp về giải pháp ứng phó với BĐKH, do đa số các thông điệp tập trung vào việc thông tin về các hội nghị, báo cáo và các hoạt động, chỉ đạo của lãnh đạo về ứng phó với BĐKH hơn là tìm kiếm và giới thiệu các mô hình, cách làm hiệu quả từ thực tiễn.
2.2. Hình thức của thông điệp
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin và môi trường truyền thông mới, dù nội dung thông điệp có thú vị, hấp dẫn đến đâu, nhưng hình thức thông điệp không tương thích, không nổi bật và đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn công chúng thì năng lực và hiệu quả tác động của tác phẩm báo chí sẽ rất hạn chế, thậm chí khó đi vào lòng người.
Ở đây, chúng tôi nói đến hình thức thông điệp trên mấy bình diện như cấu trúc, cách thức tổ chức thông tin, tần suất xuất hiện và dung lượng, ngôn ngữ biểu đạt.
Kết quả thống kê - phân loại 1.290 tác phẩm thuộc diện khảo sát cho thấy thể loại báo chí thể hiện thông điệp BĐKH trên báo Đảng khu vực ĐBSCL chưa được đa dạng hoá. Nhóm tin, bài thông tấn (bao gồm các loại tin, các dạng bài thông tấn, tường thuật, phản ánh, phỏng vấn, phóng sự, điều tra v.v...), chiếm đại đa số với 1.195 tác phẩm (92,6%). Trong đó, thể loại tin và bài phản ánh được sử dụng nhiều nhất. Điều này cũng dễ hiểu bởi tin và bài phản ảnh có thế mạnh là có thể tác nghiệp nhanh, ngắn gọn và đáp ứng yêu cầu thời sự. Tuy nhiên, do hạn chế về dung lượng nên có nhiều tin trong 3 tờ báo khảo sát được đăng tải có nội dung rất sơ lược, mang tính lễ tân; nhiều tin khai thác từ các báo cáo cũ, ít thông tin mang tính phát hiện và do đó không tạo được nét riêng, trong khi, thông điệp truyền thông phải tạo sự khác biệt. Các bài báo thuộc nhóm chính luận như bình luận, chuyên luận phân tích, lý giải vấn đề một cách hệ thống với những lập luận chặt chẽ thường mang tính thuyết phục cao nhưng không xuất hiện nhiều trên các báo trong khoảng thời gian khảo sát - chỉ có 8 bài. Những bài viết được dịch từ báo nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế chiếm tỉ lệ 6,6%, chỉ xuất hiện ở báo An Giang và báo Cần Thơ. Trong khoảng thời gian khảo sát, chỉ có 8 bài thuộc thể loại bài chính luận (0,6%) và cả 3 tờ báo và không có tin bài nào thuộc infographic.
Các thông tin về BĐKH cần phải được nêu một cách chính thức và chính thống, sát thực tế, từ các nguồn tin rõ ràng nên các thông tin chủ yếu được diễn đạt bằng phong cách ngôn ngữ báo chí rõ ràng, ngắn gọn. Các bài viết trong diện khảo sát cũng thể hiện rõ phong cách ngôn ngữ khoa học, như: sử dụng nhiều thuật ngữ khoa học, chỉ dùng với một nghĩa, không dùng các biện pháp tu từ. Câu văn chặt chẽ, mạch lạc, cú pháp chuẩn; câu văn mang sắc thái trung hòa… Tuy nhiên, trong một số bài viết vẫn còn sử dụng quá nhiều các từ ngữ chuyên môn hoặc sử dụng các thuật ngữ gây khó hiểu. Có những từ/ cụm từ lặp lại nhiều lần trong các bài viết như: “hiểm họa toàn cầu”, “mối nguy hàng đầu”, “hiểm họa lớn nhất của nhân loại”, “thảm họa”, “vấn nạn”, “không thể đảo ngược”, “hơn người ta tưởng”, “hết sức tồi tệ”; nói về tác động của BĐKH thì “kinh hoàng”, “khủng khiếp”, “nghiêm trọng”, “thảm khốc”… Việc sử dụng thường xuyên các ngôn ngữ “gây sốc” có thể khiến công chúng nghĩ rằng BĐKH là một vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của con người và hoàn toàn không thể có giải pháp ngăn chặn. Việc sử dụng các loại hình ngôn ngữ phi văn tự để thể hiện thông điệp về BĐKH trên báo Đảng ĐBSCL cũng còn rất hạn chế, đơn điệu và hình ảnh là loại hình ngôn ngữ phi văn tự chủ yếu. Tuy nhiên, hình ảnh sử dụng trong một số bài viết còn hạn chế, như: chất lượng ảnh chưa tốt (ảnh quá tối hoặc bị mờ), hình ảnh không phù hợp với nội dung bài viết, một số hình ảnh có bố cục chưa đẹp, chưa mang phong cách ảnh báo chí…
Cả 03 báo khảo sát đều không có chuyên mục BĐKH cũng như chuyên trang cố định nội dung này. Về vị trí đăng tải, 42,2% số lượng bài viết được giới thiệu ở trang 1 và hơn 50% bài viết đăng ở những trang có vị trí quan trọng (trang 2, 3, trang in màu). Các bài viết đăng ở những vị trí quan trọng, dễ tạo ấn tượng với công chúng và dễ tìm đọc sẽ giúp thông điệp dễ dàng được tiếp cận và lan tỏa.
3. Vấn đề đặt ra và giải pháp nâng cao chất lượng thông điệp về BĐKH trên báo Đảng địa phương ĐBSCL
3.1. Những thành công và hạn chế
Báo Đảng ĐBSCL đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các bài viết về BĐKH, đóng góp đáng kể trong việc cung cấp thông tin, bổ sung kiến thức và định hướng hành động ứng phó với BĐKH cho công chúng trên địa bàn. Công chúng không chỉ nhận diện được các biểu hiện, hiểu và ủng hộ với những chính sách can thiệp giảm nhẹ tác động BĐKH mà Nhà nước đang triển khai và còn học tập được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng có giá trị ứng dụng cao trong hành động thích ứng với BĐKH.
Bên cạnh những thành công, bản chất phức tạp của BĐKH và những yếu tố không thuận lợi về nguồn lực, về điều kiện tiếp cận nguồn tin và nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan khác khiến cho hoạt động thông tin về BĐKH của báo chí không phải lúc nào cũng như mong muốn, từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng thông tin và giá trị của thông điệp về BĐKH trên báo chí nói chung, báo Đảng ĐBSCL nói riêng.
Ở khía cạnh nội dung, thông điệp về BĐKH trên báo Đảng ĐBSCL thiếu sự bao quát, đề cập nhiều đến biểu hiện, hậu quả của BĐKH và hoạt động ứng phó với BĐKH của các ngành, các địa phương hơn là đưa các thông tin khoa học, các bài viết dự báo về BĐKH. Thông tin về BĐKH còn 1 chiều, nhấn mạnh tác động tiêu cực chứ chưa nhìn thấy được những tác động mang tính tích cực của sự thay đổi các yếu tố khí hậu ở từng thời điểm, vùng địa lý khác nhau.
Về hình thức, yếu tố đa dạng về thể loại là một yêu cầu quan trọng để đảm tính mới mẻ và hấp dẫn của thông điệp báo chí. Tuy nhiên, hầu hết các thông điệp về BĐKH trên báo Đảng ĐBSCL thuộc thể loại tin, bài thông tấn, chủ yếu là mô tả, tường thuật lại sự việc, sự kiện. Các bài viết chính luận nhằm phân tích, lý giải vấn đề một cách thấu đáo rất ít. Tin, bài infographic chưa được các phóng viên sử dụng.
Việc xử lý các thuật ngữ chuyên ngành ở một số bài viết BĐKH trên báo Đảng ĐBSCL không linh hoạt, còn nhiều từ, cụm từ chuyên môn chưa được phổ thông hoá, gây khó hiểu cho công chúng. BĐKH là lĩnh vực khoa học đòi hỏi sự chuẩn xác trong ngôn từ, tuy nhiên ngôn ngữ trong nhiều bài viết được sử dụng theo suy đoán chủ quan của người viết chứ không dựa vào căn cứ khoa học; phổ biến tình trạng “cường điệu hóa” các từ ngữ về tác động của BĐKH theo hướng hù dọa, cực đoan.
3.2. Giải pháp nâng cao chất lượng thông điệp về BĐKH trên báo Đảng địa phương ĐBSCL
Qua khảo sát công chúng, phần lớn ý kiến cho rằng các thông tin về BĐKH trên báo Đảng ĐBSCL chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu (63,4%), 12,2% chưa thỏa mãn và chỉ có 24,4% thỏa mãn. Điều này cho thấy thông điệp về BĐKH trên báo Đảng ĐBSCL cần thay đổi để phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu thông tin của công chúng.
- Về nội dung: các tác phẩm trên báo Đảng khu vực ĐBSCL cần thông tin đa dạng nhiều khía cạnh của BĐKH với các góc tiếp cận khác nhau. Tăng cường nội dung phân tích nguyên nhân của BĐKH, chỉ ra được mối liên hệ giữa việc gia tăng các biểu hiện, dấu hiệu, tác động của BĐKH với những tập tục, thói quen chưa tốt trong sản xuất, sinh hoạt và hành vi khai thác thiếu bền vững các tài nguyên thiên nhiên của con người. Cần bổ sung thông tin về các tác động tích cực của BĐKH, giúp cộng đồng nhìn nhận, BĐKH không chỉ đem đến nguy cơ mà còn mở ra nhiều cơ hội để chuyển đổi kinh tế, phát triển sản xuất bứt phá, tạo lợi thế cạnh tranh.
Để nâng cao năng lực tác động và hiệu quả của thông điệp, báo Đảng ĐBSCL thông tin về BĐKH cần tăng cường các bài viết mang tính phản biện, tránh kiểu thông tin một chiều, áp đặt. Đổi mới tư duy lựa chọn đề tài, đổi mới cách tiếp cận và phân tích vấn đề theo hướng bám sát từ cơ sở và thực tế cuộc sống; đặc biệt chú trọng tìm hiểu, thông tin về những thương tổn, tâm tư, nguyện vọng, của nhóm người yếu thế bởi những tác động không thể đo đếm của BĐKH. Những mâu thuẫn nội tại trong thực tiễn vận hành của xã hội trong bối cảnh tác động đa chiều do biến đổi khí hậu, nếu được nhà báo khơi dậy, sử dụng sức mạnh truyền thông khơi thức thành dư luận, tạo được sức ép để có được sự can thiệp của chính quyền, thì giá trị không chỉ cho đối tượng được phản ảnh, mà còn góp phần tạo dựng niềm tin của công chúng cũng như đồng thuận xã hội.
Mở rộng và đa dạng hoá thông tin về BĐKH, để cung cấp cho công chúng một cái nhìn toàn diện về BĐKH trên thế giới, giúp công chúng học tập kinh nghiệm ứng phó với BĐKH mà bạn bè quốc tế đang thực hiện. Đồng thời, tăng cường thông tin về thực trạng và những thành tựu ứng phó BĐKH để cộng đồng quốc tế thấy được những nỗ lực của Việt Nam; qua đó kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế đến Việt Nam để nghiên cứu tìm giải pháp cũng như kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để Việt Nam ứng phó với BĐKH.
- Về hình thức: cần thiết đa dạng thể loại để công chúng quan tâm đến đề tài cảm thấy bớt nhàm chán khi tiếp nhận thông điệp, đồng thời giúp phát huy hiệu quả thể hiện nội dung thông tin trong một số trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, việc xây dựng các bài viết theo hình thức infographic cũng cần được quan tâm hơn, bởi đây là một trong các hình thức thể hiện mới mẻ, giúp giảm sự đơn điệu không chỉ cho tác phẩm mà cả ấn phẩm báo Đảng.
Bảo Đảng ĐBSCL chủ yếu sử dụng văn phong ngôn ngữ khoa học để biểu đạt nội dung thông tin về chủ đề BĐKH là phù hợp. Tuy nhiên việc xử lý các thuật ngữ khoa học cần linh hoạt hơn nữa. Các bài viết cần lựa chọn ngôn ngữ giúp công chúng dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo, hạn chế những từ ngữ mang tính hàn lâm và các từ ngữ biểu thị tính chất cực đoan khi mô tả về BĐKH. Tăng cường sử dụng các loại hình ngôn ngữ phi văn tự trong việc biểu đạt nội dung thông điệp BĐKH như đồ họa, biểu đồ… làm sinh động, phong phú cho bài viết. Hình ảnh phải có chất lượng tốt, bố cục rõ ràng và có tính thẩm mỹ lẫn giá trị thông tin, phù hợp với nội dung thông điệp.
Trong bối cảnh BĐKH vẫn còn diễn biến và tác động phức tạp, thời gian tới hoạt động để thích ứng với BĐKH cần phải tăng cường và truyền thông nói chung, báo Đảng ĐBSCL nói riêng cũng sẽ tiếp tục giữ vai trò trọng yếu thực thi nhiệm vụ đó. Vì thế, một số giải pháp về nội dung, hình thức thông điệp đã được chúng tôi nêu ra trong bài viết này nhằm nâng cao chất lượng thông điệp, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng theo hướng tích cực hơn/.
________________________________________________
(1) Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, 2017, “Giải pháp chuyển đổi nông nghiệp bền vững cho các tiểu vùng ở ĐBSCL" , Hội nghị hát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH, Cần Thơ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016,) Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016, Nxb. Tài nguyên môi trường và Bản đồ Việt Nam. Hà Nội.
2. Daniel Riffe, Stephen Lacy, Frederick Fico (2005), Analyzing Media Messages: Using Quantitative Content Analysis in Research, Second Edition, Lea Published, London.
3. Nguyễn Văn Dững (Chủ biên) và Đỗ Thị Thu Hằng (2012); Truyền thông - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb. Chính trị Quốc gia. Hà Nội.
4. Đinh Văn Hường, Nguyễn Minh Trường (2017), Báo chí với vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bình luận